Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.222.675
 
Nhà văn trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975
Trần Hoài Anh

Như chúng ta biết, tư duy lý luận văn học tiền hiện đại, nhất là khoa học thực chứng luôn quan tâm đến mối quan hệ nhân quả, đề cao yếu tố môi trường, tác giả trong nghiên cứu các hiện tượng văn học. Vì vậy, họ đề cao vai trò nhà văn, xem đây là yếu tố trung tâm của quá trình sáng tạo văn học. Quan điểm này đã chi phối hệ thống lý luận văn học của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng chưa ra khỏi khí hậu của quan niệm này. Vì vậy, vai trò của nhà văn cũng được bàn đến với nhiều điểm nhìn khác nhau. Họ nhìn nhà văn không chỉ là một yếu tố của quá trình sáng tạo trong tương quan với tác phẩm và người đọc mà còn nhìn nhà văn trong tương quan với đời sống xã hội, với trách nhiệm của một con người xã hội mà trước tiên là việc xác định sứ mệnh của nhà văn.

 

1. Sứ mệnh nhà văn

 

Khi xác định về sứ mệnh của nhà văn trong tình hình xã hội miền Nam lúc bấy giờ, Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “nhiệm vụ đầu tiên của nhà văn lúc này là vạch những đau khổ của nhân loại, những bất công trong xã hội, bênh vực kẻ yếu, an ủi kẻ nghèo và tìm cách xây dựng một tương lai rực rỡ mà mọi người hiểu nhau, hợp tác với nhau, không ai thù oán nhau, tranh giành nhau, bóc lột nhau.” [1].

 

Như vậy, trong quan niệm của Nguyễn Hiến Lê, nhiệm vụ của nhà văn thật lớn lao và cao cả đến không tưởng. Vì như thế, nhà văn rất khó thực hiện được sứ mệnh của mình. Bởi lẽ, không chỉ nhà văn mới có trách nhiệm đối với xã hội mà đó là trách nhiệm của mọi người. Song nhà văn với thiên chức của mình, có vai trò đặc biệt đối với xã hội. Bởi văn học, luôn có tác động rất lớn đến cuộc sống nhân sinh. Trong lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam đây cũng là vấn đề được quan tâm bàn đến với những điểm nhìn khác nhau.

 

Do ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh theo kiểu J.P. Sartre, một số nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam đề cập nhiều đến việc dấn thân của nhà văn, xem đây là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của người nghệ sĩ. Vì theo Huỳnh Phan Anh "Nhà văn nào không dấn thân trong tác phẩm mình. Và tác phẩm nào không dấn thân trong xã hội" [2]. Còn Nguyễn Văn Trung thì cho rằng: “Nhà văn không thể lãnh đạm trước thời cuộc, không thể tách rời chính trị để thành một thứ văn chương vô tình, vô thưởng vô phạt, vì chính sự có mặt của văn chương, chính sự hiện hữu của tác phẩm đã là một thái độ bày tỏ trước cuộc đời, nghĩa là đã dấn thân”, “gia nhập” rồi, dù tác phẩm không hề đụng tới chính trị, thời cuộc và chỉ nói đến mây nước gió trăng” [3]. Và “cách dấn thân của nhà văn là bày tỏ, vì chỉ nguyên sự bày tỏ cũng đã xác định một lập trường trước cuộc đời chung quanh rồi” [4]. Như vậy, trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, việc bày tỏ thái độ của nhà văn thông qua tác phẩm cũng là một sự dấn thân, cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà văn. Nhưng trước những đau khổ của đồng bào, khi phải sống trong cảnh nước mất nhà tan, nhà văn chỉ bày tỏ thái độ qua tác phẩm, không biến ngòi bút của mình thành vũ khí chống cường quyền bạo lực thì làm sao xã hội có công bằng, nhân dân ấm no, đất nước được tự do độc lập ? Dấn thân là phải thật sự đi vào đời sống để giải quyết những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống nhân sinh. Còn nếu dấn thân nửa vời như thế, chẳng khác nào thỏa hiệp trước bạo tàn, lúc đó nhà văn liệu có thực hiện được sứ mệnh cao cả đối với xã hội, để văn chương không trở thành một thứ “văn chương vô tình, vô thưởng, vô phạt” như chính Nguyễn Văn Trung đã viết ?

