Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.873
 
Người Đàn Bà Sưu Tập Nhà
Trần Huyền Nhung

Người đàn bà phù phiếm mộng mơ
Đi khắp bốn phương tìm bình yên chiếc tổ
Trong những ngôi nhà nhỏ xíu
Những ngôi nhà trang trí cho nhà
Người ta chưng vào tủ, lên tường, thắp nến...

 

(Hay đơn giản chỉ hai người yêu  dấu
Ngồi bên nhau muốn nhìn rõ mắt nhau hơn)

Chị âu yếm gọi là "Nhà tổ bình yên"
Nhà đẹp nhà giàu phải có đồ trang trí
Nhà có đẹp chủ nhà mới vượng.

 

Đi đến bất cứ đâu
Chị cũng đi tìm mua bằng được
Nhà Nhật Bản nhỏ xiu xinh đẹp
Nhà châu Phi cửa nhỏ không trần
Nhà châu Âu tuyết lạnh kín tường
Nhà Bắc Mỹ tiện nghi hiện đại
Nhà Trung Quốc mấy nghìn năm mái ngói...
Hay nhà cổ tích cô tiên xanh, Bạch Tuyết bảy chú lùn
Bà phù thuỳ đến quả bầu ma lễ...
Chị mua đủ.
Nhà là nhà, sắp đầy các tủ.

Về Việt Nam chị không mua được nhà!
Mái tranh thân thương nhường nhà mái ngói
Sao không ai bán nhà deco
Nhà Việt mái tranh vách đất
Lối đi vào lu nước, buồng cau
Trẻ chơi trong sân, gà ăn thóc, lợn chạy rông?
Mái tranh mẹ già vào thơ ca, giấc ngủ. Ở đâu?
Thế giới mê nhà deco kiểu đó
Nhà mái tranh, mái ngói có tiếng cười.
Chị thèm có ngôi nhà mái cong thuần Việt
Tìm đâu ra.

- Nhà đây, ai mua nhà tôi bán cho.
Chi ơi, mua nhà có tiền là mua được.
Biệt thự, chung cư, liền kề, tập thể
Nhà nát, nhà nợ ngân hàng.... thoải mái mà mua.
- Tìm lâu rồi mà không thấy,
Nhà deco để trang trí cơ mà!
- Nhà nào mà chẳng là đồ trang trí!

Sắp hết nửa đời đi tìm tổ bình yên
Nếu Tình yêu là chẳng thể bình yên
Xin nói lại, không tìm bình yên nữa
Tổ bình yên xây trên móng "chẳng yên bình"

Nhà nào mà chẳng là đồ trang trí!
Còn nữa nửa đời.

Hoàng Thị Vinh.

 

“NGƯỜI ĐÀN BÀ SƯU TẬP NHÀ” ĐỂ ĐI TÌM TỔ ẤM BÌNH YÊN.

 

Có những lúc mệt nhoài trên những nẻo đường rong ruổi, bỗng thèm được quay về bên mái nhà xưa, để được tĩnh tâm, chìm đắm trong miền ký ức thời thơ ấu hồn nhiên trong trẻo, để quên đi những nhọc nhằn trong gánh nặng mưu sinh. Sống ở trên đời ai cũng mong có một mái nhà bình yên để đi sớm về tối. Ngôi nhà là nơi trú thân gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ cho đến khi lớn lên, kể cả khi nằm xuống của một đời người. Có một “người đàn bà sưu tập nhà” để đi tìm tổ ấm bình yên nơi xứ người xa xôi ấy…Tôi tự nghĩ rằng, miền bình yên ấy phải chăng còn thật quá xa xôi với Hoàng Thị Vinh? Xa đến mức trở thành một khát vọng bật lên thành những câu thơ như tự ru cho chính hồn mình. Đó như là một lời nguyện cầu để tự tìm cho mình một chốn bình yên nương náu.

