Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.193
123.209.494
 
Phạm Công Thiện, người muốn nhảy qua cái bóng của mình
Bùi Công Thuấn

Ngày 04 tháng 03 năm 2011 Gíao sư Phạm Công Thiện qua đời. Cáo Bạch của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ  thông báo rằng :

 

Giáo sư Phạm Công Thiện, pháp danh Nguyên Tánh, sinh ngày 01 tháng 06 năm Tân Tỵ, 1941, tại Mỹ Tho Việt nam

-     Tiến sĩ triết học tại đại học Sorbone , Pháp.

-     Nguyên Giáo sư Triết Học tại Đại Học Toulouse, Pháp.

-     Nguyên Khoa Trưởng Phân  Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn tại Đại Học Vạn Hạnh Sài gòn ; Giám đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả các Phân Khoa của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1966-1970

-     Nguyên Chủ Biên Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh Sàigon

-     Nguyên Giáo Sư Phật Học tại các Học Viện, Cao Đẳng Phật Học tại Hoa Kỳ

-     Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Hội Văn Hóa Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo.

 

Cáo Bạch cũng nói đến “công đức lớn lao mà cố giáo sư Phạm Công Thiện đã đóng góp cho nền văn hóa giáo dục và hoằng pháp Phật Giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước suốt nửa thế kỷ qua”(1)

 

1.Hiện tượng Phạm Công Thiện những năm 1960-1970

 

Những ai từng là sinh viên ở miền Nam những năm 1960-1970 thì không thể không biết và không đọc Phạm Công Thiện. Hiện tượng PCT trở thành mốt thời thượng của người trẻ thời bấy giờ. Những cuốn sách Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, Hố Thẳm Tư tưởng, Im Lặng Hố Thẳm là sửng sốt người trẻ. Họ choáng vì khối lượng sách văn học và triết học thế giới mà PCT đọc và trích dẫn ghi chú tham khảo sau tác phẩm.  Họ ngưỡng phục vì họ mù tịt trước những ngoại ngữ như tiếng Đức, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, Tiếng Phạn, tiếng Hy Lạp mà PCT tỏ ra thông tuệ khi ông dẫn ra trong tác phẩm. Họ coi PCT là thần tượng vì họ có một “người hùng” thông kim bác cổ, người vứt tất cả thơ ca, tư tưởng nhân loại vào sọt rác, và đặc biệt là “người hùng” ấy đánh bại luận văn tiến sĩ của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung lúc bấy giờ. Bởi sau bài viết của PCT, GS Nguyễn Văn Trung không hề lên tiếng. Người trẻ còn coi PCT như một mẫu người thời đại,  vượt hơn tất cả, cao ngạo, quyết liệt, lật đổ, và tự do.

 

Do đâu có hiện tượng ấy ? Xã hội miền Nam những năm 1970 ngày càng thối nát và hỗn loạn. Chiến tranh trở nên khốc liệt và tuyệt vọng, nhất là sau biến cố Mậu Thân 1968. Người trẻ Sàigon không có lối nào để thoát. Tiếng hát phản chiến của Trịnh Công Sơn ru ngủ họ trong những quán cà phê. Hàng ngày họ chứng kiến nhiều quan tài đưa xác bạn bè từ chiến trường về.  Họ cần có người dám “vượt” lên tất cả. Người ấy là PCT.

 

Thiện nói với Nh. Tay Ngàn :” tao vốn là một thằng kiêu ngạo và tao chẳng từng nói với mày rằng tao có thể làm bất cứ những gì mà con người đã có thể hay sẽ có thể làm được trên đời này? Shakespeare hay Goethe, Dante hay Heidegger, tao coi như những thằng hề ngu xuẩn. Tao có thể nói như thế được, vì ngày xưa tao đã từng tôn thờ những tên ấy như là những gì bất khả xâm phạm trên đời này. Ngay đến Héraclite, Parménide và Empédocle, bây giờ tao cũng xem thường, xem nhẹ; tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện nay; chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà tao đã gặp trong đời sống tâm linh của tao.

 

Tao viết quyển Ý thức mới từ lúc 18 tuổi cho đến 22 tuổi. Bây giờ hiện nay tao vừa đúng 25 tuổi; mấy thời gian gần đây, tao thường nghĩ đến cái chết của tao. Tao thấy rằng nếu tao chết ngay bây giờ thì tao cũng chẳng hối tiếc một mảy may nào cả. Tao đã sống trọn vẹn với tao từng giây phút; tao đã khổ đến điên người, tao đã sướng đến run lên, tao có thể chết được ngay lúc này hay bất cứ lúc nào; đối với tao, thời gian chỉ là một hơi khói bốc lên hay một mùi thơm của con gái xông lên nồng ấm vào lúc ba giờ sáng; còn cái chết chỉ là sự sống bị lột truồng ra, như tao hay mày lột truồng con Nanou hay con Nicole tại xóm St. Denis ở cái thành phố Paris chó má này.

 

Ở một phần khác trong Hố Thẳm Tư Tưởng, PCT viết:

 

…Còn Ivo Andritch và Erich Fromn, bây giờ tao thấy hai tên này hoàn toàn non nớt; còn về Somerset Maugham, André Gide, Fédérico Schmidt, Aldoux Huxley, Hemingway, Jean-René Huguenin, tao thấy chỉ nên liệng họ vào cầu tiêu công cộng…

 

hôm sau tôi ngồi uống cà phê đen tại quán Flore và Les Deux Magots ở Saint Germain des Prés để ngửi cho tận cùng những thứ triết lý ba chục xu của Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir; khi ngồi uống cà phê ở Flore và nhìn mưa rơi trên đường phố Saint Germain des Prés, tôi đã thấy hết mọi lý luận rẻ tiền của triết lý hiện sinh, tôi muốn mửa máu đen trên những người làm văn nghệ ở Paris như Jean Paul Sartre, André Malraux, Simone de Beauvoir, François Mauriac, Michel Butor, Samuel Beckett, Ionesco, Nathalie Sarraute, André Breton, Jacques Prévert, Paul Eluard, Henry Michaux, René Char, Jean Genet, Roger Caillois.

