Trong thế giới tiểu thuyết Dương Nghiễm Mậu (sinh năm 1936), con người hãnh tiến trong cô đơn sau khi đã phải cúi đầu nhận chịu thân phận làm người. Tuổi trẻ tự cho sống lầm thời, phải hy sinh, đánh mất, lạc đường, không có quyền định đoạt, nhưng phải lựa chọn. Từ địa ngục đó, người tuổi trẻ phản kháng với ý thức nhập cuộc và phẫn nộ cuộc đời làm đau nhức. Cuộc đời là khoảng trống :"... khoảng trống bao la ấy đau buốt, nhức nhối trích vào cơ thể anh từng giây từng phút ngột ngạt, tức tưởi lay động choáng váng tim óc. Anh đã đánh lừa và mang em đến với anh. Em đã chịu đựng sự có mặt của anh - nhưng đến bây giờ em không còn đủ sức chịu đựng nữa - em lên tiếng, như đám đông lên tiếng cho anh nhận ra anh...". (Niềm Đau Nhức Của Khoảng Trống, là một trong sáu 6 truyện ngắn của tập Cũng Đành do tạp chí Văn nghệ xuất bản năm 1963. Toàn chuyện bi-đát ngả đầu gối lên bóng đêm mái đầu suy nhược của mình, một tra hỏi về thân phận con người ở vào một thời đại mà mọi giá trị luân lý bị đảo lộn. Vô luân, phi luân hay một kiếm tìm luân lý mới!
Niềm Đau Nhức Của Khoảng Trống là sự tình cờ phải đến nhắc nhở Hạnh cái thân phận có cái bướu ngày càng lớn, "thấy nó hiện hữu giữa đời sống. Điều mà khi tôi yêu nàng - khi mà tôi yêu tôi - tôi bỏ quên nó, tôi không quan tâm đến" (tr. 13). Đêm dạ hội bạn mời nhưng người yêu chàng, Thúy, từ chối không đi vì cái bướu của chàng, và tuyệt tình với chàng, cho đến lúc đó vẫn yêu thân với chàng thật tự nhiên! "Anh ạ, em không tới với anh được đâu, sao cái bướu của anh lại lớn quá thế..." (tr. 13). Dù sao, "anh chỉ mang một mình anh tới đó như một sự lạc lõng bỏ quên không ai quan tâm..." (tr. 11). Và khiến chàng nhớ lại lời người bạn có lần đã bảo "Cái mặt mày kỳ cục và quái gở như thời đại này" (tr. 17). Nỗi đau nhức thân xác trở thành niềm đau nhức của có trở thành không, của có như một "phiến loạn" "không muốn yên thân" - đừng lớn ra nữa! Cái có khiến thân phận Hạnh thành "khỏng trống bao la", "anh hốt hoảng ở giữa khoảng trống vây quanh anh đã lấp liếm che đậy" (tr. 29). Niềm đau nhức tư day đưa Hạnh nhận chân ra mình. "Anh là một quá khứ, một chứng tích của đời sống. Một hải đảo cô đơn ngàn đời - bởi nó công nhận niềm đau buốt của khoảng trống, từ khước đám đông, thức giác niềm đối kháng với một bộ mặt vô hình nhìn xuống đời sống" (tr. 31), nhờ vậy "anh biết anh là gì. Anh hơn đám đông vây quanh, bởi anh ý thức được sự có anh, mọi người coi họ có mặt - nhưng là một sự có mạt hư ảo, không thấy mình. Người ta từ khước anh - điều đó không cần thiết khi anh đối với anh đã là sự có mặt hằng cửu. Anh biết anh là anh. Anh có toàn quyền về thân anh (...) Anh đứng đây một mình với lòng kiêu hãnh của anh..." (tr. 30-31). Kha trong Cũng Đành kém kiêu hãnh hơn, bỏ kháng chiến về thành sống chui nhủi đi móc rác và sống vớ gái giang hồ để cuối cùng bị bắt tra khảo về quá khứ. Kha có lẽ hài lòng với cái chết phải đến!
Bồn Cát Tuổi Thơ - tức Rượu Chưa Đủ là truyện ngắn đầu tay đăng tạp chí Sáng Tạo, vẫn được Mai Thảo (1) nhắc đến như một khám phá tình cờ thích thú, là chuyện ba chị em mồ côi di cư nghèo, người chị bệnh nặng, hai anh em còn lại, người anh đi kèm trẻ trong một gia đình Ấn-độ, hay ra công viên chơi đắp đất với trẻ con ngôi nhà mơ mộng của tuổi thơ, hay nhớ về Hà Nội hay một về nguồn, điểm tựa thiếu vắng! Cuối cùng người anh đến đón em ở viện tế bần về; để sống với nhau, những người thân cuối cùng còn lại sau những đổ vỡ của một Hà Nội nay đã thật xa xôi. Tan tác, mồ côi, nhưng "chúng tôi không thể đổ lỗi cho ai được khi chúng tôi tự coi mình là Thượng đế" vì "cuộc sống ngày nay mất đi những tham dự của sức mạnh siêu hình mà người trước tin cẩn để sống. Nhưng có lẽ thái độ can đảm liều lĩnh ấy khiến cho chúng tôi đau đớn hơn" (tr. 67). Trong Tiếng Động Trên Da Thú, con người không có cả tên để người đời gọi. Và trong Làm Thân Con Gái, "con người có quyền về nó", yêu hay bỏ phải chăng là một hành động tự do. Nhung, nhân vật nữ dù thất bại hay gục ngã trên đường đời và đường tình, lúc nào cũng sẵn sàng bước tới, dấn than mà đi :"Tôi thấy mọi người đáng khinh. Tôi phải sống để khinh họ. Luân lý, tập quán, thói lề hay gì gì nữa đều bất lực với tôi..." (tr. 116).
