Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.229.857
 
Thiền Sư Kiến Đức
Vũ Ngọc Tiến

1.

Đảo Mắt Rồng xưa vốn là thương cảng sầm uất của miền Hoan- Ái, nhưng từ thời chiến tranh Nam- Bắc triều giữa hai nhà Lê- Mạc đã thành hoang đảo thâm u, kỳ bí. Ngôi chùa nhỏ trên đảo từng in dấu Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé thăm và giảng kinh trên đường Ngài hành hương vào phương Nam cũng đã thành phế tích. Hơn mười năm trước, thầy Kiến Đức về đây vận động cư dân trong vùng xây cất lại ngôi chùa toàn bằng gỗ và đá. Đảo Mắt Rồng nhờ thế lại được hồi sinh, tăng ni phật tử khắp nơi nô nức hành hương ra đảo tập thiền, thắp nhang lễ Phật. Công ty du lịch của tỉnh mở thêm tuyến mới, đưa du khách ra đảo thăm rừng nguyên sinh, tắm biển, lễ chùa nên ngày một phát đạt. Nghe đồn, thầy Kiến Đức vốn là Phó đô đốc hải quân, mang lon Thiếu tướng, đường binh nghiệp còn nhiều cơ hội thăng tiến. Chỉ sau một trận ốm, thầy như con người khác, đột ngột xin nghỉ hưu, chuyên đi lễ chùa, đọc kinh và tọa thiền. Sư phụ của thầy là Hòa thượng Thích Thanh Khiết  đã cùng nhiều đạo hữu nhiệt thành cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo thời Trần, vận động quyên góp xây cất nhiều Thiền Viện Trúc Lâm. Thầy Kiến Đức chỉ để lại ngôi nhà và một số tiền đủ sống cho vợ con ở Nha Trang, còn thì gom hết của cải theo sư phụ ra làm lễ đặt đá, xây dựng một Thiền Viện lớn trên vịnh Bái Tử Long. Thầy tình nguyện ăn chay, làm thợ đập đá, gánh đất như bao phật tử bình thường khác. Sau lần ấy, thầy được sư phụ chấp thuận cho xuống tóc quy y tam bảo…

 

2.

