Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.135
123.227.787
 
Thương yêu trong ca dao Việt Nam
Nguyễn Tiến Văn

Tặng Hương

 

Có hai từ căn bản trong quan niệm luyến ái của trai gái Việt Nam: thương và yêu. Hai từ này chuyển tải hai thái độ làm người và quan hệ có khác biệt khá nền tảng: thương là quan hệ truyền thống; yêu là quan hệ hiện đại. Mốc phân luồng có thể lấy là khoảng đầu thế kỉ 20 với ranh giới là 1915 khi chế độ khoa cử bị bãi bỏ dưới thời Pháp đô hộ và phong trào lãng mạn dưới ảnh hưởng của phương Tây với chủ nghĩa cá nhân thịnh hành từ 1925 đến 1945, tức là trước ngày độc lập của dân tộc và kháng chiến chống Pháp.

 

Phong trào lãng mạn với ảnh hưởng phương Tây nay đề cao sự giải phóng cá nhân khỏi những ràng buộc của gia đình, gia tộc, phong tục luân lí của tập tục làng xã và luân lí gia trưởng phong kiến mà đại biểu là nhóm Tự lực văn đoàn giai đoạn 1932-1945.

 

Quan niệm truyền thống hàng ngàn năm của luyến ái Việt Nam chúng ta có thể tìm thấy trong văn học truyền miệng qua ca dao, tục ngữ, và qua các truyện Nôm.

 

Tần số xuất hiện của từ “thương” trong văn học truyền thống mang nhiều gấp cả chục lần từ “yêu” để chỉ quan hệ luyến ái của gái trai Việt Nam.

 

Một bài ca dao tiêu biểu là “Mười thương”:

 

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

Ba thương má lúm đồng tiền

Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua

Năm thương cổ yếm đeo bùa

Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng

Bảy thương nết  ở khôn ngoan

Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh

Chín thương cô ở một mình

Mười thương con mắt có tình với ai

 

Còn vô số những bài khác như:

 

Một thương, hai nhớ, ba sầu

Cơm ăn chẳng được, ăn trầu ngậm hơi

Thương chàng lắm lắm chàng ôi!

Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than

Muốn than mà chẳng được than

Kìa như đá đổ bên ngàn lầu tây

Đá đổ còn có khi đầy

Thương chàng biết thuở nào khuây hỡi chàng

 

Hoặc:

 

“Một thương, hai nhớ, ba trông

Tứ chờ, năm đợi, sáu mong kết nguyền”

 

“Một thương, hai nhớ, ba vì

Chín chờ, mười đợi có khi vuông tròn”

 

“Một thương, hai thương

Ba thương, bốn nhớ

Đạo chồng, nghĩa vợ

Là đức cù lao

Nhớ khi trăng gió mưa rào

Trăm năm gối phượng má đào bên em”

 

“Không đi thì nhớ thì thương

Đi thì lại mắc chiếc mương, chiếc cầu

Không đi thì thảm thì sầu

Đi thì lại mắc cái cầu, cái mương”

 

Thương và yêu cũng có khi được dùng thay cho nhau, cả trong ca dao tục ngữ, tuy nhiên phần trội bật vẫn là thương. Ở đây, chúng ta tìm hiểu xem đâu là những khác nhau chủ chốt của hai từ này.

 

Để giải quyết vấn đề này chúng ta phải đi đến cội nguồn của chữ để tìm nghĩa. Chữ ở đây là chữ Nho và chữ Nôm.

 

Trong chữ Nho cũng như chữ Nôm, thương có 2 chữ: một là chữ với bộ tâm và chữ sương (kho lẫm); và một là chữ với bộ nhân và chữ dương (trong âm dương).

 

Chữ thương chỉ tấm lòng chứa đựng nhiều, nên sầu bi cảm thông với kẻ khác. Chữ thương là vết thương, sự đau đớn, dẫn đến xót xa, chia sẻ với kẻ khác.

 

Còn chữ yêu trong chữ Nho và chữ Nôm cũng có 2 chữ: một là chữ với bộ đại và cái phết ở trên tức bé nhỏ và một là với bộ á và chữ nữ (đàn bà/con gái), có nghĩa là cần thiết, đòi hỏi, muốn có.

 

Chúng ta thương người là vì chúng ta đã biết đến đau khổ, cũng như “tay đứt ruột xót”, “máu chảy ruột mềm” không bị thương thì không thương mình và không có khả năng thương người.

 

Lòng thương, tình thương trong Phật giáo gọi là từ bi. Bi là buồn cho sự đau khổ của người khác. Từ là mở rộng lòng để ôm lấy, chữa trị, cứu độ cho nỗi đau khổ đó. Từ bi tiếng Anh là compassion tức cộng cảm, thông cảm. Từ thương này trong Kitô giáo gọi là passion như trong The passion of Jesus Christ tức sự thương khó của chúa Jesus Kitô, chỉ việc tuẫn nạn trên thập tự giá vì muốn gánh chịu chia sẻ với tội lỗi của loài người.

