Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.059
123.234.397
 
Chuyện Dế Mèn
Phạm Toàn

Đề tài

NGHỆ THUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG

 

KỊCH BẢN CỦA NHÓM

CÁNH BUỒM

 

Tác phẩm thực nghiệm hợp tác với

Trường NGUYỄN VĂN HUYÊN

 

Hà Nội, 2011

 

 

Chuyện Dế Mèn

                                                                       

Lời dặn các bạn diễn viên và đạo diễn

 

Tôi viết kịch bản này theo yêu cầu của nhà giáo Nguyễn Bích Hà, hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Huyên, nhằm thử nghiệm việc đưa kịch vào nhà trường cho thày và trò cùng thực hiện. Tôi nhận lời với giáo sư Bích Hà, vì nhóm đề tài Cánh Buồm đang soạn lại sách giáo khoa, trong đó môn học xưa nay gọi bằng môn Văn được chúng tôi xác định lại là môn Giáo dục nghệ thuật – từ cái mẫu là “văn”, học sinh được học một ngữ pháp nghệ thuật và trong hành trang khi học hết bậc phổ thông cơ sở (theo đề án của Cánh Buồm đó sẽ là 9 năm học liên tục) các em sẽ có đời sống văn hóa-nghệ thuật phong phú am tường và có năng lực thực tiễn  trong hoạt động nghệ thuật.

 

Tại sao tôi chọn Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài làm câu chuyện đầu tiên thử soạn thành kịch bản để dựa vào đó mà dựng vở kịch này?

 

Việt Nam có nhiều tác phẩm hay, đủ sức để ta khai thác phục vụ trẻ em học và hoạt động nghệ thuật trong nhà trường. Thật vậy, nếu đem so sánh chẳng hạn, vài ba hồi ức tuổi thơ, ta có thể thấy tác phẩm của Anatole France quá êm ái thơ mộng, Lev Tolstoi quá mượt mà nhung lụa, Maxim Gorki quá tự tin về thiên tài sớm phát lộ của chính tác giả – còn Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng đúng là một mẫu mực về sự chân thành nghệ thuật. Điều này chúng tôi đã nói trong sách Công nghệ dạy văn (Đại học, 2000, Đông Tây-Lao động 2007).

 

Chúng ta sẽ khai thác các tác phẩm đó như thế nào? Có hai cách khai thác. Trong trường hợp tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, việc khai thác tiến hành như sau.

 

Nếu xem xét kỹ các sách Văn bậc tiểu học trong hệ thống Công nghệ giáo dục, bạn sẽ thấy rõ ý tưởng lấy mẫu học văn xuôi từ Dế mèn phiêu lưu ký và từ Nhà nghèo (đều của Tô Hoài). Dùng những đoạn văn trích đó của Tô Hoài, ta sẽ dễ dàng tổ chức cho học sinh làm lại các thao tác làm ra tác phẩm nghệ thuật đã từng diễn ra với nhà văn và đó là cách giáo dục nghệ thuật không thông qua giảng giải và bắt trẻ em “nhại lại” lời giảng của giáo viên, mà thông qua việc thể hiện lại hành trình tâm lý và tình cảm của người đi trước (nhà văn, nghệ sĩ). Đó là cách khai thác thứ nhất.

 

Còn có cách thứ hai là tổ chức cho học sinh chuyển thể tác phẩm thành kịch, thành tranh truyện, thành triển lãm tranh hoặc ảnh do chính các em thể hiện, cả việc chuyển thành phim do chính các em quay…  Cô giáo Nguyễn Thị Lê của trường thực nghiệm Công nghệ Giáo dục đã có thành công trong việc chuyển Thằng Bờm và truyện vui Mua vịt thành kịch. Kịch Dế Mèn phiêu lưu ký này cũng là một cái mẫu nữa, hoàn thiện hơn một bước, mang tính thử nghiệm.

 

Kịch bản dựa trên tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký này được viết ra với mấy đặc điểm sau, mong các diễn viên và đạo diễn lưu ý.

 

1./ Kịch bản này tạo cơ hội huy động càng nhiều học sinh tham gia càng tốt. Sự tham gia hoạt động nghệ thuật để tự giáo dục nghệ thuật mới là mục đích của hoạt động này. Nếu không có yếu tố giáo dục đó, nhà trường có thể bỏ tiền thuê đoàn kịch nào đó tới diễn, hoặc mua đĩa CD chiếu cho học sinh duỗi chân ngồi xem.

 

2./ Trong quá trình tham gia, học sinh sẽ phải học điều thứ nhất của hoạt động sân khấu là sự diễn xuất. Kịch bản sẽ không lặp lại nguyên si câu chuyện Dế Mèn theo kiểu “diễn nôm” từ văn bản viết để đọc sang văn bản trên sân khấu để nhìn. Vở diễn này sẽ là những trích đoạn gọn gàng để học sinh thi nhau thay đổi cách diễn xuất.

 

3./ Kịch bản này sẽ soạn ra theo hướng tạo điều kiện để học sinh học cách diễn xuất theo lối “gián cách” – một phương thức trình diễn kịch kiểu Bertolt Brecht hoặc kiểu chèo Việt Nam – cũng là cách thức cho diễn viên và đạo diễn tạo ra nhiều cách thể hiện khác nhau, và đó cũng là một nội dung giáo dục nghệ thuật như nhóm Cánh Buồm chủ trương.

 

Vở này được soạn thành nhiều cảnh tách nhau ra nhưng khi nối lại thì cũng vẫn tạo thành câu chuyện, soạn tách ra sẽ tạo thuận tiện cho việc chia các nhóm tập dượt trước khi khớp chung cả vở. Đặc biệt là kịch bản này còn dành phần hướng dẫn các nhà giáo cùng học sinh tạo ra kịch bản của riêng mình, dùng ngay vào kịch Dế Mèn này và còn dùng cho cả việc tạo ra những kịch bản khác nữa.

 

Xin trân trọng giới thiệu.

