Khác với lệ thường, sáng nay Nịnh đi làm muộn. Từ xưa tới giờ, Nịnh được coi là một lãnh đạo mẫu mực về thời gian, giờ giấc làm việc. Trong cơ quan, không bao giờ người ta thấy Nịnh đi làm việc trễ quá 5 phút... nhiều khi Nịnh còn đến sớm hơn cả cô nhân viên tạp vụ. Bảy giờ làm việc thì sáu giờ ba mươi phút Nịnh đã có mặt ở cơ quan ngồi bệ vệ trong phòng làm việc, bật ti vi xem thời sự. Nhưng sáng nay hơn tám giờ Nịnh mới tới cơ quan. Người uể oải, buồn bã. Cái phong độ bệ vệ và cả nước da hồng hào vốn có trên gương mặt hắn biến đi đâu mất tiêu, giờ chỉ thấy một màu nhợt nhạt như nước da của người chết đuối mới được vớt lên. Nịnh lừ đừ như cái xác không hồn bước lên cầu thang tầng hai, vô phòng làm việc, đóng cửa, đờ đẫn ngồi xuống ghế.
Theo thông lệ, sáng nay cơ quan có cuộc họp đầu tháng, triển khai kế hoạch làm việc trong tháng. Anh chị em cán bộ các phòng ban trong cơ quan có mặt đông đủ, ngồi chờ cả tiếng đồng hồ vẫn không thấy sếp trưởng lên. Ngồi lâu sốt ruột, sếp phó liền bảo thư ký xuống mời giám đốc lên làm việc. Huế, thư ký vừa bước chân tới cửa phòng giám đốc thấy cửa phòng đóng. Huế gõ cửa: Cộc, cộc, cộc... dừng lại chờ một lát không thấy cửa mở. Lại gõ tiếp. Lần này Huế gõ mạnh và tiết tấu nhanh hơn: Lộc cộc, lộc cộc, lộc cộc! Cửa vẫn không mở. Huế nghĩ có chuyện chẳng lành, liền nắm lấy nắm đấm cửa, xoay mạnh, đẩy vô nhưng không đẩy được, cửa đã chốt bên trong. Huế hốt hoảng chạy lên hội trường nói với mọi người. Giọng níu lại:
- Nguy... nguy rồi. Có... chuyện rồi! - Chuyện gì. Xảy ra chuyện gì? (Tất cả mọi người đứng lên, nháo nhác nhìn về phía Huế hỏi dồn dập). Huế đưa tay áp lên ngực, lấy lại bình tĩnh. Nói trong hơi thở:
- Không hiểu sao sếp Nịnh không mở cửa. Tôi, tôi gõ cửa hai ba lần cửa vẫn không mở. Tôi đẩy cửa không được. Bên trong đã chốt chặt.
Mọi người đổ xô xuống phòng giám đốc. Sếp phó liền kêu nhân viên thường trực mang chìa khóa lên mở cửa phòng. Cửa phòng mở. Mọi người ùa vào. Thật kinh hoàng thấy giám đốc nằm bất động trên nền nhà, mắt nhắm, nước bọt xủi ra trắng hai bên mép. Mấy người liền chạy đến làm hô hấp một chập vẫn không tỉnh, liền gọi xe cấp cứu.
Năm phút sau, xe cấp cứu của bệnh viện tỉnh tới. Nịnh được đặt trên chiếc băng ca màu xanh, phủ một tấm vải trắng, được nhân viên y tế khiêng ra, đưa lên xe. Người đi ngang qua đường nhìn vô thấy cơ quan tập trung đông lại ngỡ có ai bị bắt bớ, tò mò dừng lại xem có chuyện gì!