Gia Tài Người Mẹ (1963) viết đăng trên tạp chí Văn Nghệ từ 1961, truyện như một ngụ ngôn, viết về cuộc chiến tranh "sắp" tới hồi "bi thảm", "gửi đến người cùng thời", "tâm bút", "câu chuyện viết về những người khác đã trở thành tâm sự của chính mình", như tác giả viết trong Thay lời bạt. Người mẹ hấp hối trên giường bệnh, cạnh năm đứa con từ hai đời chồng và đứa thứ năm là kết quả hãm hiếp của một tên lính lê-dương, và một đứa cháu với U Tám, người làm, có đứa bà đã viết thư gọi về. "Căn nhà yêu dấu tôi đã sống được bao nhiêu năm êm ấm với hạnh phúc, cũng như buồn khổ và xa các'..." (tr. 7) có thể là hình ảnh đất nước, ngưòi mẹ là mẹ Việt Nam, con cái thì nhiều khuynh hướng. Người chết là quá khứ, là lịch sử oai hùng hay oan khiên, và đám đông vây quanh nhà là thế lực ngoại bang. "Các con trở về đây, tiếc rằng Mẹ không còn gì để chia cho các con. Không còn một chút gì nữa để cho các con làm của riêng - tất cả chỉ còn một căn nhà trống không, mục nát và già nua (...). Gia tài của mẹ là đời sống của mẹ đã trải qua những ưu phiền, buồn bã, đau nhục, đắng cay cùng những niềm vui, hân hoan và hy vọng. Gia tài của mẹ là đời sống của các con" (tr. 115-116). Người mẹ là hình ảnh tăm tối của đất nước Việt Nam vào nửa sau thập niên 1960, cũng là sợi dây nối kết những chia rẽ vì hận thù và tham vọng, ngộ nhận, vì các phần tử dù đã rời ra, vẫn có những sợi dây huyết thống với người đang hấp hối. Họ sẽ bị thêm thử thách khi đám đông vây quanh ngoài cửa đe dọa chia rẻ các con thành nhiều "đám người", củng là thế lực muốn "chiếm căn nhà? giết mẹ? giết các con?" (tr. 114). Và gánh nặng của quá khứ, của tổ tiên "đã lầm lỡ sai lạc và bất lực quá nhiều để cho các con phải chịu quá nhiều ngộ nhận, quá nhiều đau khổ, bất hạnh" (tr. 115).
Kết cục là một nối kết hợp quần trước khi thảm kịch hạ màn! "... Sự mù tối của thực tại, của dục vọng, của thành kiến đang làm người sống lạ mặt thù oán, tranh dành. Sự ti tiện nhỏ mọn trước mắt đang làm chúng ta bị cuốn đi trong cơn lốc (...) Anh sinh ra không phải để thù oán, ganh ghét, cạnh tranh một thứ gia tài đã già nua gần như vô dụng mà sinh ra để lập lấy gia tài của mình". Vì chưng "trời còn tối mù ... bao giờ cho chúng ta được nhìn thấy mặt nhau...", tệ hơn nữa, "chúng ta đang ở bờ vực, trước đe dọa. Chúng ta phải lựa chọn..." (tr. 116). Một tiếng kêu thương sau một cuộc chiến gian và trước một đối đầu ý thức hệ khác tàn độc và phủ phàng hơn!
Tuổi Nước Độc (1965), trở lại không gian Hà Nội thời hồi cư, trước hiệp định Genève 1954. Tâm trạng của những người thanh niên ray rứt suy tư về đất nước, về "đất" sống, về chiến tranh và con người. Suy tư hơi nhiều đưa đến độc thoại và đâm ra lạc hướng có thể cố tình. Suy tư tranh luận trở thành ngụy tín, họ sống cho bản năng và sống còn : ăn chơi, đàn bà và rượu. "Nếp" sống đó sẽ bị rúng động với chiến tranh đến gần, những người thân và những biên giới chính trị dằng co, mâu thuẫn. Truyện cuộc đời Ngạc, là tình yêu Ngạc với Hiền, em một người bạn, giữa một Hà Nội sắp bị tiếp thu. Tình yêu hai người đối với mọi người là chuyện bình thường, được chấp nhận không một phản ứng, mà hai người họ yêu nhau như yêu nhau, như một nhu cầu, như một biến cố tầm thường, không cao cả, không tìm kiếm, không chiếm hết thời gian sống của hai đương sự. Đến khi Hiền bị bắt rồi lấy người khác, Ngạc không phản ứng đặc biệt, dửng dưng, chấp nhận, như mọi sự của cuộc đời!
