Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.216
123.207.139
 
Lễ Cúng Đất (Cúng Lệ) Ở Nông Thôn Khánh Hoà Xưa (2)
Nguyễn Man Nhiên

Viết chung với VÕ TRIỀU DƯƠNG

- Phù chúc tư (mời ăn chè cháo xôi): Pháp sư giới thiệu mời xong các món, đoạn nhịp mõ đọc tiếp:

Phục vị:

Rày khuyên liệt vị chư thần, đến thời hâm hưởng, chứng lễ khai diên, lễ nạp phàm tình, nguyện kỳ trạch chủ, toàn gia nam nữ, đại trung tiểu đẳng, các bảo bình an, chuyên niên khang thái, trạch chủ kiền thành, sơ tuần nhị bái.

Chủ nhà lạy hai lạy, gia nhân rót rượu vào 1/3 ly đều hết tất cả các bàn. Duy ở bàn của Cậu Hai Nguyễn Lương, ly rượu phải to, vì Cậu Hai uống rượu dữ lắm. Khi rót rượu mời Cậu, không được nói: Mời Cậu uống rượu, mà phải nói: Mời Cậu “ca lắc” - tiếng Thượng là uống rượu (thầy pháp dạy như vậy, nên đến tận ngày nay mỗi khi cúng rượu mời Cậu Hai, dân làng đều nói “ca lắc”, do tục lệ đã quen).

Thầy đọc tiếp:

Phục vị:

Nhất bái cầu thiên sanh giáng phước (gia chủ lạy 1 lạy)

Nhị bái cầu gia trạch bình an (gia chủ lạy 1 lạy)

Tam bái cầu thân cung tráng kiện (gia chủ lạy 1 lạy)

Tứ bái cầu hoạnh tài vô tai (gia chủ lạy 1 lạy)

Ngũ bái cầu trư dương tể tể (gia chủ lạy 1 lạy)

Lục bái cầu hòa quốc phong đăng (gia chủ lạy 1 lạy)

Trạch chủ đê đầu cúc cung tam bái (chủ nhà lạy thêm 3 lạy nữa).

Bây giờ đến lượt “khất âm dương” nghĩa là xin keo. Dân gian thường nói: “Âm phủ lấy vật làm tin, dương gian lấy keo làm tín”. Cách thức xin keo như sau:

Dùng hai đồng xu xưa có lỗ, một mặt sơn vôi trắng, một mặt để y cũ. Hai mặt trắng của hai đồng xu biểu tượng cho dương, hai mặt kia biểu tượng cho âm. Hai đồng xu đặt vào trong cái dĩa nhỏ, thầy pháp một tay cầm cái dĩa, còn tay kia để ngửa ra, hai đồng xu đặt trên các ngón, hai mặt trắng đồng xu phơi lên trên. Đoạn thầy đưa bàn tay qua qua lại lại trên những cây hương tại bàn Hội Đồng, miệng van vái. Bất ngờ thầy thả tung hai đồng xu xuống, nếu hai mặt đều trắng hay đều đen thì có nghĩa là thần quỉ không chứng cho lễ đàn này. Còn nếu một mặt đen một mặt trắng ấy là thần chứng. Nếu xin keo không được tức là quỷ thần không chứng, bấy giờ pháp sư đổ thừa cho gia chủ cúng bái mà không thành tâm, rồi dạy cho gia chủ phải thành tâm khấn vái lễ lạy nhiều lần nữa. Trường hợp lần thứ hai pháp sư xin keo cũng không được, bấy giờ gia chủ đâm ra hoảng hốt, vội hối thúc cả gia đình cùng ra thì thụp vái lạy, chạm đầu sát đất. Do thầy pháp nhiều kinh nghiệm, thường xin keo không quá ba lần.

Xong xin keo đến phần khai quang điểm nhãn. Trong lễ cúng đất thường phải có hình hai người thế mạng, một nam một nữ vẽ trên giấy, do pháp sư đặt để mà theo hầu hạ chúa quái ngũ phương. Nhà giàu có thì lấy rơm làm bù nhìn mặc áo quần bằng giấy ngũ sắc, vẽ mặt mày cho xinh đẹp.

Hai hình nhân đặt trước lễ đàn, pháp sư đứng bộ đinh, tay cầm 3 cây hương, miệng đọc kinh. Đọc đến phần nói về giác quan nào thì cầm hương thư bùa vào giác quan đó. Ví dụ, đọc đến con mắt thì thư các chữ: Án khai huệ nhãn quang minh, cuối nét chữ “minh” thì kéo vòng tựa hình số 2 ngược, rồi thư tiếp 5 chữ: Án lục súc hóa hiện.

Bài Chú khai quang điểm nhãn như sau:

Tổ sư hích hích giáng nhân gian

Luyện phù luyện chú luyện linh đan

Hành trì cửu khúc đao linh nghiệm

Binh phù ấn quyết Tổ sư truyền

Phụng thỉnh Tổ sư điểm khai quang nhãn (thư nhang ở mắt)

Khai nhãn nhãn quang minh

Phụng thỉnh Tổ sư điểm khai quang nhĩ (thư nhang ở lỗ tai)

Khai nhĩ nhĩ thính thinh

Phụng thỉnh Tổ sư điểm khai quang tỵ (thư nhang ở mũi)

Khai tỵ tỵ giác hinh năng thông

Phụng thỉnh Tổ sư điểm khai quang khẩu (thư nhang ở mũi)

Khai khẩu khẩu năng ngôn năng thuyết

Phụng thỉnh Tổ sư điểm khai quang thủ (thư nhang ở tay)

Khai thủ thủ năng cử, năng chấp, năng chiết

Phụng thỉnh Tổ sư điểm khai quang túc (thư nhang ở chân)

Khai túc túc năng tẩu năng bộ hành

Phụng thỉnh Tổ sư điểm khai quang tâm (thư nhang ở tim)

Khai tâm tâm năng hoan hỉ năng phục tùng.

