Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.413
 
Khí trời con đang thở
Trầm Hương

Mới 6 tháng tuổi, con đã quen với việc mang khẩu trang khi ra đường. Đã vậy, mẹ còn trùm lên mặt con chiếc khăn voan. Con mở mắt thao láo nhìn quang cảnh hai bên đường. Mẹ biết là con rất bực bội vì chiếc khẩu trang và chiếc khăn voan vướng víu. Đường phố quá đông người. Tiếng động cơ gào rú đinh tai nhức óc. Khói từ những ống bô xe phả ra mù mịt. Bụi bay tung, phả vào mắt mẹ cay sè. Và kẹt xe. Người và xe chật như niêm. Mẹ nhích dần lên. Con ngồi phía trước chiếc xe gắn máy của mẹ gào khóc. Mồ hôi ướt đẫm mặt, mẹ cũng khóc vì cổ họng khô rát, vì tiếng ồn, vì sự căng thẳng... Mẹ cảm thấy mình bé nhỏ, bất lực không che chở, bảo vệ được cho con.

 

Con gái yêu, bầu trời con sống bây giờ khác mẹ ngày xưa. Ngày xưa, mẹ không có trò chơi điện tử, không có máy vi tính, điều hòa nhiệt độ; xa lạ với ti vi, tủ lạnh, đầu máy, không có những sản phẩm tuyệt hảo, an toàn của hãng Johnson's Baby như bây giờ trẻ em thế giới ở mức sống trung bình được thừa hưởng... Nhưng thời thơ ấu của mẹ có cả khu vườn tuổi thơ, có cả bầu trời tuổi thơ cao xanh, lồng lộng, trong lành...

 

Tiếng sấm tháng ba! Con sợ hãi nép vào lòng mẹ vì tiếng sấm vang rền. Trong vòng tay dịu dàng của mẹ, con hãy ngủ yên bình. Mẹ sẽ che chở cho con, mẹ sẽ giữ con an toàn trong vòng tay mẹ. Vòng tay của mẹ yếu mềm như đôi cánh tay của bà ngoại, bà cố ngoại của con, ngỡ rất mong manh nhưng vô cùng bền chặt, mạnh mẽ trong thiên chức ẵm bồng, nâng niu, cưu mang, che chở của người mẹ.

 

Tiếng sấm báo hiệu cơn mưa lại vang rền. Con yêu, đừng sợ. Con hãy tập lắng nghe tiếng sấm đầu mùa với niềm hân hoan như ngày xưa mẹ đã từng mong đợi. Tâm hồn thơ trẻ của mẹ đã có sẵn mối giao cảm giữa tiếng sấm vang vọng trên bầu trời, cơn mưa đầu mùa và khu vườn cỏ non bắt đầu lún phún mọc. Những cành cây khô quắt, khẳng khiu bắt đầu bừng lên màu thạch ngọc bởi những chồi non, lộc biếc đâm ra từ những mắt lá. Dế kêu râm ran và những con bù rầy xòe cánh. Bầu trời trong lành, mẹ cảm nhận được cả mùi rơm đã mục ải, mùi nồng ấm của đất, mùi của những mầm cây thơm mát, ngọt ngào. Ôi, khu vườn của bà cố nội, nơi những giọt mồ hôi mặn chát của bà ngoại con đã đổ xuống, thiên đường tuổi thơ của mẹ! Ngày nay, khu vườn ấy đã biến mất, chỉ còn trong ký ức của mẹ. Những gì đẹp nhưng không có thực, đã mất đi sẽ trở thành chuyện cổ tích. Mẹ sẽ kể cho con nghe về chuyện cổ tích trong khu vườn tuổi thơ của mẹ...

 

Bốn thập kỷ trước, mẹ cũng bé nhỏ, yếu đuối, mong manh như con bây giờ. Mẹ cũng đã từng ôm chầm lấy bà ngoại, sợ hãi nép vào lòng bà mỗi khi ông Trời gầm gừ, rền vang, làm rung chuyển cả mặt đất. Tiếng sấm tháng ba làm xao xuyến lòng người. Tiếng sấm khiến đôi mắt nhìn của những cô gái già thảng thốt và gương mặt của những góa phụ như bà cố của con chùng xuống nỗi buồn. Ôi, tiếng sấm, nó được phát ra từ nơi một tầng cao vang vọng, mênh mông, không bờ bến sao đồng vọng, âm âm trong lòng người. Chỉ có bọn trẻ của mẹ là đón lấy những cơn mưa đầu mùa với niềm vui sướng vô lo.

