Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.222.641
 
Đường TrỊnh Công Sơn Sẽ Thành “Không Gian Văn Hóa Trịnh”
Võ Quê

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một con người tài hoa, có nhiều tuyệt tác âm nhạc để đời (1.4..2001 – 1.4.2011), nhiều hoạt động đã được chuẩn bị tích cực tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng tại Huế, nơi sinh ra, lớn lên và thành danh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bên cạnh việc Hội Âm Nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi “Giọng hát hay nhạc Trịnh Công Sơn” với sự ghi danh dự thi của đông đảo công chúng yêu nhạc Trịnh là sự kiện ngày 17.3.2011 Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức thông qua việc  đặt tên cho 68 con đường ở thành phố Huế, trong đó có con đường mang tên Trịnh Công Sơn cho con đường mới mở ven sông Hương tại kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ khóa V (2004 – 2011). Người dân Thừa Thiên Huế, các nhà hoạt động văn hóa, giáo dục, giới văn nghệ sĩ… đã rất đồng tình hân hoan bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện văn hóa này.

 

Việc UBND, HĐND thành phố Huế kiến nghị UBND, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đặt tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường mới mở, xinh đẹp bên cạnh sông Hương là một việc làm rất có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; phù hợp với niềm mong đợi tha thiết từ lâu của giới văn nghệ sĩ Huế cũng như của công chúng yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Được biết, với đặc điểm Huế đã được Unesco 2 lần công nhận là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nhân loại nên từ những ngày đầu đặt tên đường phố đến nay, UBND, HĐND thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất công tâm khi đặc biệt lưu ý đưa tên những nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ tài hoa, tâm huyết, có nhiều thành tích đóng góp vào sự phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam trong nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ, các thế hệ lên những con đường. Số đường mang tên các nhà văn hóa và văn nghệ sĩ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong danh mục tên đường đã được đặt và sẽ đặt trong tương lai ở Thừa Thiên Huế. Tại đợt đặt tên đường lần này, cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có nhà thơ Trần Quang Long, người nổi tiếng với bài thơ “Thưa mẹ trái tim!” cũng được đặt tên cho một con đường ở phường Phú Hiệp, gần con đường mang tên nhà thơ Ngô Kha ở phường Phú Hậu.

 

Con đường mới mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hình thành từ một khu dân cư bên bờ sông Hương phía vùng Gia Hội gồm bà con lao động, thợ thuyền, buôn bán nhỏ. Họ đã đồng tình với dự án của thành phố Huế di dời sang nơi ở mới tại phường Phú Hiệp, phường Phú Hậu để góp phần chỉnh trang đô thị; làm cho Huế có thêm những công trình mới xinh đẹp, khang trang hơn và dòng sông Hương cũng phong quang hơn, thông thoáng, thơ mộng, trữ tình hơn. Văn bản phụ lục 1 và phụ lục 2 của “Đề án đặt tên đường phố đợt VI (năm 2010) ở thành phố Huế” đã mô tả khái quát con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như sau:

 

- “Điểm đầu tiếp giáp đường Chi Lăng, điểm cuối là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị trí thuộc phường Phú Cát. Chiều dài: 600 mét, nền đường: 11, 5 mét, mặt đường: 7, 5 mét, loại mặt đường: bê-tông nhựa” (Phụ lục 1)

 

- ”Đề án lựa chọn đường bờ sông Hương vừa được xây dựng cơ sở hạ tầng kỷ thuật để đặt tên cho một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Con đường này nằm cạnh dòng Hương giang thơ mộng, phù hợp với tâm hồn, tính cách  của người nhạc sĩ tài hoa, người con yêu dấu của xứ Huế.” ( Phụ lục 2).

