Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.798
 
Về Tập Tiểu Luận "Thơ – Quan Niệm & Cảm Nhận" Của Trần Hoài Anh
Hoàng Thụy Anh

Thơ là gì? Một câu hỏi cứ ngỡ dễ dàng, thế mà từ xưa đã hỏi, ngày nay vẫn hỏi và mai sau còn hỏi. Bởi thơ luôn có lối đi riêng, có thể nói một nghìn nhà thơ sẽ có nghìn lối, nghìn phong cách, chẳng ai giống ai. Cho nên, thơ sẽ còn giải mã không có điểm dừng, không có chuẩn mực nào để kết thúc. Thơ là "cõi bồng phiêu" (Bùi Giáng), là tình, là nhạc, là hết thảy tâm tư... Bởi thế, hành trình "Thơ – quan niệm & cảm nhận" [1] không có đích cuối cùng. Mỗi chuyến kiếm tìm ấy, con đường thơ như mở rộng thêm, đa sắc đa chiều.

 

Trần Hoài Anh chân thành bày tỏ: Cuốn tiểu luận này "không phải là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa thơ vốn khá linh diệu mà chỉ là một thông điệp đồng hành với bạn trên hành trình đi tìm bản thể thơ" [1; 7]. Một cách bày tỏ khá khiêm tốn. Thực ra, cuốn tiểu luận này đã đóng góp một chiếc chìa khóa riêng, khai triển những cách tiếp cận và giải mã thơ.

 

Cuốn sách chia làm ba phần: Phần I: Quan niệm về thơ; Phần II: Cảm nhận về thơ; Phần III: Phụ lục (quan niệm về sáng tác thơ). Cách phân chia bố cục khá chặt, phù hợp và khoa học.

 

Ở phần I, tác giả trình bày ngắn gọn các quan niệm thơ của Chế Lan Viên, Lê Đạt, Thanh Thảo qua các bài viết đã được đăng ở các báo. Đồng thời, trong mỗi bài viết, tác giả cũng đưa ra một số nhận định khá lôgic của mình về thơ. Dành vị trí đầu tiên và cốt lõi là quan niệm của Chế Lan Viên về thơ. Phần I có 13 bài thì đã có 8 bài đúc rút quan niệm thơ của Chế Lan Viên. Các quan niệm ấy xâu chuỗi một cách hợp lý, bật lên các góc độ tiếp cận thơ ca. Các nhà thơ thường bày tỏ những quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề của đời sống, của con người... qua thơ văn. Qua thơ Chế Lan Viên, Trần Hoài Anh nhấn mạnh ông không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng mà còn là một nhà thơ có tư duy triết luận sắc sảo. Ông đề xuất nhiều quan niệm về thơ. Mối quan hệ giữa cuộc đời với thơ và giữa thơ với cuộc đời dựa trên cơ sở cái nhìn hiện thực đa diện đa chiều. Chế Lan Viên cho rằng hiện thực trong thơ là hiện thực của cõi tâm linh: "Chỉ có điều nhà thơ không phản ánh hiện thực một cách giản đơn mà đã tâm linh hóa, hư ảo hóa hiện thực ấy, để hiện thực xuất hiện trong thơ với một dáng vẻ khác – huyền bí, khác lạ nhưng không xa lạ. Đó là hiện thực của cõi tâm linh" [1; 15]. Để thẩm thấu được cõi tâm linh ấy, mỗi nhà thơ phải có trách nhiệm và lòng nhiệt huyết với thơ, thơ mới trở thành một nghề. Đó là "nghề của bề sâu, của lao động thầm lặng, nghiêm túc và sáng tạo" [1; 47]. Khi ấy, tác phẩm là thước đo cho mọi thành công của con người. "Tác phẩm là sự kết tinh tài năng, lao động nghệ thuật của nhà thơ và khẳng định sự tồn tại của nghề thơ" [1; 50]. Hành trình sáng tạo đặc biệt này cần phải có sự tham gia của những: "phẩm chất khác thường" của người nghệ sĩ [1; 53].

