Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.794
 
Ook – Om –Bok Hay Sampeah Preah Khe của đồng bào Khmer ở Trà Vinh
Hồng Băng

Nếu như CHÔL SNAM THMÂY(1) là một lễ tiết nhằm đánh dấu sự thay đổi, biến chuyển của một chu kỳ thời tiết thì OOK-OM-BOK(2) lễ ÓT hay SAM PEAH PREAH KHE(3) là một lễ hội tương tự, được tổ chức vào tháng trăng tròn Kadâk để đánh dấu một mùa mưa vừa đi qua.

 

Tuyệt đại bộ phận người Khmer ở Trà Vinh sinh sống bằng nghề nông, trồng lúa nước là chủ yếu và sống tập trung trên những con giồng cao, bao quanh bởi chít mương rạch nhỏ. Từ xưa, vốn là một vùng trũng được chinh phục từ các lầy phèn mặn, hệ thống đê bao lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún . . . nên gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác nhất là trong mùa mưa lũ. Mưa đem đến những nguồn lợi đáng kể như : cung cấp lượng nước ngọt được trữ ở các ao, đìa . . . để sử dụng vào mùa khô hạn, mang phù sa mới đến bồi đấp đất vườn, lượng thực phẩm như tôm, cá dồi dào  . . . nhưng mưa cũng mang lại những bất lợi cho mùa màng, bão lũ làm ngập úng ruộng vườn, hư hại cây nông nghiệp, giao thông trắc trở và hơn hết là bệnh tật.

 

Trước hoàn cảnh thiên nhiên nhiều bất trắc ấy, người dân mơ hồ cảm nhận về đấng siêu nhiên. Và có lẽ OOK OM BOK ra đời từ đó. Đêm lễ hội vang lên lời khấn nguyện tạ lỗi với vuông đất, với dòng nước vì trong quá trình sinh sống họ đã làm dơ bẩn đất – nước, để sau cùng là tống tiễn Thần Nước đã giúp họ vượt qua một mùa mưa bình yên. Ngoài ra, lễ hội còn được hiểu như cuộc đón rước THẦN NẮNG ẤM biểu hiện qua những chiếc đèn gió mang ánh lửa bay giữa trời đêm.

 

Tóm lại OOK OM BOK, đầu tiên là một lễ hội gắn liền với tín ngưỡng dân gian, là dấu vết lưu lại của thời kỳ đầu khẩn đất và trồng trọt vốn phó mặc thiên nhiên với những niềm tin mơ hồ về đấng siêu hình.

 

Lễ hội được tổ chức đều khắp các Phum Sóc, các chùa Khmer và đặc biệt ở Trà Vinh, đêm rằm tháng 10, Ao Bà Om là nơi quy tụ đông đảo người dân về dự lễ hội này. Bên ánh trăng vàng huyễn hoặc, những cụm đại thụ kết rể, liền cành . . . như biểu hiện tình đoàn kết Kinh – Khmer – Hoa luôn bền vững, là các trò chơi truyền thống được mọi người tham gia ủng hộ; Đập nồi, kéo co, thả vịt . . .

 

Có 3 sự kiện lớn đáng để ý trong lễ ÓT.

1/- LỄ NUỐT CỐM :

 

