Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.218.230
 
Mỹ cảm nghệ thuật mới trong Thơ Trẻ.
Yến Nhi

Trong khoảng vài ba thập kỷ trở lại đây Thơ Việt có nhiều phân hóa, một số vẫn sáng tác theo những quy chuẩn thẩm mỹ cũ, chọn từ đặt câu theo những biện pháp tu từ quen thuộc. Đọc nghe êm tai dễ nhớ, dễ thuộc nhưng cái ngữ điệu nhịp nhàng mô phỏng ấy không còn hấp dẫn lắm  tầng lớp trẻ, một số đi tìm một thi pháp mới thích hợp với đời sống hội nhập, với nhịp điệu công nghiệp hiện đại. Các cây bút thế hệ 7X, 8X cảm nhận đời sống khác trước và vì có điều kiện tiếp cận, học tập những nền văn hóa tiên tiến thế giới, không bị các thói quen nghệ thuật cũ ràng buộc, hồ hởi mở rộng quan niệm nghệ thuật cũng như chào đón các hệ thống thi pháp mới. Quả thật họ đưa được một luồng sinh khí mới cho thơ ca. Có những thành công, có những thất bại nhưng nhìn chung các trang Thơ bây giờ người đọc cầm lên  cảm thấy một nhịp thở rộn ràng khác trước không chỉ về cái cách cảm nhận thế giới, tiếp cận hiện thực mà còn ở những phương thức biểu cảm nghệ thuật sinh động, đa dạng.

 

Trong việc xây dựng hình tượng thơ, các tác giả trẻ xử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật mà trước đây rất dè dặt. Cái quy ước miêu tả cuộc sống một cách lịch sử- cụ thể, hình tượng nghệ thuật phải được thể hiện như dạng thức có thật của đời sống ngày nay đã thay đổi. Đó là sự kết hợp các yếu tố thực và ảo, kết hợp ý thức lẫn vô thức. Những yếu tố siêu thực xuất hiện trong tác phẩm tạo một không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, khác lạ. Hiện thực phô bày bởi cái nhìn hư tưởng bên trong kết hợp với những ảo giác cảm nhận bên ngoài gợi nhiều liên tưởng táo bạo, mới lạ. Bằng những thủ pháp này bài thơ tạo được những hiệu ứng thẩm mỹ phong phú đa dạng và mới mẻ ở người đọc! Giở bất cứ một trang thơ trẻ nào ta cũng có thể bắt gặp một kiểu tư duy thơ rất mới lạ đầy khêu gợi, hút người đọc vào những tầng ngầm thông điệp mà tác giả muốn gửi.

 

Nói về sự trôi chảy của thời gian bất định và sự nhập cuộc hữu hạn của con người:

 

...Ngày mềm nhũn đang chảy từ chiếc đồng hồ cát đến con lợn đất

Bụi trên bàn chờ hoá kiếp trần gian

Thời gian ơi cho tôi quá giang một đoạn

(Thi Nguyên- Trên bàn viết)

  

Về sự gắn bó và phát triển của cái mới trong lý thuyết cũng như thực tại trong  thơ ca và trong đời sống:

 

...Học thuyết có thể được tư duy là biển cả

Con sóng cách tân vỗ xối ngôn ngữ tục huyền

Triều cường bất tận

Cô đơn một khóm linh dược hoang dã

Trong thành phố lầy lội vật chất đậu mùa

(Đồng Chuông Tử- Linh dược)

 

...em cởi bỏ mọi trang phục pha lê nứt vỡ

cởi bỏ mọi tư duy hình thức đã khô đình nát bến cạn

 hoà nhập vào cơ thể ta đang tốc hành về phiá ánh sáng

hay đóng cửa /tự huyễn hoặc mình /và chờ chết ?

(Phan Hoàng– Em nóng dần lên)

  

Thơ Phan Huy Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Phan Quế Mai, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên...có những liên tưởng táo bạo, những liên tưởng như thoát khỏi thực tại  đi về  giữa thực và ảo. Những ám thị phi lý tính che dấu trong một hình thức ngôn ngữ tưởng đơn giản nhưng là những “mật mã” ở tầng sâu ý tưởng. Tất cả không thực mà có thực. Thời gian, không gian, đồ vật, con người, được nhào nặn trong một mô thức tưởng tượng khác chiều : 

 

...Tôi xâu thời gian/Hạt lép lọt tay/Hạt dày ngâu lút mắt/Thời gian

 Tôi xâu thành cườm /Tôi xâu thành cườm đeo trên cổ leng keng/Úp mở thị phi

Thời gian/ Tia nắng bò qua lỗ kim /Nở hoa văn/ Định mệnh

(Trần Thu Hà – Hoa định mệnh )

 

Cứ cho những câu thơ trên là cầu kỳ, cũng có nhiều câu thơ hay mà giản dị thì cũng có những câu thơ cầu kỳ mà hay mà mới lạ.  Những trang thơ cũng như vườn hoa, cần nhiều thứ hoa khác nhau!

