Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.229.941
 
Cu Đồ cháy mấn
Hồ Tĩnh Tâm

Năm 1965, tôi theo gia đình đi sơ tán ở xã Nghi Xuân.

 

Một hôm, vào buổi trưa, lúc cả nhà tôi đang ăn cơm, đột ngột xuất hiện một người đàn bà mặc cái mấn màu nâu. Bà ta khoảng chừng ba mươi tuổi. Mới đầu, bà ta xổ ra một tràng tiếng Tây. Thấy cả nhà tôi ai cũng há mồm ra ngơ ngác, bà ta cười mà nói:

 

- Nỏ biết tiếng Tây à? Cho xin đọi cơm!

 

Mẹ tôi bới cơm và gắp cho bà ta một khúc cá thu. Bà ta cầm lấy cái vá, tự chan canh, rồi bắt đầu và cơm lia lịa. Khi cơm hết, bà ta lại tự động xúc cơm cho vào bát; rồi húp ào hết nước canh. Hết canh, bà ta lại tự động chan canh cho mình. Ăn hết hai bát cơm, bà ta phủi tay đứng dậy. “Cơm không độn ngô, độn khoai, ngon lắm!”. Nói xong câu đó, bà ta múa múa hai cánh tay, bỏ đi ra đường.

 

Mẹ nói:

 

- Cu Đồ cháy mấn. Khôn tổ trời!

 

Từ đó, tôi đâm ra hay nghĩ về người đàn bà điên ấy.

 

Anh Trí, ở trọ gần nhà, nói với tôi:

 

- Cu Đồ là người có học trường Tây. Học nhiều qúa mà điên. Bây giờ bà ta chỉ nhớ tiếng Tây, chỉ hay nói tiếng Tây.

 

Vào một đêm sáng trăng vằng vặc, anh Trí rủ tôi lấy xe đạp, đạp xe đi xem cầu Cấm. Cầu Cấm lúc bấy giờ, hầu như trưa nào cũng bị máy bay ném bom; thỉnh thoảng còn bị đánh cả vào ban đêm. Mức độ đánh phá rất quyết liệt. Máy bay quần quần dươi cửa biển, quần quần dưới Cửa Lò, rồi chia thành nhều tốp bay tới bắn phá và dội bom. Chúng bay bổ nhào từ hướng mặt trời, để bộ đội ta bị chói mắt, khó nhắm bắn. Có khi chúng bay sát rạt theo lòng sông, để tránh bị ra đa phát hiện. Bay thấp tới mức, nước dưới sông cuộn lên thành sóng trắng xóa. Khi gần tới cầu, chúng mới bay vọt lên, rồi cắm xuống cắt bom và bắn rốc két. Bộ đội đặt pháo cao xạ trên núi, bắn trả rất quyết liệt. Đi xem cầu Cấm là một việc liều mạng. Nhưng vào cái tuổi tôi, được đi xem nơi nguy hiểm là oai lắm, thích lắm. Hơn nữa, tôi lại tin vào anh Trí, bởi anh đã học tới cấp ba, đã được kết nạp vào Đoàn.

 

Hai chúng tôi cắm cúi đạp xe trên đường số một. Nhiều đoạn đường bị bom, đất đá lổn nhổn, xe xóc nảy như phi ngựa. Càng gần tới cầu, tôi càng sợ. Lỡ máy bay đến thì trốn ở đâu. Như đoán được ý tôi, anh Trí động viên: “Đừng sợ! Bộ đội còn dám đặt cả pháo cao xạ giữa cầu, ngửa mặt bắn máy bay bổ nhào, cắm thẳng xuống cắt bom. Dọc đường, hầm tránh bom thiếu gì!”. Tuy có vững bụng hơn, nhưng nói chung thì tôi vẫn sợ. Tôi nhớ những chiếc thần sấm, con ma, bay chúi xuống cắt bom, tiếng rít như gió bão, nghe rùng cả xương sống. Tôi hình dung ra những qủa bom đen chùi chủi, xoáy tít những vòng xoáy kinh người, rú rít màu chết chóc. Cả những trái rốc két, phóng xuống từ hai cánh máy bay. Và lửa, và khói…

 

Đang lúc tôi vừa đạp xe vừa nghĩ tới cảnh chết chóc rình rập, thốt nhiên có một bóng người đột ngột hiện ra ở bên đường. Đó là một người đàn bà xõa tóc. Bà ta vung cả hai tay lên trời, xổ ra một tràng âm thanh mà tôi không hề hiểu được. Chưa kịp bóp phanh, tôi đã bị người đàn bà ấy nắm lấy ghi đông, xô ngã nhào xuống đất.