 

Vì vậy, cũng bàn đến vai trò trách nhiệm của nhà văn, nhưng khác với Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Phan Anh, các nhà lý luận phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng mác xít, luôn đề cao sứ mệnh của nhà văn với tư cách là một người chiến sĩ chống bạo lực, cường quyền. Trong quan niệm của Vũ Hạnh, nhà văn phải có “trách nhiệm cụ thể đối với xã hội mà mình đang sống (…) cái trách nhiệm cải tạo sự sống bằng những phương tiện riêng biệt của mình, với cái tính cách riêng biệt của bộ môn mình, theo các quan điểm mà mình chấp nhận là đúng” [5]. Cũng như Nguyễn Văn Trung, Lữ Phương cho rằng: “nhà văn cũng là người trí thức bày tỏ tiếng nói trước đời sống bằng tác phẩm của mình” [6], nhưng trong quan niệm của Lữ Phương, tiếng nói trong tác phẩm phải là một thứ vũ khí, của người nghệ sĩ góp phần vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù giành độc lập tự do cho dân tộc. Bởi lẽ theo Lữ Phương: “ Nhà văn không thể lấy máu tủy tư liệu ở đời để viết lên những điều vô trách nhiệm” [7]. Và nói như Châu văn Thuận, nhà văn “không thể tách rời đời sống, họ gắn liền với thực tại. Họ không phải là người bàng quan yên ổn đứng bên bờ sông nhìn dòng lịch sử mơ mộng viễn vông. Đó là trách nhiệm và cũng là sức mạnh của nhà văn nhất là trong thời đại của chúng ta” [8].

 

Như vậy, tùy theo điểm nhìn, mỗi khuynh hướng có quan niệm khác nhau về sứ mệnh nhà văn. Điều ấy phản ánh trung thực tính khuynh hướng cũng như sự phân hóa trong lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954- 1975. Song dù còn có những điểm khác nhau về một số vấn đề trong quan niệm về sứ mệnh nhà văn, họ vẫn có sự thống nhất ở chỗ đề cao sứ mệnh của nhà văn trước cuộc đời. Bởi lẽ, theo Nhật Tiến “là chứng nhân của thời đại nhà văn không thể đi ngược lại với thực tế, không thể che đậy giấu diếm với bất cứ giá nào, không thể phản bội thiên chức của mình để đánh lừa độc giả ngày nay và ngày sau” [9].

 

Một khía cạnh khác về sứ mệnh nhà văn trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, đó là quan hệ giữa nhà văn với vận mệnh dân tộc. Đây cũng là vấn đề được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Là con người, ai cũng sinh ra và lớn lên trong cộng đồng dân tộc, được tắm mình trong tình tự văn hóa dân tộc. Văn học bao giờ cũng là văn học gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, nhà văn phải gắn số phận mình với vận mệnh của dân tộc. Và trong ý nghĩa đó, Nguyễn Văn Trung cho rằng: “nhà văn là người được dân tộc giao cho nhiệm vụ giữ ngọn đuốc thiêng của đất nước và duy trì tình tự tiếng nói dân tộc” [10]. Vì thế “Chỉ khi nào nhà văn có thái độ “dấn thân” lên tiếng hoặc hành động đáp lại những đòi hỏi của đất nước người đọc mới tôn kính” [11]. Như vậy, trong quan niệm của Nguyễn Văn Trung, vận mệnh nhà văn bao giờ cũng gắn với vận mệnh dân tộc và ý thức của nhà văn trước sự tồn vong của dân tộc cũng là một chuẩn giá trị để người đọc đánh giá nhà văn. Khẳng định dứt khoát và mạnh mẽ hơn ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước vận mệnh dân tộc, Nguyễn Trọng Văn cho rằng: “Số phận nhà văn không thể tách biệt khỏi số phận chung của dân tộc. Cố tình hay cố ý chạy trốn thực tế để lao mình vào thế giới mộng du, tưởng tượng, không thể là thái độ đáng hãnh diện." [12]. Còn với Nguyên Sa: “Nhà văn không phải là hoang đảo, không phải là những ông hoàng, không phải là một quốc gia riêng biệt nằm trong một quốc gia. Nó ở trong một dân tộc. Nó là thành phần của cái đại thể là dân tộc đó.” [13]

         

Việc đề cao trách nhiệm xã hội và ý thức dân tộc của nhà văn trong lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, tuy còn có những điểm dị biệt giữa các khuynh hướng nhưng xét trong tình hình chính trị xã hội ở miền Nam 1954-1975 thì đây là một quan điểm tiến bộ, là một thái độ tích cực thể hiện lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm xã hội của nhà văn trong việc đấu tranh chống sự xâm lăng văn hóa của ngoại bang, góp phần thức nhận lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.

