Kỷ niệm 5 năm ngày mất nhà thơ Võ Minh Trang (9/3/2006- 9/3/2011):
Võ Minh Trang sinh năm 1944, tại xã Đại Thanh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ông có thơ in trên các báo, tạp chí Sài Gòn từ khi còn rất trẻ, nhưng mãi đến năm 1995, mới bắt đầu được bạn đọc chú ý với tập thơ đầu tiên Theo dấu chân xưa (Nxb Đà Nẵng). Kế tiếp những năm sau đó, ông lại càng khẳng định vị trí của mình trong làng thơ cả nước, qua các tác phẩm: Tạ ơn giọt lệ (Nxb Trẻ TPHCM 1996), Hạt bụi thức giấc (Nxb Trẻ TPHCM 1997)...
Thơ Võ Minh Trang không mới, đề tài gần gũi, thế nhưng đọc kỹ nhiều lần, tôi tin rằng, ông là một thi sĩ rất đặc biệt, vừa tự tình vừa ngang bướng, đậm đà bản sắc độc đáo Quảng Nam. Có lẽ vì tính chất đặc biệt như vậy, mà sinh thời thi sĩ Bùi Giáng đã dành cho ông những tình cảm sẻ chia đầy ưu ái:” Tôi đọc trở lại nhiều lần bài thơ Bến quê Đại Lộc tôi giật mình tưởng được hồi sinh trong ngôn ngữ thiên nhiên người bạn. Những Giao Thủy, Quảng Huế, Ô Gia, Thu Bồn, não nùng não nuột như từ lâu tuổi trẻ của tôi mất đi, và trở lại bây giờ. Tôi đốt thuốc, hút thuốc một mình, tạ ơn trời đất đã ban cho tôi một niềm vui vô tận trước khi lìa đời, chấm dứt bình sinh thiên hạ...”
Thủ bút của thi sĩ Bùi Giáng in trên bìa thơ Hạt bụi thức giấc của Võ Minh Trang
Lần đầu gặp nhà thơ Võ Minh Trang tại nhà riêng của ông là một quản lẩu ở Thủ Thiêm, vùng ngoại thành TP HCM, tôi thật bất ngờ khi biết ông là Ba Trang - người cậu họ bên ngoại khá gần. Dù vậy, tôi vẫn nhận ra ông thấp thoáng nét gì đó rất quen thuộc, với người anh trai Hai Lầu của ông mà tôi sống gần từ thưở nhỏ. Ông không trắng trẻo, thanh mảnh đẹp trai như người anh. Ông có dáng tầm thước, bụi bặm, phong trần, chừng rất dễ buồn, dễ vui và cũng dễ cáu giận. Chính vì vậy, về sau tôi thật thú vị khi đọc một đoạn thơ ông phác họa chính chân dung mình:
“Ừ, thì viết về đời anh rất thật
Một chân dung giống hệt miếng mít xơ
Đã say sóng dưới vực sâu nước mắt
Chó cũng chê mà em cảm, ai ngờ !”
Nghe ông kể chuyện, tôi hình dung ra, chính những ngày ấu thơ, khi ở gần Hai Lầu- người tôi thường nhìn thấy cách đêm, đi đi về về thăm vợ con vội vàng từ một tiền đồn hẻo lánh nào đó, rồi có lần không bao giờ trở lại..., thì thời gian ấy, Ba Trang đã bỏ làng quê đi biền biệt. Ông từng có lúc làm phu quét chợ ở chợ Cồn -Đà Nẵng, rồi vào phương Nam trốn lính, đi tu, hoạt động cách mạng, bị bỏ tù, tự mổ ruột phản đối chính quyền Sài Gòn...Và sau ngày hòa bình, ông mở quán lẩu, làm thơ, “chơi thơ” cùng thân hữu. Ông viết:
“Từng kiếm sống bằng cái nghề bán lẩu
Đem vợ con ra góc chợ trơi đời”
Thủ Thiêm, lúc này còn là một vùng đất khá hoang sơ, dù chỉ cách TP HCM một chuyến phà. Hẳn rằng, những ai từ miền Trung vào đến quán lẩu của Ba Trang sẽ dễ tưởng mình đang phiêu lưu, nhưng cũng dễ nhận ra một cảm giác thật ấm cúng. Bởi nơi đây giống một điểm tụ tập văn nghệ có không khí rất tỉnh lẻ, thậm chí rất giống quận 3 Đà Nẵng (thời chưa quy hoạch): cũng dăm ba anh chàng suốt ngày nhậu nhẹt, đàn địch, sáng tác nhạc, làm thơ, mà phần lớn là dân Quảng Nam xa xứ...
