Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.202.271
 
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 5 hết
Hồ Bạch Thảo

Ngày 10 tháng 9 năm Tuyên Đức thứ 2  [1/10/ 1427]

 

Ngày hôm nay quân của quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng đến Ải Lưu quan; Lê Lợi cùng các đầu mục lớn nhỏ sai người đến cửa quân dâng thư xin bãi binh để yên dân và lập con cháu họ Trần làm chủ đất này. Bọn Thăng nhận thư, không mở ra xem, sai người tâu về kinh. Lúc này những chổ quan quân đi qua, giặc làm trại để thủ, quan quân liên tiếp công phá, đến ngay ải Trấn Di như vào chổ không người. Ý Thăng xem thường, Thăng là người võ dõng nhưng ít mưu. Bấy giờ Tả Phó Tổng binh Bảo định bá Lương Minh, Tham tán quân sự Thượng thư Lý Khánh đều bệnh; Lang trung bộ Lễ Sử An, Chủ sự Trần Dung nói với Khánh rằng:

-“ Xem lời lẽ, sắc mặt của chủ tướng, có vẻ kiêu ; kiêu là điều tối kỵ của nhà binh. Vả lại bọn giặc ngụy trá, hoặc có thể làm ra vẻ yếu để dụ chúng ta; huống tỷ thư dụ rõ ràng là phải phòng ngừa giặc đặt phục binh. Đây là phút an nguy, Ngài nên nói gấp.”

 

Khánh rán ngồi dậy gặp Thăng, hết sức can gián. Thăng ừ ào, nhưng vẫn không nghiêm chỉnh phòng bị. Đến eo núi Đảo Mã , cùng với hơn trăm quân kỵ qua cầu; nửa chừng cầu bị sập, quân đằng sau không tiến được. Thăng rơi xuống vũng lầy, phục binh giặc nỗi lên bốn phía, Thăng bị đâm chết bằng giáo; đám quân theo Thăng cũng bị giết sạch. Lúc này Hữu Tham tướng Đô đốc Thôi Tụ  thu thập quan quân, chỉnh đốn đội ngũ. Cũng ngày hôm đó Lương Minh bệnh chết, lại ngày hôm sau Lý Khánh cũng chết. Rồi đến ngày hôm sau nữa, Thôi Tụ điều quan quân tiến; đến Xương Giang gặp giặc, quan quân ít  giặc thì đông, cố gắng đánh nhưng giặc xua voi vào trợ chiến, nên quân lọan, Thôi Tụ bị bắt sống. Giặc hô lớn:

- “Kẻ hàng không bị giết.”

Quan quân hoặc tử trận, hoặc chạy về biên giới, không một ai hàng. Lang trung Sử An, Chủ sự Trần Dung, Lý Tông Phương đều chết vào ngày hôm đó; duy một mình Chủ sự Phan Hậu thoát trở về được.

 Liễu Thăng người đất An Khánh, huyện Hòai Ninh. Cha tên là Đức, thời Hồng Vũ giữ chức Bách hộ vệ Trung Cẩn, tại Yên Sơn.

 

Thăng thay chức, theo Thái tông Hoàng đế dẹp yên nội nạn, tham dự trên hai mươi trận đều có công, mấy lần được thăng đến chức Đô Chỉ huy Đồng tri giữ Trung Đô. Năm Vĩnh Lạc thứ 3 thăng chức Tả quân Đô đốc Thiêm sự. Năm Vĩnh Lạc thứ 4 theo Anh Quốc công Trương Phụ bình Giao Chỉ, năm thứ 6 được thăng An Viễn bá. Năm thứ 8 sung chức Phó Tổng binh hỗ tòng Thiên tử chinh phạt phía bắc, đến sông Huyền Minh đánh bại giặc, được đặc cách phong tước Phụng Thiên Tĩnh Nạn Suy Thành Tuyên Lực Vũ thần Đặc Tiến Vinh Lộc Đại phu Trụ Quốc An viễn hầu, hưởng lộc 1500 thạch, trấn tại Ninh Hạ. Rồi tuân chiếu chỉ về kinh, giữ chức Tổng binh đại doanh, lại hỗ tòng Thiên tử bắc chinh, tiến đến Thương Nhai, Hiệp Quỉ, sông Lực Nhi, Khánh Châu; đều có công lao.

 

Nhân Tông Hoàng đế lên ngôi, được gia phong Thái tử Thái truyền, đến nay sung chức Tổng binh quan, đem quân đánh giao chỉ, tử trận. Thăng tính trực, giản, điềm tĩnh; xử sự bình dị; dõng cảm lúc lâm địch,thắng sinh kiêu, mà lại ít mưu lược nên đi đến chỗ thất bại.

