Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.617
 
Marilyn Monroe đuổi bắt ảo ảnh
Sâm Thương

Nhân kỷ niệm lần thứ 25 ngày Marilyn Monroe qua đời, khán giả Mỹ và châu Âu được xem bộ phim tài liệu mang tên Norma Jean, tức Marilyn Monroe (Norma Jean, Dite Marilyn Monroe) của André Romus và Marcia Lerner. Đó là những thước phim chưa được sử dụng, một số trường đoạn thuộc sinh hoạt hoặc trích từ những phim truyện do Marilyn đóng. Lời trong phim một phần do Marilyn nói về chính mình, trích từ những cuộn băng do Goerges Belmont, nguyên chủ bút tạp chí Marie Claire phỏng vấn Marilyn tại Hollywood năm 1960. Đặc biệt người thuyết minh kiêm dẫn chuyện và hình ảnh chen lẫn cạnh hình Marilyn với vai trò người dựng phim là Catherine Deneuve, một ngôi sao nổi tiếng hơn hai thập kỷ qua của điện ảnh Pháp và thế giới. Khi nhìn thấy lại hình ảnh Marilyn trong phim, Catherine Deneuve đã phải xúc động thốt lên: “Tôi chưa bao giờ thấy được một hình ảnh đẹp như vậy trên màn ảnh”.

 

 

Marilyn Monroe tên thật là Norma Jean Baker, cũng có tài liệu ghi là Norma Jean Mortenson, sinh vào lúc 8 giờ 30 phút sáng 01.6.1926 tại Los Angeles, California.

 

Ngay cái tên gọi thật của Marilyn cũng cho thấy có một cái gì bất ổn, chua xót trong số phận của cô. Marilyn có họ là Baker hay Mortenson? Cả hai đều không có gì là chắc chắn cả. Bởi như chính cô đã thú nhận thì mẹ cô, Gladys Monroe có tới 5 đời chồng, và người chồng đầu tiên của bà có họ là Baker, người chồng kế tiếp theo là Mortenson. Nhưng bà đã ly dị cả hai người trước khi sinh ra cô. Có thể cha của Marilyn là một người Na Uy, nhưng ông đã chết trong một tai nạn ô tô trước khi cô ra đời.

 

 

Cha mất hoặc không biết rõ ai là cha thật của mình đã là điều bất hạnh, Marilyn còn gánh chịu thêm nỗi đắng cay khác nữa: Có mẹ nhưng không hề biết thế nào là tình mẫu tử. Bởi vì mẹ Marilyn mắc chứng bệnh di truyền, chứng rối loạn thần kinh và bà đã chết trong nhà thương điên như cha mẹ bà trước đó. Suốt thời thơ ấu không bao giờ Marilyn được ở chung với mẹ. Cô bé được hết người này đến người khác nuôi, chịu bao điều ghẻ lạnh ngược đãi. Cuối cùng bị đẩy vào cô nhi viện giữa hàng trăm trẻ em bất hạnh khác. Ở đó, cô bé được đi học nhưng không phải không gánh chịu bao nhiêu tủi nhục, đắng cay trước những trò đùa nghịch trêu ghẹo của đám học sinh khác về số phận hẩm hiu của đời mình.

 

Jane Russel, một ngôi sao nổi tiếng khác của màn bạc Mỹ, đã từng đóng chung với Marilyn trong Những Người Đàn Ông Thích Phụ Nữ Tóc Vàng (1953) cho biết: “Nỗi khát khao lớn nhất của Marilyn khi còn ở tuổi thiếu niên, như Marilyn tâm sự, là làm thế nào để thoát ly khỏi số phận của một đứa bé ở cô nhi viện, thoát ly khỏi số phận của chính cô để trở thành một cái gì đó cô không biết, nhưng không thể là cái hiện tại của cô ở cô nhi viện”.

