Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.719
 
Viết Một Chữ Tâm
Ngô Thị Ý Nhi

Trước mặt tôi là trang giấy trắng. Tôi cần phải lấp đầy một ô trống phía bên trái tờ báo bằng một lượng thông tin chừng bốn trăm chữ. Bốn trăm chữ cho bức chân dung  mà tôi sẽ phác họa. Tôi đặt bút xuống, hai tay nâng cằm lướt qua một lượt những gì mình thu thập được.Tôi gặp cô trong hội thi đồ dùng dạy học. Giải nhất thuộc về cô, một cô giáo ngót nghét tuổi về hưu. Cô đứng thẳng người trên bục trao giải, tà áo lụa vàng mơ óng ả. Dáng đứng thanh mảnh mà vững vàng như đánh thức một cái gì đó trong tôi. Một chút ngỡ ngàng rồi như các đồng nghiệp khác tôi bừng tĩnh đưa cao máy ảnh. Cuối buổi lễ tôi tìm gặp riêng cô, chụp thêm một bức chân dung nữa và cuối cùng cũng xin được một cái hẹn ở nhà. Cô ngập ngừng nhẹ nhàng bảo “Chỉ e rằng tôi không giúp được gì nhiều cho em.” Giờ đây, những gì cần biết về cô tôi đã biết. Tên cô là Hòang Thị Liên, giáo viên tiểu học với hai mươi mấy tuổi nghề. Bằng một chất giọng mang âm hưởng miền Trung cô bảo tôi rằng không có ý định dự cuộc thi này. Chẳng qua vì nhu cầu bài giảng cô mày mò làm thử. Đồng nghiệp và nhà trường lấy làm tâm đắc động viên gởi sản phẩm dự thi. Cô cười: “Chuyện đâu có gì to tát phải không em?”

 

Thực ra cái giải nhất chỉ là một phần trong những gì tôi muốn có ở cô. Đã quen công việc, tôi đặt cho cô một lô câu hỏi, và rồi nhận được bấy nhiêu câu trả lời: “Không, tôi chưa hề là chiến sĩ thi đua, chỉ cố găng sao cho bao nhiêu năm đứng lớp thì bấy nhiêu năm đạt lao động tiên tiến.” “Giáo viên giỏi à? Tôi sợ thi giáo viên giỏi lắm. Phải đầu tư rất nhiều cho một tiết dạy. Mà tôi thì em thấy đấy, già rồi, nhà trường cũng tha cho.” “Các tổ chức phụ nữ ở địa phương? Vâng, tôi cũng tham gia như các chị em khác.” Cô tâm sự: “Bây giờ con cái lớn khôn rồi, các cụ cũng không còn để mà chăm sóc. Cuộc sống cũng ổn định. Nói thật, có một dạo tôi lao đao lắm. Nhiều lúc nghĩ giật mình vì không biết ngày mai ra sao.” Rồi chợt nhớ điều gì cô đứng dậy mở tủ vui vẻ khoe tấm huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Tôi biết đây là tấm huy chương cao qúy dành cho những ai có hơn hai mươi lăm năm phụng sự trong ngành. Tôi với tay lên chồng tập học sinh đang xếp ngay ngắn trên bàn. Cầm lấy một cuốn, những điểm số và lời phê đỏ chói đập vào mắt tôi. Hai mươi lăm năm đều đặn nhẫn nại với những con số tròn trĩnh, những lời phê nét ngay sổ thẳng. Để được thế này không biết người ta phải vượt qua những gì?

 

