Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.226.163
 
Vượt biển (1)
Thanh Giang

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp năm bước vào tuổi “cửu thập”, khi hỏi thăm về sức khỏe thì bảo là: “Yếu lắm rồi!”. Nhưng hỏi về chuyến vượt biển ra Bắc cùng ông Ca Văn Thỉnh và bà Nguyễn Thị Định cách nay hơn nửa thế kỷ thì Bác sĩ  Nghiệp trí nhớ còn rất minh mẩn, kể chi tiết như mới diễn ra hôm nào! Bởi Bác sĩ vừa là văn sĩ, đã xuất hiện trên nhiều báo chí và đã in một số đầu sách, như cuốn: Hồ Chủ tịch trong lòng dân tộc với bút hiệu Hằng Ngôn khoảng 1947 và gần đây dư luận đánh giá cao là cuốn: “Thời gian trong mắt tôi”…

Đó là vào một buổi chiều hạ tuần tháng ba năm một chín bốn sáu.

Đoàn người đi gồm ba người phụ nữ, một đứa con nít bốn tuổi và bốn người đàn ông “coi bộ vó đều là dân thầy chú”. Ông Đạo Lân gọi chúng tôi một cách  thân mật vậy. Ông là một người dân tốt bụng ở Cồn Lợi xã Thạnh Phong huyện Thạnh Phú,  không những cho mượn ghe mà còn cho mượn luôn thằng con trai cả đi làm “tài công” và hai đứa cháu đi làm bạn chèo, đều là dân biển từng ăn chịu sóng gió.

Trưởng đoàn là Đào Văn Trường, Khu trưởng Khu 8 (nguyên là một cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa Bắc Sơn vừa được Trung ương bổ sung). Thành viên gồm: Ca Văn Thỉnh, Ủy viên Ủy ban kháng chiến kiêm Hành chánh tỉnh Bến Tre, 44 tuổi; chị Tư vợ anh Thỉnh, tức Lê Thị Tài, 39 tuổi, Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh; Nguyễn Thị Định, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh, người trẻ nhứt đoàn, 26 tuổi; Trần Hữu Nghiệp 35 tuổi; anh Tư Minh, cán bộ của Ủy ban tỉnh, chị Tư  vợ anh và Bé Thảo con gái anh.

Cũng nên nói thêm về hoàn cảnh hai anh Tư Minh và anh Tư Thỉnh. Do giặc Pháp phản bội Hiệp ước “6 tháng 3”, đánh chiếm nhiều vùng ta mới giải phóng; bắn giết, đốt phá tàn bạo, dân chạy tản cư điêu đứng, cho nên anh Tư Minh phải đùm túm vợ con đi theo. Trường hợp anh Tư Thỉnh còn gay go hơn! Hôm giặc Pháp tái chiếm tỉnh Bến Tre, gia đình anh chị còn kẹt tại xã nhà Tân Thành Bình (Mỏ Cày); anh Tư Minh phải nhờ người về rước hai anh chị xuống Cái Quao rồi cùng rút về căn cứ của Ủy ban tỉnh ở Cái Cát - Thạnh Phú. Anh chị Tư Thỉnh phải gởi lại năm đứa con nhỏ cho ông bà nội lo chạy tản cư. Đứa nhỏ nhứt là Ca Lê Hiến 6 tuổi; Ca Lê Hồng 7 tuổi; Ca Lê Thuần 8 tuổi; Ca Lê Du 12 tuổi; Ca Lê Dân (trai đầu lòng) 14 tuổi. Ra đi trong cái cảnh một đàn con nhỏ lao hao gởi cho ông bà nội già bồng trống chạy giặc, anh chị Tư Thỉnh tâm trạng đầy băn khoăn lo lắng! Chị Tư dầu muốn ở lại, nhưng đang công tác cũng không thể lo được gì cho các con; trong khi anh Tư sức vóc ốm yếu mà phải vượt biển ra đi, sóng gió muôn trùng! Cho nên theo chồng cũng là công tác mà chị Tư vẫn cứ mặc cảm: như có điều gì không phải!…

