Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.129
123.227.974
 
Lộng giả thành chân
Vũ Anh Tuấn

Vũ Anh Tuấn dịch một truyện của Pierre Bellemare

 

Ngày 6 tháng 9, 1974: một chiếc xe Volkswagen màu đỏ, mui trần, chạy văng mạng trên các phố phường ở Hambourg. Người lái xe là một thanh niên trạc 20 tới 25 tuổi, tóc vàng óng, mắt xanh, nét mặt khá điển trai, nhưng hơi ẻo lả. Mồ hôi trên trán hắn vã ra như tắm, thỉnh thoảng hắn lại chùi bàn tay đẫm mồ hôi vào chiếc áo len để đỡ trơn.

 

Kurt Eggen chạy bừa đi, và luôn luôn đổi hướng để đề phòng những kẻ đuổi theo; do đó, hắn đã chạy lòng vòng trong thành phố cả nửa tiếng mà vẫn chưa dám sử dụng một con đường chính xác nào để chạy xa xa lộ, là nơi hắn có thể bị bất cứ xe cảnh sát nào tóm bắt.

Quả thực là hắn đã hành động một cách cuồng dại, khi ăn trộm một chiếc xe hơi màu đỏ, lại còn mui trần để đi ăn cướp; làm như vậy có khác gì sử dụng một xe cứu hỏa để ai nấy đều phải chú ý tới.

 

Kurt Eggen hiện đang rất vội vã. Hắn cần phải chạy thoát ngay, vì không thể còn lựa chọn nào khác…

 

Trong lúc vội vã luồn lách ở giữa làn xe cộ đang di chuyển, Kurt Eggen cố xua đuổi các kỷ niệm trong đầu óc. Tất cả đều là những kỷ niệm đen tối, tầm thường, chẳng có gì đáng kể: thời thơ ấu sống bên bà mẹ đơn chiếc khi cha hắn bỏ đi, những ngày đầu đời khi 17 tuổi và chẳng biết làm chi cho ra hồn, ngoài một số công việc làm thuê lặt vặt, lẩm cẩm, mà động làm việc gì là vừa vào đã bị tống ngay ra cửa.

 

Hắn chỉ thành công nhiều với các “em”, nhờ bộ mặt khá điển trai và dáng điệu rất “thanh niên Đức” của hắn. nhưng đây cũng chỉ là những cuộc tình tạm bợ, không ngày mai. Hắn chỉ thực sự “kết” có hai người trong số các thiếu nữ đó: Ingrid, một nữ y tá, và Carlotta, một cô giáo. Nhưng khi hắn đặt vấn đề cưới hỏi thì cả hai đã tỉnh bơ cười vào mũi hắn… vì ai mà đi lấy típ người như Kurt Eggen!

 

Cách đó một năm, Kurt tưởng đã tìm được một việc làm bền vững khi làm đại diện thương mại. Nhưng rồi hắn được hai bạn đồng nghiệp rủ rê hùn vốn đứng ra làm ăn riêng. Đó là cả một thảm họa, vì, chỉ chưa đầy sáu tháng là công ty đã vỡ nợ, để bây giờ, chủ nợ dượt hắn chạy có cờ…

 

Thế là Kurt Eggen quyết định dấn thân, liều đi ăn cướp một lần. Do đó, hắn đã đánh cắp một chiếc Volkswagen màu đỏ, và dùng một cây súng giả đánh cướp một chi nhánh của Ngân Hàng Thương Mại. Quá hoảng sợ, người thủ quỹ đã mở két nộp ngay cho hắn 100.000 Mác, một số tiền khá lớn với một kẻ mới chập chững vào nghề… Cố nhiên là với điều kiện hắn phải có đủ sự bình tĩnh để êm thấm rời khỏi Hambourg. Kurt Eggen cảm thấy nỗi kinh hoàng đang dần dần xâm chiếm tâm hồn hắn.