Còn về Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, nếu họ muốn xin gặp tôi, tôi sẽ không cho gặp mà có lẽ sẽ chửi vào mặt họ…”

 

Những kiểu phát ngôn như thế đem đến sự khoái trá và sự êm dịu tinh thần cho người trẻ chẳng khác gì sự êm ái của thuốc phiện. PCT phơi ra một phong cách sống cao ngạo, đạp đổ  và phóng đãng, để rồi có chết cũng không phải ân hận gì. Phong cách ấy  dấu trong nó sự trống rỗng bi đát, hoàn toàn phù hợp với não trạng của người trẻ Sàigòn lúc bấy giờ. Người trẻ muốn nổi loạn, muốn đạp đổ. Nhưng bất lực, họ lao vào sống trác táng. Trong Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, PCT nói thẳng ra điều ấy :

 

  Chúng tôi, thế hệ thanh niên Việt Nam từ 15 đến 25 tuổi, muốn nói lên một sự thực đau buồn nhứt trong đời chúng tôi, sự thật bi đát ấy là: CHÚNG TÔI KHÔNG CÒN TIN TƯỞNG NƠI CÁC ÔNG NỮA. 

 

Các ông thường phàn nàn rằng chúng tôi là một thế hệ thối hoá, sống không biết ngày mai, không lý tưởng, trụy lạc, la cà rượu chè, hút thuốc, tục tằn, du côn, mất dạy, lấc xấc, ngang tàng, chỉ biết ăn chơi, non nớt, không làm gì ra hồn, đàng điếm, nhảy đầm, trác táng, hoang đàng, và một triệu hình dung từ khác.

Vâng, chúng tôi hãnh diện chấp nhận hết tất cả những hình dung từ trên. Và chúng tôi chỉ xin nở một nụ cười lễ độ và cúi đầu không biện hộ.

 
Các ông trách rằng chúng tôi sống không lý tưởng. Lý tưởng là gì? Lý tưởng là gì? Lý tưởng có phải là tranh đấu giữ gìn để cho các ông sống nốt cuộc đời tầm thường an phận của các ông? Mục đích của cuộc đời là Sống - Sống gì? Sống cuộc đời thực sự của mình. Cuộc đời thực sự không phải là cuộc đời của đám đông, của xã hội, của khuôn mòn lối cũ, của công thức tù hãm. Cuộc đời thực sự không phải là những phép tắc luân lý đạo đức. Cuộc đời thực sự không phải là những ông công an, những ông cảnh sát, những ông giáo sư trung học và đại học. Cuộc đời thực sự là chúng tôi là tuổi trẻ.

 

Chúng tôi không cần lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông.

Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình.

Con người hồn nhiên là không có lý tưởng.

Đối với tuổi trẻ, đối với sự khủng hoảng hiện nay, chỉ có những lối thoát sau đây:

1. Lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm;
2. Tự tử;
3. Lao vào truy lạc trác táng;
4. Điên;
5. Đi tu.

…, tôi muốn tự tử cho xong đời, vì quá buồn cho tuổi trẻ Việt Nam, vì dường như tuổi trẻ Việt Nam bây giờ chỉ sống với những tuyên bố, tuyên ngôn, khẩu hiệu. Đám đông đã đem chiến tranh đến Việt Nam và cũng lại đám đông đứng lên tuyên bố về hoà bình ở Việt Nam.”

 

2. Chúng ta đã biết gì về Phạm Công Thiện?

 

Nhà phê bình Đặng Tiến kể một kỷ niệm với PCT:”

Thiện với tôi, duyên nợ vẫn tiếp tục : tôi ra nước ngoài, làm ngoại giao tại Thụy Sĩ, khoảng 1967. Một hôm đi làm về thì thấy Thiện ôm ba lô ngồi trước cửa. Thiện ở chơi dăm ba hôm gì đó, thường uống rượu say, rồi vác ba lô lên đường. Vài ba năm sau, tôi gặp lại anh tại Paris. Anh tá túc tại nhà in của Thi Vũ, chơi thân với họa sĩ Vĩnh Ấn. Thiện sống lang bang vất vả, có đọc cho tôi nghe bài thơ về cảnh chợ trời Montreuil :

 

Thân anh như con chó
Đứng đợi giữa chợ chiều
Một chiều em qua đó
Con chó đứng nhìn theo.

 

Dường như thời đó, anh sống nhờ vào giúp đỡ của nhà văn Henry Miller gửi từ California.

 

Sau đó cưới vợ, sang Đức, rồi trở lại Paris. Thỉnh thoảng anh đến tìm tôi, chiều thứ hai sau giờ tôi dạy học để cùng đi uống bia tại công trường Contrescarpe, khu Censier, nhìn những con chim đến đậu trên giây thép hay những cành trụi lá. Có hôm anh hỏi xin tôi bao thuốc lá. Tôi bảo « vậy tao mua cho mày cả tút » (cartouche). Thiện trả lời « vậy mày đưa tiền ấy cho tao mua sữa cho con ». Thời điểm này anh vợ con nheo nhóc, không giới hạn sinh đẻ vì theo…quy luật thiên nhiên.

 

Ông kết luận về PCT:” trước những tác phẩm dồi dào, người đọc khó nói đến một « sự nghiệp » Phạm Công Thiện hay một Phạm Công Thiện « triết gia » vì tư tưởng không thành hệ thống. Cuộc đời bồng bềnh của Thiện cũng góp phần soi sáng điều này, như « đi cho hết đêm hoang liêu trên mặt đất ».... Chỉ nên dành cho Thiện một kỷ niệm, chút tình cảm, và niềm suy nghĩ, vậy là đủ.”(2)

 

Đặng Tiến có nhận xét này tôi nghĩ rằng ông có cơ sở :” khó nói đến một « sự nghiệp » Phạm Công Thiện hay một Phạm Công Thiện « triết gia » vì tư tưởng không thành hệ thống . Đúng là như vậy. Những gì PCT viết về triết học chỉ là ở dạng tùy bút đầy cảm tính chủ quan. Ông muốn phủ định tất cả, muốn vượt qua tất cả, nhưng ông không có một hệ thống tư tưởng của riêng mình vượt qua những triết gia của nhân loại. Ông to tiếng nói rằng: “tôi khinh bỉ tất cả thiền sư; tôi khinh bỉ tất cả triết lý hiện sinh “,  nhưng ông lại sống Hiện Sinh,  và bám víu vào Thiền. Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực là suy tư hiện sinh của một cái Tôi đi tìm chính tôi, cái tôi đối diện với “nắm cỏ khâu”, cái tôi hiện sinh hướng về cái chết :

 

Ừ, tôi đang nhai cỏ khâu, một đám cỏ khâu, “trăm năm còn có già đâu…” .

