Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.151
123.226.529
 
Trận chiến buồn bã
Trần Hoài Thư

...Chưa lúc nào như lúc này, ông Nguyễn lại phải chạm trán vào một mặt trận mà chỉ có mỗi một mình ông là một tên lính cô đơn. Cái mặt trận không có súng nổ, đạn bay, không người chết, kẻ bị thương, anh trở về với đôi nạng gỗ, lá cờ phủ trên quan tài. Mà trái lại, nó là những gì ông viết trên máy tính, những gì ông suy nghĩ, những cuộc thảo luận triền miên giữa ông và một vài người có thẩm quyền của công ty để tìm ra lời giải hầu biến thành khí giới giải quyết chiến trường giúp cho chủ thắng và thợ thua.

          

Mục đích của mặt trận là làm sao tự động hoá hệ thống đặt hàng tức là order automatization. Có nghĩa là từ đây, không còn cảnh trên khắp nước Mỹ, với những nhân viên thay phiên trực trước máy để chờ trên màn ảnh những tín hiệu từ nơi xa gởi về, đặt hàng, trả lại hàng, trao hàng, đưa hàng tới UPS, Federal Express, bao nhiêu pound, bằng lối ưu tiên, hay cấp tốc, hay đường bộ... Sẽ không còn một nhóm chuyên viên ở tổng hành dinh  mà người ta gọi là production support team ( nhóm tiếp trợ sản xuất) thay phiên làm việc 24/24 để giúp các nhân viên xa giải quyết những chuyện phiền phức như điện tắt làm máy phải bị tê liệt, và các dữ kiện, dữ liệu bị hư mà danh từ chuyên môn gọi là crashed (hỏng) hay những vấn đề linh tinh khác.

 

Rõ ràng trong mặt trận này kẻ thắng thì thắng lớn, bởi từ đây hàng trăm người sẽ mất công ăn việc làm, và công ty sẽ tiết kiệm mỗi năm hàng triệu đô la.

 

Tự động hóa hệ thống. System automatization. Từ lâu, người ta đã nói nhiều về việc tự động hoá. Thợ chờ đợi. Nhân viên bàn giấy chờ đợi. Những người có chức vụ trong công ty chờ đợi. Ai cũng dư hiểu một ngày máy móc kỹ thuật sẽ thay thế con người. Ai cũng hiểu một ngày họ sẽ bị đào thải bởi những dàn điện toán, e Business, hay những chip nhỏ xíu như đồng penny mà sức chứa bằng cả một thư viện trung bình. Ai cũng chờ một ngày móng vuốt con quái vật sẽ vồ chụp họ, không cho họ một chỗ đứng. Nhưng một năm trôi qua, rồi một năm khác trôi qua. Họ vẫn tiếp tục làm kẻ sống sót. Họ vẫn tiếp tục mỗi ngày vào giàn máy làm những công việc thường lệ như canh chừng tiếng bíp của máy phát ra là họ dùng những dữ kiện đã có sẵn, đánh vào những ô trống cần thiết rồi cho máy chạy. Máy sẽ tính ngày hết hạn, số lượng tồn kho, hay trường hợp không có đủ cho nhu cầu đòi hòi, phải vay mượn từ các kho khác, phải cập nhất hoá để cuối năm làm kiểm kê cho chính xác. Nói tóm lại, ở đây, vẫn còn có sự có mặt của con người. Họ lý luận là tại chủ ngại tốn tiền khi phải thuê thêm những thảo chương viên (programmer), sau đó phải huấn luyện nhân viên, thợ thuyền, phải mua sắm trang bị máy móc.

 

Nhưng cuối cùng cái gì chờ đợi cũng đã đến. Bà Rita gọi ông cho biết quyết định của cấp trên và  dặn ông đừng hé môi sợ nhân viên xôn xao. Bà hỏi ông. Không, bà ra lệnh cũng nên:

"Ông nghĩ liệu mình có thể hoàn thành dự án trong vòng một tháng không? "

"Một tháng? " Ông la lên.

"Tôi biết. Tôi biết. Nhưng người ta muốn vậy. Phải làm gấp"

"Tôi nghĩ là bà nên trình lại cấp trên. Thứ nhất là nhân lực. Chỉ có một mình tôi còn lại trong nhóm. Vả lại, tôi không thể làm toàn bộ thời gian cho dự án. Tôi còn có biết bao nhiêu việc khác phải làm"

"Tôi biết. Tôi biết."

Bà luôn luôn nói Tôi biết, tôi biết để chứng tỏ rằng bà đã hiểu những khó khăn mà nhân viên của bà sẽ gặp. "Ông về phòng nghiên cứu rồi trả lời cho họ vào buổi họp ngày thứ Năm này". Bà nói tiếp, như một cái lệnh, không cách gì thay đổi.

