Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.573
 
Một pho tượng biết suy nghĩ
Trần Hoài Thư

Trong một cõi gồm những kẻ làm việc bằng trí óc ấy, ông Nguyễn như một bóng hình không đậm nét, mờ nhạt giữa đám đông. Có lẽ tại vì tuổi tác của ông. Và cũng có lẽ vì ông đến từ phương trời lạ lẩm, nơi mà ngôn ngữ, truyền thống lễ giáo phong tục tập quán đều khác biệt, để ông khó có thể hoà đồng. Ông dửng dưng trước ngày sinh nhật của mình, khi người ta chúc mừng ông happy birthday to you. Ông không thích nghi với những buổi tiệc tùng do hãng hay nhóm tổ chức. Miệng ông câm khi họ bàn tán về thể thao hay thời tiết hay một show truyền hình quen thuộc. Có những lần cả nhóm kéo tới một nhà hàng để tiễn đưa một người trong nhóm có việc làm khác, hay nhân lễ Giáng Sinh v.v... ông ngồi bên cạnh họ không nói năng. Ông cảm thấy bức rức khi một đứa trong bọn lôi ra cái máy tính, tính số tiền mỗi người phải trả từng cent. Đôi khi ông muốn góp vào một câu chuyện để chứng tỏ ông hoà đồng cùng đám đông, nhưng ông cảm thấy câu chuyện mình quá nhạt nhẻo, không gây cho họ chú ý.  Rõ ràng ông là kẻ đứng bên lề. Ông là một cù lao cô độc. Ông là con hổ con beo mất rừng mất núi. Ông chỉ còn có căn phòng, bốn vách tường thấy bóng ông hẩm hiu.

May mà ông có nỗi đam mê ở công việc mình làm. Ông thích điện toán. Ông xem việc làm của mình chẳng qua là tham dự vào một cuộc đấu trí có tiền thưởng không hơn không kém.

 

Như vậy, ông đã sống sót qua 7 năm với nghề thảo chương viên  (programmer)  này.

 

Ông hiểu rằng, dù ngôn ngữ điện toán có thay đổi cùng thời gian, nhưng qui luật điện toán vẫn là một. Vẫn là input, processing và output. Input là những dữ kiện mà ta có. Ta dùng ngôn ngữ  điện toán (language) để viết sau đó máy sẽ chạy nhờ chương trình của ta để tạo thành output, tức kết quả mà khách hàng yêu cầu, hay ít ra có giá trị cho người khác...

 

Bảy năm. Từ khi bắt đầu, dùng ngôn ngữ assembler, loại ngôn ngữ rắc rối, rườm rà nhất, hoàn toàn không thân mật cũng không English như IF or ELSE rồi đến Cobol, rồi C, rồi C++, rồi SHELL, rồi IMS, rồi CICS, rồi ISAM, Easytrieve rồi ABAP/4 .. Rồi mainframe, rồi Unix, rồi PC, rồi NT rồi SAP...Trời ơi !

 

Trời ơi, bao nhiêu ngôn ngữ ông phải để trong bộ bán cầu não, khi nó đã quá dày những hận thù, những rượu chè, đàn bà, súng đạn, những ngất ngư mê mệt của ngày tháng thanh xuân, của tù tội của vượt biển hãi hùng. Lại cọng thêm chữ Anh chữ Mỹ. Lại cọng thêm số điện thoại, số an sinh xã hội  hay những password của thẻ thiếu chịu, hay của cả chục hệ thống điện toán mà ông phụ trách...  Như vậy, mà ông phải nhớ, không nhớ thì phải ráng. Ráng trong khi ngày càng lúc càng kéo bóng xế của đời người.

 

Thật vậy, thử mổ xẻ phân tích tại sao tuổi già lại hay bị lãng trí, hoặc hay quên. Thử nhìn vào cái máy siêu điện toán, mỗi giây có thể thực hiện cả triệu phép tính, nhưng chắc gì nó lại không bị lỗi. Không phải vì nó tính sai, nhưng vì cặn bả còn sót, còn bám. Bởi vậy có một lệnh (command) tên "refresh" để  hốt rác hốt bụi hốt những phế thải khỏi máy trước khi dùng. Bởi vậy có những lệnh (command) như INIT tức initialiaztion để dọn bãi trước khi người programmer bắt tay vào những việc khác. Bởi vậy máy mới ít phạm lỗi hơn là máy cũ.

 

Còn con người. Vẫn bộ não ấy. Vẫn trí óc ấy. Cứ nhét hoài, cứ dồn hoài cái gọi là cuộc đời, và biết bao nhiêu điều xãy ra khi hắn bắt đầu khóc mấy tiếng oa oa. Tức nước thì vỡ bờ. Ở đây không vỡ bờ mà làm chậm lụt, làm mất dần tinh tế thông minh.