(Chỗ này hoặc PCT nhầm, cũng có thể ông diễu nhại câu thơ của Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc :”Trăm năm còn có gì đâu/Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”, dù sao PCT cũng bộ lộ suy tư về cái chết )

 

Đừng bao giờ tìm ý nghĩa của cuộc đời; cuộc đời không bao giờ có ý nghĩa. Không ai có thể hiểu được bất cứ cái gì trên đời này”.

 

PCT sống trong trạng thái hoang tưởng :” Tôi đang sống ở nhà thương điên? Có gì bảo đảm rằng tôi không điên? Tất cả những gì xảy ra chung quanh tôi đều do trí óc điên loạn của tôi tạo ra? Có gì bảo đảm rằng tôi vẫn là người bình thường? Có gì bảo đảm rằng tôi đang sống? Tôi đã chết?

 

Tôi muốn phá vỡ nhà mồ, tôi thấy mình mọc nanh ở hai khoé miệng, tôi đeo năm mươi sọ người trên cổ, tôi trở thành con quỷ của thế kỷ XX: tôi mọc đuôi, tôi mọc móng, tôi mọc gai, tôi mọc lông, hai nanh miệng mọc dài và nhọn, tôi là một con quỷ có cánh, tôi bay xuống nghĩa địa, tôi nhảy từ ngôi mộ này qua ngôi mộ kia. Tôi cám dỗ tất cả thần thánh; tôi phá nhà thờ, điện thờ, đình chùa. Tôi phá trinh tất cả những gì trong sạch và thuần khiết; tôi cười ra lửa và khóc ra máu, tôi hét ra sắt, tôi nói ra thép, tôi kêu ra đá.

 

Tôi điên. Tôi không điên. Tôi, tôi. Chữ tôi làm tôi nghẹn; chữ tôi làm tôi mệt; chữ tôi làm tôi đau: tôi, tôi, tôi!

PCT Thú nhận điều này :

Một tuần qua, nhất là trong ba ngày qua, tôi bị khủng hoảng dữ dội, tôi không còn biết gì nữa, tôi bước đi hoang vu chới với trong sự trống không của đời sống; hoả ngục: tôi nghiến răng chịu đựng, giây thần kinh căng lên đến độ cuối, tôi tưởng thần kinh sắp đứt và bắn máu đầu tôi ra mũi; tôi chạy trốn tôi, tôi chạy tới lui, quanh quẩn, như một con chuột đói; đau đớn nhất là tôi chạy trốn và biết rõ rằng mình đang chạy trốn mình. Chạy đâu? Tôi muốn nhảy vào thế giới xa lạ của sự chết. Chẳng biết tôi chịu đựng đến lúc nào? Tất cả lối đi đều mất rồi. Tôi đứng nhìn thẳng vào đám mây trắng trong nửa giờ.Đọc đoạn văn này, người đọc nhận ra ngay tư tưởng Hiện Sinh trong truyện ngắn Một Dụ Ngôn Nho Nhỏ của F. Kafka

 

PCT mượn tứ thơ trong bài Ngôn Hoài của  Thiền Sư Không Lộ để nói về Hố Thắm : Tư tưởng của Việt Nam là tư tưởng của Việt và Tính; nguồn gốc của Việt và Tính bắt đầu từ Trung Hoa, Ấn độ và Hy lạp; thế kỷ XX là thế kỷ tựu thành của Việt và Tính; sự tựu thành ấy chính là hố thẳm: tiếng nói của hố thẳm là tiếng nói trên đỉnh núi chót vót (hữu thì trực thượng cô phong đỉnh, trường khiếu nhất thanh hàn thái hư); tiếng nói ấy, tiếng kêu trầm thống ấy làm lạnh buốt cả bầu trời và xoáy vòng cuộn tròn xuống hố thẳm, xuống niềm im lặng của hố thẳm mà người xưa gọi là “uyên mặc”.(Im Lặng Hố Thẳm)

 

PCT gọi hai câu thơ :hữu thì trực thượng cô phong đỉnh, trường khiếu nhất thanh hàn thái hưtiếng kêu trầm thống làm lạnh buốt cả bầu trời và xoáy vòng cuộn tròn xuống hố thắm” . Tôi ngờ rằng PCT chưa đọc được thơ vô ngôn của Thiền. PCT hiểu hai câu ấy theo nghĩa tường minh của ngôn từ. Thực ra đó chỉ là một loại “tiếng kêu” của người lúc ngộ Thiền.

 

PCT theo Thiền nhưng mới chỉ ở mức độ “phá phách, lật đổ”, chưa hẳn là  Phá Niệm, chưa bao giờ đạt tới Phá Chấp, Phá Ngã để Đốn Ngộ! PCT nói với Nh. Tay Ngàn :” tao muốn chửi thề với tất cả lý tưởng: tao chỉ muốn phá hoại và chỉ muốn phá hoại;”.

 

Tất cả những gì PCT viết ra có là thực tâm viết, để đem đến cho người đọc những tri thức đáng tin cậy, giúp người đọc nhận thức được những giá trị của tư tưởng, của nghệ thuật không? Tôi buộc phải hoài nghi những điều như thế khi nghe PCT nói với Nh. Tay Ngàn : “Tao là một thằng mâu thuẫn cùng cực; muốn nói chuyện với tao thì đừng lý luận, vì tao có thể lý luận xuôi hay ngược gì cũng được. Chẳng hạn như mới hôm qua tao chửi André Gide, tao mắng Jean Paul Sartre nhưng ngày mai mày sẽ thấy tao ca tụng Gide đến tận mây xanh hay tỏ vẻ nồng nàn với Sartre. Tại sao tao không có quyền mâu thuẫn với tao. Hóa ra đó chỉ là sự tráo trở. Chân lý ở phía ông, xuôi ngược gì cũng được. Thành ra những gì PCT viết, trình diễn ra bên ngoài, không phải là con người thực của ông, không phải ông thực tâm muốn nói với mọi người với tư cách một trí thức uyên bác hay một Thiền sư đã an trú được Tâm, Nó chỉ  là giả, bộ mặt giả, che dấu con người thật của ông. Tôi hiểu tại sao GS Nguyễn Văn Trung lại im lặng không đối thoại với PCT.

Ngày nay bạn đọc có thể thấy rõ những “nhận định” tư tưởng của ông có giá trị như thế nào.