 

Ngày thứ năm, hai giờ trưa. Tám người khắp các tiểu bang cùng họp và thảo luận dự án qua điện thoại. Ông Bill nói về dự án và yêu cầu mọi người nhúng tay để dự án được hoàn thành đúng theo lịch trình.

 

Dù ông yêu cầu mọi người nhúng tay nhưng chỉ có ba người mới là vai chính. Trong đó có ông, Jeff và một người nữ á châu.

 

*

 

Một tháng phải hoàn thành. Cả ba người cố gắng giải thích là họ không thể kham nổi trong một khoảng thời gian eo hẹp như vậy. Nhưng nói để mà nói, trình bày để mà trình bày, họ vẫn bị buộc vào trong lịch trình đã ấn định. Bởi tất cả đã sẵn sàng. Tháng tới vài nơi sẽ đóng, những máy địa phương sẽ được nối về một máy chánh mà danh từ chuyên môn gọi là Main Server (máy chính)  và máy này sẽ tự động làm tất cả việc mà trước đây máy địa phương đã làm. Họ nói thêm "Rồi còn phải thử. Còn test..."

 

Mặc cho những lời biện giải, những người quan chức của công ty vẫn khắng khăng. Rõ ràng, họ chưa bao giờ hiểu được hoàn cảnh cũng như những nỗi khó khăn của những thảo chương viên/ người lập trình. Hay là họ nghĩ những tay này đang chơi trò làm yêu làm sách...

 

Như vậy, hết cách. Lại  chiến đấu. Lại xung trận. Không phải là tên lính chiến đấu. Thời ấy con tim hừng hực lửa. Thời ấy bên cạnh là bạn bè đồng đội. Thời ấy chiến đấu để bảo vệ sống còn cho người khác. Bây giờ thì khác. Một người của số tuổi sắp về chiều chiến đấu. Chiến đấu cho ai, vì ai. Một trăm phần trăm là cho chủ. Bởi vì ông lãnh lương chủ, hưởng bổng lộc của chủ, thuốc men, nằm bệnh viện cũng từ chủ. Những kiến thức kinh nghiệm trong mười mấy năm trong nghề, hôm nay, ông cố mang ra để làm cho chủ. Ông biết đây là cơ hội vàng ngọc để cho mọi người biết đến ông nếu ông muốn lấy điểm với cấp trên. Ông sẽ chứng tỏ cùng mọi người về tài năng mà từ lâu người ta không hề biết về ông. Ông sẽ được tưởng thưởng, thăng cấp. Không, ông đâu cần những mũ áo xênh xang như vậy. Bởi ông đã mỏi mệt. Tuổi càng ngày càng lớn. Ông chỉ muốn an thân không còn muốn đua chen cùng đời nữa. Ông từ chối những lời mời mọc như lương cao, nhiều ngày phép. Ông không cần bận tâm đến tin đồn là hệ thống mà ông phụ trách sẽ hết xài và dĩ nhiên ông sẽ bị thất nghiệp.  Ông chẳng khác một cổ thụ bám rễ sâu, chờ ngày tàn tạ. Ông cầu an với công việc làm. Không hăm hở, nhiệt tình như trước nữa. Những đầu ngón tay của ông đã bắt đầu bị tê buốt. Cả bả vai cũng vậy. Trước đây ông đánh vào bàn phím nhanh, nhưng giờ, ông đánh chậm lại, khoan thai, từ từ. Trong các buổi họp về nghề nghiệp, ông im lặng không phát biểu ý kiến. Ông muốn dừng lại, làm kẻ đứng bên lề. Ông cũng chẳng màng bận tâm về những thay đổi của khoa học kỹ thuật liên quan đến ngành ông làm việc. Còn bao lâu nữa ta về hưu rồi, hơi sức đâu mà ganh đua cho mệt óc. Bây giờ ông mới hiểu tại sao người già vẫn thường là người bảo thủ. Chính vì họ không thể theo cái mới. Thế thôi.