Lương Minh người huyện Nhữ Dương, Hà Nam; thời Hồng Vũ tập ấm chức của cha làm Bách hộ Tiền vệ Yên Sơn. Lúc Thái Tông Hoàng đế tĩnh nội nạn, theo hầu Hoàng đế Nhân Tông ở lại giữ Bắc Kinh. Bấy giờ quân địch vây thành, Minh ra sức chiến đấu, lập kỳ công mấy lần thăng đến chức Hậu quân Đô đốc Thiêm sự. Khi Hoàng đế Nhân Tông giám quốc tại Nam Kinh,  Minh can tôi nhận hối lộ, bị hạ ngục.Năm Vĩnh Lạc thứ 19 được tha và phục chức rồi nhận sắc mệnh đến Quảng Đông đánh giặc Nụy. Lúc vua Nhân Tông lên ngôi, được thăng Đô đốc Đồng tri mệnh trấn Ninh Hạ; lại được hậu thưởng về công thủ thành, được phong tước Bảo định bá, đến nay bị bệnh mất.

 

Minh tính rộng rãi, công việc ưa giản dị; nhưng quả cảm, gặp giặc hăng đi trước, rành chỉ huy quân lính; phút cuối nếu Minh không chết, Tụ không đến nỗi bị bại.

 

Thôi Tụ người đất Phượng-Dương, huyện Hoài Viễn. Theo vua Thái Tông bình nội nạn có công, được thăng đến chức Chỉ Huy sứ vệ Tô Châu. Năm Vĩnh Lạc thứ 8, hỗ tòng Thiên tử chinh phạt phương bắc, đánh bại giặc tại Quảng Hán, được thăng Đô Chỉ huy Thiêm sự Hà Nam. Năm Hồng Hy thứ nhất thăng Tả quân Đô đốc Thiêm sự, đến nay theo bọn Liễu Thăng đánh Giao Chỉ. Sau khi Thăng chết quân bại, Tụ thu liễm thực lực đánh tiếp, nhưng sức không đương nỗi, bị giặc bắt. Giặc ép Tụ dụ chúng hàng, Tụ không theo; giặc dùng trăm kế để cưỡng dụ, Tụ không nghe, nên bị giết.

 

Lý Khánh người huyện Thuận Nghĩa, phủ Thuận Thiên. Vào thời Hồng Vũ, từ Sinh viên Quốc Tử giữ chức Đô sát viện Hữu thiêm Đô Ngự sử, sau đó được trao chức Viên ngọai lang bộ Hình, rồi thăng lên Tri phủ Thiệu Hưng. Năm Vĩnh Lạc thứ nhất chiếu ban Thị lang bộ Hình, năm thứ 5 cải sang Hữu Phó Đô Ngự sử Đô sát viện, xây dựng Bắc Kinh được thăng Thượng thư bộ Công, năm thứ 22 điều sang bộ Binh, kiêm Thái tử Thiếu bảo; Nhân Tông Hoàng đế mệnh thị tòng yết Hiếu lăng. Khánh ước thúc, nên tùy tùng tướng sĩ không dám xâm phạm mảy may của dân. Thiên tử muốn săn bắn, mấy lần dâng thư can gián. Rồi lưu tại bộ Binh, Nam Kinh. Khi An viễn hầu Liễu Thăng chinh Giao Chỉ, mệnh Khánh tham tán quân sự, đến Quảng Tây phát bệnh, vào đất Giao Chỉ thì mất… ( Minh Thực Lục q. 31, tr. 0797-0801; Tuyên Tông q. 31, tr. 2a-4a)

 

Thế cùng lực kiệt, không còn chỗ nương dựa, Vương Thông gấp rút điều đình với Bình định vương Lê Lợi lập đàn tuyên thệ tại bờ sông phía nam thành Đông Quan [Hà Nội], để được rút quân về an toàn:

 

NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM TUYÊN ĐỨC THỨ 2 [12/11/1427]

 

Quan Tổng binh Giao Chỉ Thành Sơn hầu Vương Thông tập hợp đông quân dân quan lại tại bờ sông thuộc vòng đai phòng thủ, lập đàn cùng Lê Lợi thề, ước hẹn rút quân; sau đó ban yến tiệc, tặng hàng dệt kim tuyến, lụa nõn hoa văn hai lớp trong ngoài. Lê Lợi cũng tạ bằng bảo vật. ( Minh Thực Lục q. 32, t. 0828 )

 

Cùng với việc lập đàn thề, hai bên thỏa thuận để Bình định vương Lê Lợi đưa ra một người được gọi là Tôn thất nhà Trần tên Cảo, với danh nghĩa làm quốc chúa, để thuận tiện giao thiệp với nhà Minh. Vương Thông sai viên Chỉ huy Hám Trung hướng dẫn Sứ giả mang tờ biểu của Trần Cảo gửi đến vua Tuyên Tông:

 

NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM TUYÊN ĐỨC THỨ 2 [17/11/1427]

 

Giặc Lê Lợi tại Giao Chỉ sai người dâng biểu cùng sản vật địa phương.