Lễ nuốt cốm  là một nghi thức chủ yếu nhất trong các nghi thức diễn ra trong lễ hội, người ta có thể tổ chức tại hộ gia đình hoặc tập trung tại một điểm của làng xóm hoặc trong khuôn viên chùa. Lễ bắt đầu vào khoảng 21 giờ đêm, khi vằng trăng đã tỏ rạng. Sau khi chọn được khoảng đất thích hợp, người ta dùng ba đoạn tre kết thành một khung cổng gồm hai thanh đứng và một thanh ngang, chân xuống đất, trông như khung thành của bóng đá. Khung cổng trang trí hoa lá, trên thanh ngang được cắm những ngọn đèn sáp, phía dưới được lót bằng lá chuối tươi và một chiếc bàn trưng bày phẩm vật cúng tế. Phẩm vật gồm có khoai củ, trái cây như dừa, khoai lang, môn, chuối . .. Tất cả đều ở dạng luộc, nấu. Thức cúng không được chế biến cầu kỳ. Có 3 thức cúng bắt buộc là chuối xiêm chín, dừa tươi nguyên trái đã dạt mặt và cốm dẹp (4) : Người đại diện dùng nhang đèn khấn nguyện. Nội dung lời khấn là cầu mong con cháu được mạnh khoẻ, học giỏi, mùa màng được thuận lợi, phum sóc bình yên, giàu có . . . Lễ cúng hoàn tất sau khi dân làng chọn một bé trai to, khoẻ, đứng giữa sân, người đại diện dùng tay đổ cốm dẹp vào miệng em bé cho đến khi đầy cứng, không ngậm miệng được. Sau đó ông đút thêm một trái chuối và vuốt lưng bảo em bé nuốt. Sau vài lần cố nuốt với sự giúp đỡ của người đại diện, kết quả là tất cả những vật phẩm đều bị trào ngược, văng tung tóe. Người ta tiếp tục cho bé uống nước dừa giữa tiếng vỗ tay, tiếng cười hả hê. Thế là sẽ có một năm mùa màng trúng đậm, ăn không hết đến thừa mứa ! Có nơi bắt em bé nói lên ước mơ của mình đối với bản thân, gia đình, làng xóm và họ tin lời ước mơ dưới vầng trăng sáng này sẽ thành hiện thực. Xưa kia, để dự đoán mùa mưa năm sau, họ căn cứ vào lượng sáp đèn rơi xuống tàu lá chuối, hướng dòng chảy . . . Ngày nay, ít thấy dân làng coi trọng lễ tục này.

 

Trong lễ nuốt cốm, người ta vui chơi ở chùa, dự buổi cầu nguyện, có thể xem đây là thành tựu của Phật giáo với ảnh hưởng xen lấn vào Tín ngưỡng Dân gian. Lễ cúng trăng được thi vị hoá qua câu chuyện hình chú thỏ trên mặt trăng, tiền thân của Phật Thích Ca. Lạy trăng, một biểu tượng của âm tính, vừa mang ý nghĩa tiễn mùa nước, mừng mùa lúa mới, vinh danh thần Anh sáng, còn là tưởng nhớ đến sự hy sinh của Đức Phật đã dùng thịt của mình để dâng cho người đói khổ ( Thỏ nhảy vào lửa để dâng thịt)

 

2/- THẢ ĐÈN GIÓ – ĐÈN NƯỚC.

 

Đèn gió là một đèn được cấu tạo từ những vật liệu tre, giấy quyến và dây kẽm, có 2 loại đèn : vuông và tròn. Khối đèn tròn thông dụng hơn. Với những nan tre chuốt nhẵn, người ta làm thành những vòng tròn có đường kính chừng 1 mét. Liên kết những nan tròn ấy lại thành khối trụ có chiều cao chừng 2 mét, tất cả đều được dán kín bằng giấy quyến trừ đáy đèn để trống và gắn vào đó là 1 “ổ nhện” làm bằng kẽm lớn. Ổ nhện được phủ lên lớp gòn ta tẩm ướt dầu phọng(5) ,lớp gòn được đốt cháy và được nhiều người nâng đèn lên cao. Nhiệt độ làm giấy căng phồng, tạo lực đẩy. Người nâng đèn nương tay theo và cùng buông tay khi lực đẩy đủ sức để đèn bay vút lên mà không chao nghiêng dễ gây cháy. Thường, lễ thả đèn được tổ chức trong đêm rằm,  trong khuôn viên các chùa và đẹp nhất là ở trung tâm du lịch tỉnh với nhiều huyền thoại xa xưa, giữa phong cảnh hữu tình : Ao Bà Om – Hàng chục, hàng trăm chiếc đèn vút cao trên bầu trời đêm huyền ảo – Mắt nhìn theo ánh lửa, lòng vui sướng hân hoan.ngọn lửa sưởi ấm bầu trời đêm lạnh, dần xa và mất hút trong không gian với chút luyến tiếc. Chiếc đèn đã mang đi những tai ương, rủi ro bất trắc để phum sóc yên bình. Việc đèn rơi vào nhà là điềm xấu, thỉnh thoảng có xảy ra, ít khi gây hoả hoạn – Người chủ nhà phải làm lễ, mời quý sư sãi đến tụng kinh để giải hạn. Với tấm lòng nhân hậu, chất phát, người Khmer mang nhiều khát vọng chính đáng tỏ bày qua lễ hội này.

