Không hiểu sao, trên đời nầy có nhiều người đàn ông khó ưa quá, chẳng những khó ưa đối với tôi mà cả với mẹ tôi nữa. Từ ngày ba tôi và mẹ ly dị , có nhiều người đàn ông theo đuổi bà nhưng chưa có người nào tôi ghét cay ghét đắng như ghét ông ta…
Mỗi lần gặp mẹ tôi, đôi mắt ông ta nhìn bà rạng rỡ, đôi mắt khó ưa đó nói lên nhiều điều mà cho dù tôi là một thiếu nữ mới lớn chưa biết yêu là gì cũng hiểu đó là đôi mắt của người đang yêu.
Nếu gạt bỏ hết mọi tỵ hiềm, công bằng mà nói thì ông ta rất xứng đôi với mẹ tôi. Dáng người cao cao, khoẻ mạnh, tóc hớt ngắn, gương mặt vuông, đôi mắt tuy có nhiều nếp nhăn nhưng vẫn còn sắc sảo tinh anh, mỗi lần ông ta cười, chiếc miệng rộng để lộ hàm răng còn đều đặn, nguyên vẹn. Ông ta khoảng trên dưới lục tuần, chắc về hưu rồi thì phải. Mà về hưu hay còn làm việc cũng mặc kệ ông ta, có dính dáng gì tới tôi mà tôi phải bận tâm. Mà sao nghỉ tới lúc có người sắp thay thế chỗ của ba thì lòng tôi lại nhói đau như vậy không biết.
Những lúc mẹ vắng nhà {chắc là đi với ông ta}, tôi buồn bã không biết làm gì cho hết thời giờ, xem phim thì chán ngắt, đọc sách không vô, nghe nhạc càng buồn thêm, đi ăn lại sợ lên cân, tôi đi ra đi vô căn nhà trống vắng, thở dài thườn thượt rồi quyết định đóng cửa nhà đi lang thang ra Tao Đàn chơi.
Ngồi một mình trên ghế đá nhìn thiên hạ qua lại, tôi thấy đám con gái bằng tuổi tôi sao chúng nó nhí nha nhí nhảnh, hồn nhiên quá như vậy không biết, nhìn cách chúng nó ăn mặc, chúng nó nói cười mà phát ghét. Đang nghĩ miên man chuyện nọ xọ chuyện kia thì nghe một giọng nói ồ ồ rất gần phía sau lưng:” A! Cô bé! Sao ngồi thẩn thờ ở đây vậy?”. Tôi không thèm quay lại cũng biết tỏng đó là anh chàng lớp trưởng của tôi, một chàng thanh niên khó ưa nhất lớp. Điệu nầy chắc phải chuồn khỏi nơi nầy cho sớm. “ My ơi ! Bạn có rãnh thì đi với mình vô Câu lạc bộ tiếng Anh đi! Ngồi một mình chán lắm.”Anh ta ngồi xuống cạnh bên, nhìn tôi thân thiện. “ My không thích! Quang đi một mình đi!” Tôi trả lời cụt lủn và đứng lên , dợm bước đi. “ Khoan đã nào! Làm gì vội dữ vậy?” Chàng ta lúng túng mở túi xách lấy ra một quyển sách mới rười đưa cho tôi rồi ấp úng…” Lấy tập bài hát nầy về hát cho vui, bổ sung kiến thức Anh văn luôn thể…Dạo nầy My học có hơi xuống dốc rồi đó…”
Nghe anh ta nói, tự nhiên tôi nổi khùng, quát” Tui học dở kệ cha tui, mắc mớ gì tới mấy người mà mấy người quở..uở..” Anh ta nhìn tôi trân trối, gương mặt xanh như tàu lá chuối non, đôi môi mấp máy không nói được lời nào. Tôi nhìn anh ta, nở nụ cười khi dể rồi” trả đũa” tiếp:” Đàn bà con gái học dở là chuyện bình thường, đàn ông con trai học dở mới quê độ. Quang lo thân Quang đi! Đừng xía vô chuyện người khác…ác..”
Tôi quày quả bước đi, vẫn còn hậm hực trong lòng vì có người biết chuyện yếu kém của mình, ngay cả mẹ tôi cũng chưa hay biết là mấy tháng nay tôi học kém hơn trước. Tôi sắp thi tốt nghiệp tới nơi rồi còn thi vào Đại học nữa chứ, tôi là một học sinh khá giỏi trong lớp chớ có kém cạnh gì ai đâu, vậy mà bây giờ đâm ra chán nản tất cả . Tôi cũng không rõ lý do vì sao, chắc là tại tôi bất mản chuyện của mẹ.