Thế là Marilyn đã xin được một chân làm công nhân: thợ xếp dù cho một nhà máy sản xuất dù cho binh chủng Dù của Mỹ. Ở vào tuổi 18 (1944), Marilyn đã quyết định lấy một công nhân cùng làm việc trong nhà máy với cô (có tài liệu nói là nhân viên cảnh sát), James Dougherty, lớn hơn cô hai tuổi, mà cô chỉ có cảm tình hơn là yêu, với hy vọng hôn nhân là một giải thoát cho cái tâm trạng cô đơn khắc khoải của chính cô. James Dougherty thì chất phác và thuần hậu, không có tham vọng nào khác ngoài chính cuộc sống mà anh đang có. Anh hết mực yêu thương vợ nhưng hoàn toàn bất lực trước những khát vọng, đòi hỏi về mặt tinh thần của vợ. Trong lần lựa chọn thứ nhất, Marilyn vẫn cô đơn và không có hạnh phúc.

 

 

Giữa lúc đó chiến tranh đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, và dù chiến tranh không tràn tới trên đất Mỹ (ngoài vụ bị tấn công ở Trân Châu Cảng), hàng ngày hàng giờ, thanh niên Mỹ vẫn ngã trên các mặt trận tại Thái Bình Dương, Âu, Á và châu Phi. Báo chí không ngớt đề cập đến tình yêu tổ quốc, ca ngợi những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh đó. Tại nhà máy sản xuất dù, David Conover, phóng viên của một đơn vị săn hình cho một phóng sự về những đóng góp của phụ nữ Mỹ ở hậu phương vào cuộc chiến đấu chống hiểm họa phát xít đã tình cờ bắt gặp người nữ công nhân trẻ tuổi, mà sắc đẹp với những góc cạnh trái nghịch, mâu thuẫn đến lạ lùng. Anh đã bám riết người nữ công nhân này suốt ngày để chụp hình. Những bức hình vừa in lên tạp chí Yank đã gây được sự chú ý, không chỉ làm cho David Conover nổi tiếng (tên tuổi anh cho đến nay vẫn được nhắc tới kèm theo những tấm hình tư liệu ấy), mà còn làm đổi thay cả số phận cô thợ trẻ. Làm sao cô có thể khước từ được lời mời hấp dẫn của anh, ít nhất đối với cô trong hiện tại đó... Anh hứa trả cho cô 5 đôla mỗi giờ nếu cô chịu làm người mẫu. Năm đôla mỗi giờ đối với cô quá lớn, trong khi cô làm việc ở nhà máy cả tuần lễ mới được 20 đôla, mà mỗi ngày phải đến 10 giờ đứng suốt trên nền xi măng!

 

Khi chiến tranh kết thúc, Marilyn rời khỏi nhà máy, đến làm việc ở một hãng chuyên chụp ảnh quảng cáo. Cuộc tình duyên giữa Marilyn và Dougherty ngày càng trở nên bất ổn, Dougherty ý thức được ví trí của mình, thấy không có cách nào khác hơn là trả tự do cho Marilyn để cô có thể cất cánh bay đến phương trời mà cô mơ ước. Thế là anh đi tới quyết định ly dị với Marilyn (1946) để khỏi tự giày vò đau khổ.

 

 

Marilyn vẫn luôn không bằng lòng với thực tại của mình. Cô không chỉ muốn làm một người mẫu, dù là người mẫu nổi tiếng. Cô muốn trở thành một diễn viên điện ảnh. Có thể vì trong máu cô có nhiều tố chất điện ảnh, bởi người mẹ làm nghề dựng phim, cũng có thể là ấn tượng đã ghi sâu trong ký ức của cô ngay từ thời thơ ấu, khi cô được gửi tới nhà một gia đình người Anh ở Hollywood. Vì mỗi buổi sáng thứ bảy, chủ nhật, để khỏi phải vướng bận đời sống riêng tư, vợ chồng người cha mẹ nuôi đã dẫn Marilyn đến những rạp chiếu bóng lớn nhất ở Hollywood, rạp Erytien hoặc Grauman’s mà với 10 xu, Marilyn có thể vào coi đủ thứ phim cho đến hết ngày. Hình ảnh một Claudette Colbert trong bộ phim Cleopâtre (1934) của Cécil B.De Mille đã đánh thức nỗi ước mơ của đời cô. Nên khi được lãnh 5 đôla một giờ làm người mẫu, Marilyn không hề ngần ngại ghi tên học lớp nghệ thuật diễn xuất, dù họ phí cao tới 10 đôla một giờ! Sau này dù nổi tiếng, Marilyn đã yêu cầu John Huston giới thiệu cho cô tham dự lớp diễn xuất của nữ nghệ sĩ  Constens Kohler, người từng hướng dẫn cho những ngôi sao tên tuổi như Katherine Hepburn, Vivien Leigh và Audrey Hepburn v.v... Điều đó khẳng định sự lựa chọn của Marilyn cho bước đường tương lai của mình với một ý thức sáng suốt, coi trọng nghề nghiệp - đó là điều không ai có thể phủ nhận được.

