Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.230.837
 
Kiếm Sống 2
Đỗ Ngọc Thạch

Có ngàn lẻ một cách kiếm sống, từ nhọc nhằn cho đến nhàn hạ. Không ai có thể lựa chọn cho mình cách kiếm sống, tức sẽ làm cái gì, mà bàn tay của Tạo hóa sẽ chơi trò “Sắp đặt” đối với con người - loài động vật biết nói và biết lao động. Tôi xin chứng minh những nhận định có tính “Tiên đề” nói trên bằng câu chuyện sau đây.

 

Khi tôi đến làm việc tức “kiếm sống” ở cái lò bánh ngọt “tiểu thủ công” này thì đội ngũ “thợ thuyền” ở đây đã có 11 người: 4 người đứng lò, 4 người làm thành cái bánh và đóng gói sản phẩm và một người làm nhiệm vụ “nuôi quân” tức nấu ăn. Những người thợ ở lò bánh này làm việc từ 6 giờ sáng cho đến 6 giờ tối, buổi trưa nghỉ ăn cơm tại chỗ khoảng nửa giờ. Trừ hao những lúc nghỉ giữa giờ vì nhiều lý do thì tổng số giờ lao động của thợ bánh là tròn Mười giờ, tức hơn giờ làm việc của Nhà nước hai giờ. Đó cũng là thời gian lao động nói chung của hầu hết những cơ sở sản xuất tư nhân và có thể nói cái thời gian lao động “dôi ra” này chính là một trong những “yếu tố” làm nên lợi nhuận của giới chủ.

 

Khi tôi đến lò bánh làm việc, ông chủ lò bánh nói: “Lò bánh của chúng ta đang phát triển và đã có “thương hiệu” trên thị trường, vì thế tất cả hãy cố gắng làm thật tốt phần việc được giao. Số người của chúng ta vừa đủ bộ 12 con giáp Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi, vì thế mỗi người sẽ mang tên một con giáp, cứ thế mà gọi. Tại sao lại gọi như vậy? Đây là con số tuyệt đẹp, nó sẽ giúp chúng ta làm ăn phát tài, vì thế ta sẽ giữ con số màu nhiệm này, không thêm không bớt”. Nói rồi ông chủ đưa ra một cái rổ nhựa, trong có sẵn mười hai mảnh giấy viết sẵn từ Tý cho đến Hợi, ai bốc được chữ nào thì sẽ mang “thợ danh” chữ đó. Tôi chờ cho mọi người bốc hết, mở mẩu giấy cuối cùng ra có chữ “Tý”, đúng là số trời đã an bài!

 

Điều kỳ lạ là không chỉ riêng tôi mà năm người nữa là Sửu Dần Mão Thìn Tỵ cũng bốc được chữ trùng với năm sinh của mình. Năm người này, cùng với tôi là sáu, còn có đặc điểm giống nhau nữa là không phải thuộc nhóm “lao động phổ thông” tức lao động chân tay chuyên nghiệp mà tối thiểu là đã tốt nghiệp đại học nhưng đang thất nghiệp (do gặp “nạn” bi kịch gia đình và bè phái đấu đá ở công sở nên bỏ nhà, bỏ nhiệm sở đi hoang). Cái truyện ngắn này chủ yếu nói về năm người này: Sửu đã từng du học nước ngoài thời bao cấp, có bằng Tiến sĩ về Toán học, được rất nhiều trường đại học ở nước ngoài mời làm giáo sư nhưng vì nhớ quê hương, nhớ vợ mà trở về Việt Nam; Dần là cựu Sinh viên trường Đại học TDTT, chuyên về võ thuật (đã từng làm chân trụ cho đoàn xiếc của một tỉnh ở ĐBSCL, tức giữ thăng bằng cho một cái cột lớn đặt trên vai, trên có một, hai người làm những động tác uốn dẻo…); Mão là cựu học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, chuyên về vũ khí có sức công phá lớn; Thìn và Tỵ đều là “thầy giáo mất dạy” tức đã trải qua giáo viên Phổ thông Trung học, về môn văn và sử. Sáu người còn lại (từ Ngọ tới Hợi) tuy không qua đại học nhưng đều đã qua chốn quan trường, thấp nhất cũng là Trưởng phòng, cao nhất là Tổng giám đốc và đều giống nhau ở chỗ đã từng qua vòng lao lý vì nhiều tội danh khác nhau…

 