Xe đi khuất, mọi người quay vô cơ quan xôn xao bàn tán nhỏ to. Một nhân viên vi tính ở gần nhà giám đốc, đứng ngay cửa phòng hành chính nói to để mọi người nghe: "Các người chưa biết gì sao? Mấy bữa nay gia đình sếp xảy ra bao nhiêu chuyện. Vợ sếp bị ung thư vú, con trai đầu bị công an bắt về tội tụ tập bạn bè sử dụng thuốc lắc tại nhà; con trai thứ hai bị bệnh gì chẳng rõ, đầu rụng sạch tóc, da đầu nhũn ra như quả bưởi thúi. Hỏi làm sao sếp yên tâm cho được. Có cứng như sắt cũng phải nhũn, huống chi con người". Ông bảo vệ, một người mang nặng đầu óc mê tín, luôn tin vào vận hạn. Ông đang ngồi trong phòng trực cũng ra góp chuyện: "Tôi đã nói rồi, mọi người không tin. Từ khi sếp lệnh cho lấp cái giếng nước trước cửa cơ quan đến nay, cái cơ quan thông tin đại chúng này chẳng được yên. Năm hai ngàn một cán bộ bị xe tông chết, sau đó mấy năm một trưởng phòng đang khỏe mạnh thì lăn ra chết, tiếp đến mẹ của sếp, một phụ nữ mới ngoài lục tuần còn khỏe mạnh, bỗng nhiên đột tử. Lại có bao nhiêu điều rắc rối xảy ra. Mới năm ngoái, một cán bộ chuyên môn giỏi của cơ quan thì phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và công dân, chuyện vỡ lở bỏ trốn, công an ra lệnh truy nã toàn quốc. Chưa hết, mới đây Nguyễn Xuân Nương bị hai kẻ lạ mặt đâm ngay cửa cơ quan mọi người đều đã rõ. Giờ cái hạn vận đến với sếp. Tai họa, tai họa lớn!". Thành lái xe lâu năm của cơ quan, một người luôn sống gần sếp Nịnh, hiểu tường tận hoàn cảnh gia đình, tính khí của thủ trưởng. Thành là một người ngay thẳng, tính tình bộc trực, trong cuộc sống thấy điều gì trái ngang là nói ngay, không tránh né. Có đôi lần khúc mắc với sếp, Thành đốp chát ngay không chút nể nang. Thành không tin vào chuyện lấp cái giếng nước trước cửa cơ quan, mà gặp tai họa. Thành cho rằng những sự việc xảy ra với cơ quan với Nịnh có nguyên nhân cả.
Trong lúc mọi người đang bàn tán chuyện cơ quan, chuyện của sếp thì một thằng nhỏ bán báo đi ngang qua cổng, tay trái ôm một sấp báo giầy cộp, tay phải cầm một tờ giơ lên khỏi đầu rao lớn: "Báo đây, báo mới đây, báo Pháp Luật Việt Nam ra thứ hai ngày 13 tháng 10 năm 2008 có đăng bài: "Vì sao không khởi tố vụ án". Nội dung nêu tên một quan chức mua ngôi nhà gần 6 tỉ đồng, ngày liên hoan mừng nhà mới, quý tử tụ tập bạn bè dùng thuốc lắc bị công an bắt quả tang... Mua đi, mua báo pháp luật đi!..." Thành cùng mấy người chạy vội ra cổng gọi với theo thằng nhỏ bán báo: "Ê nhỏ. Đem báo lại đây". Thằng nhỏ còn dăm tờ báo Pháp luật, Thành bỏ tiền ra mua hết, cầm vào đưa cho mọi người cùng đọc. Đọc xong bài báo mọi người đều lắc đầu: "Kỳ này thì sếp mình gặp họa lớn thật rồi. Thành lắc đầu buông một câu chưng hửng "Thế là hết!".
Theo phân công của tổ chức cũng vì để có nơi làm ăn ổn định cho vợ con đỡ khổ, Thành mới cam chịu làm việc cho Nịnh chứ trong thâm tâm Thành không muốn. Những lúc ngồi nhậu với bạn bè trong cơ quan, có đứa chọc Thành: "Lái xe cho sếp được đi đây đi đó, ăn nhậu thoải mái sướng nhé!". Nghe nói vậy Thành nổi cáu: "Tôi khổ lắm rồi, xin các người đừng giễu cợt nữa! Gần chục năm nay phải phục vụ cho con "người máy" khổ lắm rồi!".
Thành chỉ là một lái xe nhưng anh nhận xét Nịnh là "người máy" quả chính xác. Nịnh làm việc thiếu cái đầu. Năng lực chuyên môn yếu. Cơ quan đứng vững được là nhờ công lao của cán bộ phòng ban, sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan. Nịnh với cương vị giám đốc chỉ biết ăn mặc bảnh bao, đầu tóc lúc nào cũng chải mướt, hàng ngày xách cặp táp đến cơ quan mở internet ra coi và thậm thà thậm thụt với ả kế toán để tìm cách bòn rút tiền bạc của công quỹ, hết giờ đi nhậu nhẹt tối ngày.