Pháp sư rút khăn ấn vỗ lốp bốp ba cái, xàng qua xàng lại rồi đọc:

Bắc Đế xuất hình Bắc Đế trường sinh, cấp cấp như khai quang điểm nhãn thiên tôn.

Đọc xong câu này pháp sư bắt ấn Ngũ Lôi, mà trong kinh Pháp Đàn ghi gọn là Quyết Tý, Quyết Ngọ, Quyết Dần. Cách hai tay bắt ấn Ngũ Lôi như sau:

Theo khoa Chiêm tinh và Kinh Dịch Đông Phương, dùng bàn tay để tính 12 con giáp được phân bố là: Bốn ngón tay dài mỗi ngón có 4 ngấn (đầu mỗi ngón tay giáp với móng tay cũng tính là 1 ngấn). Ngấn cuối của ngón tay áp út (ngón đeo nhẫn cưới) đặt làm cung tý. Ngón cuối của ngón tay trỏ là cung dần và ngấn đầu của ngón tay giữa đặt làm cung ngọ. Quyết tý là dùng đầu ngón tay cái bấm vào cung tý. Quyết dần là đầu ngón tay cái bấm vào cung dần. Quyết ngọ là đầu ngón cái bấm vào cung ngọ. Hai bàn tay đều làm như nhau trước mặt hai hình nhân rồi đọc mấy câu thần chú:

Án tý tả ngọ khai dần xuất hiện.

Án tý tả ngọ khai dần thị hiện.

Án tý tả ngọ khai dần vật hiện.

Án khai quang thậm kỳ diệu.

Án khai nga quang thậm kỳ hình.

Án tả tả khai khai điểm khai quang nhãn.

Pháp sư đặt tên cho hai đứa mày là Nguyễn Văn Hầu và Nguyễn Thị Hạ, mày theo hầu hạ ngũ phương, bổn thổ, ngũ phương Chúa Ngung Man Nương, ngũ phương ngũ quỉ thổ quỉ, ngũ phương tác quái thần quan đồng thọ lãnh. Hỏi ai thế cấp, mày nói:

Thừa Thái Thượng Tam Ngũ Đô Công, Chức Lục pháp sư thần tự Quang (hoặc tự Chơn, tự Đức... là hiệu của pháp sư) thế cấp. Mày về thưa Chủ vị ngũ phương bổn thổ, ngũ phương Chúa Ngung Man Nương, ngũ phương ngũ quỉ thổ quỉ, ngũ phương tác quái thần quan, cho rõ ràng, từ nay cho đến mai sau, phải bảo hộ Kim vì trạch chủ toàn gia nam nữ đại tiểu đăng, các bảo bình an khang thái. Nhược hậu nhật, tâm tồn lai vãng, nhiễu hại sanh nhân, Kim vì trạch chủ tức tấu thiên đỉnh, pháp sư y luật trị tội.

Về thưa chư vị kêu tốt tên cho mày. Án, dê gà chật cửa, hột ngọc giao keo, kéo bình vôi vòng nguyệt (khi đọc đến chữ Án, thì pháp sư cầm 3 cây hương thư nét chữ Án vào mặt hai hình nhân), ngựa hồng voi trắng thế cho chư vị... (kể lại tên các vị thần ở trên), là 2 người vạm vỡ tốt cao, quả cái cẩn phong vàng bạc. Thánh nhân lời nói thật, quí vật tại quý nhân, kể của tốt là hơn người dương thế.

Án, lục súc hóa hiện, dĩ ấn thư phù.

Dùng hương thư 4 chữ: Tiên Hóa Thành Nhân.

Rồi thư 4 chữ: Biến Thiểu Thành Linh.

Rồi dùng hương thư từng chữ một: Hằng, Hà, Sa, Số  v.v...

- Biến diêm mễ: pháp sư cầm 3 nén hương thư chữ Án vào chén muối và đọc theo thể vãn, tiếng gõ mõ ngắt trường canh:

Kệ viết: Phù diêm mễ giả.

Ngọc yêu thiên dưỡng, của báu trời sanh. Nhớ thuở xưa Đế Thuấn canh vân, tưởng ngày nọ Thần Nông trồng trọt. Xuân sanh ư giáp ất, hạ tán ư bính đinh, thu liễm ư canh tân, đông tàn ư nhâm quí thủy. Hải sanh diêm mùi càng mỹ vị, gạo Lương Sơn tích để thiên trù. Hưởng chi tắc bảo mãn thiên thu, thực chi tắc trường sanh vạn tuế. Lẫm lẫm giả, gạo Châu tích để, trần trần hồ, lúa hóa vạn bang. Quân ăn một hột biến muôn ngàn, quân ăn lấy hây hây chí khỏe. Nghe ba tiếng thăng chiêu cờ chỉ, quân hết lòng chớ khá tranh khi. Soái dĩ đức chừ tướng dĩ oai, bắt cho đăng ngũ phương tác quái thần quan. Phục thi cố khí, thổ mộc yêu tinh, mà làm lệnh lực dĩ hòa tâm dĩ chính. Oai nghiêm khí giới hởi cho cần, là hởi cho cần. Luyệt chú viết:

Sắc diêm mễ linh linh, thủ chấp diêm mễ phân vi nhị khí, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, cho bàn đào vu Giang Tân, giá dân giá thiết, dĩ dân vi hắc dĩ mễ vi hoàng, vạn vật tương sanh tích kỳ ngũ cốc, năng cứu nhân dân, trù giới tương thân, vật vi huyền hiến lại âm binh, ngũ phương tác quái thần quan, cập tam thập lục loại, âm hôn cô hồn, tốc tựu đàn trăng, lĩnh kỳ diêm mễ.