                                                                       

CÁNH BUỒM

 

 

CẢNH 1 – GIÁO ĐẦU

 

Các diễn viên và đạo diễn và cả người quay phim của “hãng truyền hình” trong vở này đều mặc đồng phục dế mèn: áo sơ mi trắng có khoanh vằn nâu – dế con trai thì mặc quần soóc xanh đậm, dế con gái mặc váy ngắn cũng xanh nước biển; quần áo giống nhau và cái mũ chụp lên đầu cùng với hai cái râu dài cũng phải giống nhau, nếu không rất dễ lạc loài đó!

 

Dế quay phim – (di chuyển máy quay trên chạc ba chân) Ê… xê ra … xê ra cho người ta di chuyển máy quay … Ê … cái nhà cậu này …

Dế đạo diễn Ơ, cái nhà cậu này hay nhỉ? Dám đuổi cả đạo diễn à?

Dế quay phim – Hè hè hè … Cậu làm đạo diễn hôm nay à? Sao cậu lại mặc đồng phục Dế Mèn?

Dế đạo diễn – Thế cậu định đuổi mình sang loài nào? Không cho mình làm dế mèn nữa à?

Dế quay phim – Đâu có đâu có! Mình chỉ thấy lạ, sao cậu là đạo diễn mà lại mặc đồng phục như mọi người?

Dế đạo diễn – Cậu biết vì sao không? Vì mình là Dế. Mà đạo diễn Dế cũng có những lúc phải đóng vai, phải diễn xuất làm mẫu cho diễn viên Dế. Khi đó mình mặc quần áo sẵn sàng rồi, đỡ phải thay đồ…

Dế quay phim – Hiểu rồi! Bây giờ thì cậu lui ra cho mình di chuyển máy.

Dế đạo diễn – Kri … kri … kri … Bây giờ cậu biết mình là Dế đạo diễn rồi, xin cậu vui lòng nghe theo lệnh của mình…  Di chuyển máy ra góc sân khấu.

Dế quay phim – Rõ! (lui máy vào một góc sân khấu).

Dế đạo diễn – Kri … kri … kri … Xoay ống kính về phía khán giả…

Dế quay phim – Rõ! (xoay ống kính máy xuống khán giả).

Dế đạo diễn – Kri … kri … kri … Xin các khán giả một hồi vỗ tay chào đoàn kịch lớp NNN trường Nguyễn Văn Huyên chúng tôi…

Dế quay phim – (tay vẫy chào khán giả). To hơn nữa! Vui hơn nữa! Vang xa hơn nữa!

Dế đạo diễn – Kri … kri … kri … (vỗ tay ra hiệu chú ý …)  Bắt đầu chương trình tổng duyệt … Cảnh thứ nhất: màn Giáo đầu. 

(Các Dế đang đứng lộn xộn đều lui vào phía sau sân khấu. Một Dế tiến lên cầm tấm biển : MÀN GIÁO ĐẦU. Cúi đầu chào rồi nhẹ nhàng lui về phía sau.)

 

Dế giáo đầu – Kri … kri… kri … (cúi đầu chào) Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?

Khán giả – (tiếng vọng to từ trong ra) Biết rồi … biết rồi … họ nhà Dế…  họ nhà Dế … họ nhà Dế …

Dế giáo đầuVâng … Họ nhà Dế mèn chúng tôi sinh ra đã sống độc lập … Chúng tôi sống độc lập từ bé …

Khán giả – Sống độc lập từ bé… (một tiếng hỏi to) … Dế Mèn ra đời năm nào?

Dế giáo đầu – Loài Dế thì có từ lâu, tự thuở khai thiên lập địa đã có dế mèn… Riêng anh Dế Mèn trong chuyện kể đêm nay thì mới ra đời năm 1941, do cụ Tân Dân đỡ đẻ cho … Và người mang nặng đẻ đau sinh ra anh là cụ Dế Tô Hoài … Cụ Tô Hoài có mặt đêm nay với chúng cháu không đó nhỉ?

(Tự động ứng phó khi có mặt nhà văn Tô Hoài, hoặc không có mặt, hoặc khi cụ Tô Hoài ốm, và nhiều tình huống khác… Nhưng nói chung dù có dù không có mặt nhà văn Tô Hoài, em Dế Giáo đầu sẽ tiếp tục như sau)

Nhà văn cao tuổi Tô Hoài là bạn của Dế, bạn của tất cả trẻ em và người lớn nữa…  Gọi nhà văn là Cụ Tô Hoài cũng được, nhưng gọi bằng Anh Dế Mèn Tô Hoài là đúng nhất! Anh Dế Mèn Tô Hoài đã đi chu du khắp nơi … Trong nước thì đâu đâu anh cũng có mặt … Ngoài nước thì anh đã đi khắp nơi, anh biết nhiều thứ tiếng, khi thì anh nói tiếng Nga, khi dùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Bungari… Rồi cả tiếng Đan Mạch, Thụy Điển…

Dế đạo diễn – Này, cậu nói hộ Dế Mèn hơi bị nhiều đó …

Dế giáo đầu – Dế giáo đầu tôi vừa bị đạo diễn nhắc nhở … Dạ đến đây, xin giới thiệu đêm kịch bắt đầu, và đây là vai chính đêm nay: Dế Mèn

(Vai chính bước ra, cọ cọ hai cánh tay vào sườn, phát ra “tiếng gáy” của loài dế …)

Dế Mèn vai chính – (Cọ cánh và gáy) Kri… Kri… Kri… Kroo…oong …  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc

Dế giáo đầu – (bắt chước giọng Dế đạo diễn lúc nãy) Này, cậu Dế Mèn, cậu gáy  hơi bị nhiều đó …

Dế Mèn vai chính – (tỏ ý rút lui vào trong)  Ờ, kịch bản viết thế thì tớ diễn thế… Mà đã là Dế thì phải gáy chứ? Không cho gáy, tớ đi vào vậy…

Dế giáo đầu – Là tớ khen cậu gáy hay! Cho tớ gáy cùng với nào… (Cả hai Dế cùng cọ cánh và gáy song ca) Kri… Kri… Kri… Kroo…oong …  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc(ngừng một lát,  nhìn nhau thở ra vẻ mệt lắm, gáy cũng mệt, sau rồi lại gáy song ca) Kri… Kri… Kri… Kroo…oong…  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc

                        (Hai Dế cúi đầu định chào rồi vào)

Dế quay phim – (giữ Dế mèn vai chính lại, một tay chào khán giả). Hượm nào … hượm đã nào! Tớ cần cậu gáy lại vài ba lần, gáy cùng với bà con khán giả ngồi đầy dưới kia… Gáy đi, gáy sao cho … to hơn nữa … vui hơn nữa … vang xa hơn nữa! (Dế mèn vai chính làm bộ điệu cọ cánh để gáy, các khán giả cùng gáy theo) 

Kri… Kri… Kri… Kroo…oong…  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc

Lần nữa!