Trước đó quan Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông hòa với giặc, bèn sai Chỉ huy Hám Trung cùng người của Lợi sai đi dâng biểu cùng phương vật, đến nay tới kinh. Biểu rằng:

  Cháu ba đời dòng đích Quốc vương cũ Trần Hiệt thuộc nước An Nam, thần là Trần Cảo thành hoàng thành khủng, dập đầu cúi đầu  dâng lời như sau:

“ Trước đây bị tặc thần cha con Lê Quí Ly soán đọat ngôi vua, giết hại dòng họ đến gần hết, thần Cảo chạy trốn sang Lão Qua, mong kéo dài hơi tàn, đến nay đã 20 năm. Mới đây người trong nước được tin thần còn sống, bèn ép thần trở về, bọn chúng đều nói rằng:  “ Trước đây khi Thiên binh mới dẹp xong giặc họ Lê, có chiếu chỉ tìm hỏi con cháu nhà Trần để lập làm vua, lúc đó tìm chưa được bèn đặt quận huyện. Nay muốn thần trần tình sự việc, để xin mệnh được lập.” Thần tự biết tội đáng chết vạn lần, nhưng nghĩ đến ơn sinh thành của trời đất bèn kính cẩn dâng biểu lên.

 

Thần Cảo nghĩ rằng Nam Giao vốn là đất hải ngoại, thời Thiên triều Thái Tổ mới mở vận nước, tổ phụ thần là nước đầu tiên cho người đến triều, hàng năm nạp cống, mấy đời được phong tước vương. Mới đây giặc họ Lê chất chứa tội ác, khiến mệt nhọc Thiên binh từ xa đến thảo phạt, rồi tìm hỏi con cháu họ Trần để kế tục; lúc này họ hàng bôn ba phiêu tán tại làng mạc nên không tìm ra được; vì nhu cầu cai trị nhân dân, nên đặt ra châu huyện.

 

Nay dân địa phương vẫn nghĩ đến việc kế tục sự nghiệp tổ phụ thần, may mắn chiếu chỉ của Thiên triều cũng thường nhắc đến “ phục hưng nước bị diệt, nối lại dòng bị đứt”; Thần lọc máu viết lời trần tình, cầu Thiên triều thỉnh mệnh. Duy Hoàng đế Bệ hạ rộng lòng che chở như trời đất, chiếu rọi tựa mặt trời mặt trăng, như mùa xuân ban khắp bốn biển, mây bay mưa móc đượm nhuần; nghĩ đến tổ phụ thần chết không trọn kiếp, riêng thần linh đinh cô khổ, cho thần có được nước cũ, thần Cảo há dám không khắc vào xương, ghi vào lòng, trung thành qui thuận, mãi mãi kính mệnh trời, chăm chăm với lòng thành thờ nước lớn. Bọn thần Cảo trong lòng sợ hãi ngưỡng cầu ơn Trời, Thánh.”

 

Thiên tử đọc xong tờ biểu, bèn dụ quần thần văn võ như sau :

“ Trước đây khi Thái Tổ Hoàng đế mới định thiên hạ, An Nam đến triều cống trước tiên. Đến lúc tặc thần soán ngôi chúa, độc hại người trong nước, Thái Tông Văn Hoàng đế  vì cớ đó phát binh diệt, rồi hỏi tìm con cháu họ Trần để lập; tìm không được nên phải đặt quận huyện; sau này vua cha ta [Nhân Tông] than tiếc khi nghĩ đến việc họ Trần không có người nối dõi. Mấy năm nay nước này không yên, vương sư bị mệt nhọc, Trẫm há lại vui vì việc dùng binh ư! Nay họ Trần có người nối dõi, lời cầu xin nên chấp nhận, hay không nên? Quần thần đều tâu: “ Lòng của Bệ hạ cũng giống như lòng của tổ tiên, vả lại xếp việc binh để yên dân, trên hợp với lòng trời, nay chấp nhận cho họ là đúng.” Vua bảo: “ Có người dùng lối chiết tự “ chỉ qua vi vũ (17)   ”cho rằng không dùng vũ lực không ngừng được can qua, nhưng nếu dân được yên thì Trẫm sá kể gì lời bàn đó ! ( Minh Thực Lục q. 32, t. 0832-0834).