PCT viết :

 

” Văn nghệ đã chết
Thi ca đã chết.
Thơ đã chết.
Tư Tưởng đã chết.
Heidegger đang tự đào mộ để tự chôn.
Arthur Rimbaud cũng đã chết.
Henry Miller thấy rằng Arthur Rimbaud đã đầu thai trong tôi.
Tôi giựt mình và nói: “Tôi sẽ giết ông”.
Tôi đòi giết luôn cả Henry Miller. …

…” Về Henry Miller, tao muốn nói lên lời tiên tri tối hậu, từ năm chục năm nữa trở đi thì Henry Miller sẽ ảnh hưởng dữ dội đến nhân loại còn hơn Jesus Christ ảnh hưởng đến Tây phương hay Phật Thích Ca ảnh hưởng đến Đông phương. Lời tiên tri của tao như lửa đánh vào máu; tao mong mày sống dai và sẽ thấy những gì tao báo trước hôm nay. “

 

Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm về giá trị những gì PCT viết, bởi đúng 50 năm sau PCT nói những lời tiên tri trên, Thi ca, Tư tưởng đâu có chết, PCT cũng chẳng giết được Henry Miller, và Henry Miller đến giờ, cũng chỉ là kẻ tầm thường trước Phật hay Jesus Christ , như mọi người tầm thường khác.

3. Có phải PCT là nhà thơ nhà văn tài hoa, một nhà tùy bút xuất sắc ?

 

Thơ PCT không có gì đặc sắc. Ngày Sinh Của Rắn lặp lại những ý tứ PCT viết trong Hố Thẳm Tư TưởngIm Lặng Hố Thẳm, chỉ có thêm tình yêu, nỗi nhớ với người con gái thê Quết Hương. Đôi chỗ PCT sử dụng hình ảnh ẩn dụ và có được vài hình ảnh lạ. Giọng thơ PCT hiền hơn Văn, thật hơn Văn. Thơ PCT không có tư tưởng cũng không có gì gọi là cách tân nghệ thuật, cũng không để lại ấn tượng gì nếu đặt cạnh thơ Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng và Phạm Thiên Thư

 

Xin đọc một đọan trong Ngày Sinh Của Rắn

(Lưu ý, PCT sinh năm con rắn Tân Tỵ)

 

IV
trời mưa New York cây mọc
nhớ Hương trời mưa ngày tháng
nhớ Hương đường hoang mái vắng
New York chỉ còn Hương trong giấc ngủ
tim anh tràn máu
con chim đã bay về rừng đạn
anh không còn làm tu sĩ
anh chỉ còn Hương trong giấc ngủ
anh chỉ còn máu để đổ vào tim Hương
đổ vào tám tách cà phê đen
anh uống mỗi đêm
tại Greenwich Village
tại làng Thi Sĩ
tại đường khói bay
tại Hương trong giấc ngủ
tại chiều ba mươi tết ở Việt Nam
bây giờ anh xa, Hương đến
mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời Hương khóc
Hương còn ca hát
Hương còn phơi áo giữa phố buồn
Hương còn cười
mười năm rồi cây quế
vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
trên bước chân chiều phố lạ hôm nay
mưa làm tóc anh thơm
mùi cây quế
giữa hồ
mọc giữa hồ Quế Hương
tóc anh mọc dài
che chở Hương
lúc mưa rơi
lúc đông lạnh
lúc chim chiều đi mất
mưa trên phố đêm
trên quán cà phê Italia
trên chiến tranh
của quê hương
của Quế Hương
còn anh

Những bài thơ PCT làm về sau này cũng làng nhàng như thế.

 VÔ ĐỀ

 

Bôn ba ngoài vạn dặm

Cũng chỉ một trăng rằm

Bao nhiêu là hố thẳm

Xoáy về nốt ruồi đậm

 TẾT XƯA

Lơ lửng bông mồng gà

Chiều ba mươi tết ta

Tôi ôm gà tre nhỏ

Chạy trốn tuổi thơ qua

 

 PCT nói về thơ của mình như thế này :tao thù ghét tất cả thi sĩ; thỉnh thoảng tao chỉ làm thơ để tán gái. Hoặc làm thơ để nhớ rằng Rimbaud  đã chết”

Văn của PCT có khí sắc hơn, gây được ấn tượng hơn. Nguyễn Hưng Quốc nhận xét :” Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ.”(3)

Tuy nhiên tôi ngờ ngợ về nhận định này của Nguyễn Hưng Quốc : Trùng trùng ẩn dụ trong từng trang viết của Phạm Công Thiện. Điều đó làm cho hầu hết các bài viết văn xuôi của Phạm Công Thiện đều trở thành những bài tuỳ bút. Tôi nghĩ, rất nhiều tác phẩm triết lý của Phạm Công Thiện sẽ trở thành dễ hiểu và tuyệt vời vô cùng nếu chúng được đọc như những bài tuỳ bút… Giọng văn của ông thật phóng khoáng, thật độc đáo và thật đẹp. Từ bài văn ấy, đọc lại các tác phẩm khác của Phạm Công Thiện, tôi phát hiện ra một điều khá bất ngờ, hình như chưa ai nói đến: không chừng Phạm Công Thiện là một trong những nhà tuỳ bút xuất sắc của Việt Nam.”Tôi ngờ ngợ vì đặc trưng thể loại tùy bút không phải là ở việc sử dụng tu từ ẩn dụ như Nguyễn Hưng Quốc nhận định. Cũng vậy, giọng văn không hẳn đã là đặc trưng của thể loại tùy bút. Nếu nhờ giọng văn phóng khoáng mà PCT trở thành một nhà tùy bút xuất sắc thì tôi e rằng đó sẽ là một lời khen hơi lạc đề.

Văn PCT có những đặc điểm gì?

Tôi đồng ý rằng Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực, Hố Thẳm Tư Tưởng, Im Lặng Hố Thẳm là những tác phẩm có chất tùy bút, bởi nhân vật chính là cái tôi tác giả, cái tôi ấy viết hoàn toàn ngẫu hứng, và thoải mái phóng ra mọi cảm xúc, suy nghĩ, thể hiện bằng mọi kiểu giọng điệu. Xin đọc:

“Bây giờ, hiện tại, nơi đây, tôi đang nhìn. Tôi vừa đi xuống cầu tiêu của quán cà phê Dôme; bước vào nhà cầu, vừa đóng cửa lại, tôi liền nhìn thấy một trăm ngàn người trước tôi cũng đã bước vào nhà cầu này và đóng cửa lại; họ cũng cởi quần ra và ngồi xuống, rồi cũng nhìn vào chỗ trống không của bóng tối. Họ cũng nhìn. Tôi cũng nhìn và tôi thấy: trên vách tường nhà cầu có người viết câu như vầy: “Kẻ nào đã xây cất cầu tiêu này với bàn tay mình thì kẻ ấy đã phụng sự cho loài người hơn là De Gaulle đã phụng sự cho nước Pháp”.