Kri… Kri… Kri… Kroo…oong…  Kroo…oong … Kroo…oong … KrốckrốcLần nữa!

Kri… Kri… Kri… Kroo…oong…  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc

 

MÀN HẠ

 

CẢNH 2 – NỖI BUỒN ĐẦU ĐỜI

 

(Màn mở thì đã thấy Dế Mèn vai chính (từ đây gọi tắt là Dế Mèn) cùng Dế Choắt. Mới đầu hai Dế chụm đầu nhau có vẻ như đang thủ thỉ trò chuyện. Khán giả không nghe thấy tiếng hai Dế nói gì, nhưng nhìn cử chỉ thì thấy rõ là hai cậu thân tình… Sau rồi Dế Mèn bắt đầu sinh sự thò tay cù nách để trêu chọc Dế Choắt… )

 

Dế Choắt – Í … í … í … anh đừng cù em… Em có máu buồn …

Dế Mèn – Anh hùng sống trong trời đất mà lại có máu buồn, mà lại sợ bị cù! Chú mày vớ vỉn thật! Nam nhi chí khí không được có máu buồn! Chỉ có máu chinh chiến! Chỉ có máu phiêu du thiên hạ…

Dế Choắt – Anh đừng cù em… Em bận lắm, phải sửa cái hang …

Dế Mèn   Anh mày đây có cần hang hốc to rộng ngóc ngách nào đâu mà vẫn sống đàng hoàng …

Dế Choắt – Anh khác em khác … Em phận hèn, ai bắt nạt cũng được, nên em phải sửa cái hang …

Dế Mèn   Anh bầy cho chú mày một cái mẹo này nhé… Không phải đào hang mà vẫn có hang ở …  Mà lại cực kỳ an toàn…

Dế Choắt – Anh cứ dạy, em xin lĩnh ý ạ. Một lời của anh là một cục vàng cho em ạ. Xin anh cứ dạy.

Dế Mèn   Anh bảo chú mày này: sang xin ở nhờ nhà chị Cốc.

Dế Choắt – Anh vẫn cứ trêu em! Sang nhà chị Cốc ấy à? Chỉ đi qua ngõ chị ấy đã nguy hiểm cho tính mạng rồi. Chị ấy chắc là cũng thích ăn thịt họ nhà Dế chúng ta. Họ Dế chúng ta anh nào cũng đùi to – bọn học trò vẫn gọi đùi dế mà! – chạy nhanh, hát to, giọng khỏe …

Dế Mèn   Ha ha ha … Chú mày đang làm văn miêu tả loài dế nào vậy? Có phải đó là tự miêu tả chú mày không?

Dế Choắt – Dạ thưa không, anh vẫn chưa hiểu em: là em nói đùi Dế to bụng Dế thon giọng Dế khỏe, là em nói những anh Dế cỡ như Anh, chứ em chỉ là chú Dế Choắt… anh còn lạ gì …

Dế Mèn   Ha ha ha … Chú mày xem anh lên gân tay này …  Xem bắp chân của anh này … Xem bụng anh thót lại này …  Chú mày nói đúng: chú mày là thứ Dế Choắt lạc loài tới khu đầm nước này…

Dế Choắt – Dạ thưa anh, hay là … em có ý kiến thế này…

Dế Mèn – Ý gì nói ngay, ý hay ta nghe theo liền.

Dế Choắt – Hay là anh sang ở nhà chị Cốc, anh để lại cái hang của anh cho thằng em gầy gò yếu đuối này của ông anh …

Dế Mèn   Ha ha ha … Chú mày có những ý nghĩ hay thật đó! Chú mày tưởng ta sợ chị Cốc à? Nhưng chị ấy hôi lắm. Ta không thể ở chung với người không tắm táp, hôi hám như cái con mụ Cốc ấy!

Dế Choắt – Dạ thưa anh, em thấy chị Cốc vẫn tắm bên bờ đầm nước ạ.

Dế Mèn   Đâu có … Chú mày nhầm. Đó là chị ta rình cá tôm đó thôi. Con mẹ đó không khi nào tăm táp cả…

Dế Choắt – Dạ thưa anh, thế anh có hay tắm không ạ?

Dế Mèn   Ta ấy à? Tắm ấy à? Chú mày qua hang nhà ta thì sẽ thấy ta có cả một buồng toa-lét cực kỳ đẹp! Nước tắm, xà phòng, nước hoa … ta có đủ! Ta chỉ không có dao cạo râu thôi! Dế mà mất râu thì còn đâu là Dế?

Dế Choắt – Dạ thưa anh, thế hôm nay anh tắm chưa ạ?

Dế Mèn   Hôm nay ấy à? Hôm nay tắm chưa ấy à? Chú mày hỏi những câu tò mò quá thể! Ngày nào ta cũng tự tắm mười lần! Có điều là hôm nay buồng toa-lét cực kỳ đẹp của ta đang phải chữa lại đôi chỗ. Hôm nay ta lại hết xà phòng, hết nước hoa … thành ra … ta chưa tắm! Mí lại, ta cũng bận…

Dế Choắt – Dạ thưa anh, anh bận những việc gì ạ?

