Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.223.624
 
Chuyện Ngày Xưa
Ngy Sơn

Một tiếng nổ đinh tai nhức óc phát ra từ quán bar số 3, tiếng nổ dội điếng vào màng nhỉ khiến tôi mất hêt cảm giác, toàn thân gần như tê liệt, trái tim ngừng đập trong giây lát.. Khi hoàn hồn và định hướng nơi vừa xãy ra sự cố, phía trước quán phủ một màng đen chết chóc, góc trái của quán thay hình đổi dạng, hình dáng xiêu vẹo của quán trông giống như một đám người có cơ may sống sót chạy loạn xạ, tiếng kêu cứu ơi ới pha tạp tiếng tây ta lẫn lộn của bọn lính viễn chinh.

 

Do bản tính hiếu kỳ, vả lại ghét cay ghét đắng bọn lính viễn chinh, những khuôn mặt lạ hoắc từ phương trời xa xôi nào đến, lại được nghiểm nhiên cung phụng như ông chủ, tận hưởng những món ngon vật lạ trên mảnh đất này. Bọn người mà khi còn ở quê, bà tôi đã gán cho cái tên rất chi là ác liệt”bọn quân xâm lược”, từ này ám ảnh tôi, từ thằng cu lên mười tuổi, như bài học vỡ lòng cuả lớp người kế tục sự nghiệp vẻ vang dân tộc. Tôi xán lại gần nơi vừa xãy ra sự vụ, nhẩm tính có hơn mười người chết và bị thương nằm la liệt trên nền quán, chung quanh vung vải thịt người, máu mê lênh láng, mùi tanh tưởi xông lên khiến tôi lợn giọng nhưng không làm tôi chùng bước mà lại thôi thúc tính hiếu kỳ như chính mình là tác giả, trong lòng thán phúc sự quả cảm của người nào đó đã làm ở thành phố Nha Trang hoa lệ này. Trái lựu đạn trúng ngay giữa quán, khoét một lổ sâu hoắc gần nơi quầy tính tiền, trung tâm nơi mọi người ăn uống, nhảy nhót. Sự chính xác của kẻ trong bóng tối theo tôi ngầm đoán là cự ly rất gần, kẻ đã chọn một góc thích hợp, có thể là góc vắng mà tôi vừa đứng trước đó.

 

Tiêng còi hụ cuả xe cứu thương thành phố hối hả, riết róng từng hồi kéo tôi về với thực tại, mối hiểm nguy đang dằn trước mặt. tôi định rảo bước nhanh ra khỏi chốn này hòng tránh khỏi tai họa có thể xảy ra với kẻ đang lớn. Nhưng vừa nhón chân thì có bàn tay vổ nhẹ vào sống lưng, quay lại thì bắt gặp đôi mắt hình sâu róm của gã Sáu Lá đang xoáy vào. Không một lời phân trần phải trái, bằng một cử chỉ dứt khoát gã tông tôi vào cái thùng xe bịt bùng đậu trước mặt.

 

Trong gian buồng bịt kín của thùng xe có chừng hơn mươi người, đàn ông lẫn đàn bà đang ủ rủ buồn thương chứa đầy trên khuôn mặt. Có dăm người đang vào tuổi lính tráng, gương mặt xạm đen của vùng sông nước. Mọi người xích xê ra cho tôi đặt cái mông trong thùng xe của một đêm bố ráp.

 

Xe chạy một hồi lâu, ngoằn nghoèo qua các ngã ba ngã bảy thành phố, bọn tôi tông giam vào gian hầm bịt kín như thùng xe, dưới chân là nền đất, quanh vách là những bao tải màu xanh thô ráp nhập từ Đại Hàn dân Quốc, độn đầy cát xếp thứ tự lớp lang thành vách tường kiên cố. Căn hầm này là lô cốt của khu đồn trú hoặc trung tâm dã chiến ở ngoại vi thành phố.

 

Trong gian buồng nóng như nung, chật chội hơi người, lại thêm bóng đèn tròn như hột vịt tỏa xuống căn hầm màu vàng nhợt nhạt nóng lại càng nóng thêm. Cái nóng khiến mọi người mệt nhọc, ủ rủ như tàu chuối khô.Không ai buồn mở miệng, khum người xuống nền đất hoặc tựa vào nhau mà đếm thời gian trôi.

