Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.212.080
 
Bài Học Vỡ Lòng
Mây Ngàn Phương

Nhược Lan, bạn tôi, sau hai mươi năm rời khỏi Việt Nam, vừa trở về thăm gia đình và tham dự đám cưới của một đứa cháu ruột. Tuần vừa qua Nhược Lan gọi điện thoại nói với tôi rằng “Tao bị xe tông. Tưởng đâu tao không thể trở lại Hoa Kỳ gặp lại mầy.” Lúc đó, tôi mới biết được rằng Nhược Lan bị tai nạn giao thông, nằm điều trị từ tháng hai đến nay. Cô nàng kể cho tôi nghe tai nạn giao thông thảm khốc tại Việt Nam và sự hỗn loạn của xã hội.

 

Tôi nói với Nhược Lan rằng tôi đâu có lạ gì chuyện đó. Khi về Việt Nam năm 2008, ngồi trong quán ăn với bạn bè, các anh dặn tôi rằng:

“Tối mai Noel nhưng em đừng đi ra ngoài đường”.

Tôi hỏi:

“Tại sao?”

“Vì đêm nay có một trận đá banh giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Châu Á. Việt Nam thắng thì cũng có người chết và thua thì cũng có người chết.

“Tôi hỏi tiếp:

“Sao kỳ vậy?”

Các anh thay phiên nhau trả lời:

“Đó là cách sống ở Việt Nam đó em?”

Một người khác lên tiếng:

“Em đi quá lâu rồi nên em không biết rằng thế hệ trẻ bây giờ khác thế hệ mình. Họ thích ăn chơi, xài sang, xế hộp, cá độ bóng đá, xì ke, ma túy, cờ bạc, game, gái…nỗi điên lên là chém...chặt...”

Tôi lắc đầu nói:

“Tiền đâu mà ăn chơi?”

“Thiếu gì cách kiếm tiền. Em đọc báo thì sẽ thấy rằng Việt cộng sài sang hơn Việt Kiều. Ai nghèo thì cứ nghèo. Ai giàu thì cứ giàu. Vậy đó.”

 

Tôi thở ra:

“Thôi, vậy là em phải hủy bỏ buổi đi uống cà phê ở quán Gió và Nước.”

Thật vậy, đêm Noel bạn bè tôi báo bận. Có người nói họ không thể chạy môtô lên Bình Dương đi uống cà phê với chị em tôi vì đường kẹt xe kinh khủng lắm. Người ta chạy đầy đường đông như kiến. Bác sĩ Hùng thì nói rằng “Trời ơi! Em không biết chớ tối nay Noel nhưng anh còn phải xuống phòng cấp cứu. Những ngày Giáng Sinh, lễ lớn, Tết là xác chết và bị thương chở vô nhà thương la liệt. Khỏi ngủ luôn. Kiếp sau anh không thèm làm nghề bác sĩ nữa đâu. Sợ lắm rồi. Xin lỗi em và chị ba.” Còn anh Năm thì gọi điện thoại di động báo với tôi đêm nay anh phải trực để có chuyện đánh lộn, mất trật tự anh phải giải quyết. Anh không thể đi đâu được.

 

Đêm Noel, Việt Nam trời mưa lâm râm từ chiều. Tôi nằm nhà với chị Ba tôi và nghe băng nhạc. Mặc dù, tôi không nhìn ra ngoài nhưng nghe tiếng xe chạy rầm rập nối đuôi nhau rung chuyển cả mặt đất. Ngoài đường từ Phú Lợi kéo dài đến Ngã Sáu là một rừng người chảy đi như một dòng sông. Dòng sông người và xe.

 

Ngày hôm sau, tôi đi ngang chùa Bà Thiên Hậu và thấy trường Tiểu Học Nam Châu Thành và Nữ Châu Thành đã có nhiều thay đổi. Cả khu vực trường Tư Thục, nhà cửa và nhà sách Khai Trí đã biến mất. Những ký ức xa mờ như còn quanh quẩn trong tâm trí tôi. Ngôi trường tôi bắt đầu bài học vỡ lòng bằng những chữ i, t…và những bài học đầu tiên như còn nguyên giá trị nhân văn để hôm nay tôi trở thành một con người hữu dụng.

