Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.089
123.232.572
 
Cá Mòi – Món “Thời Trân” Phố Hiến
Phạm Minh Hoàng

Sau tiếng rít và sòng sọc một hơi thuốc lào từ chiếc điếu cày vàng óng ả rồi phả ngọn khói hào sảng lên phía mái nhà, ông Lã Văn Sản (thôn 5, xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) mới quay sang tôi mà nói "mưa gió thế này, lại đêm hôm, chú đi làm gì. Nghề này có cái gì hay ho đâu mà tìm với chả hiểu". Tôi lại phải kì kèo làm công tác "dân vận" một hồi, ông mới đồng ý cho tôi ngồi trên chiếc thuyền nan đi cùng. Đêm xuân âm u se lạnh, giữa chập chờn sóng nước, thi thoảng một chiếc tàu phía xa lia đèn chiếu lại, ông Sản lại hô to. Phía xa kia, anh bạn chài vội vàng thu lưới để tránh mất cả chì lẫn chài vì chân vịt tàu cuốn mất. Sau mỗi lần như thế, trong lòng thuyền tôi ngồi nhiều thêm những con cá nhỏ nhắn mà lại rất đặc trưng của mùa này và vùng đất này: Cá mòi Phố Hiến.

 

I- Từ món "Thời ngư mỹ nhục..."

 

Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng, cá mòi có “mỹ tự" là "thời ngư", được gắn liền với câu tục ngữ "thời ngư nhục mỹ hiềm đa cốt", có nghĩa là cá mòi thịt ngon nhưng lắm xương. Có lẽ, cái tên “thời ngư" bắt nguồn từ việc mỗi năm, cá mòi chỉ về khúc sông này một độ, đó là từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng tư âm lịch. Cá mòi vốn là thứ cá nước lợ, cùng loài với cá trích, thường sống ở các vùng cửa sông, cửa biển. Cá mòi được nhiều vùng coi là thứ “của để dành” để mỗi mùa xuân người ta lại "gặt hái". Đó cũng là lộc trời cho cư dân các vùng cửa biển sông, cửa bể... Ấy là mùa sinh sản cũng có thể coi là "mùa tình" của thứ cá này, bởi cứ đến độ gió nồm nam thổi mạnh, cá cái lại ngược theo dòng nước, về sông. Những con cá đực, theo bản năng, lại "theo đuôi" các "nàng" cá để về. Với cách "di trú" như thế, loại cá thuộc hàng "đệ nhất giang hồ" này thường đi thành từng đàn. Bởi cá về theo mùa và “đến hẹn lại lên” chẳng sai bao giờ, nên nó còn mang theo một truyền thuyết trên mình. Người ta bảo rằng, cá mòi là kiếp sau của chim ngói. Mùa thu, chim ngói cũng qua nơi này, để đến khi về cuối trời xa tít kia, chim biến thành cá mòi, mùa xuân lại quay về chốn cũ. Luân hồi chuyển kiếp chẳng biết đúng sai thế nào, chứ các lão ngư ở bến sông thôn 5 xã Quảng Châu thì quả quyết rằng có thật. "Đấy, chú cứ thử mổ một con cá mòi ra mà xem, cái "mề" của nó giống hệt mề chim ngói!"- Ông Sản, người đồng ý cho tôi đi đánh cá cùng, nói thế, và để chứng minh lời mình, ông rút phắt con dao cứa ngang bụng chú cá mòi to nhất, lôi ra bộ “nội tâm" và chỉ cho tôi chiếc mề. Tôi đã từng được cắp tráp theo các cao thủ ở thôn Tử Đông (xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) săn chim ngói và viết bài về món xôi chim ngói lừng danh ở xứ này nhưng có biết mề nó ra sao, đành tin vậy. Cũng như vẫn hằng tin rằng, giống cá này mỗi năm lại về khúc sông này để cống nộp cho ông tổ nghề chài lưới ở riêng quê tôi.

