Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.209.092
 
Hoàng Đế Tự Đức Dị Ứng Với Thiên Triều
Nguyễn Lục Gia

[Tóm tắt: Hai vị hoàng đế cha – con là Thiệu Trị và Tự Đức chỉ đạo biên soạn hai bộ chính sử mà trong đó một số sự kiện liên quan đến người khai nghiệp họ Nguyễn Đàng Trong Nguyễn Hoàng phủ định nhau hoàn toàn. Trong khi Đại Nam thực lục tiền biên của Thiệu Trị ghi chép gần như toàn bộ công lao của Nguyễn Hoàng trong thời gian phụng sự chính quyền Lê - Trịnh ở Đông Đô, từ những chiến tích đánh dẹp quân Mạc đến việc dẫn quân theo hầu vua Lê lên biên giới chứng minh tính chính thống của Lê triều trước Thiên triều thì Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Tự Đức không nhắc lấy chữ nào tới công lao giao hảo của họ Nguyễn đó giữa hai nước. Rõ ràng sự suy yếu của nhà Thanh vào nửa sau thế kỷ XIX trong bối cảnh ngoại thuộc và nội chiến đã làm gia tăng tinh thần tự chủ tự tôn của thể chế Đại Nam, mặc dù quốc gia Đại Nam cũng phải đang đối mặt với sự xâm lăng từ phía tư bản Pháp. Sự trỗi dậy của ý thức bình đẳng, ngang hàng giữa hai thể chế đã khiến cho sử quan thời vua Tự Đức thay đổi trong mối quan hệ với Thiên triều, mạnh dạn tẩy sạch vết nhục của một thần dân chư hầu mà đương thời họ Nguyễn đã chứng kiến tận mắt].

 

Chính sử Nam triều.

 

Nổi tiếng là người uyên bác bậc nhất của nước Đại Nam như giới trí thức ngoại quốc đương thời vinh danh, vị hoàng đế thứ tư của Nguyễn triều Tự Đức đề xuất và trực tiếp chỉ đạo biên soạn một trong những bộ chính sử thành công nhất từ trước đến lúc này, bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, với lời thẩm định tương đối khách quan và nghiêm túc về mặt học thuật: “Trong lịch sử sử học Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (cùng một số sử thần khác thời Lê) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn (thời Tự Đức) là hai bộ quốc sử lớn nhất, quan trọng nhất. Về quy mô, bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục dài hơn Đại Việt sử kỷ toàn thư 115 năm, vì Toàn thư kết thúc ở năm 1674 (đời Lê Gia Tông) còn Cương mục kết thúc ở năm 1789 (đời Lê Chiêu Thống). Hai bộ sử này bổ sung cho nhau sẽ cung cấp cho chúng ta một bức tranh đầy đủ, toàn diện về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước xa xôi đến những năm cuối cùng của thế kỷ XVIII” [1].

 

Nói riêng phần lịch sử họ Nguyễn bắt đầu từ thời Nguyễn Hoàng gây dựng thực lực trên đất Đàng Trong (1558), như cách gọi về sau để đối sánh với thế lực Đàng Ngoài Lê - Trịnh, những sự kiện họ Nguyễn có liên quan với triều đình Trung Hoa hầu như đều không được đề cập, trừ chi tiết nối dài trong sự kiện cuối cùng gắn với vị hoàng đế lưu vong và chết trên đất Thiên triều mà sau đó, khi triều Nguyễn thành lập, “sai sứ sang thông hiếu với nhà Thanh. Nhân đó các bầy tôi nhà Lê dâng biểu xin trở về nước nhà... Vua Thanh cho phép đưa linh cửu vua Lê [Lê Chiêu Thống - NLG], thái hậu và nguyên tử về nước” [2].