Tôi cầm bút viết vài dòng rồi lại loay hoay bôi xóa. Một cái giải nhất, một tấm huy chương mà hình như cứ đủ ngày đủ tháng thì nhận được. Đó là những gì cụ thể. Tôi nghĩ đến bao nhiêu lớp học trò hồn nhiên ngơ ngác đã đi qua… Không biết khi ngóai đầu nhìn lại có ai nhận thấy điều gì? Cả tôi cũng vậy. Tôi từng là học sinh và có lẽ các thầy cô giáo của tôi ngày đó bây giờ cũng giống như cô. Tôi hình dung lại căn phòng khiêm tốn của cô trong con hẻm nhỏ. Bàn làm việc, chiếc quạt máy, ngọn đèn bàn, cái kệ sách với những cuốn sách xếp đều đặn phô gáy ra ngòai.. Mọi vật trong căn phòng đó hình như khi sinh ra là đã biết nằm đúng nơi, đúng chỗ. Một bầu không khí rất đỗi dịu dàng, rất đỗi bình yên dầu tấm rèm cửa hoa vàng mỏng manh không ngăn nổi những âm thanh náo động của con hẻm ngòai kia. Tự nhiên tôi nghĩ đến câu “an bần lạc đạo” của ngày xưa. Liệu có dễ dàng đạt được chữ “an” không trong thời buổi bây giờ. Cũng có lúc cô súyt bỏ nghề đó thôi. Cô bảo tôi: “Giáo viên chúng tôi không phải là thần thánh. Chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác đều có những nhu cầu, những mơ ước rất đời thường. Đôi khi thiếu thốn quá nhìn con mình… xót lắm.” Cô bỏ lửng câu nói. Tôi nghe một chút ngậm ngùi. Căn phòng nhỏ của cô lọt thỏm giữa bao nhiêu là cao ốc, nơi người ta lên xuống bằng thang máy. Bước xuống đường là bị cuốn ngay vào dòng thác người di chuyển bằng trăm tốc độ khác nhau. Trong vòng xóay đó, khi gặp nhau người ta hỏi về thu nhập, về bằng cấp, địa vị, về giá vàng, giá bất động sản mỗi ngày lên xuống. Còn sự thanh bạch ư? Hình như cũng có lúc người ta chạnh lòng nghĩ đến.

 

*

 

Tôi gặp sếp ở bàn làm việc, anh cười cười trước trang bản thảo của tôi:

- Bài viết của em lần này… chưa đạt. Mà bao nhiêu là đề tài, sao lần này em lại chọn…

Anh bỏ lửng câu nói. Tôi nhìn anh:

- Ý anh là…

- Nhân vật của em không điển hình, nghĩa là một chân dung mờ nhạt quá.

- Anh muốn nói đến bề dày thành tích?

- Cũng gần như thế. Không thì em cần phài làm bật lên một điểm nào đó. Nếu cần viết lại em cần phải biết nhấn nhá…

Tôi cầm lấy xấp bản thảo. Anh hạ giọng:

- Em biết đấy, lần này là dịp tám tháng ba, anh nhận được rất nhiều bài của cọng tác viên. Đang phân vân vì quá nhiều gương mặt điển hình. Biết chọn ai.

Đêm nay, tôi lại ngồi trước trang giấy trắng. Sếp đã có lý khi nhận xét về bài viết của tôi. Chính tôi khi đọc bản thảo của mình cũng thấy có gì bất ổn. Giới thiệu một khuôn mặt điển hình mà tôi lại quá thiên về cảm tính. Cả cái tựa đề của tôi nữa. “Bông hoa thầm lặng”. Mấy ai hiểu hết vẻ đẹp lặng thầm. Hay là tôi chọn chân dung khác. Nếu bỏ công tìm kiếm cộng thêm một chút may mắn tôi tin mình vẫn còn đủ thời gian. Tôi nhìn tấm hình cô. Cô đang cười với tôi, nụ cười quen thuộc lắm. Cứ như tôi và cô đã từng gặp nhau đâu đó trong đời.

 

Tôi cầm lấy cây bút. Viết lại ư? Bắt đầu như thế nào? Tôi đặt tay lên trán nhớ lại quãng đời thơ ấu của mình. Hình ảnh các cô giáo lần lượt lướt qua. Cô Hương, cô Mão, cô Dung… Tất cả lẫn vào nhau chẳng có gì rõ nét. Và cô, một cái tên rất đơn giản, Hòang Thị Liên. Phải rồi, tôi cũng có một cô Liên. Nhưng Trần, Hòang hay Phạm thì tôi không nhớ. Lúc đó tôi còn nhỏ quá, mới học lớp năm. Cô lại không chính thức phụ trách lớp tôi, chỉ dạy chúng tôi ba tháng cuối học kỳ một vì cô giáo tôi bệnh nằm viện. Cô hiền nhưng rất nghiêm khắc. Một lần dạy chúng tôi về tính trung thực cô đã bảo cả lớp rằng nếu có ai đó trong chúng tôi làm điều gian dối thì cô sẽ xấu hổ vô cùng khi phải nhận đó là học trò của cô. Với đầu óc trẻ thơ của tôi hồi đó, bị cô giáo chối bỏ là cả một điều tủi nhục.

