Trụ cầu bằng hai cây tràm buộc, bắt chéo nhịp, giữa thả một cây tre già, nhịp lên xuống cũng bằng thân tràm, chưa bóc vỏ.
Nước dớn rừng U Minh đổ ra màu thẫm như nước trà. Vài mảnh vỏ tràm còn lưu luyến thân cây thòng xuống vạch những nét ngoằn ngoèo trên dòng chảy.
Chọn nơi thả mồi câu cá, người ta ngồi bờ sông, bờ ruộng, mũi xuồng, bóng cây. Ai như cô gái này đứng lắt léo giữa cầu khỉ. Chân đặt lên thân tre, lưng tựa cây tràm, trời nắng chan chan, khăn rằn không che đầu mà quấn cổ, treo cái đục lên tay vịn, cầm cần câu, câu cá trê.
Khách qua cầu là anh bộ đội quần cụt đen, áo cổ vuông cũng đen. Cầu khỉ lắc lư, thân tre chỉ đủ cho một bàn chân bước, đâu có lối cho hai người. Người câu hững hờ như không hay biết, lặng lẽ chăm chú vào chiếc phao "Nam nữ thọ thọ", "tư thế quân nhân" dám nào đường đột chen qua. Được người dễ tính không nói, cầm bằng trách móc có mà chết chắc!
- Chị ơi! Làm ơn cho tôi bước qua.
Đôi môi che dưới chéo khăn rằn cất lên tiếng nói trống không:
- Kêu bằng chị không cho đi!
- Vậy phải kêu bằng gì? Cô ơi làm ơn cho tôi bước qua!
- Kêu bằng cô không cho đi!
- Gọi bằng Chế nghe! Chế ơi, làm ơn cho hia đi qua!
- Tôi có phải người Tiều Châu đâu mà kêu bằng Chế!
- Vậy! On ơi! Làm ơn cho tôi bước qua!
- Tôi không phải là người Miên.
Anh bộ đội mỉm cười, trinh sát được ít nhiều ý đồ của đối phương. Anh chàng khom xuống ghé sát bên tai hạ tần số âm thanh nói khẽ:
- Vậy kêu bằng em được không?
Cô gái kéo cao hơn chéo khăn rằn để che nụ cười môi, nhìn bằng một con mắt rưỡi, nửa con mắt khuất chéo khăn.
- Vậy thì được! Cho đi!
Nói xong cô nép mình vào cột cầu nhường lối cho khách.
Giờ thì khách không đi nữa, anh chàng thò tay mở nắp chiếc đục nhìn vào hỏi:
- Được mấy con rồi?
- Đứng từ sáng tới giờ chưa được con nào, mỏi cả chân!
- Em câu cá gì vậy?
- Câu cá trê.
- Cá "chê" hả? Đưa mượn câu đi. Bộ đội câu cho mà coi. Đây mát tay lắm, cá không chê tôi đâu!
Rồi anh đường đột ngồi lên thân tre, chân thả tong teng.
- Ôi, cái anh này, đi đi! Người ta nói chết!
- Nói ai chớ có nói đây đâu mà đây sợ. Đưa đây, câu được một con là tôi đi ngay, không thôi ngồi đến chiều luôn.
Anh đưa tay với sợi dây, lần đến lưỡi câu, sửa lại mồi, ung dung thả xuống nước.
Chiếc phao chưa được đứng yên, ngấn nước chưa kịp xóa là ngọn cần câu đã trĩu xuống, con cá ăn ngầm là con cá lớn, nó rê sợi dây nửa vòng rồi lệch ra xa. Tay cầm cần, chùng dây theo hướng rồi bất gờ giựt nhẹ xách bổng con cá trê vàng ươm trơn bóng.
Cô gái reo lên:
- Anh cẩn thận, ngạch nó chém nhức lắm đó!
- Yên bụng đi em, vào tay anh như vướng phải lưới tình, đố cựa quậy.
- Anh giỏi thiệt đó! Em câu cả buổi chưa được con nào, anh mới thả xuống đã được con bự.
- Em không dở đâu! Chỉ tại con cá này đó chớ! Nó kỵ...
- Kỵ là sao?