Thầy lại mời ngũ phương Lý Thuần Phong, tác quái thần quan tốc tựu đàn tràng lãnh kỳ diêm mễ.

Thầy lại mời ngũ phương Chúa Lồi Chúa Lạc, sơn xuyên cấm kỵ thập nhị thời thần, phục thi cố khí, thổ mộc yêu tinh, tốc tựu đàn tràng lãnh kỳ diêm mễ.

...

Sắc Đông Thiên Bồng Tương Nguyên Quản, cán mã uất lâm Thành Quận Công Lợi, cha nam thiên Do Văn Nghiệp, trảo nha Quách Nguyên Cảnh, bát cha thị quận tây, bảo đức công minh, chưởng trấn phương trọng Cao Gia Lặc, phù hưng bắc châu Võ Văn Nghiệp...

Kệ viết:

Châu trần diêm mễ thiểu thành đa

Phân phát ba quân cộng hằng hà

Nhất bá biến thiên, thiên biến vạn

Quân phân đội ngũ trấn viên già.

Đốc áo lệnh hành phân đẳng đạo

Thọ kỳ diêm mễ hỡi ngũ phương, là hỡi ngũ phương.

Án, phược nhật la hề phạt nhật la, vi khôi, vi hỏa, vi đậu.

Án, diêm mễ khí hạ luật lệnh.

Trở đầu bè ra ngoài cửa ngõ, để sau khi cúng rồi thì tống bè ra sông suối.

Thầy đọc tiếp:

Phục vị, thượng lai tam hiến, pháp sự điều viên, dĩ hữu kim ngân, phó lưu thiêu hóa.

Đốt vàng mã.

- Nghi xạ quái (bắn cung đuổi quái): Sau khi lễ cúng đốt giấy, là đến nghi xạ quái. Nghi này thầy pháp biểu diễn rất ấn tượng, miệng thầy đọc tụng giòn tan, còn tay và chân xàng qua đi lại, theo các điệu bộ chữ đinh, chữ ất và bộ tam tài. Lúc này thầy không gõ mõ nữa, mà ra oai thần võ cho đám yêu quái khiếp sợ. Khi thì rút thanh “bảo kiếm” cầm tay lăm lăm muốn chém yêu quái, khi thì vỗ khăn ấn nổ như pháo chuột.

Mỗi phương thầy bắn một mũi tên. Bài kinh hát trước khi bắn mỗi phương đều giống nhau, chỉ khác ở chỗ như: Đông phương thì giáp ất mộc: Mộc Đức Tinh Quân; Nam phương thì bính đinh hỏa: Hỏa Đức Tinh Quân; Tây phương thì Canh Tân Kim: Kim Đức Tinh Quân; Bắc phương thì nhâm quí thủy: Thủy Đức Tinh Quân. Bắn phương nào thì thay tên hiệu ở phương nấy. Muốn thành thục nhịp nhàng như vậy, đệ tử phải theo học nơi thầy 3 năm, sau đó mới được tấu chức xuất sư.

Bài hát để xạ quái như sau:

Sắc Tiễn Vương đại tướng (tức Vương Tiễn, tướng của Tần Thủy Hoàng), cỡi bạch mã thủ chấp cung tên, tự Nghiêu thiên tức lập đương quyền, xuất thập nhị Tiêu Hà xuất giá, hạ địa phong hy quái dị, kết nhủ vu tu xà, có cung đồng dây sắt Nữ oa, những giấy ở Thanh Sơn Tây Thục, tên hơn 5 khối sắt, dây nặng 7 cân đồng, 5 cái tên ở núi Du Phong, xem hiệu lại là Du Ngũ Tiễn. Tự Nghiêu thiên mới khiến, nghề thiện xạ là tay, trương cung lên nhờ có đức dày, trợ đệ tử xạ kỳ tác quái. Mang một bầu âm dương tạo hóa, dốc một lòng trảm quỉ trừ tinh, cởi đằng xà dường có cung tên, bá nhãn lập làm trận sát. Dung dung rủi tay cầm tên bạc, cởi đằng xà qui ẩn nơi đâu, trương cung lên cậy có đức dày, trợ để tử xạ kỳ tác quái.

Án lãng linh Đế Thích tà thần khứ.

Án lãng linh Đế Thích quỷ mỵ khứ.

Án lãng linh Đế Thích ngũ phương tác quáu viễn khứ tha phương.

Án thần cung hích hích, thần thỉ dương dương, xạ vu tứ phương, trạch chủ thọ mệnh diên trường.

Pháp sư chấp cung tiễn, nhất thời xạ quái ngũ phương.

Cẩn thỉnh đông phương giáp ất mộc, Mộc Đức Tinh Quân, thỉnh đại tướng Tiễn Vương, giáng hạ viên gia, khử trừ niên quái, nguyệt quái thời quái: Thổ ôn thần quái, thổ mộc yêu tinh, viễn khứ tha phương.

Án thần cung hích hích, thần thỉ dương dương, trạch chủ thọ mệnh diên trường, pháp sư chấp cung thỉ nhất thời xạ quái đông phương lôi bộ lôi bộ.