 

Mưa gột rửa bụi bặm trên cỏ, những nấm mồ đá phủ rêu xanh, làm dịu mát những nấm mồ bằng đất trong nghĩa địa... Để rồi sau đó, vạn vật dường như được khoác lên màu áo mới. Cơn khát của cánh đồng uống nước mặn suốt 6 tháng mùa khô bắt đầu được thỏa. Và cái khô khan của giồng cát cũng đã được nhen lên mầm sống bằng những loài cỏ dại lún phún mọc. Mẹ đã vui sướng biết bao khi nhìn thấy những con bù rầy bay là đà trên những ngọn cây, dù biết rằng loài sinh vật có cánh bay dễ thu phục đó được thoát thai từ những con ấu trùng mà bà ngoại con quen gọi là “con hà”. “Con hà” từng gậm nhấm khoai củ trong lòng đất mà bà cố và bà ngoại con rất đỗi căm ghét. Mỗi khi cuốc đất, bắt gặp loài ấu trùng này thun mình ngo ngoe là bà ngoại con hăng hái hóa kiếp nó ngay. Bà miết mạnh nó trong hai ngón tay. Một tiếng bụp khô khan vang lên, bà phẫn nộ ném “con hà” ra xa. Đàn gà trụi chạy đến tranh ăn. Thế là một con bù rầy bị hủy diệt trong trứng nước. “Đó chỉ là loài sâu bọ, làm tổn hại mùa màng, sống vô ích!”. Bà ngoại con giải thích. Mẹ đã từng nghe ngoại giải thích, mẹ cũng hiểu được điều ấy. Nhưng trong ý nghĩ tuổi thơ hồn nhiên, lãng mạn của mẹ, mẹ vẫn hằng mong cho loài sinh vật này đừng bao giờ bị hủy diệt. Vì nếu không có chúng, khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống, lộc biếc, chồi non mơm mởn dưới ánh nắng trời rực rỡ, tuổi thơ của mẹ, sau mẹ và sau nhiều nữa sẽ không bao giờ biết đến những con bù rầy với những trò chơi kỳ thú. Mẹ sẽ không bắt được một con bù rầy nào để cột sợi chỉ vào cái chân sát ngực nó, quay sợi dây cho nó bay sè sè trong tầm tay mình, hoặc cho nó làm xiếc trên sợi dây kẽm quấn tròn lại, cắm hai chân của chúng vào sợi dây kẽm lướt trên bộ ván. Những đứa trẻ nghịch ngợm sẽ không bao giờ được nhìn thấy cảnh ấy mà cười vang thích thú. Và những câu đồng dao thô ráp cũng chìm vào quên lãng. “Bù rầy, bù rầy về ngửi cứt trâu...”. Câu đồng dao mộc mạc và tối nghĩa nhưng gợi lên trong lòng mẹ đầy ắp cảm xúc. Mẹ cảm thấy nôn nao kỳ lạ. Nghĩ đến một ngày không còn những con bù rầy đội đất bay lên những tàng cây, không còn câu đồng dao ấy nữa, lòng mẹ hun hút nỗi buồn. Vả chăng, bất cứ sự mất mát nào cũng gieo vào lòng người nỗi buồn huống chi là sự diệt vong.

 

Niềm vui tuổi thơ của mẹ là được tắm mát trong những cơn mưa đầu mùa, là những con bù rầy từ dưới đất bay lên, chồi non và lộc biếc, tiếng ríu rít của chim, tiếng nỉ non của dế... Có lẽ vì vậy mà mẹ nhìn thấy tiền thân của những con bù rầy mà bà ngoại ghét cay ghét đắng bằng đôi mắt chứa chan niềm hy vọng vào mùa màng, sự yên tâm của sự sống đang luân chuyển, những điều tốt lành sắp tới và sẽ tới...