- Nó là con cá mái, không ăn mồi của em. Bây giờ em câu đi, thế nào cũng được con nữa. Còn con cá trống dưới đó!
Cô gái nén cười:
- Em quê mùa anh nói ý tứ em không hiểu đâu!
Cô nhìn cái phao chờ đợi.
Quả nhiên cần câu lại lay động. Con này lại to hơn một mười một bảy.
- Cái anh này! Nói như thầy bói.
- Vậy có chịu nghe lời thầy bói không?
- Lời gì?
- Lời thầy bói đoán về hậu vận của hai đứa mình đó. Ông bảo: hậu vận mình như hai con cá trong cái đục này. Một con trống một con mái thế nào cũng thành vợ thành chồng, chịu hôn?
- Anh nói kỳ quá! Mắc cỡ thấy mồ!
- ừ đại đi khỏi mắc cỡ.
- Em không nói được đâu.
- Không nói thì đưa cần câu đây, câu nữa, chừng nào trả lời cho anh biết anh mới chịu về.
- Không! Mắc cỡ lắm! Không nói đâu. Anh về đi, đến mai em nói cho mà nghe! Hi! Hi...
Anh chàng mở nắp đục, ngắm hai con cá sánh đôi rồi trao tận tay cô gái:
- Coi như cá này của chung hai đứa, chẵn hai con đủ vợ đủ chồng, cho anh gởi gắm để em đem về thả xuống ao nuôi giùm! Sau này sẽ có cá con lủ khủ.
*
* *
Hôm sau, bộ đội ra sân tập, mục nhắm bắn hồng tâm, có đông đủ mọi người.
Một em bé, nước da ngăm ngăm đen, mặc quần đùi hở rốn, mộc mạc dễ thương, thập thò một lúc sau gốc dừa, lấy can đảm chạy ù đến sau lưng anh bộ đội nói to:
- Anh gì ơi! Hai con cá trê chị Hai em thả xuống ao nuôi rồi. Còn chuyện anh biểu chị Hai em trả lời đó, chị hai em nói: Được.
Bé tên là Sơn, nói xong bẽn lẽn vừa đi vừa tủm tỉm cười. Cả tiểu đội hiểu ra cười ngất.
Kể từ đấy như cô Tấm "Bóng bóng bang bang" trong chuyện cổ tích, cô Hai vùng kinh nước dớn nuôi hai con trê, gửi gắm cả hy vọng của mối tình vừa nhen nhúm.
Mỗi sáng, mỗi chiều, khi xuống cầu ao, cô không quên rải vài nắm cám, cá trê hàng đàn nổi lên há mồm vớt cám, râu ve vẩy như chào mừng. Cô gái nhận biết hai con cá của mình để nhớ bạn lòng. Có thể cô nhận lầm vì có rất nhiều cá, nhưng trong tâm tưởng, cô tin ở mắt mình.
Tất nhên hàng năm gia đình tát ao thu hoạch cá! Chuyện này riêng cô biết, cô không quên âm thầm thả hai con trê to nhất trả lại ao sâu giữ kỷ niệm một mối tình.
Bộ đội đóng quân trong xã năm ba ngày rồi đi chiến đấu, mươi ngày một tháng lại trở về chốn cũ "Ai về nhà nấy" ý nói trước ở nhà nào giờ lại đóng quân ở nhà ấy, coi nhà dân như gia đình của mình.
Lần này là lần thứ ba kể từ khi cô gái thả cá xuống ao.
Một buổi tiểu đội ở thao trường, anh bộ đội ở nhà một mình viết báo cáo. Thằng Sơn xuất hiện, nó bơi tắt qua rạch, mình ướt mà đầu khô. Nó cũng biết làm theo mấy anh liên lạc viên trong chiến đấu. Nó nhét tờ giấy trên chiếc khăn rằn bịt đầu cho khỏi ướt.
Thơ viết ngắn như vầy:
Anh Sáu Viên.
Em cần gặp anh ngay. Gấp.