Tôi nhìn thấy câu trên, rồi tôi nhìn thấy tất cả những quyển sách dày cộm của Platon, Aristote, Spinoza, Jaspers, Heidegger v.v., chỉ là những lời chú thích dài dòng cho câu văn cô đọng hàm súc trên; một câu văn viết trên cầu tiêu không phải là một câu văn; nó là một vết máu xuất phát từ đầu óc một người vô danh khi người ấy ngồi trong bóng tối của nhà cầu để lọc sạch thần trí và thể xác; người ấy không có tham vọng, người ấy không sắp đặt chuẩn bị; ngồi một mình trong bóng tối và nhìn vào sự trống không của tư tưởng và nhà cầu; dùng một tiếng sét, người ấy bỗng nhìn thấy máu đầu té ra thành mực than đen trên vách tường để biến thành câu sấm theo dòng Héraclite:


Kẻ nào đã xây cất cầu tiêu này với bàn tay mình thì kẻ ấy đã phụng sự cho loài người hơn là De Gaulle đã phụng sự cho nước Pháp”.


Câu ngẫu hứng trên là một cho Tất Cả. Là Chân Lý huyền nghĩa, là Tiếng Gọi của Tính (“Ev Pánta”). “


Đoạn văn sau đây mang được đặc trưng văn phong PCT, trong đó hình ảnh ẩn dụ của văn chương (kiểu Trang Tử) được dùng dày đặc, kết hợp với từ Hán Việt và những liên tưởng trùng trùng lớp lớp, từ nhân vật này đến đến nhân vật khác,  để phóng ra những nhận định. Có khi cả một chương, PCT mở đầu chương rồi liên tưởng lan man đủ kiểu rồi mới trở lại chủ đề .

 “Thiền Sư Không Lộ ở thời Lý của quê hương một lần kia cô đơn bước lên tận một đỉnh núi chót vót và sực kêu lên một tiếng bơ vơ làm lạnh cả bầu trời xanh lơ đầy mây trắng; dưới kia là hố thẳm hoang sơ, hố thẳm của quê hương, niềm câm lặng của hố thẳm bỗng vọng lên Tính và Việt : triết lý của Việt Nam ra đời, vỗ cánh bay lên như phượng hoàng để rồi mười năm sau hóa thân làm rồng bay vút trời nhân loại. Máu lửa của quê hương làm hôn phối cho núi cao và hố thẳm. Trong một bài thơ đầu tiên trong đời, Nietzsche đã nói đến “hố thẳm của hiện thể”: “Des Daseins Abgrund” (An die Melancholie, 1871). Hiện thể của Nietzsche là hiện thể của Tây phương; hiện thể của Tây phương dính liền với hiện thể của Việt Nam, nhất là từ hạ bán thế kỷ XX; Việt và Tính là Việt của Việt Nam và Tính của Tính mệnh. Tư tưởng của Việt Nam là tư tưởng của Việt và Tính; nguồn gốc của Việt và Tính bắt đầu từ Trung Hoa, Ấn độ và Hy lạp; thế kỷ XX là thế kỷ tựu thành của Việt và Tính; sự tựu thành ấy chính là hố thẳm: tiếng nói của hố thẳm là tiếng nói trên đỉnh núi chót vót (hữu thì trực thượng cô phong đỉnh, trường khiếu nhất thanh hàn thái hư); tiếng nói ấy, tiếng kêu trầm thống ấy làm lạnh buốt cả bầu trời và xoáy vòng cuộn tròn xuống hố thẳm, xuống niềm im lặng của hố thẳm mà người xưa gọi là “uyên mặc”. (Im Lặng Hố Thẳm)

Về diễn đạt, PCT sử dụng kiểu chơi chữ

“Những câu hỏi trên sẽ là khởi điểm cho cuộc song thoại giữa tư tưởng Á Đông và tư tưởng Âu châu và nước Việt Nam là mảnh đất hiện nay có đủ tính kiện để cho cuộc song thoại trên được tựu thành. Tựu thành là gì?


Đối thoại tựu thành song thoại.
Song thoại tựu thành độc thoại.
Độc thoại tựu thành vô thoại.
Vô thoại tựu thành vô ngôn.
Vô ngôn tựu thành nguyên ngôn.
Nguyên ngôn tựu thành nguyên tính.
Nguyên tính tựu thành tính.
Tính tựu thành vô tính
Vô tính tựu thành không.
Không tựu thành Huyền.
Huyền tựu thành tự tính.

Tôi đã đùa chữ; nhưng đùa chữ là hoạt dụng của tự tính, gọi là hoạt dụng của Thiền. “

Nói cho đúng , sự khó hiểu trong văn của PCT xuất phát từ việc PCT sử dụng cách nói của kinh Kim Cang. Nói vậy không phải là vậy, mà chính là vậy. Kinh Kim Cang viết  :”gọi là thuyết pháp là thật không có pháp gì để thuyết, như thế mới được gọi là thuyết pháp” (Vô pháp khả thuyết thị danh thuyết pháp). “ý tưởng về ngã thì Như Lai nói phi ý tưởng ngã nhưng người tầm thường thì bảo là ngã. Trưởng lão Thiện hiện, người tầm thường ấy Như lai nói là phi người tầm thường”. Cách nói này làm cho người đọc mắc vào nh nguyên Có-Không. Chỉ khi vượt qua nhị nguyên, xả bỏ cái Tâm Sai Biệt mới có thể lĩnh hội được.

“Bất cứ kẻ nào muốn phá hủy tư tưởng Heidegger thì cũng không thể nhảy qua được chính bóng hắn. Như thế nền tảng của sự phá hủy cũng có nghĩa là sự phá hủy chính nền tảng ấy; ở đây không phải là “chơi chữ”, việc “chơi chữ” tất nhiên không phải là sự việc chính yếu của tư tưởng: câu vừa rồi chỉ muốn diễn tả ý nghĩa trừu tượng sau đây: căn thể của hư vô có nghĩa là hư vô của chính căn thể ấy”

PCT có lối viết phóng bút như thế này, kiểu viết ngẫu hứng của Tùy Bút

“Sau Hàn Mặc Tử ngôn ngữ Việt Nam vỗ cánh run rẩy sương mai trong rừng đông bàng bạc.



