Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.218.853
 
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan: Danh nhân thi sĩ
Phùng Văn Khai

Đội mũ cánh chuồn, ông ngồi trong tranh

Nếp tranh lụa giữ nguyên màu áo Trạng

Vẻ mặt ông nôm na, đồng áng

Tôi gặp luôn nơi thôn xóm kẻ Bùng

(Trần Lê Văn)

 

Trong các danh nhân lịch sử mỗi người mỗi vẻ đặc sắc khác nhau ấy, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một lương thần, một danh nho, ông còn là một thi sĩ tài hoa mẫn tiệp. Trước tác ông để lại hậu thế xứng đáng được đặt ở tầm vóc một tác gia lớn của nền văn học sử Việt Nam. Ông luôn được xếp vào đội ngũ những tác gia hàng đầu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đó và Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát sau này. Về số lượng, cho đến nay, giới sưu tầm đã xác định được trên 500 tác phẩm của ông từ văn tế, văn bia, kinh truyện… nhưng đặc sắc hơn cả là thơ. Nhiều tác giả sau ông còn khẳng định ông từng tham gia viết sử, viết sấm ký, sách dịch lý, bói toán và sách bàn về việc dùng binh… Tác phẩm còn lại của ông hiện nay tiêu biểu là 4 tập thơ chữ Hán: Ngôn chí thi tập, Huấn đồng thi tập, Đa thức tập, Mai lĩnh sứ hoa thi tập. Chỉ riêng với 4 tập thơ trên đã khẳng định và tôn vinh tầm vóc của ông, một danh nhân thi sĩ từng được nhân dân phong tặng là Trạng Bùng.

 

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh năm Mậu Tý (1528), mất năm Quý Sửu (1613). Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn (1580) thời Lê - Trịnh. Cuộc đời làm quan của ông khá thăng trầm nhưng luôn thể hiện sự liêm chính cương trực vì nước vì dân khiến các đồng liêu và các đời vua chúa đánh giá cao năng lực mà trọng dụng. Ông làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, Quốc Tử Giám tế tửu, từng làm Chánh sứ sang Bắc quốc (1597-1598). Ông nổi tiếng với thơ văn thần thông của mình khi đi sứ. Tại kinh đô nhà Minh, khi giao thiệp với vua tôi của họ, các sứ thần Nhật Bản, Triều Tiên… vô cùng kính nể tài thơ và tài biện bác của ông.

 

Nghiên cứu thơ văn Phùng Khắc Khoan, thấy rõ ở đấy tâm trạng chung của tầng lớp trí thức đương thời, mong muốn được cống hiến, nhập cuộc để vực kỷ cương, xây đạo đức, trị loạn, an dân mà nổi bật là lý tưởng “Vua thánh tôi hiền, thái bình thịnh trị”. Từ những bài thơ đầu tiên khi còn là một thiếu niên, Phùng Khắc Khoan đã sớm bộc lộ ý chí của mình: Nam nhi tự hữu hiển tượng sự/ Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu (Tự thuật). Cái khẳng khái của thân trai muốn nêu tiếng thơm, vẻ vang cho cha mẹ, tổ tông ấy dường như là tư duy xuyên suốt thơ văn của Trạng Bùng. Trong bài Khiển muộn (Giải buồn) Phùng Khắc Khoan thẳng thắn tỏ chí:

 

Bụi nhơ quét sạch đời yên tĩnh

Binh giáp mang theo trí quật cường

Cơ hội đáng làm như có gặp

Công thành hồ dễ kém Trương Lương!

Những bài thơ ông viết khi tuổi cao vẫn giữ trọn cái cốt cách, khí khái cao rộng ấy:

Bình sinh chính trực trung thành

Tráng chí cao huyền nhật nguyệt minh

(Bệnh trung thư hoài). (Tạm dịch: Đời ta chính trực lại trung thành - Tráng chí treo cao rỡ ràng như mặt trăng mặt trời tỏa sáng).

 

Phùng Khắc Khoan lập chí rất rõ ràng. Ông ví mình như “Côn bằng cất cách siêu thăng”, “Nở đầu ba xuân, có chí khôi nguyên”, “Đối với nước làm trung thần”, “Chí nam nhi cốt ở tứ phương”… đã cho thấy rõ phương lược tiến thủ của ông khác hẳn người thường. Điều này cũng lý giải tại sao khi nhà Mạc tiếm quyền gây loạn ông đã không chịu ra làm quan triều Mạc mặc dù khi ấy vương triều này đang ở cái thế ổn định. Điều đó cho thấy việc xuất xử của họ Phùng là rất cẩn trọng. Thậm chí, trong một bài thơ viết đêm 30 Tết, ông còn thổ lộ, đại ý: Vui vẻ hành được đạo thì ra giúp đời, ưu nguy không hành được đạo thì ẩn cư. Thánh nhân không việc gì không thuận theo thời… mới thấy rằng sự kiên quyết, ẩn nhẫn chờ thời của ông đáng trọng lắm thay.

