Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.210.390
 
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp
Hiếu Tân

Những người chống đối có thể tìm thấy một con đường giữa chế độ độc tài và vô chính phủ hay không?

Dexter Filkins, NEW YORKER , 11/4/ 2011

http://www.newyorker.com/reporting/2011/04/11/110411fa_fact_filkins

 

(Tiếp theo)

3.

Hồi tháng Giêng, khi phong trào phản kháng hãy còn nhỏ, Karman và các đồng bào của chị đã bị đánh đập nhiều lần bởi bọn côn đồ thân chính phủ. Khi phong trào của chị lớn lên, chị thất vọng về những phản ứng cảnh giác của nhiều người phương Tây. Sau khi chị được thả khỏi tù, Karman nói, các quan chức Liên hiệp châu Âu và các bạn ở Đại sứ Mỹ đã xin chị hãy ngừng chống đối. Karman nói về một quan chức E.U  “Ông ấy bảo tôi, ‘Tawakkol, việc này sẽ xấu cho Yemen, nó sẽ dẫn đến hỗn loạn.’”

 

Tôi hỏi về Saleh và các lực lượng dàn ra để chống lại chị. Lúc đó, những người biểu tình bên ngoài Đại học Sanaa gây ấn tượng mạnh nhưng còn lâu mới đủ lớn để đe dọa chế độ. Chị trả lời bằng cách nói hơi quá “bây giờ chúng tôi đang ở giai đoạn cuối cùng,” chị nói, “Anh sẽ thấy! Cần một thời gian nữa. Nhưng chúng tôi sẽ làm cuộc cách mạng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm, hoặc chúng tôi sẽ chết trong cố gắng”

 

Tôi nhắc lại lời hứa của Saleh, khoảng một tuần trước, là sẽ rời khỏi chức vụ vào năm 2013. Vậy có gì phải đấu tranh nữa?

 

“Không ai tin ông ta,” Karman nói. “Trước đây ông ta đã nói dối. Chúng tôi cũng không thể dựa vào các đảng đối lập. Họ đã thỏa hiệp quá nhiều. Còn Saleh đấy thì không thể có thay đổi nào hết. Yêu cầu đầu tiên của chúng tôi, và yêu cầu cuối cùng của chúng tôi, là Saleh từ chức.”

 

Karman vừa nhắc đến lần trước Saleh đã tuyên bố ý định rút lui của ông ta - năm 2005, ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống. Thế nhưng ông ta đã tranh cử và thắng, với bảy mươi bảy phần trăm số phiếu bầu. Karman lo rằng nếu Saleh không chịu từ chức ngay ông ta có thể sau đó khăng khăng đòi ở lại quá cả nhiệm kỳ của ông ta, hoặc chuyển giao quyền lực cho con ông ta, hoặc bố trí cho một kẻ kế tục do ông ta chọn sẵn để tiếp quản.

 

Những cuộc tấn công của Karman vào Saleh làm nổi bật một trong những điều kỳ lạ trung tâm của chế độ Yemen: nó đàn áp không đều. Karman đã bị bắt giữ, nhưng chị đã không bị giết hay thậm chí mòn mỏi trong tù. Các báo bị đóng cửa, và các đối thủ chính trị bị tra tấn hoặc bị giết, đặc biệt ở miền nam. Nhưng nhà nước Yemen tương đối bao dung với những người bất đồng chính kiến. Mùa đông vừa qua, Saleh, trái với một số lãnh đạo Trung Đông khác, không hành hình các lãnh tụ đối lập hay chặn truy cập vào Internet. Khi tôi nói điều này với Karman, chị trách tôi. “Xin anh đừng so sánh chúng tôi với những nước Trung Đông khác”, chị nói. “Khi chúng tôi làm thế, anh sẽ kết luận rằng Yemen không đến nỗi tệ thế, bởi vì chúng tôi tốt hơn Saudi Arabia. Tôi bác bỏ điều đó. Chúng tôi cần nhiều tự do hơn ở đây, nhiều dân chủ hơn.”

 

Yemen, không giống như một số nước A rập, có một phe đối lập chính thức. Nó là một liên minh thống nhất dưới ngọn  cờ của các Đảng Tập hợp, hay là J.M.P. Hai thành phần chính của J.M.P. là đảng Islamist của Yemen gọi là Islah, và Đảng Xã hội Chủ nghĩa Yemen.

