Hình như trong tất cả chúng ta có ít nhất một lần từng nghe ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Như thời trước “Không”, “Buồn ơi chào mi”…. hoặc bây giờ là “Tình khúc chiều mưa”, “Lặng lẽ tiếng dương cầm”…
Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1-1-1940 tại Phan Rang. Hiện ông vẫn còn khoẻ mạnh vui thỏa với niềm đam mê âm nhạc tại một điểm hẹn do chính ông gầy dựng: Quán café Tiếng Dương Cầm (373 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Tân Bình, Saigon)
“ …Cách đây mấy thập niên, cuộc đời nghệ sĩ của Nguyễn Ánh 9 tưởng chừng như dừng lại ở vai trò một nhạc sĩ hòa âm và đệm dương cầm cho một số phòng trà, nhưng nó đã thay đổi trong chuyến đi Nhật vào tháng 8 năm 1970, cùng với Khánh Ly biểu diễn tại hội chợ Osaka (Nhật). Sau buổi diễn, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy ông mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người tình của Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Câu hỏi như đụng thấu tâm can, với cảm xúc dạt dào, trong vòng vài tiếng đồng hồ, ông viết xong một bản nhạc với những lời lẽ thật lạ. Lúc đầu ông lấy tựa "Không, Không... tôi không còn yêu em nữa", do được tác động cảm hứng thêm từ một ca khúc của Christopher "Non, Non, Je ne t'aime plus"...Về sau, Nguyễn Ánh 9 cắt gọn tất cả, chỉ còn lại một chữ “KHÔNG” duy nhất.
Khi bài “Không” được phổ biến, tên tuổi của Nguyễn Ánh 9 được mọi người hâm mộ, anh mới thật sự có cảm hứng sáng tác những ca khúc mới lần lượt như "Ai đưa em về", "Một lời cuối cho em", "Chia phôi", "Không 2", "Trọn kiếp đơn côi" ... vào cuối năm 1971 và đầu năm 1972...
Bản nhạc “Không” cũng trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương, cũng như một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9 như “Ai đưa em về”, “Chia phôi”, “Lời cuối cho em”,... được Elvis Phương trình bày thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee (*).
Hẳn chúng ta đang tò mò về “người tình” của Nguyễn Ánh 9? Điều còn làm cho chúng ta bất ngờ, ông Nguyễn Ánh 9 không giống như phần đông những nghệ sĩ khác – lê thê nhiều mối tình. Người tình trong bản “Không” là người tình, là tình yêu duy nhất trong đời của người nhạc sĩ.
Hãy nghe ông tâm sự:
“18 tuổi, tôi gặp mối tình đầu. Hai người tình thơ trẻ bị cuốn vào niềm đam mê choáng váng và mãnh liệt. Nhưng dường như là số phận, những mối tình quá đẹp, thường khó vẹn toàn. Gia đình cô gái không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc sĩ nghèo, sống lang bạt kỳ hồ. Ngăn không được lòng đôi trẻ, cha mẹ cô dùng kế ly gián, gây nghi ngờ hờn giận cho hai người. Để cách ly, cô ấy bị bố mẹ bắt sang Pháp sống, hòng ngăn cản mối tình “rồ dại” với chàng nhạc sĩ…
Trong tâm trạng tan nát, bẽ bàng vì lầm tưởng bị người tình phụ rẫy, tôi viết bài “Không” với những lời như từ chối, như cố quên. Sau này, khi tôi đã có vợ con, chúng tôi gặp lại nhau thì mới vỡ lẽ rằng, trước đây, cô ấy bị bố mẹ giấu hết thư và không cho liên lạc với tôi. Đến bây giờ cô ấy vẫn sống một mình với dư âm mối tình đầu.
- Hồi nhỏ tôi học rất giỏi, ba mẹ muốn tôi trở thành kỹ sư, bác sĩ, chứ không ưa nghệ sĩ. Ba cho tôi lựa chọn, một là làm theo bố mẹ, hai là ra khỏi nhà. Tôi đã chọn cách thứ hai.
- Cái tên Nguyễn Ánh 9 có liên quan gì tới mối tình này không, thưa ông?
- Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9.
- Sau khi biết người yêu đầu tiên vẫn cô đơn, cảm giác của ông như thế nào?
- Tôi có lỗi rất lớn với gia đình bởi tới giờ tôi vẫn yêu người đó. Nhưng đó là một tình yêu rất xa. Mỗi khi buồn, tôi lại nhớ tới những kỷ niệm xưa và nỗi buồn qua đi. Người ấy đã lấy thành công của tôi để làm niềm vui cho mình. Nghĩ tới điều này càng làm tôi buồn thêm. Tất cả tình khúc của tôi chỉ dành cho người ấy.
- Một tình yêu đẹp thế có làm vợ ông chạnh lòng?
- Chắc là vợ tôi cũng khổ lắm, nhưng cô ấy rất dễ thương. Cô ấy hiểu và không trách móc, thậm chí còn an ủi tôi. Vợ tôi quá tuyệt vời, thành ra tôi cảm thấy có tội với cả hai người. Hạnh phúc của tôi là có được một tình yêu chân thực, một người vợ hiền và những đứa con ngoan. Thế là quá nhiều với một con người rồi.
- Sáng tác nhạc bằng chính nỗi đau của mình phải chăng là một sự hành hạ bản thân?