 

Năm 1954, khi lặn lội vào Thanh Hóa tham gia sự nghiệp trung hưng nhà Lê, Phùng Khắc Khoan đã bộc lộ rất rõ tâm trạng phấn chấn, khẳng khái của mình: Tá hành trí tại hiển dương tụy/ Nham hiểm khê thâm khởi đạn lao (Tạm dịch: Chuyến này dương hiển danh nhân - Đèo heo suối thẳm, gian truân xá nào). Ở những lúc như thế, thơ ông đột nhiên trở nên sinh động và thú vị khác thường:

 

Trèo leo sớm sớm chân rừng

Trĩ kêu trọng nội, ô bừng ngoài khơi

Đón ai hoa mỉm nụ cười

Cờ lau thẳng hướng, mặt trời bày ra

Cỏ cây thuộc tiếng mừng ta

Gió mây gợi tứ, bút hoa nảy vần

(Lâm Lộc tảo hành - Bản dịch thơ: Tham Tuyền).

 

Phùng Khắc Khoan trong công cuộc trung hưng đã gặp Trịnh Kiểm, rồi vua Lê Trung Tông, ông được tin dùng và ông đã quyết chí thể hiện tài hoa của mình cống hiến cho công cuộc trung hưng. Đó cũng là quan điểm nhất quán của ông về hành đạo. Ông đã dốc ra cái sở đắc của mình phục vụ vương triều Lê - Trịnh. Thơ ông lúc này hiển lộ rõ ý ấy:

 

Chí dưỡng hiển một đời đã thỏa

Được tin dùng vui tạ ơn vua

Rắp lòng chuyển nắng thành mưa

Tài trai thế ấy mới cho hào hùng

(Thanh Vân đắc lộ - Bản dịch thơ: Tham Tuyền).

 

Năm Mậu Ngọ (1557), khi ấy ông 29 tuổi mới lều chõng đi thi ở Yên Định - Thanh Hóa và đỗ thủ khoa. 23 năm sau (1580), ông quan Phùng Khắc Khoan đi thi Hội và đỗ Nhị giáp tiến sĩ. Trong lịch sử thi cử các triều đại phong kiến Việt Nam, hiếm có một ông quan tuổi ngoài 50 lều chõng đi thi và đỗ cao như Phùng Khắc Khoan. Nhưng, cũng phải khẳng định ngay, sự nghiệp và danh vọng mà ông có được, có lẽ phần lớn là do tự học, chính xác hơn là học từ thực tiễn. Khi đỗ cao, ông tự trào khá hồn nhiên:

 

Năm nay nửa trăm thêm ba

Mừng không đến nỗi người ta chê cười

Bảng vàng tên chép đẹp tươi

Phải chăng bộ Hộ, có người chép lai

Ơn vua vinh dự hơn ai

Còn bàn việc nước mình tài kém xa

Chỉ mong trời giúp sơn hà

Chúa tôi làm tỏ nước nhà Việt Nam

(Canh Thìn đăng đệ tác - Bản dịch thơ: Thái Phương).

 

Việc đi thi của ông quan Phùng Khắc Khoan không những gây dư luận đương thời mà người đời sau còn không ngớt nhắc đến. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút viết: “Đầu đời Trung Hưng có Phùng Khắc Khoan đã là bậc công thần, tham mưu chốn cơ mật, đã từng giữ những trọng chức ở các bộ, các tự, mà còn phải hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh”.

 

Cho thấy, người đời sau đánh giá về ông cũng rất trân trọng vậy.

Là một mệnh quan triều đình, Phùng Khắc Khoan không những thấu hiểu mọi ràng buộc, thâm trầm trong chốn triều chính mà ông còn luôn mở lòng hướng đến nhân dân. Trong cuộc đời làm quan 50 năm của mình, ông được biết đến với những đóng góp quan trọng trong chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa được nhân dân hết sức ngưỡng mộ. Sau này, nhiều giai thoại dân gian cũng từ đó mà sinh ra. Sinh thời, ông rất quan tâm đến nông nghiệp, thủy lợi, thời tiết, mùa màng. Ông luôn luôn mong mỏi “Mùa màng tươi tốt, các loại lúa bội thu; Cấp túc cho người già cả ở thôn làng thêm tuổi thọ”. Tấm lòng ông là tấm lòng lo cho dân từ hạt gạo, cọng rau để từ ấy mà sửa sang chính sự, bồi dưỡng gốc nước:

 

Thánh chúa thần kim cần vụ bản

Nhân an canh tạc thái bình dân

(Xã nhật).