 

Và việc gì phải đến đã đến. Những bức hình của Marilyn đã xuất hiện tràn ngập trên nhiều tạp chí buộc giới điện ảnh Hollywood phải chú ý. Thế rồi Ben Lyon, người phụ trách tuyển mộ diễn viên của Hãng 20th Century Fox đã tìm tới gặp cô. Sau khi ký hợp đồng, Ben gợi ý đặt cho cô một nghệ danh. Marilyn muốn lấy tên thời con gái của mẹ là Monroe để giữ mối dây liên hệ tình cảm với mẹ. Ben tán đồng, và thêm cho cô tên Marilyn ở đằng trước vì theo ông, đó là tên một ngôi sao nhạc kịch nổi tiếng ở sân khấu Broadway là Marilyn Mille, cũng khá giống cô. Từ đó Marilyn Monroe trở thành tên gọi của cô, một cái tên thật khó xóa bỏ được đối với bất cứ ai đã một lần nhìn thấy cô xuất hiện trên màn ảnh.

Khởi đầu từ những bộ phim  Dangerous Years (20th, 1947) cho đến khi từ giã cuộc đời, Marilyn đã có mặt trong 21 bộ phim, gồm: Ladies of the Chorus ( Col.,1948 ), Love Happy (UA, 1949), A Ticket to Tomahawk( 20th,1950 ),  The Asphalt Jungle ( MGM, 1950 ), All About Eve ( 20th,1950), Right Cross (MGM, 1950), The Fireball ( 20th 1951),  As Young You Fell (20th, 1951), Love Nest (20th , 1951 ) , Let’s Make It Legal ( 20th,1951), Clash by Night (RKO, 1952 ), We’re Not Marrried (20th, 1952 ), Don’t Bother to Knock ( 20th,1952) , Monkey Business (20th, 1952), O.Henry’s Full House ( 20th, 1952 ), Niagara (20th, 1953 ), Gentlemen Prefer Blondes( 20th 1954 ), How to Marry a Millionaire (20th,m1953 ), River of No Return (20th,1954), There’s No Bisiness Like Show Business (20th, 1954), The Seven –Year Itch (20th,1955 ), Bus Stop (20th, 1956 ), The Prince and the Showgirl (WB,1957 ), Some Like It Hot ( UA, 1959) , Let’s Make Love (20th,1960), và The Misfits (UA,1961).

 

Trong đó, bộ phim All About Eve (MGM,1950 ) của Joseph Mankiewicz đoạt giải Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất 1950, nhưng Marilyn Monroe chi đóng một vai nhỏ. Còn vai diễn của Marilyn Monroe trong Bus Stop ( 20th, 1956) được nhiều nhà phê bình điện ảnh đánh giá cao nghệ thuật diễn xuất của Marilyn Monroe. Tuy nhiên vai diễn của Marilyn Monroe trong Some Like It Hot ( UA,1959 ) của Billy Wilder mới là vai diễn tuyệt vời của cô . Bộ phim Some Like It Hot được chọn là kiệt tác , đứng đầu danh sách 100 phim hài hay nhất của mọi thời đại do Viện Phim ảnh Mỹ ( A.F.I ) bình chọn năm 2001. Trong đó, Marilyn Monroe đóng vai cô ca sĩ  ngọt ngào và duyên dáng như chính tên nhân vật cô thể hiện: Sugar. Đây  là một trong những vai  diễn của Marilyn Monroe được coi là thành công về mặt diễn xuất. Các nhà phê bình điện ảnh cho rằng Some Like It Hot cũng như Jack Lemmon và  Marilyn Monroe xứng đáng đoạt giải phim xuất sắc và giải Nam,Nữ diễn viên chính xuất sắc Oscar 1959, nếu Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ năm đó đã không bị choáng ngợp bởi bộ phim hoành tráng Ben Hur ( MGM,1959 )  của William Wyler.

