Lúc chàng học trò trường Tây Lýtsê ở Hà Nội – Vũ Bằng – giấu mẹ bỏ học, bắt đầu ngã vào làng văn làng báo (đầu thập niên 30 của thế kỷ XX), nghề làm báo, viết văn ở nước ta hoàn toàn không có trường, không có lớp. Tuy phải “tự tìm khôn” nhưng Vũ Bằng đã nhanh chóng trở thành cây bút chuyên nghiệp tung hoành trên nhiều lĩnh vực : sáng tác văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật… Là cây bút có nghề và có hạng, Vũ Bằng rất xem trọng cách kết cấu tác phẩm, không chỉ xem đó là lý luận sáng tác mà còn nâng nó lên thành yêu cầu sáng tạo(*), mà tập tùy bút Thương nhớ mười hai (1971) là kết tinh nghệ thuật ấy của Vũ Bằng.
Kết cấu là một trong những phương tiện cơ bản để tác phẩm là một thể thống nhất “có vẻ duyên dáng của sự trật tự” (Horax) nên có nhà nghiên cứu cho rằng nói đến sáng tác chính là nói đến kết cấu. Kết cấu là cách kiến trúc tác phẩm, là sự tổ chức không chỉ ở bề mặt mà còn bao hàm cả sự liên kết bên trong sao cho toàn bộ tác phẩm thực sự là một chỉnh thể nghệ thuật, là “sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật – tức là sự cấu tạo tác phẩm, tùy theo nội dung và thể tài”(1). Vậy kết cấu trước hết là hình thức nhưng là hình thức mang tính nội dung, không bao giờ tách rời tư tưởng tác phẩm. Trong Thương nhớ mười hai, kết cấu nghệ thuật được dựa trên quan hệ liên kết thể hiện tư tưởng-chủ đề (kể cả đề tài), tổ chức hình tượng nghệ thuật và lựa chọn chi tiết nghệ thuật.
1. Kết cấu theo luận đề - kiểu kết cấu lắp dựng
Trong văn học thế kỷ XX, có một kiểu kết cấu khá thông dụng là kết cấu lắp dựng (montage), là kiểu kết cấu dựa trên kỹ năng chủ động lắp ghép các cảnh “vô ngôn” đặt liên tiếp nhau để người tiếp nhận tự xâu chuỗi các cảnh đó lại, tự đoán nhận, khám phá ra cái ý ngầm ẩn đằng sau đó. Kết cấu lắp dựng “cho phép nghệ sĩ thể hiện những quan hệ cốt lõi, tuy không dễ nhìn thấy giữa các hiện tượng, cho phép nghệ sĩ chiếm lĩnh thế giới trong tính đa chất, đa tạp, mâu thuẫn… lưu chuyển và thống nhất của nó”(2).
Thương nhớ mười hai ra đời khi Vũ Bằng lạc lõng ở Sài Gòn bốn mùa nhớ thương Hà Nội. Năm 1954, theo tiếng gọi của núi sông, Vũ Bằng xách va ly vào Nam dưới vỏ bọc một nhà văn di cư “nhân danh một người cầm bút tôi muốn biết đất nước trong cơn tao loạn này ra sao”(3). Những tưởng sau hai năm đất nước hiệp thương thống nhất sẽ được trở về, nào ngờ Hà Nội mãi mãi là cố hương, một Hà Nội cách chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi nghìn trùng. “Cuốn sách bày tỏ rất rõ tâm sự của một người con miền Bắc nhớ da diết quê hương bên kia giới tuyến” (Hoàng Như Mai)(4). Với mười bốn chương sách, nhà văn đã dựng lên những mảng màu văn hóa của Bắc Việt như một cơ hội được trở về, nhập hồn vào trời đất, cảnh vật, sản vật, con người.. mà tất thảy đều toát lên vẻ đẹp thanh lịch, tinh tế, quý phái. Những quang cảnh thiên nhiên, thời tiết, thời trân bốn mùa; những phong tục tập quán, lễ hội, lễ tết; những cách ứng xử, đi đứng, ăn mặc, nói năng… là những mảng kiến trúc được nhà văn dựng lên, lắp vào nhau tưởng như là tùy hứng nhưng thật ra rất dụng công để toát lên hồn vía của quê hương Bắc Việt, rộng ra là của đất nước Việt Nam chúng ta.