Mấy tuần nay, miền Trung liên tiếp gặp thiên tai, lũ chồng lên lũ, dân trong đất liền khốn khổ vì ngập lụt, chẳng ai còn nghĩ đến việc hành hương ra đảo Mắt Rồng. Các sư, tiểu trong chùa cũng được thầy Kiến Đức cử vào đất liền, mang theo lương thực và quần áo, thuốc men cứu trợ dân nghèo. Ngôi chùa bằng đá to đẹp, tấp nập du khách hôm nào, giờ hoang lạnh như thời tiền sử giữa biển khơi ầm ào sóng gió, mưa giăng mờ mịt, sấm chớp liên hồi. Mình thầy Kiến Đức ở lại, thanh thản ngày hai bữa cơm rau đạm bạc tự nấu, cần mẫn coi việc nhang đèn, tới giờ ngồi tọa thiền không sai một khắc nào. Thầy rất tâm đắc với lời dạy của sư phụ Thích Thanh Khiết: “Ở đất liền thi thoảng có nơi chùa vừa xây cất to đẹp, phật tử đông, lễ tạ hậu hĩnh thành ra lâu dần sinh tệ “hảo tự thì ố tăng”, chư tăng nẩy thói xa hoa, phù phiếm, vi phạm giới luật, nhưng chùa Tiên của con ở đảo Mắt Rồng này phải khác.” Lời dạy ấy cứ văng vẳng bên tai, thầy tự mình nêu gương thanh tịnh, nghiêm khắc nhắc nhở các sư, tiểu trong chùa: Chi Khố lo việc tài chính phải phân minh, chi tiêu cần kiệm. Chi Sự lo công việc của nhà chùa phải sắp xếp cho mọi người ai cũng có việc làm phù hợp với năng lực, bổn phận và thường xuyên đôn đốc. Chi Khách lo việc ngoại giao, tiếp tân phải mềm mỏng, lịch thiệp với các phật tử và du khách, không chia sang hèn, không phân quý tiện. Chùa Tiên trên đảo Mắt Rồng vì thế nổi tiếng về sự quy củ, cơ ngơi ngày một khang trang, bề thế. Nhiều phật tử hay du khách luống tuổi ra đảo không muốn về, xin nhà chùa cho nán lại hàng nửa năm làm tu sinh học thêm đạo pháp, tập thiền để dưỡng tâm. Mỗi lần có thêm những tu sinh tình nguyện xin ở lại chùa, thầy Kiến Đức rất vui, say sưa giảng dạy cho họ kinh sách nhà Phật, sửa nắn cho họ từng tư thế ngồi, nhịp thở lúc tọa thiền. Thầy thường nhắc lại cho các tu sinh nghe lời của sư phụ Thích Thanh Khiết từng dạy: Thiền là giải pháp hữu hiệu mang đến cho hành giả một sức mạnh nội tâm hay nội lực, vì thế nên các nhà truyền bá Yoga, võ thuật, khí công, dưỡng sinh… cũng đã ứng dụng tọa thiền để rèn luyện cơ thể cho tăng nội lực, khí lực hay chữa trị bệnh tật. Song điều quan trọng hơn, các con cùng ta học phép tọa thiền là để an định cái tâm cho mình sau những tháng ngày vật lộn giữa cuộc mưu sinh đầy rẫy sự bất an, vọng động. Khi tâm an định thì trí tuệ sáng suốt, đó là quy luật tất yếu trong mối tương quan giữa tâm và trí. Minh triết chỉ đến khi tâm ta hoàn toàn tĩnh lặng, dục vọng nhờ đó mà chịu ngủ yên. “Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu.” Chư vị sư tổ nhờ thiền định mà tâm an định sâu, chứng ngộ đạo quả, có trí tuệ siêu việt, thấy được chân lý của vạn hữu, từ đó sống ung dung tự tại giải thoát…

 

3.

Đêm qua, thầy Kiến Đức cứ trằn trọc, ngủ không yên giấc. Gần sáng, từ trong trai phòng thầy vẫn nghe rõ tiếng ai quét lá ngoài sân, lại có tiếng lục đục nấu nướng dưới bếp. Nồi cơm sôi tỏa bay mùi gạo mới thơm lừng và tiếng lạch cạch của bát đũa lay thầy tỉnh giấc sớm hơn thường lệ. Thầy Kiến Đức ngạc nhiên vì thấy một ni cô chưa già, nhưng cũng không còn trẻ, đang chắp tay đứng đợi mình ở góc phòng. Bà có gương mặt thanh tú, vóc dáng khô gầy, bộ áo nâu sồng phất bay theo làn gió lành lạnh thổi vào trai phòng. Ni cô cung kính nói:

- Bạch thầy!... Con xin mang nước ấm cho thầy rửa mặt.

- Khoan đã, con là ai, sao ta chưa từng gặp trong chùa?

- Bạch thầy, con là tu sinh tình nguyện mới đến chùa hồi đêm.

- Con nói lại đi! Con từ đâu đến? Ta thật không hiểu, bằng cách nào con một mình vượt biển trong đêm mưa gió mịt mù để ra đảo?

- Bạch thầy, cõi Phật bao la, cửa thiền rộng mở đón chúng sinh vào che chở cho thoát vòng khổ lụy thì dù có mưa to sóng cả cũng không ngăn nổi con từ đất liền ra đảo.

- Con có nỗi đau hay oan ức gì hãy nói ta nghe!

- Bạch thầy, con đâu dám làm phiền thầy vào buổi sớm mai, thư thả con sẽ thưa chuyện để thầy hay.

