1.
Đi Tìm Lịch Sử
Tôi cố leo lên những bậc cấp để đến thành La mã mong được nhìn thấy César và biết đâu sẽ được nhìn vú mông nàng Cleopatre. Sau nhiều năm miệt mài tôi đến đích. Nhưng, không phải thành La mã, không phải núi Olympe, chỉ bức tường cao giăng đầy biểu ngữ và bức tượng khoả thân hai chân chổng ngược, bên dưới có biển đề ‘ở đây cấm đái’, ‘cấm tụ tập đông người khiếu kiện’, vì không có nhà vệ sinh, vì đã lâu không còn điện nước. Trung thành với những điều vĩ đại, tôi đi tìm những vị thần quyền uy một thời chăn dắt nhân loại. Lòng thành của tôi được gã lái xe ôm ngợi ca trên đường đưa tôi về quán bia đèn màu với những bản kinh cầu đã được cải biên thành nhạc rock. Những vị thần đã biến mất từ lâu vì sợ bị quay phim, chụp ảnh, sợ truyền hình đưa lên màn ảnh nhỏ quảng cáo cho đồ lót cấp cao của hảng Triumph. Đó là bản tin cuối ngày của cô gái môi son bán bia và rốn. Đó là lý do tại sao không đái ở chân tường thành và phải nghiêng mình trước đô la và súng. Tôi đi tìm những tên trộm cướp để bầu bạn,và để hỏi đường đến vạn lý trường thành. Ở đó, Đổ Phủ đói, không leo lên được, nhưng Lý Bạch thì hy vọng, vì lão lẳng lơ và chẳng biết trung thành, lão không chơi với nhà văn, nhà thơ bò lê kiếm sống, dù lão cũng làm thơ kiếm rượu. Tội nghiệp nàng thơ đã nhiều lần bị cởi truồng đem ra giữa chợ, vì không đến trường thành không thành hảo hớn, dù bao triều đại hưng vong, hảo hớn vẫn diễn tuồng kẻ cướp. Người ta bảo em đã mất trinh ở trường thành mấy ngàn năm trước. Nay em mặc áo hoa cầm cờ múa may cuồng nhiệt. Tôi tự hào làm người độc lập, còn dân chủ tự do để lại ngày sau mua vui cùng cô gái điếm. Đó là chút tình còn sót lại tôi mang về cho bè bạn đang đợi tôi trong ngày gặp mặt.
2.
Chuyện Kể Trong Mơ
Tôi đã rời cơn mộng du bằng con đường tắt băng qua đêm trung cổ. Đã rất nhiều năm, có lẽ cả thế kỷ, lịch sử bội thu những điều giả dối, khi bầy sói từ đồng hoang về thành phố. Tôi đếm những bông hồng còn sót lại, không thấy màu đỏ, chỉ còn cỏ khô, là nơi em nằm trong ngày sinh nở. Tôi đánh dấu sự tồn tại của mình bằng cây đinh đóng vào kỷ niệm ngày chúng ta gặp nhau bên bờ sông cạn và cây cầu gãy có lão già ngồi câu những con cá chết. Con cá đã có một thời bơi lội, một thời yêu đương – chẳng có cái giá nào phải trả- nhưng nó đã chết trước lúc mặt trời mọc, và chẳng có hồi chuông nào cất lên khi em khóc. Tôi trở lại cơn mộng du để đòi hoa, bánh ngọt và những bài hát ru. Nhưng mọi thứ đã thành phẩm vật được cất giấu trong ngăn hồ sơ bí mật, có súng và thép gai, có lão gác cổng già đam mê triết lý, có lính canh võ trang bằng súng, răng và lưỡi. Đã đến lúc chia tay. Sợ mất em, tôi quay về căn gác nhỏ, nằm ngữa nhìn trời, và biết chẳng có gì chứng minh được lòng chung thuỷ, nên đành ngồi nhìn lũ chim sẻ tập bay trên khu vườn đã sang nhượng, và bàng hoàng nhận ra tâm hồn mình cũng đã bị cắt thành nhiều mãnh. Tôi choáng ngợp vì sự sắp xếp hoàn hảo trong căn nhà lộng lẫy được trang trí bằng hoa đèn thơ nhạc. Tất cả đồng thuận về một sự thăng hoa và lạc quan về cái chết. Mọi thứ đều được trả tiền, được vinh danh, tưởng thưởng. Chân lý đã rõ ràng,mộng du là cần thiết nhân danh lịch sử.
3.
Cơn Đau
cái cách đến của cơn đau làm người
ta nghi ngờ mọi thứ chân lý ở đời
nó không khó hiểu như triết học
nhưng lại rất phiền hà
và rất rối rắm
phải lắng nghe
phải gánh chịu
như có bàn tay nâng từng khúc ruột
xoáy vào xoáy vào
như mũi khoan xoay từng vòng nhẹ
vào thớ thịt
nó cũng có vẻ là lời chì chiết của người
đàn bà goá đỏng đảnh hợm mình
và cũng hung hăng như con nước lũ
không báo trước mà chẳng
hồn nhiên
cơn đau đến sau buổi bình minh
và dai dẳng qua nhiều năm tháng
sống chung là khái niệm được dùng thay
từ chịu đựng
sống chung với cơn đau đã thành số phận
tôi cũng đành nhìn em khóc
dù đã quá mùa xuân.