Trong thế giới vô hình, Rimbaud, Leopardi, Keats và Hoelderlin đều gặp nhau; khi bốn thi sĩ gặp nhau, họ đều thì thầm bàn tán nhau về con chim phượng hoàng ở trời Đâu Suất. Bỗng nhiên từ cõi vô hình một hoả diệm sơn của Thiên Thanh vụt nổ bùng lên, chấn động cả từng tượng thanh khí: Rimbaud, Leopardi, Keats và Hoelderlin hốt hoảng kinh hồn: bốn thi sĩ run lẩy bẩy, “run như hơi thở chạm tơ vàng” vì Hàn Mặc Tử vụt hiện trên ngọn núi lửa và mỉm cười đưa tay rắc máu xuống Hố Thẳm của Việt Nam; lúc bây giờ Leopardi, Rimbaud, Keats và Hoelderlin liền quì xuống cúi lạy những giọt máu cô liêu của thi ca Á Đông.



Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh, Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay, đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay xà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy, lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biên và con người không còn làm thơ nữa
. “


Viết như thế gọi là tài hoa cũng được (cái tài hoa của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh), nhưng cách viết như thế chỉ là một kiểu múa bút ở chỗ không người.

 

4. Hành trình nhảy qua cái bóng của chính mình

 

Lần tái bản lần thứ tư Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, PCT nhìn lại và hoạch định đời mình như sau:

 

Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài.


Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời.


Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi.


Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa.

Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất.

Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.

Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn.

Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.

Từ 80 tuổi cho đến 90 thì Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa.

Từ 90 tuổi cho đến 100 thì mặt trời trở thành mặt trăng và mặt trăng trở thành địa cầu mới.

 

Những hoạch định ấy được viết bằng ngôn ngữ ngẫu hứng, có hình ảnh của thơ, đúng phong cách PCT, song nó vô nghĩa, bi trong thực tiễn đã không có điều nào đúng như ông đã dự cảm.

 

Chẳng hạn,  câu “Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.” Đó chỉ là một câu thông tin không có thông tin, nó bộc lộ sự trống rỗng trong tâm thức PCT. Ông  dự cảm rằng :” Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn. “ tức là những năm từ 2001 đến 2011, trái đất sẽ hòa bình trong tinh thần của Phật (đất lành chim đậu, rất nhiều chim là đất rất an lành. Ở Việt Nam nói đến chữ Phạn người ta liên tưởng đến kinh Phật) . Nhìn vào thực tại thế giới 10 năm qua (2001-2011) thế giới có bao nhiêu biến động, gần nhất là động đất ở Nhật, trong không khí đã đầy bụi phóng xạ, đất nào an lành cho chim ? Cứ theo PCT tiên tri thì từ 2011 đến 2021 sẽ có đại hồng thủy “Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa.”?! và sau hồng thủy , từ 2021 đến 2031 sẽ là một thế giới mới. Có lẽ chẳng ai ngây thơ để tin những lời  ngẫu hứng thi sĩ như thế, bởi PCT không phải là nhà tiên tri.

 

PCT trích một câu của  của Heidegger, và cho rằng đó là “ một câu làm nền tảng cho mọi cuộc phá hủy trên đời này…”


“Không ai có thể nhảy qua chính bóng mình.
(Keiner springt über seinen Schatten).

Nhưng PCT đã  thực hiện nhiều “cú nhảy” trong  hành trình cuộc đời của mình , nhưng ông có vượt qua được cái bóng của mình không ?

Năm 1963 (22 tuổi) PCT đến PHV Hải Đức Nha Trang cầu pháp với Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giám Viện khi ấy, và được Hòa Thượng  ban pháp danh là Nguyên Tánh. Đó là “cú nhảy” thứ nhất từ Thiên Chúa Giáo sang Phật Giáo. Về mặt tâm linh, PCT không có lời giải thích nào về hành động này. Vậy ý nghĩa của nó là gì? Tại sao ở tuổi 22 PCT lại vào nương nhờ cửa chùa? Thời ấy nếu không là sinh viên đang học và được lên lớp, anh sẽ bị bắt quân dịch ngay. PCT không có bằng Tú Tài, chưa từng học Đại Học. Có lẽ cửa chùa là nơi an toàn nhất cho Thiện núp nhờ ?

 

Năm 1970 PCT sang Pháp, rồi sang Đức, trở về Paris. Tại sao PCT đang dạy ở Đại Học Vạn Hạnh lại bỏ sang Pháp? Trong khi bạn bè ông đang chết ngoài chiến trường ? “Cú nhảy” này có ý nghĩa gì? Ông trả lời phỏng vấn về việc rời bỏ quê hương:” đối với tôi danh từ quê hương chẳng có ý nghĩa gì cả, tôi chỉ biết rằng nơi tôi được sinh ra đời chỉ là nơi tôi đã trải qua những bi kịch đau đớn thảm khốc nhất trong một kiếp người; tôi hận thù Việt Nam, tôi kinh tởm Việt Nam, tôi muốn bôi xoá hai chữ Việt Nam trong tim tôi và óc tôi.

 

 Như vậy là đã rõ. Từ “cú nhảy” này, Thiện “nhảy “tiếp bước nữa : Tại Pháp, 1971, PCT ông cởi áo cà sa, lấy vợ, sống nheo nhóc với vợ và 5 con. Theo Đặng Tiến, cuộc sống của PCT có “cải thiện khi anh tìm được chỗ dạy học tại Đại Học Toulouse, môn Triết học… Tây Phương.. ”Cú nhảy” thứ ba này đã làm rõ ý nghĩa “cú nhảy” thứ hai và thứ nhất. Suốt thời gian ông sống ở châu Âu ( 1970 đến 1983) không ai rõ. Năm 1983, PCT được Hòa thượng Thích Mãn Giác (trụ trì chùa Việt Nam ở Los Angeles) bảo lãnh sang Mỹ . Ông lại bỏ vợ con để nương nhờ cửa Phật. Và ông đã đi hết hành trình cuộc đời của mình. Những “cú nhảy” như thế có ý nghĩa gì ? PCT bỏ hết những “cái bóng” của quá khứ chăng, phải chăng PCT đã “ngộ” ra đời mình, những vinh nhục đã qua  chỉ là những  ảo ảnh, những cái bóng vô nghĩa? Không có lời giải thích nào cả.