 

Mọi người bừng tỉnh khi nghe tiếng rin rít của cánh cửa sắt vừa hé mở, ánh sáng ban mai lọt vào khiến gian buòng dễ chịu đôi chút, liền sau đó có khuôn mặt ló sau cánh cửa:

“Đi ra, từng thằng một!.”

 

Lũ đàn ông ể oải bước ra khỏi căn hầm, không buồn ngó lại cái dấu dằm của một đêm thiếu ngủ, của muỗi mòng và cái nóng như thiêu như đốt. Đến lượt, tôi chuẩn bị dứng lên để ra ngoài thì có tiếng gọi giật giọng.:

“Thôi khỏi, mày ở lại, thằng nhóc!”

Tôi ngồi lại vào góc cũ, ánh sáng ban mai vội tắt khi cánh cửa vừa đóng lại, gian buồng trở lại nguyên hình dạng cũ. Bây giờ tôi mới có dịp quan sát những người bạn đồng hành bất đắc dĩ. Đó là những người đàn bà nom còn rất trẻ, ăn mặt khá diêm dúa, hở hang, lớp phấn son trên khuôn mặt bị rửa trôi bời cái nóng của một đêm thiếu ngủ, bởi mồ hôi mồ kê làm nhầy nhụa, loang lổ. Tôi nghĩ, đây hẳn là loại gái ăn sương, một tầng lớp mà với tôi còn mới mẽ, chỉ biết qua thông tin của thằng Minh ở xóm Cồn kể lại những trò đú đởm của nó, đủ mọi chuyện . Những mẫu chuyện đó đã gây cho tôi niềm khoái cảm, gợi dục của thằng con trai mới lớn, rồi hình dung đủ mọi chuyện, một căn phòng mờ tỏ của bóng đèn không đủ sáng, phản ảnh lên tấm ri đô màu xanh mỏng mảnh dùng để che chắn cảnh cửa sổ, trên cái giường trải nệm thơm tho, gợi mở, hai tấm thân trần truồng siết chặt nhau như hai thỏi nam châm. Những tấm thân trần truồng ấy thỉnh thoảng tôi được nhìn qua bức ảnh khiêu dâm cắt từ tạp chí playboy được lưu hành rộng rải cho quân đội viễn chinh, mỗi lần là một kiểu mà theo thằng Minh, nó có 36 kiểu, mỗi lần cho nhìn thấy, ắc phải bao một chầu kem theo ý nó!

 

Bây giờ, trong gian phòng kín mít với người đàn bà và tôi. Trong gian buồng đặc quánh mùi nước hoa rẻ tiền còn lưu lại trên tấm thân người đàn bà kia, bây giờ tôi mới có cảm giác và quên hết mọi phiền muộn, nỗi sợ hãi vừa xảy ra. Tôi chìm đắm ngọn lữa dục vừa nhun nhén tận tâm can, bao hình ảnh được nhìn ngắm, bao lời nghe kể được tái hiện rất cụ thể , thật sinh động.

 

Tôi ngắm cô ngồi gần nhất, cô ta trông còn rất trẻ, trẻ nhất bọn, cùng lắm chỉ nhỉnh hơn tôi vài ba tuổi nhưng trông dạn dày sương gió nhiều. Lớp phấn trên khuôn mặt trôi đi để lộ nguyên xi lớp da xanh tái của kẻ thiếu ngủ.Tôi lần về bên dưới, trong tấm thân gầy guộc nhỏ nhoi đó được bao bọc bởi lớp vải xoa đỏ mỏng, hai đầu vú hiện lên rõ mồm một, chất nhựa sống cứ căng tràn phập phồng theo từng nhịp đều của hơi thở nhấp nhô như tiếng tích tắc của cây kim đồng hồ nhích từng tiếng một. Dưới làn da trắng ngần mịn màng lay động, phản ảnh sức dục tiềm tàng trong từng thớ thịt. Đôi mắt tôi hít chặt vào đó, tự do mò mẩm , tự do lưu đày, tự do cuồng loạn với sức trai mới lớn.

 

Bắt gặp đôi mắt như hít chặt của tôi, cô ả đã chú ý, có vài cử chỉ phòng vệ và thay đổi tư thế ngồi của mình với trạng thái không đồng tình hay phản ứng gì, đôi mắt như bàng quang , vô cảm với cảnh vật chung quanh. Do đó, tôi cứ mặc nhiên mà tưởng tượng, mà thêu dệt đủ mùi đời mặc dù tôi không biết mùi nó ra làm sao.

“Thằng nhóc, đi ra!”