 

Bài thơ: “Người đàn bà sưu tập nhà”, rút trong tập Mưa hoa (nxb Văn học, năm 2010) ấn tượng với tôi từ ngay tên đề bài thơ. Quan niệm về thơ hay, thực ra nằm trong “gu” của mỗi người đọc. Người ta nói: Thơ hay là thơ đọc lên ta thấy được mình trong đó. Nhưng cũng có người nói: Một bài thơ hay đọc lên khiến ta rung động trước cung bậc cảm xúc của nhà thơ…Với “Người đàn bà sưu tập nhà” của Hoàng Thị Vinh, nói thật tôi mới chỉ đọc hai lần, nhưng gấp lại trang sách, tôi có cảm giác dư âm của từng câu thơ vang vọng mãi trong tâm hồn. Tôi trân trọng ý tứ mới lạ trong suy nghĩ rất thật của Hoàng Thị Vinh mà xưa nay chưa có một nhà thơ nào nói được như chị. Từ đây, tôi gọi Hoàng Thị Vinh bằng cái tên cuốn hút, ấn tượng “Người đàn bà sưu tập nhà”.

 

Qủa thực “Người đàn bà sưu tập nhà”, đối với dân kinh doanh như tôi thì lại chột dạ nghĩ về công việc buôn bán địa ốc, chứ không phải là một bài thơ nói về góc độ tình cảm. Đọc qua một lần, tôi tóm được ý. Đọc lần hai, tôi bắt đầu ngẫm nghĩ…Một bài thơ rất giàu cảm xúc bởi tình cảm chân thành. Những vần thơ của Hoàng Thị Vinh đi vào lòng tôi giống như sau lần gặp gỡ ban đầu với chị. Càng ngẫm nghĩ câu nói của Gooc Ki “Văn học là nhân học” quả không sai. Tôi đã nhận ra “chất Tây” trong thơ Hoàng Thị Vinh, dám nói thẳng, nói thật ngay từ khi tiếp xúc với Chị. Với “Người đàn bà sưu tập nhà” được Hoàng Thị Vinh lựa chọn thể thơ tự do, rất đúng với con người của chị. Cảm xúc ơi, sao mà lắng đọng đến thế! Rất xúc cảm, chân thành mà lại quyết liệt, tôi cho rằng :” Người đàn bà sưu tập nhà” ít nhiều sẽ để lại trong tâm hồn người đọc, để lại trên thi đàn thơ ca Việt Nam một dấu ấn khó phai.

 

Những người có tâm hồn bị kìm hãm bới môi trường cuộc sống, có lẽ sẽ kiếm tìm sự bình yên trong những chuyến đi dài. Họ đi mãi…đi đến bất cứ nơi đâu cũng không thể dừng lại được. Không có nơi đi, cũng không có nơi đến. Vốn dĩ cái đích ấy sẽ mờ nhạt trong trái tim họ tự bao giờ. Với những người đã đi quá nhiều, trải quá nhiều và mệt quá nhiều…, có lẽ bình yên nằm trong sự tĩnh tại, bình lặng – sự bình yên của  “một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa”. Chúng ta hãy lắng lòng lại để nghe những tâm sự của Hoàng Thị Vinh- một người đàn bà đã đi khắp năm châu bốn bể, để rồi sau những trạm dừng chân trên con đường buôn tẩu ấy, Chị lại khát khao, mơ ước lắm một ngôi nhà bình yên, mà chắc gì có được:

 

Người đàn bà phù phiếm mộng mơ
Đi khắp bốn phương tìm bình yên chiếc tổ
Trong những ngôi nhà nhỏ xíu
Những ngôi nhà trang trí cho nhà
Người ta chưng vào tủ, lên tường, thắp nến...