 

Bà Cu Đồ.

 

Cu Đồ lôi tôi dậy. Một tay nắm tay tôi, một tay chỉ về phía Quán Hành.

 

- Muốn chết hử! Máy bay sắp tới nì! Đánh cả Quán Hành nữa tề!

 

Anh Trí quày lại, nói như hỏi:

 

- Mần răng bà biết mà dọa hắn?

 

Cu Đồ một tay xốc mấn, một tay vẫn nắm chặt tay tôi.

 

- Nỏ nghe tiếng ì ì dưới Cửa Lò răng? Máy bay phản lực, choa biết hết tề! Hôm nớ chết ba người. Choa đi chôn chứ mô.

 

Đúng lúc đó, phía cầu Cấm, đèn pha chiếu lên trời rừng rực. Đạn lửa bay ngoằn ngoèo. Pháo trung cao nổ đoàng đoàng. Pháo đại cao nổ khùm khụp. Đạn nhọn nổ chớp chớp như ngô rang. Bầu trời thoắt một cái, lập tức biến thành chảo lửa. Cu Đồ xô tôi xuống vệ đường, vừa nằm đè lên vừa nói: “Mi đừng sợ! Choa ở đây gác đường choa biết. Cháy hai chiếc là hắn cút ra biển”.

 

Qủa nhiên hôm đó, có hai chiếc máy bay bị ta bắn cháy. Tôi nhìn rất rõ hai chiếc đó bị cháy như thế nào. Chiếc thứ nhất vừa lọt vào hai vệt đèn pha sáng quắc, lập tức bị trúng đạn pháo cao xạ, phụt ra một quầng lửa chói lóa, đâm sầm về phía đèo Mụ Giạ. Chiếc thứ hai bị trúng đạn khi bay bổ nhào, toàn thân bốc cháy rừng rực như một bó đuốc, rơi cắm xuống phía bên này chân cầu.

 

Cu Đồ buông tôi ra, chạy lao lên mặt đường, vung cả hai tay mà hét lên:

 

- Đi bắt phi công nì! Đi bắt phi công nì!

 

Tôi không ngờ là bà ta lại chạy nhanh làm vậy. Chỉ loáng một cái đã biến mất vào ruộng lạc. Anh Trí và tôi bị kẹt hai chiếc xe đạp nên phải quay trở về.

 

Dọc đường, tôi hỏi:

 

- Mần răng là đàn bà mà lại gọi là Cu Đồ hả anh?

 

- Tau cũng nỏ biết. Bà ta học tiếng Tây chứ có học tiếng Tàu mô!

 

Bấy giờ ở Nghi Xuân, hợp tác xã đã thu hoạch xong mùa lạc, dọc theo các con đường, chỗ nào cũng thấy phơi lạc tràn cả ra. Còn ở ngoài ruộng, lạc sót vùi trong cát, khô giòn tới mức có thể dùng ngón tay xe cho vỏ lụa vụn ra. Đi mót lạc một tuần, chúng tôi có thể kiếm được cả vài thúng.

 

Vào một hôm trời mưa rào như xối, tôi theo người lớn đi xem kéo vó ngoài đầu cống nông giang, nơi nước đổ xiết vào ruộng lúa. Không biết cá chép ở đâu mà nhiều thế. Có mẻ vó kéo lên, trong lưới dính những hai ba con , nhảy lững tửng. Ánh lên sắc vảy màu vàng, màu xanh, rất đẹp mắt. Đang lúc lũ nhóc chúng tôi chạy nhảy, hò hét inh trời trong mưa thì Cu Đồ xuất hiện.  Bà ta túm trong vạt mấn một mớ giá lạc. Cọng giá nào cũng to như đầu đũa, trắng muôn muốt. Nhìn thấy tôi, Cu Đồ ngoắt lại.

 

- Cho mi nầy. Đem về xào mỡ. Ngon lắm đó!

 

Bà ta vừa nói vừa đổ cả mớ giá lạc xuống bờ nông giang. Xong xuôi, bà ta cầm lấy oi cá của một người đàn ông, túm lấy một con cá, nặng chừng nửa cân, giơ lên huơ huơ trước mặt.

 

- Nỏ biết cho con nít à! Hắn nỏ có vó, mần răng mà bắt được.