Võ Minh Trang ( người thứ 4 bên trái) cùng các thân hữu tại Đà Nẵng
Trong số hàng trăm bài thơ của Võ Minh Trang, có lẽ Hạt bụi thức giấc là bài thơ tác giả tự bạch về mình một cách đầy đủ nhất. Ông nói rõ:
“Cha anh đẻ đến bảy tờ lý lịch
Riêng anh chê trời đất hẹp quanh mình
Dám ngạo mạn bỏ làng đi mất biệt
Lấm bụi đường, mắt cá mách đôi chân
Trong cái sống trăm lần dư cái chết
Đi mà xem ma quỷ soán ngôi thần
Bụng bảo dạ cứ việc đi mà học
Cứ việc đi như đốm lửa tìm đèn
Dẫu sức ép thời gian đè trắng tóc
Đã làm người, nhớ lấy, phải ngoi lên...”
Đọc thơ Võ Minh Trang, một bạn đọc nhận xét:” tiếng Quảng, giọng Quảng khô khốc, cứng cõi, đưa vào văn xuôi đã nghe chối tai, huống hồ phổ vào thơ ca. Thế mà Võ Minh Trang bạo đưa thổ ngữ Quảng Nam vào thơ một cách tài tình, bình dị mà không thô thiển...”. Một đặc điểm khác, ngoài phần lớn chủ đề viết về quê hương Quảng Nam, ông còn có những bài thơ tình xúc động đầy bi lụy. Tuy nhiên, sâu thẳm và bao trùm lên tất cả các tác phẩm của ông, đó là triết luận về sự sống và cái chết:
“Khi tôi chết, xin vườn thơ thế hệ
Ré nụ hồng đừng để bướm đói hoa
Trút bình minh lên lá non rất khẽ
Dìu hoàng hôn chầm chậm lại đi mà”
Ông nói: “ Bị kẹt trong cá tính rất riêng của đời tôi, nên trong phần đời còn lại, tôi biết rằng mình sống là để quản lý cái chết – Tôi vẫn trung thành với sự lựa chọn và quyết định đầu đời: Chơi thơ!”
Thực vậy, Võ Minh Trang đã quyết liệt theo đuổi cuộc “chơi thơ” đến tận cùng. Khoảng năm 2000, ông thu xếp việc gia đình về lại quê nhà Đại Lộc, chọn một mãnh vườn trồng cây kiểng và làm thơ. Ông cũng có nguyện vọng đầu tư tất cả vốn liếng xây dựng một khu du lịch hiến tặng điạ phương. Thế nhưng, niềm vui và khát vọng này, chưa song hành cùng ông được bao lâu, thì một cơn bệnh ập đến xóa tan tất cả. Ông ra đi vào ngày 9-3-2006.
Đã 5 năm rồi, mỗi lần đọc lại thơ Võ Minh Trang, tôi cứ giật mình tưởng chừng đang nghe thấy giọng ông nói cười sang sảng trên con đường hối hả về lại quê xưa.../.
THEO DẤU CHÂN XƯA
VÕ MINH TRANG
Hoa dủ dẽ làm bông tai cưới vợ
Lễ rước dâu từ nhà bếp ra vườn
Con nhỏ khờ nói năng nghe cũng ngộ
Mày cưới tau về phải ráng mà thương
Anh ừ đại, nghe sướng rơn trong bụng
Con nhỏ khờ chịu lấy một thằng ngu
Ăn tiệc cưới mạnh ai nấy bốc lủm
Khóm mít, xoài xanh, mấy củ khoai từ
Thành chồng vợ lâu lắm rồi em nhỉ
Mà bây giờ ở cái tuổi năm mươi
Đứa bà ngoại - đứa khật khùng đãng trí
Nhớ nhớ quên quên chuyện giữa hai người
Hoa dủ dẽ ngạt ngào hương đồng nội
Con nhỏ khờ bỗng ranh mãnh hết chê
Miệng nó nhắc chuyện ngày xưa đám cưới
Giọng xoài non chín héo…cắn chua lè
Thành cố tật cứ tường mình ông ngoại
Nhưng thôi rồi, bếp cũ lạnh tro than
Cuộc chồng vợ chẳng bao giờ diễn lại
Thương thằng ngu ngồi gặm trái xoài vàng
Dấu chân xưa in vết hằn năm tháng
Trên cành khô, trời hỡi: một xác ve
Muốn bắt chước gã bồn ca một bản
Sợ buồn lòng bà ngoại những khi nghe…
VMT_10.1992