 

Cái lệnh ác ôn ấy đã làm ông khổ sở không ít. Ông bị dồn vào chân tường. Trời ơi, làm sao họ có thể hiểu là hệ thống này trước đây cần đến năm người giờ chỉ có một mình ông. Mà giả dụ bây giờ nếu mướn thêm bốn người mới nữa thì cũng vô ích bởi vì họ đâu có kinh nghiệm để mà làm? Làm sao họ có thể hiểu những cái khó khăn mà bất cứ một lập trình viên nào cũng phải gặp. Đó là những con bug (bọ) không bao giờ ngờ như con bọ Y2K. Làm sao họ hiểu ông đã bước vào cái tuổi già, trí não chậm lụt, lu mờ mà nghề này đòi hỏi phải có một trí nhớ tốt. Có biết bao nhiêu lệnh, mỗi dấu chấm, dấu phết là cả một tai họa  nếu bỏ sót hay ở sai vị trí. Mắt ông đã bắt đầu mờ, khốn khổ lắm mới đọc chữ, đọc số, huống chi cái dấu chấm nhỏ tí ti trên màn ảnh. Rồi bao nhiêu chuyện phải làm. Làm sao để từ một nơi xa muôn dặm tự động gởi tin và ở đây nhận tin cũng tự động, rồi tự động đến máy in, rồi máy in tự động in cái hoá đơn, cái biên nhận/ biên lai, cái hóa đơn, cái nhãn... Nói thì dễ, lý thuyết thì dễ, vẽ đường đi nước bước thì dễ, khi ở trong cuộc mới thấy khó, quá khó.

 

Vâng, quá khó, 12 giờ đêm ông còn ở bên máy để liên lạc với hãng qua modem. Vợ ông đã dục ông đi ngủ. Ông không trả lời. Ông đang cố tìm xem con bug bọ đang ở đâu. Tại sao mỗi lần ông compile soạn thảo là mỗi lần máy cho biết cái chương trình ông viết bị lỗi. Ông lấy cặp kính lão mang vào, và ước ao có một kính lúp để nhìn chữ cho rõ hơn. Ông nuốt nước miếng. Rõ ràng đây là trận đánh. Ông là tên tướng và cũng là tên tốt. Ông thảo ra kế hoạch và ông cầm súng đơn thương tìm địch. Nhưng địch thì quỉ quyệt. Tóm được một tên thì tên khác lại xuất hiện. Ông bị cuốn hút trong thế trận. Ông hồi hộp theo dõi từng bước, từng bứơc mà danh từ chuyên môn là ‘step by step’. Ông xử dụng những công cụ để yểm trợ như display, hiển thị animation hoạt hình, để nhận rõ con bọ quái quỉ. Ông chạy đông, chạy tây, chạy nam, chạy bắc giữa những hàng chữ nghĩa mà ông đã viết.

 

Lại chữ nghĩa. Chữ nghĩa tàn bạo. Chữ nghĩa khốc hại. Ông mệt lả. Đầu óc nóng bừng. Ông đứng dậy đến cửa sổ nhìn xuống đường. Ánh điện neon trắng soi sáng một khúc lộ. Những chiếc lá khô thỉnh thoảng lại rụng. Ông biết là mùa thu đang trăn trở. Còn hai tháng là sẽ đến mùa đông, trời sẽ lạnh, tuyết sẽ rơi, cây cối sẽ trơ cành. Cũng như ông bây giờ, ở vào tuổi sắp lục tuần, những tế bào sống đã từ từ khô và chết dần. Những sợi tóc đã từ từ khô rồi rụng dần. Nhưng đời vẫn chưa buông tha ông. Nhà vẫn không thuộc về ông. Xe cũng không thuộc về ông. Cơm áo, áo cơm, vẫn không cho ông nghỉ dừng một lát. Chữ nghĩa. Ông muốn gào lên. Đâu cũng là chữ nghĩa. Chữ nghĩa mở mang kiến thức, nhưng chữ nghĩa cũng là sợi dây thòng lọng rờn rợn kinh hoàng. Như một thời chúng làm thanh niên hai miền Nam Bắc mê cuồng, lăn lộn. Như những câu thơ cắt cổ giết người kích động của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận... Như những chủ nghĩa lý thuyết để cả dân tộc ông phải tắm trong máu của hận thù. Chữ nghĩa. Giờ đây chúng lại đày ông, bắt ông phải thuộc lòng, phải nhớ như đinh đóng, không thiếu không thừa. Chúng không cho phép ông được nói những gì ông thích nói, viết những gì ông thích viết.

 

Ông châm điếu thuốc, ngồi lại trước máy, tiếp tục cùng trận chiến. Ông tiếp tục hành quân, tìm địch, diệt địch. Địch thì bị diệt, nhưng mục tiêu thì vẫn còn mịt mờ không thấy ở đâu.

 

Và cứ mỗi tuần đến ngày thứ năm, hai giờ chiều, là ông ngồi trong phòng để tường trình diễn biến của công việc cho những manager ở những tiểu bang xa được rõ. Ông trả lời thắc mắc. Ông nêu những vấn nạn. Họ chia xẻ cùng ông. Nhưng lệnh vẫn là lệnh. Dứt khoát.

 

*

 

Có tiếng chuông điện thoại reng. Thằng Ed từ Houston gọi. Ông chào nó, yếu sìu. Giọng thằng Ed vang lên trong máy:

"Ông Nguyễn, ông bị bệnh ?"