*

Công việc ở lò bánh thủ công tuy là lao động giản đơn (còn gọi là lao động phổ thông, lao động chân tay) nhưng cũng có những công đoạn rất khó, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, nếu không sản phẩm sẽ hỏng, tức quăng sọt rác, tức ông chủ lò bánh sẽ lỗ vốn! Đó là khâu đánh kem và nướng bìa bánh. Sản phẩm bánh ngọt ở đây gọi là bánh xốp, gồm có hai thành phần chính: lớp kem nằm giữa hai hoặc ba lớp bìa xốp. Kem là đường trắng xay thành bột, trộn với dầu mỡ và cho vào một ít tinh dầu, tạo mùi vị thơm ngon. Bìa xốp là bột năng được nướng cho giòn, khi nướng cho vào chút bột nở thì sẽ giòn và xốp. Nướng khéo thì sẽ giòn thơm, cộng với hương thơm của lớp kem tạo thành mùi thơm đặc trưng của bánh. Nói thì đơn giản thế, nhưng cái khó là để có được chậu kem sóng sánh, sủi bọt li ti và thơm lừng, mới nhìn đã muốn ăn thử…thì người đánh kem phải có sức mạnh cử đỉnh của Hạng Võ để dùng tay ngoáy nhào cho đám bột đường trộn với đầu mỡ kia biến thành kem (nếu làm bằng máy thì…tốn điện!). Còn cái khó của nướng bìa bánh là người làm phải đứng bên lò lửa, đổ bột đã trộn nước vào những cái kẹp đặc dụng bằng sắt, mỗi cái to bằng cái cặp sách học trò, lật qua lật lại trên ngọn lửa sao cho chín đều hai mặt. Non lửa thì bìa bánh sẽ sống, quá lửa thì tất nhiên là cháy khét, đều bỏ. Vì thế người nướng bìa bánh phải là loại “Người chịu lửa” và có sự nhạy cảm về thời gian (cũng có phần giống với tố chất của Nhà thơ).

 

Nhóm sáu người của nửa trên 12 con giáp phụ trách đánh kem và nướng bìa bánh, tức phần công việc nặng nhọc và đòi hỏi “tay nghề” cao (riêng tôi, người viết truyện ngắn này, “học nghề” chỉ nửa buổi là đã thành thạo mọi công đoạn nên được giao làm nhiệm vụ “đốc công”, tức khâu nào làm sai thì chỉnh sửa, hoặc thiếu người thì tạm lấp chỗ trống). Còn nhóm nửa dưới của 12 con giáp thì làm nhiệm vụ tiếp theo, tức trét kem vào bìa bánh rồi cưa cắt thành những cái bánh nhỏ, đoạn cho vào những bịch ni-lon to bằng nửa cuốn vở học trò, buộc kín miệng bịch là xong.

 

Nhóm sáu người của nửa trên 12 con giáp làm rất tốt công việc, chỉ sau hai ngày được ông chủ lò bánh “cầm tay chỉ việc”. Dần đặc trách việc đánh kem nặng nhọc, khi đánh kem xong, cả cái xưởng bánh ngào ngạt hương thơm. Xong việc đánh kem, Dần làm cái việc cắt bìa bánh, sau khi đã trét kem thành những cái bánh nhỏ. Việc này cũng đòi hỏi sức khỏe vì khi cắt thành những cái bánh nhỏ (những bìa bánh lớn sau khi đã trét kem thì xếp đầy một cái khuôn bằng gỗ, kích cỡ của bánh đã có trong khuôn), phải kéo lưỡi cưa thật nhanh như máy, nếu không bánh sẽ nát vụn hoặc không vuông thành sắc cạnh! Cắt xong sẽ chuyển cho nhóm đóng gói.

 

Công việc nướng bìa bánh chủ yếu do bốn người Sửu, Mão, Thìn và Tỵ đảm trách. Bốn người này đều đã kinh qua công tác nghiên cứu, giảng dạy nên sự nhạy cảm vế thời gian rất tốt, tức bìa bánh không bao giờ quá lửa đến nỗi cháy khét hoặc non lửa tức còn sống, bánh sẽ dai như cao su! Tuy nhiên, về khả năng chịu lửa thì cả bốn người đều không thể như Tôn Ngộ Không khi bị nhốt trong Lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân. Vì thế, cứ hai người làm thì hai người ngồi nghỉ, cứ phải luân phiên từng 30 phút! Nhưng khi lò bánh đắt hàng, ông chủ tăng thêm hai lò nữa, tức tổng số là bốn lò, thì không có thể ngưng nghỉ luân phiên được nữa. Những lúc thấy các “giáo sư”, “viện sĩ” kiệt sức, tôi thường tới  “chia lửa”!