 

Ấy là tôi đang nói đến một huyền thoại khác, mà chỉ ở Hưng Yên mới có. Chuyện kể rằng, mỗi năm, cá mòi thường về vùng cửa sông với cái tên Phố Hiến lừng danh một thuở vào mùa này bởi đó là dịp lễ hội Chử Đồng Tử- Tiên Dung. Cá mòi tự về hiến mình tiến cống "ông tổ nghề chài lưới" là Chử Đồng Tử. Mỗi năm, vào dịp lễ hội, dân quanh vùng bắt những con to nhất, ngon nhất dâng lên Đức Thánh sau đó mới "thừa lộc thánh" mà đem bán hoặc ăn. Theo khảo tử một nhà nghiên cứu thuộc viện văn hóa dân gian, tục này có ở các xã thuộc huyện Khoái Châu, Văn Giang, nhưng đậm chất nhất, dư ảnh vẫn còn đến bây giờ là ở thôn Chử Xá, xã Văn Đức (bây giờ thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), quê hương đức thánh Chử. Chử Xá vốn là cái bến sông, và Cậu bé ở bến sông (Chử Đồng Tử) thủa hàn vi đã từng theo cha đi đánh cá ở bến sông này. Chính vì thế, ông được tôn là ông tổ của nghề ngư phủ. Ngoài việc dâng cúng cá tươi, dân làng Chử Xá còn dâng một hũ mắm cá mòi ngon nhất để cúng thánh trong ngày hội “để an ủi bà Hữu (Tây Sa), vốn là cô thợ cấy thường hay bắt tôm cá mỗi khi đi làm đồng”!!!. Có giả thuyết khác về việc dâng cúng này, là lớp văn hóa thờ cá ông voi của dân ven biển, nghe cũng có lý lắm, nhưng ở vùng này, rất ít người tin vào điều đó...

 

 

Các ngư phủ thôn 5 (xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên) chuẩn bị đánh bắt cá mòi.

 

Lại nói đến mắm cá mòi, có lẽ cũng được coi là một thứ đặc sản. Nó khác với các loại mắm cá khác, bởi giống cá mòi rất nhiều đạm. Nhà sử học đất Hưng Yên, ông Lã Xuân Định- trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên kể rằng, thủa thiếu thời, ông thường cùng các anh trai theo cha ra sông đánh cá mòi. Nhiều hôm đánh được nhiều cá quá, bán không hết, mẹ ông phải cho vào chum ủ mắm. Vài tháng sau, có khi đến tận cuối năm, mọi người mới đem mắm ra nấu. Trong làng, mỗi khi có nhà ai nấu mắm, là cả làng biết. Bởi cái mùi rất tanh đặc trưng ấy không thể giấu đi đâu, cứ lan ra khắp bầu không khí của xóm. Và, có lẽ cái mùi ấy, vị mắm ấy đã ăn sâu vào tế bào mỗi người dân vùng đất ven sông Cả này. Cứ mỗi năm, vào độ cá mòi đang rộ, anh em ông Định, dù có người ở Hà Nội, có người xa tít trên huyện Sông Mã (Sơn La) vẫn vượt qua mấy chặng xe khách, mấy cuốc xe ôm, lặn lội về xóm nhỏ bên chân đê để cùng nhau thưởng thức món sản vật thời trân quê mẹ.

 