Những cảnh quan thiên nhiên trong Thương nhớ mười hai dù mùa nào, tháng nào cũng là những cảnh quan “mộc mạc” mà “thần tiên”. Mùa xuân xứ Bắc được khúc xạ qua tình yêu và nỗi nhớ nên càng đẹp : “mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng”. Cữ tháng tư, bắt đầu vào hạ, “biết bao kỷ niệm xanh một màu núi tím, nước xanh […] Nước thì xanh, núi thì tím, hoa trên sườn núi đỏ màu cánh sen mà các cô nàng thoát y lại trắng như ngó sen, tóc xõa xuống lưng đen như mực tàu”. Thu sang, Bắc Việt đẹp cái “đẹp não nùng”, cái đẹp của “hơi may với hoa vàng”, “một mùa thu xanh mơ mộng diễm tình”, “mộng từ ngọn gió cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống”. Ngay cái tiết đông gió bấc mưa phùn, cảnh vẫn “mông lung sương khói”, bên “mận mới bắt đầu nảy lộc xinh xinh màu hoa lý” là những “đường đất trắng tươi hoa trẩu kín cả cỏ hai bên vệ đường, kín luôn cả đồi cây, vách đá ở chung quanh”…
Dễ nhận thấy khi bước vào thế giới nghệ thuật Thương nhớ mười hai là cách thụ cảm thiên nhiên kiểu Vũ Bằng. Dù là thời khắc nào, từ bầu trời đến mặt đất, từ triền núi đến suối khe, từ gió mây đến cỏ cây hoa lá… tất thảy đều như ngà như ngọc, như lau như ly, tươi tắn sắc màu, ngan ngát hương thơm, sống động thanh âm, vừa thanh tân, trong trẻo vừa mộng mơ, tình tứ. Rõ nhất là bầu trời. Những buổi sáng “trên nền trời trong trong có những làn sóng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột”, buổi trưa “trời trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh”, đêm về bầu trời vẫn “phẳng lì mà xanh ngắt”, “xanh biêng biếc”, “sáng lung linh như ngọc”. Những đêm trăng, bầu trời càng huyền diệu hơn. Tháng giêng “trăng không vàng mà trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền. Đi vào giữa ánh sáng mơ hồ ấy, mình cảm như thấy mình bay trong không gian vô bờ bến”. Tháng tám “ánh trăng mới thực lung linh kỳ ảo”, “đi trong ánh trăng lúc ấy cảm thấy mình đi ở trên trần mà dường như có cánh ở dưới chân, không bước mà có cái gì đẩy chân đi nhè nhẹ vào trong cõi mê ly”…
Dưới vòm trời lúc nào cũng “xanh lên hy vọng”, làn nước “xanh mơ” “nghiêng mặt ngọc lưu ly”, hồ thì “đáy nước lung linh”, những dòng suối “nước trong văn vắt làm một người hóa hai”. “Mây hồng hồng”, “gió tím”, “mưa xanh” làm cho đất trời, hoa cỏ cứ “tươi hơn hớn”, những căn nhà “xanh um cây cối”, những hàng thùy dương “xanh biêng biếc”, những ruộng mạ “mơn mởn, xanh màu cốm giót”, “những ao rau cần xanh ngăn ngắt”, cả những cái nõn khoai cũng “xanh ngăn ngắt, cuộn lại như tháp bút”… Khi tái hiện cố hương, nhà văn thường chọn những thời khắc bắt đầu (những buổi sáng, những phút giao mùa… như “hoa mới nở, bướm ra ràng”, như “cánh con ve mới lột”) hoặc đang trạng thái viên mãn nhất (thơm thì phải “thơm phưng phức”, tươi thì “tươi hơn hớn”, xanh là “xanh ngăn ngắt”…) không những làm nên dấu ấn sáng tạo mà còn làm biết bao trái tim rung động vì “lòng yêu nước, yêu đất đai xứ sở giăng mắc, vấn vương từ muôn ngàn sự việc ngỡ như bình thường, nhỏ nhoi, vô cớ, không đâu mà lại thắt buộc bền chắc cả đời người” (Bích Thu)(5).