 

Nhóm nửa dưới của 12 con giáp, tức từ Ngọ cho tới Hợi chủ yếu là làm công đoạn sau, đóng gói bao bì tức hoàn thành sản phẩm và lo chuyện cơm nước cho đám thợ. Trong nhóm sáu người này có ba người là nam, ba người là nữ. Từng đôi một, họ đều là “bạn tù” ở trên mức tình cảm bạn bè và sau khi mãn hạn tù, không trở về với gia đình cũ (vì vợ hoặc chồng của họ đã ly hôn ngay từ khi họ bị khởi tố) mà rủ nhau đi làm thuê kiếm sống, sống cuộc đời mới với “hai trái tim vàng” cho dù chưa có nổi một “túp lều tranh”! Công việc đóng gói bao bì không có gì khó khăn và cũng phù hợp với “xuất thân” (tầng lớp quan cách, chuyên “chỉ tay năm ngón” chứ không phải đụng tay đụng chân vào việc gì cụ thể) của họ nên họ rất hào hứng làm việc. Hơn nữa, trong những khoảng thời gian thọ án bị quản thúc ở trong các trại giam, họ cũng được “rèn luyện” qua những công việc tương tự, có khi còn nặng nhọc hơn nhiều ngồi gói bánh!

 

*

Tôi “Kiếm sống” ở lò bánh xốp được nửa năm thì một hôm, một người bạn đồng nghiệp của ông chủ lò bánh (hai vợ chồng ông chủ lò bánh đều là giáo viên một trường đại học) đứng ra thành lập một trường PTTH Dân lập, kết hợp ngày khai trương trường học với lễ cưới vợ lần thứ hai, đã đích thân tới tận lò bánh đưa giấy mời vợ chông ông chủ lò bánh. Khi nhìn thấy tôi đang ngồi uống trà với ông chủ lò bánh thì tân Hiệu trưởng kiêm tân chú rể nhào tới tôi, nắm chặt lấy tay tôi mà rối rít nói: “Người bạn Đầm Mây của tôi!...Thảo nào đêm qua tôi nằm mộng thấy Bồ Tát bảo sáng nay thế nào tôi cũng nhặt được Vàng! Thì ra là ông bạn Vàng của tôi ở Đầm Mây!”. Tôi nhận ra ngay đó là Lương, học cùng lớp Toán với tôi ở Khoa Toán trường ĐH Tổng hợp hồi năm 1966, khi Khoa Toán đang sơ tán ở Đầm Mây thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Hồi đó, cuộc sống của sinh viên bị chữ “Đói” hành hạ tối ngày, tôi và Lương thường rủ nhau vào các thôn xóm ở sát chân núi mua các loại quả như chuối, bưởi, đào mận… ăn cho đỡ đói. Ăn hoa quả nhiều tới mức thành nghiện như đám con cháu của Tôn Ngộ Không ở Hoa Quả Sơn!

 

Gặp lại tôi, Lương nói ngay: “Cậu là một thầy giáo văn võ song toàn (ý nói tôi có thể lên lớp cả Toán và Văn) không thể cứ ngồi đây mà làm thợ bánh được!”. Sau đó, Lương thỏa thuận với ông chủ lò bánh rồi đưa tôi về ngay cái trường PTHT Dân lập mới thành lập của anh ta. Quả nhiên, giáo viên còn thiếu nhiều, tôi vừa phải dạy cả môn Toán và môn Văn. Được trở lại làm Thầy (sau khi tốt nghiệp Khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi có đi dạy học hai năm), tôi cũng thấy đỡ buồn tẻ hơn chuyện làm bánh, ngày nào cũng làm những công việc lặp đi lặp lại, không hề có tính cách tân, sáng tạo. Nhưng, niềm vui cũng chỉ lóe lên như ánh sáng đom đóm bởi một hôm, có hai học sinh, một nam, một nữ tìm gặp tôi tại phòng giáo viên mà nói: “Thầy không được cho em điểm kém, vì nếu em bị bố mẹ đánh đòn bao nhiêu thì em sẽ trả lại thầy đủ bấy nhiêu!” - đó là lời học sinh nam. Còn học sinh nữ thì nói: “Các nơi người ta “đổi tình lấy điểm” rầm rầm. Vậy em xin thông báo với thầy bảng giá trị đổi điểm của em: cầm tay tám điểm, hôn má chín điểm, hôn môi mười điểm. Còn nếu muốn “chuyện kia” thì “Mười điểm trọn đời”! Sau khi hai học sinh kia ra khỏi, tôi nghĩ cái môi trường “tiên học lễ hậu học văn” này thật bất an!

