Có hai tác giả Nguyễn Xuân Hoàng cùng viết văn, một người thế hệ đi trước nỗi tiếng cùng thời Mai Thảo,... và anh hiện sống ở Mỹ. Nguyễn Xuân Hoàng trẻ đã mất ngày 16-12-2006 tại thành phố Huế. VCV
Về hải đội Hoàng Sa, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có viết: “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm bảy mươi suất, lấy người ở xã Yên Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu tháng lương. Họ chèo 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả, ba ngày sáu đêm mới đến đảo...”. Đại Nam nhất thống chí cũng thể hiện nhiều chi tiết cụ thể về hải đội đặc biệt này, trong đó có đoạn: “Tháng giêng năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836) khiến thủy quân suất đội Phan Hữu Nhật đem binh thuyền qua Quảng Ngãi thẳng tới bãi Hoàng Sa...”.
Ấy là những gì đã được ghi trong chính sử. Riêng tác giả Nguyễn Xuân Hoàng, với niềm cảm khái riêng, một cái nhìn rất “đời”, trong mối liên cảm sâu xa của kẻ hậu thế sống cách tiền nhân hàng trăm năm... đã thể nghiệm, viết nên truyện ngắn “Hoa phù dung trong mưa” thật xúc động, ám ảnh. Trước biển to sóng cả, thân phận con người thường mong manh, nhỏ bé và nỗi đau ấy cứ trở lại hằng năm sau mỗi kỳ dông tố. Nhưng đọc “Hoa phù dung trong mưa”, những “hòn vọng phu ven bờ biển” ấy đôi khi đổ sụp trong nỗi chờ đợi chồng con nhưng họ đã vụt lớn lên khi hòa nỗi đau riêng vào sứ mệnh chung của đại cuộc...VD
Mọi người đã về hết từ lâu. Chỉ còn lại trơ trọi một mình Ba trên bến vắng. Vậy là chàng đã đi theo lệnh vua. Ba không có cách nào giữ được chàng. Năm con thuyền nhỏ đã rời bến, để đi đến một nơi rất xa, rất xa ở bên kia biển. Dù biết bao lần trong mưa, mẹ chồng đã kể về hòn đảo ấy, nhưng Ba vẫn không thể nào hình dung được nó thế nào. Ba chỉ linh cảm rằng rồi mình cũng sẽ như bà nội chồng, như mẹ chồng, đưa tiễn chàng ra đi, và từ ấy trở thành góa bụa.
Suốt những ngày qua nước mắt Ba giàn giụa, nàng chuẩn bị cho chồng cùng anh em sung vào hải đội Hoàng Sa. Sau tết âm lịch trời hãy còn rất lạnh. Sương mù giăng kín mặt biển lớn. Phường An Hải chộn rộn như là đang chuẩn bị cho một ngày hội làng. Ai cũng tất bật lo cho người thân đi vạn lý Hoàng Sa. Suốt nhiều đêm rồi, cả làng không hề ngủ. Trẻ con không dám khóc lớn, còn người lớn thì im lặng. Chỉ có biển là suốt đêm dội sóng ì ầm vào bờ cát. Những con sóng mở neo rúc như tiếng tù và vào ghềnh đá báo hiệu những ngày biển lặng.
Trước ngày Từ đi, Ba một mình chèo thuyền chở hết số tỏi đầu mùa ra hòn Bỏ Áo. Nàng đổi cho thương khách để lấy một tấm áo thật dày dệt bằng lụa tằm cho Từ. Biển rất nhiều dông tố và Từ sẽ đỡ lạnh khi chàng mặc tấm áo này. Mẹ chồng bảo áo dệt bằng lụa tằm của thương khách ở hòn Bỏ Áo là thứ áo tốt. Người mặc nó đi biển không bao giờ cảm hàn, không bao giờ gặp bão lớn, không bị lũ kình ngư quấy nhiễu. Và ngay cả khi chết, áo vẫn giữ gìn cho da thịt tươi nguyên. Mẹ chồng bảo nội chồng đã nói như vậy từ ngày mẹ chồng về làm dâu nhà này. Ba tin lời mẹ chồng. Để cho chắc, nàng còn lặn lội ra bãi dâu Đồng Hộ, tước lấy tấm vỏ xanh rồi xe thành sợi. Ba ngày xe một sợi nhỏ, mười ngày xe một sợi lớn. Sợi dâu xe trong nước mắt đêm tối, xe dưới ánh trăng đầy tiếng sóng biển, ba tháng mười ngày bỗng chuyển sang màu xanh thẳm như ngọc bích. Từ khi được tin chàng sẽ đi cho đến ngày Từ lên đường, nàng đã xe xong hai vòng dâu lớn. Ba tin rằng khi đeo nó vào cả hai tay, Từ sẽ có đủ sức mạnh để chiến thắng bão tố, chiến thắng bệnh tật và cái chết, để ngày nọ chàng sẽ trở về lành lặn với Ba.