Trong nỗi hoài cố, Vũ Bằng dành rất nhiều “thương nhớ” cho những “thời trân” mang hồn vía của miền đất “bờ xôi ruộng mật”. Mùa nào thức nấy theo nhịp hải hà : tháng hai cá anh vũ Việt Trì nướng chả; tháng ba hái ngọn rau cần tươi hơn hớn nấu bát canh với tôm Thanh; tháng tư muối cái quả cà Nghệ ăn cùng canh trứng cua đồng vắt chanh cốm; tháng chín có cốm với hồng, rươi với vỏ quít, gạo mới với chim ngói; tháng mười gió bấc mưa phùn có nồi cơm ba giăng ăn với cá mương đầm Vạc, tháng mười một mùa nhể bụng cà cuống lấy dầu… Những đặc sản được Vũ Bằng chi chút, ve vuốt nhất là cốm, rươi và cà cuống – những thời trân chỉ riêng Bắc Việt mới có và cũng chỉ có mỗi năm một lần vào đúng thời khắc đất trời chuyển mùa. Thế nhưng những hoài niệm về cái quả đào “ưng ửng hồng, có những sợi lông tơ óng ánh”, quả tuyết lê là “trái cây bằng thủy tinh”, quả vải thiều “ong óng một màu nâu cổ kính”, quả dứa “vàng như mật ong” bên quả bồ quân “đẹp một màu huyết dụ”, hay “những vườn quýt trĩu chịt những quả thắm một màu vàng xen vào những chùm lá xanh màu thiên lý”… cũng tuyệt đẹp. Đến vải tiến Cầu Họ, bưởi Đoan Hùng, mận Thất Khê, cam Bố Hạ, hồng Việt Trì, mít Gio Linh, những “dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”, thậm chí “cái cà, cái dưa, cái tương, cái mắm ngon quỷ khóc thần sầu”, những vườn rau xanh ngăn ngắt nơi thôn ổ đìu hiu cũng thi vị và cảm động vô cùng.
Làm nên vẻ đẹp Hà Nội – Bắc Việt trong Thương nhớ mười hai còn phải kể đến các lễ hội, lễ tết, tập tục thờ cúng, vui chơi. Miền Bắc rất nhiều lễ hội vậy mà hầu như lễ hội nào cũng được tác giả tái hiện trong Thương nhớ mười hai. Đầu xuân lễ đền Ngọc Sơn, đền Quan Phước, đền Quan Thánh… rồi lễ chùa Quán Sứ, chùa Dâu, chùa Kim Cổ, chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, chùa Liên… Tháng hai hội chùa Vua, hội tế thần ở Láng, hội làng Lim, hội Phủ Giầy, hội chùa Hương… Đi liền với lễ là hội, từ mồng bốn tháng giêng các làng bắt đầu mùa quan họ, kể hạnh, hát đúm, hát tuồng… “làng nào cũng có hội hè, đình đám, đèn chăng lá kết rợp trời, hương án, quạt cờ la liệt”. Đó không chỉ là mùa tế thần, tế thánh, mùa rước sắc mà còn là mùa đánh cờ người, cờ bỏi, đấu vật, mùa chọi gà, chọi cá, chọi trâu… Ở đâu cũng có hát ví, hát trống quân, kéo co, thổi cơm, đá cầu, dún đu; ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phủ Lạng có trò bắt chạch “thắm thiết ân tình”; làng La (Hà Đông) rước cái nõn nường để “khuyến khích đoàn kết, cầu nguyện cho sinh sản gia tăng, phồn thịnh”…
Không gian văn hóa Thương nhớ mười hai còn rất nhiều lễ tết với những tập tục và món ăn riêng. Đêm Tết Nguyên Tiêu đi xin xăm về giở hộp trầu vàng ăn một miếng rồi nhập hội tam cúc hay bói một quẻ Kiều đầu năm xem xấu tốt ra sao. Tháng ba Tết Hàn Thực kiêng dùng lửa, chỉ ăn đồ lạnh. Tháng năm Tết Đoan Ngọ nhuộm móng tay, móng chân bằng lá móng, ăn rượu nếp, quả roi, quả nhót và bỏng bộp để “giết sâu bọ”. Tết Trung Nguyên tháng bảy với lễ Vu Lan xá tội vong nhân. Tháng tám là Tết Trung Thu, nhà nhà bày cỗ, trên thắp cái đèn kéo quân, đèn quả trám lung linh, “trong khi người lớn ăn ốc trông trăng thì trẻ con múa sư tử lùng tùng xoèng ở trước sân gạch trăng chiếu sáng như ban ngày”. Tháng chín Tết Trùng Cửu đăng cao uống rượu. Tháng mười Tết cúng cơm mới. Tháng chạp Tết tiễn ông Táo lên trời, Tết Nguyên Đán đầu năm mới.