Việc thưởng thức món cá “nhục mỹ” cũng đa dạng lắm. Thông thường, cá mòi được cắt ngang bụng, lôi hết lòng mề, để lại đôi “sẹ” (với cá đực) hoặc buồng trứng, khía chéo hai bên rồi ướp gừng cho lên chảo rán vàng đã đủ làm cho “điếc mũi hàng xóm” rồi. Nhưng, ở mỗi nơi dọc hai bờ sông Hồng, lại có một cách chế biến đặc dị mang bản sắc riêng. Làng Gòi (xã Tân Châu, Khoái Châu) nổi tiếng với món cá mòi nướng đã đi vào văn học dân gian được truyền miệng như là một đặc sản: “Muốn ăn cơm trắng cá mòi/Trốn cha trốn mẹ về Gòi cùng anh”. Cá mòi nướng của người làng Gòi dù chỉ đơn giản là sát gừng, xuyên que nướng trên bếp than hoa nhưng đã được ghi vào trong sách “Văn hóa- văn nghệ dân gian Hưng Yên, đôi nét phác thảo” như một thứ ăn chơi tao nhã. Nhà sử học Lã Xuân Định lại cho rằng, những người gốc thành phố Hưng Yên chế biến cầu kỳ hơn. Cá mòi mổ sạch, loại bỏ sẹ, trứng riêng rồi cho lên thớt băm lẫn với gừng, sả, ớt sau đó nặn thành những chiếc chả nhỉnh hơn đồng xu cho lên chảo lót lá bưởi, cứ thế đun cho chả chín vàng. Lưu ý, chả cá mòi hoàn toàn không cần cho mỡ, bởi lượng mỡ trong thịt cá rất cao. Vẫn viên chả sống ấy, cùng với lá sẹ, buồng trứng lấy ra lúc trước thả vào nồi sốt cà chua, cho thêm su hào thái chỉ (hoặc sang hơn thì lá đậu đen thái chỉ) vào là thành một nồi canh tuyệt hảo chẳng ở đâu có được.

 

Dân dã thế, nhưng dễ có mấy ai được thưởng thức. Xưa kia, cá mòi là một thứ tiêu chí để phân biệt người sang, kẻ khó. Chẳng thế mà có câu ca “Phú ông cơm trắng cá mòi/Bần nông cơm bột lại đòi rau dây” là gì. Hiểu được câu ấy, mới thấy giờ ta được “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày” là thiên đường so với các cụ ngày xưa. Ấy vậy mà vẫn có kẻ than thời trách thế, quả là lòng tham con người vô đáy...

 

II- Đến những đêm thả lưới

 

Các cụ mơ đến món cá mòi cũng còn có một lý nữa. Đó là việc đánh, bắt cá mòi ở vùng cửa sông xa xưa này thức ra cùng không đơn giản như giăng chài, kéo lưới các loài cá khác. Đánh cá mòi có những điểm dị biệt mà phải tận mục sở thị mới hiểu được. Theo một nghiên cứu, ban ngày cá mòi thường sống ở độ sâu 3- 6 mét, ban đêm, chúng bơi ở độ sâu khoảng 1- 2 mét. Chính vì thế, những người đánh cá mòi thường đi đánh cá vào ban đêm. Đi đánh cá đêm, ngoài những công cụ đánh bắt thông thường như lưới, thuyền, nhất thiết phải có đèn. Có gia đình đông người, dùng hai thuyền đi đánh cá thì việc ấy đơn giản, chỉ cần mỗi thuyền có một ngọn đèn là được. Nhưng với những ngư dân dùng loại lưới nhỏ, thì phải có cách riêng. Trước đây người ta thường dùng ngọn đèn dầu đặt trên một chiếc bè nhỏ bằng mấy đoạn ống tre ghép lại, mắc vào một đầu và giăng lưới ngang sông. Để đèn không bị sóng, gió trên sông thổi tắt, các bác ngư phủ thường cắt phần đáy chiếc chai thủy tinh úp lên, chỉ để một khe nhỏ phía dưới. Giờ việc ấy được "hiện đại hóa", bóng đèn và phao dầu thay bằng chiếc bóng điện loại 1,5 vôn gắn trên một quả pin. Vì thế, mỗi mùa đánh bắt cá mòi, là khúc sông từ Phố Hiến lên đến Khoái Châu lại rực rỡ, lấp lánh như những đêm hoa đăng vậy.