Nhưng Ngạc "yêu" Huệ, chị họ hơn chàng hai tuổi, "tình yêu của một người bao bọc mình" (tr. 157), một tình yêu xác thịt hơn, "một phiêu lưu trên con đường không mặt mũi, với những náo động không nguôi và chúng tôi không còn là mình, chúng tôi bị thanh toán, bị nghiến đi trong một guồng máy, tiếng nổ chát chúa vang vọng thay tiếng cười, tiếng than van thay tiếng hát và cuộc sống không còn là một giấc mộng có hoa nở chim hót" (tr.157). "... Chúng tôi thầm lặng vuốt ve nhau, hai kẻ tội lỗi đều biết rằng hình phạt đang chờ đợi, nhưng thói quen cùng nỗi cô đơn khiến chúng tôi không dừng lại được nữa, chúng tôi miệt mài trong những giây phút say mê như kẻ ghiền ma túy để sau đó lả người buồn chán" (tr. 158). Thói quen và cô đơn đưa hai thân xác đến với nhau, đến thì cư xử, hành động như phải cư xử, hành động, sau đó sẽ buồn chán như ma túy, như đã biết trước. Mà vẫn làm, vẫn sống! Hai "tâm hồn" đến với nhau như ngôi sao xẹt, như mảnh tinh tú đập vào nhau, lén lút, mặc cảm, rồi sau đó, không một tiếng vang! Bất an, tự sỉ nhục khi nghĩ đến Trương, Vịnh, những người bạn đang dấn thân nơi chiến khu hay đi gieo rắc khủng bố cho tổ chức. "Tôi lười biếng trong trí óc (...), tôi tồi tệ chịu thua (...). Rồi ai cũng chết, tôi nhủ thầm" (tr. 158-9). Trước định mệnh, con người tự do, "mỗi kẻ có những lựa chọn tự do" mà lựa chọn khác nhau khiến giữa những người thanh niên thời đó có những khoảng cách lớn, những "lạnh nhạt" lan to dần. Ngạc bị bạn kết án là "bọn hư vô", sẽ bị đào thải, riêng chàng thì chỉ thấy "những khuôn mặt tôi thay đổi trôi trước mặt như những cái mặt nạ treo trên một sợi dây kéo đi kéo lại" (tr. 172).
Đêm Tóc Rối (1966) mở ra với ông Lịch, một nhân vật "trí thức cách mạng nghiện hút" . Hình như ông ta coi sự nghiện hút là một thứ hào khí của một thế hệ nợ nần: "Người ta không đơn giản là xấu hay là tốt hết. Trong mỗi người đều có những mâu thuẫn, nhất nữa những hành động nhiều khi trái ngược với tư tưởng" (tr. 205). "Chiến tranh hai chục năm, tôi nhìn rõ những khác biệt giữa chúng tôi và các cậu. Chúng tôi còn có cái tình người trong sáng do nếp sống, tập quán, luân lý, trật tự bảo vệ liêm sỉ, lương tâm, các cậu phá cả, các cậu bất nhân dã man, tàn bạo từ trong tâm hồn. Sao bây giờ tôi thấy các cậu khổ quá, và làm cho mình khổ thêm" (tr. 130). Những người trẻ hơn, Lễ, Khang, Thục, v.v sẵn sàng dấn thân nhưng có những đắn đo, lưỡng lự, thối thác và nhiều hối hận, nuối tiếc quá khứ - "cả bọn mình ở vào cái thế hệ bị hy sinh" (tr. 201); nhưng họ tiêu biểu cho ưu tư tương lai về trách nhiệm và quá khứ về mặt tinh thần. Họ tự xem bị giam lõng, "Tôi lạnh lùng trước gương mặt lố lăng của một thời đại mà chừng như mọi người dều biết mình lố bịch, đều làm hề, và nó khởi từ một vô vọng án ngữ phía đi tới của mọi người" (tr. 40). Lễ, nhân vật xưng "tôi", là nhiều trễ tràng, thất bại nhất. "Làm một cái gì sao không làm ở đây mà phải đi mới làm được" (tr. 6). May còn có Thục người bạn thường theo dõi và buộc chàng đi tới, tiến dẫn dạy học. Khang thì cuối cùng bị bắt ở biên giới Cam Bốt. Quyên, người con gái của dĩ vãng, vẫn làm tình nhân của Lễ (hay chàng nghĩ thế) dù Quyên đã lấy chồng. Phượng, em Khánh, cô con gái thanh khiết và tàn tật, luôn ngồi xe lăn, sống giữa vườn hoa trái cỏ cây vẫn mơ về "một nơi thật xa không ai tới" (tr. 86), là một an ủi thơ ngây trong sáng cho Lễ, người này là hy vọng của người kia. Cuối cùng nàng leo lên bờ giếng té xuống chết - rời chiếc xe lăn như nàng vẫn ước mơ. Đám ma nàng là một thú nhận tình yêu của Lễ với nàng, và cũng là lần đầu tiên chàng khóc công khai trước người khác. Đọc nhật ký Phượng, Lễ đã thú nhận chính chàng đã giết chết nàng. Phải chăng Lễ cũng bị tàn phế dù có đủ tay chân?