 

Ngoài thả đèn gió, người ta còn thả đèn nước. Đèn nước gồm 2 phần : Bè + Nhà. Bè được tạo từ những thân cây chuối, cắt đoạn, nối kết. Nhà là những khung tre phất giấy, nhiều màu sắc trông như những hoàng cung vua chúa ngày xưa. Chiếc đèn nước trọng tâm này được nhiều người chung vai rước lễ quanh bờ Ao Bà Om – Đèn có đủ lễ vật tống quái. Ngoài lễ vật cây trái thông thường, còn có gà luộc. Bè có gắn tượng các tay chèo với  hình thù đặc trưng – Chiếc bè được đẩy ra và trôi giữa lòng hồ – Trẻ em có thể thả đèn do chúng tự chế : lá chuối, lá dừa ... xếp thành những hình hộp, hình thuyền…  sao cho chúng có thể nổi, trôi được dưới nước. Những chiếc đèn con bập bùng ánh sáng nến phủ khắp mặt hồ, lung linh huyền diệu. Tất cả đều tuân thủ : Nước và Anh sáng.

 

Vật phẩm trong Đèn nước thường bị trẻ em giành lấy và chia phần – Người ta cho rằng chúng là con cháu của : Ông Tà, Á Rặc” (6) nên không việc gì phải sợ . Ở  đây, có thể thấy rằng chúng có ảnh hưởng với lễ tống quái của người Việt xưa qua việc cướp bè của mục đồng vì chúng có Thần Nông bảo vệ.

 

3/- ĐUA GHE NGO (7)

 

Ghe Ngo là chiếc thuyền độc mộc, thường làm bằng gỗ tốt dài chừng 30 mét, chịu nước, như gỗ sao, chẳng hạn. Ghe được sơn phết với mầu sắc đặc trưng của dân tộc Khmer. Ở mũi ghe có hình một loài thú để dễ phân biệt : Ó, Mãnh Sư, Voi . . . Trên ghe ngo có trên dưới 30 đôi tay chèo, một vị chỉ huy qua nhịp điệu đôi tay, môt vị đánh cồng thúc giục. Thắng hay bại được trông chờ qua kinh nghiệm của vị chỉ huy nầy.

 

Ghe ngo tổng thể có hình Rắn, vật biểu tượng quyền lực thuỷ cung : Rắn thần Naga và đua ghe ngo cũng là một nghi thức tống tiễn Thần Nước.

 

Ở Trà Vinh trước năm 1975 Lễ Ót không có đua ghe ngo. Có thể vì vùng địa lý không thuận lợi và vì chiến tranh. Hơn nữa, để đóng một chiếc ghe ngo số tiền bỏ ra rất lớn. Đội đua cần nhiều chiếc. Mỗi chiếc vừa đội hình chính, đội hình dự bị lên đến gần trăm thanh niên lực lưỡng- kinh phí tập dượt cũng là 1 khoản chi đáng kể. Ghe Ngo được cất giữ trong chùa và chỉ dùng trong dịp Lễ Ót. Có lẽ chính vì thế mà Đua Ghe Ngo chỉ là niềm mơ ước trong lòng người Khmer ở Trà Vinh .

 

Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của chính quyền, Lễ hội OOK – OM – BOK được tổ chức như một ngày lễ lớn – Ao Bà Om người chen nhau không lọt và nhiều đội Ghe Ngo được ra đời với các đơn vị như Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Thị Xã Trà Vinh  .. . Lễ Đua ghe ngo ra đời là thoả niềm mơ ước  lớn lao trong cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh. Đua Ghe ngo thường được tổ chức vào ngày 14 tháng 10 âm lịch trên Rạch Long Bình  thuộc Thị Xã Trà Vinh .