Dế Mèn   Bận việc gì ấy à? Bận lang thang ra đây gáy chơi mấy tiếng, rồi bận trêu chọc chú Dế Choắt này … Chừa hỏi khó chưa này? …  Chừa hỏi nhăng hỏi cuội chưa này? … Chừa hỏi những câu hỏi quá dễ nhưng lại khó trả lời chưa này? Chừa chưa này …

Dế Choắt – Í … í … í … anh tha cho em… Em chịu thua anh rồi … Chị Cốc ơi, cứu em với … anh Dế Mèn anh ấy trêu em này … Anh ấy bắt nạt em này … Chị Cốc 

Dế Mèn   (lấy tay bịt miệng Dế Choắt) Đây là việc nội bộ giữa ta và chú, sao lại gọi chị Cốc đển làm gì? Chị ấy mà đến thì …

Dế Choắt – Thì anh sẽ nói với chị ấy xin cho em được ở hang của anh, còn anh đến ở chung với chị ấy …

Dế Mèn   Đừng nói nữa … mà tao … tao không muốn nghe đến cái tên con mẹ Cốc ấy …

Dế Choắt – Anh cũng sợ chị ấy chứ gì?…

Dế Mèn   Đừng nói nữa … Mà tao có sợ chị Cốc, thì đó là cái sợ của tao, việc gì đến mày? Thôi, chỉ biết là tao không muốn nghe đến cái tên con mẹ Cốc ấy nữa …  Hình như nó đang đi tới thì phải …

Dế Choắt – Anh à, em với anh nấp kín đi… Tránh voi … à quên tránh chị Cốc chẳng xấu mặt nào…

Dế Mèn   Đừng nói đến tên Cốc nữa … Con mụ ấy thính tai lắm đó …

 

(Cốc đi ngang. Cốc ăn mặc theo lối rất ngang tàng: áo đen, quần đùi đen, người đã cao lênh khênh lại còn thêm cặp cà kheo nên trông càng cao lớn dễ sợ…)

 

Chị Cốc – Chà chà … Đầm nước mênh mông … Quê ta ới a … tôm cá ngon lành

  (hứng chí ngâm nga như là đọc thơ hoặc hát vậy, nhưng do chỗ đầu óc chị Cốc chỉ là loại đầu óc Cốc, nên hát và thơ chẳng bài nào ra bài nào)

Trong đầm thì cái chi chi đẹp bằng cái chi chi… Lá chi chi thì màu chi chi lại chen cái nhụy màu chi chi… 

(dừng lại rỉa lông cánh, mấy lần vồ hụt cá, cuối cùng được một con, ăn xong thì lại càng thêm hào hứng hát oang oang   …)  

Tình yêu … Tình yêu … Tiếng sóng biển … Tiếng sóng biển … Tiếng sóng biển vang vang trên đầm nước … Tình yêu … Tình yêu …

(Cốc dừng lại rỉa lông cánh. Trong lúc đó Dế Mèn và Dế Choắt trò chuyện tìm cách trêu chị Cốc)

Dế Mèn – (bắt chước chị Cốc)  “Tiếng sóng biển .. “ …  “Tình yêu tình yêu cốc cốc cốc cò cò cốc cốc” …    

Dế Choắt   Em xin anh, đừng liều nữa, anh hát hơi bị to quá đấy …

Dế Mèn   Ta còn biết sợ ai ngoài ta? Còn ai đáng sợ hơn bản thân ta, Dế Mèn này?  (lại bắt chước chị Cốc)   “Tiếng sóng biển .. “ …  “Tình yêu tình yêu cốc cốc cốc cò cò cốc cốc” …    Chú mày hát đi, hát theo anh … Không hát theo thì anh cù cho đấy … Này này này … có muốn ăn cù không?

Dế Choắt   (cố bắt chước nhưng giọng run rẩy)  “Tiếng sóng biển... “ …  “Tình yêu tình yêu cốc cốc cốc cò cò cốc cốc” …    Thôi, em hát bấy nhiêu thôi, anh tha cho em … Anh hát nốt …

Dế Mèn   Hát theo anh, đây là bài anh sáng tác …

Dế Choắt – Dạ một mình anh hát thôi … Em không dám mở miệng hát to …

(Cốc đang rỉa lông cánh bỗng ngừng lại lắng nghe. )

Chị Cốc – Chà chà … Đầm nước mênh mông … Hình như có tiếng ai đang hát thi với ta …? (Tiếng vang từ giọng hát của hai chàng Dế Mèn và Dế Choắt  “Tiếng sóng biển …  Tiếng sóng biển” …  “Tình yêu tình yêu … cốc cốc cốc cò cò cốc cốc” …)  Gì vậy nhỉ? Ngoài tình yêu của Cốc này ra, làm gì có tình yêu cò cò nào  khác giữa chốn đàm nước mênh mông này nhỉ? 

(Lắng nghe một hồi. Hai Dế im lặng. Thời khắc trôi qua, cả cánh đồng nước không có tiếng động. Trên sân khấu lặng phắc chờ đợi giông tố sắp nổ ra… Chị Cốc lại rỉa lông cánh … Trong lúc đó Dế Mèn và Dế Choắt vẫn tiếp tục tìm cách trêu chị Cốc.

Trong im lặng, có tiếng một ai đó hắt xì hơi rõ to.)

Dế Mèn   Hát theo anh, đây là bài anh sáng tác … “Cái cò cái vạc cái nông … Ba con cùng béo, vặt lông con nào …? 

Dế Choắt – Dạ một mình anh hát thôi  … Anh tha cho em …

Dế Mèn   Hát! Hát ngay! Không hát theo anh, anh gọi con mẹ Cốc lại nó xơi cho em một phát là hết một đời dế…

Dế Choắt – Anh tha cho em … Ấy anh đừng cù … Em hát đây … “Cái cò cái vạc cái nông … Ba con cùng béo, vặt lông con nào …? 

Dế Mèn   Có thế chứ! Ta đây nào phải hạng Dế loàng xoàng? Bảo hát là phải hát! Bắt vui là phải vui nghe chưa?