"Mụ" Liên kiếm tìm cân bằng tình dục hoặc thỏa mãn nhục dục, đã làm bình phong, nơi xả xú bắp cho những tâm hồn tan nát, thất bại trong cuộc đời như Lễ. Hướng thiện: Lễ bị ông Tiến chồng "mụ" Liên biết chuyện, đánh Lễ chảy máu mồm, nhưng Lễ đến nhà Phượng và thú nhận thoải mái rằng "việc làm của ông Tiến làm tôi dễ chịu hơn" (tr. 133). Lên Biên Hòa dạy học - bị hiệu trưởng và học trò phê "mất tư cách", có đồng nghiệp Trinh ao ước thế chỗ "mụ" Liên : "Anh thực là đồ đểu và tôi muốn là con mụ đó". Khi tàn cuộc chơi, "mụ" Liên tìm tới Lễ báo đã có con với chàng đã bị chàng chối trách nhiệm và bà chết khi đẻ non. Những cái chết sẽ ám ảnh Lễ: "Tôi vẫn nhủ thầm phải dứt khoát, nhưng tôi chẳng dứt khoát được gì. Trong đầu tôi vẫn còn những ngày tháng cũ nằm đo vô cùng tận những tử thi ngổn ngang chỉ chờ đợi thức dậy và sống, sống đau xót với thực tế rồi trống rổng... " (tr. 139). Cái chết đã theo đuổi những người như Lễ. "Tôi bỏ người nằm xuống và nghĩ: tôi sắp chết đây, tôi sắp chết như mọi người" (tr. 44). Chàng đã ý thức chuyện đó, đã tâm sự "Anh như kẻ bị thắt cổ, bởi một giải lụa đào mềm mại, (...) anh đã đánh chết con người bình thản để lộ nguyên hình đứa trẻ thơ ngây dại..." (tr. 50). Khang, Lễ, những người trẻ trong Đêm Tóc Rối không sống trong an toàn, họ luôn di động, chạy, đuổi, họ ở thế bị động thường trực. Họ chạy theo cái gì "Sự thực, một khuôn mặt hạnh phúc nơi nào?" (tr. 211). Có thể họ bị hiểu lầm ngồi trong bóng tối và nguyền rủa địa ngục và quá khứ, nhưng họ đã kiên quyết "Chính ra bây giờ phải tìm cho ra một giá trị mới cho sự phán xét ... một giá trị chẳng phải cho riêng tôi hay cậu... Bây giờ là phá, cho những con bệnh uống độc dược ... " (tr. 207). Nhưng giá trị nào?
Thật ra Lễ đã chiến đấu với cuộc đời và chính mình. Lễ cô độc, chàng nghi ngờ tất cả: "Những ai còn lấy đối tượng là người khác thì còn khổ còn hục hặc, bất mãn. Ở trong hoàn cảnh như hiện nay, phải lấy đối tượng là mình, chính mình" (tr. 72). "Bây giờ tôi ngồi trong bóng tối nơi chiếc ghế một quá khứ và tôi nguyền rủa" (tr. 140). Suốt tiểu thuyết, Lễ đã đi từ nghi hoặc, "Tôi không có một nhà thờ. Tôi không có một mái nhà. Tôi không có một thần tượng" (tr. 39), chấp nhận ở lại, tự vây bọc giam lỏng, đến những khao khát bất khả thi và chinh phục thất bại, nhưng chính những thất bại dở dang khiến chàng hiểu ý nghĩa cuộc sống hơn. Một cuộc chiến đấu không có kẻ thắng! Chương cuối là một đoàn tụ của những người bạn còn lại, những cuộc đời còn thoát. Quyên gặp lại Lễ, hôn lên má chàng như với một đứa em và để cho chàng hôn nhẹ tay một cách thanh sạch. Lễ sẽ đón đứa em ở lưu xá Công giáo về ở chung và sẽ lập gia đình. Mọi người vui hội ngộ thì Lễ say ngủ thiếp đi. Câu cuối tập tiểu thuyết : "Mỗi kẻ ôm lấy mình trong đêm" (tr. 219). Cuối cùng thì con người trở lại chính mình như điểm khởi hành và cùng đích. Lễ đã không đầu hàng, anh tiếp tục chiến đãu?