 

Tôi đã học được những gì từ ngôi trường đó? Bài học vỡ lòng có cao xa lắm không? Xin chia sẻ cùng bạn đọc những kỷ niệm nhỏ nhoi của tôi dưới mái trường xưa…

 

Sau khi chôn cất ba tôi xong, má tôi nhận được giấy tờ của đơn vị ba tôi là đưa mẹ con tôi rời khỏi vùng chiến sự vẫn còn bốc lửa. Một chiếc máy bay đầm già đã đến tận nơi đón má con tôi và đưa cả gia đình đáp xuống phi trường công binh tỉnh Bình Dương. Một chiếc xa Jeep quân đội đã đậu sẳn, đưa gia đình tôi trở về căn nhà xưa bên dòng sông Bình Dương. Lần nầy trở về, không có ba tôi. Trên vầng trán ngây thơ của chúng tôi là vành khăn tang trắng. Má tôi, người goá phụ ba mươi sáu tuổi đời một mình phải nuôi dưỡng đàn con trên một đất nước còn khét mùi lửa đạn.

 

Kể từ ngày đó, ba tôi nằm lại một mình trong nghĩa trang bên ngọn đồi lộng gió, cạnh ngôi chùa nhỏ ở tỉnh Dầu Tiếng. Người sư già hứa rằng ông sẽ hương khói cho những người đã khuất. Những cánh hoa Mười giờ tôi trồng lên ngôi mộ ba tôi và đồng đội ông vào mùa thu, nay đã mọc cao, lan rộng và nở những cành hoa hồng đỏ thắm. Tôi cắm xuống từng ngôi mộ một cây nhang và cầu nguyện linh hồn người chết được yên nghĩ. Tôi tạm biệt Người để trở về thành phố kịp chuẩn bị niên học đầu tiên.

 

Những người hàng xóm biết gia đình tôi trở về làng, và ba tôi đã hy sinh trên chiến trường nên ai cũng ngậm ngùi thương tiếc. Họ hỏi han, phụ giúp má tôi sửa lại nhà cửa, hàng rào và đưa chị em tôi đi thăm các ngôi trường tiểu học trong tỉnh. Chị em tôi được tuyển vào trường tiểu học Nữ Châu Thành, còn em trai tôi thì vào trường Nam Châu Thành.

 

Trường Nữ Châu Thành là một trường công lập được xây dựng lâu đời, nằm cuối con đường của Toà Án Bình Dương, rất gần với Chùa Bà Thiên Hậu. Trường Nam Châu Thành nằm trên ngã Sáu, đối diện với nhà thờ công giáo, sát vách với Chùa Bà Thiên Hậu. Nhìn bên trái có con dốc cao với những hàng cây dầu, cây sao cao ngất mà ai cũng gọi đó là dốc Con Cò, trung tâm quyền lực của Tỉnh Bình Dương. Hai trường nầy nổi tiếng trong tỉnh về chất lượng giáo dục và đội ngũ giáo viên lành nghề, tri thức và tận tâm.

 

Đó là ngôi trường xây bằng gạch, mái ngói, tường quét vôi trắng xoá. Sân trường cỏ luôn xanh rì và được cắt tỉa cẩn thận. Ngày đầu tiên má tôi dẫn tôi vào trường, tôi thấy cô giáo tôi sao giống một bà tiên. Dáng cô nhỏ nhắn, mãnh mai trong chiếc áo dài màu ngà. Nước da cô trắng như bông bưởi. Cô cười hiền lành và hỏi má tôi một vài câu chuyện về tôi. Má tôi nói chuyện với cô lâu hơn những phụ huynh khác vì hoàn cảnh tôi đặc biệt. Cô giáo thấy má tôi còn đội khăn tang trắng và tôi vẫn còn gắn trên ve áo trước ngực miếng vải nhỏ để tang cho ba tôi. Ánh mắt cô nhìn tôi ái ngại pha lẫn sự thông cảm và chia sẻ. Cái lớp học nhỏ bé đó đã in mãi vào đầu óc thơ ngây của tôi một ấn tượng ấm áp, thánh thiện, và yên bình. Khi má tôi ra về, tôi chạy theo khóc. Nhưng cô giáo đã dịu dàng nắm tay tôi dỗ dành và nói rằng tôi sẽ tìm được niềm vui trong tổ ấm học đường.