 

Chị tự nhận mình là “Người đàn bà phù phiếm mộng mơ”, dễ gì người khác nhận mình như thế. Câu thơ đã đạt đến độ chân thành của trái tim đang rạo rực nhịp yêu thương tha thiết một ngôi nhà bình yên. Hoàng Thị Vinh thấy hạnh phúc hiện hữu giữa cuộc đời này sao mà giản đơn đến lạ. Nhưng có lẽ, nó dễ dàng tuột ra mất khỏi tầm tay của chị, khi khao khát được tìm về những giây phút tản mạn say với chút gió và trăng nơi “hương đồng cỏ nội” ít nhiều bay đi… Chị đi khắp bốn phương để tìm “bình yên chiếc tổ” nhưng nào tìm được. Bao nhiêu ước vọng, tình cảm của mình, chị gửi gắm vào những bộ sưu tập “nhà” như trò chơi của thế giới trẻ con ngày nhỏ. Chị tự dựng xây cho mình những ngôi nhà cổ tích, ở đấy có những ông Bụt, bà Tiên, có nàng Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn đáng yêu và thơ mộng. Yêu những ngôi nhà đến nỗi mà chị tự ví như : “ Hay đơn giản chỉ hai người yêu dấu/ ngồi bên nhau chỉ muốn rõ mắt nhau”.

Bằng những lời thơ mang tính chất tự sự, Hoàng Thị Vinh như liệt kê được sở thích của mình một cách dễ thương:

 

Đi đến bất cứ đâu
Chị cũng đi tìm mua bằng được
Nhà Nhật Bản nhỏ xiu xinh đẹp
Nhà châu Phi cửa nhỏ không trần
Nhà châu Âu tuyết lạnh kín tường
Nhà Bắc Mỹ tiện nghi hiện đại
Nhà Trung Quốc mấy nghìn năm mái ngói...
Hay nhà cổ tích cô tiên xanh, Bạch Tuyết bảy chú lùn
Bà phù thuỳ đến quả bầu ma lễ...
Chị mua đủ.
Nhà là nhà, sắp đầy các tủ.
   

Chị âu yếm thương yêu những ngôi nhà ấy nên gọi là “tổ ấm bình yên”. Đành rằng, những vần thơ đó của chị chỉ là miêu tả sở thích mua những mẫu nhà, như một trò chơi giải trí… , nhưng trong trí tưởng tượng của người đọc vẫn hình dung được tổng thể màn ảnh thu nhỏ của Châu Âu, Châu Mỹ, các nước Phương Tây hiện đại. Rồi từ thế giới thực, chị lại dẫn người đọc vào địa đàng của chốn cổ tích đầy mộng ảo. Xung quanh chị hiện lên”nhà là nhà” giữa bao la, muôn hình vạn trạng sắc màu cuộc sống. Liệu rằng Hoàng Thị Vinh có bằng lòng với cuộc sống hiện đại như thế không? Ta vẫn nhận ra được một Hoàng Thị Vinh không hề đơn giản, vô tư, hãnh diện với những gì mình đang có…Trái lại, đằng sau một cuộc sống tiện nghi vật chất đầy đủ là suy nghĩ của một người đàn bà đa cảm, nuôi những khát vọng ẩn dấu:

 

Về Việt Nam chị không mua được nhà!
Mái tranh thân thương nhường nhà mái ngói
Sao không ai bán nhà deco
Nhà Việt mái tranh vách đất
Lối đi vào lu nước, buồng cau
Trẻ chơi trong sân, gà ăn thóc, lợn chạy rông?
Mái tranh mẹ già vào thơ ca, giấc ngủ. Ở đâu?
  

Đi khắp thế giới thì mua được nhà. Những ngôi nhà ở Việt Nam dù không sang trọng, không hiện đại, chỉ là “mái tranh, vách đất” thôi, Hoàng Thị Vinh tìm mỏi mắt chả mua được. Bao nhiêu tiền cũng không mua được một “mái tranh” thân thương. Hình ảnh bức tranh quê hiện về trong trái tim người thi sĩ đa cảm Hoàng Thị Vinh vô cùng nguyên vẹn. Bên cạnh chất thơ “Tây”, vẫn còn chất “đồng quê” trong hồn thơ Hoàng Thị  Vinh. Toàn cảnh dân dã sao mà yêu thế:

 

Nhà Việt mái tranh vách đất
Lối đi vào lu nước, buồng cau
Trẻ chơi trong sân, gà ăn thóc, lợn chạy rông?
Mái tranh mẹ già vào thơ ca, giấc ngủ. Ở đâu?
    