 

Thầy Kiến Đức nghe xong yên lặng hồi lâu, không hỏi thêm gì nữa. Ni cô xăng xái lấy nước sôi pha vào chiếc thau đồng cho đủ ấm mang vào trai phòng. Bà không nói, chỉ lẳng lặng dọn dẹp giường ngủ, chờ thầy Kiến Đức rửa mặt xong thì chắp tay cung kính mời xuống bếp. Cơm canh đã dọn sẵn, có bát canh rau lang nóng hổi, đĩa dưa muối vàng ươm, một ít vừng và lạc rang giã nhỏ trộn đều. Luật nhà chùa quy định không nói khi ăn nên thầy chỉ nhẩn nha nhai từng miếng cơm, đảo mắt quan sát xung quanh. Ni cô lúc ẩn lúc hiện. Bóng bà nhẹ như mây bay gió thoảng, lúc ở trên điện đốt nến, thắp nhang; lúc ra sau vườn chùa hái hoa tươi vào bầy trên điện thờ Phật; thoáng cái, lại thấy bà cầm chổi tre quét lá bồ đề hay nhặt những tàu cau tơi tả rơi trên sân. Có điều lạ là áo quần bà đội mưa mà vẫn khô rang. Hình ảnh bà mỗi khi xuất hiện như có làn gió lạnh khác thường phả vào không gian, khiến thầy cảm thấy rét từ trong người rét ra. Suốt cả ngày, thầy Kiến Đức đi đâu, ni cô cũng chắp tay trước ngực, cung kính theo hầu. Thầy ngồi gõ mõ tụng kinh, ni cô nem nép quỳ ở mép chiếu phía sau, cất giọng tụng theo trong veo, không sai một chữ. Tiếng bà có lúc như từ nơi xa thẳm vọng về ngôi chùa vắng vẻ, lẫn trong mưa rơi tầm tã. Các bữa cơm đều được bà bày biện mâm bát tinh tươm, chay tịnh mà vẫn sang trọng. Quá trưa sang chiều là bữa chính của nhà chùa, ngoài bát canh nấu rau mồng tơi nóng hổi, có thêm món chả cốm làm bằng đậu xanh giã nhỏ, bóp với đậu phụ và trộn đều những hạt cốm xanh do bà mang theo từ đất liền, khi rán lên thơm ngậy, đẹp mắt, làm thầy khoan khoái nhâm nhi tận hưởng hương vị, thầm khen tài nấu nướng của ni cô. Chập tối, sau một tuần trà ướp hoa ngâu trong vườn chùa, thầy sắp sửa tọa thiền thì ni cô mới cung kính chắp tay trước ngực và nói:

- Bạch thầy, con lâu nay vẫn kiên trì tập thiền, ngồi ở tư thế kiết già, luyện cho đường vận khí chạy đều trong mối tương quan giữa mạch nhâm và mạch đốc, sao vẫn không khai mở được luân xa?

- Có thể con học và luyện chưa đến nơi đó thôi. Trước hết phải biết rõ mạch đốc là nơi hợp lưu của tất cả các đường kinh dương, còn mạch nhâm là hợp lưu của các đường kinh âm. Phải điều tiết sao cho các đường kinh âm- dương kết hợp, nương tựa và chuyển hóa đều đặn qua nhau.

- Bạch thầy, điều đó thì con hiểu ạ! Chỉ không hiểu vì sao luân xa mãi không khai mở?

- Trong con người ta ai cũng có 7 luân xa ở tại những huyệt đạo có vị trí khác nhau cần được khai mở, nhưng quan trọng nhất là luân xa số 6 còn gọi là Thiên Mục, nằm ở giữa trán và luân xa số 7 tại huyệt Bách Hội ở đỉnh đầu. Mở được hai luân xa này thì các luân xa còn lại không khó nữa. Cái cốt yếu là kiên trì khổ luyện, tinh thần thư thái.