 

Để đầu óc bớt căng thẳng, hắn mở radio, và bị ngay một cú sốc dữ dằn, vì hắn mở đúng lúc bản tin đang được loan đi: “Một vụ cướp vừa xảy ra ở Ngân Hàng Thương Mại, tên cướp hành động đơn độc là một thanh niên tóc vàng trạc 25 tuổi, đang trốn chạy trên một chiếc xe Volkswagen màu đỏ, mui trần. Hắn có mang vũ khí, và ngay giờ phút này các lực lượng cảnh sát đông đảo đang bủa vây khắp thành phố.”

 

Kurt Eggen suýt đụng phải một chiếc xe đậu ở bên đường. Lúc này hắn vô cùng hối tiếc đã lao vào một cuộc phiêu lưu vượt rất xa sức chịu đựng của hắn. Hắn cảm thấy như đang đau như xé. Hắn đã trở thành con mồi đang bị săn đuổi, trong khi để tự bảo vệ, hắn chỉ có trong tay một khẩu súng giả, thứ cho con nít chơi. Hắn sắp lìa đời ở tuổi 25, trong buổi sáng chói chang ánh nắng hồng này…

 

Chiếc Volkswagen khựng hẳn lại khi hắn đạp thắng một cách vội vàng, và phát ra một tiếng két ghê rợn. Hắn cấn phải tự cứu lấy mạng sống, và để được như vậy chỉ còn một cách duy nhất: hắn phải đầu hàng ngay khi đụng người cảnh sát đầu tiên. Xa xa trước mặt, thấp thoáng bóng một cảnh sát mặc trang phục; hắn cảm thấy như đã gặp cứu tinh. Hắn chạy ào lại, hai tay dơ cao để đầu hàng, miệng la lớn:

- Xin đừng bắn! Tôi xin đầu hàng.

 

Quá bất ngờ và vì ngạc nhiên, viên cảnh sát phải mất mấy giây mới chợt hiểu tình hình; trong khi đó, chung quanh Kurt Eggen có tiếng trẻ nít la hét hoảng sợ. chính vào lúc đó tên cướp trẻ mới hiểu rằng hắn đã xông vào một ngôi trường, và viên cảnh sát đang dạy cho lũ trẻ nít một bài học về giao thông trên công lộ.

 

Đến đây chấm dứt sự nghiệp ăn cướp của Kurt Eggen. Có lẽ chính vì sự ngờ nghệch, và tài ăn cướp quá kém cỏi của hắn, đã khiến hắn được hưởng sự khoan hồng của các thẩm phán: Kurt Eggen chỉ lãnh có 3 năm tù ở. Và đây chính là khúc dạo đầu của cuộc đời ly kỳ của hắn sau này.

 

Tại khám đường Hambourg, cuộc đời tiếp tục bạc đãi, hành hạ Kurt Eggen một cách hãi hùng. Điều mà hắn không biết là, khám đường cũng chính là hình ảnh của cuộc đời thường bên ngoài: cũng có tranh chấp, bon chen, cũng có những đẳng cấp xã hội, trong đó những kẻ hèn kém vẫn muôn thuở là những kẻ hèn kém. Với chuyện ăn hàng kiểu tấu hài của hắn, Kurt Eggen thực sự bị các ban tù coi còn kém hơn cả… đồ bỏ. Hắn nhanh chóng trở thành tên nô lệ, kẻ bị các bạn tù mặc sức hành hạ. với khuôn mặt khá điển trai, hắn lập tức bị đặt tên là: “Nhỏ gái”.

- Ê, Nhỏ gái! Lại đây lau dép cho ta.

- Nè, Nhỏ gái! Mi phải biếu ta một gói thuốc lá đấy nhé, mai mà không có thì ta lột da.

 

Kurt có lúc còn bị tấn công tình dục bởi lũ đồng tính luyến ái. Và, cũng chắc vì vấn nạn này nên sau khi thưa gửi với Ban Quản Giáo, hắn được đổi sang một phòng giam khác.

