Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.234.116
 
Sinh nhật tôi
Trần Hoài Thư

Khi tôi ló mặt vào phòng, thì tiếng hát Happy birthday to you happy birthday to you cùng tiếng vỗ tay đồng loạt trổi dậy. Tôi nghe cả giọng ca ồ ồ của ông Marty xen lẫn giọng ca thánh thót của nàng Nancy, nàng Virginia...

 

Thì ra hôm nay là ngày tôi ra đời. Và cả nhóm đã dành cho tôi  một kinh ngạc. Chiếc bánh kem màu trắng. Tên họ tôi màu xanh. Và năm ngọn đèn cầy chờ tôi đốt. Tôi rối rít nói cám ơn. Rồi bật lửa. Những ngón tay tôi run. Do từ vết thương cũ từ một chiến trường xa lắc xa lơ nào đó. Rồi tôi đốt từng ngọn nến. Rồi thổi  phù phù cho một cơn phù du trong chợp mắt... Sau đó, tôi lấy dao cắt bánh. Bỏ từng miếng vào dĩa giấy rồi mời từng đứa.  Thì ra hôm nay con người như tôi lại giá trị đến độ như vậy sao. Happy birthday. Họ bắt tay chúc mừng.  Thêm một tuổi già hay thêm một năm bị thời gian cướp mất. Họ đâu có biết tận cùng sâu thẩm của tâm hồn tôi. Họ đâu có biết nguồn gốc lai lịch khai sinh căn cước của tôi. Họ chúc mừng  bởi vì đời vui lắm, hạnh phúc lắm. Tôi cũng làm bộ cảm kích, vui lắm, hạnh phúc vô cùng. Thì cứ thử xem hôm nay là ngày tôi chào đời đi, để chào mừng cuộc đời. Cứ đóng kịch, cám ơn lia lịa, làm bộ tỏ ra ngạc nhiên và xúc động trước những ân tình của người bản xứ.

 

Vâng. Cám ơn. Cám ơn xứ sở này cho ta một nơi dung thân. Cám ơn hãng này đã mướn ta trên mười hai năm mà không gạt ta ra ngoài theo cái định luật cung cầu của business. Cám ơn cái bằng cấp để ta còn viết vào vào hồ sơ xin việc. Và một lời cám ơn cuối cùng. Cám ơn Trời Đất đã gìn giữ ta, cho ta còn sống sót, để viên đạn xẹt vào đầu vú ta, thay vì trái tim ta, để trái lựu đạn nào đó mà thằng nhỏ mười một mười hai tuổi quăng vào chạy lăn lóc, không nổ, hay cái lẫy cò cứng ngắc khi ta chỉa mũi súng vào lưng thằng lính mà bóp cò khi nó không chịu tiến tới... Cám ơn mấy chục lần ta chạy có cờ, kêu anh cảnh vệ ơi, tôi đi cầu. Đ. M mày, đi ỉa thì đi, mắc mớ gì kêu ông. Cám ơn biển mặn không đón ta, ôm ta, ru ta vào lòng, hay bão tố không bứng ta lên cùng mây trắng. Cám ơn hơi thở tiếp tục triệu ức tỉ tỉ tỉ tỉ lần, cho nhịp tim cứ đập tỉ tỉ tỉ tỉ lần...Cám ơn đời sống này dù mắt đã bắt đầu mờ, da bắt đầu nhăn, trí nhớ đã bắt đầu kém, tay đã bắt đầu run...

 

*

 

Tôi trở lại phòng. Cái ghế dựa. Chiếc bàn. Những ngăn đựng hồ sơ, tài liệu, sách vở. Màn ảnh màu xanh. Máy computer. Điện thoại. Như vậy, tôi đã chia xẻ cùng chúng đã hơn 12 năm dài. Không buồn. Không vui. Không gì hết. Ngoài cửa kính, mùa đông xám xệt bầu trời, trơ trụi những thân cây đen thẩm. Xa xa là những ngọn đồi mờ nhạt. Những con quạ đen hiện ẩn trên nhành khô. Đất trời đó, vũ trụ đó, nhân loại đó, hôm nay tôi lại được có mặt thêm một năm, cho vui cửa vui nhà, vui ngày vui tháng. Nhưng cớ sao tôi lại nhắm mắt, lòng như thể rưng rưng...