 

May mà con người còn có một ngôn ngữ khỏi cần phải học, phải nhớ, tự động phát ra khỏi cửa miệng khỏi cần cắn lưỡi cắn răng khỏi cần nhăn trán suy nghĩ. Đó là tiếng Mẹ đẻ của hắn.

 

Nhưng mà hắn lại ít dùng, ông lại ít dùng. Có khi suốt cả ngày 8 tiếng đồng hồ, ông chưa nói ra một tiếng Việt. Có khi nói ra rồi lại giật mình. Tại sao mình lại dùng chữ Việt chứ. Hèn gì thằng Gary trố mắt ngạc nhiên. Có lẽ vì lịch sự nó không hỏi sorry I can't understand what you were saying about...

 

Ôi, tiếng Việt. Ông đã quên nó ban ngày, nhưng chiều về, hay ban đêm, ông nhớ nó, ông dùng nó, ông thì thầm, ông ru em, ông hát, ông say sưa kể trong điện thoại, ông cải, ông la, ông đọc, ông cảm nhận... Nó có thể diển tả tâm sự của ông. Nó không phải để cái lưỡi vào giữa hai hàm răng cắn lại khi phát âm tiếng th. Nó thật dản dị dễ dàng như bài ca của Phạm Duy:

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời...

À ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời...

 

Có ở trong hoàn cảnh của một kẻ bị mất tiếng nói, mới càng thấm thía được ý nghĩa của bài hát. Hắn cảm thấy mình thua thiệt hay không có chỗ đứng.

 

Dường như các cấp lãnh đạo của công ty biết được niềm u uẩn của những nhân viên gốc thiểu số nên thường xuyên mở những khóa học về Diversity, tức dị biệt về chủng tộc, màu da trong một cộng đồng lớn. Họ bắt buộc mỗi nhân viên phải tham dự hai khoá: Diversity I và Diversity II.

 

*

 

...Phòng học quá rộng. Bốn góc được trang bị bằng 4 máy truyền hình cỡ bự. Ngoài phòng đã kê sẵn chiếc bàn dài phủ khăn trắng với cà phê, bánh ngọt điểm tâm. Các vị giảng sư đều được mướn từ những nhóm consultant danh tiếng chuyên về môn Diversity - dị biệt trong một tập thể đa chủng. Không biết họ có thể đánh tan những áng mây u ám trong tâm trí của ông hay không. Bởi vì mục đích của khoá học này không phải là tìm một lời giải cho vấn nạn: chia rẽ, phân ly, nghi kÿ từ ngưòi này qua người khác, tập thể này đối với tập thể khác, hay rộng hơn, giống dân này đối với giống dân khác hay sao?.

 

Đầu tiên vị giảng sư kêu mọi học viên viết tên họ trên tấm giấy dán lên ngực áo, và yêu cầu tự giới thiệu tên họ, kinh nghiệm, tại sao lại chọn môn này mà học... Lúc đó, một cô gái đã đến bên ông hỏi bằng tiếng Anh: xin lỗi có ai ngồi ở đây không? ông ngờ ngợ cô gái ấy là người Việt Nam. Ông bảo không có ai hết, cô có thể ngồi. Mái tóc chớm vai, đôi mắt tô than, và một gương mặt thanh tú. Bây giờ cô gái viết tên trên tấm giấy nhỏ: Kim Nguyen.

 

Thì ra cô gái là đồng hương với ông. Ông nghe niềm vui không đâu. Cô bạn học ơi, cô có biết tôi vui lắm không. Trưa nay tôi và cô sẽ ngồi ăn chung một bàn, và chúng ta sẽ cùng nói cho nhau nghe về nghề nghiệp,  thú vui, hay có thể là văn chương, no nê tiếng xứ mình. Chúng ta hẳn phải thân thiết nương tựa nhau hơn, bởi vì trong số đông đảo, chỉ có hai đứa chúng ta thuộc thành phần thiểu số... Ngoài tình đồng hương, chúng ta còn có cả tình đồng nghiệp...Phải không cô bạn VN? Điều này khiến ông vui mừng để chào hỏi, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ: "Chào cô, cô làm ở bộ phận nào?". Nhưng người con gái đã trao cái nhìn  ngạc nhiên đến nhói cả tim ông: "I am sorry, I don't understand what you are saying". Trời ơi, ông tối tăm mày mặt. Câu trả lời như một chiếc gáo nước xối mạnh vào mặt ông. Mặt ông nóng bừng. Ông nói bằng tiếng Anh: "I am sorry too". Cổ họng của ông đắng, như nghẹn. Ông muốn rời lớp lập tức.