Trong “mối tình tư quy” của Vũ Bằng, Tết Nguyên Đán được tâng tiu nhất. Tết gắn với chợ Tết, sắm Tết, sửa Tết, gửi Tết, biếu Tết, ăn Tết, chơi Tết… với bao tập tục như về quê ăn Tết, thăm mộ gia tiên nội ngoại, cắm cây nêu, vẽ vôi cung tên, dán câu đối, treo tranh lợn gà, tiễn ông Táo, tục xông đất, kiêng không quét nhà, không đánh vỡ chén bát, tục “mở hàng” cho nhau, thăm viếng, chúc tụng nhau… Sở dĩ ông ưu ái dành cho Tết cả hai chương sách vì nó gắn với không gian gia đình, với “người vợ tấm mẳn” không biết đến bao giờ mới được gặp lại. Người phụ nữ tên Quỳ với “bóng lưng thon nhỏ”, “đôi má đỏ hây hây mùi cốm giót”, “thơm ngát mùi hoa cau” trong ký ức Vạn Lý Trình Vũ Bằng không chỉ là “người bạn chiếu chăn” mà còn tiêu biểu cho vẻ đẹp nhã lịch của dân kinh kỳ, của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Ở Quỳ hội tụ nhiều giá trị nhân văn dễ gợi lên sự say mê, ngưỡng mộ trong lòng độc giả.
Với kết cấu lắp dựng, đề tài quê hương Bắc Việt với vẻ đẹp phong phú, đa diện của cảnh vật, sản vật, con người… đã được nhà văn Vũ Bằng chăm chút tái hiện. Bằng cảm hứng lãng mạn và tư duy hồi cố, đời sống văn hóa Việt Nam trong Thương nhớ mười hai không dừng lại ở cảm hứng chân thực mà còn được nâng lên đến mức lý tưởng đúng như Marcel Proust đã nói : “Thế giới tạo lập không chỉ một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”.
2. Kết cấu theo dòng hồi ức nhân vật – kiểu kết cấu tâm trạng
Hơn ba trăm trang sách Thương nhớ mười hai phải mất gần mười hai năm ròng rã mới nên hình nên hài, với mục đích mà theo nhà văn “không có gì cao rộng, chẳng qua chỉ là đánh dấu những ấn tượng hiện ra trong trí óc những buổi mây chiều gió sớm, sầu biệt ly vơi sáng đầy chiều” và khơi “những mối cảm hoài” của “những người khách thiên lý tương tư”. Sự hồi tưởng của “người cô chích” không chỉ xuất phát từ tâm bệnh sầu thương cố lý mà còn có căn nguyên từ trạng thái thân thế “lạc bước trên những nẻo đường chật ních những người bận rộn bên cạnh những người ngoại kiều ăn mặc như phường chèo, nói líu lô buồn nỗi khó nghe”. Vì thế trong tập tùy bút, quá khứ và hiện tại luôn đồng hiện trong tương quan đối sánh – đối lập.