 

Marilyn Monroe đã thực sự được khán giả khắp nơi trên thế giới biết tới, coi nàng như thần tượng. Hàng ngày tưởng chừng như không có một tờ báo nào không đề cập đến nàng - thậm chí với những hàng tít lớn, thật giật gân với những mẩu chuyện nhiều khi bịa đặt chung quanh cuộc sống và hoạt động nghệ thuật của nàng nhằm mục đích thương mại, hoặc ý đồ chính trị như trường hợp mối quan hệ giữa nàng và anh em nhà Kennedy. Thực ra nàng có một cuộc sống khác hẳn. Chính nàng đã tâm sự: “Tôi hy vọng còn đủ thời gian để làm việc, để trở nên tuyệt vời hơn trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống riêng. Đó là tham vọng duy nhất của tôi. Đó là điều duy nhất mà tôi biết và đem lại cho tôi ý nghĩa cuộc sống dù sao đi nữa, cũng không đến nỗi tuyệt vọng”. Do đó sau những giờ vật lộn dưới ánh đèn chói chang trên sàn quay, Marilyn rất ít xuất hiện ở những buổi chiếu ra mắt, những cuộc họp báo và tiếp tân. Có người tò mò về hiện tượng lạ lùng đó. Thật ra chẳng có gì bí ẩn cả: Marilyn ghi danh theo học lớp nghệ thuật diễn xuất buổi tối ở trường đại học Los Angeles.

 

Nguyện vọng trở thành một diễn viên đúng nghĩa của Marilyn không được người ta đồng tình. Họ chỉ muốn nàng là một diễn viên phù phiếm, gợi dục và ngốc nghếch. Marilyn khao khát một đời sống trí thức, nhưng nỗi mơ ước đó lại bị xã hội Mỹ chế giễu. Có lần trong một cuộc họp báo ở New York khi nàng bày tỏ ý muốn đóng một vai trong phim Anh Em Karamazov thì một phóng viên đã lên giọng cười cợt nàng. Nàng hiểu và đã bình tĩnh trả lời: “Phải, tôi không đánh vần được một cái tên nào trong số tên các nhân vật của Dostoievsky mà tôi nói với anh”. Thế nhưng khi đọc chữ Dostoievsky, nàng đã cố ý cho thấy nàng đã phát âm rất chuẩn xác.

 

Năm 1954, Marilyn tình cờ gặp Joe Di Maggio, một vận động viên bóng chày nổi tiếng của Mỹ. Và họ như hai vầng sáng bị hút vào nhau. Cuộc tình của họ đã làm cho công chúng mê mẩn theo dõi, nhưng nó kéo dài không đầy chín tháng thì họ phải ly dị. Vì bên cạnh Marilyn nhà vô địch trở nên vụng về, thô thiển không thể cảm thông được với tâm hồn nhạy cảm sâu sắc, luôn luôn muốn vươn tới một cái gì cao đẹp hơn, lý tưởng hơn của Marilyn. Mặt khác Di Maggio lại là một con người hay ghen, chỉ muốn chiếm hữu, và chỉ thích đọc truyện Batman trong khi Marilyn thì lại thích đọc William Faulkner, Marcel Proust và Leon Tolstoi...

 

Một lần nữa trong cuộc tìm kiếm dấu vết hạnh phúc, Marilyn vẫn còn lại một mình đứng trước gương soi. Hạnh phúc là gì, nó có hay không trong cõi bụi trần này? Marilyn đưa tay sửa lại mái tóc. Nàng không thể không thấy mình đẹp. Một sắc đẹp kỳ ảo có thể làm say đắm bất cứ ai. Nhưng nàng cũng không khỏi cảm thấy chua xót. Trong cái im lặng cô tịch đó, nàng nghe tiếng bước chân thời gian đang len lỏi tàn phá cái nhan sắc mộng mị của nàng. Cánh cửa bị gió lay động làm nàng chợt tỉnh, nàng cố găng xua đi những ám ảnh. Nàng vẫn không chịu bỏ cuộc, nàng vẫn hăm hở lên đường đi vào cuộc tìm kiếm mới. Sự thất bại và khổ đau trong cuộc sống của nàng nhất định đã làm phong phú hơn, tinh tế hơn nghệt thuật diễn xuất vốn đã là một cái gì đó không thể lý giải được. Nghệ thuật chính là chỗ dựa cuối cùng của Marilyn: Chính nàng đã có lần thổ lộ với Whitney Snyder, chuyên viên phụ trách hóa trang cho nàng: “Nếu như tôi không phải là diễn viên, có lẽ tôi đã không sống nổi. Mỗi khi ngồi vào chiếc ghế hóa trang tôi quên tất cả những đau đớn, tủi nhục mà tôi phải hứng chịu. Tôi chỉ có hạnh phúc khi tôi đang là nhân vật của tôi trên sàn quay”.