Buổi lễ tiễn đưa hải đội Hoàng Sa lên đường đã được chuẩn bị từ trước tết âm lịch. Năm nay chương trình buổi lễ đơn giản hơn mọi năm. Thay vì đi buổi sáng sớm, đoàn sẽ xuất hành vào nửa đêm. Quẻ xuất hành đã được một viên Tư tế bốc phệ từ Kinh Dịch, với quẻ Thiên Lôi Địa Tráng. Đoàn sẽ xuất phát vào đầu giờ tý khi bắt đầu có GIÓ ĐI. Nơi tổ chức lễ là mảnh sân lớn trước đền Ngu Man Nương. Từ đây, có thể nhìn thấy bể đông mênh mông, xa tít tận đường chân trời là những đụn mây lớn. Từ lúc chiều chưa xuống, trưởng thôn An Hải Trương Đằng Nhân đã lệnh cho nha lại gánh rượu để dọc theo mảnh sân lớn đã trải chiếu hoa. Cả làng đều được dự tiệc vua ban. Cứ năm người một mâm nhỏ, mười người một mâm lớn, không kể tuổi tác. Riêng bảy mươi lính hải đội trang nghiêm ngồi ở giữa sân đền. Họ là bảy mươi chàng trai trẻ khỏe và đẹp nhất của làng An Hải. Rượu gạo được rót từ vò ra những chiếc bát sứ lớn màu đỏ. Trưởng thôn Trương Đằng Nhân vận áo dài đen, khăn đóng đen, chân đi đôi guốc gộc tre ngà. Ông tự tay thắp một bó hương lớn, rồi quỳ sụp trước đền thờ khấn vái trời đất : “Chúng con là dân An Hải làng, Yên Vĩnh xã, Lý Sơn quận, Quảng Ngãi phủ, Việt Nam quốc, xứ xơ rơ xớ rớ... Cầu trước mẹ biển Ngu Man Nương và chư thánh chư thần... độ trì cho người ra đi :
Cơm vua lộc nước.
Xả thân giữ làng.
Nguyện chết cùng chết.
Nguyện sống cùng sống.
Ra đi cùng đi.
Ra về cùng về.
Mang thân ra biển.
Chí lớn làm trai.
Hữu dũng, hữu mưu.
Giữ gìn cương vực.
Ra đi không về.
Ra đi không về...
Trưởng thôn Trương Đằng Nhân cúi rạp đầu xuống đất. Mái tóc bạc can trường của người từng qua bao nhiêu tử sinh phất phơ trong gió biển. Lời khấn cuối được ông đọc thật to, đanh át cả tiếng sóng lớn. Từ giữa sân đình, bảy mươi chàng trai nhất tề đứng lên, nâng bát rượu ngang mày, rồi đồng thanh hô lớn :
Ra đi không về
Ra đi không về...
Họ uống cạn bát rượu rồi đồng loạt dang tay đập vỡ chiếc bát.
Ba ở lẫn lộn trong đám đàn bà con gái làng, ngắm Từ mà nước mắt nàng rưng rưng. Từ vận chiếc áo lụa trắng trông chàng rất đẹp. Áo bó sát người chàng, để lộ đôi vồng ngực vạm vỡ. Đôi vai Từ rộng mênh mông. Đôi vai mà hằng đêm ngày chưa lấy Từ, Ba đã ao ước được ôm ấp vỗ về trong một nỗi đê mê khôn tả. Bát rượu làm đôi môi Từ ngày thường vốn đã đỏ như son, bây giờ chín lại như trái gấc dại trên ngọn Thới Lới. Đôi môi dày, đầy đặn ấy đã bao đêm âu yếm Ba, bao đêm hơi thở của chàng như sóng biển cháy rực trong tâm hồn Ba, mềm mại phủ lên thân xác Ba một tình yêu không thể nói thành lời. Ba lặng lẽ ngắm Từ từ xa. Trong đám đàn ông kia, chàng có vẻ là người can trường nhất. Khuôn mặt Từ thật đẹp và buồn. Một cái đẹp và buồn không chịu nổi. Nó trong suốt như đôi mắt của đứa bé mồ côi cha từ trong bụng mẹ, đã thấu hiểu định mệnh và số phận. Đứa con gái làng cá là Ba, lớn lên bên Từ từ nhỏ đã hiểu rằng số phận của Từ là số phận của một dân tộc chỉ có thể sống thông qua cái chết, không có chỗ cho sự yếu đuối, bạt nhược, thậm chí không có chỗ cho dù đó là tình yêu lứa đôi.