- Nhưng con lại thấy có người chẳng tập thiền vẫn mở được luân xa?

- Đúng, có người do bẩm sinh; lại có người bị tai nạn hay ốm đau khi khỏi thì luân xa tự mở. Tuy nhiên, đa phần vẫn là công phu khổ luyện mà nên.

- Bạch thầy, con lại nghe nói, người mở được luân xa, nhất là Thiên Mục khi đã thênh thang mở thì tầm mắt sẽ vượt qua không gian, thời gian, đoán định được tương lai, nhìn xuyên quá khứ, có thể gặp và nói chuyện với âm hồn, có đúng vậy chăng?

- Những khả năng đặc biệt ấy là có thể, nhưng người tự nhiên mở được Thiên Mục mà kiêu ngạo, sử dụng khả năng đặc biệt để kiếm lợi hoặc lòe bịp thiên hạ thì khả năng ấy sẽ tự mất đi; còn người khổ công tập thiền thì phải quên hết mọi ham muốn, dự định ban đầu cho cái tâm an định sâu mới mở được luân xa, có năng lực như con vừa nói.

- Vậy hôm nay con cầu xin đức Phật từ bi cho được nương theo thầy ngồi vận khí khai mở Thiên Mục để có thể nhìn thấy chuyện xảy ra hơn hai mươi năm trước, giữa đại dương bao la, thầy ơi!

- Con lại quên lời ta vừa dạy, hãy dẹp bỏ cái ý định đang ấp ủ ấy đi, cứ thanh thản cùng ta ngồi trong tư thế kiết già mà thiền định. Đợi khi tâm đã an định, cơ duyên nhà Phật cho con cùng ta nhìn thấy gì tự khắc không cầu mà đến, chẳng mong mà được…

 

Nói rồi thầy Kiến Đức khép hờ đôi mắt, vẫy tay làm hiệu cho ni cô lại ngồi sau lưng. Hai thầy trò im lặng trong tư thế thiền định, vận hết công lực điều tiết dòng khí luân chuyển điều hòa theo các đường kinh âm- dương của hai mạch nhâm- đốc. Khoảng một canh giờ sau, thầy Kiến Đức chợt thấy sét nổ vang trong cõi vô thức, tia chớp bảy màu lóe lên nơi giữa trán, luân xa Thiên Mục từ từ khai mở. Quanh chỗ thầy trò ngồi thiền bao phủ lớp hào quang kỳ diệu hình cầu trong suốt như pha lê. Có một sức mạnh huyền bí nhấc bổng quả cầu trong suốt lên cao, đem theo thầy và ni cô cùng bay đi xa mãi, rồi đại dương bao la xuất hiện, chói chang nắng gió, điệp trùng sóng vỗ. Một quần đảo hiện ra, lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ li ti, sau lớn dần và thầy nhận ra hòn đảo mà 23 năm trước mình là Đại úy đảo trưởng Khiêm, chỉ huy một đại đội ở đây. Thầy nắm chặt  tay ni cô bay lượn quanh đảo. Màn đêm buông xuống. Khiêm và Thượng úy đảo phó kiêm Chính trị viên Thịnh cùng đồng đội đang ngủ say, chỉ có tiểu đội tuần tra và đài quan sát trên đảo đang còn thức canh cho đơn vị. Những đám mây đen ùn ùn xô tới và từ xa xuất hiện bốn chiến hạm lạ của nước láng giềng đang dần khép chặt vòng vây quanh đảo. Mưa rơi xối xả, gió thét tơi bời trong tiếng đại bác gầm rít, bắn như vãi thóc lên đảo. Khiêm và Thịnh chỉ huy mọi người tản ra, chia thành từng tốp theo các ổ đại liên phục sẵn trên điểm cao, kiên cường đánh trả. Trận đánh diễn ra trong chớp nhoáng. Địch dùng chiến thuật biển người đổ bộ ào lên, thây chết như ngả rạ trước họng súng đại liên, nhưng cuối cùng vẫn chiếm được phần lớn hòn đảo. Ta bị đánh bất ngờ, lực lượng quá chênh lệch nên bị dồn ép, co cụm và kẻ thù dã man dùng súng phun lửa giải quyết trận đánh. Đến đây, ni cô rú lên kinh hoàng, còn thầy Kiến Đức cảm thấy tức thở vì uất nghẹn…  

 

4.