 

Cô không phải là người làng tôi. Cô theo chồng về dạy học ở trường tôi chưa đầy năm thì giải phóng. Chồng cô, sĩ quan cấp úy phải đi học tập cải tạo. Thế là căn nhà nhỏ cô thuê chỉ còn ba mẹ con. Lan, con gái lớn của cô học cùng lớp với tôi. Chòm xóm bảo nhau rằng nhà cô có của ăn, của để. Có lẽ vì họ bắt gặp cô lâu lâu lại giấm dúi đem gạo ra phơi phóng. Dạo đó, cầm hạt gạo trong tay cứ như là hạt ngọc. Mà bây giờ nghĩ lại đâu có là bao. Một lần trời mưa bất chợt tôi đã phụ Lan túm bốn đầu tấm vải nhựa kéo gạo vô nhà. Hai đứa, bốn cánh tay gầy khẳng gầy kheo. Cô cất gạo rất kỹ. Một cái lu, ở dưới lót một lớp than cây rồi đổ gạo lên trên, đậy bên ngòai ba bôn lớp vì lo căn nhà ẩm ướt. Nhưng hình như “của để” đó cô vun vén phòng khi cùng cực quá chứ ngày thường chị em Lan cũng như chúng tôi, cơm độn ngô khoai ngày hai bữa. Vun vén là khả năng tuyệt diệu từ bàn tay cô. Hai đứa con cô lúc nào cũng tươm tất. Từ áo quần đến sách vở. Thích nhất là dụng cụ học tập của Lan. Cái gì cũng xinh xắn, sạch sẽ, tinh tươm. Nhưng có lẽ tôi mê nhất là cái chuốt bút chì. Ngồi bàn dưới tôi cứ chăm chú thèm thuồng nhìn nó mím môi xoay từng vòng, từng vòng cây bút dưới lưỡi dao bé tí. Như một điều kỳ diệu, từ đó xuất hiện một lát gỗ mỏng loăn xoăn dài dần ra theo từng vòng xoay của cái chuốt bút chì bằng nhựa đỏ. Trên miếng vỏ bào hình răng cưa đó còn chạy một đường chỉ lấp lánh viền đen. Khi nó rút cây bút ra mới tuyệt. Thớ gỗ hồng hồng nhẵn thín, tròn đều. Đầu bút sắc nhọn. Vạch thử một đường, nét bút mảnh như sợi chỉ. Ở một nơi hẻo lánh quê mùa như làng tôi thì đó quả là một đồ dùng xa xỉ. Chị em tôi chuốt bút chì bằng con dao cau của mẹ. Chuốt không khéo thì lõi chì cứ liên tục gãy, thớ gỗ sứt sẹo đến thảm thương. Đã thế, cây bút cụt dần càng khó chuốt. Một lần tôi đi vắng, thằng Sửu ở nhà loay hoay với cây bút chì cụt ngủn đã bị con dao cau của mẹ cứa một đường tứa máu. Tôi chạy về hốt hỏang nhìn em ôm tay khóc. Vết máu giây vào chiếc quần bẩn thỉu hãy còn tươi roi rói.

 

Cơ hội đến với tôi hôm sau. Không biết Lan loay hoay thế nào lại đánh rơi cái chuốt bút chì xuống đất. Cái vật bằng nhựa xinh xinh đó nảy lên, văng vào chân tôi. Con bé lúi húi kiếm tìm. Tôi nhanh chân hất nhẹ vào kẹt bàn học. Tìm hòai không thấy nó đành ngồi vào chỗ nhưng vẫn còn nhấp nha nhấp nhổm. Trên bàn giáo viên cô nghiêm khắc nhìn nó. Con bé ngồi im. Lòng tôi giằng co rất dữ. Mà tôi có làm gì xấu đâu. Tôi đâu có ăn cắp. Tại nó làm rơi mất mà. Nhưng nếu Lan không tìm thấy… Cái vật bằng nhựa đỏ xinh xinh kia mới tuyệt làm sao! Từng lát gỗ phớt hồng mỏng tang cuộn tròn, cuộn tròn… đầy quyến rũ. Bây giờ thì chính tôi cũng thắc thỏm không yên. Ra về, Lan ở lại lùng sục một lúc nữa nhưng cái kẹt bàn của tôi kỹ quá. Chỉ chờ nó thẩn thờ ra khỏi lớp là tôi lén chui vào ngay. Về nhà hai chị em tôi lấy cái chuốt bút chì ra chơi với nhau mê mãi. Nhưng thằng Sửu còn bé quá không hiểu gì đã dại dột khờ khạo mang nó vào trường. Con Lan bắt gặp báu vật của mình trong tay người khác khi đi ngang qua gốc bàng cuối sân. Một cuộc giằng co xảy ra. Nóng nảy con bé xán Sửu một bạt tai nảy lửa. Cô vạch đám đông và chỉ cần nhìn qua đã nắm ngay sự việc:

