“Xa Xứ” , thơ của Trần Hoài Thư do Thư Ấn Quán xuất bản là một tập thơ, trước hết: Đẹp. Tranh Bìa của Tống Phước Cường (cũng là một trong những họa sĩ như Thân Trọng Minh, Nguyễn Trọng Khôi, Đinh Cường…có tranh phụ bản cho tập thơ). Tập thơ in hoàn toàn bằng giấy láng, dày, tốt với 38 đoạn thơ cùng 38 phụ bản tranh màu. Tác giả đã rất công phu tìm, chọn 38 bức tranh rất ư liên quan đến 38 đoạn thơ trong tập. quả là một điều thú vị. Một tập thơ, hình thức hết sức công phu, trau chuốt, trình bày trang nhã. Tác giả in chỉ để tặng.
Trần Hoài Thư. Một khuôn mặt rất quen thuộc trong giới cầm bút của Nam Việt Nam từ thập niên 60, một thành viên trụ cột của nhóm Ý Thức. Anh là cựu sĩ quan và là cựu phóng viên chiến trường của QLVNCH. Tù cải tạo 4 năm. Vượt biển , định cư tại Hoa Kỳ 1980. Về hưu sớm, dành toàn thời gian cho việc sưu tập di sản văn học miền Nam, cơ sở Thư ấn quán và tạp chí văn học Thư Quán Bản Thảo. Anh đã xuất bản hơn hai chục tác phẩm thơ, văn. Có thể nói 38 đoạn thơ trong tập ( đoạn ngắn nhất là 2 câu, dài nhất là 8 câu) là 38 bài thơ cùng có tên là “Xa Xứ”. Nói một cách khác bài thơ “Xa Xứ” của Trần Hoài Thư dài 38 đoạn.
Gạt lệ, từ bỏ quê nhà, đối diện với may rủi. Rủi nhiều hơn may. Cho dù đến được với bến bờ tự do. Trần Hoài Thư cũng như những người yêu Việt Nam, vẫn bị cái rủi bao vây, khống chế. Đó là cái rủi của một con người bị mất quê hương Từ bên này địa cầu, Trần Hoài Thư, luôn luôn mang nặng một nỗi buồn xa quê. Nỗi nhớ mang tên mưa, những cơn “mưa tối mặt”, liên quan đến sinh tử của người lính chiến:
“Tây Nguyên đèo ải ngăn sinh lộ
“Trăm đứa lên có mấy kẻ về
“Giày trận bám bùn mưa tối mặt”
( “Xa Xứ”, tr. 6”)
Nỗi nhớ mang tên cây như rễ cây đa cổ thụ “đâm lòng đất”:
“Cây đa. Ngàn rễ đâm lòng đất
“Như tấm lòng người với Bồng Sơn
“Đa bám làng, tôi đi bám đất
“Đất và làng, thương quá quê hương….”
(Xa Xứ, tr.8).
Nỗi nhớ của anh còn mang tên nhiều thứ nữa. Những cái tên ấy đều mộc mạc chân quê. Như là: “cây chuối”, “con Bìm bịp”, “lúa Chiêm”… Những lần hành quân, người lính chiến đang tuổi thanh niên, không thể không vấn vương trong lòng mái tóc của người con gái tuổi dậy thì trong vụ Chiêm vàng bát ngát. Uống một cốc cà phê, nhớ bạn. Hình ảnh cái ly xây chừng của cà phê bít- tất bỗng sống dậy trong anh. Lặng lẽ nhưng sừng sững. Ảo ảnh nhưng chừng như tác giả có thể nắm bắt:
“ Cốc xây chừng ta để lại Việt Nam
“Chắc sẽ nguội và đóng thành lệ đá”
(“Xa xứ”, tr. 20)
Cây chuối là hình ảnh của quê hương mình, tình cờ thấy nó ở vườn ai (!) bên đường, anh không khỏi bàng hoàng thảng thốt, dừng xe:
“ Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc
“Chuối mẹ chuối con, trời hỡi quê nhà!”
(“Xa Xứ”, tr. 22)
Tình cờ hai kẻ xa xứ gặp nhau . Rủ nhau vào quán:
“Hỏi em: em xa xứ
“Hỏi anh : anh xa nhà
“Mời em vào quán vắng
“Uống thêm màu mây xa.”
(“Xa Xứ”, tr. 36)
Đây là đoạn thơ hay nhất trong thi tập “Xa Xứ.” “Em xa xứ/ Anh xa nhà/ Mời vào quán vắng”. Nếu để kể lể, chia sớt nỗi buồn lưu lạc thì chắc tác giả chẳng nói làm chi. Chỉ để “ Uống thêm màu
mây xa”. Câu thơ như suối nguồn tuôn chảy, làm ngập lụt cả không gian bằng nỗi nhớ vợi vời. Uống thêm màu mây xa là uống một thứ thuốc độc thơ mộng. Một lối tự tử tuyệt vời. Chữ “thêm” và chữ “xa” là 2 chữ đắc địa . Không gian của 4 câu thơ là không gian tuyệt đối tĩnh lặng cô đơn. Chao ôi, trống vắng của kiếp người như vậy có thể nói là cùng kiệt! Cái tĩnh lặng cô đơn ở đây là chính do tự lòng mình mở ra dẫu cho đang đứng giữa phố xá đông người. Cảnh quang không tĩnh như trong bài “Tĩnh dạ tư” (1) . Nó khiến ta nhớ đến bài “Ức Đông Sơn:”
“Bất hướng Đông Sơn cửu
“Tường vi kỷ độ hoa?
“Bạch vân hoàn tự tán
“Minh nguyệt lạc thùy gia?”
Lý Bạch.
Dịch nghĩa(ĐPP)
“Lâu không đến Đông Sơn. Hoa tường vi đã nở mấy lần? Mây trắng hợp rồi tan. Trăng sáng lạc vào nhà ai?”
Lý Bạch nhìn mây. Trần Hoài Thư uống mây. Cả hai bài thơ đều không đề cập đến nỗi nhớ, nỗi cô đơn nhưng đều gây cho người đọc bàng hoàng đến lặng người vì nỗi cô đơn cùng cực.
Trần Hoài Thư biết rõ mình “ đứng giữa nỗi buồn lịch sử” nên đành phải ngậm ngùi với thân phận mất mát dù thỉnh thoảng cũng muốn tìm “có exit nào để bớt cô liêu” (trg 58).. Nhưng, tất cả chỉ là chiêm bao:
“ … Ta về chứ đêm qua
“Ta vẫn về, rất thầm lặng thiết tha.”
(“Xa Xứ”, tr. 78)
Kẻ lưu vong mà cứ canh cánh bên lòng nỗi mất mát thì sẽ trở thành một người chung thân bất mãn. Hay ít ra là một kẻ mang bệnh trầm cảm. Mong nhà thơ chúng ta tìm được chỗ, nơi, chốn thoát thân.
Chú thích:
(1)“Tĩnh dạ tư” của Lý Bạch.
“Sàng tiền minh nguyệt quang
“Nghi thị địa thượng sương
“Cử đầu vọng minh nguyệt
“Ðê đầu tư cố hương.”