 

Trong những ngày này, thành phố Huế đang tích cực đẩy nhanh tiến độ việc xây dựng một công viên mới, đẹp, xanh… bên cạnh con đường Trịnh Công Sơn. Khi con đường Trịnh Công Sơn, công viên này được hoàn thiện, chỉnh chu thì đây sẽ là một điểm nhấn văn hóa cần thiết trong cảnh quang chung của đô thị Huế. Đã có nhiều ý tưởng từ những người yêu nhạc Trịnh là mong muốn nơi này sẽ thành một “không gian Trịnh” với các chương trình biểu diễn chuyên đề nhạc Trịnh Công Sơn mỗi tuần hay mỗi tháng, khi thì hát chỉ với cây đàn ghi-ta như lúc sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường hát; những mùa Festival Huế, ban tổ chức nên thiết kế một chương trình nhạc Trịnh Công Sơn thật quy mô với sự tham gia của các diễn viên chuyên hay không chuyên về dự lễ hội; các du khách đến với Huế trước hoặc sau khi tham quan chợ Đông Ba sẽ tản bộ qua cầu Gia Hội đến chụp hình lưu niệm trên con đường mang tên Trịnh Công Sơn;  các ca khúc Trịnh Công Sơn, băng, đĩa, phim ảnh… về Trịnh Công Sơn cũng sẽ được phát hành tại một ki-ốt được thiết kế thật hài hòa, mỹ quan, văn hóa; những quán cà phê dọc theo con đường Trịnh Công Sơn sẽ lấy tên ca khúc của Trịnh Công Sơn để đặt tên cho quán mình bên cạnh việc mở nhạc Trịnh Công Sơn phục vụ theo yêu cầu của khách; và những sinh hoạt thường nhật từ “không gian Trịnh” cũng sẽ được diễn ra một cách đằm thắm, nhẹ nhàng mà sâu lắng như cốt cách, tâm hồn Trịnh… Qua những ý tưởng, những ước muốn cụ thể như thế mới hiểu được sự trân trọng, lòng mến yêu vô hạn của người dân Huế đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, còn chuyện có thực hiện được những ý tưởng, những niềm mong mỏi đó hay không là tùy thuộc vào các yếu tố khác và quan trọng nhất là cần có một tấm lòng, nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Lần đầu tiên có một con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế!

 

Xin được trang trọng gởi đến gia quyến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lời chúc mừng thân ái! Xin được biết ơn các vị đại biểu hội đồng nhân dân Thừa Thiên Huế đã thay mặt người dân của thành phố mình, của tỉnh mình để nâng cao những cánh tay biểu quyết về một sự kiện đắc nhân tâm.

 

Con đường mới mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mở gợi nhớ con đường phượng bay mù không lối vào một thuở nào xưa. Từ con đường này từng cung bậc Trịnh lại ngân lên thanh thoát, người với người càng yêu thương nhau hơn bởi cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…

 

Võ Quê
Số lần đọc: 2281
Ngày đăng: 20.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một bức thư từ Nhật bản của TS Hà Minh Thành - Hà Minh Thành
Thư gửi bạn đọc nhân Kỉ niệm 23 năm ngày mất của Nhà thơ Quang Dũng tháng 10 năm 2011. - Bùi Phương Thảo
Góp Thêm Một Cái Nhìn Về Truyện Ngắn Dị Hương Của Sương Nguyệt Minh - Nguyễn Trọng Bình
Mẹ, Chị Và Em Trong Về Kinh Bắc - Hoàng Hưng
Vài Cảm Nhận Về Tuyển Thơ - Mang Viên Long
Đặng Kim Côn và hai tác phẩm Thư Ấn Quán phát hành đầu Tháng Ba 2011 - Nhiều Tác Giả
Về Bài Thơ Mai Lâm - Đoàn Văn Thăng Khóc Lầm Tản Đà… - Thế Phong
Ánh trăng, đêm rằm (*) - Huỳnh Như Phương
“Không gian tiệm nước – Sài Gòn tạp văn” – Lắng đọng nỗi nhớ, niềm thương phố thị. - Trần Hữu Dũng
Gặp gỡ giữa hai thế hệ - Thụy Khuê
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)