 

Nhiều tháng trước khi các cuộc biểu tình phản đối bắt đầu, J.M.P. đã đàm phán với đảng của Saleh, Đại hội của Toàn thể Nhân dân, để vào chính quyền của ông ta, hay bảo đảm những giới hạn quyền lực của ông ta. Những cuộc thương lượng không đi đến một kết quả rõ ràng nào. Thế rồi cách mạng nổ ra ở Ai Cập và Tunisia. Những cuộc nổi dậy đó, và cả những cuộc biểu tình ở Yemen, khiến lãnh đạo J.M.P. sửng sốt. Tuy nhiên, thay vì tham gia vào phong trào, phe đối lập lại đâm vào sườn nó, bằng cách cố gắng nối lại cuộc đàm phán với chính quyền. Trong cố gắng này, J.M.P. có sự hậu thuẫn của chính quyền Obama.

Các lãnh tụ đối lập rõ ràng sợ rằng một sự kết liễu đột ngột ách thống trị của Saleh sẽ dẫn đến vô chính phủ, và họ không tin rằng bản thân họ đủ cố kết để điều hành nhà nước Yemen. Nỗi sợ của họ được nhiều người Yemen thuộc tầng lớp thương gia hưởng ứng. Vào một ngày tháng Hai, tại địa điểm cuộc biểu tình bên ngoài trường Đại học Sanaa, tôi phát hiện ra một người đàn ông ăn diện sang trọng, đứng trên mép sân khấu, vẻ mặt cau có khó chịu. Tên ông ta là Yahiya Ali al-Habbari, và ông ta là chủ tịch của một công ty nhập khẩu thực phẩm lớn của Yemen. “Thế này không được.” Habbari nói. “Ở đây thế này thì loạn mất. Chúng ta không thể để chuyện này xẩy ra ở đây, ở Yemen này.”

 

Trong một thời gian, nỗi lo sợ đó khiến cho quy mô của các cuộc biểu tình thu hẹp lại. Trong sáu tuần đầu, các cuộc biểu tình phản đối ở Sanaa, một thành phố có hai triệu dân, chỉ thu hút không quá mười ngàn người. Ngay cả hôm thứ Sáu, khi những cuộc biểu tình có thể đạt đến đỉnh cao về quy mô, chúng cũng không tác động gì đến nếp sống hằng ngày của thủ đô.

 

Một số người Yemen lo sợ rằng, nếu Saleh bị lật đổ, các lãnh tụ Islamist của liên minh đối lập sẽ thắng thế trong chính phủ mới. Phần lớn lo ngại nhằm vào Abdul Majeed al-Zindani, một người Islamist mà Mỹ gọi là khủng bố. Zindani là một lãnh đạo cao cấp của Islah và đứng đầu hội đoàn lớn nhất Yemen của các giáo sĩ dòng Sunni. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng ông ta đã từng là một cố vấn của Osama bin Laden, đã tuyển mộ những người Yemen vào các trại huấn luyện của Al Qaeda, đã giúp nhóm này mua vũ khí. Tuy nhiên nhiều người Yemen coi Zindani là một chính khách chủ đạo. Dẫu sao, trước khi các cuộc biểu tình phản đối bắt đầu, Zindani đã là một trong những kẻ ủng hộ đáng tin cậy nhất của Saleh.

 

Vào cuối tháng Hai, đám đông bên ngoài Đại học Sanaa đã lớn lên trông thấy. Hôm mồng Một tháng Ba, có tin đồn rằng Zindani sắp lên nói. Cho đến lúc đó, đại đa số những người biểu tình là những người thế tục, và sự việc Zindani sắp lên nói dường như đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc nổi dậy. Một toán người có súng bước lên sân khấu. Rồi Zindani xuất hiện, bộ râu của ông ta được nhuộm thành màu cam bằng lá móng [thuốc nhuộm tóc], và tay ông ta cầm chiếc micro mà Karman đã cầm mấy tuần trước. “Thời của Caliphate[1] đã đến!” Zindani kêu lên “Thời của Caliphate đã đến!” Ông ta nói rằng, với tư cách là một người Islamist và một hành viên của phe đối lập chính thức, ông ta là người đến muộn đối với phong trào này. “Các bạn làm cho những người già như chúng tôi cảm thấy hổ thẹn,” ông ta nói với những người biểu tình. “Các bạn làm cho tất cả những người nói họ muốn thay đổi những không sẵn lòng làm những việc họ phải làm để điều đó xảy ra, phải xấu hổ.”