Cái sự thăng quan tiến chức của Nịnh kể cũng lạ. Từ một anh lính nghĩa vụ ra quân, chuyên môn nghề nghiệp không có, được ông bác họ xin cho vào cơ quan làm việc ấy vậy mà chỉ vài năm được lên chức phó giám đốc rồi giám đốc dễ dàng như ăn xôi mật. Trong khi đó, ở cơ quan nhiều người làm việc lâu năm có năng lực không được bổ nhiệm. Nhiều người cho rằng bố Nịnh là bạn thân với vị giám đốc của cơ quan, khi tới tuổi nghỉ hưu ông này tiến cử Nịnh, có người lại bảo Nịnh có "ô" lớn ở trên tỉnh che chở, nâng đỡ; có người lại nói Nịnh phải bỏ tiền tỷ ra mua cái chức giám đốc... thực hư thế nào chẳng ai biết chính xác.
Nịnh tên thật là Lương Kiên Quyết. "Nịnh" là do anh em trong cơ quan gán cho gã. Bởi gã sống giả dối, đối xử với anh em trong cơ quan tệ bạc. Với cấp trên đợ bỡ, nịnh nọt, khúm núm. Quyết còn là một kẻ sống cạn tình, bạc nghĩa. Có những người bạn tận tình giúp đỡ Quyết những lúc bần hàn khi còn là một anh nhân viên quèn "tứ cố vô thân" sau có chức, có quyền, sang giàu thì quên họ. Tóm lại, Lương Kiên Quyết là một gã chẳng ra gì, bị người đời thị phi. Nay Quyết gặp nạn người ta bảo đó là: "Quả báo".
*
Một chiều mùa thu, đẹp trời, khí hậu mát mẻ, vợ chồng ông Thuyên đang ngồi ở phòng khách thưởng thức ly trà Thái đậm đặc, quà của người bạn ở Hà Nội mới gửi biếu. Vừa uống trà nóng, vừa đắm mình trong những khúc hát trầm bổng, du dương, một ca khúc của ông mới sáng tác qua sự thể hiện của Anh Thơ, một giọng ca vàng của Nhạc viện Hà Nội. Ông Thuyên năm nay đã ngoại bát tuần nhưng còn khỏe mạnh, da hồng hào. Ông là nhà giáo, có năng khiếu về âm nhạc. Ông đã có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực âm nhạc. Một số ca khúc của ông được phổ biến rộng rãi, được thính, khán giả yêu thích. Bà Thinh, vợ ông cũng là giáo viên dạy văn, bà là bác họ của Lương Kiên Quyết. Bà với bố Quyết là chị em con chú bác. Hai ông bà đang say xưa ngồi uống trà, nghe nhạc bỗng có tiếng gọi ngoài cổng:
- Bà Thinh có nhà không?
- Có. Bà Thuần phải không?
- Thuần đây. Có chuyện nóng sốt mang đến cho ông bà đây.
Bà Thuần là bạn thân của vợ chồng ông Thuyên. Từ ngày họ còn dạy học với nhau ở trường cấp ba Hải Hậu, tỉnh Nam Định, quê bà Thinh. Bà Thinh với bà Thuần cùng dạy môn văn, họ coi nhau như chị em ruột.
Bà Thinh ra mở cổng. Hai bà cười nói vui vẻ, khoác tay nhau vào nhà. Không kịp ngồi xuống ghế, bà Thuần vội mở túi xách đưa cho bà Thinh tờ báo Pháp Luật Việt Nam.
- Ông bà đã đọc báo Pháp Luật Việt Nam mới ra hồi hôm chưa?
- Chưa. Có chuyện gì giật gân không? - Bà Thinh hỏi.
- Có chứ. Bà đọc đi khắc rõ. Báo nói về thằng cháu họ "quý hóa" của bà đấy. Tôi nói không sai mà. Cái ngày nó đối xử tệ với vợ chồng bà, người bác đã cưu mang nó, lo vợ con cho nó. Bà còn nhớ không.
Ngày ấy tôi đã từng nói với ông bà cũng ở căn phòng này.
- Nhớ, nhớ rồi. Bà ngồi xuống uống chén nước đã rồi nói.
- Bà Thuần ngồi xuống ghế, uống một hớp trà.
- Chu cha. Trà Thái có khác. Ngon quá! Ngày ấy tôi nói sao. Bà nhắc lại nghe?
- Ngày ấy bà nói: Hạng người "ăn cháo đá bát", thế nào cũng bị quả báo. - Bà Thuần cười kha khá, vẻ đắc ý. Bà Thinh ngồi chăm chú xem báo. Riêng ông Thuyên suốt từ khi bà Thuần vào, hai bà nói chuyện sôi nổi ông vẫn ngồi lặng lẽ uống trà, nghe nhạc, không nói nửa lời. Bà Thinh đọc xong bài báo, nét mặt rạng rỡ:
- Kỳ này thì mất sạch trơn rồi con ạ. Con dính vào ma túy, bố dính líu vô chuyện tham nhũng đáng đời thằng cháu quý hóa của tôi - Quay sang phía ông Thuyên - Ông đọc đi (Dúi tờ báo vô tay chồng). Kỳ này thì ông trả được mối hận năm xưa rồi đó.