Vũ Bằng sống Nam nhớ Bắc, tâm trạng thường trực là ngày Nam đêm Bắc. Chỉ cần một cơn cớ nhỏ, “niềm thương yêu cũ” trở dậy, đánh thức “mối tình tư quy” để cái tôi có những cuộc vượt thoát tâm hồn trở về bến mơ. Ăn một tô hủ tíu thì nhớ tô phở Bắc trong buổi sáng rét căm căm, thấy cua bể thì nhớ bát canh cua đồng nấu với rau rút và khoai sọ, gặp ngày bão rớt lòng rười rượi nhớ thu sơ với gió may, hoa vàng. Có khi “chỉ cần một câu nói rất tầm thường vào một buổi chiều mưa gió đìu hiu cũng gợi lên được những ấn tượng rầu rĩ trong một tấm lòng có mối xông”… Cái nguyên cớ ấy thường trực bởi bước đi của thời gian với sự luân hồi trời đất qua các tháng, các mùa. “Trời tháng ba, nhớ hội hè đình đám, con gái hát ví nghe thật là hay, đàn ông đánh vật xem mà sướng mắt; tháng bảy, nhớ mưa Ngâu rả rích buồn như lòng khuê phụ nhớ chồng; tháng tám, cũng thưởng bánh Trung Thu, cũng cộ đèn, nhưng lại nhớ trăng Cổ Ngư và thèm cái cảnh tưng bừng nhộn nhịp ở Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Mã…; tháng một nhớ đến gió ở Đọi Đệp lúc tản cư, mặc áo trấn thủ, ngoài khoác varơ đi như muốn bay lên trời mà miệng vẫn không ngớt ngâm bài “Tây Tiến”; tháng chạp nhớ những con đường ẩm ướt, nhớ mưa phùn rét căm căm, hai vợ chồng lên Đông Hưng Viên ăn một bát “tam xà đại hội” khói bốc lên nghi ngút”…
Trong động hướng tìm về nguồn cội, “người khách xa nhà” không tránh khỏi thiên vị dù vẫn biết “lấy hiện tại so sánh với quá khứ e bị chủ quan mà có sự bất công”. Tuy thừa nhận Sài Gòn là “trời hoa đất rượu” nhưng “người xa phần tử” “vẫn thương, vẫn nhớ, vẫn yêu, vẫn quý” một “Bắc Việt nghèo như thế, buồn như thế và chịu đựng đau khổ nhiều như thế”. Hà Nội là quá khứ, là kỷ niệm; Sài Gòn là hiện tại, là thực tế. Bất chấp mọi so sánh đều khập khiễng, Vũ Bằng đã đặt Hà Nội và Sài Gòn trong chiều kích đối sánh. Mùa xuân ở Bắc “có mưa riêu riêu, gió lành lạnh”, “đêm xanh biêng biếc, tuy có mưa rây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay” còn “ở đây, từ tháng một, trời nắng chói chang, làm cho đôi mắt mờ, đầu nhức, lúc nào đàn ông cũng được “rửa mắt” bằng những cái vai đẹp hớ hênh, những cái lườn hây hây, hồng hồng hay những cặp đùi mờ mờ nửa trắng, nửa đen, thành thử ra… hết, không còn có gì mà “cảm” nữa”.
Đến cái mưa cũng khác. “Mưa ở miền Nam lạ lắm. Chính vào lúc mình cầu mưa như thế thì chọc thủng trời ra cũng chẳng mưa, nhiều khi không kèn không trống, trút xuống ầm ầm làm cho người đi đường không kịp tìm chỗ ẩn, khiến người ở trong nhà thấy người đi đường ướt lướt thướt, quần áo dán cả vào mình, cảm thấy ái ngại và tội nghiệp”. Còn mưa ở Bắc là thứ “mưa rây”, “mưa phiêu phiêu trên đồng ruộng” với “những giọt mưa tím hắt hiu”. Miền Bắc không phải không có mưa rào nhưng “những trận mưa rào đất Bắc nó có đầu có đuôi, có xuôi có ngược, nhất là không bao giờ vừa mưa xong lại nắng liền, mà bao giờ cũng có một thời kỳ quá độ, tạnh mưa thì mát mẻ hắt hiu, thơ mộng”. Tết hai miền lại càng khác biệt. Tết ở trong Nam “nắng tan vàng nứt đá”, “vỡ đầu xát tai”, “đi ngoài đường một lúc mắt cứ hoa lên”, không thể nào tìm thấy “cái lạnh riêu riêu”, “cái mưa xuân bay nhè nhẹ như hôn vào môi, vào má người ta”, càng không thấy đâu “những hoa đào, hoa mận đú đởn múa may trước gió hiu hiu”, “thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”.
