Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.229.845
 
Nước Của Trời
Từ Nguyên Thạch

(Chap)- Những chai rượu Bàu Đá đủ hình đủ dạng bắt mắt bày bán trong các cửa hàng sang trọng đều không xuất phát từ làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá…

 

(Win)- Bàn tay như có lực hút làm dòng rượu đổ nghiêng, phá sản định luật Newton “mọi vật đều rơi theo chiều thẳng đứng” tồn tại hơn ba thế kỷ nay.

 

Chị Hoa nghiêng bình rót rượu vào ly. Tia rượu trong vắt ban đầu rơi theo chiều thẳng đứng, sau đó rơi theo chiều nghiêng theo bàn tay cầm ly di chuyển của chị Hoa. Bàn tay cô bán rượu như có lực hút làm dòng rượu đổ nghiêng, phá sản cái định luật vật lý của Newton “mọi vật đều rơi theo chiều thẳng đứng” tồn tại hơn ba thế kỷ nay.

 

Bất ngờ thứ nhất

 

Thoạt tiên, tôi nghĩ rượu Bàu Đá phải có chất kết dính bên trong cấu trúc phân tử của nó một cách đặc biệt. Dòng rượu chảy ra khỏi bình chui gọn vào ly đặt xa cả thước, vun đầy, không bắn ra ngoài giọt nào. Cầm ly lên lại thấy sủi tăm, phảng phất hương nồng thơm của nếp chín. Bí quyết của sự kết dính đó là gì?

- Là từ nước nấu rượu. Người dân nơi đây tin rằng chỉ có thứ nước được lấy từ bàu nước thiên nhiên ở thôn Cù Lâm này mới cho ra hương vị độc đáo của rượu Bàu Đá.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh Bình Định, giải thích. Người con của đất võ Bình Định gợi tò mò trong tôi về thứ nước làm mê hoặc lòng người này. Thứ nước ngậm trong miệng thấy nóng, nuốt vào thấy ngọt. Sau đó là một cảm giác lâng lâng khó tả.

Từ thành phố Quy Nhơn ngược lên huyện An Nhơn, hai bên đường thấy để nhiều quầy bán rượu Bàu Đá. Rượu được đựng trong đủ thứ chai hũ bằng thủy tinh, gốm sứ hoặc cả can nhựa lớn nhỏ đủ cả. Rừng chai hũ ấy nhắc nhở các đệ tử Lưu Linh rằng bạn đang đến vương quốc của rượu Bàu Đá, xin đừng bỏ qua cuộc hạnh ngộ này.  

 

Thôn Cù Lâm đón chúng tôi với cái cổng chào xi măng cốt thép hiện đại ghi dòng chữ “Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá”. Ngôi làng vắng bóng người, êm đềm sau những tán cây xanh. Hình ảnh thật khác với những gì tôi nghĩ trong đầu trước đó. Vâng, ít ra cũng có một cửa hàng giới thiệu thứ đặc sản nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc với khách. Rồi cảnh tấp nập người mua kẻ bán. Nhưng không, ngôi làng như đang chìm trong giấc ngủ. Sau này tôi mới biết cả thôn chỉ có khoảng 30 hộ. Số hộ ít ỏi ấy làm sao cung cấp đủ rượu cho “rừng” Lưu Linh cả nước? Hóa ra, các thứ rượu Bàu Đá đựng trong các thứ chai lọ đẹp mắt bày bán dọc quốc lộ một, từ ngã ba Phú Tài vào thành phố Quy Nhơn đều không phải xuất xứ từ làng Bàu Đá này. Đó là bất ngờ thứ nhất.

 

Bàu nước Trời cho

 

Chúng tôi theo con đường bê tông vào làng. Đi khoảng hai trăm thước đã nghe mùi hèm rượu chua chua trộn trong không khí. Bên tay mặt, có một ngôi miếu nhỏ, mái ngói phủ rêu, tường vôi vàng ố. Anh Mừng giới thiệu đó là miếu Bàu Đá. Miếu lập cạnh bàu nước, nơi sinh ra thứ nước Trời để nấu rượu. Lập miếu thờ nước thì lần đầu tôi mới được nghe. Thứ nước được thờ ấy tất phải có gì đặc biệt, khác thường. Rượu nấu ra từ nước này có màu trong vắt, vị ngọt, thơm nồng. Người xưa đã thử các loại nước khác nhưng không có thứ nước nào sánh bằng. Đó chỉ có thể là thứ nước của Trời. Người dân tin vậy nên lập miếu thờ.

 

Đọc tài liệu, biết lai lịch của bàu nước như sau: Xưa thôn này có tên Tân Long (nay thuộc xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn), chuyên nghề làm ruộng. Tại xóm Tân Long có bàu nước rộng khoảng ba sào của ông xã Lựu, trong bàu có nhiều hòn đá to do thiên nhiên sinh ra. Hằng năm, ông xã Lựu tổ chức một ngày “giậy bàu” (tát nước trong bàu bắt cá) vào mùa hè. Bà con xóm gần làng xa kéo về bắt cá đông vui. Ai bắt bao nhiêu cá cũng được, ông xã Lựu chỉ lấy một con gọi là “xâu”. Ngày giậy bàu vì vậy trở thành ngày hội bắt cá ở cái bàu có đá và được dân gian gọi là xóm Bàu Đá. Bàu nước được duy trì bởi dòng suối không lớn nhưng quanh năm đều có nước chảy rỉ rả.

