Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.627
 
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp theo và hết
Hiếu Tân

Những người chống đối có thể tìm thấy một con đường giữa chế độ độc tài và vô chính phủ hay không?

Dexter Filkins, NEW YORKER , 11/4/ 2011

http://www.newyorker.com/reporting/2011/04/11/110411fa_fact_filkins

 

5.

Nhưng những người biểu tình đã không bỏ cuộc, và, cuối cùng, các đám đông lớn lên, ở Sanaa, ở Taiz, ở Aden, ở Ibb. Số người tham gia tăng vọt một tuần sau ngày 13 tháng Hai, khi cảnh sát ở Aden giết chết ít nhất mười người biểu tình. Trong vòng hai tuần kế tiếp, mười ba thành viên của quốc hội, tất cả thuộc đảng của Saleh, từ chức để phản đối.

 

Một trong số họ là Abd al-Bari Dughaish, một nhà thần kinh học ở Aden. Cuối tháng Hai, tôi gặp ông để uống trà ở khách sạn Sheba, Sanaa. Dughaish lớn lên ở vùng hồi đó là Nam Yemen, vào hồi ấy nó là một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông đã vào học trường Y ở Đông Đức, và chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. “Tôi vẫn là một người xã hội chủ nghĩa,” ông nói. Ông mặc com lê và thắt cà vạt.

 

Trong nhiều năm, Dughaish đã cảm thấy rằng hình ảnh Saleh trong nghị viện về thực chất là thối nát. “Tôi là thành viên của một nền dân chủ giả mạo,” Dughaish nói. Bất kỳ lúc nào có một chuyện gì đó để bỏ phiếu, chúng tôi đều bỏ phiếu tán thành. Phần lớn những thành viên khác không để ý, họ chỉ cần vơ lấy tiền lương của họ. Tôi ghét bản thân về chuyện đó, nhưng dù sao tôi vẫn cứ làm thế.”

 

Dughaish nói với tôi rằng ông có lẽ nhạy cảm hơn đối với những sự tàn bạo của chế độ Saleh bởi vì ông đến từ miền nam, nơi nhiều người Yemen đã thúc đẩy ly khai, và bởi vì kinh nghiệm của ông ở Đông Đức khiến ông nhìn thấy rõ hơn một chế độ độc tài khác cố liều lĩnh bám chặt lấy quyền lực. Mặc dầu là thành viên của đảng cầm quyền, Dughaish đôi khi vẫn viết những mẩu ý kiến cho Al Ayyam, tờ nhật báo của Aden thường chỉ trích gay gắt Saleh.

 

Trong nhiều năm, Dughaish tự nhủ ông đang làm cho chế độ này trở nên nhân đạo hơn. Tôi là một trong những người cố gắng mang lại thay đổi bên trong ngôi nhà chúng tôi đang sống,” ông nói. Nhưng sự thật là, tôi không phải là một người can đảm. Tôi là một kẻ hèn nhát.”

 

Một chuỗi sự kiện đã làm ông thay đổi. Tháng năm 2009, Al Ayyam bị chính phủ đóng cửa, và bẩy tháng sau, ông chủ báo Hisham Basharheel bị bắt vì cáo buộc giết người. Dughaish nói, nhiều người tin rằng lời cáo buộc này là do  chính phủ dựng lên. Tháng Bảy, 2010, anh của Dughaish là Mohammed bị giết gần Aden. Mohammed là người đã phê phán Saleh. Mặc dầu Dughaish không chứng minh được, ông tin rằng anh của ông bị chế độ này giết.

 

Thế rồi các công dân Tunusia vùng dậy, và những cuộc biểu tình bên ngoài Đại học Sanaa bắt đầu. Lúc đầu, Dughaish xem những cuộc biểu tình ấy trên truyền hình - không phải trên kênh chính thức của nhà nước, mà trên Al Jazeera và TV Suhail, một đài thuộc sở hữu của Hameed al-Ahmar, một người Isalmist tỉ phú, và phát sóng từ Ấn Độ. (Trong suốt cuộc nổi dậy, truyền hình nhà nước chỉ phát đi những trò đố vui và những phim tài liệu về động vật hoang dã.) “Các bạn trẻ tiếp cho tôi can đảm,” Dughaish nói.”Họ mang đến cho chúng tôi một thực tế mới.”