Đọc dứt câu này, pháp sư đứng lại theo bộ đinh tấn rồi hạ bộ xuống, đoạn dương cung bắn về hướng đông một mũi tên. Kế đó pháp sư bước chân qua bộ tam tài (tức đưa qua giống hình chữ Z), rồi rút 3 cây nhang cắm nơi khăn đóng ở trán, thư 4 chữ ở hướng đông: Dĩ Thỉ Thư Phù... Nét cuối của chữ Phù, kéo luôn nét thư thành hình vòng giống con số 2 ngược, bao bọc lấy các chữ ấy, cuối nét thư thành những vòng cong liền nhau qướt lên trời. Tiếp theo thư 4 chữ: Tống Khứ Tha Phương… và 2 chữ: Sát quỉ.

Đoạn pháp sư đọc tiếp, cũng đi theo bộ ất vòng vòng trước lễ đàn:

Nhất xạ nhất trúng quái bại tại đông phương, khai giải đông phương môn phù ấn chuyển, âm dương ly cách biệt, thủy hỏa đạo càn khôn, gia nội trừ ươn ách, quái mỵ tống khứ tha phương, cẩn thỉnh đông phương lôi bộ lôi bộ.

Bắn các hướng khác cũng đọc y như bài trên, từ khởi câu “Cẩn thỉnh...” cho đến câu cuối “lôi bộ lôi bộ” thì dừng.

Hướng thứ 5 là ngôi trung ương đọc tụng kinh mà không bắn tên. Pháp sư tụng:

Đề chuẩn tại trung ương, cẩn thỉnh trung ương mậu kỷ thổ: Thổ Đức Tinh Quân, trạch chủ thọ mệnh khang trường.

Đọc đến đây pháp sư cầm 3 cây nhang thư 2 chữ “Sát quỷ” trong đạo bùa rồi đọc tiếp:

Sắc khâm thừa Thái Thượng Thái Thượng, bố cang võng tứ duy, tứ duy, chỉ tinh binh chiếu diệu oai kỳ, phân lực sĩ đông tây nam bắc, song túc đạp tam tài chi bộ, dương thủ đề bát hướng chi thời, trương thần cung phá mã vô vi, trợ đệ tử xạ kỳ tác quái.

Đọc đến đây pháp sư lấy cung và tên cột chung lại, đưa cho gia chủ đem treo trước hiên nhà ngay cửa giữa. Việc làm này có dụng ý như sau:

Cây thần cung xạ tiễn và mũi tên này để dành lại đây, nếu lũ yêu quái nào còn dám đến quậy phá, khi gia chủ báo cáo thì pháp sư sẽ đến lấy cung tên “Thần Kim Quy” này, chỉ cần bắn một phát thì giết hết cả đám.

Rồi liền đó pháp sư đọc tiếp:

Hạ lệnh truyền cung mã, cung mã, tay thủ đề quyết ấn vạn bang, vạn bang, tay thư đề túc đạp khôi cang, trừ chúa quái tha phương viễn khứ (Pháp sư rút khăn ấn vỗ 3 cái).

Thầy đọc tụng tiếp:

Phục vị: Thượng lai tam hiền, pháp sư châu viên, cung kỳ cảnh chúc, các bảo trạch chủ hiệp toàn gia, nam nữ đại tiểu đẳng, chung niên các bảo bình an khang thái. Sự tất (đốt giấy).

Thượng kỳ cao chân, đồng lại thượng công chính vu thượng đạo, nhứt thiết tín lễ, vị như thượng lương, gian niệm phước sanh, trường sanh bảo mệnh thiên tôn, tiêu ương giải ách thiên tôn, thôi tai tập phước thiên tôn, đại đạo phù hộ, bất khả tư nghị công đức, trạch chủ thọ mệnh diên trường.

Sắc tại đông qui đông: Đông Thắng Thần Châu. Tại nam qui nam: Nam Thiệm Bộ Châu. Tại tây qui tây: Tây Cụ Na Ni. Tại bắc qui bắc: Bắc Câu Ly Châu. Tại trung ương thôi tri miếu đường. Thách khứ lưu ân, thần khứ lưu phước, phước lưu trạch chủ thọ bá bá phước.

Thiên thượng viễn thiên thượng, địa phủ thâm địa linh, vạn thần giai trấn trọng, trạch chủ tống; hòa bình.

Pháp sư xổ mõ. Thành lễ tất. Vãi gạo muối và hú 3 tiếng.

- Tống bè:

Sau mỗi lễ cúng đất đều có nghi thả bè. Ngày trước, suối kênh rạch bàu nước ở nông thôn chằng chịt, do đó việc thả bè rất thuận tiện.

Nghi thức này thể hiện lòng thương của người cõi dương đối với người cõi âm rất bao la. Những âm hồn cô hồn các đẳng trên cạn thì còn đến ăn được, riêng với những hồn ma gia ở dưới nước phải bố thí bằng cách thả bè.

Cái bè làm bằng bẹ chuối tươi cột hai đầu lại, bên trong để chè xôi, cá thịt, gỏi xào, bánh trái..., phải làm từ 3 đến 5 cái bè như thế. Trên các bè cắm cờ giấy ngũ sắc. Nếu nhà địa chủ quá giàu, thả bè bằng đầu heo gà vịt thì phải dùng hai đoạn cây chuối kết lại, bên trên đặt tấm phên tre. Sau khi thả bè xuống sông suối trôi một đoạn chừng bốn, năm chục mét, thường phía dưới đã có đám mục đồng đứng hàng ngang chực vớt ăn.

Muốn vớt bè giành ăn với ma gia phải là giới mục đồng chận trâu từ 10 năm trở lên mới dám. Còn chận trâu dưới 10 năm trở xuống, nhất là chỉ mới chận trâu vài ba năm, mà giành ăn với ma gia thì coi chừng sẽ bị tàng tàng. Bởi vì chận trâu 10 năm trở lên sẽ gần thành tay chân của thần Mục Đồng Mục Tượng, đám ma gia ngán sợ không dám bắt. Còn đám mới vào nghề hay chận trâu dưới 10 năm, chỉ có việc bưng bè và ăn theo “đại ca”.

