Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.325
 
Câu chuyện kể trong ngôi nhà mới xây
Nguyễn Thanh

Thật ra không phải lúc nào tôi cũng nhớ chuyến đi thú vị ấy mà có lần tôi sốt sắng thuật cho anh bạn Trường Sa của tôi nghe. Đã kết thúc chuyến đi công tác thực tế ở Côn Đảo và một số thành thị các tỉnh phía Nam cách nay mấy tháng rồi, còn gì. Nhưng mỗi lần rời thị xã về thăm lại ngôi nhà nhỏ yên tĩnh, tôi lại nhớ biết bao nhiêu câu chuyện cũ.

 

Lần nầy cũng vậy, nỗi nhớ nhân lên thật nhiều là vì chưa trở bấc mà gió đêm ở đây nao nao khác lạ. Gió thổi nhẹ từng cơn giật tấm rèm che phía trước nhà tôi, khiến miếng ga cũ thủng nhiều lỗ cứ đánh lạch phạch như thể có ai lấp ló phía ngoài vỗ về. Với lại đã khuya mà tiếng đàn kìm từ gốc cau – một vệt đen thẳng lừng lững trong ánh trăng phía bên kia con rạch nhỏ vẫn vọng sang...

 

Tiếng đàn không theo một bài bản nào cả, lúc “Lý con sáo” lát sau lại bỏ, sang “Xuân tình”, lát lại dứt hẳn bởi tiếng cười đùa của trẻ nhỏ.

 

Tôi đoán chắc tiếng đàn kìm của thằng Lặn, con trai đầu lòng của anh Ba Lành, bạn tôi, chớ không ai khác hơn. Trước đây Ba Lành chỉ huy một trung đội công an vũ trang, trong trận chống càn quét lấn chiếm với một tình huống ngặt nghèo, địch đông hơn ta gấp mười lần, trung đội phải bám ra biền lá dừa nước để chuẩn bị đánh trả lại. Phút đầu tiên trận đánh tiếp sau, Ba Lành hy sinh bên khẩu súng máy trên con đập ngăn nước mặn ngoài vàm rạch. Đồng đội của anh xông lên làm chủ trận địa và buộc gần trăm tên giặc phải tháo lui, bỏ lại nhiều xác chết.

 

Giờ đây tôi được tin chắc chắn thằng Lặn hoãn việc học hành, hoãn việc giăng câu đặt trúm để thi hành nghĩa vụ quân sự ở xa. Áng chừng chiều mai hay sáng ngày mốt, Lặn cùng một tốp trai tráng trong xóm lên đường. Ấy thế, đêm nay chúng nó còn đàn hát đến khuya lơ khuya lắc đến vậy!

 

Tôi thầm cảm ơn tiếng đàn kìm ngang sông, những tiếng “tằng tằng”, vui vui gợi ra trong tâm trí tôi biết bao nhiêu tấm lòng quí mến. Trước nhất là tấm lòng của đứa bé giăng câu đặt trúm giỏi giang nhất xóm, một tân binh trẻ măng có liên quan mật thiết đến nhân vật chính là một cô gái, cô Thu Hợp trong truyện tôi viết nầy.

 

Chuyện có mối liên quan mật thiết ấy là do tôi nghĩ, là vì tôi ước muốn cô Thu Hợp có một đứa con trai như thằng Lặn, nhỏ hơn cũng được. Còn sự liên tưởng giữa người nầy với người kia, thấy hoàn cảnh nầy nhớ hoàn cảnh khác là điều ở mỗi tấm lòng ai cũng có. Duy, chỉ có một chuyện như đã nói khi vào đầu bài viết nầy, tôi có phần sốt sắng thuật chuyện cô Thu Hợp cho anh bạn Trường Sa của tôi nghe. Thế nên dù sao tôi cũng có thêm một nhân vật phụ nữa, không thể không có mặt anh bạn Trường Sa được. Chẳng vậy thôi, khi viết bài nầy lòng cứ nôn nao những tiếng reo khẽ của hàng dương bên những nấm mồ đắp lên bằng những phiến đá đen, cái kẻng sét gỉ báo giờ cơm cho tù nhân trong trại giam ngoài Côn Đảo, đến con chim sẻ bay bay trên đống đá cuội dưới chân tượng đài ngoài bãi cát màu mỡ gà giữa buổi chiều êm ả.

 

Nhớ trước khi kể chuyện cô Thu Hợp, tôi không quên móc trong cái xách tay lấy ra một viên đá cuội tặng anh bạn Trường Sa của tôi. Tôi chưa dám tỏ bày tác dụng của viên đá cuội dằn lên những xấp giấy tờ, những trang sách mở ra, huống hồ viên đá nhắc nhớ một hòn đảo ngọc thì anh Trường Sa cầm lấy viên đá thả vào chậu nước vuông vắn bằng kính pha lê có sẵn con cá vàng bơi lội. Xong, anh bạn Trường Sa quay lại ngồi đối diện với tôi, liếc mắt nhìn chậu cá sóng sánh nước đặt kế bên bộ sa-lông lên nước vẹc-ni láng bóng.

 

Thật may mắn tôi mới được gặp anh vào buổi sáng chủ nhật nầy. Chiếc xe du lịch sơn trắng của anh bị liệt máy mà người tài xế già ốm yếu đang lúi húi tháo vặn những đinh ốc trước đầu xe. Không thì anh Trường Sa sẽ đưa vợ con đi thăm bạn bè trên quốc lộ Bốn từ sáng sớm rồi.

 

Anh thú thật với tôi điều đó rồi mỉm cười. Khi cười, tôi mới thấy môi dưới anh hơi trễ xuống, thâm thâm như xưa. Hai bàn chân vẫn đôi dép lốp bánh xe không thay đổi. Còn tấm lưng anh no ra khác lạ, trải rộng như tấm vải che nắng màu trứng sáo chắn phía sau tấm kính của chiếc xe du lịch. Bụng hơi ưỡn tới miễn cưỡng, và mặt anh sưng lên hum húp.

 

Anh vẫn cười nhẹ, thờ ơ rồi bắt đầu câu chuyện về cái khoản thu nhập do người đàn bà trong nhà chăn nuôi để đổi lấy ngôi nhà khang trang mọc nhanh như cây nấm. Anh cố nhắc vợ anh, một người đàn bà đảm đang có cỡ, ngầm tỏ bày một sự cảm thông với cô Thu Hợp mất mát, đau xót.

 

Tôi đoán vậy vì mới vừa đây tôi giới thiệu mào đầu về lòng dũng cảm của một thiếu nữ. Trong lúc ấy anh Trường Sa gật gù lơ mơ nhớ ra một người quen nào ấy, không phải cô Thu Hợp của anh Trường Sa trong câu chuyện nầy.

 

Lúc bấy giờ anh kỳ kèo với cấp trên để được chuyển về quê hoạt động với những lý do đặc biệt, theo anh. Nhà ở cột bằng gỗ so đũa bị sập, bị hư. Vợ mới sinh một đứa con gái ốm yếu, bệnh hoạn. Với lại mùa rồi lúa trổ bị mấy cơn gió oái oăm, hạt không ngậm sữa, thành ra bị mất trắng...

 

Lúc anh Trường Sa đi mấy tháng, tình hình ta, địch ở xã Thạnh Tây như nước sôi lửa bỏng. Đội du kích tạm thời rút ra giữa đồng năn bám trụ, chỉ để lại ba nữ trinh sát len lỏi ở một địa hình cây vườn thưa thớt, mỏng, theo tuyến kinh xáng Phụng Hiệp.