  

Thơ đương đại, bên cạnh các tác giả  vẫn quen cách viết phân mảnh, bài thơ bố cục tùy hứng, các khổ các phần liên kết theo mạch tình cảm, lại có nhiều tác giả  sáng tạo tập trung vào hình tượng chính, hình tượng tổng thể, yếu tố trí tuệ chi phối nhiều trí tưởng tượng, cái tứ hình thành trước  trong tâm  trí nhà thơ sau đó hiện trên mặt giấy và được tô điểm thêm. Nhà thơ ít chú ý các biện pháp đơn lẻ ( thần cú, nhãn tự) mà định hướng vào “ hình tượng tổng thể” cuả toàn bài thơ. Để kiến tạo cái hình tựợng tổng thể đầy tính thẩm mỹ đó nhà thơ không thể cảm gì viết nấy mà phải suy nghĩ, phải sắp xếp.

    

T Ly Hoàng Ly nhẹ nhàng, khai thác những đề tài nho nhỏ trong cuộc sống nhưng ẩn ngầm đằng sau một triết lý nhân sinh khiến  độc giả nhiều suy nghĩ băn khoăn. Đường  đời gian lao nhưng có vẻ đẹp trong đó , chấp nhận mà sống.Tác giả ưa dùng thủ pháp kết cấu có tính “sắp đặt” rất gần với hội hoạ.  Bài “Khắc họa”  tạo hình sắp đặt thân phận ba cô gái : Ta nhìn căn phòng ánh đèn đỏ, bốn thước vuông/ Có ba cô đang độ hai mươi/. Một cô nằm xoài/ Tập thư người yêu – rưng rưng đôi mắt/ Mối tình đầu vừa dứt/khó nguôi.../  Cô kia chúm chím - cười/ Vẩn vơ nhìn trần nhà/mạng nhện/ Vẩn vơ, tiêng tiếc/Đã có người yêu/mà anh ấy/mãi theo../ .Cô thứ ba/ Ngước nhìn mưa ngoài cửa sổ/Bập bùng/Tiếng ghita/...

 

Họ đều không suôn sẽ về thân phận, nhưng lại giàu có về tình yêu . Phía bên  kia của sự sắp đặt- chủ thể - người nghệ sĩ:

 

... Ta bật ngón đàn lên tiếng bập bùng/Lơ đãng nhìn mưa đi ngang cửa

... Ta bật ngón đàn/bập bùng bản tình ca Romeo – Juliet

Đàn cho ta nghe. Đàn cho ai nghe ?

Ánh đèn đỏ rung rung/ Nửa đêm, vẫn mưa phùn/

Bốn thước vuông/ Và ba cô gái...

 

Hiệu ứng thẩm mỹ được tạo nên trong tâm thức người đọc :  Cuộc đời, những “ sắp đặt” trớ trêu, nghịch lý hằng xẩy ra , con người chấp  nhận nghịch lý đó và vượt lên để sống.

 

Hình như tâm niệm cái triết lý của người xưa bí quyết làm cho người ta chán ngấy là cái gì cũng “nói toạc” cả ra, các tác giả hay  xử dụng lối nói ẩn, gợi ý gián tiếp - biểu tựợng. Nó buộc người đọc phải suy nghĩ mong khám phá nhiều tầng nghĩa  trong các thông điệp mà tác giả gửi gắm…Biểu tượng thực chất cũng là một kiểu ẩn dụ, là sự liên tưởng về mối tương đồng có tính chất hiện thực hoặc được tưởng tượng ra  giữa hai đối tượng  về mặt nào đó mà sự vật này( được biểu đạt) là trừu tượng còn sự vật kia (biểu đạt) là cụ thể – biểu tượng. 