Khi cúng trong nhà xong, thầy pháp sai người nhà bưng bè đi ra suối, sông. Thầy rút thanh “bảo kiếm” trao cho đệ tử và một cây trượng (gậy tre) giao cho người nhà, cùng đi theo thầy bảo vệ bè. Nếu không như vậy sẽ bị đám cô hồn trên cạn cướp bè mất. Đến chỗ nào thầy nghi có đám cô hồn đứng chận, thầy ra lệnh đoàn bè đứng lại, thầy lại ra oai thần võ, miệng đọc thần chú, tay bắt ấn và rút khăn ấn vỗ ba cái để đánh đuổi ma quỷ ấy chạy xa rồi cho đi tiếp. Đến bờ sông suối đặt bè xuống, pháp sư đọc kinh rồi mới thả bè xuống nước.

Kinh rằng:

Phục vị: Âm dương đã có, rượu chước 3 tuần, mời chư vị thần, nhẩn thời hấm hưởng. Phàm tình vọng tưởng, vật chẳng trọng khinh, thần chí tối linh, có chi hưởng nấy, chư vị lãnh lấy, cuộc tiệc hầu thôi, có tửu có bôi, hương đăng bảo mãn, ai thỉnh thì đến, có việc thời dưng, lòng thành rưng rưng, toàn gia mạnh khỏe, già già trẻ trẻ, đều đặng bình an, đưa các tai nàn, tống ra hải ngoại, tiền chi đãi tái, hậu dĩ hầu thôi, hương tàn khói lạnh, xuân đa kiết khánh, hạ báo bình an, thu tống tam tai, đông nghinh bá phước.

Nhất tuần khuyến thực khuyến hiến.

Nhị tuần khuyến thực khuyến hiến.

Tam tuần khuyến thực khuyến hiến.

Thực bất quá dạ, bất khả vô cùng, thực chi như phong, hành chi như vũ, phò hộ trạch chủ, toàn gia nam nữ, các bảo bình an, trạch chủ đê đầu, cúc cung tứ bái.

Phục vị: Khâm thừa Thượng Đế, chức chưởng đương miên, quảng thông lai khứ, đẳng sự họa phước, tư ty khánh nhật, tiễn đắc lương thần, nguy nguy kỳ tượng, đảng đảng kỳ hình, thị chi phất kiến, thính chi phất văn, chiêm chi tại tiền, quán chi tại hậu, thực chung tam kiến, tửu dĩ tam tuần, thực chi như phong, hành chi như vũ, phò hô trạch chủ, nam nữ đại tiểu, các đẳng bình an, hung thần ác sát, tống khứ tha phương, hạc tán tân long, chư vị ba dòng, chừ thầy đưa đẩy, oai phong lừng lẫy, khí giới đưa sang, đều xuống thuyền vàng, điểm tên cho đủ, nhược bằng cứng cổ, có lệnh Ngọc Hoàng, xuống chỉ bắt hết, thiên quỉ vạn ma, tống ra ngoài biển.

Sắc: Tại đông quy đông: Đông Thắng Thần Châu.

Tại nam quy nam: Nam Thiệm Bộ Châu.

Tại tây quy tây: Tây Cụ Na Ni.

Tại bắc quy bắc: Bắc Câu Ly Châu.

Tại trung ương: quyền tri miếu đường.

Thánh khứ lưu ân, thần khứ lưu phước, phước lưu trạch chủ, thọ mạng diên trường, thiên thượng hoàn thiên thượng, địa phủ hoàn địa phủ, vạn thành tấn trạch, trạch chủ khang minh.

Xổ mõ, thầy khiến mọi người thả bè xuống sông. Lễ tất.

- Vài nét sơ lược về đạo Thầy Pháp:

Theo các thư tịch cổ thì Tổ sư của đạo Thầy Pháp vừa hư cấu vừa có thực. Hư cấu vì danh hiệu Tổ sư Thái Thượng Lão Quân chỉ là nhân vật huyền thoại, giống như Trư Bát Giới, Thái Tử Na Tra... Vừa có thực vì Tổ sư Trương Đạo Lăng, người sáng lập ra Đạo Giáo tức đạo Thầy Pháp được người sau đồng hóa ra Thái Thượng Lão Quân, người tỉnh Giang Tây đời Đông Tấn. Càng về sau Đạo Giáo càng thịnh hành, đã có nhiều vua chúa của các triều đại Trung Quốc ban sắc phong công nhận, cầu cạnh tin theo. Về sau đổi thành Thánh Nhất Đạo rồi Thái Bình Đạo. Đạo này truyền sang Việt Nam khá sớm. Vua Lý Nhân Tông kính trọng và thân thiết với Thông Huyền pháp sư ngang hàng với Giác Hải Thiền Sư. Triều nhà Lê còn có mở khoa thi Tam Giáo (Phật Lão Khổng). Những người hành trì tu theo đạo Thầy Pháp được biết tại Việt Nam như cha con Nùng Trí Cao, Nùng Tồn Phúc đời nhà Lý; thời Pháp thuộc có cụ Trần Cao Vân (quân sư của vua Duy Tân) đạo hiệu là Mộc Trần; lãnh tụ phong trào Cần Vương Võ Trứ ở Phú Yên.