 

Như vậy thương bao dung, thâm thuý và cao cả hơn yêu. Vì yêu là mong muốn sở hữu, chiếm đoạt vì thiếu, vì cần, vì không có.

Hai sản vật đặc trưng của Việt Nam trong lịch sử là: ngọc trai và trầm hương. Ngọc trai (như châu trong Mị châu) là con trai bị tổn thương khi bị hạt cát cứa vào thịt, phải dùng nội tiết để chống đỡ, tự vệ và bao quanh hạt cát đó những lớp xa cừ óng ánh bảy màu. Nếu không thắng vượt thử thách này con vật sẽ bỏ mình.

 

Trầm hương là đặc sản của miền Trung Việt Nam ở rừng núi suốt từ Thanh hoá đến Đồng Nai trước là lãnh thổ của vương quốc Champa. Trầm hương chỉ có khi cây dó bị sét đánh, heo rừng húc, hay vét chém và cây dó tự cứu mình bằng cách tiết ra những nhựa sống để bao bọc lấy vết thương đó. Lâu ngày, nhựa đó kết thành trầm hương. Trầm là chìm vì nó nặng hơn bản thân gỗ dó và nước rất nhiều. Hương vì nó tỏa mùi thơm nên thường được dùng tạc tượng thờ luôn có hương ngát tự nhiên, ngay cả những thứ gỗ dác bên cạnh đốt lên cúng làm trầm nhang rất quý. Vì trầm quý như vàng nên những người thợ rừng có tục lệ là nếu đi gặp cây dó là phải chém một vài nhát để hi vọng có trầm hương, không phải cho mình,mà cho người sau. Thành ngữ “Ngậm ngải tìm trầm” là nói đến việc khó khăn phải dùng đến bùa ngải để tìm ra được sản phẩm quý hiếm này.

 

Tình thương, thương yêu là ban cho, tặng gửi, không phải là ham hố, thèm muốn vì thiếu thốn. Chỉ đến thập niên 1920 , với sự nẩy nở của văn minh thành thị và công nghệ cùng với thế hệ “tài hoa son trẻ” của chủ nghĩa cá nhân du nhập từ phương Tây, chữ yêu mới trở nên thịnh hành và lấn át chữ thương trong quan hệ luyến ái nam nữ thanh niên Việt Nam.

 

Ngày nay, nếu chúng ta về những vùng nông thôn, sống với xã hội truyền thống sẽ thấy rằng gái trai khi tỏ tình dùng chữ thương nhiều hơn chữ yêu. Có thể họ không cần phân tích, tính toán như nhà thơ Xuân Diệu:

 

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết

 

(Bài “Yêu” trong tập Thơ thơ, xuất bản năm 1938)

Ngay ở phương Tây, nữ sĩ de Sévigné (1626-1696) ở Pháp sống trước thời lãng mạn chủ nghĩa của thế kỉ 19, trong thư gửi con gái cũng định nghĩa rất là truyền thống: “Aimer, c’est donner et pardonner” (Thương yêu là cho và tha cho) mà tôi xin phóng dịch là “luyến ái thị từ bi hỉ xả”

 

Ngày Tết tôi cũng xin nhắc nhớ một vị thầy đã dạy đơn giản hơn nữa: “Thương yêu là ăn chung, ngủ chung và mộng chung.” Tức là chia sẻ về vật chất, về sinh lí, và về lí tưởng. Như thế cũng là đắc đạo vậy.

 

Ngày 8/2/2011

 

(Bài này đã được đăng tại trên tạp chí Thể thao văn hoá của Thông tấn xã Việt Nam số Tân niên tức số 7 (183) ra ngày 11/2/2011, trang 46-47 cho tổ chức chuyên đề văn học: Chuyện tình yêu). Bản của tác giả gửi.

 

Nguyễn Tiến Văn
Số lần đọc: 4871
Ngày đăng: 03.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiều 30 Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Bài chòi ngày xuân Xưa và Nay - đi tìm lời giải mã - Phạm Phù sa
Tục Ngữ Khánh Hoà - Lê Khánh Mai
Tìm Hiểu Thang Âm Ngũ Cung Trong Âm Nhạc Huế - Nguyễn Phú Yên
Cây dừa trong văn hóa Tây Nam Bộ - Tiền Văn Triệu
Hệ Thống Phân Loại Nhạc Cụ Trung Quốc - Vương Trung Hiếu
Ma Quỷ Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Cách Nói Của Người Miền Tây Nam Bộ Qua Ca Dao - Trần Minh Thương
Cây Bần Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương