Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.143
123.227.139
 
Ca Nhạc Việt Nam 35 Năm Nhìn Lại
Bùi Công Thuấn

Bài này là ghi nhận của một người thưởng thức âm nhạc theo cảm tính và chủ quan. Vì thế có thể có những nhận định chỉ đúng với riêng tôi, và khác biệt với bạn đọc. Điều ấy là bình thường, nhất là trong lãnh vực phong phú như âm nhạc. Nhiều khi sự khác biệt sâu sắc đến nỗi không thể dung hòa. Cuộc sống vốn phong phú, sự cảm nhận cũng phong phú. Tôi chỉ ghi những nghĩ suy của mình về những ca khúc thời tôi đang sống, đang hít thở không khí âm nhạc.  Đâu đó, những giai điệu ấy vang mãi trong tâm tưởng, làm cho thế giới cảm xúc của tôi rộng mở, và tôi yêu đời hơn, hạnh phúc hơn.

 

Những  con đường chưa có lối đi

 

Nhiều năm tháng sau 30.04.75, âm nhạc VN vẫn dậm chân tại chỗ, không vượt qua được ảnh hưởng của dòng nhạc kháng chiến vẫn còn bao trùm lên đời sống âm nhạc. Hơn nữa phương pháp sáng tác mới chưa xuất hiện. Công chúng vẫn hát : Đất Nước Trọn Niềm Vui, Chiếc Gậy Trường Sơn, Năm Anh Em Trên một Chiếc Xe Tăng, Hành Khúc Ngày Và Đêm, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Chiếc Áo Ấy, Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn. Có thêm một số ca khúc mới, nhưng vẫn trong dòng nhạc Cách mạng: Vết Chân Tròn Trên Cát, Em ở Nông Trường Anh Ra Biên Giới, Hồ Trên Núi, Bài Ca Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ, Tình Đất Dỏ Miền Đông, Nhánh Lan Rừng, Màu Hoa Đỏ, Bài Ca Không Quên, Tình Ca Mùa Xuân, Mùa Xuân Bên Cửa Sổ…Thi gian này, công chúng miền Nam tìm hát những ca khúc trữ tình ở Sàigòn trước 1975. Ở hải ngoại, Thúy Nga Paris khai thác lại các ca khúc của Sài gòn. Các chương trình của Thúy Nga  được lén lút sao chép ở trong nước.  Bởi âm nhạc trong nước giai đoạn ấy chưa có tác phẩm đáp ứng yêu cầu của giai đọan mới. Âm nhạc cũng trì trệ như tình hình chung của đất nước trước đổi mới.

 

Có những chuyển động, song rất chậm. Hầu hết các nhạc sĩ Sàigon trước 1975 không còn sáng tác, nhiều người đã ra nước ngoài. Trịnh Công Sơn có Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Em ở Nông Trường anh ra Biên Giới, Tuổi Đời Mênh Mông . Các nhạc sĩ miền Bắc đang làm quen với loại ca khúc trữ tình viết theo giai điệu của các tiết điệu  thời trang (Slow Rock, cha cha cha, pop, rock...), điều mà trước đó là rất xa lạ so với ca khúc thời kháng chiến.

 

Khơi nguồn những dòng chảy mới

 

Khoảng 1987 trở đi, có một cuộc cách tân mạnh mẽ cách viết ca khúc, mở ra một thời kỳ mới. Ca khúc VN không còn trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị, không còn trực tiếp ca ngợi Đảng và Bác Hồ (tuy đề tài này vẫn là đề tài truyền thống, được các nhạc sĩ trong các cơ quan văn hóa Nhà Nước sáng tác theo mùa), không còn là những bài minh họa đường lối chính sách như trước đó. Mà thiên về thể hiện tình cảm quê hương, tình yêu và nỗi niềm của cái tôi cá nhân.