Nghĩ cho kỷ, mẹ tôi đã ly hôn từ lâu, bà có quyền bước thêm bước nữa, đó là lẻ đương nhiên. Vã lại, tuổi mẹ tôi cũng còn tương đối trẻ, bà mới sắp sữa bước qua hàng U50, nhan sắc còn mặn mà lắm, làm sao mẹ tôi sống cô đơn cho được. Đã bao lần tôi tự an ủi, rồi đây mình sẽ có chồng, sẽ bỏ mẹ mà đi, mẹ sẽ sống côi cút, quạnh quẻ không ai chăm nom, mẹ tái giá là mẹ có nơi nương tựa, mình khỏi phải lo.
Vậy mà không hiểu sao, mỗi lần người đàn ông ấy đến nhà là lòng tôi lại buồn bã vô hạn. Như là có một điều gì đó sắp cách ngăn giữa mẹ con tôi, như là tôi sắp mất vật gì quí giá nhất trên đời. Rồi tôi suy diễn, mẹ tôi sẽ có con với người đàn ông đó, sẽ nâng niu nó hơn tôi, tôi chỉ còn là cái bóng mờ nhạt đối với bà… Tôi nghĩ ra đủ trò đủ chuyện rồi tôi đau buồn , tức tưởi với nó.
Một hôm, tôi chống đối mẹ ra mặt. Khi ông ta đến, tôi không chào và không mang nước ra như mọi khi ( mặc dù ông mang cho tôi nhiều sách và quà tặng) Mẹ tôi vẫn dịu dàng , ôn tồn với tôi như không có chuyện gì xãy ra, còn ông ta thì vẫn vô tư nói cười trông thật dể ghét.
Không thể nào tôi để cho ông ta ngang nhiên bước vào ngôi nhà của tôi một cách dễ dàng như vậy. Tôi phải làm một điều gì đó, ít ra cũng để cho ông ta phải chùn bước, phải buồn bã khổ sở như tôi, và nhất là mẹ tôi, bà không được lãng quên con mình như vậy.
Tôi viết một bức thư thật dài, kể lể bao nổi khổ của hai mẹ con và yêu cầu ông ta đừng đến nhà tôi nữa. Tôi gởi lá thơ đi với tâm trạng hả hê hết sức, chắc chắn rằng khi đọc được những lời lẽ chua cay của tôi chắc ông ta đau đớn lắm, còn mẹ tôi thì buồn rầu cho mà biết.
***
Đã hai tuần trôi qua, tôi không thấy ông ta đến nhà nữa. Còn mẹ tôi thì ít nói ít cười , đôi mắt trủng sâu, thâm quầng. Đôi lúc, tôi bắt gặp bà nhìn tôi rồi thở dài, dường như bà muốn nói với tôi điều gì đó và tôi cũng đang sẳn sàng “đấu đá” với bà nhưng vẫn không nghe bà nói gì. Thôi! Vậy là cũng đạt yêu cầu rồi. Thật không ngờ! Chỉ nhờ lá thư cỏn con mà kết quả hết sức mỷ mãn. Tôi thầm phục tài của mình và tự thưởng mình một buổi rong chơi ở Đầm Sen mà không báo cho mẹ hay.
Ngày chủ nhật ở Đầm Sen sao người ta đi du hí nhiều quá như vậy không biết. Tôi chọn một nơi vắng vẻ ngồi xuống, lấy hạt dẻ ra ăn rồi lôi tập bài hát của chàng lớp trưởng hát nghêu ngao:” Hold me! Love me! Give me all that you got..” * Đang hát ngon trớn thì tiếng vỗ tay và tiếng cười đùa ồn ả từ phía chòm cây phía sau lưng tôi dội đến. Tôi quay lại nhìn, bất chợt thấy con Tú( bạn cùng lớp ) đang ôm hôn mẹ nó rồi cài nhánh hoa Hồng bằng vải vào ngực áo bà, giọng nó oang oang:” Con chúc mẹ được hạnh phúc, sống lâu trăm tuổi..uổi”. Nó cuối xuống thổi đèn cầy trên chiếc bánh sinh nhật rồi vỗ tay hát ồm ồm:” Happy birthday to you! Happy birthday to you!..” Đang hát, chợt nhìn thấy tôi, nó gọi:” My! My ơi!…”
Nhưng tôi đã nhanh chóng vọt ra khỏi lùm cây, chạy bay về phía cổng. Tôi phải về nhà ngay, tự nhiên tôi cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng và nhớ mẹ vô cùng.