 

Giữa năm 1970, năm thằng giặc bung lấn rộng khắp, đội du kích Phong Thạnh Tây sống suốt mùa mưa ngập ngụa trên cánh đồng trống hoang không một bóng cây cao. Nước chua loét váng phèn tiệp với màu cỏ năn vàng cháy. Mùa hạn, cả cánh đồng mênh mông không có chỗ nào để khơi được mạch nước ngọt. Và bổi cỏ khô dễ dàng bắt lửa cháy bùng lên.

 

Thu Hợp đêm đêm phải mang thư từ ra tới những căn chòi như chòi chăn vịt để gặp anh trung đội trưởng Hải Đen; không gặp được Hải Đen cũng gặp anh Tịnh hậu cần huyện đội. Ngoài thư từ, Thu Hợp còn xách theo những thùng nước ngọt tiếp tế cho du kích.

 

Mỗi lần Thu Hợp tới, Hải Đen không đành lòng để cô ra về một mình. Đích thân anh đưa Thu Hợp gần tới mí vườn rồi thui thủi quay lại. Cứ ba bốn lượt Thu Hợp về tới xóm an toàn thì có một lần cô phải ngủ lại giữa đồng năn với du kích.

 

Lý do Thu Hợp về không được là vì quân địch chốt lại trong vườn, máy bay trực thăng quạt lạch bạch đến mờ tối mới tan.

 

Đêm phập phồng, nao nao những cơn gió lùa qua. Rời rợi buồn. Mùi khen khét của khói đốt đồng lúc chiều hôm của những đám cháy lan đang bén lửa do đạn rốc-kết, của cá nướng trui trong chái bếp xông lên găn gắt,ngàn ngạt. Gần đâu đây, tiếng thau chén vét khạp nước lanh canh. Thu Hợp ngồi im thin thít, mãi tới khuya cô mới chịu chui vào chiếc mùng căng bít nền chòi váng phèn âm ỉ. Thu Hợp nằm ngoài. Kế đó là một chồng ba lô với mấy chiếc chiếu ngăn ra. Kế nữa là anh Tịnh. Và kế nữa là anh trung đội trưởng Hải Đen.

 

Hải Đen ngọ nguậy không tài nào chợp mắt được, không dám chui ra đi tiểu, không dám lăn trở thoải mái như thường ngày. Một phần, Hải thương anh Tịnh đang cơn nóng sốt hầm hập, chốc chốc lại lăn trở, rên rỉ. Một phần, anh ngài ngại làm sao ấy... Người anh nhẹ nhõm như chiếc bong bóng bay lơ lửng đâu đây.

 

Sáng ra, Thu Hợp mắc ngẽn giữa đồng, không thể loáng cái đã rời khỏi những căn chòi nhỏ để tránh bớt giọng trêu đùa của anh em ở chung với Hải. Một đàn máy bay trực thăng lạch phạch bay trên nóc chòi. Và sau đó...

 

Cho đến lúc mặt trời ngả xế, trung đội du kích chiến đấu trong một tình huống hoàn toàn bị động mới bung ra được hai cánh quân. Cánh của anh hậu cần Tịnh đông hơn, vừa quật nhào bốn chiếc trực thăng xuống đất. Cánh Hải Đen có Thu Hợp và thêm một chiến sĩ trẻ. Trong một điều kiện đặc biệt, tự nhiên hình thành hai cánh quân ngoài ý muốn. Bọn giặc đông hơn ta gấp trăm, đang áp sát cánh quân anh Tịnh. Một hàng rào đối phương khép nhỏ dần...

 

Làm sao giải vây cho đơn vị, cho anh Tịnh đang trong cơn sốt dai dẳng? Hải Đen tự hỏi rồi bỗng nhiên siết chặt bàn tay Thu Hợp, không nói một lời. Hải vạch cỏ năn bò đi nơi khác rồi bất thần đứng lên nổ súng buộc địch tràn tới chỗ mình. Hải đã thực hiện được ý định ấy. Nhưng chỉ được mươi phút, anh đã bị một miểng M79 ghim vào giữa ngực. Vết thương phụt máu thấm lỗ chỗ trên một khoảng cỏ năn. Nhờ khoảng cỏ năn trống trải mà đêm tối Thu Hợp mới đến lấy xác anh được.