 

2. Nhà văn và quá trình sáng tạo

 

Nói đến sáng tạo của nhà văn là nói đến một loại hình lao động đặc biệt, lao động của sáng tạo. Nhà văn chỉ có thể làm tròn sứ mệnh của mình khi sáng tạo ra tác phẩm văn học. Như mọi hoạt động lao động khác, sáng tạo của nhà văn cũng cần có những điều kiện nhất định, trước tiên là vốn sống. Bởi vì, đối với nhà văn không có vốn sống nghĩa là không có chất liệu để sáng tạo. Đó là hằng số mà mọi tư duy lý luận dù theo quan điểm mỹ học nào cũng đều thừa nhận. Nhật Tiến cho rằng, sản phẩm văn học không chỉ thuần túy tưởng tượng mà còn là kết quả quá trình nghiệm sinh của nhà văn. Người viết truyện có thể sáng tạo ra nhiều loại nhân vật với những cá tính khác nhau. Nhưng nếu sản phẩm văn nghệ chỉ được khai sinh bằng sự hoàn toàn bịa đặt, mà không là kết quả nhào nặn từ trải nghiệm đời sống thì “dù trí tưởng tượng có đạt tới mức hoàn hảo đến đâu, tác phẩm cũng chỉ là một thứ tiểu xảo không thể nào tiến tới mức giá trị nghệ thuật” [14]. 

      

Có thể nói, hư cấu là đặc quyền của nhà văn trong quá trình sáng tạo, nhưng nếu sáng tác văn học chỉ hoàn toàn là sản phẩm của hư cấu và tưởng tượng mà không mang hơi thở của đời sống thì sẽ không truyền được cảm xúc đến người đọc. Văn học bao giờ cũng là chuyện cuộc đời. Nhà văn muốn sáng tạo, phải lặn ngập trong biển lớn của cuộc đời. Theo Lữ Phương: “Đối với nhà văn thì đời sống sẽ giúp họ nhiều hiện tượng sinh động thật sâu sắc” [15]. Nên muốn viết lĩnh vực nào, nhà văn phải am hiểu lĩnh vực ấy. Vì theo Duyên Anh "kinh nghiệm và cuộc sống đóng góp nhiều cho sự hoàn thành một tác phẩm." [16] và “chính cái vốn sống nghèo nàn là một lý do cơ bản giải thích tình trạng thiếu đề tài của các nhà văn thành phố ngày nay” [17]. Việc thiếu vốn sống không chỉ dẫn đến nghèo nàn trong chọn đề tài mà còn dẫn đến sự bế tắc trong việc biểu hiện nội dung tác phẩm. Đây là nguyên nhân Cô Phương Thảo cho rằng “người sáng tác không làm sao cho tác phẩm sống động dồi dào” [18]. Bởi lẽ, theo Nhật Tiến “Kinh nghiệm sống là điều kiện tất yếu để cấu tạo nên một tác phẩm hay” [19] .

 

Như vậy, trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, dù theo khuynh hướng mỹ học nào, họ đều khẳng định một yếu tố có tính nguyên tắc trong sáng tạo của nhà văn đó là vốn sống. Bởi lẽ, theo Nguyên Sa “Sự sống liên đới với cuộc đời đó cần thiết hơn nữa cho người làm văn bởi vì đó là một trong những điều kiện sáng tạo” [20]. Song có vốn sống thôi chưa đủ, muốn sáng tạo, nhà văn cần phải sống thật với cuộc đời, phải trải lòng ra với cuộc đời. Cái “khát vọng thành thực” ấy đã hơn một lần được Hoài Thanh nói đến trong Thi nhân Việt Nam. Theo ông, một trong những điều làm nên sự kì diệu của Thơ Mới đó chính là khát vọng thành thực. Thi nhân không thành thực với đời thì không thể sáng tạo những bài thơ đốt cháy lòng người. Nhà văn không sống thực với cuộc đời, nhất định không thể sáng tạo được những tác phẩm văn học có giá trị và tồn sinh với cuộc sống. Như vậy, sống thật với cuộc đời cũng là một yếu tố quan trọng trong hành trình sáng tạo của nhà văn. Trong quan niệm của Trần Nhựt Tân “Nghệ sĩ có sống thật mới sáng tạo được. Tác phẩm đạt đến giá trị nghệ thuật là chính tác phẩm đã được sáng tạo từ một sự sống thật. Cho nên nếu nghệ sĩ sống thật với mình trước hoàn cảnh thì hẳn sáng tạo cũng nhằm nghệ thuật hóa những gì họ đang đã từng ôm ấp, suy tư băn khoăn, sống thật” [21] . Và ở một phương diện nào đó, theo chúng tôi, sống thật còn là biểu hiện sự trung thực của nhà văn trước cuộc đời. Nhà văn có sống trung thực với mình, với đời thì sáng tạo của nhà văn mới có giá trị. Không yêu ghét thật lòng thì tác phẩm do nhà văn sáng tạo ra chỉ là một sự ngụy tín. Vì theo Nguyễn Văn Trung “khi nhà văn viết văn, không thể không nói lên cái gì liên lạc với cuộc đời mình đã cảm nghĩ, đã sống, đã yêu, giận, ghét, đã bảo vệ đấu tranh” [22]. Và với Nguyên sa “Những tình cảm vui buồn đó cần thiết phải được xuất phát ra từ sự va chạm với cuộc đời” [23]. Cho nên trong suy nghĩ của Dương Nghiễm Mậu “Phải sống thực, thấy rõ những gì mình muốn viết, nhắc nhở mình viết cho gọn, sáng. Không nghĩ không sống thì lấy gì để viết? Trước đó là lựa chọn, sau là trau dồi, tôi luyện” [24].