 

Đáng kể là ca khúc của cac nhạc sĩ Trần Tiến, Dương Thụ, Bảo Phúc, Bảo Chấn, Phú Quang,Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện,... Ngày nay nhiều bài của thời ấy vẫn đọng lại trong lòng người nghe : Chiều Xuân, Thì Thầm Mùa Xuân (Ngọc Châu), Hoa Cỏ Mùa Xuân, Bên Em Là Biển Rộng (Bảo Chấn), Lời Của Gió (Duy Thái), Lời Tỏ Tình Của Mùa Xuân(Thanh Tùng), Sắc màu, Tóc Gió Thôi Bay (Trần Tiến), Phượng Hồng (Vũ Hoàng), Tóc Em Đuôi Gà (Thế Hiển), Lắng Nghe Mùa Xuân Về ,Vẫn hát Lời Tình yêu (Dương Thụ), Mơ Về Nơi Xa Lắm (Phú Quang), Hà Nội Mùa vắng Những Cơn Mưa(Trương Quý Hải), Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội (Trần Quang Lộc), Em Ơi Hà Nội Phố (Phú Quang), Không Còn Mùa Thu, Dòng Sông Lơ Đãng (Việt Anh), Một Thoáng Quê Hương (Từ Huy-Thanh Tùng)...Sự thành công của các ca khúc này là ở chỗ, các nhạc sĩ sáng tác giữ được chất trữ tình của ca khúc VN truyền thống (thú dụ : Em Ơi Hà Nội Phố), với những khám phá mới về tiết tấu hiện đại (Thí dụ :Thì Thầm Mùa Xuân) Nhiều ca sĩ đã khẳng định mình trong giai đoạn này. Tiếp nối những Bảo yến, Cẩm Vân, Thu Hà...là một thế hệ ca sĩ mới ; Phương Thanh, Lam Trường, Cẩm Ly, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh, và sau đó là Quang Dũng, Mỹ Tâm, Hiền Thục, Hồng Ngọc, Mỹ Lệ Nguyễn Phi Hùng...Ca khúc VN giai đoạn này đã thoát ly hẳn các ca khúc cách mạng giai đọan trước và  góp thêm những ca khúc trữ tình thời đại mới làm phong phú thêm nhạc trữ tình VN. Nhiều ca khúc trong nước giai đoạn này đã được Thúy Nga sử dụng trong các show diễn của mình, tức là có một dòng chảy ngược từ trong nước ra nước ngoài, khác hẳn với giai đọan trước đó.

 

Bước vào thế kỷ 21

 

Từ 2007 trở đi, ca khúc Việt Nam có một bước khởi sắc mới. Ca khúc VN hội nhập với ca khúc thế giới, tuy nhiên cho đến nay, đó mới chỉ là những bước khởi đầu, chưa vươn ra khỏi lãnh thổ VN.  Ca khúc VN từ 2007 đến nay chịu ảnh hưởng trực tiếp của các dòng nhạc nước ngoài về giai điệu. Các ca sĩ nhái lại nguyên si cách biểu diễn của các ca sĩ, các nhóm nhạc nước ngoài. Sân khấu sôi nổi hơn. Ca sĩ đơn ca thường xuất hiện với các nhóm múa phụ họa. Sân khấu hoành tráng và hiện đại hơn về âm thanh, ánh sáng, trang trí. Các show diễn đòi hỏi nỗ lực cao hơn của ca sĩ, bởi ca khúc được phối âm phối khí phức tạp hơn. Hát và nhảy đòi hỏi ca sĩ phải tập dợt nhiều hơn. Có thể thấy rõ ảnh hưởng của Thúy Nga trong cách trang trí sân khấu, cách biểu diễn và phối khí của sân khấu ca nhạc trong nước. Thực ra Thúy Nga cũng chỉ là người đi trước một bước trong việc Việt hóa sân khấu nước ngoài để đáp ứng thị hiếu khán giả Việt

 

Ca nhạc bây giờ hoàn toàn hướng về thi trường và chịu sự chi phối của thị trường. Tất cả tùy thuộc vào công nghệ lăng xê. Trước kia, một ca khúc hay có thể đứng được một năm, giờ đời sống của một ca khúc chỉ tính tháng tính ngày. Bởi chất lượng nghệ thuật của các ca khúc rất thấp. Chúng na ná nhau trong một album, và na ná nhau từ album này đến album khác. Giọng ca và phong cách biểu diễn ca ca sĩ (teen) cũng là những bản sao của nhau và của các ca sĩ và nhóm nhạc nước ngoài. Hầu hết là bắt chước cách trình diễn củaThúy Nga Paris, Boyzone, Backstress Boys, Westlife, Steps, Wet wet wet, Ricky Martin, Mariah CareyCó quá nhiều ca khúc lai căng, nhái nhạc Hàn, nhạc Mỹ, đến nỗi người nghe không còn nhận biết được đây là nhạc Việt hay nhạc nước ngoài lời Việt. Trước kia, để trở thành ca sĩ, một giọng ca phải tốn nhiều công sức học tập. Bây giờ, nhờ công nghệ lăng xê, ca sĩ teen mọc lên như nấm sau mưa. Thật khó có thể nghe được hết những album của họ. Họ không có chất giọng riêng, rất ít bài hay. Ca khúc của họ chỉ hướng về mua vui đám đông. Đó là  công chúng thích hò reo, thích xem nhảy nhót và thích ồn ào cổ động fan của mình… và sẵn sàng bỏ “sao” cũ theo “sao” mới.