Bước chân vào phòng giam mới, hắn sợ hãi đến dựng tóc gáy: bạn tù duy nhất của hắn ở phòng này là Thomas Kruger, tên đại đại bàng, tên tướng cướp lừng danh nhất trong khám đường Hambourg này. Các thành tích của Kruger là một huyền thoại mà không một ai trong khám đường này không thành thuộc. Bị bắt sau lần ăn cướp có vũ trang thứ mười một – và chỉ bị bắt vì có người tố giác - Kruger lãnh 20 năm tù giam. Một thời gian sau hắn tìm cách vượt ngục và đã giết chết người cai ngục; lần này, hắn lãnh bản án chung thân.

 

Ngay khi cánh cửa nặng nề vừa khép lại, Kurt Eggen thu mình lại thật nhỏ, run sợ nép vào một xó trong căn phòng. Kruger chẳng thèm ngó ngàng gì tới hắn, mà chỉ chăm chú gục đầu vào cuốn truyện tranh anh ta đang xem. Thỉnh thoảng, Kruger ré lên cười một mình. Nằm trong xó, Kurt Eggen không dám động đậy, hầu như thở cũng chẳng dám thở. Cuối cùng Kruger cũng đứng dậy. Anh ta cao lớn khác thường, trông như một người khổng lồ. Tóc để theo lối bàn chải, mặt đỏ ké, hai bàn tay có những ngón to như chuối mắn, lại đầy lông lá; đây chính là những bàn tay đã bóp chết người cai ngục, việc mà ai nấy ở nhà tù Hambourg này đều biết cách tường tận. Anh ta tiến vế phía Kurt, lúc này đang cố thu mình cho nhỏ bé hơn nữa. Anh ta đưa cho Kurt cuốn truyện tranh:

- Nè, anh bạn nhỏ, muốn lấy đọc không?

 

Kurt Eggen ngẩng đầu lên… Thế này là thế nào? Kruger đã không gọi Kurt là “Nhỏ gái”, giọng nói của anh ta có vẻ hòa dịu, dễ thương. Phải chăng đây là một tiểu xảo để hành hạ hắn cách tinh vi, quái ác hơn? Nhưng kẻ kia vẫn đứng đó và vẫn dí cuốn truyện tranh vào mặt hắn. Anh ta còn mỉm cười nữa:

- Ê, anh bạn nhỏ, có chuyện gì không ổn hả?

 

Không, đây không phải là một trò tinh vi ác độc. Kruger hỏi rất thành thực, chân tình. Từ khi Kurt bước chân vào nhà tù, đây là lần đầu tiên hắn được một bạn tù nói chuyện với hắn một cách nhân đạo.

Và, vì chịu đựng hết nổi, Kurt Eggen bật khóc.

Người khổng lồ ngồi xuống bên hắn:

- Này, có chuyện gì vậy, kể coi!

Kurt Eggen thở hổn hển:

- Chúng là các tên độc ác khác. Bọn chúng hành hạ tôi cách thả dàn, ôi tôi muốn chết quách cho rồi.

 

Thomas Kruger lộ vẻ bất bình, ánh mắt anh ta đanh lại.

- Tất cả các chuyện đó từ nay coi như chấm dứt, anh bạn nhỏ ạ. Để ta truyền đời báo danh cho tất cả chúng nó biết, đụng tới bạn là chúng dám cả gan đụng tới ta đây. Rồi xem, đố còn có đứa nào dám làm gì bạn, tin ta đi! Trong tù, tin tức truyền đi nhanh hơn cả thuốc nổ. Ngay sáng hôm sau, Kurt Eggen thấy ngay một sự thay đổi thái độ nơi tất cả các tù nhân. Mọi người bây giờ nhìn hắn với một vẻ như sợ hãi, đôi lúc còn có vẻ kính trọng nữa. chẳng còn ai dám gọi xách mé hắn bằng cái tên “Nhỏ gái”.