 

Chịu ảnh hưởng thuyết phân tâm học của Freud, hiện tượng luận của Edmund Husserl, các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam còn cho rằng để sáng tạo, nhà văn không chỉ có vốn sống, không chỉ sống thực với đời, với mình mà còn phải chuyển hóa những điều ấy thành tâm cảm, thành sự ám ảnh của vô thức và tâm linh. Vì nói như Nguyên Sa: “Những chất liệu đến từ cuộc đời chưa đủ để làm nên tác phẩm văn nghệ” [25]. Nên theo Huỳnh Phan Anh, nhà văn bao giờ cũng “viết trong ám ảnh”[26]. Và với Nguyễn văn Trung, “sáng tạo văn chương là một sự thôi thúc từ bên trong ... Chính tình cảm, niềm thiết tha đó là động cơ thúc đẩy nhà văn viết. Nhà văn viết vì không thể chịu đựng được những bức rức trong lòng đè nặng tâm hồn.” [27]. Người nghệ sĩ chỉ có thể sáng tạo khi họ thật sự trở về “với nội tâm, phải trở về với niềm cô độc”(Nguyên Sa) [28]. Đó cũng là lúc họ nghiền ngẫm kiếm tìm ý nghĩa mới. Bởi “vấn đề sáng tạo không phải là phản ảnh những ý nghĩa đã có mà là tìm kiếm những ý nghĩa mới”( Nguyễn Văn Trung) [29]. Đây mới chính là chân giá trị trong hành trình sáng tạo của nhà văn cũng là một yếu tố thể hiện cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn. 

 

3. Cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn

 

Thật ra, vấn đề cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn không phải là quan niệm riêng của một nền lý luận văn học nào. Đó là một trong những bình diện mà mọi nền lý luận văn học cổ kim Đông Tây đều nói đến như một điển phạm. Bởi vì  “Nói đến cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn là nói đến một loại thước đo nghệ thuật”(M.B.Kharapchenko) [30]. Bất cứ nhà văn nào muốn khẳng định sự hiện tồn của mình trong đời sống văn học, phải tạo cho mình một phong cách riêng, với cá tính sáng tạo riêng vì đây là một chuẩn giá trị trong sáng tạo nghệ thuật để “xác định nhà văn này khác với nhà văn kia”(Nguyễn Văn Trung) [31].

 

Trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, nhà văn có cá tính sáng tạo và phong cách là phải làm nên sự khác biệt nhằm tạo cho mình “một cõi không giống ai”( Tam Ích) [32]. Đó là điều không đơn giản nhưng không có con đường nào khác. Muốn hiện hữu, nhà văn phải tự tìm cho mình một lối đi riêng, với hình thức diễn tả riêng. Đây là một trong những giá trị tiên quyết thể hiện cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn. Bởi lẽ, theo Nguyễn Văn Trung: “một nhà văn thực sự bao giờ cũng tìm đến nguồn suối sống động là kinh nghiệm đời của mình. Mà kinh nghiệm sống thực bao giờ cũng là độc đáo riêng tư, do đó bao giờ cũng cần biểu hiện bằng những hình thức diễn tả đặc biệt riêng tư, như thể trước đó chưa bao giờ có và chưa bao giờ thấy” [33]. Như vậy, trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, yêu cầu tính độc đáo trong hình thức diễn đạt, có nghĩa nhà văn cần “tạo ra những hình ảnh mới, những chữ mới, những bố cục mới để phản ảnh cái mình thấy thực, ý mình nghĩ thực, không vay mượn” [34] của bất kỳ ai và sự tiếp xúc với người khác chỉ là điều kiện soi chiếu để mình tìm ra một lối đi riêng, không lẫn vào con đường họ đã đi. Vì nói như Phạm Công Thiện, người nghệ sĩ có cá tính sáng tạo là người không bao giờ lặp lại mình, lặp lại người khác mà phải luôn biết phủ nhận người khác cho dẫu đó là thiên tài: “Rimbaud đã chết từ lâu, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây tôi phải giết hết Rimbaud, Dostoievsky, Nietzsche trong mỗi một lời, mỗi một cử chỉ, một một bước đi, mỗi một cái búng tay. Tôi biết rằng anh đã sợ hãi, anh sợ hãi vì anh chỉ muốn bắt chước thiên tài chứ không muốn làm thiên tài” [35]