 

Trong sách Huyền tích kinh xưa, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng viết: “Về xóm Bàu Đá, may có lần tôi gặp một ông cụ đã 92 tuổi bên cạnh ngôi miếu cổ có tên Miễu Bàu Đá, cạnh cái bàu nước mang tên Bàu Đá. Ông kể nó là một bàu nước, trong bàu có đủ loại rô, trê, chép, diệc, tràu, lươn, chạch. Nhưng bây giờ bàu đã cạn, ông và con cháu dùng để trồng rau muống…”. Bàu nước ngày nay đã cạn. Nhà cửa, phố phường mọc lên đã xóa mất dòng suối. Thứ nước của Trời đã lặn vào đất, phải đào giếng để lấy. Trước mắt tôi, chỗ bàu nước xưa bây giờ là ruộng lúa xanh rì.

 

Bất ngờ thứ hai

 

Tiện đường, chúng tôi ghé vào một nhà dân. Hầu hết nhà trong thôn xây tường gạch, mái ngói thấp, kiểu nhà xưa. Cửa mở. Chủ nhà là một phụ nữ đứng tuổi. Chị giục cô con gái tên Hoa, mà khuôn mặt cũng tươi như hoa, rót rượu mời khách.

 

Rót rượu cũng là một công đoạn của nghệ thuật uống rượu. Âm thanh của tia rượu như cười, như giục giã khách nâng chén quên đi những bụi trần. Ly rượu sủi bọt “bồng mắt thỏ”. Nào, cùng nâng ly. Uống xong “khà” một tiếng tự thưởng cho mình!

 

Bất ngờ thứ hai ở làng Bàu Đá: Rượu không sản xuất theo lối công nghiệp, mà nấu thủ công kiểu cổ truyền. Rượu nấu xong đựng trong lu, khạp, thùng nhựa. Ai mua thì múc đổ ra can. Không bao bì, nhãn mác.

 

Tôi theo chủ nhà tham quan “xưởng” nấu rượu đặt ở gian bếp. Chỗ nấu rượu cũng là bếp ăn của gia đình. Nghề nấu rượu gia truyền nhưng không phải là sinh kế chính, “chỉ lấy công làm lời” như chị chủ nhà nói. Quan sát “công nghệ” nấu rượu ở thôn Cù Lâm tôi thấy chẳng khác mấy lò rượu gạo ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cũng nồi đồng, khạp đất lấy hơi, ống dẫn hơi bằng tre qua thau nước làm lạnh và một khạp đất ngưng hơi. Lò đốt bằng rơm hoặc củi. Men cũng là các loại thông thường có ngoài chợ. Có lẽ bí quyết nấu rựou của thôn Cù Lâm nằm ở chỗ kinh nghiệm gia truyền được tích lũy hơn nửa thế kỷ rượu Bàu Đá mà lớp người sau được thừa hưởng. Nó nằm trong mười đầu ngón tay trộn men để cho ra thứ cơm rượu sẵn sàng thăng hoa khi được trầm trong ngọn lửa. Nó nằm ở con mắt biết nhìn màu lửa già hay non mà gia giảm củi rơm. Nó nằm ở hai cánh mũi phập phồng khi làn hơi đi qua để biết mẻ rượu đã đến hồi viên mãn. Nó nằm ở đầu lưỡi nhạy cảm hơn làn da của cô gái dậy thì khi chạm vị cay của … giọt đời!

 

Rượu nấu xong được đựng trong chum. Bây giờ nhiều nhà chuyển qua đựng trong thùng nhựa cỡ năm mươi lít vì tiện lợi hơn. Những thùng rượu giấu trong góc nhà, để càng lâu càng ngon. Rồi một hôm, những đệ tử của Lưu Linh tìm đến, đón lấy món quà của sự sống để mở ra những cuộc vui hầu như vô tận suốt cả lịch sử loài người./.

Từ Nguyên Thạch
Số lần đọc: 1829
Ngày đăng: 15.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gặp Lại Kịch Tác Gia Hoàng Như Mai Ở Tuổi 93. - Thế Phong
Hồi ức Giọt lệ đi xa - Trần Trung Sáng
Con kinh của tôi - Vĩnh Thông
Quà sinh nhật cho người cha đi xa - Lâm Bích Thủy
Cuộc Tranh Luận Văn Nghệ Giữa Sáu Nhà Văn Pháp Hiện Đại - Trần Thiện Đạo
Mảnh vụn ký ức về Trần Phong Giao - Lữ Quỳnh
Nhớ Mai Thảo - Nguyễn Xuân Hoàng
Kỉ niệm một chuyến đi với Hà Ân - Nguyễn Hiếu
Giữ đất - Huỳnh Kim
Tưởng Nhớ Anh Hoàng Ngọc Hiến - Lại Nguyên Ân