Khái niệm narrative từng được dịch sang tiếng Việt là tự sự, tức là cách hiểu auto-narrative, hay bản sắc cá nhân hình thành qua một chuyến đi. Đúng như vậy, lữ hành là một hiện tượng trong đời sống xã hội, được tổ chức xung quanh những khuôn mẫu ứng xử đã định hình trong văn hóa. Đặc biệt nhất là những chuyến đi của nghệ sĩ và những dấu ấn sau đó trong các tác phẩm, mà không phải lúc nào cũng là trực tiếp đề cập đến chuyến đi và thường là các cốt truyện chưa hoàn chỉnh nằm trong các tác phẩm khác nhau. So với lối tiếp cận cá tính văn hóa (dân tộc) của Ruth Benedict (patterns of culture) thì tự sự có sẵn thời gian, chuyển động và vốn là một quá trình. Chuyến đi không nhất thiết phải tạo ra hay làm thay đổi bản sắc, nhưng nhờ thay đổi môi trường xung quanh mà nó tạo ra các điều kiện thích hợp cho quá trình đó.
Với văn hóa phương Tây, ra khơi là điều cần thiết – navigare necesse est – và mỗi chuyến đi thường bắt đầu bằng cách đọc những gì người đi trước đã trải nghiệm, tạo ra một “sơ đồ cốt truyện” (narrative scheme). Truyền thống văn hóa Ba Lan có một loại hình gia phả rất đặc biệt – silvae rerum - nhắn gửi lại cho thế hệ sau những con đường cần đi qua để trưởng thành. Thông lệ đọc sách du hành tạo ra thị trường lớn cho các sách hướng dẫn du lịch để người ta đọc, và cả những sách chia sẻ trải nghiệm (travelogue) để người ta có thể đọc trong lúc du hành. Bên cạnh những chuyến du lịch, hành hương, vui chơi, mua bán, ngoại giao, khai phá v.v. thì chuyến lữ hành mang tính giáo dục là điểm nổi bật trong văn minh phương Tây từ sau thời Phục hưng.
Câu chuyện về một chuyến đi là cốt truyện phổ biến như Wladimir Propp từng khái quát từ những câu chuyện cổ tích khác nhau. Nhân vật chính với một số mục tiêu định trước gặp những khó khăn trên đường, mà qua những sự kiện sẽ đạt được đích đến hay chịu khuất phục. Đó cũng là kết cấu phổ quát mà người nghiên cứu văn học có thể dùng để khảo sát tác phẩm văn học. Chuyến đi được coi như một hành vi, mà nhân vật chính là lữ khách, trong lúc vượt qua khoảng không sẽ gặp những khó khăn và nguy hiểm được dự đoán trước, hoặc không thể đoán trước được. Trong chuyến đi người du khách sẽ tích lũy thêm các vật như là vé vào cửa, quà lưu niệm, ảnh chụp v.v. nhưng những gì để lại trong tác phẩm thường là được tái dựng sau chuyến đi. Với cách nhìn này – như một thám tử tìm dấu vết chuyến lữ hành tạo bản sắc mà tác giả để lại một phần trong tác phẩm - hi vọng sẽ có thêm những bài bình giảng văn học lý thú.