Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.071
123.233.952
 
Kiếp nghèo
Trương Hoàng Minh

Bác sĩ  Hiệp nói với chị Lộc "Bệnh anh ấy khá nặng, dịch tràn màn phổi. Chị nên đưa anh ấy lên bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị càng sớm càng tốt, ở trển mới có dụng cụ rút dịch".

 

Nhà không sẳn tiền, chị Lộc đến các nhà khá giả trong xóm hỏi mượn. Không có, sáng nay chị lại xách nón lá ra đi tới xế trưa mới về mặt mày buồn hiu. Chị để nón lá lên bàn, ngồi xuống ghế, tay chống cằm, mắt ngó ra đường chăm chăm. Ngoài đường xe chạy tới lui bóp kèn inh ỏi, người đi chuyện trò râm rang nhưng chị không nghe không thấy gì hết. Trong mắt, trong tai chị hiện giờ chỉ có khuôn mặt nghiêm trang và lời nói dứt khoát của bác sĩ Hiệp. Lời nói đó như sợi dây thòng lọng thắt tim chị muốn nghẹt thở.

 

Dường như  tai ương, bệnh tật đã được sắp sẳn để giáng xuống gia đình chị Lộc. Năm kia, sau thời gian dài dành dụm vợ chồng chị mua được chiếc xe máy cho anh chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Chạy chưa được bao lâu, anh gây tai nạn chết người phải bán xe bán đất bồi thường cho nạn nhân. May nhờ gia đình nạn nhân thương tình tự thuận bãi nại, nếu không, anh còn ở tù vài năm. Gia đình sa sút, túng thiếu, Lộc phải đi bốc vác kiếm sống. Một hôm anh vác phân từ dưới ghe lên nhập kho bị trợt đòn dài té vẹo cột sống. Thằng Phước - con trai đầu lòng của họ-phải nghỉ học thay cha, tiếp mẹ nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, làm mướn ở nông thôn rất bấp bênh, giống như con chim thằng chài rình mồi ở mé sông, mé rạch. Hôm nào sớt được cá thì no bụng, hôm nào không thì đói meo. Mới đây Phước lại đạp miễn chai trong lúc vác đất. Vết thương khá sâu. Suốt cả tháng đã không làm ra tiền mà còn tốn tiền thuốc ngừa phong đòn gánh. Bây giờ Lộc lại mang bệnh trầm kha, nếu không rút dịch kịp thời mạng sống chỉ còn tính bằng ngày!

 

Chị Lộc thở dài thườn thượt. Bệnh tật, tai ương và những bức bách trong cuộc sống đã giam chị trong bốn bức tường tối tăm. Chị mò mẫm mãi vẫn không tìm được lối ra cũng không ai chỉ lối ra dùm chị. Người đàn bà khốn khổ, tội nghiệp chỉ biết chắc lưỡi than thầm.

 

- Bộ mượn tiền hổng được hả má?

 

Con Đông từ nhà bếp đi lên thấy mẹ ngồi buồn rười rượi , cất tiếng hỏi. Chị Lộc chợt tỉnh ra trạng thái u sầu trở về với thực tại:

 

- Hổng có mầy ơi! Đi tới đâu người ta cũng nói hổng có tiền.

 

- Xí! Họ mà hổng tiền thì cả xóm nầy chết đói hết ráo. Đông đổ quạu. Láng giềng gì thấy phát chán, người hoạn nạn trước mắt không giúp, đợi người ta chết mới tới cúng lạy chia buồn.

 

- Chuyện của người lớn, mầy là con nít không nên nói bậy, nói bạ, mích lòng. Chị Lộc rầy con. Biết lỗi Đông xuống giọng:

 

- Mượn không được thì hỏi bạc tháng đại đi má.

 

- Rồi! Chị Lộc trả lời xuôi xị. Con Loan, con Diện, bà Gấm, bà Trang gì tao cũng có tới hết.