 

Sẵn có chiếc xuồng của anh em du kích nhận chìm dưới con lung gần bên, Thu Hợp chở Hải Đen đi chỗ khác. Con lung trời sinh quanh quẹo không biết tới đâu thì cùn? Thu Hợp chẳng biết chở Hải Đen về đâu?...

 

Cánh đồng êm vắng khác thường. Không một bóng người thấp thoáng. Không nhìn thấy một ánh đèn. Gió ơi là gió. Xuồng đi ngược nặng trình trịch. Tiếng cây sào tre rớt lõm bõm dưới nước, tiếng lách bách của vài cánh chim vỗ ngang qua... Thu Hợp nhủ thầm:  “Ngủ nghe anh Hải. Ngủ ngon đi, tới chỗ hãy thức dậy. Ngủ đi!...” Rồi bỗng nhiên Thu Hợp rùng mình. Cô cố nén lo sợ. Cô lên giọng khác lạ như thể nói với người nào ấy : “Đừng ngồi dậy nghe! Ngồi dậy là tôi bắn đó!...” Nói xong, đôi vai Thu Hợp run khe khẽ. Toàn thân run rẩy và cô khóc òa lên.

 

Bỗng chiếc xuồng lắc lư, một bên be xuồng trì xuống, nước ào vô. Mấy cái bóng đen hớt hơ hớt hải túm mũi xuồng kéo xểnh lên vạt cỏ năn cháy trụi. Thằng giặc còn đây chớ không phải cánh quân anh Tịnh, không phải là anh em mình. Đoán vậy, Thu Hợp liền bẻ lọi cây sào tre và ngồi sụp xuống sạp xuồng. Cô luống cuống với tay nắm cây súng để bên chân. Nhưng chẳng kịp. Thằng giặc chớp nhoáng nhảy xổ vào chỗ cô...

 

Cánh đồng như nghiêng xuống sụt lở một mảng lớn. Gió xô tới ào ạt như tiếng sóng biển ầm ào...

 

***

Thuật tới đó buộc tôi phải tạm dừng vì thấy anh Trường Sa lóng ngóng ra đường. Khi tôi dừng kể, anh Trường Sa dụ dự đứng dậy bước ra phía lan can ngoài cửa sổ. Thì ra anh đang cần mấy điếu thuốc hút. Anh cầm một sợi dây, và cứ thả dần sợi dây xuống chỗ cô gái ngồi dựa tủ thuốc trước mặt nhà anh. Cô gái nhanh nhẩu lấy ra bốn điếu thuốc đầu lọc rồi buộc vào đầu sợi dây cẩn thận. Xong đâu vào đấy, anh Trường Sa rút dần sợi dây lên, miệng nhoẻn cười thích thú.

 

Tôi không từ chối điếu Cáp-tăn anh Trường Sa mời. Anh hút. Tôi hút. Khi đó mấy cánh cửa sổ chung quanh bắt đầu chuyển động. Gió quất ầm ầm vì chỗ chúng tôi ngồi huốt khỏi những cây mận ra trái chín bóng lưởng, ngọn bị gió dằn xuống quơ quét liên hồi. Gió làm rung rinh chùm đèn như những nụ hoa kết trên trần nhà màu da trời của anh... Anh Trường Sa dửng dưng trước cảnh tượng đó, như thể không có chuyện gì xảy ra cả. Mà có hề hấn gì đến những cánh cửa ấy, tôi nghĩ. Những cánh cửa bằng gỗ quí xếp vào loại A loại B từ trên rừng miền Đông đem về. Nhà anh Trường Sa có mấy khối gỗ quí đó để chồng chất lên những gạch, ngói, sắt, và gần một ngàn bao xi-măng Hà Tiên trong khi chưa kể tới cái chuồng heo nửa trên bờ nửa dưới nước khuất sau hàng rào dây kẽm kẻ ô vuông vắn!