 

Trường tôi nằm trong một mảnh đất rộng lớn, hình chữ nhật. Phía trước có cái cổng sắt cao luôn mở rộng. Và nó chỉ đóng lại sau khi đến giờ học và sau khi tan trường. Người gát cổng chỉ cho phép học sinh và thân nhân vào sân trường. Người lạ vào trường cần phải có giấy phép của Hiệu Trưởng. Bên tay trái là văn phòng của bà Hiệu Trưởng, Hiệu Phó và Ban Giảng Huấn được xây ăn thông với hành lang dài nối liền với các lớp học. Bà Hiệu Trưởng là nhân vật tôi nhớ nhiều. Dáng bà cao lớn, khuôn mặt phúc hậu, có hai cái đồng tiền rất sâu khắc trên má. Bà bới đầu lèo, một kiểu tóc xưa nhưng rất hợp với phong cách sang trọng của bà. Tôi chưa một lần tiếp xúc với bà nhưng tôi kính trọng và có phần sợ bà hơn cả má tôi. Bên phải cũng có một hành lang dài, xây trên cao có bậc tam cấp. Ở đó có gian hàng bán bánh, trái, nước ngọt, kẹo bánh cho học sinh. Ở cuối góc trái sát bên lớp Mẫu Giáo có treo một cái trống lớn, sơn màu đỏ. Khi đến giờ học, học sinh lớp Bốn và lớp Năm phải đánh trống báo hiệu vào lớp. Một cột cờ giữa sân trường. Lá cờ vàng ba sọc đỏ in rõ trên nền trời đầy nắng bay phất phới.

 

Lớp học của tôi không treo những biểu ngữ dao to búa lớn hay những tư tưởng cao siêu. Hầu như lớp nào cũng chỉ có những khẩu hiệu quen thuộc như: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon.”, “Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”, “Vâng lời thầy cô, nghe lời cha mẹ”, “Tiên học lễ, hậu học văn.”, “Lá lành đùm lá rách.”, “Tuân theo luật giao thông.”… Mỗi tháng, cô giáo tôi thay đổi những biểu ngữ trên tường cho phù hợp với bài giảng tại lớp. Tôi luôn luôn phải đi học đúng giờ. Nếu tôi đi trễ và thấy nhà trường đang chào cờ thì phải ngã mũ xuống đứng nghiêm trang chào cờ. Không phải riêng tôi mà tất cả những người đi đường cũng phải dừng xe lại ngã mủ chào cờ. Học sinh nào ăn không biết bỏ rác vào thùng rác đúng quy định sẽ bị cấm túc đi lượm rác quanh trường. Ai bị cấm túc thì thật là xấu hổ.

 

Suốt năm năm học tiểu học, tôi được huấn luyện trở thành một công dân nhỏ. Tôi không còn đi học trễ, nhõng nhẽo, ăn quà vặt dọc đường. Tôi không dám cãi nhau với bạn học, không băng qua đường trái quy định. Mỗi sáng vào lớp phải đứng xếp hàng. Ai thấp đứng trước, cao đứng sau và đi từng hàng một vào lớp. Khi cô giáo vào lớp, cả lớp phải đứng dậy chào. Lớp trưởng ra lệnh và tất cả đồng thanh nói “Chúng em xin kính chào cô.” Nội quy trong trường rất nghiêm ngặt buộc những đứa nghịch ngợm, phá phách nhất cũng phải tuân theo.