Những tưởng với tri thức uyên bác, với sự đạp đổ tất cả, “giết” tất cả, kể cả Henry Liller là người ông tôn sùng, PCT sẽ trở thành một triết gia vĩ đại của Việt Nam và thế giới, triết học của PCT sẽ thay thế Heidegger, sẽ vượt qua Hiện Sinh và Thiền. Nhưng điều ấy đã không xảy ra . PCT muốn làm một cuộc lật đổ tư tưởng nhưng đã chẳng lật đổ được ai, ngoại trừ ông lật đổ chính mình. Thế giới vẫn nói đến Heidegger, vẫn nói đến Satre, vẫn đọc Buồn Nôn, đọc Hữu Thể và Thời gian, không biết thế giới có ai đọc Mặt trời Không Bao Giờ Có Thực hay Hố Thẳm Tư Tưởng không? PCT đã không vượt qua được Heidegger. Ông thú nhận :” Hầu hết những quyển sách sôi nổi của tôi, từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1963), đến Hố Thẳm Tư Tưởng (1963) và Im Lặng Hố Thẳm (1966) đều được viết ra từ ý thức của một con người trẻ tuổi được nuôi dưỡng bằng tư tưởng của Heidegger từ gần mười năm trước.Thực sự, tôi đã nhiều lần muốn vượt Heidegger, nhưng chính sự vượt qua ấy cũng bị kẹt trong tư tưởng của chính Heidegger.(Trả lời phỏng vấn)

 

Với tri thức uyên bác như vậy, sau Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, người ta trông đợi PCT sẽ viết bộ lịch sử tư tưởng và văn học thế giới làm tài liệu học tập cho sinh viên Việt Nam và thế giới, nhưng điều ấy đã không xảy ra. PCT đã đọc văn học và tư tưởng với cảm thức ngẫu hứng của thi sĩ, không phải với bộ óc của nhà nghiên cứu, vì thế chẳng ai coi Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học là tài liệu có giá trị để tham khảo, học tập.

 

Cho đến nay xung quanh PCT vẫn còn nhiều điều bán tín bán nghi. Rằng học vị Tiến sĩ của ông là có thật hay không? Bởi khi ở Mỹ, ở Pháp ông đã bỏ học. PCT nói với Nh. Tay Ngàn : Thời gian tao ở Huê Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học mà tao học, như trường đại học Yale và Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn; ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời; tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp, tao đã sống nghèo đói thế nào thì mày cũng đã biết rõ rồi; những lúc tao nằm ngủ tại những vỉa hè Paris vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hegel, về Heidegger hay Héraclite

 

 Tác giả T.Vấn trong bài “nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu” ngày 12.03.2011 đặt vấn đề rằng “Phạm Công Thiện là một triết gia hay kẻ mắc bệnh điên tư tưởng? Là một học giả hay chỉ là con mọt sách? là một thi sĩ, một nhà văn hay kẻ lộng ngôn xem chữ nghĩa như một trò chơi? Là bậc tu hành tinh thông lẽ đạo bằng trí thông minh tuyệt vời hay kẻ mượn áo cà sa trốn lánh việc đời rồi hốt nhiên trở nên “ngộ” một cách bất đắc dĩ? Là con người lập dị nhờ vào khả năng ngôn ngữ hơn người hay kẻ phá phách cậy mình thông kinh đạt quyển nên tung hoành chốn trường văn trận bút như chỗ không người? Là vị thần đồng thực sự hay kẻ kiêu ngạo coi trời bằng vung?”(4)

 

Và đây là câu trả lời của PCT từ ngày xưa :” một tạp chí tên gì đó đã đăng một bài dài nhan đề là “Phạm Công Thiện, ông là ai?” và gần đây hơn nữa có một tạp san khác lại đăng loạt bài “Hiện tượng Phạm Công Thiện” để rồi kết luận rằng tôi là thằng điên chữ, một tên điếm đàng, một tên côn đồ trong văn nghệ vân vân. Tôi đã say sưa đọc tất cả những gì thiên hạ nói, viết, phê phán, đề cao, chỉ trích, mạt sát tôi; tôi say sưa đọc những thứ đó như đọc chính những gì mình đã viết và đã muốn viết: vì tất cả những gì người ta đã nói về tôi đều đúng là điều tôi muốn nghĩ về tôi”(5)

 

Khi đã là người trưởng thành, PCT nhận ra điều này : Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài. Thế nghĩa là ông đã “nhảy” khỏi thế giới của “thần đồng” và “thiên tài” để trở về với thân phận một Con Người”, như bao thân phận khác trong cõi đời này.


Thời trẻ tuổi, tuổi của nổi loạn, nhờ thiên phú, ông giỏi ngoại ngữ và đọc nhiều, viết nhiều, gây hấn với xã hội để khẳng định mình. Ông đả kích luận văn tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung, ông bá vai huyn h đệ với Henry Miller, ông đạp đổ tất cả để nâng mình lên. Nguyễn Văn Trung im lặng. Sau này (2007) Nguyễn Văn Trung nói rõ về PCT :” Tôi thật thắc mắc đời sống cụ thể của ông Phạm Công Thiện không cho thấy tỏa ra một vẻ đạo hạnh nào của nguời tu trì thánh thiện. Ngược lại, tôi thấy ông đã có những lựa chọn trong đời sống cụ thể hoàn toàn trái ngược với những gì ông nói hay viết ra. Ông nói khinh bỉ nghề dạy học làm thầy người khác, nhưng lại vào tá túc tại Đại Học Vạn Hạnh, mặc áo cà sa mang pháp danh “Đại đức Thích Nguyên Tánh” khỏi phải đi lính như những người khác, cùng tuổi không bằng cấp.... Bây giờ đọc lại bài phê bình của ông Thiện, những bức thư ông gửi cho tôi, tôi mới nhận ra, quả thực, tôi có trách nhiệm nào đó. Các thư ông viết cho thấy rõ ông mong mỏi có chỗ đứng trong giới nghiên cứu giảng dạy đại học, mà tôi lúc đó hoàn toàn có khả năng đáp lại mong muốn chính đáng của ông. Chẳng hạn đăng bài biên khảo trên tạp chí Đại Học, ra sách ông viết trong nhà xuất bản Đại học, mời ông làm giảng viên Đại học Huế, diễn thuyết ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trong khuôn khổ lịch trình sinh hoạt văn hóa Đại học Huế, và sau cùng vận động cho ông đi du học, không phải vì ông là người Công giáo như tôi đã làm cho vài người khác. Tóm lại ông đã gõ cửa tôi, có lẽ sau khi đã thử gõ nhiều nơi khác, nhưng tôi đã không mở cửa cho ông, và vì thế tôi đã đẩy ông vào tình trạng thất vọng, bất mãn. Ông Phạm Công Thiện hiện còn sống ở Úc. Nếu quả thực ông đã thất vọng vì cách đối xử của tôi hồi đó, thì tôi nhìn nhận có trách nhiệm về phần tôi và xin lỗi ông. Nói cho rõ hơn, ông Thiện oán giận bất mãn, những trí thức nói chung, thuộc giới đại học và trí thức Công giáo nói riêng, cụ thể như Nguyễn Văn Trung, Lê Thanh Minh Châu, Cao Văn Luận, là những người đồng đạo ca ông ở Đại học Huế đã không tạo điểm tựa cho ông tiến thân.”(6) Như vậy, đã rõ cội nguồn của những nổi loạn, những đạp đổ, nhưng bất mãn của PCT trong các tác phẩm của ông thời những năm 1960-1970.