 

Nghe mẹ điểm từng tên người cho vay mà không có cô Chín Bầu, Đông sợ mẹ quên liền nhắc. Chị Lộc lắc đầu chán nản:

 

- Có! Đi cầu may chớ nó hổng cho mình vay lâu rồi đâu đợi đến hôm nay.

 

Các bà các cô trên là những tay cho vay chuyên nghiệp. Trong số đó Chín Bầu là gắt củ kiệu nhất. Bà ta ở thị trấn. Rất nhiều người mua gánh bán bưng, dân lao động nghèo là con nợ của bà ta . Vay một trăm ngàn mỗi ngày góp bốn ngàn, đúng một tháng. Lối cho vay nầy hồi pháp thuộc gọi là "xanh-xít, đít đuôi" ( tiếng Pháp, cinq-six, dix-douze) tức năm chạy ra sáu, mười chạy ra mười hai. Còn giới bình dân gọi là "bạc hai mươi lai" (20% lãi). Khi còn làm ăn được, lúc túng thiếu chị Lộc thỉnh thoảng hỏi vay Chín Bầu và các cô các bà trên, còn bây giờ hết lúa ai dám cho mượn gạo!

 

Con Đông nhìn sang anh Lộc đang nằm mê man trên giường, lo lắng hỏi:

 

- Rồi ba làm sao?

 

- Tao cũng hổng biết phải làm sao? Chị Lộc buông thỏng.

 

Trời đã xế mà nắng vẫn còn gắt, hơi nóng hầm hập. Mồ hôi trên trán, trên mép chị Lộc rịn lấm tấm. Chị lấy nón lá quạt. Chợt thấy mấy con ruồi bu trên mặt chồng, chị bước đến bên giường quạt đuổi. Nghe hơi gió mát, anh Lộc mở mắt đòi uống nước. Con Đông nhanh nhẹn chạy đến lấy bình trà rót một ly bưng lại cho cha. Chị Lộc bước lên giường đỡ chồng ngồi dậy dựa vào lòng mình. Uống xong, anh nằm xuống nhắm mắt ngủ tiếp.

 

Chị Lộc bước xuống giường đến đứng tựa cửa cái nhìn ra. Nghe tiếng trẻ con cười giỡn ầm ĩ dưới rạch, chị quay ra hỏi con Đông:

 

- Thằng Hải đâu rồi?

 

- Nó tắm hồi má đi tời giờ

 

- Đồ quỉ! Chị Lộc mắng. Trời nầy mà trầm nghịch dưới sông đặng báo hả? Một mình ổng còn không có tiền chạy thuốc, tới nó nữa thì có nước chôn chớ lo sao nổi. Kêu nó lên!

 

Con Đông đi te te xuống bến kêu em. Thấy con nhỏ mặc áo rách nách, quần rượm mông, hai ống rút lên trên mắt cá chị Lộc lại chép miệng lắc đầu thở ra thườn thượt. Nó đã mười bốn tuổi rồi. Vú dậy vun xội, đít nở tròn vo. Hồi còn con nít mang chài mang lưới cũng không sao chứ bây giờ đã ra dáng thiếu nữ mà lôi thôi luộm thuộm qua tội nghiệp nó. Nhưng, tiền không đủ lo cho cái ăn có đâu đến cái mặc!

 

Thằng Hải mình mẩy ướt sũng đi nép sau lưng con Đông, mắt lắm lét nhìn chị Lộc. Gần tới cửa cái nó vụt chạy ra hè mất dạng. Chị Lộc nhếch miệng cười mỉm rồi hỏi con Đông:

 

- Chị ba mày đi chợ chưa về sao?

 

- Chưa. Đông đáp.

 

- Mầy biết nó đi chợ làm chi hông?

 

- Nghe chỉ nói lên trển nhờ ai đó kiếm dùm việc làm.

 

- Việc gì?

 

- Con hổng biết!

 

- Thôi vô coi hâm nồi cháo rồi kêu ba mầy dậy ăn cho sớm. Ăn xong  nhớ kêu ổng uống thuốc nghen. Thuốc tao để trên bàn thờ cạnh gói xí muội. Ba có kêu lạt miệng thì lấy xí muội cho ổng ngậm.