 

Tất cả chắc đều tự hỏi không hiểu bằng cách nào, mà tên nhóc con cà chớn này lại có được sự che chở của tên Đại Đại Bàng của nhà ngục này? Và, cũng kể từ lúc này, cuộc sống của Kurt bước sang một khúc quanh mới, vì, cuối cùng, cũng đã có người thực sự quan tâm hắn. Thomas Kruger bảo hắn kể lại vụ đanh cướp tài tử của hắn. Nghe xong, Thomas Kruger không những không cười hắn, mà cũng không chế nhạo gì cả. Kurt quá sức ngạc nhiên và hắn tự hỏi tại sao việc đời lại chuyển biến kỳ lạ như thế này? Sau khi giữ im lặng một phút, Kruger tâm sự:

- Anh bạn nhỏ biết không, trong những vụ đầu tiên tôi cũng làm hỏng, chỉ có điều những chuyện này không ai được biết cả, nhưng rồi cứ làm mãi tất phải trở thành thành thạo, tin tôi đi!

Kurt Eggen hăm hở hỏi:

- Vậy thì phải làm gì, phải làm thế nào?

- Anh thấy không, anh bạn nhỏ, điều tối cần thiết là phải làm cho thiên hạ coi trọng mình. Để được như vậy, chỉ có một cách duy nhất: không được sợ một cái gì cả. ngay cả khi gặp phải đứa cao, to gấp đôi mình, cũng cứ phải xông vào đánh nhầu. Anh có thể bị thua, nhưng thua như một người đàn ông đúng nghĩa của nó. Điều này là điều tối ư quan trọng.

Kurt nghe những lời giáo huấn đó trong niềm hân hoan tuyệt đỉnh.

- Rồi ai nấy cũng phải coi trọng tôi phải không? Họ không rẻ rúng coi tôi như đồ bỏ nữa phải không?

Thomas Kruger cười gằn:

- Tin tôi đi anh bạn nhỏ, vạn sự khởi đầu nan, sau đó mọi sự sẽ trở nên dễ dàng, hanh thông.

 

Người trẻ tuổi vẫn chưa hết hỏi:

- Còn bọn con gái thì sao? Có hai đứa đã rất khinh khi tôi: Ingrid và Carlotta.

Thomas Kruger cười ngất:

- Bọn đàn bà con gái à? Chúng chỉ mong được vâng lời. Rồi bạn thấy, khi bạn đã trở thành một tay anh chị bự, bạn muốn làm gì chúng cũng được.

 

Một tay anh chị bự… Kể từ lúc này Kurt Eggen cảm thấy mình đã thật sự trở thành anh chị bự. Hắn quyết định sẽ phải trả hắn, phải thanh toán tất cả những nỗi khổ nhục hắn đã phải chịu. Theo sát những lời giáo hóa của Kruger, hắn ra mặt khiêu khích các bạn tù, kể cả những tên có tiếng là dữ dằn. Nhưng sự che chở của tên trùm quả là quá hiệu lực, vì không ai dám thực sự ra mặt đối đầu. Dần dần Kurt trở thành hiếu chiến, gây sự đánh nhau tùm lum. Hạnh kiểm của hắn làm hắn bị nhốt chuồng cọp nhiều lần, mỗi lần bị nhốt ảnh hưởng của hắn gia tăng thêm…

 

Ba năm đã trôi qua, ngày 6 tháng Hai, 1978, khi ra tù, Kurt Eggen bỗng cảm thấy thời gian trôi quá nhanh. Hắn không còn có bộ mặt hiền hòa và vô vị như khi hắn đi ăn hàng lần đầu tiên. Những vết nhăn đã xuất hiện hai bên mép, và đôi lúc hắn có cái nhìn khó có ai chịu đựng nổi. Ba năm ở tù vừa qua quả đã quyết định rất nhiều đến tương lai của hắn.

Khỏi cảnh tù đày, hắn quyết định đền bù thời gian đã mất.