Phấn Đấu (1966) loan báo cách mạng đã đến! Những người trẻ lên đường với hành trang lý tưởng và nhiệt huyết của con tim; với đối tượng đối kháng định rõ và chương trình hành động hẳn hoi chứ không tài tử. viễn mơ! Tuổi trẻ không chấp nhận thế hệ cha anh: "Tôi mong những người già sống ở đây hãy chết hết đi cho chúng tôi còn được kính trọng bằng ảo tưởng". Vì hành động, Thạch, người phát biểu câu đó, bị tù tội và sẽ phải nhận chân "cách mạng" đã thất bại, đã vẫn như cũ vì con người vẫn thế. Cô gái tên Sương vì lý tưởng cách mạng đã phải bị tù và bị hiếp có thai. Vĩnh, một quân nhân trẻ, hăng hái vì phải làm một cái gì, đã phải nhìn rõ cuộc đời nói như trăn trối với người bạn vừa chết: "Chúng ta sẽ chết như nhau... sẽ chết không nhắm mắt được, mãi mãi..." (tr. 52),
Nhan Sắc (1966) đánh dấu một đường hướng sáng tác mới, động não. Tác giả trở về lịch sử và huyền sử để tìm sự thật trong quá khứ, cho hiện tại. Tác giả khoác màu hiện tại lên huyền thoại và lịch sử : NgườI Tình Của Trương Quỳnh Như là kẻ sĩ bất đắc chí Phạm Thái, kẻ sĩ tìm người đẹp như một cái cớ cho lý tưởng, bên cạnh cuộc đời có khác chi một giấc chiêm bao. Những kẻ lỡ thời, thất chí trong Một Người Lên Núi nhận thức vũ trụ huyền bí , cả nghệ thuật cũng chỉ là ảo ảnh. Cao Bá Quát và thầy khóa Nhâm bên cạnh một tráng sĩ vô danh đã biết chết một cách anh hùng, như một nhan sắc cách mạng - nhan sắc là cách mạng, cách mạng để có công bằng, hạnh phúc như mục đích của hảo hớn Từ Hải ở truyện sau.Từ Hải Và Cuộc Phiêu Lưu Của Đời Chàng đề cao con người biết sống và biết yêu cùng biểu tượng anh hùng, thứ anh hùng thời nay cần đến! Kinh Kha, Con Chủy Thủ Và Đất Tần Bất Trắc làm sống lại một hồn ma với tra vấn nhức nhối nếu giết Tần Thủy Hoàng thì rồi Thái tử Đan sẽ làm gì với một nước Trung-Hoa thập nhi sứ quân? Không ai chấp nhận một bạo chúa, nhưng cũng không chấp nhận một xã hội rối loạn. Bên trong hành động đã tiềm ẩn sự tự hủy diệt! Vậy thì phải tìm ra cái thay thế bạo tàn, cách mạng chăng, nên có một chương trình hành động bao quát hơn chăng? Vai trò của Kinh Kha trong lịch sử đáng được đặt lại, lúc đó ở miền Nam? "... nếu đã nắm được quyền lãnh đạo trong tay rồi chúng ta phải làm gì (...) chúng ta hành động không phải chỉ để hành động, chúng ta hành động để giữ lấy vai trò lãnh đạo, với quyền lãnh đạo chúng ta mới thực hiện được cuộc cách mạng chúng ta mong muốn, tạo dựng một xã hội chúng ta hằng mơ tưởng, chúng ta không hành động như một kẻ nổi loạn hư vô, chúng ta muốn tiến tới một đổi đời, đâu là lựa chọn giữa tư bản và cộng sản? Truyện cuối, Gậy Thần Và Sách Ước như chung cuộc rồi cũng chỉ là phù phiếm vì tốt xấu đều do chính mình quyết định, không phải do tha nhân. Về thể loại, những truyện trong tập này dĩ nhiên có giọng văn mạnh, dứt khoát hơn những truyện khác của ông! Lần xuất bản đầu năm 1966, tác giả cố tình không để mục lục, cố gây suy nghĩ tìm kiếm nơi độc giả - như có lần ông trả lời trên tạp chí Thời Tập năm 1974.
Ngày Lạ Mặt (1967) chứng minh thêm một lần rằng con người làm chủ định mệnh của chính mình. Cô nữ sinh tên Hoàng yêu và muốn có con với thầy Lĩnh, nhưng tòa lại tha Lĩnh vì quyền lợi cần đắc cử của bố. Tình yêu không lựa chọn, như định mệnh, mà tuổi trẻ thì quá nhanh : "... Tôi biết đây là mối tình vô vọng, cả hai chúng tôi đều biết như thế, nhưng không ai chịu ngừng, như một chuyến xe xuống dốc, chúng tôi nhắm mắt lại, những lo âu, thảng thốt chớt đến, những hãi hùng chợt hiện, những giọt nước mắt, những lời thú tội với chính mình, chỉ có vậy. Tại sao tôi lại lựa chọn vào hoàn cảnh ấy?", Hoàng thú nhận như thế trong nhật ký, sau khi đã đổ tội lên xã hội. Và nàng đã hành xử cái tự do của mình, không chịu phá thai như người thân (xã hội) đề nghị: "Tôi không muốn sống bằng ảo tưởng. Bây giờ tôi phải lựa chọn đương đầu... Tôi sẽ là một người mẹ, tôi phải nuôi con trong tình cảnh đơn độc của mình". Quả tội lỗi hay hình phạt đều phi lý như nhau!