 

Người đàn ông quay lại, gật đầu nói với tôi:

 

- Cho cháu đó! Về nấu canh dưa mùng mà ăn.

 

Tôi xách con cá và buộc túm mớ giá lạc trong áo trở về, vừa đi vừa nghĩ: Bà Cu Đồ hay thật. Ai nói bà ta điên nhỉ? Điên mà biết trước máy bay sẽ ném bom, sẽ rơi hai chiếc. Điên mà biết đi mót giá lạc đem cho trẻ con.

 

Nhưng Cu Đồ đúng là người đàn bà điên. Tôi nhiều lần thấy tận mắt, giữa trưa nắng mùa hè, bà ta ra giếng làng, lột trần lột truồng, dùng gàu múc nước, đứng dội xông xổng. Tôi thấy vào mùa đông năm ấy, bà ta khoác áo tơi đi lang thang trong xóm, ghé vào từng nhà xin khoai xéo và cá nục, cá trích; rồi ra ngồi cạnh gốc cây rơm, vừa ăn vừa đút khoai cho trâu. Khi trời sập tối, có lúc bà ta vào nhà dân ngủ nhờ, có lúc bà ta khoét cây rơm thành bộng, chui vào cuộn mình ngủ luôn trong đó. Vậy mà không ở đâu tôi thấy người ta khinh ghét Cu Đồ. Người ta chỉ nói: “Kìa, Cu Đồ cháy mấn!”.

 

Chuyện Cu Đồ cháy mấn, anh Trí có kể cho tôi nghe. Đó là vào một ngày gió bấc thổi hun hút, Cu Đồ ghé vào nhà dân sưởi lửa bếp, và xin khoai lang ngồi nướng. Bà ta lui cui sao đó, làm cái mấn rộng lùng nhùng bị bén lửa. Lúc lửa cháy thành ngọn, Cu Đồ mới biết, mới nhảy dựng lên, mới kêu trời toàn bằng tiếng Tây. Đáng lẽ tìm cách dập lửa, Cu Đồ lại lột phăng cái mấn ra, tồng ngồng chạy ra sân, ném cái mấn xuống gốc cau. Nếu ông chủ nhà không chạy ra kịp thời dập lửa, chắc chắn cái mấn duy nhất của Cu Đồ đã cháy không còn một miếng.

 

Có lần, một đoàn nhà văn đi thực tế khu bốn, ghé lại đội bốn của hợp tác xã Nghi Xuân, nơi tôi đang ở trọ. Nhà thơ Phạm Hổ và một ông nhạc sĩ mà tôi không còn nhớ tên, nghỉ lại mấy hôm tại ngôi nhà gần với nhà tôi đang ở trọ. Tôi vốn thích thơ thiếu nhi của Phạm Hổ, nên ngày nào cũng mò sang chơi. Thích nhất là được nghe ông nhạc sĩ vừa đánh đàn mandolin vừa hát. Tôi lại càng thích hơn khi được ông ta dạy cho cách đánh đàn. Một hôm, tôi đang say sưa tập đánh bài “Lì và Sáo”, thì bà Cu Đồ xuất hiện. Bà ta cầm lấy cây đàn, ngồi xệp xuống hiên nhà, chơi một bản nhạc rất hay. Tôi từ ngạc nhiên tới sững sốt. Chẳng lẽ Cu Đồ biết cả nhạc? Có điều không biết bà ta chơi có đúng không. Bởi vì giai điệu mà bà ta đang vê thành tiếng giòn dã, tôi không biết là của bài gì.

 

Khi nhà thơ Phạm Hổ trở về, ông ta mới nói với tôi:

 

- Bà Cu Đồ này giỏi thật! Biết đánh cả bài”La Sansong de Lara”

 

Từ đó, tôi đâm ra kính nể bà Cu Đồ thật sự.

 

Trong tâm tưởng của tôi, bà Cu Đồ là người đẹp, người tốt, người có học. Tôi không sợ khi ở gần bà ta. Nhưng tôi rất sợ nhìn vào mắt bà ta. Đôi mắt ấy có lúc vô hồn, có lúc rực lên ánh nhìn sắc lem lẻm. Lạ một điều là Khoa Toán của Trường đại học Sư phạm Vinh, sơ tán tới đâu, Cu Đồ cũng theo tới đó. Không ai quan tâm tới Cu Đồ. Sự hiện hữu của bà trên cõi thế, như là sự tất nhiên của Chúa. Bà ta cứ việc sống, cứ việc lang thang, cứ việc lột truồng nhông nhổng mà tắm ở giếng làng. Ở đâu, người ta cũng sẵn sàng cho Cu Đồ một bát cơm, một nắm khoai xéo, một bát nước chè xanh hay chè vối. Cu Đồ cứ mặc nhiên tồn tại như không hề tồn tại. Bởi vì không ai phải bận tâm với Cu Đồ.