 

Lễ Ót ở Trà Vinh làm sống lại 1 phần thời quá khứ  xa xôi mang chút không khí hoài cổ, tưởng niệm. Theo dòng thời gian, những hủ tục lần lượt bị rớt lại dưới ánh sáng của khoa học và dĩ nhiên, cũng được sáng tạo để theo kịp thời đại .

 

* ĐÔI ĐIỀU VỀ LỄ HỘI.

 

Trước năm 1975, trưng bày sản vật nông nghiệp là một phần của Lễ Ót mà ngày nay không còn lưu lại. Thiết nghĩ chúng ta nên phục hồi. Người Khmer vốn hiếu khách, cần cù và khéo tay, những sản vật lại có tính đặc trưng rất hấp dẫn khách du lịch - Nên có  một gian hàng trưng bày mua bán hàng thủ công : vừng, sàng, nia, thúng, rổ . . . gian hàng hoa quả : khoai, sắn, bí rợ . . . Các mặt hàng này được tuyển chọn kỹ, phải là hàng đẹp nhất, trái to nhất., mang tính kỷ lục hoặc đột phá.

 

Vùng Trà Cú có đồng lát phục vụ cho hợp tác xã nghề chiếu. Nhiều vùng nông thôn Trà Vinh đang phát triển hiệu quả việc nuôi bò lai. Để kích thích nông nghiệp sản xuất, nên phát động dự thi chiếu đẹp, bò tốt. Các nghệ nhân Khmer nắn nót chế tạo những công cụ sinh hoạt sản xuất đặc thù, dạng thu nhỏ để khách du lịch mua làm quà tặng : chiếc cộ tre, vồng hái, cu lim, gậy tre cầm tay  gốc rễ hình đẹp mắt, tự nhiên . . . Những gian hàng trưng bày lúa nếp, rau sạch, không dùng phân hoá học, gỗ quăng, trái quách, y phục truyền thống . . .

 

OOK – OM – BOK là một sinh hoạt văn hoá độc đáo, cần phổ biến và khuyếch trương xứng tầm, làm nổi rõ tình đoàn kết các dân tộc, thông hiểu và cùng nhau tiến bộ

 

OOK – OM – BOK tiễn mùa bão lũ

OOK – OM – BOK  chào nắng ấm

Những giọt nắng ấm được chia đều, không của riêng ai

 

Trà Vinh, ngày 10/11/2004

------------------------------

* Chú thích :

 

1. CHÔL SNAM THMÂY : Lễ vào năm mới, người Khmer được thêm mộ tuổi.

2. OOK OM BOK : Lễ Nuốt cốm.

3. SAMPEAH PREAH KHE : Tháng trăng tròn, lễ lạy trăng.

4. Cốm dẹp: Sản phẩm chế biến từ hạt nếp tươi, được rang và giả, thức cúng chính yếu của lễ Ót.

5. Dầu phọng: Dầu Phọng không nhiều khói, đèn khi đốt, dễ ở vị trí  chuẩn.

6. ÔNG TÀ –Á RẶC: Những vị thần bảo hộ của người Khmer.

7. GHE NGO: Tuk – Ngua : Thuyền cong.

Hồng Băng
Số lần đọc: 2994
Ngày đăng: 13.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi tìm - Võ Tấn Cường
Văn xuôi ĐBSCL qua cái nhìn của những người trong cuộc - Trương Trọng Nghĩa
Có một loài rau dân dã - Nhật Linh
Hành trình cây khóm - Nhật Linh
Sóng Trắng - Lê Ái Siêm
Cà Mau và hạt ngọc phù sa - Lê Tương Ứng
Chùa cổ Tiên Châu - Trần Thành Trung
Đặt trúm ở rừng U Minh - Phan Trung Nghĩa
Đọc “Diện mạo văn học dân gian Nam bộ” của Nguyễn Văn Hầu - Nguyễn Viết Chung
Người Chăm An Giang – bản sắc văn hóa độc đáo một vùng biên - Phương Kiều