 

Nhờ được Thomas Kruger giới thiệu hắn bước vào giới giang hồ bằng con đường lớn. Nhưng hắn từ chối phắt tất cả những đề nghị làm ăn với các băng nhóm, vì ngay trước mắt, hắn có một công việc phải làm ngay - một công việc thuộc phạm vi thuần túy cá nhân…

 

Mười ngày sau, sử dụng một khẩu súng lục – lần này là thứ thiệt chứ không phải súng nhựa – hắn đến ngôi trường làng ở vùng phụ cận Hambourg. Đây là nơi làm việc của cô giáo Carlotta Schneider, một trong hai người thiếu nữ hắn đã thiệt sự yêu, đã cười vào mũi và từ chối tình yêu của hắn. Kurt làm việc này vì, trước khi thực hiện các phi vụ lớn, hắn muốn loại bỏ hẳn quá khứ ươn hèn của hắn. Lúc trước, Carlotta đã khinh thường, nhạo báng hắn, giờ đây nàng nên chống mắt mà xem hắn ra tay!

 

Hai tay đút túi quần, vành mũ sụp xuống tận mặt, Kurt hiên ngang bước vào ngôi trường vào giờ tan học. Nhìn thấy hắn Carlotta ngớ ra vì kinh ngạc. Nàng hỏi hắn bằng một giọng đượm vẻ lo ngại:

- Anh đến đây làm gì?

Kurt Eggen sấn lại bên nàng.

- À, vì anh vừa ở tù về, nên em chơi trò run sợ, kinh tởm phải không?

Carlotta khoác vội chiếc áo choàng và tiến nhanh về phía cổng trường.

- Anh nghe đây này, tôi nghĩ chúng ta chẳng nên gặp nhau làm gì nữa. xin làm ơn để tôi yên.

 

Kurt bước lại chặn ngay đường đi ra của Carlotta.

Anh có thay đổi đôi chút trong lúc ở tù Carlotta ạ. Em thấy anh bây giờ ra sao?

Người nữ giáo viên cố lách qua chỗ hắn đứng

Tôi thấy anh lố bịch, lố bịch… Thôi, bây giờ anh làm ơn đi đi!

“Lố bịch”, câu nói đập vào mặt Kurt như một cú đấm. Hắn đứng đớ người nên nàng lách qua được. Nhưng hắn tỉnh trí lại ngay: nàng đã cho là hắn lố bịch, hắn vẫn như xưa, nhưng lần này thì nàng nhầm to rồi.

 

Kurt Eggen rút súng, nhắm thẳng vào người kẻ đang vội vã bước ra xa hắn và nổ súng hai lần liên tiếp. Rồi hắn bình tĩnh bước ra xe, nổ máy, và phóng lao đi như tên bắn.

 

Ngồi trong xe, trong lúc còn chạy trong thành phố, hắn đã nghe thấy đài phát thanh loan tin vụ án mạng: “Một vụ giết người lạnh lùng, dữ tợn, vừa xảy ra, lời người xướng ngôn viên vang lên… Được biết kẻ giết người là người yêu cũ của người bị hại, một cô giáo tên là Carlotta; tên sát nhân vừa đi tù về. Cảnh sát đang truy nã hắn rất gắt gao”. Kurt Eggen cười gằn khi nghĩ tới lúc hắn cũng nghe thấy những lời thông báo tương tự về vụ cướp của hắn 4 năm về trước. Hắn hồi tưởng lại nỗi sợ hãi, kinh hoàng hắn đã cảm thấy vào lúc đó… “Xin đừng bắn! Xin đừng bắn, tôi xin đầu hàng!”. Thật đáng tức cười, giờ đây thì trái lại, hắn hoàn toàn bình thản, tự tin. Vừa lái xe một cách thư thái, hắn vừa cố nhớ lại những lời của Kruger: “Dù cho bọn cớm có đuổi sát đít, cứ việc tiến tới, đừng thèm sợ”. Phải, đây chính là điều mà hắn sắp làm, hắn sẽ tiếp tục tiến tới và… ngay tức khắc!