 

Thơ hay, trước tiên, người sáng tạo phải thể hiện được phong cách và bản lĩnh của mình. Sản phẩm làm ra, nếu lạ, mới và riêng thì sản phẩm ấy sẽ đứng vững, tồn tại và vĩnh cửu. Tuy nhiên, tác phẩm văn học cũng có hành trình phát triển của nó. Con đường nó đi không hề xơ cứng, bất động. Tác phẩm trải qua quá trình hun đúc của nhà thơ nhưng nó lại thêm lần nữa (không giới hạn) được nhào nặn trong thế giới tư duy, đón nhận của mỗi người đọc. Nói như Roman Ingarden: "Mọi tác phẩm văn học đều dang dở, luôn đòi hỏi sự bổ sung mà không bao giờ ta đạt tới giới hạn cuối cùng bằng văn bản". Chế Lan Viên cũng chú trọng, quan tâm đến sự tác động của người đọc đối với quá trình sáng tạo của nhà thơ. "Người đọc là vị quan tòa quyết định số phận của thơ ca" [1; 77]. "Người đọc trong quan niệm của ông là người quyết định sự tồn tại của thơ ca và ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ" [1; 80]. Ngoài ra, Chế Lan Viên còn đề cao chất trí tuệ và chất tình cảm trong thơ. Đó là sự hợp lưu hài hòa của hai dòng chảy. Hai dòng chảy này quyết định tố chất của thơ. Khi bàn về vấn đề tính triết lý trong thơ, Hồ Thế Hà cũng đã viết: "Nhà thơ triết lý không chủ tâm phô diễn những quan niệm có tính triết học của mình bằng tư tưởng một cách khô khan. Trái lại, ở họ, kết hợp được tình cảm và lý trí để xây dựng những hình ảnh, những tâm trạng điển hình, chân thật của cuộc sống bằng ngôn ngữ, giọng điệu có tính triết lý nhưng yếu tố trữ tình, gợi cảm vẫn đằm sâu" [2; 38]. Tuy nhiên, chất trí tuệ, chất tình cảm trong thơ chưa đủ để tạo nên một bài thơ mà nó cần có các yếu tố khác nữa như: ngôn ngữ, giọng điệu, vần, nhạc tính... Chỉ có như thế, nhà thơ mới tạo được “cá tính sáng tạo và phong cách” [1; 61] của mình:

 

Nhà thơ sông Hồng nguy nga sắc đỏ

Nhà thơ sông Thương lấy bi thương làm bản ngã

Nhà thơ sông Mã

Mà dòng thơ là sức ngựa tung hoành

 (Ví với sông Hồng-Chế Lan Viên)

 

Theo dõi hành trình thơ của Chế Lan Viên hơn 50 năm sáng tạo, cống hiến, Trần Hoài Anh đã lẩy ra được những vấn đề cốt lõi của thơ. Những quan niệm ấy rất thiết thực và thời sự đối với nền thơ ca Việt Nam. Điều này, chứng tỏ năng lực và tầm nhìn sâu rộng của một nhà thơ tài năng. Trần Hoài Anh đã đặt vấn đề ngay từ đầu phần trình bày quan niệm thơ: "Chế Lan Viên là một gương mặt thơ đa dạng, luôn tạo nên những bất ngờ đầy ấn tượng trên thi đàn" [1; 11].