Chiếc ghe biển Bến Tre - Gò Công đậu cuối bãi nghêu Cồn Lợi trông nhỏ nhoi như cái vỏ trứng vịt nhảy sóng lắc lư chòng chành; khiến cho nhìn ra đại dương mênh mông thêm phần ngán ngẩm! Có lẽ muốn làm yên tâm mấy “thầy chú” chưa từng đi biển, ông Đạo Lân giải thích chiếc ghe mình cho mượn, khá lý thú:

- Mỗi vùng biển có chiều gió riêng nhau nên sóng cũng khác nhau. Ở đây ghe Thạnh Phú mũi nhọn, theo chiều sóng ở đây, nhưng ra miền Trung thì không phù hợp, nên người ta đóng “lai” theo kiểu Gò Công để cùng đi miền Trung bán gạo, do đó có tên gọi là: ghe biển Gò Công-Bến Tre, bụng nở phình, lắc sóng dữ dội nhưng giỏi ăn chịu nhiều bề. Bởi ghe biển chỉ đi bằng gió thôi mà!

Chờ đến biển ròng, đoàn người đi chân trần lội qua bãi nghêu Cồn Lợi xuống thuyền. Nắng xế gay gắt, lội bùn mệt nhọc, nhưng nhờ gió chướng mát lừng nên cũng dễ thở. Anh Tư Quang, thay mặt Bí thư Tỉnh ủy Trọng Già ra tận bến tiễn đoàn. Ông Đạo Lân cũng ra bãi theo dõi cuộc lên thuyền; phát hiện ghe còn nổi phần lái, ông kêu hai người bạn trở lên khiêng hai cần xe dưa hấu của nhà trồng, không những dằn lái cho đằm mà còn phòng cơn khan nước ngọt.

Trưởng đoàn Đào Văn Trường từ giả Tư Quang, ôm hôn ông Đạo Lân rồi xuống thuyền cho lịnh nhổ neo. Con trai ông Đạo Lân (mọi người ưu ái gọi là tài công Hai), tuổi chừng 23, lưng nách gân bắp săn coóng hô hai người bạn kéo buồm lên rồi điều khiển giây lèo cho ghe qua cửa sông Hàm Luông, chạy ra hướng Đông, băng qua Côn Đảo vào hải phận quốc tế, tránh tàu tuần giặc Pháp. Tài công Hai cứ theo chiều gió mà hướng mũi thuyền, ban đêm nhằm sao Bắc Đẩu. Nhưng đi biển đâu phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió! Đang chạy ngon lèo, trời bỗng trở chứng đứng gió, rồi chuyển qua gió bấc, buồm giũ lạch phạch, sóng vỗ tư bề, thuyền chòng chành nhồi lắc. Bấy giờ say sóng xảy ra. Người bị đầu tiên là người to lớn nhứt: bác sĩ Nghiệp! Ông nôn hết nước hết cái mà vẫn còn nôn, đến mức gác đầu lên be ghe hả họng ra với biển mà chịu trận. Rồi Bé Thảo, rồi chị Tư Minh. Lúc đầu Tư Minh còn săn sóc vợ con, sau rồi cũng chịu chung số phận. Không kể tài công và bạn chèo, trong đoàn chỉ có hai người không say sóng là anh Tư Thỉnh và chị Ba Định. Chị Tư Thỉnh say sóng nhẹ nhờ có anh săn sóc. Riêng chị Ba Định không dám nằm, sợ nằm sẽ mẹp luôn, chị phấn đấu vượt qua rồi đảm đương săm sóc mọi người, đem khoai lang lùi tro cho ai nấy cùng ăn. Một thứ bột bùi bùi nhai làm quánh miệng, rít cổ, cầm được nôn ụa như phép mầu, mới hay kinh nghiệm dân gian  thật đáng nể phục!