 

Lúc này vua Tuyên Tông không còn lòng dạ nào nghe theo lời bàn của phe chủ chiến, họ lập luận bằng cách dùng phép chiết tự “ Chỉ qua vi vũ ”để khuyến khích tiếp tục chiến tranh. Qua mấy lần tăng viện bị thất bại, trong đầu óc nhà vua chỉ còn ý nghĩ duy nhất là làm sao ngưng chiến, mà khỏi mất mặt. Nhân việc Trần Cảo dâng biểu văn, vua Tuyên Tông dựa vào đó, để hoạch định ngay một lộ trình [roadmap] chấm dứt chiến tranh với những nét sau đây:

-Gửi chiếu thư tha An Nam mọi tội lớn nhỏ. Sau khi Sứ giả hỏi han kỳ lão tại An Nam, xác nhận

Trần Cảo là hậu duệ nhà Trần, thì sẽ phong tước.

-Đại quân của Vương Thông cùng toàn bộ quan lại, quân lính, gia nhân thuộc guồng máy cai trị Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty đều rút về.

 

Khổ công vạch lộ trình, vua Tuyên Tông mưu tránh tiếng bị thua phải rút quân, lại muốn lên mặt Thiên tử ban phát hòa bình cho nước ta. Thực hiện gấp việc này, nội trong ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427] nhà vua ban hành 3 chiếu dụ: Văn kiện thứ nhất để phủ dụ An Nam, văn kiện thứ hai gửi cho vua Lê Lợi, văn kiện thứ ba gửi Vương Thông:

 

a. Chiếu phủ dụ An Nam

 

NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM TUYÊN ĐỨC THỨ 2 [19/11/1427]

 

Mệnh Tả Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ, Hữu Thị-lang bộ Công La Nhữ Kính làm Chánh sứ, Hữu Thông chính thuộc ty Thông chính Hoàng Ký, Hồng Lô Tự khanh Từ Vĩnh Đạt làm Phó sứ mang chiếu phủ dụ An Nam. Chiếu thư như sau:

 

“Đạo trời chí nhân, dựa theo sự mong muốn của con người; vua cũng thể theo lòng trời để cai trị. Trước đây khi Thái Tổ Cao Hoàng đế mới nhận mệnh trời thống ngự Trung Hoa và các Di Địch, Quốc vương An Nam Trần Nhật Khuê đầu tiên cung thuận xưng thần, đời sau con cháu nối tiếp một lòng theo. Rồi bị tặc thần Lê Quí Ly thí vua soán đọat ngôi vị, giết họ hàng nhà Trần, độc hại người trong nước, không có chổ tố cáo. Bấy giờ vua Thái Tổ Văn Hoàng-đế ta, mệnh tướng xuất sư thay trời thảo phạt, trừ kẻ tàn bạo, nối dòng bị đứt, bản chất thực là bực thánh nhân. Cha con Hồ Quí Ly bị bắt sống, hỏi han trong nước về con cháu nhà Trần nhưng không có tin tức; bèn ra lệnh đặt quận huyện để cai trị. Trãi qua năm tháng, quan lại cai trị thất sách khiến dân không yên, phải mệt nhọc quân lính. Trẫm là chúa thiên hạ, há nỡ để một phương chịu cảnh tệ hại, nên ngày đêm lo nghĩ làm cách nào thu xếp để được an ninh.

 

Nay viên Tổng binh cho người mang thư của bọn Lê Lợi đến bảo rằng con cháu nhà Trần hiện còn sót lại, lòng người nghĩ đến triều trước, vậy xin ân mệnh được thừa kế, vĩnh viễn phụng chức cống. Xem lời lẽ khẩn thiết, làm đẹp lòng Trẫm, nên ban ân mệnh để được đổi mới. Phàm các quan lại lớn nhỏ, quân dân tại Giao Chỉ, phạm tội không kể lớn nhỏ đều được tha.Về việc cháu của Vương An Nam họ Trần xưa, lệnh đầu mục kỳ lão trình bày đầy đủ sự thực,  rồi sai sứ sách phong; triều cống thì vẫn theo chế độ cũ thời Hồng Vũ. Bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông hãy điều động quan quân trở về nguyên vệ sở. Các quan lại văn võ, quân nhân các hiệu cờ, thuộc Giao Chỉ Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty, vệ, sở, phủ, châu, huyện được mang gia thuộc trở về. Trấn phủ, công sai, nội quan, nội sứ đều trở về kinh.