 

Duy có một lần, vào lúc đêm hôm khuya khoắt, lúc sáng sao nhờn nhợt, tôi theo lũ trẻ đi chơi trốn tìm ở sân kho hợp tác xã trở về. Lúc đến gần gốc cây gạo dẫn ra giếng làng, tôi thấy một người đàn ông đang vật nhau với Cu Đồ. Gã đàn ông đó không mặc quần. Lập tức lũ trẻ mấy đứa chúng tôi hiểu ngay là phải làm gì. Chúng tôi đồng thanh hét lên: “Hiếp! Hiếp! Có người hiếp Cu Đồ!”. Gả đàn ông cuống cuồng bỏ chạy. Cả Cu Đồ cũng bỏ chạy. Cái mấn quất phần phật ngang qua chỗ tôi đứng. Thằng bạn tôi vớ được cái quần của gả đàn ông sợ qúa mà bỏ quên. Đó chính là vật chứng duy nhất của tội đồ, khiến cả xóm trong một thời gian dài, không còn ai coi y ra gì.

 

Sau lần đó, Cu Đồ đi đâu mất biệt.

 

Việc Cu Đồ bỏ đi nơi khác, tự nhiên lại trở thành một khoảng trống vắng trong mọi người.

 

Tôi nhiều lần nghe người lớn nói với nhau:

 

- Cu Đồ là con địa chủ. Mắc bệnh điên từ khi cha mẹ bị đấu tố.

 

- Cu Đồ là con ông ký sở bưu điện. Học qúa mà điên.

 

- Cu Đồ là con nhà thương nhân, do thất tình mà đâm ra man man dại dại.

 

Người ta nói nhiều về Cu Đồ, nhưng chẳng một ai biết gì về Cu Đồ.

 

Theo dòng chảy thời gian, tôi lớn dần lên, và không còn nghe ai nhắc gì về Cu Đồ nữa. Cho tới ngày tôi lên đường nhập ngũ, khi theo đoàn xe quân sự xuống phà Bến Thủy, thốt nhiên tôi nghĩ đến Cu Đồ. Bà Cu Đồ đã từng xô tôi nằm xuống, xòe cái mấn màu nâu vá chằng vá đụp, che mảnh bom cho tôi. Tôi buột miệng nói với anh bạn cùng tiểu đội: “Ở quê tôi có bà Cu Đồ cháy mấn. Bà ta điên mà hay lắm! Bây giờ không biết ở đâu”.Anh ta nói, người điên thì biết sao được. Quê tôi cũng có bà điên, đang không trèo lên cầu, hú to một tiếng rồi nhảy xuống sông, chết mất xác. Tôi thấy lo lo cho bà Cu Đồ cháy mấn.

 

Vượt hết dãy Trường Sơn dằng dặc, vào tới chiến trường Nam Bộ, chìm trong khói lửa của cuộc chiến, tôi không còn tâm trí đâu mà nhớ tới người đàn bà điên có tên là Cu Đồ ấy nữa. Ấy vậy mà đùng một cái, bà ta, bà Cu Đồ cháy mấn ở quê tôi, vụt sống dậy sừng sững. Lúc đó là giữa chừng hai trận đánh. Tiểu đoàn tôi bị bom và pháo của tụi sư 9 Sài Gòn dập tơi bời trên bờ bao Mỹ Hòa. Sau năm ngày bám trụ chống càn, quân số tiểu đoàn chỉ còn không tới một nữa. Trong khoảng thời gian im lặng sau trận pháo giàn cấp tập, trinh sát tiểu đoàn tóm được một đứa con gái là lính thiên nga phượng hoàng, lúc nó đang giương cần ăng ten bảy đốt để lên sóng liên lạc với chi khu Mỹ An. Anh em giải nó đến hầm tổ tác chiến của tôi. Phải thừa nhận, tên lính thiên nga phượng hoàng này là một cô gái rất đẹp. Nước da trắng mịn. Mái tóc xì tôn làm bật sáng hẳn lên cái cổ cao nuột nà, ngà ngọc. Đôi mắt to, đen thăm thẳm, và rất sáng. Nhìn vào cô ta, tôi chỉ thấy sự thánh thiện, chứ tuyệt nhiên không hề nhìn thấy tội lỗi