 

Cá tính sáng tạo của nhà văn trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam không chỉ thể hiện ở sự độc đáo trong phong cách để tạo cho mình một thế giới riêng không lẫn với ai mà còn biểu hiện ở chỗ nhà văn phải luôn biết tự làm mới mình, phủ định chính mình. Vì trong quan niệm của Nguyễn văn Trung “Đối với nhà văn cái cốt yếu, lý do tồn tại của mình là sáng tạo, nghĩa là phủ nhận. Như thế các nhà văn là người luôn luôn bất mãn với tác phẩm đã ra đời, với cái đã có” [36]. Không bằng lòng với những gì mình đã làm ra trong hiện tại, luôn khám phá để tìm ra cái mới đó là qui luật của sáng tạo và cũng là qui luật vận động của mọi sự vật hiện tượng trong quá trình phát triển. Dừng lại tức là bước thụt lùi, là lui về phía sau, là tự sát. Trong sáng tạo văn học, qui luật này lại càng khắc nghiệt hơn. Vì “Sáng tạo là một vận chuyển biện chứng dệt bằng những hủy diệt liên tiếp, phải từ chối cái có, mới vươn tới cái chưa có. Không một nhà văn nào thỏa mãn với sự nghiệp, dừng lại ở những tác phẩm đã ra đời. Nếu dừng lại phải coi người đó như đã chết và thuộc về văn học sử” [37]. Để khẳng định cá tính sáng tạo và phong cách, nhà văn cần phải tạo cho mình một bút pháp độc đáo vì “nhà văn càng độc đáo, càng có bút pháp độc đáo. Mà độc đáo đặc biệt là gì khi bước vào sinh hoạt sáng tác văn chương, nếu không phải là tránh đi lại những con đường mòn hết sức kỵ sự nhắc lại, sự bắt chước" [38]. Do đó, không thể có những tiêu chuẩn tiên nghiệm, qui định sáng tác, những tiêu chuẩn khách quan, phổ biến áp dụng cho mọi người, mà chỉ có những tiêu chuẩn do chính nhà văn sáng tạo ra để qui định sáng tác của mình.

 

Với những vấn đề nêu trên, ta thấy các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam rất đề cao cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn. Nghĩa là họ rất tôn trọng vai trò của cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật. Họ không chấp nhận tính "cộng đồng" với những “tiêu chuẩn tiên nghiệm qui định sáng tác”. Và đây cũng là điểm dị biệt với lý luận văn học của chúng ta ở một thời chưa xa khi mà trong quan niệm có lúc chúng ta còn xem nhẹ vai trò cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn, chỉ thiên về đánh giá nội dung tư tưởng của tác phẩm. Nói điều này chúng tôi không hàm ý so sánh mà muốn khẳng định một vấn đề có tính tất yếu, là khi đánh giá nhà văn không thể chỉ chú tâm đến nội dung tác phẩm, xem nhà văn phản ánh cái gì, có gắn với cuộc sống hay không, mà không xét đến cá tính sáng tạo và phong cách. Bởi vì “Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt không tạo ra được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng thì đó là một sự tự sát trong văn học, một lĩnh vực tối kỵ sự nhai lại ngay cả đối với những chân lý quan trọng” [39]. Và “Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ có tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có. Chính cái mới, cái riêng biệt đó làm cho cuộc sống luôn luôn phong phú, lạ lùng, hấp dẫn” [40]. Về một phương diện nào đó, đây cũng là yếu tố thể hiện thiên tư, bản lĩnh và ý thức tự do của nhà văn trong quá trình sáng tác.

 

4. Nhà văn và vấn đề tự do sáng tác

 

Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm bàn luận, là nhân tố quan yếu đối với quá trình sáng tạo của nhà văn. Trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, vấn đề  tự do sáng tác của nhà văn là yếu tính, là điều kiện tiên quyết của sáng tạo văn học. Điều ấy không chỉ có ý nghĩa đối với quá trình sáng tác của nhà văn mà còn có ý nghĩa đối với sự tồn sinh của một nền văn nghệ. Ánh Việt cho rằng: “Nói đến tự do, ai lại không biết rằng đó là yếu tố cơ bản cho việc hình thành một tác phẩm giá trị đồng thời cũng là điều kiện cần thiết cho việc phát triển một nền văn nghệ chân chính” [41]. Tự do, không chỉ cần cho nhà văn trong sáng tác văn học mà cần cho tất cả mọi con người trong cuộc sống. Song đối với lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, đây là vấn đề vô cùng quan thiết. Xét trong bối cảnh xã hội miền Nam giai đoạn 1954-1975, thì điều ấy lại càng có ý nghĩa hơn. Song, việc hiểu về tự do sáng tác của nhà văn trong lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam là một vấn đề còn có ý kiến khác biệt tùy theo điểm nhìn của mỗi khuynh hướng lý luận phê bình.