 

Tôi bắt đầu kể tiếp câu chuyện còn bỏ dở sau một lúc cả hai ngồi im lặng. Đành rằng câu chuyện theo tôi đoán không lôi cuốn được anh bao nhiêu. Nhưng tôi cứ thuật. Có phần sốt sắng hơn, tôi bắt đầu kể trường hợp tôi gặp cô Thu Hợp trên xe mà đáng lý tôi phải gắn nó vào phần đầu câu chuyện nầy.

 

***

Đó là lúc xe sắp chuyển bánh.

 

Tôi mệt nhừ vì phải xếp hàng mua vé hàng giờ, sau đó còn phải chen lấn khá lâu mới lọt vào trong xe. Vừa ngả lưng vào thành ghế thì hai chân tôi chạm phải chiếc giỏ bàng cồm cộm không thể nào xếp gói hành lý vào đâu được. Tôi không một chút ý tứ, ồn lên :

 

- Chiếc giỏ nầy của ai để đây? Xin dời ngay cho. Dời...

 

Lại tiếp giọng gay gắt hơn :

 

- Của ai đây? Chiếc giỏ...

 

Vừa nói hai chân tôi vừa giẫm lên chiếc giỏ bàng, định xê dịch nó ra phía sau. Là vì tôi đoán chiếc giỏ chứa toàn những mặt hàng trốn thuế, hàng quốc cấm chẳng hạn – những thứ tôi đã từng trông thấy qua nhiều chuyến xe về thành phố.

 

- Chỗ nào ra chỗ ấy đi nghe! Xin hỏi chiếc giỏ nầy của ai? Tôi tiếp.

 

Liền đó, một cô gái đứng giữa lối đi trên xe nghiêng hẳn về phía tôi, tóc lòa xòa chấm tới vai tôi.

 

- Của em! Chỉ mua một ít gạo thôi mà – Cô gái nói giọng mềm mỏng dễ thương.

 

Tôi một thoáng ngồi im vì mới vừa bắt gặp cái nhìn thật hiền của cô gái. Đôi mắt cô ta đen láy mới sắc sảo làm sao! Thoáng nhìn cô ta khá đẹp và đôn hậu. Tiếc thay, không rõ hoàn cảnh nghiệt ngã nào xô đẩy cô ta chọn một công việc rắc rối, phức tạp nầy? Tôi nghĩ.

 

Xe chạy.

 

Lúc bấy giờ tôi trông thấy cô gái nép sát vào chỗ tôi ngồi hơn, tay vịn cây thanh sắt vắt dài trên mui xe, mặt ghé xuống chiếc giỏ bàng.

 

Tôi càu nhàu :

 

- Cô thấy đó, đường xa mà thế nầy thì chết mất.

 

Giọng cô gái khẽ khàng bên tai tôi :

 

- Anh làm ơn chút mà!

 

Lại tiếp :

 

- Lát nữa khách xuống em dời ngay cho. Cám ơn anh nhiều lắm.

 