 

- Má tính đi đâu nữa? Đông tròn mắt hỏi.

 

- Về ngoại hỏi mượn dì Út.

 

- Má với dĩ hổng thuận mà!

 

Chị Lộc nhìn sang chồng nói xuôi xị.

 

- "Đau chân hả miệng" con ơi nếu cần lạy nó má cũng lạy để có tiền lo cho ba mầy. Bác sĩ Hiệp nói nếu hổng đưa ổng đi bệnh viện rút vịt (dịch) rút gà gì trong phổi ra thì....

 

Chị Lộc không đủ can đảm nói hết câu cho con Đông nghe nhưng nó vẫn hiểu. Mắt chị rưng rưng. Mắt con Đông cũng rưng rưng. Chị lấy khăn lau nước mắt, dặn dò:

 

- Cho ba ăn cháo xong rồi nấu cơm đi nghen con. Để thau đồ đó cho con Như đi chợ về giặt. Nhớ thăm chừng ba con, coi ổng có đòi uống nước uống nôi hay đi đái đi ỉa gì không. Má đi tối sớm gì cũng về.

 

Dặn dò xong chị Lộc xách nón lá ra đi. Con Đông đứng nhìn theo một hồi mới lững thửng xuống nhà bếp. Nó không ngó vô buồng nên không hay Như đi chợ về đã lâu đang nằm ở trỏng.

 

Vợ chồng chị Lộc có bốn con. Thằng Phước, con Như, con Đông và thằng Hải. Cả bốn đứa đều đẹp. Nhất là con Như . Gái nhà nghèo mà mày thanh mi tú, da trắng như phấn, mặt xinh như hoa. Nếu được trang diện đúng mốt nó không thua các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc và người mẫu thời trang. Thật tiếc cho Như đầu thai lộn chỗ, sanh ra trong gia đình nghèo nên số phận hẩm hiu. Số phận ngày càng nghiệt ngã buộc như phải nghỉ học phụ với mẹ và anh trai nuôi sống gia đình. Rồi, cả cái thị trấn nhỏ bé nầy không có chỗ cho cô gái mảnh mai chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, trong tay không có thân thế, tiền bạc và nghề ngổng gì. Vài người thấy Như đẹp đến gạ gẫm đưa lên thành phố làm. Biết họ sẽ dẫn mình đi là gì Như mĩm cười  chua chát "cuộc đời thật không đơn giản chút nào. Mới chập chững bước chân vào đời đã gặp ngay khó khăn, gian trá".

 

Qua buồn chán, Như chấp nhận số phận như một sự tất nhiên. Làm cỏ, lặt chôm chôm mướn, lột cơm nhản cho lò sấy ăn sản phẩm... Tuy nhiên, trong những đêm thao thức Như vẫn ước mơ có một việc làm tốt hơn. Trong những lúc rảnh rang vẫn để tâm tìm người giúp đỡ. Cũng có một vài người hứa giúp đỡ nhưng chỉ là lời hứa suôn như sáng nay do Như không thể đáp ứng được  những điều kiện họ đưa ra.

 

Chờ mãi không gặp được người cần gặp, Như ra chợ mua ít đồ thì gặp Hạnh, cô bạn học cũ. Nhìn vẻ mặt hớn hở và những xách đồ lĩnh kĩnh trên tay Hạnh, Như không khó đoán ra bạn đang có niềm vui lớn. Hạnh kéo Như vào quán vừa ăn, vừa khoe:

 

- Chị Sang tao ở đài Loan mới về. Những thứ nầy chị ấy mua cho không đó.

 

- Vậy à! Bạn có phước quá! Như khen.