 

PCT cũng bày tỏ thái độ chính trị của mình. Ông nói về các nhà thơ Cách Mạng và nói về Cách Mạng :” Đó là chưa nói đến những nhà thơ cách mạng, tôi muốn để họ yên, vì họ cũng bị nhốt trong xà lim, họ khác tôi là họ bị nhốt, mà không phản đối hay đã phản đối, họ khác tôi là họ bị nhốt mà không biết bị nhốt, họ là Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Pablo Neruda, Paul Eluard, Aragon, v.v.

 

Hỡi các anh làm cách mạng, anh phá một xã hội định thể để rồi bị nhốt vào một xã hội định thể khác. Tôi đã bị nhốt trong xà lim, tôi không phá, tôi không hy vọng, tôi không chịu rửa tội vì tôi hoàn toàn vô tội; tôi đã bị nhốt trong xà lim, nhưng tôi có thể nhốt xà lim lại, xà lim sẽ bị tôi nhốt tù.”(Hố Thẳm Tư Tưởng)

 

Tháí độ ấy của PCT giúp người đọc hôm nay hiểu rõ hơn các “cú nhảy” của ông khỏi Việt Nam năm 1970:” tôi hận thù Việt Nam, tôi kinh tởm Việt Nam, tôi muốn bôi xoá hai chữ Việt Nam trong tim tôi và óc tôi”. Có lẽ không một người Việt Nam nào lại có suy nghĩ, tình cảm và thái độ như thế đối với đất nước mình, dân tộc mình, trong thời đại dầu sôi lửa bỏng của những thử thách quyết liệt ý chí sức mạnh và sự tồn tại của dân tộc.

 

Có thể chia sẻ với PCT những suy nghĩ này chăng? :” tôi chỉ thích người ta đọc những gì tôi viết bằng một tâm thức mơ mộng của thi sĩ đãng trí ...

 

...Bây giờ đây, đối với tôi, danh từ “thiên tài” chỉ là một trò ngu xuẩn, ngu xuẩn như tất cả danh từ cao đẹp hoa mỹ khác. Động từ “sáng tạo” hay danh từ “nghệ sĩ” cũng là ngu xuẩn nốt. Thiên tài, nghệ sĩ, cô đơn, thi sĩ, nổi loạn, hư vô, hiện sinh, triết lý, tất cả đều ngu xuẩn. Càng ngu xuẩn, càng sống với tất cả ngu xuẩn ấy, tôi càng thấy tất cả những ngu xuẩn đều cần thiết trong một giai đoạn để chuẩn bị cho một sự ngu xuẩn lớn nhất: đó là cái chết của tôi, của anh, của em, của tất cả mọi sự trên mặt đất. Sống là ngu xuẩn, chết cũng là ngu xuẩn, thế thì chỉ còn một con đường là ngu xuẩn với ngu xuẩn qua ngu xuẩn trong tất cả ngu xuẩn của mọi sự ngu xuẩn. Đẩy tất cả mọi ngu xuẩn đến ngu xuẩn đầu tiên và cuối cùng: mơ mộng trong khi vẫn mở mắt, cười tất cả mọi sự bi thảm, yêu tất cả những cái gì không có ở tại đây và bây giờ, đùa chơi với tấn trò đùa của thời gian vũ trụ, đóng vở tuồng chèo của đời mình cho đến độ xuất thần ngã ngửa. (Trả lời phỏng vấn, đd)

 

...Và đây là độc thoại của tôi, của một người không biết nói và khi nói thì chỉ nói một mình để chỉ cho mình nghe...  Các ngài còn muốn hỏi nữa không? (Hố Thẳm Tư Tưởng)



Tháng 3. 2011

(1) http://phamcongthien.com/

(2)     http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/pham-cong-thien/

(3)     Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc, 

http://hung-viet.org/blog1/2011/03/16/ph%E1%BA%A1m

-cong-thi%E1%BB%87n-nha-tuy-but-xu%E1%BA%A5t-s%E1%BA%AF

(4)     (T.Vấn- Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu*-

12.03.2011- http://damau.org/archives/18864)

(5)     Trả lời phỏng

vấn. http://www.tienve.org/home/literature/

viewLiterature.do;jsessionid=22BB903CF12899656FA69776E6B76897?action=viewArtwork&artworkId=12430

(6)    

http://www.viet-studies.info/NguyenVanTrung_OngPhamCongThien.htm

 

 

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 3029
Ngày đăng: 31.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dương Nghiễm Mậu: cuộc đời tình cờ - Nguyễn Vy Khanh
Về Với Thiên Nhiên Cùng Lê Văn Trung - Trần Văn Nam
Ngày Lễ Và Cộng Đồng - Hamvas Béla
Bùi Giáng : Con Đường Ngã Ba - Nguyễn Vy Khanh
Thơ Thanh Tâm Tuyền - Nguyễn Vy Khanh
Nhầm Lẫn Khi Đọc Thơ - Trần Văn Nam
Một ngả rẽ thú vị của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 - Trần Viết Thiện
Từ Thích Giả Ngộ đến Thích Giác Ngộ - Kiệt Tấn
Thơ Tô Thùy Yên, quán trọ hồn đông-phương - Nguyễn Vy Khanh
Triết học nào cho thế kỷ 21. tiếp - Đặng Phùng Quân
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)