 

Ngày 16 tháng Hai, cảnh sát chống bạo động ở Aden giết hai người biểu tình. Daghaish điên tiết. Nhưng ông vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ. Sau đó ông được phó tổng thống Abdo Rabo Mansour Hadi, triệu tập, ông này cũng là người miền nam. Hadi yêu cầu Dughaish đến Aden để giúp làm nguôi dân chúng. “Khi tôi đến Aden, tôi thấy tận mắt những gì chế độ đã làm.” Daghaish nói với tôi. “Tôi thấy những người bị giết. Tôi thấy gia đình họ. Tôi thấy những tòa nhà bị cháy.”

 

Hai ngày sau, cảnh sát giết thêm bốn người nữa ở Aden. Hôm mười chín, Dughaish đưa đơn từ chức và sẵn sàng đối mặt với một làn sóng phê phán. Ngược lại, ông nói với tôi, ông bị chìm ngập trong những lời khen, nhận được hàng trăm cú điện thoại và hàng ngàn e-mail chào mừng ông. “Người ta bảo, “Bari, chúng tôi đã đợi ông lâu rồi. Trước đây ông ở chỗ không tốt.”

 

Qui mô những đám đông bên ngoài đại học Sanaa bắt đầu tăng vọt - từ một lên ba ngàn, từ mười lên ba mươi ngàn. Saleh đưa đến những bọn mặc thường phục với gậy gộc dùi cui và cuối cùng , súng. Những người biểu tình bị đánh đập, bị ném đá và bị bắn. Nhưng sự tàn bạo đem lại kết quả ngược, làm điên tiết số lớn người Yemen và đẩy họ xuống đường.

 

Cuối tháng Hai, mười một thanh niên Yemen được mời đến gặp Saleh ở cung điện và bày tỏ những nỗi bất bình. Một trong những vị khách là Shatha al-Harazi, một phóng viên hai mươi lăm tuổi của tờ Yemen Times, một tờ báo tiếng Anh. Tại một tiệm cà phê ở Sanaa, tôi đã gặp Harazi và hai người khác đã tham gia cuộc gặp nói trên.

 

Harazi xem ra cũng hiện đại và sôi sục như Tawakkol Karman. Lúc đầu, cô nói, cô không muốn gặp Saleh, nghĩ rằng như thế là vô ích. Sau nhiều cuộc tranh luận với các bạn, cô quyết định đi, nhưng thề với mình rằng nếu cô có dịp để nói trực tiếp với Tổng thống cô sẽ nói với ông ta đúng những điều cô nghĩ.

 

Lúc đầu cuộc gặp, Saleh tỏ ra nhã nhặn và tự kiềm chế. Rồi những người khách bắt đầu nói, và mỗi người đưa cho Tổng thống cùng một thông điệp: chế độ của ông là thối nát, tàn bạo, không đại diện cho ai cả, và thanh niên không có tiền đồ nào hết. Harazi nói với tôi, ban đầu Saleh nói ông ta đồng ý với những người phản đối - quá nhiều quan chức của ông ta ăn hối lộ, quá ít thanh niên có thể tìm được việc làm. Nhưng khi cuộc thảo luận tiếp diễn, Saleeh càng lúc càng trở nên giận dữ trông thấy. Harazi, người nói thứ ba, ngoan cường “Tôi bảo ông ta nên từ chức,” cô nói.

Sau khi người thứ sáu nói cùng những lời phàn nàn như thế, Saleh dường như khùng lên. “Thôi được!” Tổng thống thét lên. “Tôi tham nhũng. Tất cả mọi người xung quanh tôi tham nhũng. Tôi thích những người tham nhũng!” Ông ta bỗng dứng bật dậy. “Tôi không thay đổi một cái gì cả.” ông ta nói. “Mọi việc cứ như cũ.”

 

Nhưng Saleh đang mất kiểm soát. Ngay cả chiến thuật ưa thích của ông ta - mua chuộc bằng tiền - cũng bắt đầu làm ông thất bại. Một đêm tháng Ba, khi đi giữa những người biểu tình, tôi vào một căn lều lớn và ngồi xuống với một nhóm lãnh đạo các bộ lạc. Họ đã đi từ Marib đến Sanaa. Sự có mặt của họ chứng tỏ rằng những cuộc biểu tình không còn chỉ lôi kéo những người trẻ, thành thị, và có học. Saleh và những người thân cận ông ta khẳng định rằng những người dân các bộ lạc đang tràn về Sanaa và đã được trả bởi những nhà hảo tâm giàu có - đặc biệt là bởi Hameed al-Ahmar.