 

Y Hy! Hưng diệt kế tuyệt thể theo lòng của tổ tiên, xếp võ yên dân thuận đức chở che của trời đất.  Nay chiếu chỉ đặc cách, biểu thị tấm lòng! Bọn Hành nhân Lý Kỳ được ban tiền giấy 5000 quan. ( Minh Thực Lục q. 33, t. 0835-836)

 

2.Sắc dụ Ðầu mục Giao chỉ Lê Lợi:

 

NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM TUYÊN ĐỨC THỨ 2 [19/11/1427]

 

Sắc dụ bọn Đầu mục Giao Chỉ Lê Lợi: Trước đây tại thời vua Thái Tổ Cao Hoàng đế nước ta mới thống ngự xã tắc, An Nam là nước đầu tiên đến qui thuận, kính cẩn giữ tiết bề tôi, trước sau không trái. Đến lúc tặc thần cha con Lê Quí Ly soán thí chúa, giết cả họ Trần, tàn độc với người trong nước, xâm hại lân cảnh; vua Thái Tông Văn Hoàng đế nước ta thể theo lòng trời mang quân điếu phạt, vì muốn trừ tàn bạo, nối dòng bị đứt để yên ổn một phương. Tội nhân đã bắt được, nhưng bỏ thời gian lâu tìm kiếm con cháu họ Trần thì không gặp, bèn ra lệnh chia đất này thành quận huyện, đặt quan lại để cai trị. Ngày tháng lâu dài, quan lại cai trị hiền ác không đều, nên dân chúng không yên, lại phải mệt nhọc đến quân lính, trãi qua năm này đến năm khác, việc binh giáp không chấm dứt được.

 

Trẫm cho rằng dân trong bốn biển đều là con đỏ (18) của ta, làm cha mẹ há để một phương bị chìm đắm, nên ngày đêm lo tính sự yên ổn. Nay viên Tổng binh tâu việc thư từ của ngươi trình rằng con cháu họ Trần An Nam xưa vẫn còn, xin thể theo mệnh của Thái Tông Văn Hoàng-đế “ nối dòng bị đứt”; lời lẽ khẩn khỏan, hợp với lòng Trẫm. Phàm đạo của bậc Đế Vương thuận theo dân để trị, lời nói có lợi cho dân tất nghe theo; đã hạ chiếu đại xá Giao 0Chỉ, mọi việc đều được đổi mới. Lệnh Đầu mục, kỳ lão tâu trình đầy đủ rõ ràng việc con cháu nhà Trần vẫn còn, để sai sứ sang sách phong. Nay sai bọn Thị lang Lý Kỳ mang sắc dụ ngươi, từ nay trở đi nên yên dân, giữ gìn biên cảnh, thể theo lòng kính trời thương người của Trẫm. Khâm tai! ( Minh Thực Lục q. 33, t. 836-838)

 

3.Sắc dụ bọn quan Tổng binh Thành-Sơn hầu Vương Thông

 

 NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM TUYÊN ĐỨC THỨ 2[19/11/1427]

 

Sai Đô Chỉ huy Trương Khải, Chỉ huy Thiêm sự Điền Khoan mang sắc dụ bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông, Hữu Tham tướng Đô đốc Mã Ánh rằng: “ Nhân quan Tổng binh An Viễn hầu Liễu Thăng tiến đến An Nam, nên nhận được thư của bọn Đầu mục Lê Lợi, cùng cháu đích tôn của Vương An Nam trước là Trần Cảo khẩn khỏan xin phục hồi họ Trần để nối dõi,  lời thiết tha hợp với lòng Trẫm. Trẫm là chúa thiên hạ, đều muốn cho dân trong bốn biển vạn nước được an cư lạc nghiệp, há nỡ để cho Giao Chỉ riêng chịu cảnh tệ hại.Gần đây dân nước này không yên,cũng do quan lại cai trị sai, ngược đãi; xét về bản tâm cũng có chỗ đáng thương. Nay đều chấp nhận theo lời xin, đặc biệt ban chiếu xá tội cùng canh tân. Sắc đến, bọn ngươi hãy suất lãnh quan quân cùng mọi người trở về. ( Minh Thực Lục q. 33, t. 837-838 )

           

 

Chú thích

 

1.Cương Mục, Sđd, trang 374.

2.Núi đất: tức Thổ sơn, quân đánh thành thường đắp ụ đất cao gọi là thổ sơn, để quan sát trong thành, cùng đặt súng lớn bắn vào.

3.Pha Lũy: tức ải Nam Quan.

4.Cương Mục, Sđd, trang 378-379.

5.Cương Mục, sđd, trang 377.

6.Mi Động: Tên xã. Nay là Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội.

7. Cương Mục, Sđd, trang 378.

8.Nam Ninh:hiện nay Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, vị trí cách ngả ba các sông Tả Giang, Hữu Giang khoảng trên 10 km.

9.Phủ Thái bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.

10.Cương Mục, sđd, trang 382.

11.Các nị: Chúng mày.

12.Cương Mục, sđd, trang 278.

13.Cương Mục, sđd, trang 382-384.

14. Ðồng ruộng sạch quang: tức tiêu thổ kháng chiến.

15.Chi Lăng: thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.

16. Ải Lưu:là cửa ài trên đường từ Khâu Ôn đến Chi Lăng; nay thuộc giáp giới xã Nhân Lý và Sao Mai huyện Chi Lăng ngày nay.