 

Tôi đã mua nhiều album trẻ và chắt chiu thời gian để nghe. Mình cũng dặn lòng mình cố đãi cát tìm vàng, để may ra nhặt lấy được một hạt ngọc nghệ thuật  nào chăng, nhưng đành thất vọng, vì hàng giả và rất nhiều rác rưởi.

 

Tôi không có ý phủ định nhạc trẻ, bởi tôi thấy trong số các nhạc sĩ trẻ, có nhiều tài năng, nhờ đó lâu lâu tôi cũng nhặt được một vài bài hay. Chẳng hạn, tôi thực sự xúc cảm khi nghe Bà tôi,  Mưa bay tháp cổ , Giấc mơ trưa. Microphone, Bối Rối, Chiếc Lá Cô Đơn, Đêm Năm Mơ Phố, Con Đường Hạnh Phúc, Trăng Chiều, Kiếp Dã Tràng, Con Cò, Quê Tôi, Về Ăn Cơm, Độc Huyền Cầm, Li Ti...Vâng, trong hàng vạn ca khúc được sản xuất trong hàng chục năm qua, ca khúc VN cũng có được một số ca khúc hay, nhưng liệu những ca khúc ấy có đứng được như những ca khúc tiền chiến, ca khúc trữ tình Sàigòn trước 1975 không, còn phải chờ thời gian. Tuy nhiên, trong xu thế thị trường tiêu thụ (ăn nhanh nuốt nhanh, bỏ cái cũ xài cái mới và chạy theo mode), đã có quá nhiều ca khúc bị đào thải ngay khi chưa đến được công chúng rộng rãi. Thế hệ những Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam Lam Trường , Đan Trường, Phương Thanh Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng , Quang Linh đã sắp qua đi, nhưng ngay cả những Bảo Thy, Lương Bích Hữu, Đông Nhi, Thùy Chi, Hồ Ngọc Hà, Thủy Tiên, Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Phạm Quỳnh Anh, dù họ còn khá sung sức trong biểu diễn trên sân khấu hiện nay, nhưng tôi đã thấy con đường đi xuống của họ, bởi họ đã không có được những ca khúc hay như lúc mới xuất hiện (Thùy Chi với Giấc Mơ Trưa, Lệ Quyên với Trăng Chiều, Ngọc Khuê với Bà Tôi...)

 

Nhng nỗ lực và những thành bại

Album Nhật Thực của Trần Thu Hà (2001) là một trận “thử lửa”. Đây là lời giới thiệu của Hà Trần:” Album Nhật thực là sự kết hợp của ba tâm hồn: nhạc sĩ Ngọc Đại, ca sĩ Trần Thu Hà và nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh… Nhiều người nghi ngại không hiểu rồi thứ âm nhạc của không gian mở, phá cách và những ca từ kiểu như vậy có gây "sốc" cho người nghe? Nhưng mình chấp nhận tất cả. Khi làm album, nếu chỉ quan tâm đến nghệ thuật thì rõ ràng không thể kỳ vọng nhiều ở yếu tố thương mại. Cuối cùng thì đó cũng là album của chính mình, của tình yêu và sự khám phá âm nhạc. Ở đó, Hà đang đứng trên một mảnh đất đem đến cho mình thứ cảm xúc mới lạ, tự do, tung tẩy, có thể là một màu sắc mới cho âm nhạc hiện nay chăng?”[1] Bạn thử nghe album này xem, quả thực là một album có nhiều cái mới, song nó xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, và rất khó cảm nhận được cái hay như ý tác giả và ca sĩ muốn đạt tới. Nhật Thực là một nỗ lực bất thành.