Nói xong, cô ngồi sụp xuống kế bên chiếc giỏ. Tóc cô kéo lòa xòa vướng vào một bên mang tai tôi, tôi để yên lơ đãng nhìn ra cánh đồng căng phồng những thảm lúa chín màu vàng rực, vuông vắn. Cánh đồng trải tận đâu đâu, mù mù những đám mưa bụi như thể mặt sông rộng rinh nghiêng đổ con nước chảy xiết. Viền cây bên vệ đường xanh phơn phớt, hối hả bám riết theo chiếc xe đò. Tôi chập chờn trong cơn buồn ngủ nhưng nhờ tiếng “ zô... zô...” của anh phụ lái phía cửa trước làm tôi không ngủ được. Anh ta nghiêng người ra đường, tóc kéo dài lượt phượt tung ra phía sau. Trong lúc anh lật đật trở vào chỗ anh tài xế ngồi, tôi trông thật rõ gương mặt xương xương đen đúa và một nốt ruồi to tướng bên má trái của anh. Rồi lát sau tôi ngủ lịm đi lúc nào không biết. Khi choàng tỉnh, tôi cảm giác có một mái đầu nghiêng hẳn vào vai tôi, một mái đầu phụ nữ với mớ tóc mềm mịn cứ lất phất những sợi bén ngót lên mặt, lên mũi tôi nhột nhạt. Tôi để yên không dám động mạnh vì sợ cô gái có chiếc giỏ bàng ngại ngùng và tốn công bào chữa cho một sự vô ý của cô. Trông gương mặt lúc ngủ của cô hốc hác đến thương hại, chứng tỏ cô đã trải qua nhiều ngày đi đường nhọc mệt, mất ngủ. Vẻ mặt ấy, không lấy một điềm gì chứng tỏ là người như tôi tưởng. Nhưng tôi cứ loáng thoáng một ý nghĩ không tốt về cô. Chiếc giỏ bàng cộm lên dưới chân tôi là một chứng cứ.

 

Xe dừng đột ngột. Hành khách chúi người ra phía trước nhốn nháo hẳn lên. Bốn nhân viên kiểm soát thuế vụ lần lượt chui vào xe, đi rảo hết dãy băng nệm chật ních người. Lạ thay, không ai ghé xuống chỗ tôi ngồi cả. Có lẽ vì gương mặt đen đúa, lành lạnh, hay vì mái tóc hớt cao ráo của tôi khiến không ai để ý tới. Tôi cười thầm.

 

Nắng táp rần rần bên ngoài như đám lửa hắt vào tận trong xe, ngột ngạt. Bụi cám từ trên mui rơi vãi bên những tấm sáo nửa kín nửa hở, có cả những giọt nước dơ bẩn trong những thùng cá đồng xóc xách rơi xuống...

 

Đến lúc tôi  phải rút hai chân ngồi xổm trên ghế. Hai chân chốc sau liền bị tê dại,khó chịu. Tôi cố nén chờ cho xe khởi chạy mới buông thõng hai chân xuống như cũ.

 

Lạ thay, lần nầy cô gái lấy tay hất hai chân tôi ra, lúông cuống kéo lê chiếc giỏ tới chỗ cô ngồi. Chiếc giỏ chỉ lệch ra phân nửa.

 

- Nhờ nhỏi một chút mà dữ hôn? – Cô gái nói, lại tiếp giọng thách thức ra mặt – Còn nhân với nghĩa là gì nữa! Các anh sung sướng lắm, không chịu cực được đâu!

 

Tôi ngạc nhiên trước câu nói và thái độ cứng rắn khác thường của cô gái, đành ngồi im để xem thái độ diễn biến tiếp sau của cô thế nào? Tôi trông thấy đôi mắt cô đứng sững đăm đăm nhìn về phía trước. Đôi tay cô gái ghì chặt chiếc giỏ.

 

Tôi không có ý chống chế, chỉ muốn bày tỏ nhận xét của mình :

 

- Khỏi trạm rồi cô làm ầm lên là phải. Tôi biết!

 

Cô gái không nhịn :

 

- Có phải vậy đâu anh. Anh lầm!

 

Sau đó, cô gái thôi không nói nữa, và cũng không nhìn xuống chiếc giỏ bàng. Đôi mắt cô đỏ hoe như sắp khóc đến nơi. Tôi đinh ninh cô sắp xuống xe ở một điểm nào gần đây nhất, không còn lo sợ khám xét gì nữa...

 

Đang nghĩ quẩn nghĩ quanh, tôi bỗng nghe có tiếng còi rít lên dưới mặt đường. Tiếng còi liên tiếp bay ngang tấm sáo buông xuống. Được rồi. Giỏi làm ầm lên! Một ý nghĩ trả đũa nhỏ nhen của tôi đối với cô gái vụt lóe lên khi chiếc xe cồng kềnh xập xựng dừng hẳn.