- Lan, không được làm vậy.

Lan đỏ bừng mặt chỉ vào bàn tay đang nắm chặt của Sửu:

- Nhưng cái chuốt bút chì của con.

Cô vẫn nghiêm nét mặt:

- Về lớp ngay.

 

Con bé ấm ức lẻo đẻo theo cô. Suốt buổi học đó tôi cứ muốn chui xuống đất, nơm nớp lo cô phân xử rạch ròi trước lớp. Nhưng trên bục gỗ cô vẫn thản nhiên trầm bỗng giảng bài. Cuối giờ, chúng tôi đứng nghiêm chào cô. Tôi cúi đầu, cúi thật thấp chờ giờ phán xét. Một lúc sau ngửng lên tôi ngơ ngác vì cô đã ra khỏi lớp tự bao giờ. Thằng Sửu vẫn vô tư  đội mưa chạy băng qua sân trường chờ tôi trước cửa. Tôi chùi nước mắt giũ giũ tấm vải nhựa chòang vào cho em. Hai chị em lủi thủi bước đi dưới cơn mưa tầm tả. Nhà tôi nghèo, nghèo lắm, trống trưc, trống sau, cơm trộn ngô khoai cũng không có đủ. Cha mất sớm, mẹ làm ruộng cho hợp tác công điểm ít ỏi nên bữa đói bữa no. Trời mưa hai chị em tôi đi học chỉ có chung một tấm bạt cũ mèm vừa dày vừa cứng, kéo phía này lại hở phía kia. Gió thốc vào cứ run lập cập. Đêm đó tôi khóc. Buổi học sau mới thực là một cực hình. Bạn bè chỉ chỏ, nghi ngờ, dò xét. Cô vẫn im lặng. Cô chối bỏ tôi rồi. Tôi gian dối mà. Vừa xấu hổ, vừa đau đớn tôi làm sai hết bài tóan đố, còn bài chính tả thì mắc đến bốn lỗi đầy ngớ ngẩn. Giờ tan lớp cô thu tập học sinh gọi tôi lại nhờ tôi ôm chồng tập về nhà. Tôi ngơ ngác vì đây là việc thường ngày của Lan kia mà. Hồi hộp, tôi lầm lủi theo cô. Khi chị em tôi chào cô ra về, cô đưa cho tôi một tấm vải nhựa nhẹ nhàng bảo: “Con mang về đi. Khóac cho em kẻo ướt hết.” Tôi nhận ra ngay đó là tâm vải nhựa cô vẫn phủ lên lu gạo nhà cô. Thằng Sửu hớn hở tung tăng trong chiếc áo mưa ấm áp. Còn tôi… Trời thì cứ mưa, vẫn mưa tầm tả…

 

Tôi nhìn tấm hình trước mặt. Nụ cười bao dung quá. Có phải cô, cô của con đó không? Trách con mà chi. Con thì cũng như bao nhiêu người bội bạc khác đã vội quên đi tất cả như một lẽ thường tình. Từ bấy đến nay bao nhiêu năm tháng trôi qua rồi. Cái chuốt bút chì con từng thèm khát đã bị vùi lấp dưới trăm ngàn thứ thèm khát khác trong đời. Cả tấm vải nhựa cô cho ngày đó giờ cũng chìm khuất trong mưa…