Cả đại đội còn lại dăm người thoát khỏi vòng vây, rút lui trên một chiếc xuồng máy nhỏ vẫn dùng để câu mực. Họ hy vọng sẽ đến được một hòn đảo khác của quân ta trong quần đảo này. Trên xuồng chỉ có Khiêm, Thịnh và ba chiến sĩ còn trẻ măng. Thầy Kiến Đức và ni cô vẫn bay lượn trên không, theo sát từng  chặng đường di chuyển gian nan của  họ. Xuồng đi đã gần hết đêm vẫn dập dềnh quẩn quanh dưới mưa, không dò được phương hướng, lại bị quá tải cứ chìm dần. Hoàn cảnh thật bi đát, có thể cả năm người cùng chết. Thịnh đứng lên nhân danh Tổ chức dõng dạc kêu gọi ba chiến sĩ trẻ tình nguyện nhảy xuống biển để thuyền đi tiếp. Anh ta nói lời lạnh tanh, miệng dẻo kẹo: “Lúc này Tổ chức cần đến sự hy sinh của các đồng chí. Một người còn là Tổ chức còn, tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu giành lại đảo thân yêu cho Tổ quốc.” Ba người lính trẻ nhìn nhau ngơ ngác, nhảy cũng chết mà không nhảy cũng chết, cuối cùng họ đành thở dài, gạt lệ nhảy xuống biển. Có lẽ khi nhảy xuống nước rồi họ mới tiếc đời nên ba người là sáu cánh tay cứ níu chặt mạn xuồng, làm nước tràn vào càng thêm nguy cấp. Thịnh lạnh lùng nghiến răng cầm dao lia mạnh cho những cánh tay rời ra, máu tươi tung tóe khắp xuồng. Động tác của gã Chính trị viên quá nhanh, Khiêm không kịp phản ứng, chỉ còn biết úp mặt vào lòng bàn tay khóc nấc lên từng hồi. Chiếc xuồng tiếp tục đi trong đêm mưa…Ni cô òa lên nức nở. Toàn thân bà run lên, miệng gào khóc và bảo, anh lính cuối cùng có cánh tay bị chém lìa khỏi mạn xuồng kia chính là chồng của bà. Thầy Kiến Đức như chết lặng giữa khoảng không chơi vơi. Họ đã chết thảm cho xuồng đi tiếp để Khiêm và Thịnh được sống. Bao năm qua, nỗi ám ảnh về những cánh tay bị chém lìa khỏi mạn xuồng và tia máu đỏ bắn lên, có giọt dính vào mặt Khiêm cứ dày vò tâm thức thầy khôn nguôi. Thầy tự hỏi lòng: Sao lúc lâm nguy, thói ham sống sợ chết đã xui khiến ta chần chừ, không dám nhảy xuống biển cho họ được sống? Sao Thịnh lại nỡ cầm dao chém vào đồng đội như thế? Anh ta lấy tư cách gì để nhân danh Tổ chức kêu gọi quần chúng tình nguyện nhảy xuống biển để mình được sống?... Những câu hỏi dồn dập cứ đeo đẳng, bám riết lấy Khiêm vò xé con tim, dù khi anh đã được về đất liền an dưỡng rồi đi tu nghiệp lớp sĩ quan cao cấp và tuần tự thăng tiến. Chỉ đến một ngày, anh Đại úy đảo trưởng Khiêm năm ấy đã leo dần lên tới chức Phó đô đốc hải quân, sau một trận ốm nặng, luân xa tự nhiên khai mở, hễ nhắm mắt lại thì cảnh ấy hiện ra và Khiêm đã chứng ngộ để từ bỏ tất cả, tìm đến cửa Phật quy y thành thầy Kiến Đức bây giờ…

 

5.