 

Kurt bình thản đậu xe trước cửa Bệnh Viện Hambourg. Đây là nơi vị hôn thê thứ nhì của hắn Ingrid, cũng đã chê bai, nhạo báng hắn, đang làm việc. Không, nàng không thay đổi chỗ làm, nhân viên tiếp tân cho hắn hay, và hắn bình tĩnh, không hề vội vã, đi đến khoa đó.

 

Ingrid Merryl chắc đã không nghe được bản tin trên đài phát thanh, vì nếu nàng nghe được, chắc chắn nàng sẽ không tiếp hắn như cách nàng đang làm:

- Anh hả, anh còn đến đây làm gì? Xéo ngay! Không thì tôi cho người tống cổ anh ra bây giờ.

Kurt làm như không nghe thấy gì cả. Với dáng điệu kẻ cả, hắn cũng hỏi Ingrid câu hỏi hắn đã hỏi Carlotta mới đây.

- Anh mới ở tù ra Ingrid ạ. Em không thấy anh đã thay đổi à?

Người nữ y tá bĩu môi, khinh bỉ:

- Hãy mau trở về với má anh đi, như vậy tốt hơn!

 

Cũng như lúc nãy khi ở trong hành lang nhà trường, Kurt Eggen tái mặt khi bị lăng mạ. một tiếng nổ chát chúa vang lên kèm theo một tiếng hét hãi hùng. Ingrid Merryl gục ngã trên sàn gạch bông, một vết máu đỏ lan rộng trên ngực áo của nàng. Bằng một cử chỉ cực kỳ gan dạ, Kurt không thèm chạy, bình thản bước ra xe và biến mất.

 

Vài giờ sau, vào nửa đêm, nhân viên trực tại tòa soạn tờ nhật báo lớn nhất Hambourg nhận được một cú điện thoại:

- Alo, tôi là Kurt Eggen, chính tôi là kẻ đã hạ sát cô giáo Carlotta và nữ y tá Ingrid, tôi đã giết hai người đó để đổi lấy việc chính quyền phải lập tức trả tự do cho tù nhân Thomas Kruger, đang thọ án ở nhà tù Hambourg. Trường hợp yêu cầu của tôi không được đáp ứng ngay, mỗi ngày tôi sẽ giết thêm một mạng, có thể là bất cứ ai, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Hãy đăng tải lời tuyên bố của tôi trên quý báo, báo sẽ bán chạy như tôm tươi đấy.

 

Nhà báo vội báo ngay cho cảnh sát biết nội vụ. theo lời anh ta, Kurt Eggen đã không gọi từ Hambourg, có một tín hiệu nhẹ cho biết Eggen gọi từ một tỉnh khác. Nhưng từ đâu?

Lệnh báo động được ban hành khẩn cấp. Trong một cuộc họp báo được cấp tốc triệu tập, Giám Đốc sở cảnh sát Hambourg lo lắng:

- Chúng tôi xin toàn thể dân chúng giúp đỡ chúng tôi. Tên sát nhân rất nguy hiểm, rất lạnh lùng và rất quyết tâm. Nguy hiểm hơn nữa là hắn có thể giết bất cứ ai trong chúng ta. Xin tất cả mọi người ai nấy cố gắng nhìn thật kỹ hình của Kurt Eggen sẽ được đăng tải rộng rãi trên tất cả các báo, các đài truyền hình, ngõ hầu có thể dễ dàng nhận ra hắn. Một số tiền thưởng là 10.000 đồng Mác sẽ được trả cho ai giúp bắt được Eggen.