 

Ahmed al-Zaidi, một lãnh đạo của bộ lạc Bin Jaber, nói. “Tôi đến đây bởi vì trong huyện của tôi chẳng có phát triển gì cả, - không điện, không trường học, không nước, không có gì hết.” Marib là một trong những vùng dầu mỏ chủ yếu của Yemen. “Vậy tiền chạy đi đâu cả?” ông hỏi.

 

Zaidi ngồi trong một hình bán nguyệt với khoảng một tá người đi theo. Mặc dầu nhóm của ông nhỏ, nó là một biểu tượng của sự bất bình đang lan rộng, và nó làm nhà cầm quyền hoảng sợ. Trước đó một ngày, ông nói với tôi, một phái viên từ phủ Saleh đã gọi điện và ngỏ ý muốn đưa ông mười triệu rial - khoảng năm mươi ngàn đô la - để ông rời khỏi thủ đô. Ông từ chối. Ngày hôm sau, một phái viên khác đến quảng trường gặp ông, lần này, ông ta hứa đưa nửa trệu đô la. “Tôi nói với ông ta tôi không bán mình,” Zaidi nói.

 

Zaidi nói một số già làng trong bộ lạc của ông vẫn còn nhận những khoản tiền lớn từ Saleh và từ Saudi. Nhưng việc nhận tiền của chính phủ ngày càng bị phản đối. Zaidi giải thích, “Những lãnh đạo bộ lạc làm thế đã không còn được nhân dân tôn trọng nữa.”

 

Ở một góc khác của lều, nhiều thanh niên Yemen đang tụ tập xung quanh một người đàn ông ăn mặc thanh lịch ngồi trên sàn. Ông là một đại tá quân đội tên là Murad al-Muradi, và ông mới bỏ ngũ ba mươi phút trước. Ông nói, Saleh đã nắm chính quyền quá lâu.

 

Một trong những hậu quả đáng lo ngại nhất nếu Saleh ra đi là quân đội rã ra thành nhiều bè cánh đối địch nhau, điều này có thể gây nên một cuộc nội chiến toàn lực. Đại tá Muradi tuyên bố rằng những rạn nứt đã trông thấy rõ. “Nhiều sĩ quan còn ở lại với Saleh, nhưng ngày càng nhiều người quay đi” ông nói với tôi. “Các bánh xe lịch sử đang quay.” Những người Yemen xung quanh ông gật đầu. “Nhân dân sẽ không lùi bước.”

 

Ngày 18 tháng Ba, khoảng một tuần sau ngày Saleh đọc diễn văn trên Sân vận động Cách mạng, những tay bắn tỉa tiến hành một cuộc thảm sát trên quảng trường ở Sanaa, giết ít nhất năm mươi hai người, và làm bị thương hai trăm. Những người ủng hộ Saleh tràn qua quảng trường, bắn vào lều của những người biểu tình. Bọn bắn tỉa đã chiếm những vị trí trong những tòa nhà trong một con phố dẫn vào quảng trường. Khi cuộc bắn súng nổ ra, đám đông tràn lên - về phía đang bắn.

 

Adel al-Shami, một người biểu tình bị thương ở thân nói về bọn bắn tỉa, “Chúng đã bắn nhân dân vào đầu, vào cổ, vào mắt.”

 

Tôi thấy Shami, hai mươi bẩy tuổi, bên trong nhà thờ của trường đại học, nơi anh đang nghỉ cùng những người biểu tình bị thương khác. Một số trong những tay súng đó, Shami nói, mặc đồng phục an ninh của Yemen. “Bọn chúng là dân chuyên nghiệp,” anh nói. “Chúng gần đến mức tôi có thể nhìn vào mắt chúng.”

 

Ở Mỹ, Brennan lên án những cuộc giết người của chính phủ Yemen bằng “những lời lẽ mạnh nhất,” nhưng vẫn không kêu gọi Saleh từ chức. Ngoại trưởng Clinton nói vói các phóng viên, “Về Yemen, thông điệp của chúng ta vẫn giữ nguyên như cũ: cần phải chấm dứt bạo lực, cần phải theo đuổi đàm phán để đạt được một giải pháp chính trị.”

 

Nhưng Nhà trắng, giống như Saleh, đang bị các sự kiện vượt qua mặt. Vào đầu tháng Ba, phe đối lập cuối cùng cũng xuống đường. Lãnh tụ đối lập không đòi tham gia chính phủ Slaeh nữa, thay vào đó đòi ông ta từ chức. Kế hoạch của Mỹ nhằm xoa dịu những người biểu tình thông qua những thỏa hiệp chính trị đã sụp đổ.