  

Nổi lên trong dãy dài biểu tượng thơ ca về người con gái ( mai, liễu, hoa hồng ,tầm xuân, thỏ, bồ câu...) Vi Thuỳ Linh thêm vào một biểu tượng nữa: “vì sao”. Một cách nói nồng nàn chân thật mà độc đáo, chị nói về mình, tự thoại về nỗi khó khăn và khát vọng sống, vươn lên một cách tự chủ- người thiếu nữ đầu tk 21- không lãng tránh nỗi xót xa thân phận giữa dòng đời  “mặn xót”:

 

Con /Vì sao lạc /Lớn lên và sáng bằng nước mắt
Bầu trời không ngừng bão tố
Sấm, sét, chớp rạch đầy những cánh sao mảnh dẻ của con
 Con cố vươn cánh sáng hơn những ngôi sao chi chít kia, để nối gần bố mẹ
Con muốn mình lớn thật nhanh để đối mặt với mọi cuộc đời,

... Con /Rơi /Xuống
Dòng sông đỏ đang chuyển dịch vào bóng những vì sao

... Nước sông mặn xót, đầy sinh vật muốn tấn công
Những cánh sao lại rướn lên mặt nước
Hỡi những dòng sông!
Tại sao nước mặn chiếm ba phần tư trái đất?
Tại sao con người lại ít cười hơn khóc.
( Những đối lập)

 

Rất mới về ngôn ngữ, vần nhịp, nhưng không hoàn toàn xa lạ, lối tư duy này ta cũng từng gặp đâu đó trong thơ cổ, VHDG, nhưng ở đây được tạo lập bằng một ngôn ngữ tự do trẻ trung hơn. Có thể kể thêm nhiều, rất nhiều lối xây dựng hình ảnh kiểu này qua các thi phẩm của  các tác giả trẻ khác (Con chồn hoang - Nguyễn Vĩnh Tiến, Sphanh, Trương Chi - Văn Cầm Hải...) Siêu thực và biểu tượng  trong Thơ trẻ đương đại như là một cặp đôi tuỳ biến của thủ pháp  ẩn dụ. Tính siêu thực nghiêng về phía ảo hoá, trừu tượng hoá các sự vật, còn biểu tượng lại nghiêng về phiá  cụ thể hoá các hiện tượng, các tính cách. Xử dụng chúng các tác giả góp phần đổi mới và làm tăng hiệu ứng thẩm mỹ của hình tượng Thơ.

 

Thơ đương đại có nhiều thay đổi để tiến gần đời sống, cập nhật đời thường với tâm lý con người bây giờ. Trong không khí bộn bề của sự tìm tòi đổi mới, nhiều tác phẩm của tác giả trẻ tạo những nét riêng khó nhầm lẫn, gây được nhiều ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu thơ, tạo một vẻ đẹp mới về cách xây dựng hình tượng. Trong quá trình phát triển , có thể có một vài  tìm tòi chưa thật thích hợp với thị hiếu truyền thống , nhưng trong chừng mực nào đó cũng ít nhiều tạo đựợc một khuynh hướng đổi mới cho thơ ca cũng như sự tiếp nhận của bạn đọc. /.

Yến Nhi
Số lần đọc: 2825
Ngày đăng: 07.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư ngỏ gửi Bảo Ninh và Larry Heinemann - Nguyễn Khắc Phê
Tuyển tập “Thơ tình duyên hải miền Trung” - Xuân Tuynh
Về những tác phẩm Nguyễn An Ninh đăng nhật báo ‘Trung Lập’ ở Sài Gòn những năm 1932-33 - Lại Nguyên Ân
“Dâng Cha”- Khúc Nhạc Lòng Hiếu Đạo - Trần Huyền Nhung
Phan Văn Hùm & Nguyễn Trung Nguyệt” và “ Ngục Trung Ký Sự của Bảo Lương” - Thế Phong
Buồn Quá! - Hôm Nay Xem Tiểu Thuyết! - Nguyễn Trọng Bình
Trần Đỗ Liêm- Khắc Khoải Hồn Quê - Ngô Minh
Nếu Ai Muốn Biết Hơn Về Ông Lão Gần 80 Tuổi… - Thế Phong
Nhà văn Kinh Dương Vương nói về vụ phim “Đường kiến”: Tôi tin theo chiều hướng tích cực với lời giải thích của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa - Nhiều Tác Giả
Vài Suy Nghĩ Về Đám Tang Cố Học Giả Nhà Thơ Phạm Công Thiện - Quỳnh Thi
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)
Thế sự nhàn đàm (tiểu luận)
Cúc xưa (phê bình)