CD Chat Với Mozart là một nỗ lực theo hướng khác của Mỹ Linh. Đây là lời giới thiệu :” Chat với Mozart có 9 ca khúc dựa trên những giai điệu quen của các nhạc sỹ cổ điển như Vivaldi, Schumann, Tchaikovsky, Mozart... phần lời do nhạc sỹ Dương Thụ viết, phần hoà âm phối khí do nhạc sỹ Anh Quân và Huy Tuấn đảm nhiệm . Với một phong cách âm nhạc đa dạng khi có sự đan xen hoà quyện giữa nhạc cổ điển với nhiều dòng nhạc mà giới trẻ rất yêu thích như Latinh Jazz, R&B. Funk, và một phần lời theo ca sỹ Mỹ Linh là "cực kỳ xuất sắc", Chat với Mozart có thể coi là một bước đột phá của Diva không ngừng sáng tạo này. CD được chuẩn bị trong 2 năm. Mỹ Linh hy vọng CD của mình đã bắc một chiếc cầu nhỏ để âm nhạc cổ điển”[1] Lời giới thiệu thì “hoành tráng” nhưng sau khi phát hành 10.09.2005, CD này đã rơi nhanh vào quên lãng cùng với tên tuổi Mỹ Linh.

 

Năm Dòng Kẻ là nhóm nhạc có nhiều thể nghiệm và họ đã thành công. CD Cánh Mặt Trời (2007)của họ vừa có phong cách dân gian đương đại, vừa được thể hiện bằng cách hòa âm phối khí và trình bày hiện đại.Vì thế công chúng bình thường có thể cảm được cái hay. Đây là lời giới thiệu:” Cánh Mặt Trời gồm 8 tác phẩm - 8 khúc thức biến chuyển của cuộc sống, mỗi bài hát là một câu chuyện nhỏ mà khi ghép lại, chúng hóa thành một thiên truyện đời rộng mở và mang nhiều ý nghĩa… Các bản phối acoustic và new age được sắp xếp xen kẽ nhau, tưởng chừng như bất hợp lý về mặt âm nhạc, thực chất lại là sự lựa chọn cố ý nhằm tăng kịch tính và màu sắc tưởng tượng cho tổng thể album… Những giai điệu ngũ cung kết hợp với nhạc cụ dân tộc trên nền bản phối hiện đại cùng phong cách phối - hát bè đặc trưng của nhóm là một thử nghiệm sáng tạo khá thú vị của 5 Dòng Kẻ.”[3]

 

Những năm gần đây ca khúc Rap Việt đã có được những bước khẳng định. Bởi một số ca khúc đã đạt được tính nghệ thuật nhất định. Bạn đã nghe 365Band chưa? Ca khúc của họ thuộc loại “có đẳng cấp” nghệ thuật trong số những nhóm Rap. Đây là ý kiến của một fan nói về 365 Band :” Xem một lần choáng hết biết, trông họ không khác gì mấy anh bên Kpop cùng với tên tiếng Anh nữa. Vậy là mình liền search ngay mấy bài hát của 365 band và một lần nữa bất ngờ khi giọng hát của từng thành viên đều quá tuyệt cộng thêm khoản phát âm tiếng Anh khá chuẩn thì rõ ràng nhóm này có rất nhiều triển vọng… Một điều đáng khen nữa ở 365 band đó là chịu khó hát live, trong khi những ca sỹ khác vừa nhảy vừa lip thì 365 lại live ngon lành [4]. Ca khúc Rap Việt Nam đang tìm cách hội nhập với các trào lưu ca nhạc trên thế giới. Tuy vậy Rap trên thế giới đã có nhiều  hướng khai thác mới lạ và đa dạng, Rap VN chưa đạt được những phẩm chất này.

