“Anh đến quê em đất biển Cà Mau có thấy xinh tươi đước rừng bát ngát… Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn”. Mỗi lần nghe bài hát này là một lần ao ước được về Cà Mau, vậy mà rồi vài chục năm sau tôi mới đặt chân đến nơi đây. Nhiều lần về miền tây công tác, đây là lần đầu tiên tôi đi chơi, không vướng bận việc gì, thích đâu ghé đó nhưng vẫn trực chỉ Đất mũi. Đây rồi, thành phố Cà Mau, vòng xoay tượng đài đại lộ nhà cao tầng san sát, mới hơn, rộng hơn, hiện đại hơn, và cũng… giống hệt các thành phố thị xã ở bất kỳ tỉnh nào.
Nam bộ có một từ rất hay: miệt. Miệt vườn, miệt ruộng…nghe xa ngái mà như trải dài trước mắt. Với những người chưa từng đến Cà Mau thì miệt u minh qua những “Hương rừng Cà Mau”, “Đất rừng phương nam”, “Về đất mũi”… đã mang lại hình ảnh độc đáo mà gần gũi với vùng biển trầm lắng nặng màu phù sa, bạt ngàn rừng cây mắm trước đước sau tràm xanh dừa nước, những dòng sông con kinh nước phèn trong xanh, bãi bồi ngập linh láng thoáng bóng cò lặn lội kiếm ăn… Bởi vậy cảnh trời nước Cà Mau vừa quen vừa lạ, đi đến đâu cũng nhận ra những địa danh đã in dấu trong tôi từ ngày thơ bé. Mỗi bước đi tôi như tìm lại được hình bóng của ba má tôi những ngày kháng chiến chín năm. Mỗi nơi tôi qua cho tôi sự chiêm nghiệm nỗi nhớ quê hương của ba má tôi, của những người con Nam bộ sống qua 20 năm dài trên đất Bắc ...
Về Cà Mau không thể không nhớ nhà văn Đoàn Giỏi và “Đất rừng phương Nam”. Trong tôi bỗng hiện lên ngôi biệt thự số 4 Cổ Tân có mảnh vườn lúc nào cũng đầy lá rụng, xưa cũ, bình yên… Bên ngoài hàng rào sắt thưa thoáng là quán bia hơi Cổ Tân nổi tiếng. Quán bia chỉ có cái quầy gỗ mái tôn bốn mặt trống, mấy cô mậu dịch viên đứng bên trong luôn tay xé phiếu, rót bia bán kèm đậu phọng rang hoặc luộc. Mấy thùng bia hết dựng phía ngoài, sát đường là dãy “tăng xê” có nắp tròn đậy lệch trên miệng hầm. Bên kia là một công viên nhỏ, cây nhỏ, ghế đá nhỏ… vắng lặng, thi thoảng mới có người ngồi chơi, khác hẳn vỉa hè bên này lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt. Ngôi nhà số 4 rất quen thuộc - nơi mà tôi, có lẽ, là độc giả đầu tiên của Đất rừng phương Nam, mắt tròn miệng tròn nuốt từng lời nghe chú Đoàn Giỏi đọc từng trang bản thảo, có lần còn chứng kiến những giọt nước mắt hiếm hoi của 2 người đàn ông Nam bộ nhớ quê hương...
Về Cà Mau không thể không gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – như ai đó đã nói, Tư như “đặc sản” miền tây, đặc sản Cà Mau. Tư thường xuyên tiếp đón bạn bè từ khắp nơi, chân tình trò chuyện, hồn hậu đối đáp những câu giỡn ẩn ý “mặn nhạt” trong cuộc nhậu vui vui… Như bao người phụ nữ khác Tư cũng bận rộn chăm sóc con cái, lo toan cho cái gia đình nhỏ bé của em, làm việc như một công chức, và Tư viết, trải lòng mình cùng nhân tình thế thái… Nhớ những trang viết của Tư ngày trước chứa chất nỗi buồn chứa chất niềm hy vọng như “Ngọn đèn không tắt”, đẹp bình dị như đất trời biển rừng Cà Mau. Trang viết của Tư giờ đây đầy trăn trở, nhiều tiếng thở dài có khi tắt nghẹn, vẫn đẹp, cái đẹp của người phụ nữ thiệt thà miệt ruộng đang dần quen với cuộc sống thị thành… Ngồi với Tư lòng bình yên như ngồi với cô em gái lâu ngày không gặp. Bạn bè ai cũng mong được đọc tác phẩm mới của Tư, lại cũng muốn cùng Tư trò chuyện, rủ Tư cùng đi chơi. Về nhà rồi, tự trách mình, quỹ thời gian của ai cũng có hạn, với phụ nữ thời gian còn eo hẹp hơn nhiều, vậy mà…hình như mình đang “làm khó” cho Tư…?./.