 

Không chỉ đưa vào quan niệm về thơ của Chế Lan Viên, Trần Hoài Anh còn đưa ra quan niệm về thơ trong Lý luận phê bình văn học đô thị miền Nam của một số nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học (Trần Nhựt Tân, Đồng Hồ, Huỳnh Phan Anh, Cao Thế Dung, Duy Thanh, Bằng Giang...) qua các phương diện: Thơ trong mối quan hệ với hiện thực; Nhà thơ và quá trình sáng tạo; Ngôn ngữ và hình ảnh thơ; Quan điểm về nhạc tính và âm điệu trong thơ; Thơ và vấn đề chú giải phê bình. Phải khẳng định rằng, trong bối cảnh đi tìm một lời giải đáp thật khoa học và đầy đủ cho thơ Việt Nam, Trần Hoài Anh đã vượt qua nhiều trở ngại, tiếp thu được những thành tựu của hệ thống quan niệm về phê bình lý luận ở đô thị miền Nam “đã góp thêm một sắc diện mới, làm hiện đại hóa hệ thống quan niệm thơ ca nước nhà” [1; 121]. Trần Hoài Anh còn soi chiếu những quan niệm trên về thơ qua thơ Bích Khê. Thâu tóm những đánh giá để tiến đến nhận định: "Bích Khê qua cái nhìn của các nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền nam 1954-1975 là một nhà thơ của sáng tạo và cách tân, là người gieo hạt giống thơ cho mùa sau, là người sống dấn thân" [1; 134]. Bên cạnh đó, Trần Hoài Anh cũng đưa một số quan niệm về thơ của Lê Đạt và Thanh Thảo.

 

Ở phần quan niệm về thơ, Trần Hoài Anh trình bày rất khoa học và phong phú. Xuất phát từ quan niệm của Chế Lan Viên, tác giả mở rộng biên giới của nó qua một số quan niệm về thơ của các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình khác. Từ những quan niệm đó, tác giả thâu tóm và đúc kết bằng chính quan niệm của mình về thơ và sự thăng trầm của những người làm thơ trẻ. Trần Hoài Anh cho rằng: "Yêu cầu tạo sinh khí mới để đem đến sức trẻ cho thơ đó là một phẩm chất, là một hằng số của thơ" [1; 157]. Vì thế, theo tác giả, cần phải mở rộng cánh cửa thơ, vượt qua những rào cản, e ngại để cho phép họ mạnh dạn đi vào con đường sáng tạo và cách tân, chứ không phải chịu cảnh "đóng đinh" vĩnh cửu. Đó là lý do vì sao tác giả lên tiếng một cách thao thiết: "Thơ là tiếng gọi từ cõi vô biên. Hãy trả thơ về với cõi vô biên của nó" [1; 161]. Lời kêu gọi này cho thấy một quan niệm khá thoáng của tác giả về thơ ca. Thiết nghĩ, có như thế, thơ ca mới đổi mới, vận hành và khám phá.

 