Cửa nhà đóng kín. Ai đó vẽ nghuệch ngoạc trên cánh cổng: ”Mẹ đi cấp cứu ở bệnh viện N.T”. Mắt tôi hoa lên, đầu choáng váng, hai lổ tai lùng bùng. Mẹ tôi bệnh gì mà đi cấp cứu ở bệnh viện, ngày thừơng bà khoẻ mạnh lắm mà! Hay là mẹ tôi… Trời ơi! Tôi không dám nghĩ đến nữa. Tôi ngồi bệt xuống đất, ôm mặt khóc như mưa như gió…
“My về đó hả con? Mẹ mầy bị ngất xỉu, cô với thằng Thắng đưa vô bệnh viện rồi, con chạy vô trỏng mau lên, thằng Thắng còn ở trong đó!”
Cô hàng xóm đưa tiền cho tôi rồi gọi bác Honda ôm chở tôi đi, còn xe tôi thì cô giữ lại, sợ tôi chạy trong lúc nầy nguy hiểm.
Mẹ tôi đã được đưa về phòng bệnh nhân. Gương mặt bà nhợt nhạt vô hồn trên chiếc gối trắng tinh, mắt nhắm nghiền, đôi môi tái mét. Thắng vội kéo tay tôi ra khỏi phòng, nói khe khẻ: ”Đừng có khóc! Bác qua cơn nguy hiểm rồi. Bà bị đột quị, dường như tim mạch có vấn đề sao đó. Tội nghiệp bác lắm ! Hồi nảy đang mệt mà miệng cứ gọi My liên hồi, tôi có biết My ở đâu mà kêu. ”Tôi đứng chết lặng nhìn mẹ, không khóc mà cũng không nói được câu nào. Hồi lâu sau, cố trấn tỉnh, tôi hỏi:” Mẹ tôi có bề gì không Thắng?” Thắng lắc đầu:” Làm sao mình biết được, hỏi bác sĩ mới rõ”. Tôi chạy lên phòng bác sĩ trực nhưng bác sĩ đã đi khám bệnh .
Quay trở lại, tôi bảo Thắng:” Thắng ơi! Mình đang rối lắm, cậu khoan về, ở đây giúp mình một tay nghe, nhà mình neo đơn quá…”
Thắng gật đầu, tỏ vẽ thông cảm với tôi. Tôi bước nhẹ đến chiếc ghế, ngồi xuống bên cạnh mẹ. Chai nước biển nhỏ giọt đều đăn trên ống dẫn, gương mặt mẹ tôi bây giờ nhìn kỷ mới thấy bà đã già đi rất nhiều, đuôi mắt hằn nhiều dấu chân chim, đôi môi mím lại như cố chịu đựng một điều gì đó nặng nề lắm, hai khoé miệng hằn sâu như chứa đựng lắm ưu sầu, mẹ như đã biến thành một người khác. Tôi chợt tự hỏi: ”Không biết bấy lâu mẹ sống như thế nào? Vui buồn ra sao? Mẹ có điều gì muốn nói cùng tôi chăng…?” “ Oi! Mẹ ơi! “ Tôi gục đầu xuống cánh tay tấm tức khóc: ”Mẹ ơi! Mẹ tha thứ cho con, ráng sống với con nghe, mẹ ơi!”
Tôi chợt nhớ tới người đàn ông đó. Phải chi bây giờ có ông ta phụ lo cho mẹ tôi thì đở biết chừng nào. Giờ nầy tôi không còn lòng dạ nào để ghen ghét ông ta nữa , mà ghen ghét để có ích gì chớ. Tôi lại lo sợ bức thư hôm rồi sẽ làm cho ông ta ghét bỏ mẹ con tôi luôn thì nguy to.
***
Tôi ghi vội địa chỉ , nhờ Thắng đi tìm ông ta . Tôi còn dặn dò kỷ lưỡng là bằng mọi cách Thắng phải tìm cho bằng được ông ấy.
Từ lúc Thắng đi, lòng tôi như có lửa đốt, đứng ngồi không yên. Tôi lâm râm khấn vái Trời Phật cho tôi được may mắn lần nầy.
Thật hú vía khi tôi thấy Thắng quay lại cùng với ông . Vừa nhìn thấy tôi, ông hỏi ngay:” Mẹ ra sao rồi con? Vậy mà bác đâu có hay..” Ông bươn bã đến bên mẹ tôi, cầm bàn tay xanh ẻo của bà, âu yếm gọi:” Lan! Lan ơi! Lan!..” Ngừng một chút, ông lại gọi tiếp:” Lan à! Lan! Lan!” . Mẹ tôi he hé mắt, lờ đờ nhìn ông rồi nhìn tôi, nước mắt bà chãy dài trên má.
Tôi bước vội ra hành lang bệnh viện để mẹ không nhìn thấy tôi khóc, những giọt nước mắt dẫu có muộn màng nhưng vẫn còn kịp chãy ra với nỗi ân hận đang dày vò cả cõi lòng rối bời của tôi.