 

Ông ta tiếp tục, “Đấng Tiên tri của chúng ta đã tiên đoán rằng, một ngày nào đó, một kẻ thống trị sẽ áp bức nhân dân, và nhân dân sẽ truất quyền hắn. Chúng ta hiện nay đang sống với một lãnh tụ cai trị bằng bạo lực, và chúng ta cần phải đẩy ông ta ra. Sau khi chúng ta thanh toán kẻ áp bức này, sẽ có công bằng - và caliphate.”

 

Đám đông hoan hô, mặc dầu không thể nói rằng đó là hoan hô tất cả những lời Zindani nói ra, hay chỉ một vài lời trong đó. Zindani bước xuống khỏi sân khấu, và ra đi, cùng với những tay súng của ông ta.

 

Vài phút sau, tôi phát hiện ra Karman, và chúng tôi cùng chui vào một cái lều gần sân khấu. Chị đang giận dữ. “Chúng tôi đã cãi nhau rất to về Zindani, về việc có nên để cho ông ta làm thế không,” chị nói. “Tôi phản đối. Đây là một phong trào thanh niên, không phải phong trào tôn giáo.”

Những người biểu tình tụ tập bên ngoài Đại học Sanaa gặp một thế lưỡng nan: bản thân họ không phải là đại diện của nguyện vọng của hai mươi ba triệu nhân dân Yemen, nhưng, phong trào càng lớn lên, nó càng có nguy cơ trở thành Islamist. Bảy mươi phần trăm dân Yemen sống ở nông thôn, và phần lớn hết sức mộ đạo.

Karman suy luận rằng Zindani đã tự nguyện nói trong cuộc biểu tình theo lệnh của chế độ Saleh, để làm mất uy tín của phong trào. Điều khẳng định này, dù bí ẩn, dường như có lý. Vì tất cả những lời tâm huyết trong bài nói của Zindani, ông ta không hề kêu gọi Saleh từ chức. Karman coi việc phương Tây dán nhãn cho Zindani là một người Islamist đặc biệt là một sự vô lý. “Những kẻ Islamist thật sự nằm trong chính quyền,” chị nói, “Saleh để cho Al Qaeda sống vì nó thu hút sự chú ý của Mỹ. Ông ta gặp gỡ bọn Al Qaeda. Ông ta giúp chúng. Saleh và Zindani gần gũi nhau đến mức ghê tởm! Chính phủ đã nói gì về tôi trong sáu tuần qua? Rằng tôi đang làm bại hoại đạo đức của phụ nữ Yemen, rằng tôi đang chống lại luật Chúa. Anh muốn có bọn Islamist trong chính quyền à? Anh đã có rồi đấy.”

 

Cho đến khi chết, năm 2007, Abdullah al-Ahmar là người đứng đầu Hashids, liên minh bộ lạc mạnh nhất Yemen, các thành viên của nó chủ yếu sống ở miền bắc. Trong nhiều thập kỷ, Ahmar, người được gọi là “tù trưởng của các tù trưởng,” hoạt động như một cái bóng của Tổng thống, làm việc với Saleh để vỗ yên các lãnh đạo bộ lạc. Đa số người Yemen cho rằng Ahmar đã nhận hàng triệu từ Saudi để giữ yên Yemen. Về mặt nào đó, ông ta mạnh ngang với Saleh, ông ta là phát ngôn của nghị viện trong hơn một thập kỷ, nhưng ông ta cố ý núp dưới cái bóng của Tổng thống. Là một người miền bắc, ông ta cẩn trọng không làm nghiêng cán cân quyền lực giữa miền bắc và miền nam, vì như thế có thể dẫn đến nội chiến.

 

Từ khi Ahmar chết, chín người con trai của ông ta đã chiếm lấy quyền lãnh đạo trong bộ tộc, và họ không cảm thấy bị kiềm chế bởi các truyền thống của cha mình. Khi cuộc nổi dậy ở Yemen bắt đầu, hai trong số mấy người con, Hussein and Hameed, đã chuyển sang ủng hộ những người chống đối, và tham gia kêu gọi Saleh từ chức.

 

Người con ấp ủ tham vọng sâu xa nhất là Hameed, con thứ ba, ba mươi chín tuổi. Hồi tháng Hai, tôi đến thăm anh ta tại nhà ở Sanaa. Nó giống như hang ổ của một chỉ huy quân sự ở Afghanistan: một ngôi biệt thự bằng gạch và đá hoa bao quanh bởi những bức tường đá cao hơn bốn mét, và một trăm người mang súng. Các trạm gác bên ngoài ngôi nhà có một vòng lính gác với súng máy có giá đỡ bao quanh. Mới một tuần trước khi tôi đến gặp, đội bảo vệ của Hameed đã kéo đến nhà Noman Dowaid - tổng trấn Sanaa và đồng minh của Saleh - và dùng súng máy khống chế nhà ông ta. Bạo lực vẫn luôn ở bên lề chính trị của Yemen.