17.Câu này lấy từ điển “ Chỉ qua vi vũ   ” Hán Thư giảng như sau : Thánh nhân dùng vũ lực để cấm bạo lọan, ngừng can qua; do đó chữ vũ được cấu tạo theo phép hội ý gồm chữ chỉ và qua gộp lại.

18.Con đỏ tức “ xích tử ”, chữ vua dùng chỉ dân chúng.

 

 

 

Năm Mậu Thân [1428]

 

 Cho dù cố gắng vớt vát phần đuôi, nhưng thời cuộc vẫn dửng dưng tiến theo xu thế tất nhiên, không thuận theo lòng vua Tuyên Tông xếp đặt. Sau khi hội thề,  Vương Thông sợ bị vua Lê Lợi đổi ý thì tính mệnh y khó vẹn toàn,  bèn vội vả  mang quân về nước, không kịp chờ lệnh của triều đình .

 

Về đến nơi an toàn, đóng  quân tại  Nam Ninh, Quảng Tây; bấy giờ Vương Thông mới sai người dâng lời tâu nhắm trần tình gỡ tội:

 

 NGÀY 7 THÁNG 2 NĂM TUYÊN ĐỨC THỨ 3 [21/2/1428]

 

Bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông sai người đến tâu rằng:

“ Năm ngoái Lê Lợi tấn công và vây [thành] Giao Chỉ, Thần mang quân đánh, mấy lần thắng, chém bọn Tư đồ ngụy Lê Chích, bắt sống bọn Tư không ngụy Đinh Lễ, cùng đuổi hàng vạn giặc đến sông Phú Lương, chết trôi nhiều không kể xiết, giặc sợ không dám đánh tiếp. Gần đây Lê Lợi tập trung dân bản xứ, tự phong ngụy Vương để làm vững lòng dân chúng, bất ngờ mang đại quân vượt sông xâm lược. Bọn thần mong đại quân đến tăng viện gấp, lại nghe An viễn hầu Liễu Thăng đến quan ải Trấn Di tử trận, Bảo định bá Lương Minh, Thượng thư Lý Khánh đều bị bệnh chết, Đô đốc Thôi Tụ mang quân tới Xương Giang thì bị giặc tập kích, Kiềm quốc công, Tân ninh bá đến châu Qui Hóa bị giặc ngăn trở không tiến được.

 

Thần đôn đốc ngày đêm công kích, Lê Lợi sợ triều đình lại mang đại quân đến đánh bắt, bèn sai người đưa thư xin hàng, đem đầu mục lớn nhỏ đến cửa quân chịu tội, cùng ngụy Vương Trần Cảo sai người dâng biểu trần tình tạ tội, cống người vàng, người bạc thay thân. Lại tiễn Đô đốc Thái Phúc, Đô chỉ huy Lỗ Tăng đưa 13.391 người cùng 1.200 lừa ngựa về kinh trước xin toàn bộ ban sư; kế tiếp lại sai con cháu đến cửa quân nạp lễ xin qui thuận triều đình.

 

Thần trộm nghĩ phụng mệnh diệt giặc, đáng dốc lòng trung thành liều chết để đợi viện binh, nhưng trong thành quân ít, lòng người kinh sợ, chí không vững; bọn giặc lại điên cuồng giảo hoạt hơn trước, các đường thủy bộ quan trọng đều bị chúng chiếm, cho dù có viện binh cũng  khó đến ngay được. Nếu thành trì bị hãm, không khỏi phải hưng binh một lần nữa; vì một góc đất mà mệt nhọc nhiều người trong thiên hạ, khiến đấng quân phụ phải lo, không hợp với lòng trung thành của kẻ thần tử. Thần và chúng [quan] bàn rằng nhân cơ hội này, chỉnh đốn quân lữ, vượt trở về đất sống rồi tái mưu đồ hậu sự. Thần đã đốc suất các nha lại trực thuộc Giao Chỉ cùng quan quân trở về Nam Ninh, Quảng Tây để  phục mệnh, và trông đợi Hoàng thượng xét Trần Cảo có đúng danh nghĩa con cháu nhà Trần không; sai sứ qua lại xem xét, nếu có sự giả mạo, xin lượng cho thêm quân mã thủy bộ chia đường cùng tiến thảo; nếu còn một lần nữa không có hiệu quả, bọn thần xin chịu tru lục. Kính cẩn phủ phục đợi mệnh.