 

Từ điểm nhìn tâm lý sáng tạo của nhà văn, Huỳnh Phan Anh cho rằng: “còn gì tự do hơn khi bạn ngồi trước tờ giấy trắng” [42]. Như vậy khi sáng tác, nhà văn hoàn toàn tự do sáng tạo để phóng chiếu những ý tưởng của mình mà không bị một trở lực nào. Nói như Minh Đức Hoài Trinh “Nhà văn chúng ta là tự do chỉ có một mình với ngòi bút tha hồ muốn bố cục, muốn xếp đặt, xây dựng thế nào thì xây, khỏi phải hỏi ý kiến, khỏi phải xin xỏ ai cả ” [43]. Có điều, từ trong tâm thức và ý thức, nhà văn phải chọn lựa việc sử dụng quyền tự do như thế nào để xứng đáng với sứ mệnh của mình. Bởi vì theo Nguyễn Văn Trung “tự do sáng tác không phải là muốn viết gì thì viết, vô trách nhiệm, nhưng là được tự do lựa chọn viết văn và nhất là được tự do thể hiện cuộc đời theo lối nhìn của nhà văn, như một tác phẩm văn chương” [44]. Như vậy tự do sáng tác của nhà văn không chỉ nhìn từ tâm lý sáng tạo của người viết mà còn phải được nhìn từ sự tác động của đời sống xã hội. Nhà văn bao giờ cũng gắn với một thời đại, một hoàn cảnh sống nhất định, không bao giờ vượt thoát khỏi hoàn cảnh xã hội. Vì thế, nhận thức về tự do của nhà văn bao giờ cũng đặt trong một chế độ xã hội nhất định với những yếu tố chi phối quá trình sáng tạo của nhà văn như luật pháp, đạo đức luân lý, phong tục tập quán… nên nhà văn cần nhận thức đúng vấn đề tự do sáng tác.Trong tình hình xã hội đô thị miền Nam trước đây, vấn đề ý thức về tự do sáng tác của nhà văn là điều rất có ý nghĩa thể hiện bản lĩnh, lập trường, nhân cách của nhà văn. Bởi vì theo Lữ Phương, tự do trong văn nghệ không thể không tuân phục lẽ phải để chống lại gian tà, không thể không tuân phục chân lý để đập tan những ngụy trá, không thể không hướng về tố cáo bất công, thối nát để kêu đòi cho quyền sống đông đảo những con người thua thiệt từ lâu.“Chỉ có được nuôi dưỡng bằng thứ tự do đó, chỉ có chiến đấu cho thứ tự do đó, văn nghệ với mong biện minh được cho sự hiện diện của mình trong đời sống con người, ít nhất là trong đời sống hiện tại của chúng ta” [45]. Và để nhà văn nhận thức đúng về vấn đề tự do sáng tác, Lữ Phương còn vạch trần bộ mặt ngụy tạo của thứ văn nghệ độc quyền, thứ tự do giả hiệu vốn là hiện tượng phổ biến trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ “Đó là cái thứ “tự do” trong các thứ văn nghệ được nuôi dưỡng bằng những dơ dáy của cái xã hội điếm đàng đĩ bợm làm ra vừa để giúp vui cho bọn lưu manh, vừa góp phần đầu độc tinh thần những con người lương thiện. Đó còn là thứ “tự do” rên rỉ tự do đồi trụy của những kẻ vô trách nhiệm viện ra để lừa mình, để lừa đời, hòng quên đi cho được dễ dàng cái khốn khổ của bao người khác." [46]. Vì Vậy, việc “chiến đấu chống lại những âm mưu ích kỷ độc quyền văn nghệ, do đó không phải là không tôn trọng tự do, nhưng chính là nhân danh một thứ tự do đích thực để chống lại những thứ tự do giả hiệu vốn đầy rẫy trong văn nghệ ở đây.” [47].     