Hiện tại, quá khứ trong tập ký kết cấu vừa đan xen vừa đối nghịch. Nhà văn thường bắt đầu bằng thực tại rồi chuồi đi trong hoài niệm, tạo nên sự đồng hiện hiện tại – quá khứ trong thế đối lập – đối trọng và cả sự gián cách về không gian – thời gian. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận định : “Tình yêu của Vũ Bằng với đất Bắc là một thứ tình yêu được gián cách trong không gian […] Còn một thứ gián cách nữa, cũng gợi thương nhớ đến quay quắt, là gián cách trong thời gian”(6). Tác giả gọi mình là “người xa nhà”, “người khách xa nhà”, “người xa quê”, “người sầu xứ”, “người lữ khách”, “người đàn ông oan khổ lưu ly”, “người thiên lý tương tư”, “người mắc bệnh sầu thương cố lý”… Nghĩa là sống ở miền Nam rất lâu và cũng đã có vợ con nhưng ông vẫn mãi là “người lữ hành đơn côi” (từ của Triệu Xuân)(7). Khi đã xem đây không phải là nhà, cũng không phải là quê thì tất yếu “người xa xứ” sẽ tìm mọi cách quay về dù chỉ là sự quay về trong tâm tưởng. Không gian trong Thương nhớ mười hai là không gian lưỡng trị : một mặt đó là không gian thiêng ngời ngời, mặt khác đó là “không gian đã xa, hơn thế là không gian đã mất”(8). “Người di cư” tự hỏi : “Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những chồi sơn trúc, thạch hương ở Nghi Tàm có còn chứa phong quang như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào?” v.v… Trong khi đi tìm thời gian đã mất, một mặt ông cứ nhẩn nha mãi trong kỷ niệm xưa cũ, mặt khác ông vẫn cảm nhận được dòng thời gian đang trôi trên phận người không cách gì trì níu, chằng giữ được. Thành ra Thương nhớ mười hai nói nhiều đến điệu “đi”, cái “chết” của thời gian (“một mùa xuân đã chết”, “mùa xuân cũng đã chết rồi”, “mùa thu sắp chết”, “mùa thu đang chết”, “những đêm giao thừa cực lạc đi không bao giờ trở lại”…). Mở đầu và kết thúc tác phẩm đều là tâm trạng rất nguội lạnh “mùa xuân kia có trở lại cũng bằng thừa” theo kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng đã tạo nên hiệu ứng về một thân phận chưa biết bao giờ mới kết thúc vậy mà đã tắt lịm hết mọi ước mơ, hy vọng.
Chính hiện thực tâm trạng là hệ quy chiếu tạo nên kiểu kết cấu tâm trạng Thương nhớ mười hai. Sự cặp đôi hiện tại và quá khứ đã làm cho không gian – thời gian nghệ thuật Thương nhớ mười hai vừa liên tục vừa gián cách bởi nhất quán trong mạch cảm xúc hồi cố. Do vậy đồng cảm với Vũ Bằng, như Vương Trí Nhàn nói, “trước tiên phải là những ai cùng cảnh ngộ với người xưng tôi trong sách. Nhưng không bắt buộc phải xa Hà Nội hàng ngàn cây số, người ta mới có được tình yêu mê mệt như vậy”(9).