Ký tên
Mùi
*
* *
Sáu Viên sang đến nơi, trước sau vắng vẻ, cả nhà đi làm rẫy. Lần ra sau bếp, cô Mùi ngồi trên góc bộ ván quay lưng, hai bờ vai giật giật theo tiếng nức nở:
- Tại sao em khóc?
- Biết á!
- Làm sao anh biết được?
- Em không chịu đâu! Các anh ấy cười anh!
- Các anh nào?
- Bên tiểu đội 2 bên kia kìa. Họ nói anh đánh đồn bị lửa đốt cháy đít, còn bị đứng nghiêm cho Ban Chỉ huy cạo. Họ nghe thấy nên họ cười. Em không chịu nổi anh bị bêu diếu đâu!... hít... hít...
Sáu Viên biết tỏng cái kiểu bông phèng, hoạt náo thích có chuyện để cười cho vui đời lính của anh em. Họ không cười anh đánh thua trận, mà thích thú khi chứng kiến cảnh đứa nào bị đứng nghiêm nghe chỉnh.
Trận đánh lô cốt Thầy Cai vừa đây, anh chỉ huy trung đội đánh, học kinh nghiệm của Khổng Minh dùng hỏa công để diệt đồn. Kế hoạch là: chặt nhiều tre ra từng đoạn buộc bùi nhùi vào xơ dừa đập tơi, nhúng dầu ném lửa vào để thiêu cháy đồn giặc. Trong xóm ấp, các tiệm chạp phô có bao nhiêu thùng dầu mua hết đưa ra mặt trận. Nửa đêm, sau khi áp sát hàng rào gai, vây đồn, lính ta nhúng dầu châm lửa, ra sức ném vào đồn giặc. Nhưng gậy ta đập lưng mình. Thùng dầu bốc hỏa cháy, cả khu vực bố phòng sáng rực lên.
Lính giữ đồn vừa thích thú reo hò. Buộc lòng bên tấn công phải rút lui. May nhờ học kỹ bò, lê, lăn, toài nên chỉ hai người bị rách mông. Đã thua trận còn bị kêu lên cạo. Thử hỏi người mình yêu lâm cảnh ngộ, làm sao cô Mùi chẳng mau nước mắt.
- Em đừng giận mà nên cám ơn các anh ấy.
- Cám ơn nỗi gì. Nói xấu anh, bếu diếu anh để cười cho thoả thích mà anh còn bảo cám ơn!
- Không! Chốc nữa anh sẽ sang bên ấy cám ơn, vì nếu không có họ làm sao anh đo được tấm lòng em yêu anh đến phát khóc.
- Nói vậy em không thèm khóc nữa.
- Phải! Như vậy chứng tỏ em biết vâng lời.
- Hứ! Cái lưỡi không xương, khóc nín gì cũng vơ về mình. Anh khôn lắm!
Vừa lúc ấy có tiếng quăng đánh phịch ở ngoài sân. Một người con trai địa phương vất một bao cà ròn đầy nhóc cá trê, mặt hầm hầm nói như bổ củi:
- Đấy! Có thèm ăn cá trê kho tộ hay mắm gừng gì mặc sức ăn đi, để khỏi phải ngày ngày thả cám cho hai con cá bá vơ đó ăn rồi mơ với tưởng.
- Anh điên rồi?
- Phải mà, cô chê tôi là "cà nhỏng chống xâm lăng" không dám đi bộ đội, cô đâu có thông cảm cho tôi, cha già, mẹ yếu.
Cô Mùi hứ một tiếng quay lưng bỏ vô "Thứ chết nhát mà còn bảo cha mẹ già yếu... Nước không biết thương, lấy gì để thương cha mẹ?!".
Anh chàng trơ như đá, bước sấn theo đến thềm nhà:
- Tôi thương em, chẳng lẽ đợi tôi phải moi gan móc ruột để hết ra ngoài em mới thấy? Tôi biết em lạnh lùng với tôi vì có hình bóng khác.
Nước ròng bỏ bãi xà cừ
Lại đây anh nói tận từ em nghe
Hai ba nơi đi nói em không màng
Để chờ nơi xứ lạ sẵn sàng quy mô
Cô Mùi quày quả bước ra, chống nạnh ngược bàn tay:
- Văn thơ hay quá, văn thơ o mèo! Có cần tôi mời bà con lối xóm đến nghe phụ không? Bớ...!!