Nếu phần I là lý thuyết, thì phần II là phần vận dụng. Trần Hoài Anh nêu cảm nhận về thơ qua một số tên tuổi khá quen thuộc trong độc giả: Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Yến Lan, Văn Cao, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Khoa Điềm, Ly Hoàng Ly. Mỗi tác giả đều được luận giải từ những điểm nhìn khác nhau. Tình quê trong thơ Bích Khê được soi chiếu bằng cái huyền ảo và cái thực tâm trạng. Với Hàn Mặc Tử, Trần Hoài Anh không biểu lộ nỗi đau, những cơn ma quái... mà xoáy vào một miền thơ khác: hơi thở nồng ấm của mùa xuân, tình xuân. Để làm nổi bật phong cách của Nguyễn Bính, tác giả khai thác không gian văn hóa qua lăng kính của không gian tâm tưởng, vẽ nên "hồn thiêng" của quê hương, đất nước. Khi viết về quê hương trong thơ Tế Hanh, tác giả lại thiên về phương diện hình ảnh thơ. Những hình ảnh thân thuộc của quê hương hiện lên qua ngòi bút "đôn hậu, đằm thắm và ngọt ngào" [1; 222]. Nó là "mảnh hồn làng" tê tái hồn thi nhân: "Tôi thâu tê tái trong da thịt/ Hương đất hương đồng chẳng ngớt tuôn" (Lời con đường quê). Ở thơ Phạm Thiên Thư, tác giả không phân tích yếu tố tôn giáo mà thiên về chất tình từ những mộng mị vô thường, từ ám ảnh "bụi đỏ": "Bước vào cõi yêu trong thơ Phạm Thiên Thư, ta luôn bắt gặp nỗi ám ảnh của một người đi tìm bụi đỏ mà ai đó đã vô tình mang đi. Bụi đỏ chính là dấu tích tình yêu đã xa mờ trong quá vãng. Nhưng cũng là hạt bụi của phận người trong cõi nhân sinh đầy hư ảo và khổ đau này" [1; 241]. Xem Ly Hoàng Ly là "người gọi hồn cho đêm", Trần Hoài Anh làm công việc thống kê hình ảnh "đêm": đêm của tiếng gọi tâm linh, đêm là một sinh thể, đêm miên viễn của tình yêu đôi lứa... Và tác giả đưa ra ý kiến của mình: "Giải mã được hình tượng đêm trong thơ Ly chúng ta sẽ chạm đến mã văn hóa, mã thẩm mỹ trong thơ Ly" [1; 264]: "Vì vậy đêm trong thơ Ly chính là một mảnh hiện thực của tâm linh, nhưng không phải là một thứ tâm linh mang tính siêu hình mà đó còn là thứ tâm linh thể hiện một chiều kích khác của hiện thực đời sống" [1; 265].

 

Điểm xuyết qua một số cách cảm nhận trên, chúng ta thấy một ngòi bút phê bình nhạy cảm và tinh tế của Trần Hoài Anh. Tác giả không vận dụng các cánh tiếp nhận thơ một cách cứng nhắc mà biết nới rộng biên giới cảm nhận bằng chính cái tâm tri âm, đồng cảm của người đọc lý tưởng.

 

Khi bàn về "Triết luận về thân phận con người trong Di cảo thơ", tư duy sắc bén, chất lý luận trội hơn, Trần Hoài Anh diễn giải: "Triết luận về thân phận con người trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên là triết luận của một cái tôi – "tiểu ngã", để rồi cùng với sự vô cùng, vô biên của cái "đại ngã" thì cái "tiểu ngã" cũng sẽ tồn tại vĩnh hằng" [1; 183].  Bằng những luận giải cô động, nắm bắt được chiều sâu tư duy của nhà thơ, trong bài viết "Tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao", tác giả đúc kết: "Rõ rằng, đi vào thế giới thơ Văn Cao là đi vào thế giới của sự huyền hoặc, linh diệu, trống không. Và trong một chừng mực nào đó chúng ta lại bắt gặp trong thơ ông cái triết lý vô thường của nhà Phật. Cảm thức vô thường ấy hiện hữu trong thơ Văn Cao như hơi thở, như không khí trong đời sống. Đọc lên ta thấy hiển hiện bóng dáng của thơ thiền, của thơ Haiku" [1; 234]. Cảm nhận như thế, đâu phải xuất phát từ cảm tính mà bằng thứ lý luận vững chắc nhưng đầy tình, giàu sức biểu cảm. Tùy vào từng mục đích khác nhau, cách cảm nhận của Trần Hoài Anh trở nên sinh động hơn. Ngòi bút ấy lôi kéo người đọc và xoay chuyển người đọc bằng cách của mình, vừa mở lối vừa tạo lối. Nếu sa vào lý luận quá thì bài viết khô khan. Nếu ít lý luận thì bài viết thiếu sức thuyết phục. Trần Hoài Anh dung hòa được hai kiểu ấy. Đây là một thành công của tập tiểu luận phê bình này.