 

Trong khi đó, từng có một bộ sử chính thức viết riêng về họ Nguyễn xuất hiện từ trước không quên ghi công tiên tổ Nguyễn tộc trong việc xác lập quan hệ bang giao với thượng quốc ngay từ lúc vị chúa khởi nghiệp của họ còn đang phụng sự chính quyền Lê - Trịnh tại Đông Đô, thậm chí còn muốn tranh hết công lao về mình . Đó là bộ Liệt thánh thực lục tiền biên, sau gọi Đại Nam thực lục tiền biên mà người chủ trương biên soạn đồng thời thể hiện chính kiến lại chính là vị hoàng đế tiền nhiệm Thiệu Trị, vua cha trực tiếp truyền ngội cho hoàng tử Hồng Nhậm cách 3 năm sau khi bộ sách ra đời, tức nhà vua Tự Đức. Cùng một sự kiện, song sử quan của hai vị hoàng đế cha – con trong hai thời kỳ lịch sử kế tiếp gần như phủ định nhau.

 

Dựa theo nguồn sử liệu chính thống của Đàng Ngoài, từ Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên) đến Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn), Đại Nam thực lục tiền biên tóm lược công lao của Nguyễn Hoàng hai lần phò giá vua Lê Thế Tông lên tận Trấn Nam Quan (nay là Mục Nam Quan) hội khám với người nhà Minh để chứng minh tính chính thống của Lê triều và xin được sắc phong từ phía Thiên triều như sau:

- Bính Thân (1596) mùa hạ tháng 4, “Chúa [Nguyễn Hoàng - NLG] theo hầu vua Lê đi Lạng Sơn. Trước là Mạc Kính Dụng chạy sang Long Châu nước Minh, vu cáo với nhà Minh rằng hiện nay người xưng là vua Lê tức là người họ Trịnh chứ không phải con cháu nhà Lê. Người Minh tin lời, sai Án sát ty phó sứ Tả Giang binh tuần đạo là Trần Đôn Lâm sang Trấn Nam Quan, đưa thư hẹn hội khám... Nhưng khi vua Lê đến thì sứ nhà Minh thác cớ không đến đúng hẹn. Chúa bèn hầu vua Lê trở về”;

- Đinh Dậu (1597) mùa xuân tháng 2, “nhà Minh lại sai uỷ quan là Vương Kiến Lập đến cửa quan báo tin để hội khám. Chúa lại theo hầu vua Lê đến cửa quan, cùng với Vương Kiến Lập và Trần Đôn Lâm làm lễ giao tiếp hội khám, hẹn nhau rất vui vẻ. Từ đấy Bắc Nam lại thông hiếu” [3].

Khâm định Việt sử thông giám cương mục triều Tự Đức chép:

- Năm 1596, “nhà vua đi sang Trấn Nam Quan, hạ lệnh cho bọn: Hữu tướng Hoàng Đình Ái, Thái uý Nguyễn Hữu Liêu và Thái phó Trịnh Đỗ đem hơn một vạn lính và voi đi theo xa giá đến cửa quan, đính ước nhật kỳ cùng nhau hội họp. Nhưng người nhà Minh lại chần chừ và yêu sách các vật kiện về sự tích người vàng, ấn vàng, họ không chịu đến hội họp, cuối cùng thành ra quá kỳ hẹn... nhà vua bèn trở về kinh thành”;

- Năm 1597, “Nhà vua lại hạ lệnh cho bọn Hữu tướng Hoàng Đình Ái và bảy, tám viên tả đô đốc, hữu đô đốc đem năm vạn lính và voi theo xa giá đến Nam Quan, để cùng với Trần Đôn Lâm... mở cuộc đại hội. Từ đấy phương Nam phương Bắc lại giao thông hoà hảo với nhau” [2].