 

Vẫn biết tự do là một qui luật sáng tạo văn học, là nhu cầu cấp thiết đối với đời sống văn học cũng như quá trình sáng tạo của nhà văn. Song trong tình hình xã hội chính trị phức tạp như miền Nam trước đây, không phải nhà văn nào cũng nhận ra vấn đề một cách đúng đắn. Vì theo Ánh Việt: “Một nhà văn tự do là anh ta có đủ tự chủ và tính độc lập để từ chối mọi cám dỗ bất chính, có đủ thành thực trong cảm xúc của mình và có đủ suy nghĩ chín chắn để đứng hẳn về phía quần chúng bị áp bức đang mang hết lương tâm trí tuệ, tài năng và sức mạnh của nghệ thuật cống hiến cho mục đích thiêng liêng cao quí là độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho toàn dân” [48].

 

Như vậy, trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam vấn đề tự do sáng tác, không chỉ được nhìn nhận ở bình diện tâm lý sáng tạo mà còn được nhìn nhận ở phương diện xã hội. Và đây là lĩnh vực được các nhà lý luận phê bình quan tâm bàn bạc nhiều hơn. Tự do sáng tác của nhà văn không phải là vấn đề của một thời mà là vấn đề của mọi thời. Nhưng làm sao có một thứ tự do tuyệt đối khi con người chúng ta đang đứng trước rất nhiều giới hạn. Song, những gì các nhà phê bình văn học ở đô thị miền Nam bàn về vấn đề tự do sáng tác của nhà văn cũng giúp cho chúng ta thấy rõ thực trạng về vấn đề tự do sáng tác của nhà văn ở đô thị miền Nam trước kia cũng như thức nhận về vấn đề tự do sáng tác của nhà văn hôm nay. Bởi vì nói như Nguyễn Văn Trung: “Trong một nước chưa lo được những vấn đề căn bản, như chính cái lẽ tồn tại còn bị đe dọa thì cứu nước phải là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất, nếu mất nước còn nói gì tới văn chương” [49]. Và “nhà văn có thể đi vào mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục một cách cụ thể, đi vào nhà máy công trường, nông thôn để phản ảnh miễn là nhà văn được tự do phản ảnh theo cách thể hiện riêng biệt của mình, không phải nhất thiết chỉ biết ca tụng một chiều, đả đảo một chiều” [50] .

 

Vấn đề tự do sáng tác của nhà văn dù nhìn ở góc độ nào, đó cũng là một vấn đề thiết thân không chỉ đối với nhà văn mà còn đối với cả nền văn học. Song tự do sáng tạo của nhà văn không phải là thứ tự do tuyệt đối mà luôn gắn với hoàn cảnh chính trị xã hội nhà văn đang sống. Để thực thi quyền tự do đó, nhà văn nên nhận thức rõ và gắn sự lựa chọn của mình vào vận mệnh của dân tộc. Vì vậy, theo chúng tôi những điều mà các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam bàn đến về tự do sáng tạo của nhà văn đến nay vẫn còn nguyên giá trị và cũng là điều để chúng ta suy ngẫm. Vì nói như Uyên Thao: “nhà văn sáng tác hoàn toàn tự do trước đối tượng và tự lãnh trách nhiệm về việc hành xử quyền tự do của mình” [51] .

 

Như vậy, trong tư duy lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, vấn đề nhà văn là vấn đề được quan tâm bàn thảo khá toàn diện với nhiều lĩnh vực: sứ mệnh nhà văn, quá trình sáng tạo, cá tính và phong cách, vấn đề tự do sáng tác. Tuy từng vấn đề cụ thể có khi bàn bạc chưa thật sâu sắc, chưa đến tận cùng chân lý, chưa có một hệ mỹ học làm chuẩn giá trị và nhiều vấn đề phải tiếp tục làm sáng tỏ để tìm sự thống nhất. Song những điều này cũng góp phần soi sáng cho chúng ta nhiều vấn đề lý luận về nhà văn, một trong những nhân tố chủ yếu của quá trình sáng tạo văn học. Vì vậy, sự đóng góp của những quan niệm lý luận này vào hệ thống lý luận văn học của dân tộc trong quan niệm về nhà văn là điều không thể phủ nhận. Nhưng lý luận văn học ở đô thị miền Nam không chỉ dừng ở việc bàn về nhà văn mà còn nhìn vấn đề nhà văn trong quan hệ với tác phẩm và người đọc. Đây cũng là điều khá mới trong tư duy lý luận phê bình văn học lúc bấy giờ./.

                                                                                                 

Chú thích:

 

(1) Nguyễn Hiến Lê, Nghề viết văn, Nxb Nguyễn Hiến Lê, SG, 1969, tr.101.

(2), (16) Huỳnh Phan Anh, Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực, Nxb Vàng Son, SG, 1972, tr.37, 237.

