Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.155
123.224.951
 
Một Cái Nhìn Về Người Hùng
Sâm Thương

Tần Thủy Hoàng, người đã một đời Nam chinh Bắc phạt gồm thâu lục quốc thống nhất đất nước, trở thành vị Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa. Nhân vật bị nhiều người mưu sát nhất trong lịch sử nầy không chỉ được các nhà điện ảnh Trung Quốc, mà nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông đã nhiều lần khai thác, thực hiện thành phim. Mới đây, Trương Nghệ Mưu một đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc đã tái diễn một trong số những cuộc mưu sát không thành đó với tác phẩm Người Hùng ( Hero ). Nhiều người trong đó có tôi đã chờ đợi bộ phim sớm công chiếu với tất cả sự nao nức hy vọng.

 

 

Mở đầu, một đoàn người ngựa  trên dặm đường bụi mù đưa Vô Danh ( Lý Liên Kiệt )  về triều diện kiến Tần Thủy Hoàng ( Trần Đạo Minh )  nhờ chiến công hạ sát những tay kiếm khách từng muốn mưu sát Tần Vương, và cũng nhờ vậy mà Vô Danh hy vọng có cơ hội tiếp cận Tần Vương trả mối thù diệt quốc của người dân nước Triệu.

 

Giữa đại điện tráng lệ, uy nghiêm là một màu đen u ám, phủ chụp xuống không gian rộng lớn với không khí chết chóc, nặng nề… Vô Danh được Tần Vương đặc ân cho ngồi cách mình mười thước, một khoảng cách mà Vô Danh có thể thực hiện ý đồ riêng. Ở đó, Vô Danh  và Tần Vương đang trao đổi với nhau về những nạn nhân của Vô Danh: trước tiên là cái chết của Trường Không, rồi chuyện ghen tương giữa Phi Tuyết ( Trương Mạn Ngọc) và cô hầu gái Như Nguyệt ( Chương Tử Di ), đến cái chết của Tàn Kiếm ( Lương Triều Vỹ) , cũng như  cái chết của Phi Tuyết .

 

Câu chuyện được kể một cách khá lắt léo, dưới những lăng kính khác nhau, trộn lẫn thực ảo, chân giả, quá khứ và hiện tại nhằm gửi đến người xem bức thông điệp qua phát ngôn của Tàn Kiếm ( Lương Triều Vỹ ):“Vì nghĩa lớn, mang lại lợi ích cho thiên hạ thì sự hy sinh đau khổ của một cá nhân  không nghĩa lý gì cả”.      

                                         

Có lẽnhững ai đã từng biết Trương Nghệ Mưu qua những tác phẩm như Cao Lương Đỏ, Cúc Đậu, Cao Cao Ngọn Đèn Lồng, Thu Cúc Đi Kiện, Phải Sống, Không Thiếu Một Ai…  chắc hẳn sẽ có cảm giác bất ngờ, vì cách đặt vấn đề của Trương Nghệ Mưu trong Người Hùng ..Giả định, nếu cuộc mưu sát Tần Thủy Hoàng thành công thì tình hình chính trị xã hội Trung Quốc lúc đó sẽ ra sao? Câu trả lời của tác giả không che đậy, không giấu diếm: nước Tần sẽ phân rã, các lực lượng chư hầu sẽ nổi lên xâu xé nhau, muôn dân sẽ rơi vào tình cảnh đầu rơi máu chảy, nên thà để cho Tần Thủy Hoàng tồn tại thì mới hy vọng có thống nhất, có hòa bình.

 

Thoạt đầu, với thông điệp trên, người xem tưởng chừng như Trương Nghệ Mưu vẫn luôn trung thành với vị trí của mình, luôn đứng về phía những người bị áp bức. Nhưng càng đi sâu vào diễn tiến của phim, người xem càng có cảm giác hụt hẫng ... bởi vì, tác giả đã thay đổi vị trí của mình. Thay vì đứng về phía Cúc Đậu, Thu Cúc, hay những phụ nữ bị gả bán bất công… thì tác giả lại đứng về phía Tần Thủy Hoàng, một kẻ bạo tàn. Chúng ta có thể tán đồng thông điệp của Trương Nghệ Mưu, nếu như chúng ta không biết được trước và sau cuộc mưu sát, Tần Thủy Hoàng là  một vị hoàng đế tàn bạo, kiêu căng, đốt sách chôn sống Nho sinh, đi tuần du không biết chán, xây Vạn Lý Trường Thành, kiến tạo A phòng cung, xây lăng mộ tại Ly Sơn bằng xương máu và đau thương của hằng triệu triệu thần dân của mình …Và tôi chắc Trương Nghệ Mưu không thể không biết những gì Tần Thủy Hoàng đã làm mà sử sách đã ghi chép lại.  Nhìn vào cấu trúc của phim Người Hùng, dù không muốn, tôi buộc phải liên tưởng đến cách kể chuyện của đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa trong Rashomon (1952 ). Bộ phim dựa theo hai truyện ngắn Trong Hẽm Núi ( Yaru No Naka ) và Rashomon của Ryunosuke Akutagawa ( 1892-1927). 