Hoàng Đình Ái và Nguyễn Hữu Liêu thuộc trong số 5 đại công thần mà về sau “chúa Thượng [Trịnh Cương] hỏi những võ tướng có danh tiếng từ lúc trung hưng trở đi, nên tìm con cháu của họ để dự bị kén chọn cất nhắc. Lúc ấy quan tham tụng trình bày 5 người...” [4]. Nguyễn Hoàng cầm binh theo hầu vua Lê bên cạnh các võ quan đầu triều này rõ ràng vừa được đánh giá rất cao về lòng trung quân vừa tài năng, uy dũng. Cũng có thể việc cắt đặt Nguyễn Hoàng đi biên giới do Trịnh Tùng thu xếp nhằm lấy các cận tướng của mình kiềm chế, cũng như rất nhiều lần khác giao nhiệm vụ tiễu trừ quân Mạc trên khắp chiến trường phía Bắc cho ông cậu có ý đồ cát cứ này suốt từ lúc ra Đông Đô giữa năm 1593 cho đến tháng 4 năm 1598 với thâm hiểm mượn tay kẻ thù tiêu diệt. Tuy nhiên, chiến tích của Nguyễn Hoàng chỉ càng dày thêm hơn. Mọi quân công của Nguyễn Hoàng đều được Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại, thậm chí có phần nhấn mạnh đề cao, chẳng hạn: “người huyện Chân Định là đô Ninh (không rõ họ) nguỵ xưng là Kiến quốc công, chiếm giữ Kiến Xương và Nghĩa quốc công (không rõ tên họ) chiếm giữ Tân Hưng. Cả hai đều có một số quân đến vài vạn người... Bọn Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên đi đánh dẹp, hàng hơn tháng không hạ được. Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta [Nguyễn Hoàng - NLG] kéo quân đến... Quân giặc sợ hãi tan vỡ (...) Gia dụ lại đánh dẹp nguỵ Tráng vương Mạc Kính Chương và bọn Thái quốc công, Nghiêm quốc công, Cường quốc công và Cẩm quốc công (đều không rõ họ tên) ở Hải Dương... Bấy giờ miền Đông Nam mới dần dần được yên ổn”; hoặc: “Trước đây Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta... đánh đâu được đấy, uy danh ngày thêm lừng lẫy. Đến nay Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta, thống lãnh quân thuỷ, đem bọn Thiếu bảo Bùi Văn Khuê đi trước đánh dẹp; Hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh quân bộ; Kế quận công Phan Ngạn thống lĩnh các cơ binh Nội Thuỷ. Ba đạo tiến đánh cùng một lúc. Lúc bấy giờ Gia dụ hoàng đế ta sai quân tiến vào trước, xông vào phá mỏm núi ở Thuỷ Đường, bắt được quận Thuỷ. Đảng giặc tan vỡ” [2]. Trong khi đó, công trạng dẫn quân binh theo hầu vua Lê lên biên giới làm áp lực cho cuộc thương thuyết thắng lợi lại cố tình gạt hẳn sang phía các cận thần của họ Trịnh. Rõ ràng nhà Minh, nói rộng ra là Thiên triều Đại Trung Hoa, mới chính là đối trọng gây nên thái độ bất cần này của Quốc Sử Quán mà chủ kiến là nhà vua Tự Đức.

 

Thời đại và sự trỗi dậy tinh thần tự tôn của triều đình Tự Đức.

 

