Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.215.935
 
Đờn ca tài tử Nam Bộ: Hồn muôn năm cũ, bây giờ ở đây
Khuyết danh

Đờn ca tài tử là hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn, trở thành cốt cách của người Nam Bộ xưa nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này vẫn tồn tại và phát triển, gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần con người đất phương Nam.

Theo các tài liệu khảo cứu về văn hóa Nam Bộ thì Đờn ca tài tử (ĐCTT) xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa vùng đất phương Nam. Ban đầu ĐCTT chỉ là thú giải trí trên ghe thuyền, sông rạch của con người đi khẩn hoang. Về sau, ĐCTT được đưa vào biểu diễn trong đình, chùa vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Hai chữ "tài tử" là để chỉ người tài. ĐCTT là hoạt động văn hóa, giải trí của một nhóm người tài, có giọng ca thiên phú cùng sự đam mê luyện tập, ứng đối tốt. "Tài tử" thường đi với "giai nhân". Tài tử sánh với giai nhân là tri âm tri kỷ.

Thời sơ khai của ĐCTT (trải dài suốt triều Nguyễn cho đến đầu thế kỷ XX), ĐCTT là thú chơi của tầng lớp quan lại, quý tộc. Các nhóm ĐCTT tiếng tăm như ban của ông Tư Triều và Hai Triều ở Mỹ Tho, Tiền Giang thường được giới quý tộc săn đón, mời mọc biểu diễn. Dân chúng mê ĐCTT, theo ĐCTT như một thứ bùa. Đã mê rồi, họ không dứt ra được.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ĐCTT là linh hồn của phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" ở Nam Bộ. Một số bản nhạc tài tử thời kỳ đó trở thành bất hủ như: Mặt trận Tầm Vu, Chống Bảo Đại, Lưu thủy trường, Xuân tình v.v...

Tài tử, giai nhân một thời vang bóng

Thành phố Cần Thơ là vùng đất nổi tiếng của phong trào ĐCTT xưa nay. (Thời xưa, vùng đất Cần Thơ có tên là Cầm Thi. Hoạt động đờn ca trên sông nước ở đây đã làm nên giai thoại Cầm Thi Giang nức tiếng một thời). Đất tài tử hàng đầu ở Cần Thơ phải kể đến huyện miệt vườn Phụng Hiệp.

Trong số các lão tài tử từng nổi tiếng thời chống Pháp còn sống đến hôm nay, cụ Lưu Văn Thuần (Ba Thuần) ở ấp Phụng Sơn A, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp được coi như một "gia tài sống" về ĐCTT. Nhà cụ Thuần nằm bên bờ một dòng kênh nhỏ. Người dân ở đây gọi cụ Thuần là "cụ Ba tài tử". Cụ còn rất trẻ và khỏe so với tuổi 82 của mình. Con đường trở thành tài tử của cụ Ba quả cũng lắm công phu.

Cụ kể: "Hồi xưa tui mê đờn ca nên được ba má tui mời thầy về dạy. Thầy dạy tui là tài tử Bảy Tàu ở ấp Láng Sen, xã Phụng Hiệp. Lớp học có 6 người, học vào ban đêm, vừa học đờn, vừa học ca. Sau hai năm theo học, thầy bảo: Các con giờ đã ca hay, đờn giỏi, nhớ lấy tiếng ca, tay đờn để mua vui cho đời. Được như vậy thì tâm hồn sảng khoái, sống lâu. Những lần đi làm ăn buôn bán xa quê, tụi tui thường tụ tập đờn ca. Từ đó, tui quen với ông Trần Văn Thành, một tài tử rất nổi tiếng ở Sóc Trăng. Con gái ông Thành là Trần Thị Lan mê tiếng ca, tay đờn của tui nên đem lòng yêu thương rồi trở thành vợ tui"...

Với chất giọng trời phú, Ba Thuần trở thành một trang tài tử nổi tiếng khắp miệt vườn. Ba Thuần gia nhập đoàn văn nghệ của huyện đi biểu diễn phục vụ bộ đội khắp các vùng Long Điền, Phụng Hiệp... Ông lọt vào tầm ngắm của bọn mật thám, chỉ điểm. Chúng tổ chức mật phục, truy lùng ông ráo riết với mục đích triệt hạ giọng ca tài tử. Bị giặc bắt, giam tù, tra tấn dã man, ra tù Ba Thuần tiếp tục gia nhập các nhóm đờn ca phục vụ kháng chiến. Con trai hy sinh trong kháng chiến, vợ mất, Ba Thuần sống cùng với người con gái duy nhất. Cụ Ba Thuần là thương binh hạng 4/4. Hiện nay, cụ Ba và các thành viên trong nhóm ĐCTT chỉ đi hát mua vui, không lấy tiền thù lao.