Và, đây có lẽ là đêm cuối cùng Ba được nhìn thấy Từ.
Tuần rượu thứ hai đã được rót ra trong những chiếc bát sứ màu xanh. Trưởng thôn Trương Đằng Nhân lại đốt một bó hương lớn khấn trời đất. Bảy mươi chàng trai đứng lên lần thứ hai, nhất tề uống cạn bát rượu lớn, rồi đồng thanh hô :
Ra đi không về
Ra đi không về...
Trong đám đàn bà con gái chợt có tiếng khóc nho nhỏ.
Bọn sai nha vào bẩm báo với quan thủy quân suất đội Phan Hữu Nhật đã chuẩn bị xong bốn trăm chín mươi chiếc đòn tre, bốn trăm hai mươi sợi dây mây và một trăm bốn mươi đôi chiếu, dành cho toàn hải đội. Số mây chiếu và tre này tùy theo số người mà chia cho năm thuyền, để lo hậu sự. Chiếu dùng để quấn xác, đòn tre dùng làm nẹp và dây mây để bỏ xác người xấu số.
Uống hết tuần rượu lễ thứ ba, quan thủy quân suất đội Phan Hữu Nhật đánh một hồi trống lớn. Mồ hôi đổ đầm đìa gương mặt ngài. Trăng lên đã cao. Ánh lửa từ đám gộc tre cháy đỏ bập bùng soi rõ những gương mặt mẹ già ràn rụa nước mắt. Bọn sai nha bưng vào một chiếc đĩa lớn, trên có bảy mươi chiếc thẻ bài bằng tre ghi rõ họ tên, quê quán từng thành viên của hải đội Hoàng Sa. Bưng chiếc dĩa lớn trên đôi bàn tay to với những ngón tay dài kỳ lạ, quan thủy quân suất đội Phan Hữu Nhật nói lớn : “Nay, các người vâng mệnh vua đi lính Hoàng Sa là đem thân đền nợ nước, xem cái chết nhẹ tựa hồng mao. Các ngươi ra đi đừng lo lắng gì. Người thân của các ngươi đã có bổn quan sở tại theo lệnh vua mà chu cấp lương bổng. Mong các ngươi ra đi lành nhiều dữ ít, có ngày trở về đoàn tụ với gia đình”.
Thẻ bài được chuyền đến tận tay từng người. Từ cúi người nghiêm cẩn đeo thẻ bài vào cổ. Mùi cật tre tươi ngai ngái khiến lòng chàng nhói đau. Giây phút chia lìa đã đến gần. Ông nội Từ đi lính Hoàng Sa đã chết trên biển, hai mươi năm sau cha Từ cũng đi lính Hoàng Sa và không trở về. Bây giờ đến lượt Từ, chàng sẽ noi theo bóng cha mà đi. Chỉ thương bỏ mẹ già, vợ dại, không biết ngày nào trở về.
Trăng đã lên cao.
Tiếng trống thúc dồn.
Đống lửa trước sân đền Ngu Man Nương rần rật cháy. Tàn lửa theo gió biển bay như sao đỏ rực trời. Từ đưa mắt nhìn quanh, những gương mặt cương nghị sẽ là đồng đội của Từ, đem lại cho chàng một sức mạnh vô hình. Bưng bát rượu lớn đưa lên môi, Từ làm một hơi cạn chén. Bỗng có một bàn tay con gái mềm mại níu vai Từ và một giọng nói hổn hển: “Ba đây... Chàng ra đây với thiếp... Bây giờ mới là giờ hợi, còn một canh nữa... một canh nữa... mới xuất hành...”. Len giữa đám người dự lễ, Từ cao lớn bối rối đi theo Ba. Họ ra phía sau đền Ngu Man Nương, nơi những rặng dương liễu vừa sang xuân tán lá xanh um trong đêm tối. Ở đây, vẫn còn thấy mặt biển rất rõ và tiếng người nói buồn lao xao từ buổi lễ vọng đến.