Bây giờ chị biết tìm nơi đâu? Ta cảm nhận được tâm trạng của chị đang ngổn ngang, đang tự so sánh giá trị của những ngôi nhà. Nhưng với Hoàng Thị Vinh thì giá trị tình cảm sâu sắc nhất vẫn thuộc về ngôi nhà “mái tranh vách đất” của quê hương yêu dấu. Biết rằng “thế giới vẫn mê nhà deco kiểu ấy”, nhưng chị trở về Việt Nam chỉ có những ngôi nhà hiện hữu, chẳng ai bán để mà mua. Nếu như nhà Việt có mặt trong bộ sưu tập nhà của chị để chị được suốt ngày ngắm nhìn qua trí tưởng tượng, có lẽ lòng sẽ nhẹ nhàng đi phần nào khi nghĩ về quê hương. Chị không tìm đâu ra được những ước mơ dù là nhỏ nhoi, bé bỏng đáng quý ấy trong bộ sưu tập nhà của mình. Nỗi “khát thèm” dâng lên đến đỉnh điểm, buộc chị phải thốt lên “thèm có ngôi nhà mái cong Thuần Việt/ tìm đâu ra…?” . Chị như càng nghẹn ngào trong cảm xúc, rồi chị tự giải thích như là lời biện minh trong bao năm lưu lạc nơi xứ người:

 

- Nhà đây, ai mua nhà tôi bán cho.
Chị ơi, mua nhà có tiền là mua được.
Biệt thự, chung cư, liền kề, tập thể
Nhà nát, nhà nợ ngân hàng.... thoải mái mà mua.
- Tìm lâu rồi mà không thấy,
Nhà deco để trang trí cơ mà!
- Nhà nào mà chẳng là đồ trang trí!

 

Chị còn có nhà để bán cơ mà “Nhà đây, ai mua tôi bán cho”. Bán cái đang có, cần mua cái chính yếu thì lại không mua được. Mua bán nhà thì đơn thuần thì đơn giản thôi, chỉ cần có tiền là mua được đủ: Biệt thự, chung cư, nhà tập thể , nhà nát, nhà nợ ngân hàng…Có khó khăn gì đâu. Chỉ là trò chơi trong sưu tập thôi, chị tìm bao năm nay, chẳng thấy ngôi nhà Việt nào cả. Qủa là quá khó khăn với Hoàng Thị Vinh.

 

Một “người đàn bà sưu tập nhà” không đơn thuần chỉ là sở thích. Bằng cách nói ẩn dụ, Hoàng Thị Vinh đã cho người đọc thấy được tình yêu quê hương sâu lặng gắn liền với hình ảnh “mái cong Thuần Việt” trong lòng người lữ thứ tha phương. Kết thúc bài thơ, chị tự luận cho quan điểm thẳng thắn, rõ ràng của mình:

 

Sắp hết nửa đời đi tìm tổ bình yên
Nếu Tình yêu là chẳng thể bình yên
Xin nói lại, không tìm bình yên nữa
Tổ bình yên xây trên móng "chẳng yên bình"

Nhà nào mà chẳng là đồ trang trí!
Còn nữa nửa đời.

 

Nếu như nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo “Qua nửa đời người, con lại về úp mặt vào sông quê” để tìm bình yên với cảm giác tuổi thơ trên con sông quê hương, thì Hoàng Thị Vinh “Sắp hết nửa đời đi tìm tổ bình yên”- quả là có sự tương đồng trong tình yêu quê hương. Ý thơ của Hoàng Thị Vinh được đẩy lên cao trào, từ tìm bình yên trong ngôi nhà Việt đến tìm “bình yên” trong tình yêu con người. Một tổ ấm bình yên, Hoàng Thị Vinh luôn mơ tới. Nhưng nếu đi tìm tiếp bình yên mà vẫn không có được tình yêu bình yên thì Chị sẽ quyết ngưng lại:

 

“Nếu Tình yêu là chẳng thể bình yên

Xin nói lại, không tìm bình yên nữa”

 

Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ “Nếu hạnh phúc không phải là vĩnh cửu / điên cũng cần cho xứng với đam mê”, Hoàng Thị Vinh thì không điên, không cần phải đi tìm cái đam mê khi mà “tình yêu chẳng thể bình yên”. Bởi vì chị nghĩ “Tổ bình yên xây trên nền móng chẳng bình yên”.