Sau say sóng mất nước, tới khát nước hoành hành. Nước ngọt cạn dần; đã có hôm nấu cơm bằng nước biển, ăn mặn đắng. Hai cần xé dưa hấu chỉ còn vài ba trái. Ba Định xẻ ra chia mỗi người một miếng nhỏ thắm giọng cầm chừng! Tư Minh do thể trạng yếu, chịu cơn say sóng lâm bịnh nặng. Đào Văn Trường bàn với ông Thỉnh:

- Mình đi ra mà gió thổi vào! Nước ngọt cũng cạn dần. Anh Tư Minh lại đau nặng!  Tình thế nầy chắc phải ghé bờ. Vậy bác Tư  nghĩ  thế nào?

Ông Thỉnh hơi động đậy đôi mày rậm tủa xuống đôi mắt sâu rất hiền, bảo đem bản đồ ra xem, cùng nhận định tình hình giặc Pháp chưa chiếm tới Phan Thiết; chắc Kê Gà còn độc lập, tán thành đoàn trưởng quyết định ghé bờ tạm giải quyết khó khăn. Đoàn trưởng ra sau lái tham khảo tài công Hai. Được biết Hàm Tân giặc chiếm rồi, tài công Hai cho thuyền lên quá một đổi rồi hướng thẳng chính Bắc vào mũi Kê Gà. Kê Gà vùng vừa giành độc lập, bà con ngư dân tiếp đoàn rất tốt, bố trí nhà nghỉ ngơi và lo cơm nước chu đáo. Tư Minh lên bờ vẫn còn mệt. Đoàn trưởng lại hỏi ý kiến ông Thỉnh: 

- Ngoài đưa cán bộ ra Trung ương, tôi còn nhiệm vụ chủ yếu mà bác Tư cũng biết là liên lạc với Phòng Nam Bộ ở Hà Nội và Bộ Quốc phòng để tổ chức vận chuyển vũ khí chi viện cho Nam Bộ. Vì vậy cần phải đi gấp. Tình hình gió ngược nầy ngoài dự kiến. Tôi đề nghị: nên để anh Tư  Minh đang ốm nặng ở lại cùng chị và cháu Thảo, nhờ địa phương giúp đỡ điều trị; khỏi bệnh đi sau. Còn chúng ta tất cả đi bộ ra Phú Yên sẽ có xe lửa đi suốt ra Hà Nội. Đường bộ từ đây ra Tuy Hòa hoàn toàn tự do.

Vậy là tài công Hai đưa ghe trở về, còn dư số gạo tặng cho bà con ở đây và được biếu lại nước ngọt. Ông Thỉnh đến giả biệt Tư Minh. Từng có mối quan hệ làm việc và chung sống trong cảnh khó khăn gian khổ giữa hai gia đình, Tư Minh rơm rớm nước mắt. Là người trọng đạo, ông Thỉnh hằng nhớ ơn Tư Minh (sau bí danh là Mười Phi), trong cảnh chạy giặc, vẫn nhớ tới vợ chồng Ca Văn Thỉnh lúng túng bị kẹt ở Tân Thành Bình, nhờ người chèo ghe về rước. Từ đó hai gia đình cất chòi thấp lè tè trong rừng lá ngập mặn ở Cái Cát, sống đạm bạc chung nhau. Hằng ngày chỉ được tiếp tế một hủ nước ngọt (loại hủ đựng đường thốt nốt), nhường nhịn chia nhau. Chất đốt càng gay go, củi không có, dầu lửa ngoài thành khó mua! Thế mà vẫn sống mến thương nhau trong cơn tối lửa tắt đèn! Mỗi sáng, liên lạc bơi xuồng đến rước Tư Thỉnh, Tư Minh đến văn phòng Ủy ban làm việc; bấy giờ cùng làm tờ Thông Tin của tỉnh, in thạch (rau câu), phát hành rộng vô tới vùng giặc tạm chiếm. Ngoài trọng trách Ủy viên Ủy ban kháng chiến - hành chánh tỉnh, ông Thỉnh còn đảm nhận viết bài và biên tập cho tờ Thông Tin, tiền thân của tuần báo Hy Sinh, tờ báo chính thức của tỉnh. (Sau đổi là Chiến Thắng, cội nguồn báo Đồng Khởi hiện nay)… 

Hai người cùng ôn kỉ niệm nghĩa tình trước giờ chia tay nơi xứ lạ, khiến cho những người cùng đi cũng bắt ngậm ngùi!