Kinh sách bùa chú của đạo Thầy Pháp ngày nay còn truyền lại là quyển Vạn Pháp Quy Tôn và Pháp Đàn, trong đó toàn bày vẽ chuyện dị đoan. Đạo Thầy Pháp tại miền Trung xưa có 2 bực. Một là Văn Đạo Sĩ (còn gọi là Giang Đạo Sĩ) tu tầng cao, hành trì luyện bùa chú theo sách Vạn Pháp Quy Tôn, định kỳ mỗi tháng dành ra mấy ngày để lên núi tu luyện. Bậc thứ hai thấp hơn là thầy pháp tu luyện theo quyển Pháp Đàn, mục đích chính là để làm nghề mưu sinh nuôi gia đình. Thầy Pháp hay Văn Đạo Sĩ không có ăn chay.

Muốn thành thầy pháp cần phải cầu thầy thọ giáo và học chữ Nho, để viết đọc được đơn Tá Thổ và bùa chú. Điều quan trọng của nghề thầy pháp không phải tu luyện bùa chú cho linh mà phải biết múa máy tay chân, đi lại thật khéo đúng điệu bộ, hô hét thật hay, đóng kịch sao cho nhập vai. Ngoài ra còn phải biết “ma mãnh” trong cách nói lái, nói lóng, nói láy v.v... ăn ý với anh cốt đồng, để khi gia chủ đem thử vật gì, đậy kín trong dĩa chén cũng nói cho chính xác.

Tóm lại, nghề thầy pháp là nghệ thuật diễn xướng dân gian được khoác lên lớp áo dị đoan huyền bí để qua mắt lớp người mê muội.

- Sách Vạn Pháp Quy Tôn:

“Vạn Pháp Quy Tôn” là bộ sách bí truyền của Tà Giáo, gồm nhiều học thuật vô cùng huyền diệu.

Theo lời các bô lão thông thạo, sách này dạy những môn:

- Phép chữa bịnh tà

- Phép Trấn (ếm đối)

- Phép Giải (Mở bùa ếm)

- Phép đánh Đồng thiếp (Làm cho người sống xuất hồn xuống cõi Âm)

- Phép sai khiển âm binh, thần tướng.

Và cao siêu hơn nữa là những phép:

- Hú gió kêu mưa (Hô phong hoán vũ)

- Rải đậu làm binh (Sái đậu thành binh)

- Làm cát bay đá chạy (Phi sa tẩu thạch)

- Tàng hình (ẩn thân)

- Biết chuyện ở xa và việc quá khứ vị lai (Nhân độn)

- Thâu đường (đi mau)

- Sai khiến hùm, beo, sài lang, rắn độc

- Dùng nón làm thuyền qua sông vv…

Muốn luyện được những pháp thuật cao diệu, phải xa lánh trần tục, ẩn nơi thâm sơn cùng cốc trong nhiều năm và có Tôn sư chỉ điểm mới có hy vọng thành công. Vì vậy rất hiếm người tu luyện đắc đạo. Đa số vì thiếu khả năng, vì hoàn cảnh hoặc vì không đủ “căn duyên”, chỉ học được nửa chừng rồi bỏ cuộc và trở thành Pháp sư mà thôi. Tuy nhiên so với các đồng đạo hiện thời, những vị pháp sư ngày xưa tài nghệ cao xa hơn nhiều. Thời gian sau này không nghe nói ông thầy nào biết đánh Đồng thiếp như các Pháp sư tiền bối.

Có một số rất ít người còn giữ được một phần hoặc toàn bộ sách Vạn Pháp Quy Tôn, lưu truyền cho con cháu đến ngày nay. Dù sách này còn đủ bộ, lâu nay không ai có thể luyện thành công những pháp thuật cao siêu, vì đâu còn ai đáng bậc Tôn sư để chỉ điểm. Vì vậy những người học được nhiều môn thì làm Pháp sư để sinh nhai và giúp đời. Các ông hiện thời dù cao tay ấn đến bậc nào, cũng chỉ là hạng học trò cũa những Pháp sư tiền bối. Những người chỉ học được phép Trấn, Phép Giải thì làm thầy cúng. Có lẽ không ai học nghề nhằm mục đích hại người. Chỉ có những tên tâm địa bất nhân, ti tiện, lười biếng, học được vài môn của Phép Trấn, dùng phá thiên hạ để làm kế sinh nhai.

- Giang Đạo Sĩ:

Khoa học ngày nay tiến bộ vượt bực, đã đưa người lên cung trăng, nhưng chưa giải thích nổi những hiện tượng huyền bí đã in sâu vào tín ngưỡng của dân gian.

Ngư dân Việt hiện nay vẫn sùng kính Thần linh Biển cả, lập lăng thờ ông Nam Hải (Cá voi, được triều Nguyễn sắc phong: Nam-hải Cự-tộc Ngọc-lân Thượng-đẳng Thần). Giới lưới đăng tỉnh Khánh Hòa còn giữ nhiều tục lệ thờ cúng đặc biệt và kỳ lạ.

Phép Trấn, Phép Giải, Phép chữa bịnh tà…, học thuật tả đạo bàn môn lưu truyền từ ngàn xưa, là những môn học trong bộ sách bí truyền của Tà Giáo.

Ngày xưa ở miền Trung có nhiều dị nhân tu luyện đắc đạo, pháp thuật cao siêu xuất quỷ nhập thần. Nhiều người đã từng thấy các ông này ngồi trên chiếc nón lá qua sông một cách êm ái nhanh chóng hơn đi đò chèo, do đó thiên hạ gọi là Giang Đạo Sĩ. Không ai biết các ông ở nơi nào, hành tung bí mật, nay đây mai đó, các ông Giang Đạo Sĩ chỉ xuất hiện để hành thiện rồi biến mất như bóng ma. Nhiều khi ông xồng xộc đến nhà một người mắc bệnh quá nặng, chữa lành trong khoảnh khắc rồi bảo: “Ta đi đây một chút”, nhưng vừa ra khỏi nhà thì đã biệt tăm. Gia chủ không biết làm sao đền ơn đáp nghĩa. Về sau được biết, hôm đó cách 1 giờ sau khi rời nhà người bệnh, ông Giang Đạo Sĩ xuất hiện tại một nơi khác cách xa trên 30 cây số mà không biết ông di chuyển bằng phương tiện gì.