 

Nhưng ông vẫn ngồi lại, bên cạnh cô gái, một người Việt Nam trăm phần trăm. Hai tên Việt Nam Kim Nguyen và Tan Nguyen vẫn được thấy rõ bên cạnh Elizabeth, Rich, Ed, Bob, Tina... Ông đã ngồi để đau đớn vì khoảng cách diệu vợi vô cùng của hai người. Không ai nói với ai một lời. Kể cả tiếng Mỹ. Kim chỉ nói với người bạn gái Mỹ bên trái nàng. Nàng nhún vai. Cười nói rất tự nhiên như một người Mỹ chánh gốc. Hay là nàng sợ cái tiếng Việt Nam, muốn xa lánh, chối bỏ. Hay nàng khinh rẻ một người đồng hương. Hay tại vì gia đình đã không dạy  nàng, muốn con họ như một người bản xứ chánh gốc?. Dù thế nào đi nữa, ông cũng cảm thấy một nỗi mất mát ghê gớm.  Trời ơi, một bầy chim phân ly tứ tán, ngỡ bây giờ tụ đàn, để che chở thương yêu nhau, nhưng hình như lại càng xa cách nhau hơn bao giờ. Người lớn thì phân rẽ,  con cháu thì bỏ cội rễ như lời ca ảo não của ai qua bài thơ phổ nhạc của Hà Huyền Chi: "Đứng đây ngắm xuống bầy con. Lơ là tiếng Việt để yêu ngôn ngữ người..." Ông đã nhủ thầm là hãy cố quên, cố xem đây là một lớp học như mọi lớp học khác mà ông có mặt, và người bên cạnh như một người Mỹ xa lạ nào đó, nhưng cuối cùng ông nghe vị cay đắng thấm tê đầu lưỡi.  Ông đưa mắt nhìn quanh cố tìm một chỗ ngồi khác. Không còn chỗ nào trống...

 

*

 

...Ông thầy Mỹ đen ngước đôi kính gọng vàng nhìn đám học trò đủ hạng tuổi, hạng nghề, nam cũng như nữ, chào, tự giới thiệu, rồi nói:

"Ở bốn góc phòng có treo bốn tấm giấy lớn. Góc phía mặt tôi dành cho những ai cảm thấy đến với khoá học này như là tù nhân (prisoner). Đằng góc trái, là dành cho qúi vị nào muốn xem khoá học này là người đi nghỉ phép (vacationer)... Góc phía phải sau tôi là chỗ dành cho những ai nghĩ rằng sẽ tìm được vài điều hữu ích gì đó qua ngày học hôm nay, nghĩa là người muốn khám phá điều gì (explorer). Nào, quí vị nghĩ gì buổi học hôm nay, quí vị cứ đến chỗ tấm giấy định sẵn, thảo luận tại sao, rồi viết lên trên giấy. Quí vị có mười lăm phút thảo luận..."

 

Ông trố mắt xem cuộc chơi. Xem thử 40 người đàn ông đàn bà, thanh niên thiếu nữ, nhân viên cấp cao, hay cấp thấp, nghĩ gì về cái chữ Diversity. Bài Diversity I đã dạy cho học viên hiểu về cái độc hại của sự phân rẽ qua những ví dụ về stereotype, tức là những thành kiến mà sắc dân này đối với sắc dân kia, nhóm người này đối với nhóm người khác, già đối với trẻ, trẻ đối với già, đàn ông đối với đàn bà và ngược lại, đen đối với trắng, trắng đối với đen hoặc đối với da vàng. Học viên đã tự do viết những tiếng lóng, lời tục, lời xấu, ác ý. Họ viết gì về VN? Học giỏi. Lái xe không biết luật. Ăn bám. Ký sinh. Họ viết gì về đen. Thể thao. Lười. Đẻ con nhiều để lãnh trợ cấp. Họ viết gì về trắng. Thông minh. Bóc lột. Tham lam vô đáy. Họ nói gì về người già? Đè đám trẻ. Lương cao nhưng làm việc không năng suất... Như vậy làm sao lại gom tất cả sức lực của tập thể để trở thành một sức mạnh chung ở cái xứ tạp chủng như xứ Mỹ này? Bài học đưa cái kết luận: Chỉ có cách là phải lột bỏ những thành kiến ra khỏi máu huyết. Và cuối cùng, cách giải quyết có vẽ như con trẻ. Từng người một xé, chà đạp trên tờ giấy không thương xót. Cả hội trường rộn lên tiếng đạp, tiếng xé, tiếng cười. Mấy tay trẻ háo thắng, hết làm tội tình tờ giấy này, chạy đến tờ giấy khác, hành hạ tiếp.