 

Vâng, tôi vẫn còn sống, và sống vui, sống mạnh, sống như thể một cơn mơ. Còn đòi hỏi gì nữa khi tự dưng có một tên trôi sông lạc chợ từ bên kia bán cầu lại có mặt tại xứ thiên đàng này để người ta tổ chức ăn mừng. Còn đòi hỏi gì hơn khi một tên vô sản chánh gốc, không nhà, không cửa, đạp xe thồ, bán cà rem dạo, nay đang gia nhập vào trong một thế giới mà người ta gọi là chuyên gia. Đó có phải là giấc mơ mà bất cứ ai ai cũng ước muốn hay sao. Nhưng tôi biết, tôi không thể nào quên. Bởi ngoài kia, ngọn đồi mỗi ngày tôi nhìn, để hiểu tại sao tôi lại vẫn còn sống đây, vẫn còn tiếp tục hưởng những đặc ân của Thượng Đế.

 

*

 

Khi chúng tôi chiếm được cao điểm, và báo cáo với đại bàng là hang đá quá nhiều không thể biết nơi nào địch trú ẩn, thì địch bắt đầu đồng loạt khai hỏa. Hai khẩu đại liên ở hai bên sườn núi quạt xuống trung đội ba và trung đội chỉ huy đang bị mắc kẹt dưới thung lũng. Rồi ở dưới chân tôi, tự dưng một quả lựu đạn được quăng lên. Người lính truyền tin hét lên: " Lựu đạn. Ông thầy!", rồi xô tôi xuống một vực sâu đầy bụi gai. Tôi té nhào. Những miểng gan đã găm đầy vào thân thể tôi, cả hai ống chân, và cả mông. Thằng mang máy bị sức nổ làm bắn lên không và cũng rơi xuống vực cạnh tôi. Cả mặt mày nó nhuộm đầy máu.

 

Đó là một con thác khô, mà những hòn đá bóng đen chất chồng, lẫn trong gai, bụi um tùm. Thằng Tám còn đi được. Hắn dìu tôi từng bước. Hơi thở nó hổn hển. Máy truyền tin đã không còn xữ dụng được nữa. Trên vai hắn vẫn còn tòn teng khẩu M16. Tôi nhắm mắt buông xuôi. Đau mà không dám rên. Hận mà không dám thét. Súng vẫn nổ loạn cuồng, chát chúa. Rồi chúng tôi xuống bãi đất trống ở triền đồi, nơi trung đội ba và bốn bị kẹt. Tám không còn dìu tôi nữa. Hắn cõng tôi chạy qua khoảng xạ trường. Chừng như trên đồi, sau lưng chúng tôi, địch chỉ chờ bấy nhiêu. Đạn lại bắn xuống như mưa rào. Tôi cũng bị trúng đạn. Tám cũng bị trúng đạn. Hai thầy trò ngã qụi xuống bãi. Tuy vậy, tôi có thể  trườn tới một mô đất và nép mình. Còn Tám thì không thể cục cựa.  Hắn kêu tôi giúp. Nhưng mỗi lần ló ra là mỗi lần đạn từ trên cao trút xuống. Tôi đưa đầu súng về hướng hắn, kêu hắn cầm chặc, rồi kéo về phía mình. Thân thể hắn bự con nên tôi khốn khổ lắm mới nhích đi từng tấc một. Đạn sủi bọt, và toé lửa khi chạm vào những mô đá. Thêm một viên đạn nữa bắn trúng hắn. Hắn ngước đôi mắt nhìn tôi, nói tuyệt vọng: "Em lại bị thêm một viên nữa rồi ông thầy." Tôi gào lên: "Tám nghe lời tao, mày phải sống. Rán bò tới chỗ này mà núp. Nghe không". Tôi vừa gào, vừa kéo. Nhưng tôi bất lực. Tôi cũng như hắn. Tuyệt vọng tột cùng. Bỗng nhiên hắn giục tôi: "Ông thầy gắng bò xuống đi. Em sẽ tự lo cho em cũng được. Rán bò khỏi chỗ này. Mau lên ông thầy". Tôi nhìn hắn mà khóc. Hắn đã hy sinh cho tôi. Và giờ phút này, hắn lại thêm một lần muốn tôi được sống. Tôi lại hét trong nước mắt:"Tám, em nghe anh không, em phải sống. Phải gắng tìm chỗ ẩn, đừng nằm chỗ trống trãi như vậy. Tám, anh thương em. Chúng mình đã sống chết bên nhau bao năm rồi."  Hắn gật đầu. "Được, em sẽ cố. Ông thầy đừng bận tâm gì về em. Chúc ông thầy bình an...".