Tương truyền các ông Giang Đạo Sĩ còn biết tàng hình, hú gió kêu mưa, rải đậu thành binh, sai khiến đá đi, gọi hùm beo, âm binh xuất hiện vv…

Khi thực dân Pháp vừa tròng ách đô hộ lên cổ dân Việt Nam, liền ra lịnh truy nã các Giang Đạo Sĩ, cấm oa trữ, truyền bá những học thuật huyền diệu của sách “Vạn Pháp Quy Tôn” và tìm mọi cách tịch thu bộ sách bí truyền này. Các bô lão nói rằng nhiều Giang Đạo Sĩ hợp tác với các nhóm Cần Vương, dùng pháp thuật diệt trừ quân Pháp. Lúc bấy giờ nhiều môn đệ đạo giáo, sư sải, thầy cúng bị tình nghi bắt bớ, tra tấn, tù đày vì những biện pháp tàn bạo của Thực dân.

Trong thời gian thực dân Pháp lùng bắt Giang Đạo Sĩ, cấm truyền bá các học thuật huyền bí, những Pháp sư tài giỏi không dám công khai xuất đầu lộ diện, chôn dấu sách của môn phái hoặc có người quá sợ hãi đã tiêu hủy để khỏi liên lụy.

Các Giang Đạo Sĩ, sau khi những nhóm Cần Vương bị tiêu diệt và những vị không tham gia kháng Pháp, đã mai danh ẩn tích rồi viên tịch nơi rừng sâu núi thẳm. Sách Vạn Pháp Quy Tôn bị tịch thu, tiêu hủy, bị mối ăn hoặc mục nát vì chôn dấu quá lâu, nên những học thuật huyền diệu của Tà Giáo dần dần bị thất truyền.

- Cách tấu chức để thành một vị pháp sư:

Tấu chức cũng giống như bên nhà chùa thọ giới tỳ kheo để thành một vị Đại Đức (thầy chánh thức). Vị sư phụ lập lễ đàn, đệ tử mang gà vịt, rượu chè... đến cúng, thầy tấu sớ lên Tổ Sư Thái Thượng Lão Quân biết rồi chuẩn y cho hiệu. Đạo hiệu đó căn cứ vào bài Kệ có 12 chữ:

Chơn An Cẩn Đức

Thông Đạt Linh Quang

Tín Ân Trung Chánh.

Tất cả 12 chữ này tương ứng tuần tự với 12 con giáp, như: Chơn (tý), An (sửu), Cẩn (dần), Đức (mẹo), Thông (thìn), Đạt (tỵ), Linh (ngọ), Quang (mùi), Tín (thân), Ân (dậu), Trung (tuất), Chánh (hợi).

Hễ người đệ tử tuổi con gì, thì chữ đó là đạo hiệu của mình, để khi cúng trước lễ đàn xưng là: Thái Thượng Lão Quân thần (thần là bề tôi) tự An hay thần tự Đức, tự Đạt v.v...

Khi pháp sư đã lớn tuổi qua nhiều chục năm hành nghề thì được quyền tự xưng đạo hiệu của bậc Tổ như: Thanh Thiên Đại Động, Huyền Cam Chánh Diệu v.v...

Tấu chức xong, khi xuất sư thì phải có âm binh theo hầu. Pháp sư mà không có âm binh chẳng khác nào tướng không có quân. Mỗi pháp sư phải có một “viên tướng đầu sỏ”, viên tướng này có bổn phận chiêu tập âm binh (giống như mộ tuyển lính) và thừa lệnh pháp sư chỉ huy chúng, để chịu sự sai khiến của pháp sư. Pháp sư “mới ra lò” muốn có viên tướng đầu sỏ, phải nhờ vị sư phụ ban cho một âm binh, phục vụ lâu năm “trong binh ngũ”, thăng nó lên chức “ông tướng” để chiêu tập và chỉ huy đám “tân binh” theo phò pháp sư mới.

- Các mánh khóe của giới thầy pháp:

Trong lễ cúng đất có đơn tá thổ, thường phải có anh xác đồng ngồi xếp bằng trước lễ đàn, để pháp sư thỉnh các thánh thần liên hệ nhập vào xác đồng mà ký tên lăn tay (điểm chỉ) trong tờ đơn.

Muốn biết “Bà - Cậu” có thật sự nhập vào xác đồng hay không thì xin keo (khất âm dương) cũng chưa đủ tin. Chủ nhà cần phải thử một vật gì đó, để trong cái dĩa nhỏ và đậy lại. Nếu lúc Bà Cậu nhập vào anh xác đồng mà nói trúng vật giấu trong cái chén, ấy là Bà Cậu thật, còn nói sai hẳn là xác đồng giả dối xưng bậy.