Dế Choắt – Dạ, nghe rồi …

Dế Mèn   Có thế chứ! Bây giờ hát nữa … Bài anh sáng tác còn thêm đoạn nữa, hay ơi là hay: … “Cái cò cái vạc cái nông … Ba con cùng béo, vặt lông con nào …? … Vặt lông cái con mẹ Cốc cho tao… Đem về nấu nướng xáo xào …” Hát đi. Hát theo anh đi…

Dế Choắt – Dạ, anh để em thở một cái đã … Em bị hen xuyễn từ bé … “Cái cò cái vạc cái nông … Ba con cùng béo, vặt lông con nào …? … Vặt lông cái con mẹ Cốc cho tao… Đem về nấu nướng xáo xào …”

Dế Mèn   Hay lắm, hen suyễn thì càng phải học hát, lấy tiếng hát át bệnh tật… Nào hai anh em ta cùng song ca …  “Cái cò cái vạc cái nông … Ba con cùng béo, vặt lông con nào …? … Vặt lông cái con mẹ Cốc cho tao… Đem về nấu nướng xáo xào …”

                        (Đúng lúc đó chị Cốc quay lại … )

Chị Cốc – Đứa nào vừa hát trêu tao? (Dế Mèn và Dế Choắt nhìn nhau không nói.) Kìa, tao hỏi: đứa nào vừa hát trêu tao? … Là thằng béo kia, hay cái thằng gầy này? Đứa nào? Nói ngay, (lấy cà kheo chỉ vào đầu từng chàng Dế) Nhìn đây, cái này là cái mỏ của ta, nhìn rõ chứ? Cái mỏ này chỉ khẽ giúi một cái thôi, là đi đời nhà ma…

Dế Mèn – (ưỡn ngực hát) “Tiếng sóng biển …  Tiếng sóng biển” …  “Tình yêu tình yêu … cốc cốc cốc cò cò cốc cốc” …

Chị Cốc – Thằng béo này hát hay đấy. Còn thằng gầy kia? Hát!

Dế Choắt – (run run giọng hát) “Tiếng sóng biển …  Tiếng sóng biển” …  “Tình yêu tình yêu … cốc cốc cốc cò cò cốc cốc” …

Chị Cốc – Thằng gầy này hát cũng hay đấy … Này, hai đứa, ta hỏi: tại sao trong bài hát tình yêu sóng biển lại có cốc cốc cò cò? Nói ngay!

Dế Choắt – (cuống quýt không biết nói sao, bỗng lại run run giọng hát) “Tiếng sóng biển …  Tiếng sóng biển” …  “Tình yêu tình yêu … cốc cốc cốc cò cò cốc cốc” …

Chị Cốc – Thằng gầy này liều thật đấy! Đã bị ta hỏi tội mà vẫn còn cố tình trêu tức ta! … Hè hè hè … Thằng Béo kia chuồn đi đâu rồi? Nói! Thằng gầy, nói ngay. Thằng Béo chạy đâu rồi?

Dế Choắt – (không biết là Dế Mèn đã lẩn đi đâu mất. Cuống quýt không biết nói sao, chỉ biết tiếp tục run run giọng hát) “Tiếng sóng biển …  Tiếng sóng biển” …  “Tình yêu tình yêu … cốc cốc cốc cò cò cốc cốc” …

Chị Cốc – Thằng gầy này láo thật! … Thì chị thưởng cho tiếng sóng biển này! (chị Cốc dùng “mỏ” là cái cà kheo gõ khẽ vào đầu Dế Choắt). Thì chị thưởng cho tình yêu này! (chị Cốc dùng “mỏ” là cái cà kheo gõ khẽ lần nữa vào đầu Dế Choắt).  Thì thưởng cho tình yêu sóng biển cò cò cốc cốc này!  Sóng biển này./.. Tình yêu này … Cò cò cốc cốc này ... (Chị Cốc thưởng ba nhát, Dế Choắt lăn kềnh ra. Chị Cốc bỏ đi).

(Sân khấu im lặng trong dây lát. Dế đạo diễn bước ra. Dế đạo diễn cúi nhìm Dế Choắt. Xác định tình trạng của Dế Choắt. Ngẩng lên vẫy gọi “Nhà Đài”).

Dế đạo diễn – Quay phim! Quay phim! (chỉ Dế Choắt đang ngắc ngoải) Quay cận cảnh… Đặc tả … (Máy quay tuân lệnh) Quay cái chân giãy giãy … (Máy quay tuân lệnh)  Quay cái đầu ngật ra phía sau … (Máy quay tuân lệnh)  Quay tiếng thở hắt ra …

Dế quay phim – Quay cận cảnh đặc tả cái chân giãy giãy thì được …  Quay cái đầu ngật ra phía sau thì được …  Quay làm sao được tiếng thở hắt ra kia chứ? Ông đạo diễn này chắc không phải là họ nhà Dế!

Dế đạo diễn – Quay phim làm đi, không được cãi… Tôi không họ nhà Dế thì tôi là ai ở đây? Quay được hết. Quay tiếng thở hắt ra đi! … Ôi, thế là anh Dế gầy gò bé nhỏ đã chết rồi… ! … (ngừng một lát) Quay phim chú ý: lùi xa ra, quay toàn cảnh, quay cảnh Dế Mèn trở lại tìm xác bạn…

(Máy quay chĩa xuống chỗ Dế Choắt nằm, sau đó lia về chỗ Dế Mèn, theo dõi từng bước đi của Dế Mèn).

Dế Mèn – Anh Choắt ôi! Nào ai ngờ! (nức nở). Tôi chỉ nghịch ngợm tí chơi, ai ngờ gây thảm họa thế này! … Anh Choắt ơi! Anh chết rồi, nay chỉ còn là Dế… trần trụi Dế, chẳng còn Choắt hay Béo hay Gầy … ta chỉ còn là Dế và là phận Dế đã chết… Anh Dế ơi, anh tha cho tôi sự nghịch dại… Anh từ đất sinh ra, nay xin gửi anh về lại với đất… Xin anh nhận lấy dăm ba ngọn cỏ xanh này làm ngôi nhà mới…

MÀN HẠ

 

CẢNH 3 – AI LÀ AI?