 

Được sáu tháng, một người bạn học cùng Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp bất ngờ gặp tôi giữa đường thì chặn lại như cướp đường và nói: “Cái nghề “bán cháo phổi” này bây giờ tổn thọ lắm, học trò không chỉ dám đánh thầy mà còn có thể lấy mạng thầy như chơi! Mà học trò bây giờ vừa dốt vừa lười học, lời thầy giảng chỉ như “đàn gảy tai trâu” mà thôi!”. Nói rồi người bạn lôi tôi tới một tờ báo ngành, đang chuẩn bị cho ra rất nhiều ấn phẩm khác như Bán Nguyệt san, Nguyệt san, Tủ sách và Cẩm nang… đủ kiểu ngoài tờ báo chính ra hàng tuần.

 

Không hiểu sao, lần này cũng được sáu tháng thì lại có một người bạn học thời Lớp Một tới lôi tôi tới một nhà hàng máy lạnh loại sang và nói: “Từ ngày tớ bỏ kinh doanh địa ốc chuyển sang kinh doanh hôn nhân, tức mai mối tình yêu thì lên như diều gặp gió. Cậu không thể tồn tại trong cái đám suốt ngày cãi lộn như mổ bò như thế. Dù cậu có trung lập chủ nghĩa thì trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, vì thế hãy nghe tớ, tẩu vi thượng sách. Hãy sang làm việc cho công ty Dây Tơ Hồng của vợ chồng tớ, nó sẽ là bến đậu cuối cùng của cậu!”. Quả là tôi có tính cả nể, hay bị bạn bè rủ rê lôi kéo. Khi tôi theo người bạn thời Lớp Một về tới trụ sở công ty Mai mối Dây Tơ Hồng thì gặp ngay một cặp vợ chồng mới đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt về đòi gặp và nói ngay: “Chúng tôi muốn thanh lý hợp đồng cũ và ký ngay hợp đồng mới. Nghĩa là chúng tôi sẽ ly hôn và nhờ Công ty Dây Tơ Hồng mai mối cho chúng tôi một người chồng khác và một người vợ khác!”. Người bạn Lớp Một hỏi: “Tôi muốn biết lý do vì sao hai người lại nhanh chóng ly dị như thế? Mới một tuần làm sao đã khám phá hết mọi vẻ quyến rũ, hấp dẫn của đối tượng?”. Người đàn bà định nói nhưng rồi nhìn người đàn ông như bảo “Ông nói đi!”. Người đàn ông liền nói: “Tưởng là vui duyên mới nhưng lại hóa ra là đồ cũ! Tức cách nay hơn mười năm, chúng tôi đã sống như vợ chồng với nhau tới hai tháng rồi còn gì!”. Người bạn Lớp Một của tôi cười sảng khoái rồi lấy ra hai bản hợp đồng mới, nội dung là trong vòng một tuần sẽ mai mối cho mỗi người một đối tượng vạn sự như ý! Khi hai người khách hàng đã ra về, người bạn Lớp Một nói với tôi: “Đó, câu thấy chưa, cứ gọi là làm không hết việc, mà loại công việc này chỉ là uốn ba tấc lưỡi, chẳng phải ăn no vác nặng như làm thợ bánh, cũng chẳng phải rát cổ bỏng họng như cái nghề “bán cháo phổi” và cũng chẳng phải tả xung hữu đột trong trường văn trận bút như nghề làm văn làm báo! Cậu còn muốn gì nữa?”.

 