 

Giờ đây, bài học Diversity II này đã không họ bắt họ chà đạp, phỉ nhổ, mà trái lại, giúp cho họ nhận thức được sự độc hại của thành kiến qua kinh nghiệm bản thân. Ông nóng lòng tìm hiểu. Ông cố gắng mở lớn đôi mắt, căng đôi tai. Cả phòng học bừng lên rộn ràng bởi sự chọn lựa. Nhóm tù nhân là nhóm được học viên chọn đông đảo nhất. Kim là người trong nhóm ấy. Thì ra cái học vẫn là một cực hình cho mọi người. Kế đến là nhóm nghỉ phép. Còn ông, ông chọn nhóm thứ ba, tức là nhóm dành cho những kẻ muốn tìm một lời giải ở khoá học. Vâng, ông muốn lắm. Lòng ông bây giờ cũng ngổn ngang lắm. Có những điều mà cả những ông thầy tài giỏi bậc nhất cũng không thể hiểu nổi ở một người Việt Nam này. Khi chọn, ông đã đau khổ liếc mắt nhìn người con gái đồng hương. Em là tù nhân còn tôi là kẻ đi tìm. Vâng, tôi đi tìm đây. Tại sao ngay cả hai người cùng màu da, cùng tiếng nói lại không nhìn mặt nhau, lại coi nhau là hai kẻ xa lạ? Tại sao? Tại sao? Ông đã đứng yên bên tấm giấy, mà tiêu đề viết bằng mực xanh : Explorer. Ông phải nói gì đây cùng ba người học viên xa lạ. Tại sao? Tay điều hợp viên được bầu, hỏi từng người. Đến phiên ông, ông nói, tại vì tôi muốn tìm hiểu tại sao. Một bà học viên khác: Tôi cũng vậy. Tôi muốn tìm cái lời giải trong một tập thể hỗn độn này.

                                     

*

 

Bây giờ từng nhóm một xách ghế ra giữa phòng. Ông giảng sư ngồi ở giữa, hỏi ý kiến từng người về nhóm chọn lựa và yêu cầu học viên giới thiệu về mình, thêm một đôi lời về kinh nghiệm dị biệt trong đời sống họ. Tiếng cười nói hay gay gắt vang động. Tại sao tao cảm thấy là tù nhân tội đồ khi đi học khoá này? Bởi vì tao chán phải nghe hoài cái điệp khúc kỳ thị, trắng với đen, đen với trắng. Vâng, tao là trắng. Người ta bảo tao là sắc dân được ưu đãi, là white male, nhưng tao được ưu đãi cái gì? Mệt óc lắm rồi. Một tay đàn ông giận dữ phát biểu. Tiếng vỗ tay tiếp theo. Vâng, tao cứ phải nhét trong đầu những điều tao không muốn nghe, như vậy tao không phải là tù nhân sao? Một người khác phát biểu. Một người trong nhóm nghỉ phép có ý kiến: "Tôi thì muốn bỏ quên trăm cú điện thoại đến điên khùng..." Cứ thế mỗi người đều phải nói lên ý nghĩ của mình. Còn ông thì sao. Ông phải nói gì để gọi là góp vào cái kinh nghiệm của một nền dị biệt đau lòng của lịch sử từng xảy ra trên đất nước ông. Việt Nam xa cách. Việt Nam mấy mươi năm đánh nhau, chém giết, Việt Nam Trịnh Nguyễn phân tranh, vua chúa hàng trăm ngàn cung phi mỹ nữ, cung cấm giả dối lường gạt vẫn nằm yên dưới bóng đêm ma quái, và Việt Nam ngay trong phòng học này hai người không nhận ra nhau, xa lạ, sửng sờ... Nhắm mắt lại, cầu Trời, cái câu hỏi đen đặc như vết máu bầm được một liều tiên dược. Giữa phòng, cuộc thảo luận góp ý vẫn sôi nổi. Thì ra mỗi người vẫn là một cù lao, vẫn là một thái cực. Huống hồ là một tập thể, hay nói rộng ra, là một dân tộc. Bởi vậy, hãng mới trả một số tiền quá lớn cho giảng sư, bao tiền sách vở, ăn ngủ miễn phí, bắt nhân viên phải học. Họ đã hiểu, sự thành công hay thất bại của một công ty trên ba trăm ngàn người, tùy thuộc vào sự chia rẽ hay kết đoàn. Họ muốn ba trăm ngàn người là ba trăm người lính, cùng trong bộ đồng phục, và sắc cờ không hơn không kém.