Đến Con Sâu (1971), cuộc đời vô nghĩa như không nên có, và con người cho cùng cũng chỉ là con sâu, con sán. "Mỗi đêm chúng ta nằm ngủ với thể xác và thức dậy trong tâm tưởng cố gắng vượt ra khỏi cuộc sống của đêm tối. Có phải đêm tối bây giờ đã ngự trị suốt cả, trong tâm thức và ngoài hơi thở..." (tr. 54). Con Sâu là chuyện cuộc đời vô nghĩa - các nhân vật đi tìm cho cuộc đời có một ý nghĩa nhưng đa số đã rơi vào vô vọng. Của Ngưỡng, Thạc, Quảng, ... thay nhau nói về đời họ như những con sâu, con sán. "Tôi nhìn thấy tôi như một con sâu" (tr. 126) trong khi người khác cho rằng tôi điên khùng, bất thường. Người đàn ông cứ mãi ám ảnh và không giải quyết được câu nói của người yêu của mình: "Sao anh không thương em, em không xứng đáng với anh phải không, em biết vậy, nhưng em thương anh, em thương..." (tr. 200). Câu hỏi được lập đi lập lại nhiều lần cho các nhân vật chính, yếu đuối, tiêu cực quá trở thành những con sâu hãi sợ cuộc đời và chiến tranh. "Tôi chỉ là một con sâu... Tôi như thế... Tôi nhiều lúc cũng không muốn là kẻ sống trong một xã hội như thế này... Nhưng làm sao hắn phải chịu một số kiếp như thế? Chẳng ai biết được?" (tr. 152). Họ muốn chết cái kiếp con sâu. Ở đoạn cuối Quảng đã chết dễ dàng như cuối cùng ước muốn. "Ê, chết thật sao mày..." (Tr. 216). Một thế giới và nhân vật đáng lượm giọng! Những con sâu ù lì, sinh ra đã vậy, chứ không phải những con sâu hóa thân !
*
Dương Nghiễm Mậu sáng tác nhiều tiểu thuyết thoạt có vẻ như nhau về nhân vật, về cuộc sống và triết lý sống. Vẫn những nhân vật chán chường, hằn học cuộc đời, bị ám ảnh đến bệnh hoạn, một tâm trạng, những thậm xưng là nạn nhân của thời đại, của chiến tranh, một thế hệ bị hy sinh! Cùng với những quyền uy đổ nát, thần tượng sụp đổ! Thượng đế đã chết, Nietzche qua Zarathustra đã từng nói như vậy! Trong nhiều tác phẩm, như một bản sao, như tác giả chưa có dịp nói hết trước đó, hay như một dàn trãi dưới khía cạnh khác, nhân vật sống khác hay sống tiếp! Làm như cuộc sống không còn gì để khám phá, hết còn phong phú lẫn bí mật. Hay chính trong những cái tầm thường thừa thãi của cuộc đời hãy còn chứa đầy bí ẩn huyền vi? Nhân vật hay xưng Tôi, Tôi hồ đồ trở thành bất cứ ai!
Tuy vậy, Dương Nghiễm Mậu đã tạo được một thế giới, một không khí riêng: những độc thoại như không ngừng, những sinh lão bệnh tử bất hạnh dồn dập đến, những gia tài cuối cùng chẳng có, những nhận diện khó khăn và đưa đến thất vọng khác, ý dục có mà vật dục cũng đày dẫy, v.v. Con người trong tác phẩm Dương Nghiễm Mậu luôn đi tìm, dùng ngõ tắt hay đường vòng hơn là đi thẳng, với một tư duy muốn làm con người trọn vẹn hơn là đưa ra những lý thuyết xa vời, và một tâm tình bí lối! Nhân vật Lễ của Đêm Tóc Rối: "Tôi vẫn nhủ thầm phải dứt khoát, nhưng tôi chẳng dứt khoát được gì" (tr. 139). Họ muốn hành xử đâu ra đó trước khi nghĩ đến những lên-trên, những ý-thức-hệ có qui củ, hàng rào! Gia Tài Người Mẹ hay Nhan Sắc là những chuyện ngụ ngôn, ẩn dụ, hài hước bi thảm, dày dặc tâm tình. Nhân vật Lễ trong Đêm Tóc Rối đầu óc lúc nào cũng bị bao ý nghĩ dày vò! Nhân vật còn là quá khứ, như Quyên, Phượng, Khang, ông Lịch, mụ Liên, thay nhau ám ảnh, làm nhân vật của quá khứ trong Đêm Tóc Rối!