 

Thiên tử xem tờ tấu, nói với thị thần rằng: “ Quan Tổng binh ở ngoài tự tiện liên lạc với giặc, không đợi mệnh lệnh của triều đình mang quân trở về, không còn theo lễ của bề tôi nữa! ( Minh Thực Lục q. 36 t. 0897-0899)

 

Mấy ngày sau đó, vua Tuyên Tông gửi sắc dụ đòi bọn Vương Thông trở về kinh đô. Tức giận trút trên đầu kẻ dưới,  nhà vua không còn úp mở, bộc bạch rõ về kế hoạch của mình đã bị Vương Thông vì tham sống sợ chết muốn giử an toàn cho bản thân mà làm hỏng, để rước lấy nỗi nhục nhã bị người nước “man di” chê cười :

 

NGÀY 10 THÁNG 2 NĂM THỨ 3 [ 24/2/1428 ]

 

Sắc dụ Thành sơn hầu Vương Thông, Đô đốc Mã Ánh. Nhận tờ tấu của các ngươi , được biết quan quân đã về tới Nam Ninh, Quảng Tây. Trước đây nghe tin An viễn hầu Liễu Thăng, Đô đốc Thôi Tụ bị bại; Trẫm cho rằng các ngươi sẽ đem hết dạ trung thành, tiếp tục chiến đấu không ngừng. Nghĩ rằng sinh linh có tội tình gì mà gan óc phải phơi bày nơi đất cát, nên muốn tìm kế vẹn toàn, vốn là ý nguyện của Trẫm.

 

Mới đây nhận tờ biểu của Trần Cảo, cùng thư của Lê Lợi gửi quan Tổng binh xin lập hậu duệ họ Trần, lời lẽ phù hợp lòng Trẫm, nên sai bọn Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ mang chiếu xá tội quân dân quan viên Giao Chỉ, lệnh con cháu nhà Trần đến trình bày sự thực để sai sứ sắc phong; lại sắc dụ các ngươi suất lãnh quan quân, cùng Trấn thủ, Nội quan, quan lại thuộc tam ty (1) trở về. Làm việc này chứng tỏ rằng không phải vì bọn giặc cường ngạnh đại binh không tiêu diệt được, mà chỉ vì không nỡ để con đỏ bị lầm than quá lâu.

 

Các ngươi đáng nên giữ vững thành trì để đợi mệnh lệnh của Trẫm, cớ sao thông đồng với giặc, bỏ thành trở về nước. Các ngươi lo gấp kế bảo toàn cho bản thân, còn về quốc thể thì sao; lại thất lễ vua tôi, há không bị bọn man di chê cười hay sao! Khi sắc tới, phải đưa quân lính mang về, cùng quân rã ngũ bị Lê Lợi tống về, cho trở về nguyên vệ, sở; lại sắc Nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ, cùng Thông tới kinh. ( Minh Thực Lục q. 36, t. 0900 )

 

Riêng đối với Bình định vương Lê Lợi thì vua Tuyên Tông cũng chẳng làm gì hơn được . Tuy tỏ lòng giận dữ kết tội nhà vua “ nghị hòa riêng với Vương Thông để chiếm thành trì, tiếm quyền vô lễ không phải chỉ có một chuyện” nhưng cũng đành nuốt hận tiếp tục “khoan hồng  cho xong việc, để tìm cách mang về hết số quân lính và khí giới đang còn bị kẹt lại:

 

NGÀY 1 THÁNG 4 NĂM TUYÊN ĐỨC THỨ 6 [15/4/1428]

 

Giao Chỉ sai Đầu mục Lê Thiếu Dĩnh từ giã trước bệ rồng; ban cho áo văn ỷ, sa, cùng sắc dụ Đầu mục Lê Lợi rằng:

 

Tháng 10 năm ngoái trong quân gửi đến thư trần tình cùng biểu văn của các ngươi xin lập con cháu họ Trần. Trẫm thể theo lòng hiếu sinh của trời đất, cùng ý lúc khởi đầu của Thái Tông Văn Hoàng đế, thuận theo lời thỉnh. Đặc cách sai bọn Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ mang chiếu thư đại xá Giao Chỉ; lệnh cho ngươi, cùng các Đầu mục, kỳ lão trong nước trình bày đầy đủ sự thực về cháu đích tôn họ Trần.

 

Đáng ra các ngươi phải kính cẩn đợi mệnh của triều đình, nhưng lại ôm lòng xảo trá nghị hòa riêng với bọn Vương Thông, dụ rút quan quân để vào chiếm thành trì, tiếm quyền vô lễ không phải chỉ một chuyện. Tuy hiện nay ngươi dâng lời xin tạ tội, nhưng các quan văn võ quần thần hợp tấu rằng tội ngươi không thể tha được. Trẫm đã ban ân mệnh cho ngươi, nay vẫn giữ sự khoan hồng, nhưng việc làm sau này  phải hợp lòng dân, ngươi không thể tự chuyên được. Khi sắc tới ngươi phải cùng với kỳ lão Giao Chỉ trình bày đầy đủ sự thực về cháu đích tôn họ Trần, đợi tâu lên, để căn cứ vào đó mà ban chiếu sách phong. Ngươi phải đem những người còn bị câu lưu cùng binh khí về kinh, để một phương được an định. Tấu chương của quần thần (4) cũng được giao cho Lê Thiếu Dĩnh đưa cho ngươi để ngươi hiểu rõ. ( Minh Thực Lục q. 41, t. 993 )

 

 

Chú thích

 

1.Tam ty: gồm Đô Chỉ huy sứ ty, Bố chánh ty, Án sát ty.

