Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.665
 
Nhầm Lẫn Khi Đọc Thơ
Trần Văn Nam

Nhầm lẫn khi đọc thơ khác với sáng tạo khi đọc thơ. Tuy vẫn cùng một cách thức là thêm thắt phần mình vào thơ của người khác, nhưng sáng tạo có tính chủ động, còn nhầm lẫn thuộc tính thụ động bị đẩy đi do chính sự lẫn lộn của mình.

 

Sáng tạo bắt nguồn từ kiến thức hay hồn cảm. Thông thường là kiến thức về triết học khi người đọc thơ được trang bị những hiểu biết về siêu hình học hay tâm lý học, từ đó nẩy ra xu hướng "phê bình sáng tạo". Còn nhớ, ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, ta thấy có vài người làm việc đó, như Đỗ Long Vân (viết về truyện võ hiệp Kim Dung), như Đặng Tiến (viết về thơ Đinh Hùng), như Lê Tuyên (viết về cao dao Việt Nam)... Hướng phê bình sáng tạo không làm tác giả vui hay phản tỉnh, vì không mấy khi họ nêu ra ưu khuyết điểm, chỉ thấy bao trùm lên là bóng dáng sáng tác của nhà phê bình. Và sáng tạo do hồn cảm rất năng động, rất thông thường cho những ai vốn sẵn có tâm hồn thi sĩ, vốn giàu có tâm linh. Đọc thơ là một lần làm thơ. Hồn cảm do tự động, hồn thơ bật dậy, nhưng cũng là chủ động, bởi vì người đọc rất tỉnh táo khi "tự do thả trôi" theo dòng tưởng tượng. Nhắm mắt khi đọc thơ là để cho sự hoan lạc khai mở một thế giới. Vấn đề tái cấu trúc khi đọc thơ lục bát, hoán chuyển ngược xuôi những thi đoạn trong hai câu sáu tám, chính là sáng tác bằng hồn cảm khi đọc thơ.

 

Còn nhầm lẫn khi đọc thơ cũng làm giàu có, làm phì nhiêu cho thơ bằng phù sa ngoại nhập. Tuy nhiên, sự giàu có này không do tâm hồn mình mà do ngôn từ bị ta hiểu sai, do sự vật bị ta nhầm lẫn. Nhầm lẫn chân trời cát thành ốc đảo mượt mà, đó chính là một bài thơ của kẻ kiệt sức trên sa mạc. Ví dụ, đây là một nhầm lẫn khi đọc thơ của Trần Huyền Trân:

 

Mưa bay trắng lá rau tần

Tàu ai bốc khói xa dần bến mơ

 

Độc giả có thể lẫn lộn (như người viết bài này) giữa "rau tần" dầy lá màu xanh lợt với "rau tía tô" lá mỏng màu đỏ tím.  Nhầm lẫn (khi chưa kiểm chứng) làm cho bài thơ có màu sắc tương phản hơn (không dám nói là hay hơn) trong bối cảnh một cơn mưa tác giả nhìn ra vườn và nhìn ra con sông rộng lớn có chiếc tàu vừa rời bến. Ta chợt nhớ đến đóa hồng nhung dưới cơn mưa phùn trong văn Khái Hưng.

 

Sự nhầm lẫn làm giàu có mà lắm khi cũng làm nghèo nàn thi ca. Nghèo nàn là do định kiến, do một ý tưởng tiền chế, có sẵn như một cái khuôn chụp vào thơ của người khác.  Ví dụ, vào cuối thập niên 1950 ở miền Nam Việt Nam, ta nghe lời thơ trong bài tình ca "River of No Return" (cũng là nhan đề một cuốn phim có bài hát đó). Ta liền liên tưởng đến ý tưởng dòng sông ly biệt, dòng sông đáo hải bất phục hồi trong Đường Thi, hay lẽ biến dịch vĩnh viễn trong triết lý Hy Lạp. Thực ra, sau khi kiểm chứng lại mới biết, lời thơ có ý tưởng nói về "tình yêu như một trái tuyết lăn" (Nguyên Sa?) không kiềm lại được, tình yêu lầm lỡ khi đã trao trái tim cho ai thì không thu hồi được nữa.