Cách Phụng Hiệp một chuyến đò ngang, mảnh đất Phong Điền cũng có một lão giai nhân vang bóng một thời về đờn ca và nay cũng đang say sưa bầu nhiệt huyết ấy, đó là cụ Phan Thị Thanh Liên (Năm Liên). Cụ Năm Liên năm nay đã 72 tuổi nhưng lời ca vẫn rất mượt, trong và sáng. Cụ Ba Thuần và cụ Năm Liên đều chung nguyện vọng, đó là được truyền nghề cho lớp con cháu. Những lão tài tử, giai nhân một thời vang bóng như cụ Ba Thuần, cụ Năm Liên hiện còn rất ít.

Đờn ca tài tử không chỉ để mua vui

Vào cái thời bùng nổ nhạc rock, nhạc rap... nhịp sống cuồn cuộn, lớp trẻ vùng sông nước miệt vườn cũng bị cuốn theo. Những năm gần đây, khi ĐCTT được công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Nam Bộ cần phải được bảo tồn, phát triển, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thường xuyên tổ chức các đợt liên hoan ĐCTT, liên hoan ca cổ. Trung bình mỗi xã có từ 1-3 câu lạc bộ ĐCTT. Ngoài ra, ĐCTT còn phát triển trong các quán nhậu. Tại các đô thị, hầu như ở khu phố nào cũng có quán nhậu ca cổ, ĐCTT.

Nếu nhìn vào những biểu hiện ấy, có thể thấy ĐCTT đang dần trở lại thời vàng son. Tuy nhiên, vấn đề lại không đơn giản như vậy. Tại các cuộc liên hoan ca cổ và liên hoan ĐCTT gần đây, số lượng các diễn viên trẻ tham gia rất ít. Nghệ sỹ ưu tú Trúc Linh, một trong những cây đại thụ của làng ca cổ hiện nay, đã phát biểu rất tâm huyết rằng: Lớp trẻ nhiều cháu có chất giọng rất tốt nhưng ca hời hợt quá. Ca cổ, ĐCTT mà phong cách cứ như hát nhạc trẻ. Thế này thì khó mà "lớn" được.

Nói về hướng đi cho ĐCTT, Giáo sư, nhạc sỹ Trần Văn Khê cho rằng: ĐCTT là hồn cốt của văn hóa Nam Bộ. Nó không bao giờ mất đi. Điều quan trọng là trong quá trình duy trì, phát triển, không được để nó biến tấu theo những khuynh hướng xô bồ, tùy tiện. Để làm được điều đó phải tạo cho ĐCTT có những "sân chơi" phù hợp. Chỉ dừng lại ở mấy cuộc liên hoan, thi thố thì chưa đủ.

Ngày xuân tiết trời se se, lênh đênh qua những tuyến kênh rạch dưới không gian xanh ngút mắt, thưởng thức hương vị trái cây mát lịm, ngồi trên nhà hàng nổi thả hồn du dương theo âm thanh ĐCTT... là thú vui của du khách muôn phương khi đến vùng đất sông nước miệt vườn. Hy vọng ngày càng có nhiều "sân chơi" như thế để ĐCTT lại tiếp tục được mê đắm, được mời mọc.

 

Phan Tùng Sơn

 

Khuyết danh
Số lần đọc: 4630
Ngày đăng: 09.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
"Vua" vọng cổ Viễn Châu - Người khai sinh "tân cổ giao duyên" - Khuyết danh
Tìm hiểu về bản vọng cổ - Phục Lư
Ru em tình chị - Nguyễn Chi
Nghe vọng cổ trên sông - Đoàn Phú Vinh
Về thăm lại sóc Bom-Bo - Huỳnh Anh
Lý Cái Mơn - Khuyết danh
Tình anh bán chiếu - Viễn Châu
Dạ cổ hoài lang - Sáu Lầu
Cùng một tác giả
Khu di chỉ Óc Eo (khảo cổ)
CHỢ ÂM DƯƠNG - NƠI (dân tộc học)
Chợ Việt Nam (dân tộc học)
Bình thơ : (văn hóa)
Phù điêu (nghệ thuật)
Võ Việt Chung và (thời trang)
Tranh dân gian (hội họa)
Dân ca (dân ca)
Văn Thánh Miếu (lịch sử)
Lý Cái Mơn (ca cổ)
Tranh dân gian (hội họa)
Ngày bình yên (thời trang)
Bàn tay (điêu khắc)
Bên nhau (điêu khắc)
Chim lửa (điêu khắc)
Cô gái vuốt tóc (điêu khắc)
Mối quan hệ (điêu khắc)
Ngọc (điêu khắc)