Nhưng thường thì bất cứ lúc nào “Bà - Cậu” cũng nói trúng 100%. Đó là bởi sự mánh khóe đánh lận con đen của pháp sư với xác đồng như sau:

Một là nói lái nói láy. Ví dụ: Gia chủ đổ hột bí đỏ để trong dĩa đậy chén lại, theo qui lệ pháp sư có quyền lật hé hé ra coi. Đoạn pháp sư đọc câu kinh chú: “Bố thiên thượng, Bố địa hạ, Bố tổng lý càn khôn, Bố Nghi Bố trượng bố tam đinh, bố qui mỵ, Án độ rộ như luật lệch”. Pháp sư đọc nhấn mạnh hai chữ “Bố Nghi”, đồng thời đưa bàn tay phất nhẹ giả đò bắt ấn. Anh xác đồng hiểu ý Bố Nghi là Bí Ngô (nói lái), liền phán 2 từ “Bí đỏ”, thế là cả nhà “rợn tóc gáy” quì lạy thì thụp như cần cối đạp giã gạo, cho đó là sự thật có Bà Cậu nhập về!

Nếu không thể nói lái, nói láy được thì thầy và cốt đồng phải dùng lối “chơi ngũ hành”. Tức là trong bàn tay có 5 ngón, pháp sư và xác đồng phải biết ngón nào thuộc vào hành nào. Trong mỗi ngón tay có 4 khứa ngang đó là ứng vào 4 vật (đỉnh đầu ngón tay giáp với móng tay tục gọi là phao cau cũng được tính bằng một ngấn để có đủ 4 ngấn ngang), ví dụ Mộc thì có trái, lá, hoa, hạt, Thổ thì có đất, đá, gạch, cát, Kim thì có vàng, đồng, bạch lạp, sáp ong, chì sắt.... Để cho xác đồng biết rõ vật của chủ nhà đổ trong chén, thầy pháp chỉ cần phất bàn tay bắt ấn, bấm vào khứa nào là anh đồng nói trúng ngay chóc.

Bởi vậy lúc nào cốt đồng và thầy pháp cũng đi bộ đôi, không bao giờ chịu để cho gia chủ mời gọi xác đồng khác.

- Giá cả nhà chủ trả công cho thầy pháp:

Thuở ấy, giới thầy pháp lãnh đám cúng đất đều ra giá trước, gia chủ tùy khả năng kinh tế của nhà mình mà thiết lễ. Giá cả cho các nghi lễ do thầy pháp đưa ra như sau:

- Cúng đất không có nghi xạ quái (bắn cung tên), thường giá lễ vật là 2 con gà cồ giò to nhất luộc chín. Một con đặt cúng ở bàn Tổ sư và một con trả công. Lại có bánh, chuối, xôi, chè, lòng heo vài dĩa, bộ tam sênh (que hột tợ). Ngoài ra gia chủ đặt lễ thêm từ 1 đến 2 đồng tiền xu.

- Cúng đất có nghi xạ quái gọi là cúng “kép” và thêm tờ khế ước tá thổ mượn đất, thì gia chủ phải chuẩn bị lễ vật cho nhiều. Thời gian diễn xướng lễ cúng dài từ 1 giờ rưỡi đến 2 giờ, cách trả công cho pháp sư như sau:

Bàn tổ đặt 3 con gà, ba dĩa lòng heo, bánh trái... pháp sư sẽ lấy hết. Công thầy phải trả thêm 2 con gà nữa, vị chi là 5 con, ngoài ra còn phải có thêm bánh trái chè xôi nữa, để thầy đem về cúng âm binh bộ hạ tướng tá của thầy. Gia chủ còn phải trả thêm cho 3 tiền xu nữa. Trong số lễ vật này, pháp sư lấy bớt ra 1 con gà cồ để trả công cho anh ngồi xác đồng và 5 - 7 cái bánh.

Nếu lễ cúng đất không có đơn khế ước mượn đất, thì lễ vật giảm bớt lại 1 con gà cồ. Trường hợp gia chủ giàu có cúng heo, theo định lệ chung, phải trả thêm cho thầy nguyên một khổ thịt 3 sườn.

Thời đó, lễ cúng đất rất thịnh hành, người ta tin rằng cúng hao một thì ông, bà, cậu, các bác có thể phò hộ cho mùa màng trúng lợi gấp 5 - 7 lần. Do đó người ta không tiếc số của bỏ ra trong lễ cúng. Suốt ngày 18 tháng 3 âm lịch, trung bình một pháp sư lãnh cúng từ 5 đến 7 đám. Ai rước pháp sư trước thì được cúng trước, ai rước sau sẽ cúng sau. Lễ diễn ra vào lúc bắt đầu bước sang ngày 18 tháng 3, tức là giữa giờ tý (tức 12 giờ khuya). Cúng đến 6 - 7 giờ tối mới chấm dứt. Lễ vật nhận nhiều, nên phải có từ 2 đến 3 người nhà đi theo thầy để gánh. Nếu đi theo 2 người thì trời vừa sáng một người phải gánh hàng về trước. Gia nhân của các thầy phải nhóm lại thành toán mới dám đi, vì sợ cọp chận đường và sợ nạn “cô hồn sống” bắt nạp “gà mãi lộ”. Đến chiều tối các pháp sư và gia nhân còn lại sẽ về chuyến cuối cùng./.

2008 - 2010

 

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 9214
Ngày đăng: 15.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lễ Cúng Đất (Cúng Lệ) Ở Nông Thôn Khánh Hoà Xưa (1) - Nguyễn Man Nhiên
Lễ Tục Xứ Đồng Hương - Nguyễn Man Nhiên
Giải mã bài ca dao Thằng Bờm - Nguyễn Trọng Bình
Dẫn nhập – Kho tàng Truyện Dân gian Do Thái - Nguyễn Ước
Tục Thờ Mẫu Và Nghi Lễ Ngồi Đồng - Múa Bóng Ở Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Thương yêu trong ca dao Việt Nam - Nguyễn Tiến Văn
Chiều 30 Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Bài chòi ngày xuân Xưa và Nay - đi tìm lời giải mã - Phạm Phù sa
Tục Ngữ Khánh Hoà - Lê Khánh Mai
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)