Lại có tia chớp lóe lên ở chỗ Thiên Mục giữa trán và tiếng sét khô đanh vang vọng từ cõi vô thức làm thầy Kiến Đức bừng tỉnh. Thầy mở mắt, xả thiền rồi khoan thai đứng dậy. Mưa rơi xối xả trên sân chùa. Đêm chìm vào sâu. Ni cô vẫn cung kính chắp tay trước ngực theo hầu thầy về trai phòng. Bà ngập ngừng nói:

- Bạch thầy, đã đến lúc con sắp phải về đất liền, nhập vào thể xác con đang hấp hối trên giường bệnh suốt một ngày qua.

- Con là hồn ma ra đảo tìm ta đấy ư?

- Không, con chưa về tới cõi âm nên chưa được thành hồn ma. Con chỉ tạm rời bỏ thân xác ra đây, may được thầy từ bi gia hộ cho con được nương theo lúc tọa thiền, được nhìn thấy chồng lần cuối, thầy ơi!

- Ngần ấy năm con sống ra sao?

- Nói ra tủi lắm thầy ơi! Con ở vậy nuôi con mà chồng chết ngoài đảo xa chẳng được vinh danh hay tiền trợ cấp gì. Họ bảo chồng con bị mất tích trên biển, có trời mà hiểu được vì sao. Quê con bên bờ sông La, đã nghèo lại năm nào cũng ngập úng. Thằng Tình nhà con ra đời không biết mặt cha, thất học thành người lái xe ôm rồi sa vào nghiện hút. Nó đang ở trại cai nghiện của tỉnh nên con ở nhà lúc này dù cơn bệnh lao xương hành hạ, kiệt sức trong mưa lũ mà chết không nhắm mắt được. Con thấy lạnh lắm rồi, thể xác đang gọi về… Bạch thầy, con đi đây…

 

Bóng ni cô mờ dần, tan biến vào trời đêm, mưa rơi gió giật liên hồi. Thầy Kiến Đức bàng hoàng, ngơ ngác nhìn quanh. Lòng thầy quặn thắt. Đợi qua đợt lũ lụt này, thầy sẽ vào đất liền dò hỏi tung tích đứa con của vợ chồng người lính đảo năm xưa. Thầy sẽ mang nó về chùa cai nghiện, chữa trị cho nó khỏe mạnh rồi tìm nơi hỏi vợ cho nó. Ngỡ đã nương nhờ cửa Phật, lánh xa thế tục mà thầy vẫn còn nặng nợ ở cõi người, chưa trả hết nợ khó trọn đường tu. Thầy nghĩ vậy và thiếp đi, chập chờn tỉnh thức…/.

 

Hà Nội 2/2011

Nhân 32 năm sự kiện 17/2 và 23 năm cuộc chiến Trường Sa 1988

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2910
Ngày đăng: 23.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa Xuân Ở Trần Gian - Nguyễn Thị Thanh Bình
Lớp Học Hai Người - Nguyễn Trung Nguyên
Róc Rách Suối Ngầm - Lê Văn Thiện
Của Tôi Và Gió - Ngô Thị Ý Nhi
Tắc kè - Lưu Quang Minh
Đi Với Ma - Quý Thể
Chuyện Vườn Đào - Lê Văn Thiện
Trăng mùa thu - Phạm Toàn
Chúng mình ơi, đau buồn - Lê Văn Thiện
Người Khôn Ngoan - Phùng Thành Chủng
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)