3. Kết cấu theo chi tiết nghệ thuật – kiểu kết cấu trùng điệp
Về kết cấu của thể ký, các tác giả Từ điển văn học nhận xét như sau : “Ký khác với truyện ở chỗ trong tác phẩm ký không có một xung đột thống nhất; phần khai triển của tác phẩm chủ yếu mang tính miêu thuật”(10). Đi tìm hiểu cách khai triển ý tưởng trong Thương nhớ mười hai, chúng ta dễ dàng nhận ra sự lặp lại những chi tiết miêu tả, tường thuật nhằm tạo ra sự đa diện nhưng nhất quán trong bản chất của đối tượng.
Tuy tác giả Thương nhớ mười hai xác tín “mỗi tháng lại có những cái đẹp não nùng riêng, những nỗi nhớ nhung riêng” và dưới ngòi bút tài hoa của ông, không tháng nào được hồi kể giống tháng nào nhưng cả tập sách đã châu tuần quanh cái đẹp của thời tiết, thời trân, sông núi, nước mây, thảo mộc, con người, phong tục tập quán… của Bắc Việt xa cách. Với lối trùng điệp những đoạn miêu thuật, bình phẩm, luận đàm, nhà văn họ Vũ có vẻ cực đoan, quá khích nhưng “duyên không chịu được”, Thương nhớ mười hai đưa đến chúng ta thông điệp “thương nhớ” vô hồi vô hạn của người nghệ sĩ tha hương lữ thứ.
Sự lặp đi lặp lại một số chi tiết nghệ thuật đã bộc lộ rất rõ ý đồ sáng tạo của tác giả. Song, để tránh đơn điệu, nhà văn đã sử dụng rất tài thủ pháp liên tưởng để cơi nới ý tưởng, làm cho “diện” mở ra rất rộng nhưng “điểm” vẫn nổi rất rõ. Thương nhớ mười hai có những liên tưởng bất ngờ, phóng túng cốt làm dậy lên hương sắc của tử phần cách xa. Đó có thể là những liên tưởng tương đồng nhưng cũng có thể là liên tưởng tương phản. Liên tưởng tương đồng của Tiêu Liêu Vũ Bằng phô diễn những kiến văn ngồn ngộn của ông. Từ “mối cảm hoài chất chứa bên lòng”, ông tạt sang chuyện người con gái con quan thừa tướng tương tư tiếng hát anh lái đò; trong lúc mơ màng tháng hai nẻo Bắc lại nghĩ đến Trương Hàn tơ tưởng rau thuần, cá lư, muốn treo ấn trở về quê cũ; tháng ba nhớ rét nàng Bân thì liên tưởng đến Dương Quý Phi làm nũng Đường Minh Hoàng, đến mối tình chinh phu chinh phụ, rồi nhân đó nghĩ luôn đến câu “Gió xuân mơn cánh hoa đào/ Mưa xuân phấp phới trên ao rau cần” vân vân và vân vân. Cứ thế, “mười hai tháng với mười hai cuộc thay đổi thời tiết, mười hai sự rung động, uyển chuyển của năm tháng” đã khơi gợi không biết bao nhiêu liên hệ, từ thơ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Nhạ, Nguyễn Bính… của ta đến thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Trương Kế… bên Tàu, cốt khắc cho sâu, tô cho đậm cái đẹp muôn màu muôn vẻ, đa diện đa âm của quê mình.