Hành xử như trên của hoàng đế Tự Đức xuất phát từ lòng tự tôn quốc thống,  không chỉ muốn xoá đi vết nhục cầu luỵ Thiên triều mà còn vượt lên khẳng định sự bình đẳng của nhà nước Đại Nam đối với đế chế Đại Thanh đương thời. Các vua triều Nguyễn từ Gia Long qua Minh Mạng, Thiệu Trị rất ý thức trong việc đối sánh giữa phương Nam với phương Bắc, giữa Nam triều với Bắc triều. Đến đời Tự Đức, ý thức ấy càng được gia tăng và nhân lên gấp bội, mà một trong những bằng chứng đầy sức thuyết phục là yêu cầu được phong vương ngay tại Phú Xuân, kinh đô của nhà Nguyễn, chứ không phải ở cố đô Thăng Long thuộc các triều đại đã qua trong quá khứ. Có 3 lý do đưa ra biện minh cho đòi hỏi này, trong đó lý do quan trọng nhất là “Việc nhà vua đi đến Hà Nội để được nhà Thanh sắc phong làm tốn nhiều tiền bạc của dân chúng vào việc đi lại của nhà vua và có liên quan đến thể diện quốc gia nên về sau mong rằng sứ thần nhà Thanh sẽ đến kinh sư (Huế) để làm việc đó”, theo sớ trình của đại thần Nguyễn Đăng Khải [5] (tức Nguyễn Đăng Giai - NLG). “Điều này có nghĩa là, dù được sắc phong cũng sẽ ngồi một chỗ để nhận” [6] và theo báo cáo của giám mục Pellerin, phó đại diện Tổng toà giáo phận Đông Đàng Trong đang ở Việt Nam thì “hình như người ta còn định là nếu Trung Hoa từ chối, người ta sẵn sàng không cần tuân theo thủ tục tấn phong” [7]. Sự nhượng bộ của Thiên triều cũng như lễ tấn phong cho Tự Đức vào sáng ngày 10 tháng 9 năm này đã mở ra một tiền lệ bang giao và tạo nên ấn tượng đặc biệt về sự lớn mạnh của vương quốc Đại Nam từ đó về sau, ít ra là trong mắt các sứ thần Trung Hoa.

 

Mặt khác, sự thất bại của Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Thuốc phiện (6.1840 – 8.1842) mở đầu cho quá trình xâm nhập và xâu xé lãnh thổ của một loạt các cường quốc phương Tây cùng với những biến cố chính trị nội bộ do phong trào Thái bình Thiên quốc (1851-1864) gây ra đã làm cho uy thế của Thanh triều giảm sút nghiêm trọng. Điều này càng đẩy mạnh các hành động tự chủ về phía Đại Nam, biểu hiện rõ nhất là gần suốt cuộc kháng chiến chống tư bản Pháp xâm lược, triều đình Tự Đức đã không thỉnh cầu bất cứ hành động giúp đỡ nào của nhà Thanh, cho dù hai lần phải bắt buộc ký với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) và Hiệp ước Giáp Tuất (1874). Trước tình hình các đám giặc cướp Trung Hoa tràn qua biên giới phía Bắc sau cuộc khởi nghĩa Thái bình Thiên quốc bị đàn áp, như giặc Cờ Trắng của Bàn Văn Nhị, giặc Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh, giặc Cờ Đen của Ngô Côn... lúc này triều đình Tự Đức mới cử sứ bộ giao thiệp với nhà Thanh vào các năm 1876 và 1880 để đề nghị phối hợp đánh dẹp. Tuy nhiên, hiệu quả tiễu trừ của lực lượng nhà Thanh quá kém, thậm chí còn làm hại nhân dân địa phương. Đối phó với tình hình rắc rối này, dưới sự tham vấn trực tiếp của Lạng Bằng Ninh Thái Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Kế Viêm, hoàng đế Tự Đức đã phong chức đề đốc cho Lưu Vĩnh Phúc, bộ hạ của Ngô Côn sau khi tên thủ lĩnh Hắc Kỳ (Cờ Đen, người Pháp ký âm là Héki) [8] này chết, dùng Phúc khống chế và tiêu diệt các thế lực khác, kể cả quân Pháp.