(3), (4), (22), (29) Nguyễn Văn Trung, Nhà văn, người là ai? Với ai?, Nxb Nam Sơn, SG, 1965, tr.19, 21, 39, 33.

(5)Vũ Hạnh, Tìm hiểu văn nghệ, Nxb Trí Đăng, SG, 1970, tr.42 - 43.

(6), (15), (17), (45), (46), (47) Lữ Phương, Mấy vấn đề văn nghệ, Nxb Trình bày, Sài Gòn, 1967, tr.111, 68, 69, 97, 78, 78-79.

(7) Lữ Phương, "Mấy vấn đề của người viết văn", Tin văn số 3/1967, tr.11.

(8) Châu Văn Thuận, "Nhà văn và thực tại", Ý thức số 2/1970, tr.75.

(9), (14), (19), (59) Nhật Tiến, Câu chuyện văn chương, Nxb Khai Trí, SG, 1969, tr.93, 14, 86, 91.

(10), (27), (31), (33), (34), (36), (37), (38), (44), (49), (50) Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học tập 1, Nxb Nam Sơn, SG, 1963, tr.171, 152, 37, 180, 80, 44, 44, 179, 164, 164, 166.

(11) Nguyễn Văn Trung, "Nhà văn nhìn vào mình hay từ hiện tượng bè phái đến văn chương vô danh", Nghiên cứu văn học số 3/1968, tr.129.

(12) Nguyễn Trọng Văn, "Những ảo tưởng của người cầm bút", Nghiên cứu văn học số 5/1968, tr.111.

(13) Nguyên Sa, "Văn nghệ trong việc làm khỏe dân tộc", Nghiên cứu văn học số 3/1968, tr.99.

(18) Cô Phương Thảo, "Chu Tử và tác phẩm hiện tượng sách bán chạy của Chu Tử trong năm 1963 có ý nghĩa gì?", Tin văn số 13/1966, tr.17.

(20), (23), (25), (28) Nguyên Sa, Quan điểm văn học và triết học, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn 1960, tr.63, 63, 64, 64.

(21) Trần Nhựt Tân, Dư vang nghệ thuật, Nxb Hạnh, SG, 1971, tr.191.

(24) Dương Nghiễm Mậu, "Ý kiến truyện ngắn", Văn nghệ số 21/1963, tr.37.

(26) Huỳnh Phan Anh, "Nghĩ về văn chương", Khởi hành số 6/1969, tr.4.

(30) M.B.Kharapchenko, Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học (Trần Đình Sử tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr.339.

(35) Phạm Công Thiện, Hố thẳm của tư tưởng, Nxb An Tiêm, SG, 1967, tr.83.

(39) Phương Lựu (Chủ biên), Lý luận văn học tập1, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2001, tr.36.

(40) Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương, Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.24.

(41), (48) Ánh Việt, "Tự do và văn nghệ", Văn học số 91/1969, tr.100, 102.

(42) Huỳnh Phan Anh, Đi tìm tác phẩm văn chương, Nxb Đồng Tháp, SG, 1972, tr.89.

(43) Minh Đức Hoài Trinh, "Trách nhiệm nhà văn", Tin sách số 46/1966, tr.34

(51) Uyên Thao, Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970, Nxb Nhân Chủ, SG, 1973, tr.13.

(52) Doãn Quốc Sỹ, Văn học và tiểu thuyết, Nxb Sáng Tạo, SG, 1972, tr.280.

(53) Tuệ Sỹ, "Dẫn vào thế giới văn học phật giáo", Tư tưởng số 1/1973, tr.48.

(54) Lữ Phương, "Tìm hiểu tác phẩm văn chương", Tin văn (2)/1966, tr.14.

(55) Tam Ích, "Vấn đề văn chương tân duy nhiên ở Việt Nam", Khởi hành số 16/1969, tr.6.

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 16581
Ngày đăng: 28.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Brueghel - Hamvas Béla
Hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn - Trần Hoài Anh
Văn Học Miền Nam Tự-Do 1954-1975 - Nguyễn Vy Khanh
Tại Sao Ta Ít Nhớ Thơ-Nhạc Thời Mới Khởi Phát Chiến Tranh - Trần Văn Nam
Lịch Sử Hiện Đại Hoá Thơ Việt Trong Mắt Một Nhà Thơ - Hoàng Hưng
Niềm Lạc Quan Vẫn Có Giữa Thời Chiến Qua Thơ Của Khuất Đẩu - Trần Văn Nam
Sóng Lành Mùa Phật Đản - Trần Kiêm Ðoàn
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 3, hết. - Đặng Phùng Quân
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 2 - Đặng Phùng Quân
Tranh biện về triết Học Trung Quốc. phần 1. - Đặng Phùng Quân
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)