"Không. Tao không bệnh, nhưng mệt"

"Này, nghe tôi, hãy tịnh dưỡng. Sức khoẻ là trên hết"

Trời ơi nó lại khuyên ông. Nó làm sao biết nó sắp trở thành nạn nhân. Nó làm sao biết ông đang tiếp tay với chủ để đá nó. Nó làm sao biết là ông đang dấu nó về những gì ông đang làm.

 

Ed thuộc nhóm trợ giúp sản xuất, một nhân viên thâm niên của công ty. Nhiệm vụ của nó là giúp giải quyết những trở ngại mà các người xử dụng hệ thống gặp phải. Thỉnh thoảng nó lại gọi ông để nhờ ông giúp một vài vấn đề chuyên môn.

 

Nó nói tại Virginia đang gặp khó khăn. Sét đánh làm máy ngưng hoạt động. Nhân viên phụ trách gọi nó cho biết có những dữ kiện không đúng. Phải sửa gấp.

Rồi nó cho ông số điện thoại để liên lạc.

 

Ông quay điện thoại. Ông đang gọi nạn nhân của ông. Phải, không trước thì sau,  dự án sẽ hoàn thành, những nhu liệu sẽ được bỏ vào máy, và họ sẽ bị sa thải. Đừng cho họ biết, họ sẽ xôn xao. Lời bà Rita vẫn còn vọng bên tai. Đầu dây, giọng người đàn bà vang lên. Giọng quen thuộc. Ông biết là cô nàng Kathy:

"Có phải Kathy?"

"Phải. Chính tôi. Có phải ông Nguyễn?"

"Phải"

"Cái gì xảy ra ở đấy?"

"Hôm qua bão. Điện bị cúp, và máy bị tắt. Sáng nay những dữ liệu bị sai"

"Hãy cho tôi một đơn hàng bị sai"

Kathy đọc cho ông nghe. Ông nói ông rất bận nhưng sẽ cố gắng giải quyết chuyện này càng sớm càng tốt. Kathy cám ơn rối rít:

"Tôi bảo không ai được vào máy để chờ ông nhé?"

"Vâng"

Rồi ông gác ống điện thoại. Ông thở dài. Bây giờ ông có dịp được giúp đỡ họ, nhận ở họ lời cám ơn, nhưng không chóng thì chày, họ không còn dịp để ngồi trước máy nữa. Chính ông là thủ phạm. Không, ông không phải là thủ phạm. Không có ông thì có trăm ngàn người khác mà. Nhưng mà tại sao lương tâm lại cảm thấy bất an.

 

*

 

Cuối cùng, dự án cũng được hoàn thành trước ngày ấn định. Ông mừng đến điên khùng khi những tệp tin đầu tiên đến trạm và ở đầu dây điện thoại thằng George gọi về cho hay: Tốt rồi. Hóa đơn đã chuyển đến máy in và nhản được in. Chúng ta phải mở champage mà ăn mừng là vừa. Ông thở phào như trút hết gánh nặng  trong ngực. Cái gánh nặng cơm áo và danh dự. Danh dự của một người Việt Nam. Và danh dự của một người già. Danh dự của nhóm. Bà Rita hứa sẽ can thiệp để cho ông tiền thưởng và dục ông lấy mấy ngày nghỉ. Nếu ông vui 10 phần thì ba phải vui 100 phần cũng nên.

 

Như vậy cuối cùng ông đã chiến thắng. Nhưng giữa niềm vui vô hạn ấy, thằng Ted gọi về tiếp tục hỏi về  hệ thống điện toán. Nó vẫn chưa biết. Rồi nàng Kathy cũng gọi về nhờ ông cứu dùm. Cái cơ sở dữ liệu lại bị hư hại. Ông muốn rưng rưng. Danh dự, vâng, ta cảm thấy danh dự thật. Nhưng chắc chắn là ta không cảm thấy tự hào hãnh diện chút nào./.

 

(trích Hành Trình của Một Cổ Trắng, tái bản lần thứ tư)

 

Trần Hoài Thư
Số lần đọc: 1910
Ngày đăng: 15.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cương Thổ Cô Liêu - Quý Thể
Ba Lần Thoát Hiểm - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm trăng này nghỉ mát nơi đâu - Trần Hoài Thư
Tầng Trệt Thiên Đường - Bùi Hoằng Vị
Chuyện Ngày Xưa - Ngy Sơn
Một Truyện Trả Thù - Vũ Anh Tuấn
Kẻ săn chó - Lưu Thuỷ Hương
Đêm Qua Hoa Chết - Quý Thể
Vũng - Phạm Phương
Em Đi Thêm Một Đoạn Đường - Lê Văn Thiện