 

Lớp Một thì chúng tôi học nhiều về Tập Viết, Tập Đọc, Chính Tả, Vệ Sinh Thường Thức, Toán…Lớp Ba trở lên ngoài những môn học như Toán, Tập Đọc, Tập Làm Văn, Thường Thức, Thủ Công, Tập Viết, Sử, Địa...Chúng tôi còn được dạy về môn Công Dân Giáo Dục. Bộ môn nầy không đi sâu vào vấn đề chính trị mà chỉ giáo dục hướng dẫn học sinh các luật lệ và ứng xử của một công dân trong cộng đồng xã hội văn minh. Môn Công Dân Giáo Dục không hề dạy chém giết, thù hận, trả thù, tranh đấu, chính trị…mà chỉ đơn giản dạy chúng tôi cách sống làm người như thế nào để có thể trở thành một công dân tốt, có ích cho gia đình, xã hội và đất nước.

 

Từ bé, ba má tôi dạy rằng phải nhường cơm, sẻ áo cho những người khốn cùng. Không tham khi lượm được của rơi. Những bài tôi học trong trường thường mang những nội dung về tấm lòng nhân ái, giúp người như là “thấy người già, người tàn tật, người mù không băng qua đường được thì phải giúp đỡ. Lên xe, thấy đàn bà có thai, trẻ em, người già thì phải nhường ghế cho họ ngồi.” Có hai bài thơ tôi nhớ nhất là bài: “Miền Trung Bị Bão Lụt” trong sách giáo khoa thư do Bộ Giáo Dục Biên Soạn:

 

MIỀN TRUNG BI BÃO LỤT

 

Miền Trung bị bão lụt

Người vật của tiêu hao

Em nghe mẹ khuyên bảo

Con nên giúp đồng bào

Em soạn chiếc áo ấm

Vội vã gởi ra Trung

Chiếc áo không đáng giá

Nhưng gói trọn tình thương.

 

Giáo dục về giao thông thì hàng tuần chúng tôi phải học thuộc nhiều bài thơ khác nhau để trả bài cho thầy. Thầy tôi còn hỏi chúng tôi về những dấu hiệu trên đường, và làm cách nào để không gây ra tai nạn cho mình và cho người khác. Tôi học rất nhiều bài thơ về luật giao thông. Nhưng tôi nhớ rõ bài “Luật Đi Đường” với những câu đơn giản như sau:

 

LUẬT ĐI ĐƯỜNG

 

Ngoài đường xe chạy dập dìu

Em nên cẩn thận sợ nhiều rũi ro

Đi tay mặt mới khỏi lo

Muốn băng qua lộ mắt nheo ngó chừng

Ngắm xem sau trước ân cần

Thấy xe sắp đến thì đừng chạy qua

Đôi khi xe trước vừa qua

Xe sau chạy tới mà ta không ngờ

Ngã tư xem xét bốn bề

Xe to xe nhỏ sắp kề cận ta…

 

Ngoài đường phải tuân theo quy định nghiêm ngặt về luật giao thông, vệ sinh đường phố. Ở trong trường phải chăm lo học hành và chứng tỏ học trò ngoan. Về nhà, phải giúp đỡ cha mẹ, anh chị và vâng lời cha mẹ.

 

Chỉ học bao nhiêu đó mà cả đời tôi thực hành cũng đã mệt. Những bài học vỡ lòng đâu phải là những gì cao xa, vĩ đại. Nhưng sống ép mình với nó, chấp nhận nó như một chân lý ứng xử ở đời, thì khi lớn lên, ta mới có thể hiểu được rằng xã hội tốt thì cần phải có con người tốt. Muốn có con người tốt thì phải có một nền giáo dục nhân bản, tích cực và phục vụ mọi người trong xã hội.

Người thầy giáo đứng trên bục giảng phải là một tấm gương sáng. Thầy giáo không thể dạy cho học sinh những đều dối trá.

 

Cha mẹ phải dạy con có đời sống lành mạnh, tốt với mọi người xung quanh và trở thành một công dân tốt để phục vụ cho quê hương, dân tộc?

 

Khi con người không được giáo dục về cách ứng xử trong đời sống thì những lý thuyết xa vời chỉ là những cái bánh vẽ. Những lời dối trá và không thực tế sẽ đẻ ra những con người hoang tưởng tự đề cao khả năng, đạo đức bản thân một cách lố bịch.