 

Như vậy, bối cảnh quan hệ bang giao giữa triều đình nhà Nguyễn với nhà Thanh dưới thời Tự Đức đã thay đổi theo hướng có lợi cho sự khẳng định mạnh mẽ tư tưởng bình đẳng giữa hai thể chế trên bình diện quốc gia. Trong mối quan hệ Đại Nam – Pháp, “Pháp chấp nhận ký Hoà ước Giáp Tuất ngày 15 tháng 3 năm 1874 với những điều khoản có thể khiến cả hai bên đều hài lòng” mà “Từ năm 1875, những cuộc giao dịch qua lại giữa hai bên như những nước có chủ quyền đối ngoại ngang nhau đã diễn ra dồn dập” [8]. Những nổ lực ngoại giao của hoàng đế Tự Đức ít nhiều đã kiềm chế được các đối thủ lẫn nhau trong một giai đoạn lịch sử phức tạp nửa sau thế kỷ XIX. Sự suy yếu của Bắc triều cũng đồng thời là sự trỗi dậy tinh thần tự chủ phương Nam, “khi nhà Nguyễn chỉ công nhận thể chế triều cống của nhà Thanh về mặt hình thức” [6].

 

Từ đó, bộ quốc sử của nhà nước Đại Nam được chính thức triển khai biên soạn trong thời kỳ chấp chính của hoàng đế Tự Đức thể hiện sinh khí thời đại mới, thời đại vươn lên của ý thức quốc gia – dân tộc. Từ chỗ xem thường Thanh tộc, nhà Nguyễn “đã áp dụng đồng thời ba vấn đề: sự phát triển văn hoá của nhà Nguyễn, sự suy thoái của nhà Thanh và nhà Thanh là triều đình của dân tộc Mãn Châu”, “coi nhà Thanh là di địch” [6], Tự Đức tiến tới gạt bỏ luôn những mắc míu trong quan hệ giữa triều đại Nguyễn tộc với Thiên triều. Hơn nữa, đã có một họ Trịnh tranh công thì việc chi vị tộc trưởng họ Nguyễn của xứ sở Nam Hà Nguyễn Hoàng phải đứng ra đảm lấy vai trò một gã nô thuộc trong con mắt ngạo mạn của những kẻ đại diện cho thế lực Bắc triều?...

 

Chính sử Bắc triều.

 

Thật vậy, lục lại những dòng ghi chép của Bắc sử, nhục nhã thay ngôi vị thụ phong của thiên tử An Nam cũng như quyền uy giả tạo của vua Lê bên cạnh kẻ tiếm xưng lộng hành mà từ đó về sau “chính sự quyền bính nhà vua đều do Tùng [chúa Trịnh Tùng – NLG] tự quyết đoán, của cải, thuế khoá, quân lính và nhân dân hết thảy về phủ chúa cả... Nhà vua chỉ chỉnh chện mặc áo long bào, cầm hốt ngọc nhận lễ triều yết mà thôi” [2].

 

Lời tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng Thị lang Trần Đại Khoa ngày 13 tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 24 [8.7.1596] lên Minh Thần Tông: “Việc tại An Nam tuy văn thư gửi đến đều xưng Lê Duy Đàm [vua Lê Thế Tông - NLG] nhưng kỳ thực do quyền thần Trịnh Tùng làm chủ; họ Mạc yếu, họ Lê mạnh; nên một số thành phần của Mạc không khỏi nhập vào Lê; nhưng Lê thì tầm thường, mà Trịnh thì giảo quyệt; rồi một ngày nào đó họ Lê sẽ mất vào tay họ Trịnh... Vì Trịnh Tùng sợ khi Đàm đựơc Thiên triều ban cho danh hiệu; thì y không thể phóng túng làm càn thi hành mưu soán đoạt; còn Duy Đàm ngu ngốc kia rơi vào mưu thuật mà không biết vậy!” [9].

 

Tuần án Quảng Tây Hoàng Kỳ Hiền ngày 15 tháng 8 [6.10] bày mưu: “An Nam tuy phản phúc bất thường, nhưng chung quy thì sự ràng buộc An Nam khác hơn bọn giặc Nuỵ [Nuỵ nô: chỉ người Nhật Bản - NLG]. Xin cho kéo dài thêm ngày tháng để tiếp tục hỏi khám; nếu không phương hại xin dùng chính sách ky my, cẩn thận để chờ cơ hội. Nếu cần ra uy thì hãy mệnh tướng ra quân, châm chước hoãn gấp để thi thố phương lược” [9]. Thái độ kẻ cả và nạt nộ thường thấy của Minh triều đã bị sử thần Lê Quý Đôn lật tẩy: “Đó là cách họ hư trương thanh thế để ăn hiếp nước ta, chứ thực thì không dám ra tay. Nhà vua và quan tiết chế bàn, cũng theo cái lễ “thờ nước lớn” mà tạm cung kính chiều ý họ” [10].