Ngày đi quá vội, nhưng đêm lại quá sâu. Ngoái nhìn lại chẳng bao giờ thấy mình đã đủ. Hoàng Thị Vinh đã ý thức được cái ngưỡng của sự đủ trong cuộc sống. Biết thế nào cho đủ? Bởi thế chị buông một câu chắc nịch như thách thức với đời :” Còn nữa nửa đời”. Trên bước đường đi tìm bình yên ấy, Hoàng Thị Vinh cũng không quá với những theo đuổi phù phiếm, dù chị có tự nhận mình là “người đàn bà phù phiếm”. Bản thân chị đã đưa ra được triết lý bình yên bằng một câu khẳng định “xin nói lại…” đầy quả quyết. Vậy thì “còn nữa nửa đời”, có lẽ chị vẫn để đó làm hành trang cho những ngày tháng vun vén hạnh phúc của chuyến tàu sau… Còn nửa đời nữa, đâu phải đã tắt hết niềm tin, hy vọng.

 

Xin trả lại Hoàng Thị Vinh bộ sưu tập những ngôi nhà, mà ở đấy có những nốt nhạc cuộc đời đang hoan ca, bay bổng. Những thăng trầm cuộc đời như một dấu chấm than và những dấu ba chấm dành cho khoảng trời bình yên mà chị đã ý thức được. Ra đi từ lũy tre làng, con đường học vấn đã đưa Hoàng Thị Vinh đến nhiều vùng đất của Năm châu bốn bể, được biết thêm bao điều mới mẻ, hiện đại, từ đó chị cảm thấy thêm yêu đất nước, quê hương của mình. Khát khao tình yêu với ngôi nhà Việt nơi phương trời Tây luôn đau đáu trong chị. Cuối cùng chị đúc kết “Có ngôi nhà hoàn thiện nhưng con người thì chớ để dở dang” như TS Huỳnh Như Phương từng nói trong một cuộc trò truyện với tôi. Cho dù Hoàng Thị Vinh có là người dở dang một chuyến tàu, nhưng chị vẫn bước tiếp ra sân ga với niềm tin, hy vọng “còn nữa nửa đời” còn lại… Cảm ơn nhà thơ Hoàng Thị Vinh đã gửi gắm tới bạn đọc thông điệp thật đáng quý. Đó là “Người đàn bà sưu tập nhà” để đi tìm tổ ấm bình yên!./.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/4/2011

Trần Huyền Nhung
Số lần đọc: 1701
Ngày đăng: 02.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Bức Tượng” Thạch Quỳ - Hoàng Thụy Anh
Lãm Thúy, Với những nỗi ngậm ngùi còn nguyên - Phạm Văn Nhàn
Về Tập Tiểu Luận "Thơ – Quan Niệm & Cảm Nhận" Của Trần Hoài Anh - Hoàng Thụy Anh
Trần Hoài Thư và “Xa Xứ” - Đặng Phú Phong
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của trong nước - Nguyễn Vy Khanh
Thi ca miền Nam 1954-1975 - Nguyễn Vy Khanh
Lưu Lạc Trên Cánh Đồng Số Phận” - Lê Khánh Mai
Vào Quán Thời Gian Cùng Trương Nam Hương - Trần Huyền Nhung
Đọc Lại Bài Thơ Vào Chùa Của Đồng Đức Bốn - Nguyễn Trọng Bình
Một Bài Thơ Tôi Tâm Đắc - Trần Huyền Nhung