Lời dặn các nghệ sĩ:

1./ Trong hoạt động nghệ thuật – ở đây đang nói về hoạt động kịch – có nhiều thành phần cùng tham gia và thể hiện đặc điểm riêng vào vở diễn chung: trước hết là bộ phận kịch bản , tiếp đó đến đạo diêndiễn viên, sau đó còn những bộ phận tưởng như phụ nhưng rất quan trọng, đó là  trang phục, ánh sáng, tiếng động … Những thành phần kể trên đều quan trọng, song cần nhận thấy điều này: nếu không bắt đầu từ kịch bản thì chẳng thể nào có kịch để diễn. Ngay khi diễn “kịch cương” thì trong đầu người diễn cũng ngầm chung nhau một kịch bản.

2./ Vì thế, sau khi đã diễn hai cảnh 1 và 2 theo kịch bản viết sẵn, các em học sinh cần tập làm ra kịch bản của mình. Khi làm kịch bản, các em chú ý vào từng bước công việc như sau:

-         Chọn ra một ý tưởng để diễn đạt. Thí dụ, trong kịch bản cho sẵn ở đây, ý tưởng của cảnh 1 là dựng không khí Brecht-chèo Việt Nam để tạo ra sự giao hòa giữa khán giả và người chơi kịch. Trong cảnh 2 trên đây, ý tưởng của kịch bản là xây dựng Dế Mèn thành một “con người” và làm cho “câu chuyện về loài vật” đó không phải là một bài thuộc môn Sinh học mà là một bài về Nhân học.

-         Tiếp theo là xây dựng nhân vật và tạo ra tình huống có xung đột để nhân vật gặp gỡ nhau, bộc lộ tính cách của mình. Trong cảnh 2 vừa rồi, tình huống gây xung đột chính là mối quan hệ Dế Mèn – Dế Choắt – Chị Cốc, trong đó có những xung đột phụ giữa Dế Mèn với Dế Choắt, và xung đột nữa giữa Dế Mèn và Dế Choắt với Chị Cốc.

-         Trong xung đột đó, xung đột trong lòng nhân vật chính phải được tập trung chú ý. Ở cảnh 2 vừa nói, nhân vật chính là Dế Mèn, và xung đột trong lòng Dế Mèn thể hiện ở tính khoác lác (sợ chị Cốc nhưng lại bắt nạt kẻ yếu) và cuối cùng thể hiện ở sự ăn năn hối lỗi.

3./ Bây giờ đến lúc các em học sinh tự mình làm ra kịch bản và tự tổ chức diễn kịch với nhau. Chúng tôi gợi ý (nói theo giọng nhà trường là “ra đề”) cho các bạn như sau:

-      Chon thể hiện ý tưởng nào? Trong lời nói đầu truyện Dế Mèn phiêu lưu ký có viết “Đi một ngày đàng học một sàng khôn... Trái đất như quyển sách hay, ai chịu khó xem xét và suy nghĩ đều học được những điều bổ ích”. Trong cuộc phiêu lưu tiếp tục của Dế Mèn các bạn sẽ chọn thể hiện ý tưởng nào?  Các em hãy thảo luận với nhau để tìm ra ý tưởng đó.

-      Chọn tình huống xung đột nào và nhân vật nào? Dĩ nhiên, nhân vật chính vẫn là Dế Mèn, nhưng nhân vật phụ sẽ là ai? (Chú ý, mỗi đoạn phải có 3 nhân vật thì mới dễ dàng trong thể hiện).

Nào, bây giờ các bạn hãy cùng nhau soạn kịch bản, và hãy nhờ giáo viên giúp, để thể hiện một số cảnh như gợi ý dưới đây:

-     Cảnh Dế Mèn về thăm quê để rủ bạn cùng đi phiêu lưu thăm thú thế giới. Xung đột giữa ý thích mở mang đầu óc với sự sợ sệt cái mới lạ. Ba nhân vật: mẹ Dế Mèn trước các nhân vật Dế Mèn và Dế Anh (người anh yếu đuối).

-     Cảnh Dế Mèn về thăm quê để rủ bạn cùng đi phiêu lưu thăm thú thế giới. Xung đột giữa đầu óc cởi mở của Dế Mèn với đầu óc thủ cựu của ông Anh muốn Dế Mèn phải thăm hỏi mình trước. Ba nhân vật: mẹ Dế Mèn trước các nhân vật Dế Mèn và Dế Anh (người anh thủ cựu).

-     Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn và Dế Trũi, sự hy sinh của Dế Trũi khi định “cứu đói” bằng cách mời Dế Mèn ăn thịt cẳng tay của mình, mở đầu cho  một tình huống xung đột đẩy Dế Trũi xông ra cứu bạn và đã chết vì bạn.

… và những tình huống khác các bạn cùng nhau nghĩ ra.

Hãy bắt đầu!

 

CHÚ THÍCH QUAN TRỌNG

 

Trong trường hợp các bạn chưa xong kịch bản, các bạn có thể tạm dùng kịch bản ba đoạn ba cảnh này:

1./ Màn giáo đầu;

2./ Nỗi buồn đầu đời;

3./ Cám ơn cụ Tô Hoài.

Ba cảnh đó tự chúng cũng thành một vở diễn dùng trọn vẹn trong một đêm kịch nhà trường.

Hãy tiếp tục!

 

CẢNH KẾT THÚC – CÁM ƠN CỤ TÔ HOÀI

Lời dặn đạo diễn và diễn viên.

Hãy giả định là khi diễn vở này, mong rằng nhà văn Tô Hoài bằng xương bằng thịt sẽ đến dự được với chúng ta. Ôi, như vậy thì còn niềm hạnh phúc nào bằng! Nhưng ngộ nhỡ, vì lý do nào đó mà nhà văn Tô Hoài không đến được thì sao?