 

The love, a traveler on the river of no return

 

Trong bối cảnh hoang dã thời lập quốc Canada, với con sông chảy xiết vùng Banff mà người da đỏ gọi là "Sông lạc đường về", có một nàng ca sĩ (do Marilyn Monroe thủ diễn) đã trao trái tim lầm lỡ cho một gã phiêu lưu cờ bạc rất đẹp trai, trong khi đó có một người yêu nàng thực sự (do Robert Mitchum đóng vai), dĩ nhiên không được nàng đáp ứng. Trái tim lầm lỡ như tiếng vọng của con sông mãi mãi không về:

 

I can hear the river's calls:

No return, No return...

I can hear my love's calls:

No return, No return...

 

Nhầm lẫn khi đọc thơ thường xảy ra khi ta không biết rõ nghĩa một Hán tự, hay nghe không rõ lời trong một bài hát ngoại ngữ. Vì ngộ nhận, ta đã vô tình có được một tứ thơ, một thi tính. Phải chăng đây cũng là một vấn đề văn chương khi đọc thơ. Ta cần xem xét lại để thu lượm những rơi rớt có khi cũng lóng lánh trên dọc đường thưởng ngoạn.

 

Những dòng như trên, người viết bài này đã viết vào tháng 8 năm 1997, lúc ấy chưa sưu tầm thấy được trên Internet nguyên văn khúc hát, nên những dòng Anh ngữ đã trích dẫn trong bài viết lại vấp phải sự đoán mò dựa vào tiếng hát nghe âm còn âm mất âm xuống thấp của ca sĩ Marylyn Monroe. (Theo đánh giá của người Mỹ thì Marilyn Monroe không phải một ca-sĩ lớn, nhưng tiếng hát của Marilyn Monroe đặc biệt nghe như đang thủ thỉ thầm thì cho chính người đang nghe). Căn cứ vào nguyên văn khúc ca thì “the love” có khi được nhân-cách-hóa (The love, a traveler…), có khi lại là chính nhân vật (my lover call). Vậy, người tình đã bội bạc bỏ đi mất không quay về, hoặc người tình không may đã mất tích trên con sông hung dữ: cả hai đều có thể mang ý nghĩa như vậy trong bài hát. Nhưng “the love, a traveler on the river of no return” cũng ngụ nói ý tình yêu như cuộc du hành về một hướng duy nhất, không thể dừng lại để thay thế đối tượng. Những hiểu lầm nghe sai như trên đã củng cố cho vấn đề: quả có phần nào do độc giả đọc thơ hay thính giả nghe hát đã đóng góp đôi nét sáng tạo tình cờ của mình, làm phong phú thêm cho nguyên tác. Xin ghi lại dưới đây nguyên văn bài hát “RIVER OF NO RETURN”:

 

“If you listen you can hear it call

There is a river called the river of no return

Sometimes, it’s peaceful and sometimes wild and free

Love is a traveler on the river of no return

Swept on forever to be lost in the stormy sea.

(Wail-a-ree), I can hear the river call (no return, no return)

Where the roaring waters fall wail-a-ree

I can hear my lover call “come to me” (no return, no return)

I lost my love on the river and forever my heart will yearn

Gone, gone forever down the river of no return

Wail-a-ree, wail-a-ree, wail-a-ree

He’ll never return to me (no return, no return, no return)

Never!

(Written by Lionel Newman, Ken Darby)

 

Walnut, California, bổ túc bài cũ, tháng 3 năm 2011

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2667
Ngày đăng: 12.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một ngả rẽ thú vị của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 - Trần Viết Thiện
Từ Thích Giả Ngộ đến Thích Giác Ngộ - Kiệt Tấn
Thơ Tô Thùy Yên, quán trọ hồn đông-phương - Nguyễn Vy Khanh
Triết học nào cho thế kỷ 21. tiếp - Đặng Phùng Quân
Về Những Thể Nghiệm Thơ Gần Đây - Hoàng Hưng
Triết học nào cho thế kỷ 21 - Đặng Phùng Quân
Phổ lời - Nam Dao
Dịch và tán phét về thơ Prévert : Mấy lời đính chính. - Phan Huy Đường
Một ý tưởng sắp "duy vật biện chứng" - Phan Huy Đường
Dịch và tán phét về thơ Prévert - Phan Huy Đường
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)