2.Lời tâu của quần thần nhà Minh về cách đối xử với vua Lê Lợi. Ý vua nhà Minh muốn dùng thêm lời quần thần để gây áp lực.

 

 

Kết Luận

 

Trên 20 năm đấu tranh không ngưng nghĩ, dòng lịch sử khởi đầu tựa những khe suối, nguồn lạch trong rừng,  trãi qua ghềnh thác cheo leo, biết bao sinh mệnh nỗi trôi hy sinh nơi vực sâu triền đá, cuối cùng biến thành sông lớn êm đềm, tỏa ra muôn ngàn sức sống. Hàng trăm cuộc nỗi dậy từng dấy lên, ví như ánh  đèn, đuốc, lửa thuyền chài le lói trong đêm trường; để rồi mặt trời mọc, đèn đuốc tự nhiên tắt dần, hòa nhập với ánh bình minh của dân tộc. Còn địa vị thì phải xứng đáng với công nghiệp; dù nhất thời phải dùng Trần Cảo để tiện giao thiệp với nhà Minh, nhưng rồi tất nhiên người áo vải đất Lam Sơn, Bình định vương Lê Lợi lên ngôi vua.

Ðất nước chẳng những độc lập thống nhất; mà dư oai của cuộc chiến thắng oai hùng, khiến nước ta lấy lại được Ninh Viễn, Lộc Châu,  tức phần đất thuộc các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên và một phần Lạng Sơn ngày nay, trước đó đã bị mất dưới thời nhà Hồ:

 

 Ngày 4 tháng 7 năm Thiên Thuận thứ 8 [ 6/8/1464]

 

Đầu mục châu Ninh Viễn Thứ Mãnh Thứ Tiễn dẫn  thổ dân  Di trắng chân đen [Thái Trắng ]đến cướp phá vùng La Mai thuộc phủ Lâm An, Vân Nam; viên Tri phủ Chu Anh dấu việc này không trình. Rồi có một số hơn 80 người gồm cả trai gái thuộc trại Ha tại An Nam đến theo; y  trưng công việc này và che dấu lỗi cũ.  Bọn quan Tổng binh Đô đốc Đồng tri Mộc Toản tâu lên. Đô sát viện xin Tuần Án Ngự sử bắt điều tra. Châu Ninh Viễn vốn là đất của Trung Quốc (1), hồi đầu triều [ Minh ] thuộc ty Bố chánh Vân Nam; năm đầu Tuyên Đức Lê Lợi làm phản, triều đình cho lại đất cũ. Chúng bèn chiếm cả châu Ninh Viễn và Lộc Châu thuộc phủ Thái Bình, Quảng Tây; lúc bấy giờ cơ quan hữu trách không kiểm soát, nên nay bị mất vào tay người Di (2) . ( Minh Thực Lục v. 39, t. 163-164; Hiến Tông q. 7, t.1a-1b )

 

Chú thích

 

1.Do Hồ Quí Ly bị áp lực, nhường cho Trung Quốc. Xin xem thêm Việt Sử Tư Liệu và  Lời Bàn, bài số 27, trang 350, Vua Lê Lợi lấy lại được phần đất bị mất bởi triều đại trước, tác gỉả Hồ Bạch Thảo.

2.Di:người Trung quốc kỳ thị gọi lân bang bốn phương là tứ Di, tại bài này chỉ Việt Nam.

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 2102
Ngày đăng: 07.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 2) - Nguyễn Đức Hiệp
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 4 - Hồ Bạch Thảo
Chiến lược của Nguyễn Cư Trinh trong việc củng cố và phát triển miền nam Việt Nam - Hồ Bạch Thảo
Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 1) - Nguyễn Đức Hiệp
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 2 - Hồ Bạch Thảo
TRỤ ÐỒNG MÃ VIỆN: Sự Ðàn Hồi Của Biên Giới Ðế Quốc Trung Hoa - Chính Đạo
Xứ Mô Xoài – Vùng Đất Đầu Tiên Người Việt Khai Phá Ở Nam Bộ - Nguyễn Đình Thống
Trạng Bùng Đi Sứ. - Phùng Thành Chủng
Vị Sứ Thần “Bất Nhục Quân Mệnh”Giang Văn Minh. - Phùng Thành Chủng
Xem xét lại thời Tây Sơn - Nguyệt Cầm
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)