Tình yêu được xem là một tình cờ, một xảy đến do những nguyên do, duyên cớ không cần biết, nhưng nó đến như phải đến, như có đến hay không đều như nhau, nhưng nó ở đây, đang ở đây. Thành ra phải cáng đáng! Tinh cảm, tình yêu, cũng chỉ là một phiến diện, một mảnh của cuộc sống, một bên lề. Một cuộc sống đầy vấn nạn, vì chiến tranh vì người đối với người bạo lực, vì người dùng người, vì cuộc sống là bi đát. Con người là một bất hạnh, vậy thì tình yêu càng chỉ là oan trái, là vết hằn oan nghiệt trên khuôn mặt tuổi trẻ. Ngay thiên nhiên trong tiểu thuyết của Dương Nghiễm Mậu cũng thường chống lại con người!
Trong suốt sự nghiệp, Dương Nghiễm Mậu lúc nào cũng muốn đi sâu vào cuộc sống trước mặt với những vấn đề của chúng, để tìm hiểu, nắm bắt nó, hiểu sự hình thành của nó cũng như những bộ mặt, những vết hằn của nó. Cái Tôi có đó để làm chứng nhân cho cuộc đời. Tuy vậy, tác phẩm Dương Nghiễm Mậu rõ rệt có hai giai đoạn: giai đoạn đầu viết về một tuổi trẻ buồn phiền, sanh lầm thời đại, không biết đến hạnh phúc, mái nhà; do đó họ không có cả lịch sử và quá khứ, đàn anh vắng mặt hay bất xứng. Cùng nhận sinh lầm thời nhưng Dương Nghiễm Mậu khác xa đàn anh của ông, nhà thơ Vũ Hoàng Chương tìm quên trong khói nâu và những ả đào thời đại. Cuộc đời là những bi kịch lớn nhỏ. Không khí của tiểu thuyết Dương Nghiễm Mậu thời này ẩm ướt với những mối tình, những bế tắc, những rạp chớp bóng và những con hẻm ẩm thấp (Đêm Tóc Rối, v.v.). Hà Nội nếu không là sân khấu (Tuổi Nước Độc, v.v) thì cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi (hai anh em mồ côi và Quyên, dĩ vãng một Hà Nội trong Bồn Cát Tuổi Thơ). Người cộng sản trong tiểu thuyết họ Dương đã hơn một lần bị phê phán là những tay gian xảo, lợi dụng tuổi trẻ. Giai đoạn sau, từ 1963, thời sự và chiến tranh chiếm toàn diện tác phẩm của họ Dương. nhân vật thời sau trườn theo cái cụ thể, thực tại, thử tìm giải pháp cho cuộc sống chung và gần gũi. Thời Đệ nhất cộng hòa được phê là bế tắc, thì sau "đảo chánh 1-11-1963", không khí chính trị trở nên năng động, gây hy vọng nơi người trẻ nhưng chỉ được vài năm sau đó trước khi trở nên tồi tệ!
Một số nhân vật của Dương Nghiễm Mậu liên hệ đến cách mạng, hoặc đi làm cách mạng hoặc có "công tác" như Thục, Lễ, Khang, ... trong Đêm Tóc Rối, Ngạc trong Tuổi Nước Độc, Thạch, Sương, Vĩnh trong Phấn Đấu, hoặc bỏ về thành như Kha trong Cũng Đành. Rồi cả tập Nhan Sắc! Không cách mạng thì sống nhưng có nhân vật lại thì lạnh lùng, lợm giọng với chuyện làm tình: mụ Liên trong Đêm Tóc Rối hay đến với Lễ làm tình dù chồng có nhà hay không, và dù chàng thường phải lợm giọng và một lần đã phải thốt lên "Đừng bỏ tôi, ở lại với tôi" khi chàng cảm thấy thật cô đơn. Thì lại đi tìm gái ăn sương! Trong thời chiến tranh, tuổi trẻ tan nát, có những nữ sinh phải làm điếm, Phượng bị tàn tật (Đêm Tóc Rối). Tan nát vì chiến tranh cũng là một dĩ vãng bị tan nát. Dĩ vãng như một tưởng nhớ nuối tiếc khôn nguôi! Chiến tranh khởi đầu bao phủ không khí các tiểu thuyết đầu đời của Dương Nghiễm Mậu nhưng với đà chiến tranh đã trở thành những chứng kiến bất lực: Kinh Cầu Nguyện (1967), Địa Ngục Có Thật (1969) về vụ thảm chiến Mậu Thân ở Huế, rồi những Gào Thét (1969), Cái Chết Của...(1971), Kẻ Sống Đã Chết (1972), Những Ngày Dài Trên Quê Hương, Tên Bất Lực (1972),...