 

Hợp lưu ca nhạc trong và ngoài nước

 

Vi người Việt Nam ở nước ngoài, mở ra một thời kỳ mới của hoạt động văn hóa ca nhạc, thời kỳ giao lưu văn nghệ trong và ngoài nước.Nhiều ca nhạc sĩ Việt kiều đã về nước hoạt động âm nhạc (chẳng hạn gia đình nhạc sĩ Phạm Duy, NS Đức Huy…), nhiều ca sĩ trong nước đi biểu diễn ở nước ngoài. Báo Thanh Niên tổ chức nhiều chương trinh ca nhạc Duyên Dáng Việt Nam có được tiếng vang. Nhiều ca khúc của các nhạc sĩ Sàigòn trước 1975 được cho phép hát lại. Tình hình ca nhạc có những bước chuyển. Chẳng hạn, nhiều ca sĩ trẻ muốn khẳng định đẳng cấp của mình thì thử sức với những ca khúc đã từng nổi tiếng từ trước 1975 ở Saigòn. Chẳng hạn, DVD "Mỹ Lệ in Symphony , Mỹ Lệ  hát  một số ca khúc  của Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên. Từ Công Phụng… Lệ Quyên hát Ảo Ảnh, Chiếc Lá Cuối Cùng, Thùy Chi hát Niệm Khúc Cuối. Phạm Khánh Hưng hát Giáng NgọcNhưng cũng có một thực tế này, nhiều ca sĩ hải ngoại về nước hát như Elvis Phương, Lệ Thu, Giao Linh Tuấn Ngọc, Khánh Hà,... xưa kia họ là những giọng ca vàng của Sàigon, giờ chỉ còn vang bóng. Họ xuất hiện trên sân trong nước với dáng vẻ già nua, hát những bài hát cũng “già nua” như hình sắc của họ, những bài của các thập niên 1970s, cho những người ở lứa tuổi 60 trở lên. Họ không thể cạnh tranh được với các ca sĩ trẻ trong nước. Rồi đây những chiếc lá vàng sẽ rơi rụng khi mùa đông về.

Ca khúc Việt đi về đâu?

 

Có những bước phát triển rất dễ nhận thấy trong ca khúc Việt từ trước 1975 đến nay, chẳng hạn những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Nếu những năm 1970, trong những quán café ở Sàigon, nghe Khánh Ly hát nhạc TCS bằng đàn Guitar thùng mộc mạc, liêu trai, thì sau 1975 nghe Hồng Nhung hát nhạc Trịnh (CD Thủa Bống Là Người), người nghe sẽ thất vọng, bởi chất giọng của Hồng Nhung không hơn được Khánh ly trước đó, dù chất lượng thu âm, hòa âm phối khí có nghệ thuật hơn. Nhưng đến Hồ Ngọc Hà, ca sĩ này đã làm mới nhạc Trịnh Công Sơn bằng một giọng hát có sức quyến rũ và bằng sự hòa âm, phối khí hiện đại hơn hẳn, khiến cho, khi nghe Hồ Ngọc Hà hát nhạc Trịnh rồi, người ta không muốn nghe Hồng Nhung nữa (xin nghe Hồ Ngọc Hà hát Hoa Vàng Mấy Độ ). Dòng nhạc trữ tình bình dân (ca khúc của các nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương, Thanh Sơn,Trầm Tử Thiêng…) của Sàigòn trước đây (đặc biệt qua tiếng hát Chế Linh, Duy Khánh Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Giang Tử…) sở dĩ có sức sống lâu bền trong lòng người nghe bởi vì được biết bằng những giai điệu rất gần với dân ca Nam Bộ, khiến người ta có thể hát ghép những ca khúc ấy với 6 câu Vọng cổ mà không có độ vênh nào. Có điều, những ca khúc ấy nghèo nàn về giai điệu (đa số là Boléro, Ballade, Slow Rock), bình dân về nội dung, ca từ,  và sơ sài về hòa âm phối khí. Nhưng đến những ca khúc được viết với giai điệu dân ca đương đại, thì sự phát triển dân ca, hòa âm phối khí đã vượt rất xa so với những ca khúc trữ tình bình dân trước kia.Tương tự như vậy, những ca khúc trữ tình hôm nay được trình bày mới mẻ và hiện đại hơn nhiều về trình độ âm nhạc so với những ca khúc trữ tình trước kia (của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An…). Bởi nó được hòa âm phối khí theo những khuôn mẫu của nhạc phương Tây những năm 1980s, với dàn nhạc và dàn đồng ca phụ họa đầy đặn hơn. Ấy là thời  những love songs của Mariah Carey, Celine Dion, Toni Braxton, Barbar Streissand, Lionel Richie, Rod Stewart…(Xin thử nghe Thùy Chi, Biển và Ánh Trăng và Celine Dion với My Heart Will Go on)