- Thôi! Thôi! Tôi xin cô...
- Không xin xỏ gì hết! Chịu khó mang cái bao này đi, không tôi la lên là anh cưới xin tôi bằng một bao cá trê.
- Thôi, thôi! Để anh đi, anh đi...
Anh chàng xách bao cá lầm lũi bước qua cầu lẩm bẩm:
Khôn ngoan cũng thể đàn bà
Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông!
*
* *
Tính cả ghen của anh chàng hóa ra được việc. Sáu Viên ngồi trong bếp nghe chuyện anh chàng si tình, bắt cá trê, bèn liền nghĩ đến chuyện đánh giặc. Tập tính của cá trê về mùa khô dưới nước kém phải tìm chỗ trú ẩn, chờ đến mùa mưa, cá trê chọn chỗ hẩm hai bên bờ, moi hang vào lòng đất, bên ngoài hẹp bên trong rộng dẫn ra, chứa đầy bùn nhão. Dưới lớp bùn hàng trăm con chen nhau, nương hơi ấm của bùn đất mà sống. Người ta lần theo ven bờ, theo dấu tìm phát hiện được "nồi gọ", bít miệng hang tha hồ vớ được mẻ to, cả bao là ít.
Nhớ lại hai trận liền thất trận, cô Mùi tức mà phát khóc, một trận xung phong đã đời chiếm đồn chỉ được con heo, và dùng hỏa công bị cháy mất đũng quần, chạy toé nước Sáu Viên tự hỏi: Tại sao không học miếng "bịt nồi gọ" của anh chàng si tình để hạ đồn giặc. Binh lính rút vào lô cốt khác nào cá trê rút vào nồi gọ???
*
* *
Tin bộ đội Sáu Viên hạ đồn Thầy Cai làm cả xóm kinh Dớn Choai dậy lên niềm vui rộn ràng và phấn khích.
Thằng Sơn mau chân đi xem tù binh áp giải về tới địa phương, bèn về nhà kể lại:
- Anh Sáu Viên thật là giỏi, anh dùng chiến thuật "bịt nồi gọ" rồi dùng hỏa công bắt hết, không sót một thằng.
- Thằng này không được nói năng bừa bãi, quân sự hệ trọng chứ có phải bắt cá đâu mà bịt nồi gọ.
- Con nói thiệt mà ba! Ai cũng nói như vậy hết, mấy anh dân quân đi phục vụ chiến trường về kể lại rõ ràng.
Thằng Sơn thuật lại những gì nó đã nghe như một phóng viên mặt trận.
- Lần trước anh Sáu Viên đánh đồn Thầy Cai, xung phong vô cái đồn bỏ trống chỉ thu được con heo chúng nó đi ruồng bắt của đồng bào. Còn binh lính thì theo đường hầm bí mật trốn mất.
Một lần khác đánh đồn bằng hỏa công anh bị cháy thùng dầu phải rút lui.
Bị cấp trên rầy, anh ấy tức nên đi trinh sát tìm cho được cái ngách đường hầm xông khói vô đồn cho chúng nó ngộp mà rút lui không được, anh còn kết hợp đánh hỏa công rút kinh nghiệm lần trước không châm lửa rồi mới ném, mà nhúng dầu ném bùi nhùi vào trước cho thật nhiều, sau đó mới bắn đạn lửa vào. Vừa ngộp khói vừa nóng chúng nó trương cờ trắng đầu hàng.
Lúc ấy Sáu Viên đến thăm, ông già hỏi:
- Làm sao cháu nghĩ ra cái chuyện bịt nồi gọ vậy Sáu?
- Dạ cũng nhờ kinh nghiệm của bà con ở đây, bắt cá trê mùa khô rút vào nồi gọ, nằm mà...
Cô Mùi nghe qua không nhịn được, bèn bước ra sau bếp để cười một mình. Cô đoán biết rằng cái bao cá trê của anh chàng si tình đã gợi ý cho Sáu Viên nghĩ ra chiến thuật chặn nghách lấy đồn giặc. Nhưng cô không cho ai biết để đến lúc nào chỉ có hai người cô sẽ hỏi.