 

Cuộc săn người khổng lồ được mở ra, tất cả các lực lượng cảnh sát đều được huy động… Ở một nơi nào đó ở Đức Quốc, Kurt Eggen khoan khoái khi nghe thấy tên mình được thông báo bằng một giọng nói đầy run sợ. Một món tiền thưởng lớn đã được rao để bắt hắn, hàng ngàn cảnh sát đang theo đuổi hắn; hắn thầm nghĩ: ngay cả đến Thomas Kruger cũng không có những giây phút hiển hách như vậy. Về vấn đề thả Kruger, Kurt cũng không phải đã hành động như một người điên. Hắn thừa biết là cảnh sát sẽ không bao giờ chịu thả Kruger. Nhưng đây là cung cách riêng của hắn để đền ơn đáp nghĩa người thầy đã đào tạo ra hắn, đồng thời cũng để chứng tỏ hắn đã đuổi kịp bậc thầy của mình.

Ngày 20 tháng Giêng năm 1978. Trên một đường phố ở Francfort, một người to béo đầu đội một chiếc mũ kiểu “tyrolien” bỗng chỉ tay về phía một chàng trai tóc vàng:

- Chính là hung thủ đấy! Chính là Kurt Eggen đấy! Tôi biết hắn mà, bắt lấy hắn bà con ơi!

 

Thanh niên tóc vàng không bỏ chạy. hắn lạnh lùng rút súng bắn vào người to béo và người này gục chết ngay trên vỉa hè. Đám đông nhào lại và hắn bỏ chạy. cuối cùng hắn bị bắt, và nếu các cảnh sát viên không can thiệp mạnh, hắn đã bị dân chúng đập chết.

Kurt Eggen, trong thời gian vài ngày vừa qua đã là kẻ thù số một của công chúng ở Đức Quốc, được đưa ra xét xử tại Francfort. Một vụ xử chỉ có tính cách hình thức vì bị cáo đã tự động khoe khoang các tội ác của hắn một cách hỗn xược, mỉa mai, khiến hắn bị xử với hình phạt cao nhất là ở tù chung thân.

 

Và khi Eggen được đưa đến thụ hình ở nhà ngục Francfort, sự việc đã thay đổi quá nhiều, kể từ khi tên tội phạm ngờ nghệch được đưa tới nhà tù ở Hambourg sau khi hắn cướp hụt Ngân Hàng. Kurt Eggen giờ đây đã biến thành tên anh chị bự, một ngôi sao sáng rỡ trên nền trời đao búa. Vừa bước vào ngưỡng cửa nhà tù, hắn đã được chào đón bằng một sự im lặng kính cẩn, sợ hãi, tùng phục. hắn thoáng nghe thấy những tiếng thì thầm:

- Eggen đó!

 

Giờ đây hắn đã có thể trị vì, làm chủ cách độc tôn trong thế giới tù tội, và hắn có thể quát bảo với bất cứ ai:

- Này, nhóc, con, lại đây lau dép cho ta!

Và rất có thể, một ngày nào đó, người ta sẽ đưa vào phòng hắn một gã trai trẻ sợ hãi, nhút nhát, vì đứng trước mặt Đại Ca Eggen. Lúc đó Kurt sẽ rời bỏ thái độ lạnh lùng, dữ dằn, để nhẹ nhàng hỏi gã trẻ tuổi:

- Ê, chú nhỏ!... Có chuyện gì không ổn hả? Kể coi…

 

Pierre Bellemare, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1929 tại Boulogne-Billancourt là một nhà văn, phát thanh viên, thực hiện chương trình truyền hình và sản xuất của Pháp .

Vũ Anh Tuấn
Số lần đọc: 1837
Ngày đăng: 08.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái Thẻ Xanh - Đặng Phú Phong
Dốc Đầu Lâu - Vũ Ngọc Tiến
Không Vội Vã - Ngô Văn Cư
Viết Một Chữ Tâm - Ngô Thị Ý Nhi
Hảo Mộng - Vũ Anh Tuấn
Trò đùa của trời - Nguyễn Hiếu
Cơn bão - Phạm Phương
Hai Người Mẹ - Quý Thể
Đồ chơi - Lưu Quang Minh
Cổ tích mới - Lê Văn Thiện