 

Cũng có khi tấm lòng vì nước vì dân ấy được thể hiện nôm na giản dị khôn cùng, cho thấy sự hòa đồng, thấu hiểu từ những gì nhỏ nhất, đời thường nhất:

 

- Trồng dưa chớ để mùa qua

Ngăn phên mắt cáo kẻo gà đạp kê

Quanh vườn thả dậu sừng d

Mướp trâu dưa chuột bốn bề leo dong

- Già răm cho húng phải lui

Măng ếch lá lốt hợp mùi xương xông…

 

Thơ văn với Phùng Khắc Khoan không riêng để bộc lộ chí hướng, hành đạo mà còn là chỗ để ông tâm tình, hòa nhập với thiên nhiên, hòa nhập với nhân dân. Trong thơ ông, con người và thiên nhiên luôn hài hòa, nhịp nhàng, rất tinh tế nhưng cũng rất sẻ chia, chung thủy trước sau như một. Thơ phong cảnh của ông có những bài đã đạt tới sự tinh tế:

 

Đỉnh non cao ngất lâu đài

Một bầu thế giới tuyệt vời ở trong

/ Nghìn năm, xuân chẳng tận cùng

Bốn mùa, hoa vẫn ngát lừng hương bay

Bụi không vương mảnh đất này

Trời mênh mông để tháng ngày dài thêm

Có đường lên đến cõi tiên

Can chi mà phải hỏi phiền chàng Lưu

(Lên chùa Phát Am - Bản dịch thơ: Trần Lê Văn).

 

Mảng văn chương bang giao vệ quốc của Trạng Bùng khi đi sứ phương Bắc cũng rất đặc sắc. Đây đồng thời cũng là những cống hiến lớn của ông trên mặt trận ngoại giao. Lê Quý Đôn, một bậc lương thần đồng thời cũng là một sứ thần nổi tiếng thời sau, khi bàn về ông đã viết: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70, không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước, đến như 30 vần thơ dâng mừng thánh tiết và hơn 10 vần thơ đáp lại chánh phó sứ nước Triều Tiên, Nhật Bản tài tứ chứa chan, cách điệu tươi đẹp, y như lúc còn trẻ tuổi. Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?”.

 

Cũng như bao người con Việt Nam bình dị khác khi dời đất nước mình, dù mang trọng trách bang giao, cũng không ít lúc con người ta chạnh nhớ về đất nước:

 

Trăng biết nỗi lòng, nghìn dặm chiếu

Chuông khua giấc mộng, mấy canh rung

Tuyết tan phương bắc, vầng hồng chuyển

Dạ nhớ trời Nam, mây trắng giong…

(Ở công quán, đêm đông hoài cảm).

 

Lê Ngô Cát, trong Đại Nam quốc sử diễn ca đã viết:

 

Phùng Khoan sứ tiết cũng già

Biểu Từ biên chiết thật đà thiết minh

Mấy lời ôn du đinh linh

Phong vương còn đợi biểu tinh có ngày.

 

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một danh nhân đặc biệt. Ông thành danh ở nhiều lĩnh vực. Riêng với thơ ca, ông có nhưng đóng góp không nhỏ. Năm tháng thời gian đi qua, lớp hậu thế càng trân trọng và đồng cảm với những đóng góp văn chương của ông. Tình cảm của nhân dân quê hương với thi sĩ họ Phùng ngày càng nồng đượm. Từ một trí thức biết chọn đúng đường. Từ một  học trò tự học, được học các bậc danh nho biết xuất xử, tiến lui, công danh, tiết tháo đủ đầy. Từ một người con bình dị Kẻ Bùng dần khẳng định mình nơi trung tâm quyền lực, làm dường cột quốc gia, trọng thần của triều đình trải mấy triều vua chúa, không chỉ lẫy lừng trong nước mà còn vang danh Bắc quốc, lân bang đủ cho thấy tài năng và đức độ của ông quả là hiếm có. Xin được tạm khép lại bài viết này bằng bài thơ của tri huyện Thạch Thất Nguyễn Đình Thành làm năm Giáp Ngọ (1894) bày tỏ lòng mến mộ công đức của Trạng Bùng:

 

Thái tể đền xưa suối cũ đây

Thơm thơm hương cỏ gió đưa bay

Trung hưng dựng nghiệp trời Nam rạng

Vạn thọ thơ ngâm đất Bắc lay

Giỏi hứng suối đèo đen đổi trắng

Hòa lòng trăng nước cảnh ai hay

Đến nay còn chốn Sài Sơn ấy

Hai chiếc cầu tiên ẩn gió mây.

(Bản dịch của Trần Lê Sáng).

Phùng Văn Khai
Số lần đọc: 2854
Ngày đăng: 19.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mai Lâm-NGUYỄN ĐẮC LỘC ( 1897- 1975): nhà văn “ bất đắc dĩ”. - Thế Phong
Mai Thảo (1927-1998) . 1 - Thụy Khuê
Mai Thảo (1927-1998) . 2 - Thụy Khuê
Trần Phong Giao, người gác cổng văn học, tạp chí Văn - Du Tử Lê
Đinh Hùng ( 1920-1967), Giải Quán Quân Thơ ” Văn Chương Toàn Quốc 1961 ”( miền Nam ). - Thế Phong
Vũ Hoàng Chương: ” …Thơ Ta Chẳng Viết Cho Đời… “ - Thế Phong
Quà xuân của nhà văn hoá Hữu Ngọc - Vân Long
Trăn trở về danh cầm họ Nguyễn - Lâm Bích Thủy
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 2 - Đỗ Ngọc Thạch