*
* *
Đời chiến sĩ, thời gian do trận mạc chi phối. Thương nhau chưa kịp làm lễ cưới, đột ngột nghe tin hòa ước Genève đình chiến, anh theo đội ngũ tập kết ra miền Bắc.
Đôi bạn trẻ xót đau vì cảnh chia ly. Lời hẹn biển thề non để lại, còn người phải ra đi nghìn trùng xa cách.
Trên thao trường ở vùng trung du miền Bắc, lúc nào tập luyện thì thôi, lúc ngồi một mình nghỉ ngơi, Sáu Viên tựa má vào nòng súng ca bài ca của Lục Vân Tiên:
Nhưng tăm cá bấy lâu vẫn bặt
Biết bao giờ mới được đoàn viên
Thu Mùi em ơi!... (trong vở Lục Vân Tiên)
Có một bà lão nhà đóng quân ở Thanh Hóa, trưa hè phe phẩy quạt, buột miệng hỏi một câu:
- Các anh ra ngoày này được mấy năm rồi nhỉ?
Anh bộ đội đáp:
- Thưa cụ đã chín mùa táo rụng.
Bà lão gật gù: "ừ nhỉ"
Rồi lại trở về Nam chiến đấu, mười một năm sau mới được mừng ngày giải phóng.
Anh Sáu Viên đáp xe về Cà Mau chờ đò về Kênh Dớn Choại mong tìm gặp người yêu sau bao năm xa cách.
Một người đứng trên ghe dứa vàng ươm cứ chăm chú nhìn anh. Cuối cùng họ nhận ra nhau.
Anh chàng chận ngách cá trê năm xưa, giờ tóc muối tiêu, dáng người khắc khổ, bà vợ chèo lái ghe dứa, đã là người vợ thứ hai.
Gặp người quen, Viên hỏi:
- Cô Mùi vẫn còn ở chỗ cũ không anh?
Anh ta ngần ngừ một lúc rồi bảo:
- Gia đình cô Mùi là người ở Bến Tre tản cư qua. Khi chính quyền mới tiếp quản, họ đã về xứ rồi.
Sáu Viên cả tin. Đành lên xe lặn lội về Bến Tre tìm kiếm. Nhưng Mỏ Cày hàng chục xã tìm đâu thấy nên đành...
Than ôi tăm cá bây lâu vẫn bặt
Biết bao giờ trở lại đoàn viên.
Chiến tranh Tây Nam lại đưa chân người lính lên đất bạn. Xong nhiệm vụ trở về những bốn năm sau!
Cho đến ngày Hội cựu chiến binh tổ chức về thăm lại chiến trường xưa. Một cán bộ xã ngày trước nay đã lên nhận nhiệm vụ ở huyện nói:
- Các anh có ai là Sáu Viên. Lê Văn Viên không?
- Có tôi đây!
- Mèn ơi! Sao mà ông tệ vậy ông? Cô Mùi vẫn chờ ông ở trong ấy!!
*
* *
Một chiếc tắc phóng như bay về Kinh Dớn Choai.
Cây cầu khỉ chỗ ngồi câu cá trên năm xưa nay đã là một cây cầu xi măng. Tắc rán nhả ga, tiếng máy xình xịch thưa dần trong khi trái tim người lính dồn dập. Từ trong nhà một người trung niên chạy ra. Mọi người trên ghe không nói gì để xem họ có nhận ra nhau không.
Chú khách chìa tay ra như không bắt chờ cho dĩ vãng tái hiện lên.
- Em Sơn phải không?
- Ôi anh Viên!
Họ ôm chầm lấy nhau. Sơn là cậu bé năm xưa, ra nơi thao trường nhắn tin rằng "Chị em nói "được"... ấy". Nay anh đã là một người đàn ông đứng tuổi, cha một gia đình lủ khủ đàn con. Khi chủ khách vào nhà, Sơn hỏi:
- Cô của con đâu?
Các cháu nói:
- Tự nhiên cô đứng lên bỏ chạy ra ngoài sau.