 

Tôi đã nghe lời thằng lính truyền tin của tôi. Tôi vẫn còn muốn sống, vẫn còn hèn nhát để nghĩ đến bản thân mình. Tôi đã dùng hai tay trườn, bươn qua những lùm gai, những bụi dứa. Cả hai bắp đùi tôi bị nát vì miểng đạn. Bả vai tôi thêm một viên đạn xuyên ngang. Tôi đã tự biện hộ cho mình. Rằng tôi đã bất lực. Như đại bàng đã bất lực. Trung đội ba, trung đội bốn đã bất lực. Nhưng lương tâm của tôi vẫn bất an. Cuối cùng, ai cũng muốn sống. Có nghĩa là tôi đã tìm mọi cách để xa bãi chiến. Càng xa càng tốt.

 

Vâng. Càng lúc tôi càng xa dần bãi chiến. Xa đến độ không thể ngờ. Nhưng chắc gì tôi lại xa ngọn đồi như một dấu tích một thời. Tôi nói với thế giới này là tôi được may mắn, được phép lạ. Qua cuộc chiến tranh. Qua tù tội. Qua vượt biển. Tôi nói là sau cơn bĩ cực đến hồi thới lai. Nhưng tôi biết tôi đã dối lòng mình. Nếu không có thằng Tám Đen hay một viên thuốc màu chocolat mà người bạn tù đã tặng tôi trong cơn dịch kinh hoàng trong trại khổ sai, thì làm gì tôi còn ngồi lại đây để má cắt bánh, mà tung hô cuộc đời ?

 

"Ông thầy còn nhớ em không? Em là Nguyễn văn Tám tự Tám Đen, hạ sĩ mang máy của trung đội ông thầy. Sau khi ông thầy rời khỏi đại đội, em được bổ sung về tiểu đoàn 2. Em bị thương tại Đức Cơ. Hai chân em bị cưa. Đến tháng tư 75 họ về đuổi em ra khỏi quân y viện trong khi hai chân em da vẫn chưa lành còn cả máu và mủ. Em không được phép lấy bất cứ cái gì kể cả chiếc xe lăn. Em phải dùng hai tay để làm chân, lấy vải bao cát bó lên hai khúc chân chưa lành để về quê dưới Bình Định. May mà có nhiều người cảm thương hoàn cảnh nên em còn có một vé xe đò, nếu không em chắc bỏ xác dọc đường. Cả năm em không có thuốc men để điều trị. Cứ mỗi lần trở trời thì nó hành em chỉ biết cắn răng mà khóc. Hai đứa con em thì về Qui Nhơn đi bới rác tìm bao ny lông mà đấp đổi qua ngày. Em muốn chết mà không dám chết. Mỗi ngày em đi bằng hai cái đòn, ra ngoài chòi nhìn về phía Bà Di mà nước mắt cứ chảy dài. Em nhớ đến lúc ông thầy ăn cơm chung với em với canh lá giang nấu với thịt quân tiếp vụ. Phải chi viên đạn trúng tim em thì em đỡ khổ như bây giờ. Suốt cả năm làng xã làm khó dễ, nhiều khi họ bắt em đi trình diện cả mấy cây số, mà em thì đi làm sao được. Ráng đến nơi thì em xỉu. Máu từ hai khúc chân lại chảy ra cả mủ xanh thúi không chịu nổi. Sau đó em đành phải bỏ quê mà đi ăn xin ở dọc theo đường xe lửa, ngủ nhờ ở mấy nhà ga xép, ăn nhờ miếng cơm bố thí...

 

Em xin gởi cho ông thầy tấm hình của em. Chiến tranh trang điểm sắc đẹp mà, ông thầy !"./.

Trần Hoài Thư
Số lần đọc: 1600
Ngày đăng: 06.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Như Là Vô Định - Lê Văn Thiện
Đêm Mưa - Quý Thể
Sóng Ngầm - Minh Hương
Cuộc rượu và lãng tử - Trần Hạ Tháp
Chó Củi - Yến Lan
Mén Ơi! - Kinh Dương Vương
Mùa Hoa Mận Nở - Phạm Văn Nhàn
Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu - Kiệt Tấn
Chấp Theo Lối Cũ Là Không Đúng - Phùng Hi
Tầm gửi - Chu Lê