*

Cuộc đi bộ của đoàn tưởng suôn sẻ như dự kiến, hóa ra không dễ dàng chút nào. Chưa kể mang hành lý nặng mà chính là không quen đường trường, lại không được luyện tập; hơn nữa vừa trải qua những ngày ngồi thuyền say sóng cuồng chân! Mới đi nửa buổi, trừ Đào Văn Trường còn thì ai nấy đều phồng chân mỏi gối, nhức bắp chuối. Đang ngồi nghỉ chân mà lòng ngao ngán, bỗng Ba Định reo lên:

- Trời trở gió chướng lại rồi, mấy anh ơi! Tôi nghe mát từ sau lưng mát tới! Có thể mình trở lại Kê Gà mướn ghe đi tiếp, chớ đi bộ vầy oải quá!

Trưởng đoàn sau khi xác nhận đúng là có gió chướng, quyết định quay lại Kê Gà mướn ghe đi Tuy Hòa. Bấy giờ thuận buồm xuôi gió, vùng độc lập, thuyền chạy ven bờ; ai nấy hớn hở, tưởng chẳng bao lâu là tới Tuy Hòa, ngồi xe lửa một hơi ra Hà Nội. Nhưng hậu quả say sóng, chị Tư Thỉnh trở chứng đau tim! Ông Thỉnh đề nghị trưởng đoàn cho thuyền ghé bờ. Biến cố ở đời ai mà lường trước được! Ông bà Thỉnh hầu như không phải nhiều lời động viên nhau. Thuyền ghé bờ khỏi Phan Rang một đổi, thuộc xã Mỹ Hòa, được dân ở đây tiếp đón tử tế như ở Kê Gà. Ông Thỉnh hỏi thăm về ông Nguyễn Văn Sở, ở xã Phương Cựu, được dân sở tại cho biết là ở gần đây. Ông Thỉnh rất mừng, đưa bà Tư  tới gởi ở nhờ, bảo: “Chú Sáu Sở là người chú bà con, là ba của cô Tư Marie học trường Đầm, từng về Cái Sấu ghé thăm mình…” Gia đình chú Sáu Sở vui mừng tiếp vợ chồng ông Thỉnh rất  nồng hậu. Cô Nhượng - thư ký Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc xã Phương Cựu tiếp đón “chị dâu” rất thân tình, sốt sắng chuẩn bị đi Phan Rang mua thuốc về điều trị.                           

Bà Tư - Lê Thị Tài nén trái tim đau cùng nỗi buồn giữa đường chia ly, gượng tươi tỉnh cho chồng yên tâm tiếp tục lên đường. Ông Thỉnh đến bên dặn dò đôi điều: “Gặp được chú Sáu thật là trong họa - có phúc! Gởi thư ra cho anh theo địa chỉ: Nguyễn Văn Cái, (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre) hiện là Trưởng phòng Nam Bộ Trung ương tại Hà Nội. Trụ sở: số 19 Hàng Vôi - Hà Nội”; vừa nói ông vừa ghi giấy xếp gọn đưa bà Tư. Bà kềm nước mắt dặn theo một câu tỉnh ráo:

- Anh đi ráng giữ gìn sức khỏe! Đừng lo gì cho em mà trễ nải công tác!

                                                                        *

                                                                       

-------------------------------------------    

(1) - Trích chương  I - NGẠC XUYÊN  HIỀN NHÂN viết về Giáo sư  Ca Văn Thỉnh. 

Thanh Giang
Số lần đọc: 2736
Ngày đăng: 10.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thời cầm súng - cầm bút - Thanh Giang
Sông Rồng lắng sóng đất Thăng Long - Thanh Giang
Đêm trăng non Gò Tháp - Thanh Giang
Mẹ tôi - Thanh Giang
Bông Huệ đỏ - Thanh Giang
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy
Vườn chim Bạc Liêu - Phan Trung Nghĩa
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa
Miền sóng vỗ không nguôi - Hồ Tĩnh Tâm