Trong khi những liên tưởng tương đồng thường đượm mùi sách vở thì những tương phản trong Thương nhớ mười hai lại thiên về cảm xúc ngũ quan và cả những tưởng tượng của tâm giác. Rất dễ nhận thấy, tác giả tập tùy bút thường xuyên ở trong bóng tối và nỗi buồn để mơ về ánh sáng và vẽ ra một thế giới ngập tràn màu xanh. Thương nhớ mười hai phần nhiều ngẫu hứng từ “những chiều mưa gió đìu hiu”, “những ngày trời đất xuống màu”, những ngày “trời trở gió, không gian bàng bạc một màu chì”… nhưng không dừng lại với nỗi sầu buồn “mang mang vô tuyệt kỳ”. Càng tê tái nhà văn càng cố vươn tới ánh sáng hoài niệm và đắm mình trong thứ ánh sáng tâm tưởng ấy. Những ấn tượng quê nhà trở đi trở lại trong tập ký là “lung linh” (9 lần), “biêng biếc” (7 lần), “hơn hớn” (5 lần), “mơn mởn” (5 lần), “óng ánh” (4 lần), “rực rỡ” (4 lần), “mươn mướt” (4 lần), “lộng lẫy” (2 lần)… Đủ cấp độ xanh, đủ màu xanh : “xanh lưu ly”, “xanh màu ngọc thạch”, “màu cốm giót”, “màu hoa lý”… của ngọn rau thơm, tờ lá chuối, cuộng hành, hạt cốm, ngó sen, ruộng mạ, lá cây, bờ cỏ, bầu trời, mặt nước… Màu xanh ngập tràn trong Thương nhớ mười hai (72 hình ảnh mang màu xanh, trong đó không hiếm những màu xanh vô thực như “đêm xanh biêng biếc”, “bóng tối xanh biêng biếc”, “mưa xanh”, “khói xanh”, kỷ niệm xanh”, “mùa thu xanh mơ mộng diễm tình”…) tạo thành một môtip chủ đạo, độc đáo, giàu sức gợi.
Kết cấu là hiện thân sự tổ chức các thành phần hình thức để phối thuộc với nội dung tư tưởng tạo nên tính chỉnh thể của công trình nghệ thuật. Thương nhớ mười hai có cách kết cấu chặt chẽ, độc đáo, in đậm phong cách ký trữ tình-nội cảm và bản sắc tùy bút Vũ Bằng. Đọc Thương nhớ mười hai, có thể thấy Vũ Bằng rất có tài và có ý thức tổ chức tác phẩm theo kiểu mở rộng và liên kết ý tứ bằng lối kết cấu-liên tưởng rất đặc thù của tùy bút qua cách thức xen kẽ, đan cài các sự kiện, con người với tâm trạng, cảm xúc. Tác phẩm là sự hòa phối rất nghệ thuật các kiểu kết cấu lắp dựng, kết cấu tâm trạng, kết cấu trùng điệp, liên tục đồng hiện quá khứ và hiện tại, đưa người đọc nhập sâu vào thế giới tâm tưởng của cái tôi trữ tình về vẻ đẹp trùng trùng của Hà Nội và Bắc Việt xa xăm cả không gian lẫn thời gian.
Kết cấu nghệ thuật là một trong những thành công chủ yếu của Thương nhớ mười hai. Tác phẩm tuy ra đời không phải vì mục đích nghệ thuật nhưng lại là kết tinh tài năng nghệ thuật sáng chói nhất của cuộc đời cầm bút của nhà văn Vũ Bằng bởi “trước khi chảy qua ngòi bút đã chảy qua trái tim của anh như một dòng máu” (cách nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường về thể ký). Có bao giờ chúng ta thử hình dung khoảng trống của văn học Việt Nam nếu không có nhà văn Vũ Bằng và tập ký Thương nhớ mười hai?./.
(*) Đọc Khảo về tiểu thuyết của Vũ Bằng, nhà sách Phạm Văn Tươi xuất bản năm 1955, in lại trong Khảo về tiểu thuyết (Vương Trí Nhàn sưu tầm, biên soạn), NXB Hội nhà văn, TP Hồ Chí Minh, 1996.
(1) Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên), NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh, 2007.
(2), (10) Theo Từ điển văn học (bộ mới) – Đỗ Đức Hiểu chủ biên – NXB Thế giới, Hà Nội, 2000.
(3) Vũ Bằng – Mười chín chân dung nhà văn cùng thời – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
(4) Lời nói đầu Thương nhớ mười hai, NXB Văn học, Hà Nội, 1993.
(5) Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Phan Cự Đệ chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004.
(6), (9) Vương Trí Nhàn, Cánh bướm và đóa hướng dương, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2006.
(7) Triệu Xuân, “Nhà văn Vũ Bằng, người lữ hành đơn côi, Tuyển tập Vũ Bằng (tập I), NXB Văn học, Hà Nội, 2000.
(8) Lê Thị Hải Vân, “Không gian hoài cố trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng”, Kỷ yếu khoa Ngữ văn Đại học Quy Nhơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh, 2007.