Ngọn đèn vàng tỏa một vùng sáng xuống trang giấy trắng. Tiếng thằn lằn chắt lưỡi đến xốn xang. Bốn trăm chữ… Tôi lại cầm bút viết rồi xóa, viết rồi xóa… Có một cái gì đó dồn nén trong tôi mà không thể trào ra ngòi bút. Cô, có phải cô của con đó không? Cô bảo tôi ngày xưa cô đã từng dạy học ở Huế. Học trò miền Trung nghèo lắm, thiếu thốn trăm bề. Sao lúc đó tôi không nghĩ ra để hỏi rằng cô có biết học trò vùng phụ cận Huế còn nghèo hơn, nghèo thắt ruột, rằng có bao giờ cô dạy ở trường tiểu học An  Hòa? Cô còn nhớ không, những mái tranh nghèo xơ xác, cô còn nhớ không, con đường đến trường lồi lõm vết chân trâu… Và cô còn nhớ không, cái lu gạo của cô ngày đó… Người ta bảo nhau rằng chỉ khi nào mẹ chồng cô từ Huế về thăm cô mới mở lu ra để cả nhà có bữa tinh tươm. Người ta lại thì thầm rằng bà cụ lui tới giữ vợ cho con mình là quá đúng. Cô còn trẻ quá. Cũng có lẽ vì những cuộc viếng thăm quá đều đặn của mẹ chồng mà cô nhanh chóng rời bỏ xóm nghèo ra đi. Cô theo nhà chồng lên Huế. Bạn bè chúng tôi nhìn nhau buồn ngơ ngẩn.

 

Ngày mai khi gặp cô tôi sẽ kể cô nghe tất cả. Dẫu An Hòa với cô hòan tòan xa lạ thì cô vẫn là hiện thân cô của ngày xưa. Tôi tin cô sẽ mở rộng lòng đón nhận tôi như đón nhận một trong trăm ngàn đứa học trò của cô đã vô tình hăm hở quay lưng, để rồi bỗng nhiên có một ngày tình cờ quay đầu nhìn lại. Cô đã chẳng bảo tôi rằng cứ coi cuộc gặp gỡ này như một cơ duyên đó sao. Còn tôi, có một điều gì bí ẩn cứ cuốn hút tôi về phía cô. Một điều gì cứ như ngọc còn nằm trong đá. Có những phẩm chất của con người không thể liệt kê bằng những gạch đầu dòng đơn giản. Bông hoa tôi chọn vẫn đẹp lặng thầm và nhẫn nại tỏa hương.

Ngày ấy, bằng lòng bao dung của cô, cô đã khắc sâu trong tôi bài học về lòng trung thực. Tôi đã quên cái chuốt bút chì, tôi đã quên tấm vải nhựa che mưa và có lẽ cả họ tên cô, hình bóng cô trong tôi cũng mơ hồ đâu đó. Nhưng trên đường đời, mỗi lần tôi muốn hất cái gì đó vào dưới gậm bàn thì trong tiềm thức tôi bật dậy một chữ “không”. Một chữ “không” dứt khóat. Tôi hiểu chữ “không” đó chính là bài học đầu tiên về lòng trung thực mà cô đã dạy tôi. Như nét bút đầu tiên viết lên tờ giấy trắng…

 

Tôi bước vào đời, điên đảo vì cuộc mưu sinh nhưng đêm đêm không thẹn lòng khi ngồi thẳng người, đối diện với tờ giấy trắng, cầm bút viết ngay hàng. Đọc lại trang bản thảo một lần nữa tôi hiểu tại sao bức chân dung tôi phác họa lại nhạt mờ đến thế. Trong bốn trăm chữ tôi đã không làm bật lên được một chữ “tâm”. Tôi loay hoay, tôi trăn trở. Tôi là một nhà báo. Bốn trăm chữ… Đặt bút xuống, tôi ngước nhìn trời. Một trời sao lóng lánh. Tôi mĩm cười. Hay là mình thử viết văn?./.

 

 

 

Ngô Thị Ý Nhi
Số lần đọc: 1846
Ngày đăng: 04.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hảo Mộng - Vũ Anh Tuấn
Trò đùa của trời - Nguyễn Hiếu
Cơn bão - Phạm Phương
Hai Người Mẹ - Quý Thể
Đồ chơi - Lưu Quang Minh
Cổ tích mới - Lê Văn Thiện
Thiền Sư Kiến Đức - Vũ Ngọc Tiến
Mùa Xuân Ở Trần Gian - Nguyễn Thị Thanh Bình
Lớp Học Hai Người - Nguyễn Trung Nguyên
Róc Rách Suối Ngầm - Lê Văn Thiện