 

Lại một trạm kiểm soát lưu động rải dọc đường. Những nhân viên kiểm soát trông còn trẻ trong quân phục màu vàng chỉnh tề và băng đỏ dính trên ống tay áo. Anh phụ lái tóc dài liền nhảy độp xuống đường lập tức. Thoáng chốc, anh phụ lái đã kề bên một nhân viên kiểm soát hơi đứng tuổi có dáng người thâm thấp, chậm chạp. Anh phụ lái theo sau anh nhân viên kiểm soát như cái bóng từ dưới lòng đường cũng như lúc đi rảo giữa lối đi trên xe.

 

Mọi việc kiểm tra hành lý diễn ra trật tự, mau mắn. Tuy thế vẫn bày ra linh tinh những món hàng không được phép chuyển đi trên chiếc xe chở hành khách nầy : Thuốc tây, dây kô-ro, ruột bánh xe, thịt mỡ, bột mì, những bọc đường hóa học... Và cuối cùng, anh nhân viên kiểm soát đứng tuổi nhìn  xuống chiếc giỏ bàng của cô gái ngồi gần bên tôi. Cô ta hơi khép nép, không mấy tự nhiên khiến tôi càng thêm nghi ngại. Tôi lo lắng cho cô hơn là có ý định trả đũa nhỏ nhen như khi nãy :

 

- Chị tự kiểm lấy hàng của chị- Anh nhân viên kiểm soát đứng tuổi nói.

 

Cô gái ngồi im...

 

Lần thứ hai, thứ ba, cô gái vẫn ngồi im.

 

- Nhanh nhanh bà chị. Đợi tới khuya mới lên tiếng thì sáng mới đi được đa nghen. Giùm đi bà chị – Anh phụ lái nôn nóng pha trò.

 

Anh nhân viên kiểm soát từ tốn :

 

- Có gì trong nầy?

 

- Chỉ có một ít gạo thôi! – Cô gái đáp giọng mềm mỏng hệt như lúc mới gặp tôi.

 

-Ra vậy! – Anh phụ lái thở phào một cái, lại tiếp – Gạo thì ra gạo! – Lại cúi sâu xuống chiếc giỏ bàng – Gạo à? Đừng đợi tới khuya bà chị. Trút ra đi!

 

Vẫn anh phụ lái nôn nóng, tất cả nắm kéo cái bọc nhựa từ trong chiếc giỏ.

 

Lúc bấy giờ cô gái cúi mặt tựa lên hai bàn tay bó gối. Đôi vai cô khẽ run lên khác lạ khiến mọi người trên xe quay nhìn hết về phía cô. Những người ngồi phía sau đứng dậy. Thoáng chốc, anh phụ lái kêu “a” lên một tiếng gần như hốt hoảng. Và anh khuỵu xuống chiếc ghế hành khách kế bên. Giọng anh lấp vấp:

 

- Xương... người! Đúng là xương...

 

Tiếp theo sau tiếng anh phụ lái là tiếng xầm xì bàn tán của hành khách đi đường, tiếng từ tốn của những nhân viên kiểm soát tụm lại chỗ cô gái và tiếng khóc...

 

Cô gái vẫn ngồi tựa lưng vào thân ghế. Hai tay cô gái luống cuống giành phần anh nhân viên đứng tuổi gom những lóng xương tay, xương chân màu tro lụn vụn, rời rạc cho vào bọc nhựa. Dường như những người chung quanh, kể cả nhân viên kiểm soát đều lúi húi làm công việc ấy. Không một ai  nói gì thêm.

 

Tôi bàng hoàng giúp một tay gói tấm bọc nhựa lại cẩn thận. Tiếng ròng rọc của dao rọc túi nhựa khi nãy cứa vào da thịt mình. Trở vào chỗ ngồi xong, đôi mắt bị hoa lên và không còn nhớ chiếc xe khởi chạy từ lúc nào...