*

Quả là người bạn Lớp Một không khác chi Bồ Tát hạ trần gian, tôi đến làm việc cho Công ty Mai Mối Dây Tơ Hồng được hai tháng thì bạn tôi đã cưới cho tôi một người vợ mười phân vẹn mười, chỉ sau khi “động phòng hoa chúc” hai tháng đã có “tin vui”! Tôi sực nhớ đến những người “bạn đồng nghiệp” một thời ở lò bánh xốp, muốn mai mối cho các “giáo sư, viện sĩ” đã “mồ côi vợ” ấy mỗi người một thục nữ đảm đang để nâng khăn sửa túi trong cuộc sống làm thợ bánh vất vả! Song, khi tôi đến lò bánh xốp ấy thì thật bất ngờ: tất cả nhóm năm con giáp trên tức Sửu, Dần, Mão, Thìn và Tỵ đều đã được vợ chồng chủ lò bánh cưới cho mỗi người một người vợ thôn nữ miệt vườn thứ thiệt, còn “Din” trăm phần trăm và mỗi người đã có một con. Còn nhóm sáu người phần dưới 12 con giáp tức Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi thì cả ba cặp đã chính thức bái đường thành thân, mỗi cặp cũng đã có con cái xinh xắn, bụ bẫm! Lò bánh đã phát triển không ngờ, ông chủ đã mua lại căn hộ kế cạnh, xây bốn tầng lầu để phát triển cơ sở sản xuất và có chỗ ở cho cả năm cặp vợ chồng nhóm năm con giáp phía trên (sáu người nhóm con giáp phía dưới thì ở nhà thuê gần cơ sở lò bánh).

 

Khi nhìn những người thợ bánh đang làm việc, tôi thấy không khí của xưởng bánh thật chuyên nghiệp và trên từng gương mặt đều lộ rõ niềm vui lao động say mê, có người còn vừa làm vừa hát, thi thoảng lại có người kể chuyện tiếu lâm và mọi người cười hưởng ứng như pháo ran! Ông chủ lò bánh nói với tôi: “Bây giờ tất cả đều rất an tâm và say mê làm việc, coi lò bánh là nhà, không muốn chuyển đi đâu cả!”. Mặc dù đã “mục sở thị”, tôi vẫn chưa tin là những “giáo sư”, “viện sĩ” kia sẽ gắn bó hết đời với lò bánh, liền đến bên Sửu, người đã từng lấy bằng Tiến sĩ Toán ở MGU (Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, mang tên nhà bác học Lômônôxốp nên còn gọi là trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp) để “phỏng vấn” xem sao thì Sửu nhìn tôi cười rạng rỡ rồi cất tiếng hát bài “Cuộc sống ơi, tôi mến yêu người” bằng tiếng Nga:

 

Я люблю тебя, жизнь

Что само по себе и не ново,

Я люблю тебя, жизнь

Я люблю тебя снова и снова…

 

Rồi bằng tiếng Việt:

 

Cả tình yêu trao cuộc sống

Mãi mãi ta mến yêu người tình yêu thắm nồng.

Cả tình yêu trao cuộc sống

Mãi mãi ta hiến dâng người tình yêu thiết tha.Đèn rực sáng trên tầng cao

Là khi ta chân khẽ đưa thong thả bước về.

Ta càng thấy yêu con người

Mong cuộc sống ta mỗi ngày sẽ tươi thắm hơn… Kìa trời khuya chim rộn hót

Những bóng đêm đang tan dần bình minh thức dậy.

Từ lòng ta, ngon lửa cháy

Hỡi trái tim của con người thèm sống khác xưa.

Một ngày mới vẫy chào ta.

Bạn đời ơi ta muốn dâng ngọn lửa cháy này

Cho cuộc sống bao vui buồn.

Xin hạnh phúc, dẫu muộn màng sẽ đến với ta…

 

Nghe Sửu hát say sưa, tôi lẩm nhẩm hát theo từ lúc nào (sở dĩ tôi thuộc bài này vì có anh bạn thời lính Ra-đa tên Võ Trí Tâm, sau có đi học ở Nga về, thường hay hát bài này lúc … chán đời). Sửu hát say sưa tới ba lần, tôi còn “phỏng vấn” gì nữa!

 

Khi tôi đi khỏi lò bánh xốp, ông chủ lò bánh tiễn tôi và nói: “Bất cứ lúc nào ông thích quay trở lại lò bánh, tôi và mọi người đều hoan nghênh!”. Tôi không nói gì vì còn phải chờ Bồ Tát hiển linh báo mộng!./.

 

Sài Gòn, 16-5-2011

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 2164
Ngày đăng: 04.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chờ Mong Mòn Mỏi - Lê Văn Thiện
Mắt kính - Vũ Lập Nhật
Về Lại Chốn Xưa - Mang Viên Long
Vương quốc của Giêsu - Kahlil Gibran
Kỷ Niệm - Lê Văn Thiện
Kích cổ thôi hoa - Quý Thể
Dạ yên thảo - Lưu Thuỷ Hương
Cổng nhà mình vẫn mở - Hà Ngọc Vân
Lơ mơ Ngọ - Lê Văn Thiện
Con dở người - Hoàng Xuân Hoạ
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)