 

 

 

Việc thả lưới cũng không phải bạ đâu làm đấy được. Để lưới không trôi đi và ít phải “chạy” tàu bè qua lại, phải chọn chỗ nước “lững”- tức là đoạn sông nước không chảy xiết, không sâu quá. Và, quan trọng nhất là phải đúng con nước. Nếu phải là ngày thủy triều lên cao, nước sông chảy ngược vào phía thượng nguồn thì có thả lưới cũng không bắt được cá. Nhưng nếu chọn đúng thời điểm nước bắt đầu rút là thả ngay lưới có thể “thu hoạch” gấp bội. Anh Quân, một ngư phủ cũng ở thôn 5 cho biết có đêm một mình anh đánh được hơn năm chục cân cá. Với thời điểm hiện tại, bán buôn cũng được 40- 45.000đ/kg, tính ra, thu nhập cũng không nhỏ.

 

Thế nên, việc đêm hôm lặn lội bên sông mùa này với các bác chài không còn là công việc vất vả mà lại là một thú vui, là nỗi đam mê. Buổi chiều, trước khi “xa khơi”, cả bọn lại tụ tập bên bến sông “gác chèo lên  ta nướng ngô khoai/ nhậu cho tiêu hết mấy chai” hệt cách hào sảng của các cụ trong bài Lý kéo chài. Mà cũng không hẳn như thế, bây giờ, họ không nhậu bằng ngô khoai nướng nữa, mà là bò khô, lạc rang uống với bia chai Hà Nội đàng hoàng. “Thế mới có sức mà thức đêm thức hôm chứ”, anh Quân bảo. Và, anh khoe thêm, mỗi vụ cá, anh vừa làm vừa chơi cũng thu nhập được mười lăm, mười tám triệu, “đủ ăn cả năm”. Nhưng tôi thoáng nghĩ mà chẳng dám nói ra, ngoài mênh mông sông nước kia với thăm thẳm đêm hôm, chắc không ít hiểm nguy rình rập. Nhỏ nhất là chuyện lưới bị tàu, bè qua lại cuốn mất. Cứ theo lời ông Sản thì hầu như đêm nào cũng có người “mất cả chì lẫn chài” bởi chân vịt tàu lớn xuôi ngược trên sông. Mỗi tay lưới, giá cũng chẳng dưới triệu đồng...

 

*

Chúng tôi ra về khi trời mới tang tảng và “cá bạc đầy khoang” như lời ai đó đang nghêu ngao hát. Trên bến, đã tíu tít mấy chị, mấy cô đón cá lên chợ sớm. Chẳng hiểu do say sóng hay thiếu ngủ mà nhìn các cô hàng cá tre trẻ, tôi đều thấy xinh xắn lạ. Đến nỗi phải thốt lên với chị vợ anh Quân “Hình như con gái làng bác ăn lắm cá mòi hay sao mà cô nào cô ấy đỏ da thắm thịt gớm!” khiến cả đám cười tóa lên.

 

Sáng ấy, tôi làm một giấc dài và mộng mị. Nói trộm vía... vợ, chứ trong giấc mơ của tôi chỉ rặt những cá mòi với mấy cô hàng cá. Đến tận khi vợ tôi đánh thức dậy với đĩa cá mòi “chiến lợi phẩm” thơm lừng trên mâm, tôi vẫn còn ngu ngơ một lúc. Nói nhại theo cụ Trang Chu thì, chẳng biết tôi mơ đến cá mòi hay chính là lũ cá mòi đang tung tăng bơi lội ngoài sông Cái kia đang mơ “đánh bắt” được tôi.../.

Phạm Minh Hoàng
Số lần đọc: 2365
Ngày đăng: 03.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xổ bụi - Nam Dao
Bài Học Vỡ Lòng - Mây Ngàn Phương
Bác Nguyễn - Nam Dao
Lại Một Người Tử Tế Nữa Ra Đi - Hoàng Quốc Hải
Hà Nội, Nơi Có Một Lần Chúng Ta Thân Ái…Tiếp - Thế Phong
Hà Nội, Nơi Có Một Lần Chúng Ta Thân Ái… - Thế Phong
Hoàng Cầm, một vị thơ - Nam Dao
Tưởng nhớ nhà thơ Hoài Anh: Những giấc mơ nằm nghiêng - Vân Long
Thời Thanh Xuân Của Trịnh Công Sơn - Sâm Thương
Bèo Trôi Giữa Dòng - Nguyên Minh