 

Yassin Noman, lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa, nói với tôi: “Bây giờ Saleh đang cố xoay sở. Cuộc cách mạng này không thể bị chặn lại.”

 

Trong nhiều ngày sau cuộc thăm sát ngày 18 tháng Ba, sự ủng hộ công khai đối với Saleh tụt xuống và ông ta bị những rường cột của thiết chế chính trị Yemen bỏ rơi: Các giáo sĩ dòng Sunni, lãnh đạo của các bộ tộc lớn nhất, và ngay cả các thành viên nội các của ông ta. Đòn mạnh nhất đến từ quân đội, nền móng của sự thống trị của Saleh. Trong một diễn văn ngày 21 tháng Ba, tướng Ali Mohsen al-Ahmar, sĩ quan có ảnh hưởng nhất trong nước, là một đối tác của Saleh trong ba mươi năm, đã chối bỏ Tổng thống, nói rằng, “Theo những điều tôi cảm thấy, và theo cảm giác của nhiều chỉ huy và binh lính… tôi loan báo sự ủng hộ và sự hậu thuẫn hòa bình của chúng tôi đối với cuộc cách mạng trẻ này. ”

 

Trong nhiều giờ, các đơn vị quân đội trung thành với vị tướng này đã bao vây trường Đại học Sanaa, để bảo vệ những người biểu tình khỏi bị tấn công. Trong khi đó, những binh lính vẫn còn trung thành với Saleh, một số tên lái tăng, chiếm các vị trí xung quanh dinh. Ngày 25 tháng Ba, một trăm ngàn người Yemen tập hợp ở trường Đại học Sanaa - và có lẽ hàng triệu người khác tập hợp ở các thành phố khác - một cuộc tập hợp gọi là Ngày Thứ Sáu Lên Đường.

 

Saleh mở cuộc thảo luận với phái đối lập và sau đó lập tức cắt đứt chúng. “Tôi sẽ trao chính quyền vào những bàn tay an toàn” ông ta nói trong một diễn văn. Ba ngày sau, ông ta nói trong một bài khác rằng ông ta có sự ủng hộ của chín mươi lăm phần trăm dân chúng Yemen. “Ai nên bỏ?” ông ta nói. “Tất nhiên thiểu số đang đe dọa đất nước.” Ông ta có vẻ đau khổ - nhận ra rằng sự nắm quyền của ông ta đang tuột ra, nhưng sau ba thập kỷ, không thể buông ra được. Cuối tháng Ba, ông ta ra lệnh cho phần lớn các lực lượng an ninh vào Sanaa để  bảo vệ ông ta, kể cả những đơn vị chống khủng bố do Mỹ huấn luyện.

 

Sự giằng co của Slaeh được phản chiếu ở Washington. Vị quan chức cao cấp chính quyền nói với tôi rằng ông đang thúc đẩy Saleh để trình ra một kế hoach chi tiết để chuyển giao quyền lực rồi ra đi. “Chúng tôi đã làm rõ rằng cần phải có chuyển đổi, và phải bắt đầu ngay bây giờ.” Vị quan chức nói. Kịch bản ưa thích của người Mỹ, vị quan chức nói, là Phó Tổng thống Hadi sẽ kế tục Saleh, như được ghi trong hiến pháp Yemen.

 

Nhưng chắc gì Hadi đủ mạnh để chặn đứng Zindani, viên giáo sĩ Islamist, hay Ahmar, tỉ phú Islamist, hay một Al Qaeda được ủy quyền. “Có một khả năng có thể xảy ra là khoảng chân không quyền lực,” vị quan chức cao cấp của chính quyền nói. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng đây không phải là một cuộc thoái vị.”

 

6.

Cuối tháng Ba, tình trạng vô chính phủ bắt đầu lan rộng ra khắp Yemen và chính phủ bắt đầu rút ra khỏi những vùng bạo lực. Trong thành phố miền nam Jarr, một nhóm tay súng Islamist chiếm toà nhà chính phủ trong một thời gian ngắn, sau khi các lực lượng an ninh rút đi; các quan chức Yemen sau đó khẳng định rằng các tay súng này là thành viên Al Qaeda, nhưng điều ấy không rõ ràng. Ở miền bắc, những người nổi loạn Houthi kiểm soát thành phố Sanaa sau khi viên tổng trấn và các phụ tá bỏ chạy. Một sự cố  gây chú ý nhiều nhất, nhà máy đạn của chính phủ ở Khanfar nổ sau khi các lực lượng an ninh rút lui và bọn cướp tràn vào, hơn một trăm người bị giết. Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế Yemen tỏ ra trầm trọng hơn. Vị quan chức phương Tây bảo tôi rằng, chế độ Saleh không còn khả năng đảm bảo tiền vay để nhập khẩu thực phẩm nữa.