 

Tiếng gọi của gã lính mặc áo rằn ri, tiếng rin rít của tấm cửa sắt hé mở, ánh sáng vụt tràn vào khiến đôi mắt tôi muốn xé tung ra, làm rối bời niềm khoái cảm còn tiềm tàng trong góc buồng chật chội mùi đàn bà, mùi thum thủm xông lên từ những bao cát bị mối mọt, mùi âm ẩm của lớp đất thiếu ánh sáng. Tất cả những thứ đó là bạn đồng hành của một đêm dài không ngủ, của mùi máu và từng thớ thịt vung vải ở quán bar số 3, tiêng nổ đinh tai nhức óc còn âm ỉ, râm ran trong tâm hồn tôi.

 

Tôi bước theo gã lính qua hành lang hẹp, ngoằn ngoèo hình chữ chi, hành lang này trông như dây thông hào nổi trên mặt đất , vách của nó là những bao tải xếp chồng lên nhau. Vượt qua dây thông hào là căn hầm dã chiến, mái được lợp loại tole siêu mỏng, thấp lè tè mà môĩ chú lính nào bước vô cũng phải cúi xuống.

 

Gã chỉ huy mang lon thượng sỹ, ngồi chểnh chệ trên cái ghế bành bọc nệm, bên caí bàn sắt sơn màu xanh nhà binh. Đứng bên cạnh gã chỉ huy là Sáu Lá, vẫn bộ đồ bà ba đen, cán bộ xây dựng nông thôn, mang đôi dép râu, tay cầm cái roi cá đuối. Thấy tôi vào, gã Sáu quét đôi mắt hình dao cạo và tay nhịp nhịp cái roi, mào đầu câu chuyện mà theo tôi , nó chẳng hứng thú gì.

“ Mày làm gì ở quán bar số 3 đêm vừa rồi?”

“Dạ thưa chú Sáu, cháu không làm gì cả, cháu chỉ tình cờ ghé qua đó.!”

“Mày đừng ma mảnh với tao rằng mày đi hóng mát, mày đi dạo. Mày đừng chối phăng rằng trái lựu đạn không phải do mày ném ra. Nếu không phải là thủ phạm chính thì ít ra mày cảnh cảnh giới để đồng đội thực hiện phi vụ này?” Cái tay gã vung lên, cái roi như con rắn trườn vào không khí nghe rin rít, mối đe dọa cho kẻ yếu bóng vía.

“ Dạ ..dạ  thưa chú Sáu, chú nghi oan cho con quá, thật tình con trẻ người non dạ không thể làm công việc tày đình đó. Chú Sáu thường gặp con ở Xóm Cồn, con đến đây để tìm cái chữ chứ không đi làm công việc quá sức như thế! Mong chú Sáu suy xét giùm con.”

“Im, im mày, mồm mép chối leo lẻo.”

 

Gã thượng sỹ chen vào:

“Mày có giấy tờ tùy thân nào không, đưa coi?”

Tôi lục bóp trình lên thẻ học sinh. Gã lướt thướt qua rồi lẩm bẩm:

“Học đệ ngủ, 15 tuổi. Ừ à..Ba thằng đàn ông khi nảy sắp về chầu diêm vương hà bá cũng chỉ là 15 tuổi. Ôi! đời cũng lạ, con người thời nay muổn trẻ mãi không già, người thì cải lão hoàn đồng, kẻ chưa già lại muốn trở thành ông cụ!”.

“Sao, thượng sỹ, thả thằng nhóc và mấy con nhím kia về rừng hay nhốt nó vài hôm?”

“Xin chú Sáu, chú…”

“Im, im mày, đồ nhát như cáy, cái miệng bù lu bù loa, hãy liệu cái thần hồn. Có gan làm không có gan chịu, vừa làm chết bị thương mươi thằng mẽo. Công mày lớn lắm đó!”

 

Gã thượng sỹ vẫn cái giọng buồn thương thế sự:

“Thủ phạm đã bay cao xa chạy, nó ỉa những đống phân này cho mình ngửi. Rách việc!.”

“Dăm ba thằng đàn ông kia mình gửi cho khu Khánh Hòa để đưa ra quân trường Đồng Đế hay nhốt đây vài hôm?

“Thư thả chú Sáu, vội chi!”

“Mày có đúng là con thắng Sáu ở xóm Cồn không mày. Chắc không phải là ba giả chớ?”

“Dạ dạ..ổng là ba cháu.”