Mọi người đẩy vai anh bộ đội:
- Mau lên, theo đi ông nội! Lần này không được để vuột mất đấy.
Sáu Viên bước ra sau bếp, đẩy cánh cửa hậu ra vườn tìm khắp nơi. Tăm cá dưới ao nở lên đây đó trên mặt nước, nhưng người đâu không thấy.
Một chú bé con của Sơn ra hiệu chỉ về phía góc nhà. Một chiếc áo bà ba quay lưng lại, kéo khăn lau nước mắt.
Sáu Viên nhẹ chân bước đến. Kỷ niệm xưa tái hiện lại sau ba mươi năm mở lối cho phút giây gặp gỡ bằng câu nói cũ:
- "Chị ơi! Làm ơn cho tôi đi qua!"
Cô Mùi nén thổn thức quay lại, tay em nắm tay anh và... với một lời trách móc:
- Sao không đợi đến cúp bình thiếc rồi về một thể.
Họ nhìn nhau thấy tóc trên đầu điểm nhiều sợi bạc, thời gian đã gậm nhấm tuổi xuân của họ đã nhiều rồi.
Cô Mùi dắt tay người xưa ra cầu ao, làm cái việc mà cô vẫn làm dạo ấy: rắc cám tìm tăm cá.
Cá nổi lên bơi lội vớt mồi, múa râu trông vui mắt. Cô vẫn đinh ninh rằng hai con cá hàng năm cô thả trở lại ao vẫn là đôi ấy. Ta không thể vì lý do gì để chẳng tin như cô.
Còn anh chàng bịt nồi gọ để bắt cả bao cá thuở trước đã đánh lạc hướng không cho tình cũ gặp nhau đã phụ họa với thời gian cướp thêm của họ hơn dăm năm nữa, đáng lý đã bị em cô Mùi nện cho một trận nên thân, nếu không có người can gián. Chẳng qua là hắn quá si mê, có vợ hai đời rồi mà vẫn tơ tưởng cô gái đã làm héo hắt trái tim hắn tự thuở ban đầu. Sau ngày vui tái ngộ, trên sông Trèm Trẹm lộng gió một chiếc xuồng cắm lá dừa nước làm buồm rẽ nước băng băng. Cô Mùi lái xuồng, người yêu chèo trước mũi, đưa bạn cũ trở về thành phố hẹn thời gian trở lại, thu xếp cuộc đời.
*
* *
Chưa quá một tuần điện khẩn từ Cà Mau gởi về, người gởi là cậu Sơn:
- "Anh về gấp bệnh viện thị xã Cà Mau, chị ấy nguy cấp".
Giường bệnh trắng tinh, trên đầu giường treo một chai nước biển nhỏ từng giọt sống theo ống nhựa trong suốt. Một bình oxy nút đồng truyền hơi thở vào chiếc mặt nạ úp lên mặt bệnh nhân.
Anh bộ đội ấp hai bàn tay rám nắng lên bàn tay khẳng khiu. Bác sĩ không cho ai vào, nhưng trong trường hợp này được chiếu cố.
Chứng suy tim tái phát, nỗi khắc khoải ba mươi năm lớn quá, thêm vào nỗi lo hạnh phúc thấy đó có nắm được không? Hay lại là như tăm cá! Aỏp lực ấy ngày càng đè nặng lên trái tim đơn côi, bộc phát cơn bạo bệnh... Hôm sau, bác sĩ từ trong phòng bệnh bước ra, sắc thái tươi cười. Hai ngày sau ông ký lệnh cho bệnh nhân xuất viện.
Nàng đi đứng bình thường bên cạnh người yêu. Anh lính bắt tay bác sĩ:
- Cám ơn! Cám ơn bác sĩ.
Bác sĩ nở nụ cười đồng cảm có chút hoạt náo, sau khi vỗ vai anh lính: lúc mê man chị ấy chỉ gọi tên anh. Người đáng được cám ơn chính là anh đấy! Ông tướng ạ! Nếu không xuống kịp, chậm một buổi nữa thôi thuốc men sẽ bất lực. Cho nên tôi kê đại cái toa "thất tình sâm" (nghĩa là điện gọi anh xuống), đâu ngờ lại trúng.