 

Khó nói bao nhiêu phần hỗn loạn là thật và bao nhiêu do chính phủ hỗ trợ thêm, để làm tăng chú ý của quốc tế. Saleh ngày càng hay gợi đến bóng ma Somalia. “Chúng tôi là một xã hội bộ lạc,” ông ta nói với kênh truyền hình vệ tinh Al Arabia. “mọi người sẽ về phe bộ lạc của mình, và khi đó chúng tôi sẽ đi tới kết cục là một cuộc nội chiến hủy diệt.” Nhưng ít có bằng chứng vững chắc là các bộ lạc đang chuẩn bị đánh nhau, hoặc Al Qaeda đang lợi dụng sự sụp đổ của Saleh. Chính phủ chắc chắn sẽ yếu hơn nếu không có Saleh, nhưng nó đã yếu ngay từ đầu.

 

Theo một nghĩa nào đó, cuộc bạo loạn ở Yemen đã bình yên một cách lạ thường. Những người Yemen đang biểu tình chống ách thống trị của Saleh nhìn chung đã không chuyển sang bạo lực, ngay cả khi họ bị khiêu khích, bị thương, bị bắn và bị giết. Một ngày cuối tháng Ba, tôi đến quảng trường đại học Sanaa để gặp Tawakkol Karman. Tôi thấy chị  ngồi bên ngoài căn lều mà chị đã sống ba tuần qua. Chồng chị đang ngồi với chị.

 

“Saleh bây giờ vô cùng nguy hiểm,” Karman nói với tôi. “Chúng tôi nghĩ hắn đã chuẩn bị từ chức tuần trước,” vào Ngày Thứ Sáu Lên Đường. “Đại sứ Mỹ cũng nghĩ thế, họ bảo chúng tôi. Nhưng hắn không từ chức. Những người trẻ tuổi đang hết sức nản, hết sức tức giận.”

 

Vào Ngày Thứ Sáu Lên Đường, các lãnh đạo chống đối đã xem xét bố trí một cuộc tuần hành trên Phủ Tổng thống - một cố gắng buộc Saleh phải hành động. Nhiều quan sát viên, trong đó có nhiều người Mỹ, lo ngại rằng một cuộc diễu hành như thế có thể dẫn đến đổ máu lớn, nên những người biểu tình lại thôi. Bây giờ Karman và các đồng bào của chị cảm thấy tiếc thời cơ đã qua.

“Chúng tôi sẽ leo thang bằng những phương pháp hòa bình,” chị hứa. “mà không phải bạo lực.”

 

Quảng trường Thay đổi giờ có cảm giác xì hơi. Các đám đông thưa dần. Một cơn giông cát bụi nổi lên trên thành phố, trùm lấp mọi vật trong lớp bụi mờ. Nhân dân đổ tội về cơn giông này cho Saudi, họ trách người Saudi về mọi chuyện, đặc biệt là chuyện chống đỡ cho Saleh.

 

Câu chuyện quay sang người Mỹ. “Chúng tôi thất vọng về Obama,” Karman nói với tôi. “Chúng tôi cần ở ông ấy một tuyên bố mạnh mẽ.” Bây giờ đã mười tuần trong cuộc nổi dậy, mà chính quyền Obama vẫn chưa công khai kêu gọi Saleh ra đi.

 

Ngay cả nếu Karman và các đồng chí của chị thắng lợi trong việc đẩy Saleh khỏi quyền lực, thì dường như rất có khả năng họ sẽ bị gạt sang một bên bởi những người Yemen được trang bị tốt hơn để tận dụng tình trạng nhá nhem này. “Chúng tôi có một kế hoạch chuyển tiếp,” chị nói, nhưng nó không cụ thể lắm. Chị nói với tôi rằng chị không thật sự quan tâm đến quyền lực chính trị.