 

Câu chuyện tạm thời kết thúc ở đó. Đối với anh Trường Sa, tôi đã tước bỏ rất nhiều chi tiết phần đầu cũng như phần cuối câu chuyện để anh khỏi phải mất quá nhiều thời gian ngồi lắng nghe tôi kể.

 

Phần đầu tôi đã bỏ qua cái đêm tối trời trên đồng năn, cô Thu Hợp bị bọn giặc giành giật cái xác người yêu, đem dập trên một gò đất lưa thưa những cây bình bát. Rồi sau đó, chúng nó đẩy Thu Hợp đi hết nhà tù nầy đến nhà tù khác, và cuối cùng, Thu Hợp bị đày ra Côn Đảo cho đến khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, cô mới được trả tự do. Năm năm thăm thẳm. Thế nhưng Thu Hợp không về đất liền vội vì còn rất nhiều công việc ở đảo cần cô ở lại. Còn phần sau câu chuyện, tôi cũng không kể cho anh Trường Sa nghe đoạn cô Thu Hợp thuật chuyện với tôi trong một ngôi nhà trọ sau khi xe tới bến. Cô ghét tôi, căm giận tôi mới đúng về việc tôi để ý chiếc giỏ bàng của cô dọc đường, nhưng kể chuyện riêng với tôi, cô không bỏ sót một chi tiết nào cả.

 

Nghe xong, anh Trường Sa cười nhẹ, môi dưới hơi trễ xuống khiến miệng đã rộng càng rộng thêm, trông thật hiền từ.

 

Anh nói khi một ngón tay gõ xuống tấm kính trải bàn :

 

- Bị hớ một keo nặng chớ không phải vừa. Ông công an nhà ta!

 

Anh lại sôi nổi khác lạ :

 

- Trạm là trạm! Kiểm soát là kiểm soát! Thấy bể. May mà mình có được chiếc xe con, không thì ớn cái nước ngồi xe đò quá thể...

 

Tôi nhìn anh rất cẩn trọng và thấy rằng mình khỏi phải nói gì thêm. Thật ra tôi rất đau, bị giày vò không xiết kể vì mình đã chạm vào thân thể một người chiến sĩ, vào vết thương căng ứa máu trong người thiếu nữ ngồi kế bên tôi trên chiếc xe đò. Con người ấy mới đáng hưởng mọi thứ ưu đãi và hưởng hạnh phúc, đáng được một đứa con trai như thằng Lặn đêm đêm góp cho mẹ, cho làng xóm một tiếng đàn và lớn lên khi cần thiết nó sẽ làm cái việc rất đỗi tự nhiên như cha nó làm : Cầm súng! Hà huống tôi chưa ghi lại một cách trung thực cụôc chiến đấu anh dũng của những con người ở một vùng đất váng phèn quanh năm, những căn chòi chăn vịt uy nghi hơn những biệt thự trống rỗng. Nhưng dù sao tôi cũng có lý do để bào chữa về sự vô tình của mình một người đồng hành với cô Thu Hợp, về cái hờ hững thiếu trách nhiệm của một người cầm bút cũng nên. Còn anh Trường Sa, phải nhớ rằng mọi sự hưởng thụ quá đáng, không đúng lúc đều có một sự dụng ý cả, đúng hơn là một sự đang tâm!

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 2994
Ngày đăng: 02.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu mãi xanh - Thanh Giang
Trăng muộn - Thanh Giang
Người ấy - Kim Quyên
Chuyện cổ tích về chiếc áo tơi - Trầm Hương
Dòng nước ngọt cho con - Trầm Hương
Khỏa thân màu xám - Lê Đình Trường
Bâng-briêu mùa xuân - Nguyễn Thanh
Bến sông đời người - Nguyễn Thanh
Nắm tro - Kim Quyên
Nghiệp văn - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)