Người đọc có người vẫn trách Dương Nghiễm Mậu hay tự cho thuộc thế hệ bị hy sinh và ông làm nhà văn khuynh hướng "phá phách". "Một giọng điệu chán chường hằn học đến độ trở thành cynique, cũng cái chủ trương coi mình là nạn-nhân-của-chiến-tranh-một-thế-hệ-hi-sinh (...) Một điều mà người ta đã nói nhiều đến nhàm chán những lúc về sau này, mà người ta đã mệnh danh là "văn chương thời đại" (2). Chính Dương Nghiễm Mậu trong một phỏng vấn của Lê Phương Chi (3) đã khẳng định "Chúng tôi làm gì có tuổi trẻ": ông không có một tuổi thơ hạnh phúc, ở nông thôn, học chữ Nho đến 10 tuổi mới chuyển qua quốc ngữ nhưng học hành dở dang, rồi chiến tranh, loạn lạc, xa ông thân, di cư, đi khắp Bắc Trung Nam. Như các nhân vật của Dương Nghiễm Mậu cuối cùng vẫn thích cuộc sống yên hàn, giản dị như Lễ trong chương 6 của Đêm Tóc Rối. Họ vẫn thường tiếc nuối dĩ vãng và đời sống đã qua, những mái nhà đã quen, những người thân, người bạn đã làm khung cuộc đời mỗi người! và những con người thanh khiết vẫn là những giấc mơ về: với Lễ là Phượng, là Quyên trong Đêm Tóc Rối mà không là "mụ" Liên ái tình dễ dãi thừa mứa. Vợ chồng Khánh sống bình thường giản dị. Tóm, nhân vật của Dương Nghiễm Mậu muốn tìm một cuộc sống bình thường nhưng tiến bộ, một mái nhà, một gia đình, cả một người tình để thoát khỏi tình trạng "lạc loài" vây bủa họ. Cả khi viết một số truyện đời xưa dù để nói lên tâm sự hôm nay, dù để tìm cuộc sống trước mắt, Dương Nghiễm Mậu như đã đầu hàng phức tạp nhân sinh. Chính ông có lần tâm sự : "Chúng tôi đều buồn. Có người bảo tôi lấy vẻ buồn làm dáng. Tôi không thấy vậy. Suốt quãng đời đã qua tôi chưa có một câu chuyện gì vui để kẻ lại, một hạnh phúc làm vốn liếng..." (4).
Về thể loại, Đêm Tóc Rối như một tùy bút, hợp khung cảnh phiêu lưu, nhiều hoài niệm và tiếc nuối nhưng tiến đến trước! Gia Tài Người Mẹ được tác giả xem như là những trang tâm bút "vì câu chuyện viết về người khác đã trở thành tâm sự của chính mình, những nhân vật đã bị tước đoạt mặt mũi để trở thành hình nộm trên sân khấu cuộc sống... Tôi viết ra những chuyện (đã thấy, đã cảm, đã nghĩ) và gửi tới người cùng thời" (5). Gia Tài Người Mẹ tối tăm với những độc thoại liên tục, có vẻ tiểu thuyết hóa cuộc đời, một loại tiểu thuyết nội tâm ở mỗi chương, của một chứng nhân thời đại mình, nếu xử dụng thể tùy bút sẽ hiệu nghiệm hơn chăng?
Dương Nghiễm Mậu thuộc những nhà văn hậu chiến ở miền Nam cổ võ một nền "văn nghệ mới", nhưng với một triết lý hiện sinh đen, bi-đát thời thượng, hoang mang mất niềm tin ở một di sản hơn là mất tin tưởng ở một chế độ, mất niềm tin ở con người nói chung hơn là con người ở vùng đất mới. Tuy vậy văn phong vẫn giữ được nét bình thường dù để diễn tả những ray rứt suy tư, cái làm dáng hình thức, chữ dùng chỉ như những cố gắng tuyệt vọng! ./.
Chú-thích:
* Trích dẫn từ những ấn bản lần đầu xuất bản ở Sài Gòn : Cũng Đành (Tạp chí Văn Nghệ, 1963); Gia Tài Người Mẹ (Tạp chí Văn Nghệ, 1964); Đêm Tóc Rối (Thời Mới, 1966); Tuổi Nước Độc (Tập-san Văn, 1966); Phấn Đấu (Tập-san Văn, 1966); Nhan Sắc (An-Tiêm, 1966); Con Sâu (Nguyễn Đình Vượng, 1971).
1. Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam. Westminster CA: Văn Khoa, 1985. Tr. 84-85
2. Trùng Dương phê bình Đêm Tóc Rối . Tin Sách, 5-1966, tr.25.
3. Tin Sách, 5-1966, tr. 32- 37.
4. Bạt (viết 12-1964). Nhã Ca Mới. Los Alamitos CA: Xuân Thu tb, 19?, tr. 117.
5. Thay lời bạt. Gia Tài Người Mẹ. Sđd.
9-1995