- Bà nói hết chưa? (Ông ngắt ngang lời vợ).
- Tôi nói hết rồi. Ông nói đi. - Ông Thuyên mồi thuốc hút rồi nhỏ nhẹ nói:
- Dẫu gì thằng Quyết cũng là con cháu trong nhà. Nó còn trẻ, suy nghĩ chưa thấu đáo mắc phải sai lầm trong khi làm việc là lẽ đương nhiên. Chúng ta già rồi, sống được là bao, tức với giận làm chi cho khổ thân. Bỏ qua đi bà. Hai bà hãy vui lên, cùng tôi uống trà, nghe nhạc để tinh thần sảng khoái. Nói chuyện ấy mần chi. - Ông Thuyên vừa dứt lời, bà Thinh đứng phắt dậy, chạy đến tắt máy nghe nhạc, mặt đỏ phừng phừng quay ra, chỉ tay vào mặt ông Thuyên giận dữ:
- Ông sống thỏa hiệp từ khi nào vậy. Trước đây bàn tới chuyện chống tiêu cực trong xã hội ông mạnh mẽ lắm cơ mà. Ông chả từng nói: "Những kẻ tham nhũng, đục khoét tiền bạc của dân, của nhà nước phải đấu tranh đến cùng. Sao bây giờ ông lại bao dung cho thằng Quyết, một thằng cháu bất hiếu, kẻ đốn mạt. Mỗi lần nhắc tới nó tôi lại muốn điên lên, lao tới băm vằm nó ra hàng trăm mảnh cho hả. Cháu chắt chi nó. Dòng họ nhà tôi không có giống người bội bạc như nó - Ngưng một lát để lấy sức rồi nói tiếp:
Tôi biết, nói ra những lời cay độc ấy kể cũng tàn nhẫn. Ông nói đúng, dầu gì thì thằng Quyết cũng là con cháu trong nhà, phải cắt bỏ một khúc ruột của mình tôi cũng đau lắm chứ. Nhưng không cắt bỏ không được. Bởi khúc ruột đó đã bị hoại thư, không cắt bỏ nó sẽ di căn làm suy yếu cả cơ thể và dẫn đến tử vong. Dẫu có đau mấy cũng phải loại bỏ nó ra khỏi cơ thể. Đó là cơ thể con người. Với xã hội cũng vậy, muốn có một xã hội mạnh phải biết loại bỏ những kẻ xấu xa, những kẻ tha hóa làm hại cho xã hội - Ngừng một lát, nhấp một hớp trà:
- Ông quên rồi sao. Cái ngày nó rời quân ngũ về nhà mình chỉ có cái ba lô con cóc lép xẹp, với một bộ quân phục bạc thếch khoác trên mình, trong túi không một đồng xu. Ở cái thời bao cấp, cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, nhà mình hai vợ chồng là giáo viên lương ba cọc ba đồng, nuôi ba đứa con ăn học lại phải cưu mang nó. Ông vất vả chạy đầu này, bổ đầu kia lo công ăn việc làm cho nó, khi nó có công ăn việc làm ổn định lại lo cưới hỏi vợ con cho nó. Vậy mà khi thành đạt, có chức có quyền thì quay lại hại ông, mượn một tờ báo lá cải bịa chuyện nói xấu ông, làm cho ông ốm đi vì cái chuyện không đâu. Ông quên rồi sao hả ông Thuyên?