 

Phần III (phần phụ lục), Trần Hoài Anh chia sẻ, giao lưu với độc giả về những ý kiến của các thi nhân, các triết gia, học giả và nhà phê bình về thơ. Tất thảy đều được trích trong những cuốn sách thuộc vào loại "khó tìm" hiện nay. Điều đó, cho thấy sự tận tụy và hết lòng vì nền văn học của Trần Hoài Anh. Ở phần thứ nhất (Ý kiến các thi nhân về thơ), các ý kiến đều được sắp đặt hệ thống, hướng dẫn người đọc từng bước đi vào ngôi nhà thơ: "Thơ là gì?; Hồn thi nhân; Lãnh vực và mục đích thơ; Thi nhân và xã hội; Thi nhân và thời gian; Thiên tài và công phu; Thi hứng và hoạt động sáng tác; Thực tế và tưởng tượng; Biểu tượng và ảo giác; Mộng tưởng; Lí trí, trí tuệ; Tình cảm; Sầu khổ; Thi nhân và ngôn ngữ; Thế nào cho nên thơ; Nhạc tính; Nhịp thơ; Vần thơ; Thơ và hình ảnh; Làm thơ cho ai; Thơ và ý nghĩa; Thơ sáng thơ tối". Ở phần thứ hai (Ý kiến các triết gia, học giả và nhà phê bình về thơ) khiêm tốn hơn so với phần thứ nhất, nhưng trọng lượng không hề non. Bởi, chúng đều là những triết lý sắc sảo và kinh nghiệm.

 

Như vậy, đọc các phần của tập tiểu luận phê bình, người đọc có thể tự tin, vững chãi bằng chính đôi chân bộ hành của mình vào miền thơ. Các phần liên kết, xuyên thấm như sự cộng hưởng của các tế bào kiến giải. Nói như Alain: "Một bài thơ hay, nẩy nở dần dần như một trái chín". Tập tiểu luận này cũng thế. Càng đọc, càng ngẫm, càng thấy có chuyện để bàn. Giá trị của nó đã minh chứng khả năng phê bình của Trần Hoài Anh.

 

"... Còn nhà thơ cầm bút làm thơ, ấy chính là một kẻ đi săn. Nhiệm vụ của y là mang sự Đẹp về cho mọi người" (L.P.Fargue). Trần Hoài Anh không cầm bút làm thơ nhưng đã mở đường tiếp cận thơ. Đây cũng là nhiệm vụ thực thi cái Đẹp cho tất thảy mọi người đã và đang yêu thơ./.

 

Đồng Hới, ngày 28-3-2011

 

------------------

[1]. Trần Hoài Anh, Thơ – quan niệm & cảm nhận (Tiểu luận-phê bình), NXB Thanh Niên, 2010.

[2]. Hồ Thế Hà, Những khoảnh khắc đồng hiện (Tiểu luận-phê bình), NXB Văn học, 2007.

Địa chỉ liên hệ: Hoàng Thị Quỳnh Anh (bút danh: Hoàng Thụy Anh)

12A Nguyễn Đình Chiểu, phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

 

Hoàng Thụy Anh
Số lần đọc: 4510
Ngày đăng: 23.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Hoài Thư và “Xa Xứ” - Đặng Phú Phong
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của trong nước - Nguyễn Vy Khanh
Thi ca miền Nam 1954-1975 - Nguyễn Vy Khanh
Lưu Lạc Trên Cánh Đồng Số Phận” - Lê Khánh Mai
Vào Quán Thời Gian Cùng Trương Nam Hương - Trần Huyền Nhung
Đọc Lại Bài Thơ Vào Chùa Của Đồng Đức Bốn - Nguyễn Trọng Bình
Một Bài Thơ Tôi Tâm Đắc - Trần Huyền Nhung
Đọc thơ Trần văn Sơn: Thấp thoáng vài nụ hoa - Nguyễn Mạnh Trinh
Mai Văn Phấn tìm về ngọn nguồn thi ca - Đặng Văn Sinh
Ngôn Ngữ Tĩnh Vật Nơi Thơ Lê Nguyệt Minh - Nguyễn Văn Trang
Cùng một tác giả
Tin (thơ)