Khi đó, chúng ta hãy tự đóng vai nhà văn Tô Hoài, và mọi diễn biến trong cảnh sẽ diễn ra gần gần như trong kịch bản sẽ có dưới đây.

Mà này, ngay cả khi nhà văn Tô Hoài có mặt trong buổi diễn, chúng ta cũng đóng vai cụ Tô Hoài (trong kịch) để cụ Tô Hoài thật ngồi xem học sinh đóng cụ Tô Hoài giả, cũng được chứ sao?

Hãy để hình ảnh Tô Hoài do các “Em-cụ” diễn xuất có giống như “Cụ-cụ” nghĩ về mình không, sao chúng ta lại không làm như vậy cho vui và thêm ý nghĩa nhỉ?

Nào, chúng ta cùng hoạt động theo hướng vừa nêu ra.

 

Vở diễn bắt đầu …

 

Dế đạo diễn – Chú ý, máy quay… sẵn sàng!

Dế quay phim  (đưa máy vào bên trong sân khấu rồi lùi lại một góc, chuẩn bị) Báo cáo, máy quay sẵn sàng.

Dế đạo diễn – Tô Hoài …  sẵn sàng! …

Tiếng nói bên trong hậu đài – Gượm đã … gượm đã … Hai cụ Tô Hoài đang tranh nhau, đang sắp sửa nện nhau đây này!

Dế đạo diễn – Quỷ quái! Tô Hoài đánh nhau với Tô Hoài! Chuyện gì thế?

Tô Hoài 1 – (là một con gái, bước ra mếu máo với đạo diễn)  Tớ được đóng Tô Hoài, nhưng nó giữ tớ lại, nó không cho tớ ra.

Dế đạo diễn – Hôm họp lớp phân công cậu mà! Đứa nào ngăn cậu lại?

Tô Hoài 2 – (là một con trai, bước ra ưỡn ngực với đạo diễn)  Tô Hoài đầu hói chứ đâu có đầy tóc như con kia? Mà đầu tớ thì hói rồi, khác hẳn cái tên Tô Hoài kia đầu nó không hói… Tớ bảo để tớ đóng trước, nhưng nó không chịu…

Dế đạo diễn – Hay ho thật đấy! Chuyện kiểu này chỉ có thể xảy ra với kịch thôi: Tô Hoài cãi nhau với Tô Hoài rồi còn định đánh nhau với Tô Hoài!

Tô Hoài 2   Tớ là cụ Tô Hoài đầu hói. Tớ đóng trước.

Tô Hoài 1   Tớ cũng là cụ Tô Hoài đầu hói. Tớ đóng trước.

Tô Hoài 2   Hè hè hè … Cái con bé ranh này nó định đòi làm cụ Tô Hoài đầu hói, bà con ta có thấy lạ không?

Tô Hoài 1   Cậu là thằng ngốc! Thử sờ lên đầu xem cậu có hói thật không?

Tô Hoài 2   Hè hè hè … (lật cái đầu hói giả ra chìa cho mọi người xem)  Đây, Tô Hoài đầu hói thật sự đây, rõ chưa?

Tô Hoài 1   Cậu càng nói càng tỏ ra là một thằng ngốc chính hiệu! Cái đầu hói đó chỉ là một đạo cụ. Tớ cũng có thể chụp cái đầu hói hóa trang đó lên đầu. Nhưng đó chỉ là cái Tô Hoài bên ngoài. Bây giờ, tớ vẫn để tóc dài và đen nhánh thế này, nhưng nếu tớ đóng vai cụ Tô Hoài mà đúng như cụ Tô Hoài trong tâm hồn con người ấy… thì như thế mới là nghệ thuật, rõ chưa, cái thằng ngốc kia?!

Dế đạo diễn – Để tớ phân xử vụ này. Vì tớ là đạo diễn, đây thuộc phạm vi quyền hạn của tớ. (với Tô Hoài 2). Nào cậu đóng thử vai trước. Cậu bước ra sân khấu và nói điều gì đi…

Tô Hoài 2   (đậy lại đầu hói giả che tóc trên đầu – rút từ túi áo ra một tờ giấy viết sẵn và đọc, dĩ nhiên là giọng đọc của học trò dốt nghệ thuật)  Tôi tên là Tô Hoài, tôi xin có mấy nhời thân ái gửi lời thân chào kính chào mến yêu chào tới các bạn đọc và bạn xem kịch bé nhỏ … E hèm … Thưa quý bạn đọc và thưa quý khán giả … e hèm …

Tô Hoài 1   (xông vào, nói vo với mọi người) Các em yêu quý … Tô Hoài đây … Tô Hoài đây … Hôm nay Tô Hoài gần trăm tuổi rồi, già lão rồi, đau lưng rồi, muốn chán đời lắm rồi các em à … Ngày Tô Hoài còn bé, Tô Hoài cũng chạy nhảy kinh thiên động địa, cũng tinh nghịch như các em bây giờ … Nhưng Tô Hoài cóc được học hành như các em bây giờ …  Nhà Tô Hoài nghèo, Tô Hoài thèm khát cuộc sống học trò như các em, nhưng vì nghèo nên Tô Hoài cóc được sống hạnh phúc như vậy… Tô Hoài đành chơi với Dế và gửi bạn Dế cho các em…

Tô Hoài 2   Tô Hoài không nói tục, không nói “cóc được học…”!

Tô Hoài 1   Tô Hoài có nói tục, nói tục mới vui…

Tô Hoài 2   Sao cậu biết Tô Hoài có nói tục?

Tô Hoài 1   Tớ biết chắc là Tô Hoài có nói tục, nói tục thật sự, biết chắc như vậy…

Tô Hoài 2   Dẫn chứng? … Ê, dẫn chứng?

Tô Hoài 1   Trong truyện Dế Mèn … Tô Hoài giễu những thói xấu của con người … đó là nói tục một cách thanh tao … tục mà không tục … cóc sợ tục … cóc sợ …

Tô Hoài 2   Chính cậu cũng vừa nói tục. Đạo diễn ơi, cấm con này đóng vai Tô Hoài. Vì cụ Tô Hoài không bao giờ nói tục. Nó vừa nói “cóc sợ…” thế là nói tục.

