Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.071
 
Thơ Quốc Sinh Với Năm Tháng “Sống Đầu”
Lê Khánh Mai

Đọc tập thơ “Sống đầu” của Quốc Sinh – NXB Trẻ, 2004

 

 “Những năm tháng đã qua đều tươi đẹp”-Quốc Sinh viết như thế trong tập thơ “Sống đầu”. Đây không phải là thái độ lạc quan theo kiểu nhìn đời qua lăng kính màu hồng mà là cái nhìn tỉnh táo đối với cuộc đời muôn mặt. Chàng trai tuổi ba mươi với những vần thơ đầu đời chất đầy kỷ niệm trẻ thơ chăn bò nơi đồng quê lấm láp: “Những khoảng đồng quanh năm ngập gió trời và tràn đầy cỏ /những đứa trẻ chăn bò suốt bốn mùa lang thang trên đó/chúng mải mê chơi như những con nghé mải mê quên cả buổi chiều về”(Bầy trẻ chăn bò).

 

Thôn quê, nơi Quốc Sinh sinh ra và sống cuộc sống đầu đời bằng một tình yêu trong trẻo, say mê, lãng mạn đã khắc  nên những dấu ấn đậm nét trong thơ anh. Cánh đồng có lẽ là nơi anh giành nhiều suy cảm nhất, bởi đó là nơi cha mẹ và nhiều thế hệ con người đã đổ mồ hôi gieo cấy niềm hy vọng: “Cha ơi mùa hạ/ï cha đưa con ra đồng nhé/ …/con chim hót vang lừng không mỏi kìa cha/ con bò kêu vang lên núi kìa cha/ cò lang thang nói gì thế/ con nghe hương đất thầm thì như tiếng thầm thì của mẹ/ (Tuổi thơ II). Tâm hồn tuổi thơ bay bổng đã ru anh vào thế giới của thiên nhiên: “ Tôi nằm trên cánh đồng mùa xuân tuổi thơ/ bẹp sát cỏ /như con nhái nằm thở trên lá xanh/ những người làm đồng quên gọi tôi về/ vì hoàng hôn đã phủ tôi kín chân và sương trong mắt họ”(Cánh đồng ).Với Quốc Sinh , thơ  bắt đầu từ  những cánh đồng, từ đời sống của làng quê tưởng như đóng khung trong nề nếp cũ mòn muôn thuở, vậy mà anh vẫn phát hiện ra những điều mới mẻ bất ngờ thú vị. Đêm giao thừa trong “khói nhang trầm thơm toả thiêng liêng”,lung linh muôn sắc bàn thờ tổ tiên”,  mùi hương hoa vạn thọ, những tiếng cười và lời chúc nhân từ, nhà thơ còn nghe thấy “đêm gọi tôi bằng sự khác thường của gió”. Cái tết cổ truyền mang bản sắc văn hoá Việt Nam hàng ngàn  năm được Quốc Sinh cảm nhận một cách riêng ,độc đáo: “Chân mỏi tha phương gọi/tết nhớ cố huơng/gió trong vườn gọi/ tết hương/ bánh tét gọi/ tết xanh/hạt dưa gọi/ tết đỏ/ áo quần gọi/  tết lụa là/…/tuổi già mẹ tôi gọi/tết thời gian không đợi” (Gọi tết chơi).Cả cái nghĩa địa nơi miền quê cũng trở thành nỗi ám ảnh không nguôi. Ở đó bọn trẻ bày trò chơi rồi té chạy trong nỗi sợ hãi thích thú vì sự huyền bí của nó: “Ở đó mọc lên cỏ um tùm/ có những ngôi sao rơi xuống mất / những cơn mưa đến khóc / rồi lặng im (Nghĩa địa). Nhưng rồi cậu bé nhà quê đã trở thành chàng trai mang khát vọng đến những chân trời rộng mở. Anh không nén nổi cảm xúc khi lần đầu biết Gĩa - một phố huyện trong chiều mưa sụt sùi: “Dần dà tôi biết Gĩa khó ngủ trăng mờ/ cả đêm thị trấn đầy hơi biển thở/…/ tôi như những ngôi nhà nơi phố này đứng bám mặt vào hai bờ quốc lộ/ tôi bám mặt vào ngổn ngang cuộc sống thường ngày” (Gĩa).Thật mừng khi chàng trai nhà quê đi ra khỏi ngôi làng của mình vẫn biết trăng khó ngủ, vẫn nghe biển thở, vẫn bám mặt vào ngổn ngang cuộc sống. Đây là những câu thơ về miền Trung:

 

“Ta nhớ miền Trung sông cài ra biển lớn

Sóng mênh mông vỗ thẳm vòm trời

Những con sông thiếu ruộng đồng để chảy

Mang thác ghềnh đổ vào lòng khơi

miền Trung đất gầy cùng muôn thuở

nên núi không thênh thang nên biển rộng mãi bờ

người lớn lên như núi cao lên nữa

bay ra như con thuyền trong nắng tinh mơ”

(Miền Trung)

 

Đã có rất nhiều câu thơ hay về miền Trung của nhiều tác giả làm ta rưng rưng thương đến thắt lòng giải đất này, vậy mà thơ Quốc Sinh vẫn khiến người đọc suy ngẫm bởi cái nhìn địa văn hoá miền Trung với đặc trưng núi biển, sông suối, thác ghềnh rộng lớn, hùng vĩ nhưng đất (đồng bằng) lại gầy gò. Điều kiện tự nhiên ấy buộc con người phải tự mình cao lớn lên như núi và phải mang sức mạnh của con thuyền bay ra biển khơi. Một ý thơ thật mới và đẹp./.

Lê Khánh Mai
Số lần đọc: 2046
Ngày đăng: 08.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Đàn Bà Sưu Tập Nhà - Trần Huyền Nhung
“Bức Tượng” Thạch Quỳ - Hoàng Thụy Anh
Lãm Thúy, Với những nỗi ngậm ngùi còn nguyên - Phạm Văn Nhàn
Về Tập Tiểu Luận "Thơ – Quan Niệm & Cảm Nhận" Của Trần Hoài Anh - Hoàng Thụy Anh
Trần Hoài Thư và “Xa Xứ” - Đặng Phú Phong
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của trong nước - Nguyễn Vy Khanh
Thi ca miền Nam 1954-1975 - Nguyễn Vy Khanh
Lưu Lạc Trên Cánh Đồng Số Phận” - Lê Khánh Mai
Vào Quán Thời Gian Cùng Trương Nam Hương - Trần Huyền Nhung
Đọc Lại Bài Thơ Vào Chùa Của Đồng Đức Bốn - Nguyễn Trọng Bình
Cùng một tác giả
Nết (truyện ngắn)
Hỏi (thơ)
Những con thiêu thân (truyện ngắn)
Giọng Bắc (tạp văn)
Thay đổi (tạp văn)