 

Một người hầu dẫn tôi vào mafraj bằng đá trông như hang động - gian truyền thống nơi những người đàn ông Yemen ngồi bàn bạc và nhai lá khat. Sàn nhà bằng cẩm thạch, và khi tôi bước vào phòng tiếng bước chân của tôi vang vọng. Sau vài phút, Hameed xuất hiện trong chiếc khăn xếp (turban) và chiếc thawb trắng - áo choàng đàn ông theo phong tục Yemen; một thanh gươm  jumbiya to đùng trong chiếc vỏ màu xanh cây sáng lấp lánh, được giắt vào một chiếc thắt lưng màu vàng. Người ta đã nói với tôi, trang phục truyền thống của Hameed chỉ để đánh lừa. Anh ta là một người Islamist đã công khai thú nhận, nhưng anh ta nói tiếng Anh tuyệt hảo, hồi còn nhỏ đã nhiều lần nghỉ hè ở London. Anh ta là một trong vài tỷ phú của Yemen. Người ta không chỉ nói về việc anh ta và bộ lạc của anh nhận những khoản trợ cấp khổng lồ của Saudi; mà với sự giúp đỡ của tập đoàn truyền thông Orascom của Ai Cập, anh ta còn xây dựng được một mạng lưới điện thoại di động thành công nhất ở Yemen. (Hameed cuối cùng đã trục xuất người của Orascom khỏi Yemen và chấm dứt quan hệ đối tác.) Một lãnh tụ chính trị Yemen nói với tôi rằng Hameed có thể trở thành người Yemen tương đương với Rafik Hariri - ông trùm tư bản ngành xây dựng đã giúp tái thiết Libanon sau nội chiến.

 

Lúc đó là cuối buổi chiều, thời gian truyền thống để nhai lá khat trong ngày,và má bên phải của Hameed phồng tướng lên. Ngôi bên cạnh tôi, anh ta thận trọng nói về những tham vọng của mình. “Mục tiêu của tôi không phải là làm Tổng thống,” anh ta nói. Chức vụ đó, phải là dành cho người ở miền nam, để khỏi chia cắt Yemen một lần nữa. Mục tiêu chính trị của anh ta là giúp xây dựng “một nền dân chủ mạnh, với những thiết chế thật sự và cai trị bằng luật pháp.”

 

Tuy nhiên, khi câu chuyện quay sang Saleh, sự dè dặt của Hameed tan biến thành phân tích bóng bẩy. “Người này, Saleh, ông ta không bao giờ có một suy nghĩ hay tầm nhìn chiến lược - chiến lược của ông ta từ ngày đầu chỉ là duy trì quyền lực.” Hameed nói. “Cái khôn ngoan của ông ta là làm cho các bộ lạc luôn luôn cần ông ta, là làm cho họ đánh lẫn nhau, sao cho họ cần đến vũ khí của ông ta. Bộ lạc này đánh bộ lạc kia, và chỉ có Saleh là người duy nhất có thể giúp họ. Khôn thật.”

 



Caliphate: sự trị vì của một nguyên thủ (caliph) trong hệ thống chính trị Hồi giáo, gọi là nền cộng hòa lập hiến, trong đó caliph và các quan chức chính quyền là đại diện của dân (Hồi giáo) và phải quản lý đất nước theo những luật hiến định, hạn chế quyền của chính phủ đối với các công dân

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2297
Ngày đăng: 12.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp - Hiếu Tân
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. còn tiếp - Hiếu Tân
Liên Xô đã nói dối về chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin vào năm 1961 - Phạm Nguyên Trường
Rủi ro hạt nhân - Hiếu Tân
Chị em Hồi giáo: Nhận diện người phụ nữ trong nước Ai Cập mới - Hiếu Tân
Bàn về chủ quyền quốc gia - Phạm Nguyên Trường
Trò chuyện với nhà triết học AC Grayling: “Làm thế nào anh có thể là một người vô thần chiến đấu? Nó chẳng khác nào ngủ một cách hung hăng.” - Hiếu Tân
Tham vọng toàn cầu của quân đội Trung Quốc - Phạm Nguyên Trường
Định Mệnh Tokyo: Can đảm đối mặt với thảm họa - Hiếu Tân
Sự cáo chung của nền chuyên chính tâm thần phân liệt - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)