Tô Hoài 1   Ờ ờ ờ … thế tớ vừa văng ra “cóc sợ …” à? Thế thì bình thường, có gì mà lăn tăn?

Tô Hoài 2   Cậu văng tục làm xấu cụ Tô Hoài của chúng ta, vì chắc chắn cụ Tô Hoài không bao giờ nói tục.

Tô Hoài 1   Văng tục cũng là chuyện bình thường của con người, tớ cho là cụ Tô Hoài cũng có khi nói tục!

Tô Hoài 2   Tô Hoài không bao giờ nói tục.

Tô Hoài 1   Tô Hoài có nói tục!

Tô Hoài 2   Không bao giờ nói tục.

Tô Hoài 1   Có nói tục!

Tô Hoài 2   Tô Hoài không bao giờ nói tục. Nói tục là kém văn hóa.

Tô Hoài 1   Tô Hoài có nói tục! Nói tục mà vẫn có văn hóa.

Tô Hoài 2   Tô Hoài không bao giờ kém văn hóa. Cậu xúc phạm Tô Hoài!

Tô Hoài 1   Chính cậu xúc phạm Tô Hoài! Cậu đóng vai Tô Hoài cầm giấy đọc lời phát biểu tức là cậu cho rằng Tô Hoài không có văn hóa. Cậu cho rằng Tô Hoài đọc văn người khác viết hộ!

                        (Hai ông Tô Hoài xắn tay áo định choảng nhau trên sân khấu)

Dế đạo diễn – (đi xuống hàng ghế khán giả, đến trước cô giáo) Em thưa cô …

Cô giáo – Tôi biết cậu có chuyện gì rồi, cậu định nhờ tôi giải quyết hả? Vai trò đạo diễn để đâu?

Dế đạo diễn – Em thưa cô … Vai trò đạo diễn thì em có… nhưng em không đủ trình độ…

Cô giáo – Vậy bây giờ phải giải quyết chuyện gì?

Dế đạo diễn – Nhiều chuyện … Tô Hoài có nói tục không? Cái con bé Tô Hoài kia kìa, nó lại bảo thằng cu Tô Hoài kia cầm giấy đọc lời phát biểu như thế là kém văn hóa. Em mời cô lên sân khấu …

Cô giáo – Ờ thì cô lên… cùng vui với các em …

Dế đạo diễn – Thưa cô, Tô Hoài có nói tục không?

Cô giáo – (hỏi Tô Hoài 1) Theo em, Tô Hoài có nói tục không?  (lại hỏi sang Tô Hoài 2) Theo em, Tô Hoài có nói tục không?

Tô Hoài 1   Dạ thưa cô, Tô Hoài không bao giờ nói tục ạ! Nói tục là kém văn hóa ạ. Là rất kém văn hóa ạ.

Tô Hoài 2   Thưa cô, cụ Tô Hoài chắc là cũng có khi nói tục ạ…

Cô giáo   Hay đáo để! Hai em nói ngược hẳn ý mình là ra làm sao?

Tô Hoài 1   Dạ thưa cô, em đoán ý cô cho rằng Tô Hoài không bao giờ nói tục ạ! Em đoán ý cô cho rằng nói tục là kém văn hóa ạ… Thế cô cho em mấy điểm?

Tô Hoài 2   Thưa cô, nhìn vẻ mặt của cô, em cũng đoàn là cô nghĩ cụ Tô Hoài chắc là cũng có khi nói tục ạ… Thế cô cho em mấy điểm?

Cô giáo   Ha ha ha … Em nào cho cô bộ đồ Dế… cô cũng muốn đóng vai Dế như các em hôm nay … (Cô giáo khoác áo vằn vằn vào người và đeo bộ râu dế lên đầu)… Ta là Dế Tô Hoài đây… Các bạn hoan hô đi… Ta đã đi ngao du khắp thiên hạ, điều ta thích nhất là gì các bạn biết không? … Ta thích nhất là sự ngay thật! Ta thích nhất là lòng tự trọng! Tô Hoài ta đây rất thích bạn nhà thơ Phùng Quán trẻ tuổi của ta, Phùng Quán đã nói thế này:

Yêu ai cứ bảo là yêu …  Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều … Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết … Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

 

Toàn thể các Dế  – Hoan hô cô giáo! Hoan hô Tô Hoài! Hoan hô Phùng Quán! Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Dế đạo diễn – Hoan hô cô giáo dế! Cô giáo cũng là họ nhà dế chúng ta trong cuộc vui hôm nay! Hoan hô Tô Hoài dế!

Dế đạo diễnToàn thể các Dế  – Hoan hô cô giáo dế! Hoan hô Tô Hoài dế!

Toàn thể các Dế  – Hoan hô Tô Hoài dế!

Dế đạo diễn – Đêm kịch hôm nay đã vãn trò… Hoan hô họ hàng hang hốc nhà dế! Đêm vui quá là vui, xin một tràng … à thôi, không cần xin một tràng vỗ tay… Hoan hô chúng ta! Máy quay đâu rồi? Từ nãy có ghi đủ hình không? Hoan hô!!! Tôi ra lệnh: Hạ màn!!!

HẠ MÀN

Phạm Toàn
Số lần đọc: 3791
Ngày đăng: 12.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Marlon Brando: nhân vật bi kịch - Sâm Thương
Oliver Stone, Hành Trình Của Người Trí Thức - Sâm Thương
Trung Đội Hay Nỗi Ám Ảnh Của Người Mỹ - Sâm Thương
Sám Hối: Giấc Mơ Hiện Thực - Sâm Thương
Một Cái Nhìn Về Người Hùng - Sâm Thương
Ingrid Bergman: cơn bão trong vinh quang - Sâm Thương
Marilyn Monroe đuổi bắt ảo ảnh - Sâm Thương
Trần Anh Hùng: tính nữ của tôi rất lớn - Nguyễn Thị Dạ Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 1 - Sâm Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 2 - Sâm Thương