 

Sang là con ông bà Cúc. Trước kia gia đình nầy cũng nghèo như gia đình chị Lộc. Sang khá đẹp. Năm mười tám tuổi lên thành phố kiếm chồng Đài Loan để đổi thay số phận. Lần chào hàng đầu tiên cô toại nguyện. Chồng cô lớn hơn cô một con giáp. Bù lại sự chênh lệch đó ông ấy rất yêu thương Sang, gia đình giàu, có cơ sở chế biến trà xuất khẩu. Sang cũng khá khôn khéo trong cách ăn nết ở nên chẳng bao lâu tạo được niềm tin với gia đình chồng, được cha mẹ chồng giao cho một số việc làm trong xưởng trà. Nhờ vậy Sang mới có tiền dư gởi về cho cha mẹ. Gia đình ông Cúc đổi thay từ đấy. Trút bỏ kiếp nghèo như con ve sầu lột xác, nhà cửa lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi. Hàng xóm ngỡ ngàng. Những gia đình có con gái lấy chồng Đài Loan vô phước hơn ganh tị. Về nước lần nầy Sang đem về cho cha mẹ bốn ngàn đô la Mỹ, hai ngàn đô la Đài Loan, ba cây vàng và nhiều quà tặng có giá trị của giá đình chồng. Hôm nay Sang lại đổi cho cha mẹ dàn máy chơi nhạc hiện đại, sắm quần áo, vải sồ, giày dép, son phấn cho Hạnh toàn đố xịn, đắt tiền. Hạnh say sưa nói vừa kiêu hảnh vừa đỏng đảnh. Làm như chính nó vừa từ bên ấy về. Như chăm chú nghe thỉnh thoảng khen cô Sang có số đẻ bọc điều.

 

Chia tay Hạnh, Như về nhà đi thẳng vào buồng nằm nghĩ ngợi lung tung. Hết than thân tủi phận đến cay đắng tình đời. Hết nghĩ chuyện gia đình đến nghĩ chuyện cô Sang " chị Sang thật dũng cảm, dám tự dấn thân đi tìm tương lai cho cuộc đời mình mưu cầu hạnh phúc cho gia đình. Chị ấy cũng là người con có hiếu. Ở xa ngàn dặm mà lúc nào cũng nhớ đến mẹ cha. Nhờ vậy gia đình bác Cúc mới được như ngày nay, hai bác  mới thảnh thơi an hưởng tuổi già, hưởng phước. Còn mình là do nhút nhát, ích kỷ không dám phiêu lưu mạo hiểm để cho cha mẹ nghèo khổ gian lao. Cùng là con gái như nhau tại sao mình không làm được như chị ấy? Thôi thì, thân thể tóc da nầy do cha mẹ tạo ra mình sẽ lấy nó để đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục ,để báo hiếu cho cha mẹ như chị Sang vậy".

 

Như ngồi bật dậy như chiếc lò so, vuốt sửa lại quần áo, chải đầu gọn gàng lấy nón đội đi đến nhà Hạnh. Tới cổng, thấy trong nhà khá đông người đang quây quần ăn uống, hát ca bên dàn máy mới cáu Như chợt ngại ngùng và mặc cảm "họ là phượng hoàng còn mình là se sẻ làm sao có thể nhập bầy được. Không khéo người ta lại cho mình đến mượn tiền nữa. Về thôi!". Như vừa quay gót thì Hạnh từ trong nhà chạy ra nắm tay lôi vào giới thiệu với mọi người. Trái với Như dự đoán, tất cả thành viên trong gia đình ông Cúc đều xem Như như  Hạnh, đối xử rất tốt. Hạnh lăng xăng mời Như  uống bia lon, ăn cá "sa ba" sốt cà, lẫu Thái, tôm lăn bột chiên...Như ăn uống qua loa cho Hạnh vui chớ lòng dạ đâu ngồi đó thưởng thức hương vị những thức ăn thức uống đắt tiền dù từ mẹ đẻ tới giờ Như chưa được nếm tới.

 

Ăn uống xong, Như nhờ Hạnh nói với Sang cho gặp riêng một chút. Sợ Như hỏi mượn tiền Sang lấy cớ có khách để từ chối. Hiểu ý Như bèn nói thật lòng mình là nhờ Sang giới thiệu cho một người chồng Đài Loan. Nghe qua, Sang vui vẻ tiếp Như, vì chyện nầy đã rơi đúng ý đồ của cô ta. Về thăm quê hương, cha mẹ lần nầy Sang còn có mục đích thứ hai là tìm những cô gái muốn lấy chhồng Đài Loan làm môi giới ăn tiền đầu. Sau khi nghe Như nói hết hoàn cảnh gia đình, Sang có vẻ thương hại.