 

Ôi, những con bù rầy... Một con vật vô tích sự nhưng nó đã đi suốt cùng mẹ những năm tháng tuổi thơ. Bầu trời cao xanh lồng lộng. Khí trời trong sạch cho mẹ cảm nhận cả những mùi hương tinh tế nhứt. Cả mùi những đống lá khô, rơm rạ được đốt lên. Lửa và khói lan tỏa trong bầu không gian mênh mông. Mùi khói nồng nồng, hăng hăng, khen khét xộc vào mũi cũng thật khoan khoái, dễ chịu. Mùi khói ấy không ngộp thở như mùi từ triệu triệu ống bô xe phả ra đường phố, mùi tỏa lên từ ống khói những nhà máy đen ngòm như những con quái vật khổng lồ gớm ghiếc, tanh hôi. Bốn thập kỷ trôi qua, mẹ lớn lên, trưởng thành, làn khói dộc địa, giết người ấy ngày cũng đầy lên khi cuộc sống với nền công nghiệp “ống khói” và nước thải lấn dần, làm vẩn đục bầu không khí ta thở.

 

Làn khói đen ấy đã làm héo quắt những khu vườn, nhuộm bẩn những chồi non. Khu vườn tuổi thơ của mẹ đã mất. Nơi ngày xưa những con bù rầy tìm đậu trong những tàng cây rợp bóng. Trong niềm vui đầu mùa mưa của tuổi thơ, đứa nào mạnh là đứa có được trong tay nhiều con bù rầy. Mẹ dám đổi một con bù rầy siêng bay bằng một quyển tập giấy trắng tinh, hay một hộp phấn viết bảng mà không hề hối tiếc. Còn có nơi nào giàu có bù rầy hơn khu vườn của bà cố nội. Đó là một khu vườn yên tĩnh, rậm rạp. Những ngôi mộ của ông bà, chú bác, nội, ngoại nằm ngủ yên bình dưới những tàng cây rợp bóng. Những bông huệ đất như những ngọn lửa phục sinh sau cơn mưa đầu mùa làm lòng mẹ xao xuyến. Những ngọn lửa ấy đã từng được nuôi dưỡng bằng những thân ngầm vùi lấp trong cát bỏng. Đợi khi những cơn mưa ấm áp thấm vào đất, những mầm sống vụt vượt lên không gì ngăn được, nở bừng những bông hoa đỏ rực như lửa. Những bông hoa như những đốm lửa ken dày, lô xô quanh những nấm mồ. Mẹ đã từng bị bà cố nội đánh đòn vì tội làm xơ xác khu vườn. Mẹ cầm một cây sào dài, chong mắt nhìn lên những tàng cây, ra sức đập. Những chồi non, những con bù rầy rụng xuống. Thế là mẹ vứt cây sào, chạy ào theo chúng nhanh tay chộp lấy. Mẹ vấp một rễ cây, té nhào. Những bông huệ đất đã nâng đỡ cho mẹ. Những đốm lửa bị dẫm lên, gãy nát. Bà cố nội con rất phẫn nộ khi nhìn thấy mẹ dùng sào đập những cành cây không chút thương tiếc, làm bầm dập, tan tác những nụ non. Bà khẩn khoản giằng lấy cây sào từ tay mẹ:

 

- Đừng làm đau lá tội chết!

 

Ngày ấy mẹ phụng phịu, xem thường nỗi đa cảm của bà cố nội: “Nội thì cái gì cũng tội”. Mục đích của mẹ là những con bù rầy, bắt được nhiều bù rầy để chứng tỏ mình là con người có sức mạnh. Mẹ đã dẫm lên những “đốm lửa”, xem thường lời khẩn cầu của bà cố, cả những lằn roi chứa chan tình yêu thương của bà. Sự vô tâm trước những điều ngỡ như nhỏ nhặt ấy giờ đây mẹ mới hiểu rằng mình đã phải trả giá rất đắt.

 

Hậu quả trước mắt là tuổi thơ con không còn có khu vườn để mộng mơ, để hít căng bầu không khí trong lành vào lồng ngực, vĩnh viễn không còn...

Trầm Hương
Số lần đọc: 2566
Ngày đăng: 08.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thông điệp - Thăng Trầm
nhân sinh nhật bạn – cười mình - Thăng Trầm
Viết bên Suối Vàng - Thanh Giang
Hạnh Phúc - Trần hữu Nghiễm
Dấu Xưa - Trần hữu Nghiễm
Ngậm ngùi - Trần hữu Nghiễm
Về nhà chị - Thanh Giang
Tình đồng đội - Thanh Giang
Ôi ! Thương nhớ trồng cây THƯƠNG NHỚ ! - Thanh Giang
Xạ khúc chim dòng chùa - Nguyễn Đăng Khương