Không khí trong nhà trở nên căng thẳng. Bà Thuần tỏ quan điểm đồng tình với bà Thinh. Bà Thuần nói:
- Em là em tán đồng với ý kiến bà chị. Đối với bọn tham nhũng phải chiến đấu đến cùng, không khoan nhượng. Thế hệ chúng ta đã chịu bao gian khổ, hy sinh mới có được cuộc sống như ngày hôm nay, lẽ nào lại để cho đất nước nghèo đi, dân ta khổ mãi vì bọn tham nhũng sao? - Ông Thuyên im lặng định bụng không tham dự vào chuyện bàn luận của hai bà nhưng thấy hai bà hăng hái quá mức ông đành tìm cách hạ bớt nhiệt độ kẻo hai bà ngất xỉu, lăn đùng ra cũng mệt cho ông. Bởi cả hai bà đều có bệnh áp huyết cao. Ông Thuyên mồi thêm một điếu thuốc, hít một hơi dài, thả khói bay mù mịt, thủng thẳng nói:
- Chống tham nhũng ai chẳng có trách nhiệm, chẳng bức xúc. Nhưng làm bất cứ việc gì cũng phải có thời gian, có biện pháp, khôn khéo mới thành công. Các bà thấy từ lâu nay Đảng ta đề ra chống tham nhũng nhưng đã làm được những gì, xử được bao vụ, thu lại cho nhà nước, cho dân được bao tài sản bị mất? Mấy năm gần đây có tới gần chục vụ tham những lớn được chính phủ coi là trọng điểm. Điển hình như vụ 112, vụ dầu khí, vụ PMU 18 v.v... nhưng đến nay chưa xử được vụ nào. Bọn tham nhũng thời nay ranh mãnh, quỷ quyệt lắm. Chúng kết bè, kéo cánh, lườn lẹo như trạch khó mà lôi được chúng ra ánh sáng. Nếu đấu tranh không khôn khéo còn bị chúng cài bẫy cho mình vô tù ấy chứ. Tôi khuyên hai bà hãy sống vui, sống khỏe đi, đừng can dự vào chuyện đấu tranh làm chi cho mệt. Các bà không nhớ sao. Từ cái thời bao cấp cán bộ công chức bọn mình đã có câu: "Đấu tranh, tranh đấu" là gì.
Ông Thuyên mồi thêm điếu thuốc rồi quay sang nói với bà Thuần, lái câu chuyện chuyển sang hướng khác:
- Lâu nay bà sống ra sao. Huyết áp còn tăng đột ngột như mấy năm trước không?. Dạo này bà vẫn tham gia Câu lạc bộ Thơ ca của phường đấy hử? Có bài thơ mới đọc nghe cho vui. - Bà Thuần là người say thơ, nghe nói đến thơ là bà khoái lắm. Ông Thuyên vừa nhắc tới thơ mắt bà sáng lên, liền mở túi sách lấy ra cả tập bản thảo, hứng khởi nói:
- Câu lạc bộ thơ phường ta vẫn hoạt động mạnh. Giờ có nhiều cụ làm thơ hay đáo để. Em vừa viết được bài thơ nói về đề tài chống tham nhũng. Bài thơ có tựa đề: Vì nhân dân bài thơ dài, để em đọc vài đoạn tâm đắc cho hai bác nghe. Giọng bà hào sảng:
"... Vì nhân dân quên mình
Bài hát ấy đã một thời vang lên hào hùng
Thôi thúc đoàn quân ra trận.
Giờ nghe các ông ca
Lè nhè trong quán nhậu
Câu hát nhạt nhèo nồng nặc những mùi bia.
.......................................
Vì nhân dân quên mình
Chốn thị thành dân không chốn nương thân
Còn các ông nhà đất dư thừa
Nhà cao tầng trong thành phố
Và cả nhà ngoại ô làm nơi nghỉ mát cuối tuần...
Các ông ăn, các ông ở hết phần dân
Cả khí trời dân cũng không được hưởng...
Hay, hay lắm! - Hai vợ chồng ông Thuyên vỗ tay tán thưởng. Giữa lúc mọi người đang trò chuyện vui vẻ thì Huyên, con trai thứ hai của vợ chồng ông Thuyên ở cơ quan về báo cho ba má biết một tin sốt dẻo. Giọng Thuyên rành rọt: "Thằng Quyết có đơn tố cáo của tập thể cán bộ công nhân viên công ty truyền thông. Đơn tố cáo gồm 5 điểm: Lập quỹ đen trái phép, rút tiền chia nhau tiêu xài cá nhân; cố ý làm trái các qui định nhà nước gây thiệt hại tiền của nhà nước; tham gia vào đường dây cá độ bóng đá; v.v... với những tội danh trên thì vào nhà đá ngồi bóc lịch là cái chắc". - Bà Thinh vỗ tay vào đùi đen đét, hào hứng nói:
- Hay, hay lắm! Tin tức kịp thời, hay lắm! Phải thế chứ. Ông trời có mắt.
Thêm một ấm trà mới ông Thuyên vừa chế. Cả ba người trở lại không khí bình tĩnh, vui vẻ uống trà, bình thơ và nghe nhạc. Ngoài trời một làn gió thu mát rượi thổi vào mang theo cả mùi thơm của hương hoa sữa ngọt ngào./.