 

Đến lượt nhóm "Explorer" xách ghế vào giữa phòng. Bốn chiếc ghế lẻ loi. Mấy mươi người còn lại ở xung quanh phòng đang nhìn vào. Lại một câu hỏi thường lệ của ông giảng sư: Tại sao quí vị lại thích explorer. Mỗi người phát biểu. Đến phiên ông. Thưa các bạn, tôi đến từ Việt Nam, miền Nam Việt Nam, ở đó dị biệt đã hành hạ chúng tôi, dân tộc chúng tôi. Tư bản. Xã hội. Cọng Sản. Tự Do. Trên triệu người tuổi trẻ chết cũng vì Diversity. Không ai chịu nghe, chịu san xẻ, tha thứ, hay cảm thông. Không ai chịu chấp nhận lỗi của mình, mà trái lại họ cứ nghĩ họ là đúng, và bắt người khác phải tuân phục... Ông muốn trút tất cả những uẩn ức nhưng ông không thể nói nên lời. Bao nhiêu vấn nạn của người Việt lưu vong. Sự xa cách buồn thảm của thế hệ này và thế hệ khác, những nhân danh, những lừa mị, những bôi nhọ, những bóng quạ bóng dơi. Những người ngày xưa hèn mạt, sợ chết, lòn cúi, chưa bao giờ biết mặt trận là gì, cái chết là gì, những kẻ ở đằng sau để mà chạy trước... Họ bây giờ lại thêm một lần hô hào... Và nếu ai đi khác đường lối của họ, là họ lập tức phun ra những nọc độc... Để con ông sợ khi phải nhắc đến Việt Nam. "Ba à, sao con thấy người Việt mình chửi nhau quá hả ba?" Thằng con của ông có lần đã hỏi ông như thế. Nó nói tiếp: "Đến đâu con cũng thấy họ chửi". Ông đau khổ, lòng rối bời. Ông nghẹn lời. Đâu có ích gì để mấy chục người bản xứ này nghe và có cái nhìn không tốt đối với đồng bào ông... Cuối cùng ông chỉ biết khẩn cầu: Please. Give me a solution.

Cả phòng im phăng phắc. Sự thật đã khiến họ động lòng, hay chính cái kinh nghiệm của cá nhân ông, đã khiến họ bừng thức dậy bởi cái khốc hại của Diversity - cái khác biệt cố chấp của con người. Ông giảng viên thở phào, sau đó nói với ông:

"Như vậy là ông tìm đến khoá học này để chữa bịnh?"

"Vâng, tôi là một bệnh nhân".

Ông nhìn đăm đăm về phía người con gái.

 

Như vậy, một ngày trôi qua, và khoá học chấm dứt sau khi cả 40 người cùng nhau phát biểu cảm nghĩ về khoá học cùng những điều gặt hái được trong lớp. Tuy vậy, mấy ai quyến luyến với ai. Học để mà học. Ai cũng nghĩ là tù tội thì học để làm gì. Rồi cuối cùng bảng tên đã được bốc ra khỏi ngực áo. Riêng ông cảm thấy như thoát nạn. Ông nghĩ ông vừa trải qua một ngày cực hình đau đớn. Ông ôm cả chồng tài liệu ra ngoài bãi đậu xe, chạy như trốn một ám ảnh. Kim thì đang nói chuyện điện thoại. Tóc nàng đen xõa xuống bờ vai, đôi mắt tô than, dáng dấp nhỏ bé như một người xa xưa. Nhưng, trong tâm hồn nàng, tất cả con người của Việt Nam có lẽ đã mất. Có phải vậy không?./.

 

(Trích truyện vừa Hành Trình của một Cổ Trắng – Tác giả đọc lại và nhuận sắc tháng 5-2011)

Trần Hoài Thư
Số lần đọc: 1695
Ngày đăng: 13.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vượt thời gian - Lưu Quang Minh
Một lối tiện lợi - Lê Văn Thiện
Chuyện Chưa Kết Được - Tiêu Đình
Lan huệ sầu ai - Quý Thể
Biệt Thự, Mèo, Răng Giả Và Những Chuyện Khác - Trần Đức Tiến
Hành trình vào kiếp chó - Lưu Thuỷ Hương
Thằng Điếm - Kinh Dương Vương
Lầm Đại Nhân - Hà Thúc Sinh
Bạch Hồ - Ngô Lạp
Kiếm Sống 2 - Đỗ Ngọc Thạch