 

Norma Jean vẫn ẩn nấp bên trong con người của Marilyn rực rỡ mãi mãi khao khát tình yêu, khao khát sự cảm thông và một đời sống trí thức. Cuối cùng nàng đã gặp Arthur Miller và họ đã cưới nhau vào năm 1956, hai năm sau khi nàng ly dị với Joe Di Maggio. Arthur Miller là một nhà văn, một nhà viết kịch, một mẫu người trí thức mà nàng từng mơ ước. Khi đến với Miller nàng đã phó thác hết niềm tin và ước vọng của đời nàng trong vòng tay ông. Nàng không chỉ muốn có được một đứa con với ông, nàng muốn có được hạnh phúc thực sự với ông, mà còn muốn ông ủng hộ cuộc đấu tranh của nàng để trở thành một diễn viên chân chính: “Tôi muốn là một diễn viên chứ không phải là một kích thích tình dục”. Nhưng đứa con mà nàng mơ ước có với ông đã phải chết trong mang thai, và nàng vĩnh viễn không được làm mẹ. Arthur Miller như một số tác giả đã biện hộ cho ông về lý do thất bại trong cuộc sống hôn nhân giữa ông và nàng là do đầu óc ông tỉnh táo quá, lạnh lùng quá, đến nỗi Marilyn cảm thấy khó có thể tiếp cận, hòa nhập được với ông. Giá như lập luận đó là đúng, theo tôi đâu phải Arthurr Miller không phải gánh chịu một phần trách nhiệm về nỗi cô đơn và tâm trạng tuyệt vọng của nàng? Vậy thì tất cả những cái đó đã cùng với bầu khí chung quanh mà nàng hít thở, với xã hội mà nàng chung đụng, đang phân tách tan rã về đạo lý và sụp đổ vể tư tưởng, đang tạo nên một sự khủng hoảng niềm tin, như Arthur M.Schlésinger Jr. từng nói đến (The Crisis of Confidence, Bartam Books, New York, 1969) chính tất cả những cái đó đã đẩy người diễn viên nổi tiếng vào sự cô đơn và tuyệt vọng.

 

Gạt ra ngoài những ý kiến của một số cây bút viết vì mục đích thương mại đã cố tình gán ghép, hoặc hiểu lệch lạc về Marilyn với những thói tật không lấy gì làm tốt đẹp cũng như những cuộc tình giữa nàng và anh em nhà Kennedy. Chúng ta có thể nhìn thẳng vào cuộc đời Marilyn để thấy rõ ràng nàng không giống như họ phát vẽ. Nàng luôn luôn muốn vươn tới những giá trị nhân bản nhất, không chỉ ở vị trí của một diễn viên điện ảnh, mà ở thế đứng của một phụ nữ, và hơn nữa là của một con người. Chúng ta có thể nhớ lại câu chuyện được nhiều người nói tới về bản thân Marilyn: Một hôm ở căn nhà mới tậu ở Roxbory, bất ngờ Marilyn nhìn thấy người ta đang đẩy một con bê nhỏ lên xe tải. Nàng quay lại hỏi Arthur Miller: “Họ đang làm gì con vật?”. Khi được biết người ta đưa con bê đi để làm thịt, thế là Marilyn gào lên, nàng không muốn con vật phải chết. Nàng dốc hết tất cả số tiền trong ví, trong ngăn kéo đòi Miller phải mua lại cho kỳ được con bê. Sự việc đó đã tạo cảm hứng cho Arthur Miller viết truyện ngắn Xin Đừng Giết Một Con Vật Nào Cả. Tất nhiên, Miller có thay đổi chút ít chi tiết, con bê được thay bằng con cá và được trả lại biển. Nhưng đối với Marilyn thì vấn đề trở nên trầm trọng hơn nhiều: việc giết một con vật nhỏ bé ấy khác gì so với việc giết một con người? Nàng không thể chịu nổi. Với tâm hồn nhạy cảm và nhân ái như vậy, làm sao nàng có thể chịu đựng tất cả những gì đang diễn ra chung quanh? Và cuối cùng nàng đã trượt dần vào cái đêm 5.8.1962, nằm chết trên giường, bằng một liều thuốc cao Barbituric, chưa đầy một năm sau ngày nàng ly dị với Arthur Miller.