Vừa đến gốc cây dương liễu cụt đầu, Ba ôm chặt lấy Từ, giọng nàng thổn thức : “Chàng sắp đi xa, có thể không bao giờ trở về. Làm sao em có thể sống mà thiếu chàng. Chàng ơi ! Em muốn ở bên chàng, em muốn ngủ với chàng một lần cuối cùng rồi em sẽ để chàng ra đi...”. Dưới ánh trăng trong vắt ngày đầu năm, Từ thấy gương mặt Ba xanh mét, đôi môi nàng mím chặt che giấu một nỗi đau khôn tả. Phải chăng số phận Ba là sự lặp lại số phận của mẹ Từ và của nội Từ. Sống trong khắc khoải buồn thương và chờ đợi. Biển rộng muôn trùng tai họa làm sao thấu được lòng người. Biển lớn là vậy còn có lúc thanh bình, nhưng lòng mẹ Từ thì không. Bao nhiêu lần Từ hỏi mẹ cha đâu cho đến khi Từ biết cha chàng ở đâu. Những lúc ấy mẹ Từ chỉ nhìn ra biển, đôi mắt buồn dõi theo cánh chim hải âu đang bay lượn qua nghìn con sóng bạc đầu. Từ siết chặt Ba vào lòng, như cầm giữ một báu vật, mà chỉ cần một chút sơ hở chàng sẽ mất nó vĩnh viễn. Hôn lên đôi mắt nhắm nghiền của Ba, chàng nghe vị nước mắt mằn mặn trên đầu lưỡi.
Tiếng trống thúc dồn, từng hồi.
Trăng đã lên gần đến đỉnh trời.
Sắp sang giờ Tý.
Ba sực tỉnh, nàng cởi xống áo vội vàng, rồi áp đôi bầu vú tròn căng vào người Từ. Nỗi đau buồn chia ly, những bất hạnh phía trước và một tình yêu vô hạn khiến người Từ run rẩy. Chàng nhấc bổng Ba lên. Cả hai cùng bay trong thứ ánh sáng đam mê rồ dại của thân xác. Gió biển thổi rất mạnh. Hàng dương liễu xanh chợt nhòa trong mắt Ba. Một cơn bão lớn kéo Ba bay bổng lên trời cao, cao cao mãi về phía ánh sáng... Ở đó, đôi môi Từ cháy như ngọn lửa nồng nàn trong đêm tối.
Tiếng trống ngũ liên thúc dồn dập.
Gió thổi rất mạnh.
Trăng đã đến đỉnh trời.
Hàng dương liễu kêu lên khe khẽ.
Từ siết chặt Ba vào lòng và hôn lên gương mặt kiều diễm của nàng lần cuối.
Bảy mươi chàng trai khỏe mạnh đi thẳng về phía biển. Họ đi. Đầu không hề ngoảnh lại, về phía năm ngọn cờ quẻ ly đang bay phần phật ở đầu năm chiếc thuyền. Hồi trống chấp lệnh cuối cùng đổ dồn. Từ đi cuối cùng trong đoàn người, chàng nghe cát dưới chân mình nóng bỏng, một giọt nước mắt chợt lăn ra chảy xuống khuôn mặt đã đanh lại can trường...
Sau đêm tiễn đưa Từ đi lính Hoàng Sa, nàng Ba hoài thai. Chín tháng mười ngày nàng ròng rã mong đợi Từ đến kiệt sức. Tháng tám năm ấy gió lại, cả đoàn không có ai trở về. Một trận bão lớn đã vùi năm chiếc thuyền nhỏ xuống lòng biển sâu. Sau này có người đi biển đã vớt được chiếc thẻ bài cật tre ngà có khắc tên Từ và quê quán. Chiếc thẻ mọc đầy rêu xanh, tên Từ lờ mờ giữa màu cật tre đã xám ngắt vì ngâm nước biển lâu ngày.
Ngày hoa phù dung nở trắng vịnh Mù Cu, Ba trở dạ bên bờ giếng cổ Xó La, nàng sinh một bé trai, đặt lên là Huệ. Huệ giống Từ như đúc, sống ở dưới nước như đi trên cạn, mười tám tuổi nổi tiếng là người đi biển can trường. Huệ thường đi Hoàng Sa như đi chợ, chàng cố tìm chút dấu vết còn lại của người cha và hải đội Hoàng Sa năm xưa. Về sau, Huệ lấy một người con gái đẹp ở bến Tam Thương, sinh ra Năng, Năng sinh ra Hãn, Hãn sinh ra Đăng... đều là lính đội Hoàng Sa nổi tiếng.../.