 

Một nền giáo dục nhân bản sẽ giúp con người có một kỷ luật nề nếp từ khi còn bé. Khi lớn lên, đứa trẻ sẽ sống có trách nhiệm với gia đình, với mọi người xung quanh.

 

Một nền giáo dục dối trá, nhồi nhét thù hận, tranh đấu, bạo động sẽ đẻ ra những thế hệ chất chứa trong lòng sự thù hận, thích tranh giành, chém giết, bạo lực. Đó là một xã hội băng hoại về đạo đức. Và chỉ cần một việc nhỏ họ cũng có thể chém giết nhau.

 

Sự hỗn loạn về giao thông hiện hay tại Việt Nam là hệ quả của sự sai lầm nghiêm trọng về đường lối giáo dục, thiếu viễn kiến trong việc xây dựng, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy chụp, giựt để làm giàu, miễn sao có lợi cho mình mà bất chấp sự thiệt hại cho cộng đồng và xã hội. Hệ quả của một nền giáo dục sai lầm không biểu hiện ngay trong một ngày, một tháng, một năm mà nó xuất hiện trong tương lai và ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

 

Người viết xin chứng minh một ví dụ điển hình nhất trong ba ngày Đại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam từ 10 đến 13 tháng 4 năm 2011. Một bản tin tên báo điện tử VNExpress đăng trên liên mạng trong ngày 13 tháng 4, cho biết rằng chỉ trong một dịp nghĩ lễ cảnh sát giao thông đã giải quyết 42.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 192 ô tô và 6.300 môtô và thu được 10 tỷ 9 đồng tiền phạt. Tổng kết thống kê cả nước trong ba ngày Đại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có 133 vụ tai nạn giao thông làm 115 người chết và 95 người bị thương. Cũng xin cung cấp thêm tin tức về tai nạn giao thông tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đáng. Báo chí Việt Nam đưa tin, chỉ tính từ ngày 30 Tết cho đến Mùng 5 Tết, toàn quốc đã có 373 vụ tai nạn giao thông khiến cho 288 người chết và 359 người bị thương.

 

Số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông gấp ba, bốn lần số người chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam hàng năm. Sự tổn thất không thể bù đắp được vì tang tóc và đau khổ. Những người sống sót thì tàn tật suốt đời tạo một gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

Cứ mỗi lần có nghĩ lễ là có người chết lãng xẹt vì ham vui, uống rượu, chạy xe phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành từng tất đường, chen lấn, xô đẩy nhau. Ngày vui biến thành ngày tang. Vậy vui để làm gì? Tốt hơn hết là đóng cửa ở trong nhà cho an toàn và đỡ mệt mỏi, và còn tránh tai  nạn giao thông.

 

Chỉ cần nhìn những tấm hình trên internet về nạn kẹt xe ở Sài Gòn, Hà Nội là tôi đã chóng mặt và thất vọng.

 

Chúng ta có cơm ăn, áo mặc nhưng ý thức xây dựng giá trị tinh thần thấp kém thì liệu rằng đời sống vật chất có thể bù đắp khoảng trống đó không?

 

Xin trả lại cho quý vị cái nhìn thực tiển về thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam./.

 

Mây Ngàn Phương
Số lần đọc: 2861
Ngày đăng: 14.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bác Nguyễn - Nam Dao
Lại Một Người Tử Tế Nữa Ra Đi - Hoàng Quốc Hải
Hà Nội, Nơi Có Một Lần Chúng Ta Thân Ái…Tiếp - Thế Phong
Hà Nội, Nơi Có Một Lần Chúng Ta Thân Ái… - Thế Phong
Hoàng Cầm, một vị thơ - Nam Dao
Tưởng nhớ nhà thơ Hoài Anh: Những giấc mơ nằm nghiêng - Vân Long
Thời Thanh Xuân Của Trịnh Công Sơn - Sâm Thương
Bèo Trôi Giữa Dòng - Nguyên Minh
Những Kỷ Niệm Rời Cùng Khánh Ly - Đinh Cường
Nhớ về bài hát “Trên Đồi Arlington” của Nguyễn Đức Quang - Nguyễn Minh Nữu