 

 

 

Các chi tiết của hai truyện ngắn này đã được đạo diễn Akira Kurosawa hòa quyện trong một cấu trúc với phần giáo đầu ( prologue) và phần vĩ thanh (épilogue) như trong sân khấu cổ, mà hành động xảy ra ở ngôi đền Rashomon hoang phế giữa cơn mưa tầm tã trong một nước Nhật bị tàn phá bởi dịch bệnh và cướp bóc  vào thế kỷ XV. Vụ án là cái chết bí ẩn của một võ sĩ  đạo, có vợ là một phụ nữ xinh đẹp bị một tên cướp bắt và làm nhục trước mặt chồng bà ta. Câu chuyện đã được những người chứng, cũng như những người trong cuộc kể lại từ những góc độ khác nhau. 

 

Với Người  Hùng, Trương Nghệ Mưu cũng đã sử dụng một hình  thức tương tự như thế, tác giả đã kể lại dưới nhiều góc độ, hay cách nhìn nhận khác nhau về mối quan hệ giữa Tàn Kiếm, Phi Tuyết và Như Nguyệt..

 

Khuyết điểm chính của Trương Nghệ Mưu trong bộ phim này là đã để lộ quá rõ bàn tay sắp xếp của mình, mà theo tôi đó là điều cấm kỵ trong nghệ thuật.. Với năm gam màu: đen, đỏ, xanh lam, xanh lá và trắng mà tác giả muốn người xem hiểu như đó là cách thể hiện thuyết Ngủ hành: Kim- Mộc- Thủy- Hỏa - Thổ . Tôi có thể hiểu màu đen là tượng trưng cho Tần ( Tần Thượng Hắc), màu của đất. Nhưng những màu sắc khác trong phim khó có thể nối kết được với ý nghĩa của  Ngủ hành, cách biểu hiện đã không nói lên  được điều đó, không có gì mới lạ và cũng không  làm tăng thêm sức nặng cho thông điệp, một thông điệp không mang tính nhân bản, lại càng không sâu sắc về mặt tư tưởng triết lý.

 

Đồng thời, đạo diễn Trương Nghệ Mưu còn muốn minh chứng mối tương quan giữa thư pháp và kiếm pháp. Thư pháp có một sức mạnh đặc biệt qua miệng của lão chủ thư quán “… dù mũi tên của Tần có cứng tới đâu, có thể phá thành lũy của chúng ta, nhưng không thể làm mất đi nước Triệu”. Nhưng trong thực tế nước Triệu đã mất cũng như trong phim, Vô Danh, người anh hùng của nước Triệu cuối cùng  tưởng vì “ngộ” ra hai chữ Thiên Hạ và một chữ Kiếm của Tàn Kiếm viết tặng, đã khuất phục bởi uy lực của bạo Chúa Tần Thủy Hoàng thì đúng hơn. Mặt khác, cảnh Tà Kiếm viết thư pháp trên cát, làm tôi nhớ đến cảnh Trương Thúy  Sơn ( Nhậm Đạt Hoa ) viết mấy hàng chữ trên vách núi trong Cô Gái Đồ Long lại có vẻ “đạt” hơn nhiều.  

 

Một chi tiết  cần được nói đến: việc Trương Nghệ đã phải công phu nhờ hằng trăm người đi nhặt những chiếc lá rụng, nhuộm vàng rồi lại nhuộm đỏ để tạo một cánh rừng sắc vàng, đỏ làm nền cho trận đấu giữa Như Nguyệt và Phi Tuyết cũng không có gì mới lạ, vì chính Akira Kurosawa cũng đã từng nhuộm nguyên cả cánh đồng vàng rực trong phim Ran ( Thời Hổn Mang ,1985 ).

 

Trong Người Hùng, tất cả những trường đoạn như trận đấu giữa Phi Tuyết và Như Nguyệt trong rừng phong, cảnh Phi Tuyết và Vô Danh cản phá hàng triệu triệu mũi tên của quân binh Tần xé gió bắn thẳng vào kinh đô nước Triệu, cuộc chiến đấu  giữa Phi Tuyết và Vô Danh giữa đám quân Tần sát khí đằng đằng, và cuộc chiến giữa Vô Danh và Tàn Kiếm trong thư viện hay trên mặt hồ… Nói chung tất cả những cảnh dàn dựng công phu và nhiều kỹ xão, có vẽ như rất đẹp mắt nhưng  lẩn lộn giữa thủ pháp  ảo và thực  chỉ đem đến  hiệu quả  giả tạo.

 

Trong cảnh Vô Danh rút kiếm phóng người qua dảy đèn để uy hiếp Tần Vương, theo tôi, lẽ ra tác giả phải cho thấy được cái “ nhanh như chớp “ của Vô Danh, chỉ thoắt một cái là lưỡi kiếm đã kề cổ Tần Thủy Hoàng, chứ không thể  bay người chầm chậm như trong phim. Vì chỉ cần chậm một giây, những ánh đèn lay động thì Tần Thủy Hoàng đã có phản ứng lập tức.