 

Xin ghi nhận điều này, nhạc hòa tấu VN đã có những thành tựu đứng được. Hầu như các ca khúc hay đầu đã được trình diễn hòa tấu. Đáng kể là các “đĩa vàng” Hà Nội, CD hòa tấu của Duy Cường, Xuân Hiếu, Trần Mạnh Tuấn, Hy Đạt, Kim Tuấn… Tiếng kèn của Xuân Hiếu mượt và và đầy nghệ sĩ tính, có thể sánh được với tiếng kèn tài hoa của Trần Vĩnh xưa kia. Tôi thích nghe Xuân Hiếu hơn là Trần Mạnh Tuấn, bởi tiếng kèn của TMT nặng nề ít tài hoa. CD Guitar của Kim Tuấn là một CD giá trị. Tiếng đàn Guitar thật mượt mà, tinh ròng với những biến tấu mới lạ, hiện đại và hấp dẫn. Duy Cường và Hy Đạt nghiêng nhiều hơn về cách trình tấu cổ điển. Tiếng kèn của Lê tấn Quốc chưa gây được ấn tượng.

 

Ca nhạc Việt Nam hiện nay phát triển theo ba xu hướng chính. Xu hướng viết dân ca đương đại mà gần đây là các ca khúc Bà Tôi, Con Cò, Về Ăn Cơm, Mưa Bay Tháp Cổ CD Cánh Mặt Trời…thay thế cho cách viết dân ca trước đó (Tơ Hồng, Đất Phương Nam, Trên Đỉnh Phù Vân…). Xu hướng nhạc trẻ sáng tác theo phong cách nhạc trẻ thế giới, xen kẽ lời Việt, lời tiếng Anh (như 365Band) và xu hướng nhạc trữ tình truyền thống, tìm cách làm mới về tứ, về lời và giai điệu, như các ca khúc của Phú Quang, Trần Tiến, Vũ Quốc  Việt, Võ Thiện Thanh…Tất nhiên vẫn còn loại ca khúc bắt chước, lai căng, nhạc chế và “những thảm họa nhạc Việt”[6], nhưng thời gian sẽ quét sạch những thứ rác rưởi đó. Chỉ có tài năng và nghệ thuật chân chính mới tồn tại với thời gian.

Tôi luôn mong được nghe, được hát những ca khúc hay của nhạc Việt Nam mọi thời đại. Dù sáng tạo là một con đường đầy khó khắn, nhưng chúng ta có quyền hy vọng./.

Tháng 5.2011

_________________________

[1] http://vietbao.vn/van-hoa/gioi-thieu- album-moi- Nhat- thuc- cua- Tran- Thu- Ha/ 10724060/181

[2] http://vietbao.vn/Giai-tri/My-Lonh-Chat-voi-Mozart-khong-don-thuan-chỉ-la-mot-dia-nhac/55081489/50/

[3] http://www.tin247.com/5_dong_ke_ruc_ro_voi_canh_mat_troi-8-21295842.html

[4] http://blog.yume.vn/xem-buzz/365-band-nhung-vi-tinh-tu.silentt.35A78053.html

[6] http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Bi-hai-quanh-nhung-Tham-hoa-nhac-Viet/43230

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 2570
Ngày đăng: 04.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ô mê ly - Thụy Vi
Việt Nam - Hình Bóng Quê Xưa - Nguyễn Trọng Khôi
Tiến thoái lưỡng nan - Trinh Công Sơn
Một thời ghi dấu, Ca khúc Nguyễn Trọng Khôi, Thương tiếc Nguyễn Đức Quang - Nguyễn Trọng Khôi
Một vài cảm xúc âm nhạc qua trường ca Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy - Phạm Văn Kỳ Thanh
Câu chuyện về một nhà xuất bản âm nhạc - Lê Huỳnh Lâm
Tâm Lý Nhạc Sến - Trần Kiêm Ðoàn
Hội thảo nhạc trẻ thiếu người trẻ - Nhiều Tác Giả
Nhạc sĩ Văn Lưu : Âm nhạc- sự hòa quyện giữa tính hào hung và trữ tình - Võ Tấn Cường
Nhớ dòng An Giang ngày ấy - Ngữ Yên
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)