 

- Hoàn cảnh của gia đình em không khác hoàn cảnh của gia đình chị trước kia. Người đứt ruột mới thương người  ruột đứt. Chị sẵn sàng giúp đỡ em. Trẻ đẹp như em thì có khó gì. Về bển chị sẽ kiếm cho em một tấm chồng xứng đáng. Em muốn bác sĩ, kỹ sư, thương gia hay nhà doanh nghiệp?

 

Như bẽn lẽn:

 

- Em hổng biết! Tuỳ chị chọn cho em.

 

Sang bật cười hô hố:

 

- Giao cho chị chọn không sợ chị gả em cho ông già lết bánh sao? Nói chơi vậy chớ bác sĩ, kỷ sư ở bển thiếu gì. Chỉ trong xưởng trà của ba chồng chị thôi còn có cả chục. Đó là chưa nói đến đám bà con thân nhân bên chồng chị và bạn bè của ổng nữa. Nhưng, trước tiên em phải đưa hình cho họ "coi mắt". Chị cũng sẽ kêu họ gởi hình về cho em. Tuy em giao cho chị chọn nhưng cũng phải "hợp nhãn" em mới được, đúng không?

 

- Dạ. Như khẽ gật đầu. Bây giờ em chưa có hình. Chừng nào chị về bển?

 

- Khoảng một tháng. Còn lâu mà.

 

- Vậy mai em đi chụp hình.

 

- Ừ. Nhớ ăn mặc, trang điểm cho đẹp đó nghen. Mà nè. Đây là chuyện hệ trọng cả đời người, lại lấy chồng xa xứ nên em phải bàn bạc thật kỹ với chú thím Sáu. Nếu không, ổng bả bẻ chỉa bất tử là không có tiền bồi thường cho người ta đó nghen? Sang nghiêm mặt.

 

Nghe Sang nói Như hơi hoang mang, lo sợ nhưng khi nhớ lại hoàn cảnh gia đình và những gì bày ra trước mắt Như quyết tâm làm cuộc đổi đời, quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực. "Duyên phận của mình do mình định đoạt, không ai có quyền thay thế. Đem thân thể tóc da nầy báo hiếu cho cha me cũng không có gì quá đáng". Nghĩ vậy nên Như dứt khoát với Sang:

 

- Chị yên tâm. Em đã bàn kỹ với ba má em rồi mới đến nhờ chị. Mong chị giúp em hoàn thành tâm nguyện em sẽ đội ơn chị suốt đời.

 

Sang cười, nói nửa đùa nửa thật:

 

- Ối. Ơn nghĩa gì em ơi. Miễn sau nầy có chồng giàu đừng quên chị là được rồi.

 

Như từ giả ra về. Thấy gia đình chị Lộc quá khốn khổ ông Cúc cho hai trăm ngàn. Còn Sang, cầm chắc trong tay sẽ trúng mối sộp cũng cho năm trăm ngàn. Như về đến nhà trời đã chạng vạng. Chị Lộc vẫn biệt tâm. Anh Lộc vừa trải qua cơn mệt thập tử nhất sanh. Thằng Phước, con Đông và thằng Hải còn ràn rụa nước mắt.

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 4356
Ngày đăng: 11.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện những cô bé - Khôi Vũ
Hảo hớn miệt vườn - Khôi Vũ
Ngọn đèn- bếp Lửa - Trầm Hương
Dưới chân con là đất mẹ - Trầm Hương
Huynh đệ thần kê - Hồ Tĩnh Tâm
Xuất xứ - Phạm Lưu Vũ
Những giấc mơ không có - Thăng Trầm
Thư đi thư lại - Trần Kim Trắc
Nhà hiền triết - Trần Kim Trắc
Người dưng khác xứ - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)