“Thôi maỳ, tao biết tỏng tòng tong rồi. Vừa nói ,gã vút roi cá đuối vào không khí nghe tron trót. Khai đi, tao thì tao đi guốc trong bụng nhà mày, thằng đó mang khai giấy tờ, hủy hoại thân thể để trốn lính. Đúng không, nói!”.

 

Từ ngày tôi trở thành con ông Sáu ở xóm Cồn thì cục diện gia đình không thay đổi. Người ta thường nói “trẻ mong chóng lớn , già thì trẻ lại”, nhưng ông Sáu thì ngược lại, ông luôn mong muốn mình già trước tuổi. Mỗi ngày trên khuôn mặt ông thêm một mép nhăn thì ông khấn khởi lắm, hoặc ông không có nét nào thì cố tạo ra. Dĩ nhiên là ông ít cười, luôn mang bộ mặt cáu kỉnh. Thật đáng buồn là khuôn mặt ông nhẳn thín, không có sợi râu nào để làm dáng, ông đã cố tạo ra râu từ phương pháp thủ công đến hiện đại nhưng đều thất bại. Mỗi đêm ông dàn mắt trên cái T.V đen trắng từ thập kỷ 60 để tìm hiểu người Irắc sao lại lắm râu đến thế , mỗi lần ông thấy họ xuất hiện trên T.V thì mắt ông hít chặt vào đó, xít xoa vui một chút rồi lại bần thần nỗi niềm đầy vơi khó tả.

 

Một hôm, ông dẩn về hai đứa bé gái, đứa con thật cũng như đứa giả, được tổ chức có quy củ và trọng thị, kịch bản do tay môi giới chuyên làm hàng giả trên phố thị, bè cánh với những quan chức địa phương, tôi với vai vế là con trai trưởng, hai đứa bé gái, đứa con thật được bồng bế trên tay. Cuộc trình diển của một gia đình chỉ diển ra trong phút chốc, trước khu nhà ban hành chính khu phố. Buổi ra mắt thành công tốt đẹp, ông Sáu được người có trách nhiệm ở địa phương công nhận ông là gia đình đông con và thuộc diện lớn tuổi.

 

Tuy nhiên ông Sáu vẫn chưa bằng lòng. Một bữa nọ, khi tôi từ trường về tới xóm Cồn thì có tai nạn xảy ra , ông Sáu đang nằm rên hừ hừ trên cái đi văng đóng bằng ván ép kê ở góc nhà. Ở dưới chân nhà chồ, cánh đàn ông cùng lứa, cùng khổ sở vì tuổi lính tráng, cũng đã từng làm nhiều chuyện  để khỏi ra chiến trường.

“Ông ấy thiệt gan cùng mình, một tay liều mạng đáo để!”

“Sao, ông ta chuẩn bị từ trước à?”

“Đúng vậy, ông sắp xếp kịch bản như con tàu đang chuẩn bị đi biển, máy Yarmar vừa khởi động, bánh trớn quay đều là ông dí ngón tay trỏ vào, một thoáng là mất tiêu cái ngón. Nhìn mặt tỉnh queo, thiệt tình tôi phục ông ấy!”

 

 

Tôi vừa kịp đến nhà thì đã thấy gã áo đen cũng vừa có mặt ở đó. Cái tin ông Sáu bị tai nạn nghề nghiệp đã đến tai gã nhanh hơn tôi nghĩ, đây cũng là điều bất lợi, một tình huống không ngờ trong dự kiến của ông Sáu và ắc sẽ gây phiền phức sau này.. Vừa thấy bóng gã, những người bạn thuyền ông  lần lượt chuồn lẹ chỉ con lũ đàn bà con nít tụm năm tụm bảy bàn tán inh ỏi dưới nhà chồ.

 

Gã áo đen, vẫn diện mạo cũ, cái mũ rộng vành xùng xụp che kín chân mày hình sâu róm, đôi kiếng đen và đôi dép râu của thời kháng chiến chống Pháp, đồng hành với anh bộ đội vượt trường sơn cứu nước.Sáu Lá, càn bộ xây dựng nông thôn đại diện  cho chính quyền sở tại. Gã nhìn tôi chằm chằm rồi quay sang ông Sáu:

“Một tai nạn nghề nghiệp, hẳn thế. Vết thương làm ông mất máu nhiều (gã lẩm bẩm một mình:

Sao là ngón tay trỏ, ngón tay để bóp cò súng!). Với điệu bộ mạnh mẽ, dứt khoát, gã vung tay về phía trước và nói:

“Với tai nạn này, bà Sáu nên tìm một nhân chứng cụ thể để ghi vào biên bản trước khi đưa ông nhà đi nhà thương.”