 

Đang lúc tôi chuẩn bị giấy bút để hỏi cung, thì một tốp A 37 chúi xuống dội bom. Bom phát quang văng những lưỡi gang ràn rạt như xé gió. Bom khoan nổ chuyển đất. Dứt trận bom rùng rùng như dội bão, lập tức pháo khoan và pháo chụp dập xuống như dội lửa. Căn hầm chữ A âm trong lòng đất của chúng tôi chuyển động rùng rùng như sắp đổ ụp xuống. Chớp lửa loa lóa ngoài miệng hầm. Cô gái từng bán đứng chúng tôi cho pháo bầy, cuống cuồng ôm chầm lấy tôi, thét lên lạc cả giọng: “Me ơi! Mẹ!”. Những tiếng nổ chói chát không át nổi tiếng kêu thảng thốt ấy. Đó là tiếng kêu của con người. Đó là tiếng kêu cứu thật sự của con người. Nó lay thức bản chất người, bản chất lính của tôi. Nó thức tỉnh trong tôi tình yêu của đồng loại. Tôi đã xô cô ta nằm xuống, lấy thân mình che chắn tử thần cho cô ta. Pháo nổ ngay trên nóc hầm, ngay bên miệng hầm. Lửa chớp nhoang nhoáng. Khói và bụi đất mù mịt. Lưng tôi nhói lên buốt lạnh.

 

Dứt trận mưa pháo kéo dài chừng hai mươi phút ấy, nhìn thấy máu chảy ướt đẫm trên lưng của tôi, cô gái úp cả hai bàn tay lên gương mặt, khóc nức nở.

 

Tham mưu trưởng vừa băng cho tôi vừa nói:

 

- Đừng khóc nữa! Khiếp nhược vậy mà cũng đòi làm lính!

 

Khi đã cho giải cô ta về cứ trung đoàn, tham mưu trưởng vừa châm một điếu Rubi quân tiếp vụ, vừa nhìn tôi mà nói:

 

- Mẹ kiếp! Nhìn nó khóc, tự nhiên tao nhớ bà Cu Đồ cháy mấm. Bà ấy điên đẹp, đẹp  tới lạ lùng!

 

Té ra tham mưu trưởng lại rất rành về người đàn bà điên biết nói tiếng Tây ở quê tôi. Ông là người tận mắt chứng kiến cái chết đẹp của Cu Đồ. Bấy giờ ông là lính pháo bảo vệ phà Bến Thủy, thuộc một khẩu đội đóng trên đỉnh núi Quyết. Trong một trận đánh trả quyết liệt oanh tạc cơ của Mỹ, không biết từ lúc nào, bà Cu Đồ đã lên tới đỉnh núi. Bà ta đứng thẳng người trên một tảng đá ngoài hầm pháo. Hai chân dạng ra, hai tay chỉa lên trời, bắn súng mồm pằng pằng liên tục. Một người lính nhào ra, kéo Cu Đồ vào hầm ẩn nấp. Nhưng ngay sau đó, Cu Đồ đã lại nhảy ra ngoài, dạng chân, chỉa cả hai tay lên trời mà bắn pằng pằng bằng miệng. Một mảnh bom quất vào bụng bà. Ruột đổ ra ngoài, nhưng Cu Đồ vẫn đứng thẳng hiên ngang mà bắn. Thêm một mảnh bom nữa. Cu Đồ gục xuống. Cái mấn màu nâu bị hơi bom thổi tung phần phật. Một trái rốc két phóng xuống, khói lửa trùm lên Cu Đồ phừng phực. Cái mấn bốc cháy như một bó đuốc.

 

Cu Đồ đã ra đi như thế.

 

Còn tôi, tôi biết rằng, suốt cả đời, tôi sẽ không bao giờ quên được bà Cu Đồ cháy mấn!

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3304
Ngày đăng: 02.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu mãi xanh - Thanh Giang
Trăng muộn - Thanh Giang
Người ấy - Kim Quyên
Chuyện cổ tích về chiếc áo tơi - Trầm Hương
Dòng nước ngọt cho con - Trầm Hương
Khỏa thân màu xám - Lê Đình Trường
Bâng-briêu mùa xuân - Nguyễn Thanh
Bến sông đời người - Nguyễn Thanh
Nắm tro - Kim Quyên
Nghiệp văn - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)