- Mỗi lần sáng tác, tôi đều mong có người ấy ở bên cạnh và cảm giác thường trực của tôi là xót xa. Tôi cố gắng có được thành công để người đó thấy rằng sự hy sinh của cô ấy là xứng đáng….” (**)
Chúng ta hãy bỏ qua những điều tiếng, bỏ qua những phê phán nặng phần đạo đức. Người viết muốn chúng ta cùng chiêm nghiệm, cùng chiêm ngưỡng một mối tình. Một cuộc tình đẹp, đẹp, tuyệt đẹp. Đẹp chung thủy với những ký ức ngọt ngào. Cùng chiêm ngưỡng một nhân cách hành xử của người vợ như hạt tinh khiết lưu ly không tỳ vết bởi đã vượt qua những nỗi ghen tương thường tình.
Và, cùng chiêm ngưỡng sự thật thà thẳng thắn đáng kính trọng của một người đàn ông:
…. “ Tình đầu là mật ngọt, là rượu say, là trọn vẹn nồng nàn, đắng nghét. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã viết tất cả các tình khúc trong đời mình từ dư âm ấy. Giờ đây, đã gần ở tuổi "cổ lai hy", nhạc sĩ vẫn còn choáng váng: Vết bỏng của tình đầu vĩnh viễn không nguôi dịu. Đôi khi tôi cứ nghĩ đó là nỗi đau trời cho. Nếu thành vợ chồng chắc gì tình yêu sống mãi. Vì không có nhau trọn vẹn nên cô ấy mãi trẻ trung, nhẹ nhàng và thanh cao, lúc nào cũng là thiếu nữ đôi mươi trong tâm hồn tôi. Ký ức về cô ấy là điểm tựa để tôi nương vào, giữ gìn những gì trong lành nhất cho âm nhạc và đời sống của mình".
Nguyễn Ánh 9 trong ngày cưới.
Năm 1965, ông lập gia đình và tin tưởng những dông bão của mối tình đầu sẽ ngủ yên. Chăm chút, trách nhiệm hết mực với vợ con, nhưng ông không giấu lòng mình: "Vợ tôi là một người phụ nữ dịu hiền nhân hậu, có lẽ chẳng người phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như cô ấy. Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm giác sau hình ảnh của mối tình đầu".
Năm 1974, ông gặp lại người tình xưa khi cô về Sài Gòn, cô vẫn một mình, vẫn yêu ông và chẳng oán trách gì. Đã lỡ làng, có xót xa thì cũng đành sống cho hết bi kịch một kiếp người. Họ lại xa nhau, lần này là mãi mãi, để vùi chôn những dấu yêu xưa cũ vào đáy lòng mình, nhức buốt, cho tới hơi thở cuối cùng.
Người vợ hiền của nhạc sĩ quả là đáng trân trọng bởi sự nhẫn nại, bao dung và tình yêu quá lớn bà dành cho ông. Gần 40 năm kết tóc se tơ, bà chưa từng dằn vặt chồng, luôn câm lặng chịu đựng, và chỉ nén khóc khi còn một mình ngồi nghe lại những bản tình ca ông viết cho người phụ nữ kia. Trong bi kịch này, bà mới thực sự là người bị tổn thương. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 coi vợ như là ân nhân của đời mình, ông nói: "Càng về già, càng thương bà ấy hơn. Tôi "gác kiếm" còn vì muốn có thời gian chăm sóc và bù đắp cho vợ. Tôi coi việc ấy là hệ trọng với những năm còn lại của đời mình".
Vì thế, ông chẳng nỡ đi đâu xa sợ bà một mình sẽ buồn, làm một việc nhỏ, ông cũng tâm niệm dành thành quả và niềm vui ấy cho vợ. Ở tuổi xế chiều, ông đã thấy quý giá vì được sống trọn đời bên một người phụ nữ, chẳng vì lửa nồng tình yêu mà vì hơi ấm bền bỉ, yên lặng và thiêng liêng của nghĩa nhân duyên. Thứ tình không ồn ào ấy đã cưu mang những lỗi lầm ông vung vãi suốt thời trai trẻ.” ( ***)
Kính mời chúng ta cùng thưởng thức KHÔNG do Elvis Phương trình bày:
Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa
Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa
Không! Không!
Tôi không còn yêu em nữa em ơi
Tình đời thay trắng đổi đen
Tình đời còn lắm bon chen
Tình đời còn lắm đam mê
Nên tình còn lắm ê chề
Tình mình có nghĩa gì đâu
Tình mình đã lắm thương đau
Tình mình gian dối cho nhau
Thôi đành hẹn lại kiếp sau
Không! không
Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa
Không! không
Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa
Không! không
Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi.
(Lời bài hát "Không").
Bản KHÔNG nổi tiếng trong nước. Ngoài ra còn được dịch ra một số thứ tiếng ở châu Á, như tiếng Hoa, tiếng Nhật,…
Một bản tiếng Hoa của bài "Không" do Đặng Lệ Quân (Teresa Teng) trình bày.
Một phiên bản tiếng Nhật của bài Không do ca sĩ Teresa Teng-Japanese (anata) trình bày.
(Hầm Nắng Michigan, 7-6-2011)
Người viết cảm ơn và xin phép được trích từ:
(*) nhạc SO. Net.
(**) Bài phỏng vấn của Thu Hương (VNExpress).
(***) Website của NA9