“Trăm sự nhờ thầy Sáu giúp đở, ơn này gia đình không dám quên.” Thiếm tôi chấp tay như van vái, vẽ mặt quỵ lụy đên cực độ.

Gã quay sang tôi, xoi mói đôi chân như tìm một dấu vết nào đó theo thói quen nghề nghiệp:

“Thằng nhỏ con chị chóng lớn quá nhỉ, mới ngày nào!” Gã cười huềnh huệch đầy ẩn ý.

“À à cháu nó ..ồ không thằng con đầu của tôi đó , thầy sáu. Trông lớn xác nhưng tính tình tuềnh toàng lắm! Sao còn đứng đực ra đó, mua nước non gì mời thầy Sáu!.”

“Thôi khỏi, tôi vừa uống xong.”…

 

Nghe tôi khai trót lọt những điều mắt thấy tai nghe, nhìn bộ dạng như con khỉ, Sáu Lá táy máy tay chân sấn sát bên tôi, véo tai như muốn sứt, rờ rẩm thân thể không sót bộ phận nào khiến tôi nhột nhạt, rên rỉ vang rân. Gã thượng sỹ thấy chướng về hành động của gã, hét tướng lên:

“Thôi anh sáu, hành hạ nó như thế là đủ rồi, thả về cho mẹ nó mừng!”

 

Tôi sung sướng, lòng như mở cờ, đứng lên sửa tư thế, mắt lấm lét như vừa chịu ơn sâu nặng:

“Cháu cảm ơn hai chú lắm lắm.”

“Ơn nghĩa gì mày, cút nhanh về cho mẹ mừng. Nhớ đừng gặp bọn tao trong hoàn cảnh này nghe con! Mà nếu duyên còn gặp thì phải so đọ tay đôi mới xứng đáng là đấng nam nhi!”

 

Tôi dạ rân rồi phóng lẹ ra đường.

Qua nhiều con phố, lẩn lút mấy con hẻm, lần lữa tôi về xóm Cồn.Gặp con nước lớn, nước vồ vập dưới chân nhà chồ, rác rưởi, phân cứt nổi lềnh bềnh. Muốn lên nhà phải bước qua ba bậc thang, ông Sáu kỹ tính lại chịu thương chịu khó nên nhà có của ăn của để. Vì thế, bậc thang nhà ông vững chắc chứ không rệu rả như những ngôi nhà khác.

 

Tôi vừa bước lên bậc thang cuói thì”vù”. Một cú đá như trời giáng hạ khiến mắt tôi nổ đom đóm, người bủn rủn lăn đùng khỏi nhà chồ, rơi tỏm vào vũng nước, người ướt sủng.

“Tao biểu mày mua ký chì, chì đâu, hởi thằng chú đẻ!”

 

Nghe tiếng động, người hàng xóm mở cửa, rọi đèn, thấy tôi lỏm ngỏm bò dưới nước, vội la lên:

“Nó nhỏ xíu, ông đánh nó dữ vậy!”

 

Tôi lặng lẽ ra sau nhà. Trời hôm đó trời trong, lành lạnh, hơi thu bàng bạc không gian màu sương khói, mảnh trăng hạ huyền chênh chếch đỉnh non tây, đong đưa như chiếc võng. Ờ nhỉ! Mùng năm mười bốn hăm ba, đi buôn cũng thiệt nữa là đi chơi. Trách chi trời, hãy tự trách mình đi chơi không chọn ngày!./.

 

Ngy Sơn
Số lần đọc: 1603
Ngày đăng: 10.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Truyện Trả Thù - Vũ Anh Tuấn
Kẻ săn chó - Lưu Thuỷ Hương
Đêm Qua Hoa Chết - Quý Thể
Vũng - Phạm Phương
Em Đi Thêm Một Đoạn Đường - Lê Văn Thiện
Cường Hào Thời @ - Xuân Tuynh
Đường viễn xứ - Lưu Thuỷ Hương
Tiếng Hát Lúc Nửa Đêm - Trần Minh Nguyệt
Dòng Sông Ám Ảnh - Đỗ Ngọc Thạch
Người chỉ đường ở Lyon - Vũ Thư Hiên
Cùng một tác giả
Chuyện Ngày Xưa (truyện ngắn)