 

Trong  trường đoạn ông già mù gảy đàn hòa điệu theo tiết tấu của cuộc chiến tay đôi giữa Vô Danh và Trường Không, đàn lạc điệu, dây bật đứt … cuộc chiến đã tới hồi kết thúc, Vô Danh lướt tới, chiếc trường thương bị chém đứt và Trường Không ngã xuống … cũng không có gì mới, nếu không nói lặp lại những cảnh tương tự trong những phim kiếm hiệp lấy từ tiểu thuyết của Kim Dung.

 

Còn một điểm nữa tôi cho là rất quan trọng: Có lẽ khi xây dựng bộ phim Anh Hùng, Trương Nghệ Mưu đã không nghiên cứu kỹ thời đại mà câu chuyện xảy ra. Theo như Joseph Needham, một nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc rất nổi tiếng , thì thời Tần Thủy Hoàng, một bối  cảnh lịch sử cụ thể, người ta chỉ đi xe ngựa mà chưa thể cỡi được ngựa với một tay cầm đao thương đánh nhau. Lý do đơn giản, theo Joseph Needham thì thời đó người ta chưa làm được cái yên ngựa. Nhưng trong phim Anh Hùng của Trương Nghệ Mưu thì tất cả các nhân vật  trong phim đều cỡi ngựa cầm đao thuơng đánh nhau chí chóe. Có lẽ Trương Nghệ Mưu cũng theo nếp cũ mà làm, những phim trước người ta cũng có cỡi ngựa cầm vũ khí đánh nhau thì Trương Nghệ Mưu cứ thế mà làm, trong khi vẫn nuôi hoài bảo đây là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

 

Ưu điểm của phim, chính là đã tạo được sự thu hút của đông đảo người xem  là nhờ vào nghệ thuật diễn xuất đồng bộ và rất sinh động của Lương Triều Vỹ, Lý Liên Kiệt, Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di, Trần Đạo Minh,... Nhưng theo tôi, đây lại là nhược điểm của Trương Nghệ Mưu trong bộ phim này. Bởi từ trước Trương Nghệ Mưu vẫn có thói quen không cần đến diễn viên ngôi sao, tự nhân vật đã nói lên điều tác giả muốn nói. Nhưng vì trong Người Hùng , vấn đề không mạnh mẻ, tác giả thiếu tự tin nên mới phải cần đến những diễn viên ngôi sao kể trên.

 

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi phủ nhận toàn bộ những nỗ lực của Trương Nghệ Mưu trong bộ phim Người Hùng . Như những cảnh đánh nhau trong Người Hùng  có tiếng reo hò trong kinh kịch phụ họa, thay vì tiếng phát lực, làm tăng thêm quá trình đối kháng, tránh đi cái đơn điệu như các phim của các đạo diễn khác. Đó là một sáng tạo độc đáo của Trương Nghệ Mưu không thể phủ nhận được. .

 

Đặc biệt, phần âm nhạc cho phim của nhà soạn nhạc Trung Quốc Tan Dun, ông cũng chính là người mang về giải Nhạc phim hay nhất Oscar 2000 cho bộ phim Ngọa Hổ Tàng Long của Đạo diễn Lý An. Trong Người Hùng,  Tan Dun đã cùng với nghệ sĩ  violin Itzhak Perlman phối hợp tinh tế  giữa tính lãng mạn  của đàn violin Tây Au  với âm nhạc cổ truyền Trung Hoa tạo nên một giai điệu độc đáo, thể hiện tính lãng mạn, trữ tình, ẩn chứa những cảm xúc thoát ra từ chốn sâu thẳm của trái tim dư lực đủ sức đánh động vào  trái tim người xem.

 

Phải chăng tôi đã đòi hỏi quá nhiều? Có thể! Nhưng rất thành thật, tôi vẫn nghĩ  tài năng vượt trội  của Trương Nghệ Mưu không phải ở đề tài võ hiệp mà chính là sáng tạo những tác phẩm mang tính hiện thực phê phán./.

 

25.1.2004

Sâm Thương
Số lần đọc: 5079
Ngày đăng: 18.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ingrid Bergman: cơn bão trong vinh quang - Sâm Thương
Marilyn Monroe đuổi bắt ảo ảnh - Sâm Thương
Trần Anh Hùng: tính nữ của tôi rất lớn - Nguyễn Thị Dạ Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 1 - Sâm Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 2 - Sâm Thương
Yilmaz Guney , Người tử tù bị săn đuổi. - Sâm Thương
Francois Trufaut- nhà điện ảnh cổ điển của đợt sóng mới - Sâm Thương
Điện Ảnh Việt Nam Thời Khai Sinh-1 - Sâm Thương
MƯỜI BA BẾN NƯỚC : Từ văn chương sang điện ảnh. - Nguyễn Hoàng Đức
Nguồn gốc của tên gọi Nghệ thuật thứ bảy. - Vũ Quang Chính
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)