 

Vào hôm thứ Sáu, 1 tháng Tư, những người biểu tình chống chính phủ hẹn một đám đông lớn nhất, nhiều vạn người Yemen đổ vào Quảng trường Thay đổi, để kêu gọi chấm dứt chế độ Saleh. Đầu bên kia thành phố, Saleh bầy ra một cuộc tập hợp để tôn vinh ông ta, giống với cuộc mit tinh trên sân vận động Cách mạng một tháng trước. Những người tham gia được chở bằng xe buýt từ khắp nơi trong nước đến, và nhận khoản tiền công thông thường hàng ngày, dưới dạng một bữa ăn, và một nhúm tiền mặt, và một túi khat. (Vị quan chức phương Tây nói chính phủ đã tiêu đến mười bốn triệu đô la để bày ra cuộc tập hợp của Saleh vào tuần trước.) Một người Yemen, khi được hỏi tại sao anh ta lại đi từ thành phố Al Mahwit đến đây để hoan hô Tổng thống, chỉ nhún vai. “Tiền,” anh ta nói.

 

Nghe nói, bằng mọi sự giả tạo, Saleh tỏ ra xúc động sâu sắc bởi sự kiện này, nó thuyết phục ông ta rằng ông ta vẫn được nhân dân Yemen yêu mến. “Ông ta đã nghiêng về ý muốn ra đi,” vị quan chức phương Tây nói. “Nhưng ông ta bắt đầu thay đổi ý định.”

 

Một ngày trong cuộc nổi dậy, tôi gặp một trong những cố vấn của Saleh để ăn trưa ở Zorba’s, một quán rượu nhỏ ở Hadda, trong khu vực giầu có ở Sanaa. Đó là một thời gian bận rộn ở trong dinh và tôi cảm thấy may mắn giữ được cuộc hẹn. Người cố vấn này, đã từng có thời gian ở Mỹ, gọi một đĩa tôm hấp và một lon Coke ăn kiêng.

 

Tổng thống Saleh, ông ta bảo tôi, đã mất ham muốn làm lãnh đạo Yemen. Chỉ là ý thức nghĩa vụ giữ ông ấy lại cương vị. “Ông ấy không muốn làm việc này nữa,” vị cố vấn nói. “Ông ấy mệt mỏi rồi.”

 

Ông cố vấn nói rằng ông không bị ấn tượng bởi những người biểu tình. “một triệu người không biểu thị ý chí của nhân dân,” ông nói. “Nhân dân không muốn Saleh ra đi.”

 

Đĩa tôm được mang ra. Ông cố vấn nhìn đồ ăn của mình, nhưng không động đến nó.

 

Vị cố vấn nói ông hết sức lo ngại rằng Yemen sẽ tan vỡ. Ông phác họa ra kịch bản: miền nam sẽ ly khai đầu tiên, rồi những người Houthi sẽ bỏ đi, ở miền đông, Saudi sẽ thuyết phục một số dân bộ lạc cơ hội tách ra, cuối cùng sẽ cho Saudi Arabia một con đường bộ đến tận biển Arab.

 

“Cuộc chống đối này sẽ không kéo dài quá bẩy ngày,” ông cố vấn nói với tôi. “Yemen sẽ rơi vào một cuộc nội chiến. Và đó là điều mà những người Islamist mong muốn. Hameed al-Ahmar sẽ chạy thẳng vào phủ tổng thống.”

 

Chúng tôi quay lại Saleh và tình thế khó chịu của ông ta. “Ông ấy đang bị sức ép.” Người cố vấn nói. “Vấn đề là: ông ấy chịu đựng được đến đâu?”

 

Chúng tôi cùng nhau bước ra. Tôm bỏ trong hộp. Khi chúng tôi hướng đến xe của ông, ông bảo tôi, “Chỉ có Saleh mới giữ được Yemen. Xin hãy nhớ như thế.” Rồi ông lái xe trở về dinh./.

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2320
Ngày đăng: 14.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp - Hiếu Tân
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp - Hiếu Tân
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp - Hiếu Tân
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. còn tiếp - Hiếu Tân
Liên Xô đã nói dối về chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin vào năm 1961 - Phạm Nguyên Trường
Rủi ro hạt nhân - Hiếu Tân
Chị em Hồi giáo: Nhận diện người phụ nữ trong nước Ai Cập mới - Hiếu Tân
Bàn về chủ quyền quốc gia - Phạm Nguyên Trường
Trò chuyện với nhà triết học AC Grayling: “Làm thế nào anh có thể là một người vô thần chiến đấu? Nó chẳng khác nào ngủ một cách hung hăng.” - Hiếu Tân
Tham vọng toàn cầu của quân đội Trung Quốc - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)