 

Cái chết của Marilyn Monroe đã làm chấn động dư luận khắp nơi trên thế giới. Mới đây một số nhà nghiên cứu xã hội học đã công bố số người tự tử vì ngưỡng mộ Marilyn Monroe lên tới cả ngàn người! Đặc biệt ở một nơi rất xa Hollywood, mấy hôm sau khi nàng chết, tại một ngôi chùa lớn ở Nhật Bản, bức hình Marilyn Monroe mặc áo tắm tươi cười được phóng lớn và được đặt trang nghiêm trước điện thờ trong một buổi lễ cầu siêu cho nàng, với sự tham dự của hàng trăm vị sư, trong đó có nhiều bậc cao tăng. Còn nữa, dù là để ca ngợi hay với mục đích thương mại, cũng đã có tới 50 quyển sách viết về cuộc đời của Marilyn, trong đó có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Truman Capote, Norman Mailer, Carl Sandburg, Arthur Miller... Chỉ mới trong hai năm gần đây, đã có thêm nhiều quyển sách viết về Marilyn được xuất bản như Marilyn Tình Yêu Của Tôi của André De Dienes, Joe Và Marilyn, Ký Ức Tình Yêu của Roger Kahn, Marilyn gồm những bức ảnh của Goerges Barris kèm lời chú giải của Gloria Steinem và Những Bí Ẩn Cuộc Đời Của Marilyn Monroe của Anthony Summers v.v... Và người ta còn khám phá trong suốt 25 năm qua có một người mỗi ngày vẫn đặt một bó hoa hồng đỏ thắm trên mộ của Marilyn, đó chính là Joe Di Maggio, người chồng thứ hai của nàng, mà ai cũng tưởng đã căm ghét nàng đến tận xương tủy sau khi ly dị. Năm 1986 ở tuổi 72, Joe Di Maggio đã bày tỏ ước nguyện của đời mình là muốn được chôn chung mộ với Marilyn sau khi chết.

 

Tất cả những sự việc kỳ bí và lạ lùng đó chưa cho phép chúng ta lường đoán được ảnh hưởng thực sự của Marilyn như thế nào trong đời sống của chúng ta trong những thập kỷ qua và sắp tới. Không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng đó. Sắc đẹp và tài năng của Marilyn đã từng làm xao động một thời thơ trẻ của tôi. Nàng đã chinh phục con người không chỉ bằng hình tượng của nàng trên màn ảnh, mà còn là một chứng tích của một nghệ sĩ điêu đứng, sống hốt hoảng với ý thức phân tán trước sự đổ vỡ của con người và nền văn minh hiện đại. Suốt đời Marilyn như một cánh buồm xuôi gió, nổi trôi bập bền trên đại dương... Nàng cứ đi, lầm lũi vượt qua cái sống đến với cái chết. Đối với nàng, cái sống cái chết không có ranh giới./.

Sâm Thương
Số lần đọc: 3430
Ngày đăng: 06.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Anh Hùng: tính nữ của tôi rất lớn - Nguyễn Thị Dạ Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 1 - Sâm Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 2 - Sâm Thương
Yilmaz Guney , Người tử tù bị săn đuổi. - Sâm Thương
Francois Trufaut- nhà điện ảnh cổ điển của đợt sóng mới - Sâm Thương
Điện Ảnh Việt Nam Thời Khai Sinh-1 - Sâm Thương
MƯỜI BA BẾN NƯỚC : Từ văn chương sang điện ảnh. - Nguyễn Hoàng Đức
Nguồn gốc của tên gọi Nghệ thuật thứ bảy. - Vũ Quang Chính
Cũng một đời nghệ sĩ - Hoàng Nguyên Nhuận
ĐIỂM PHIM: Đàn Bà Trên Đời - Phim Truyền hình Hàn Quốc. - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)