 

Hình ảnh vua một nước trông thật đáng khinh như những kẻ tham danh mất hết bản sắc phong hoá: “Lê Duy Đàm đội nón đen, khoác áo trắng, đeo dây thao [lễ phục của chư hầu - NLG] đến phủ phục tiến dâng tượng thay người, cùng với kỳ lão thần bộc chịu tội, xin được thừa tập trông coi cõi Nam hoang dã, phụng thờ lịch Chính sóc, lo tròn chức cống”; hoặc những luận điệu hênh hoang nguỵ tạo của Thiên triều: “Việc quốc gia chế ngự An Nam đã có phép tắc sẵn: khi Lê Lợi dối trá tự lập, đấng anh minh như vua Tuyên Tông [Minh Tuyên Tông – NLG] há lại không biết đó là nguỵ, sao lại bỏ quận huyện đã đặt sẵn để trao quyền? Mạc Đăng Dung dối rằng họ Lê không còn hậu duệ; một người nhạy bén về phán đoán như vua Thế Tông [Minh Thế Tông - NLG] há không biết đó là hành động soán đoạt, lại chịu rút quân đồn trú sẵn tại biên giới, để ban cho y chức Đô thống sứ? Chỉ vì coi nơi này là ruộng đá, dầu chiếm được cũng chẳng ích gì, lại không muốn cực nhọc quân lính chốn xa xôi” [9].

 

Thái độ bỡn cợt, coi thường của Minh triều không chỉ thể hiện ở việc “Lê Duy Đàm được ban chức Đô thống sứ”, làm quan thuộc cho nhà Minh cai quản đất phương Nam tương tự như họ Mạc trước đây mà còn “soạn sắc dụ đúc ấn ban cho” [9], song khi sứ thần Phùng Khắc Khoan mang về nước, trước sự chứng kiến của văn võ bá quan, “Khi tuyên đọc sắc thư xong, thấy quả ấn ban cho nói là bằng bạc mà lại là đồng” [11]. Phải hàng chục năm sau, năm 1607 dưới thời Lê Kính Tông, nhà Minh mới “triều đình tuy cấp ấn bạc nhưng không [sai sứ] đưa sách mệnh, lệnh đến gõ cửa quan ải lĩnh” [9].

 

Chính vậy, những cắc cớ không mấy vẻ vang của một thời kỳ lịch sử có liên quan đến nhân vật khởi nghiệp vương quyền họ Nguyễn đã được tẩy sạch. Niềm kiêu hãnh của đế chế Đại Nam trước một Mãn Thanh dị tộc đang hồi hấp hối cũng như tinh thần tự tôn nói chung của một phương Nam tách biệt và đối sánh trước Thiên triều đã khiến cho hoàng đế Tự Đức dị ứng thật sự với chủ nghĩa Đại Trung Hoa. Xin dẫn thêm một dòng Châu phê [lời phê của vua – NLG] thể hiện lòng tự tôn văn hiến hiếm có trước sự kiện thời nhà Trần mỗi khi tiếp đón các sứ thần Trung Hoa, triều đình thường giao việc cho các bậc danh tướng như Thượng tướng Trần Quang Khải, Quốc công Trần Quốc Tuấn... tỏ thái độ trọng thị đối phương quá đáng, Tự Đức bất phục: “Tiếp tân mà tất phải dùng đến tướng văn tướng võ, thì không phải là tôn trọng quốc thể” [1].

 

        

Tài liệu trích dẫn.

[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, NXB Giáo dục, HN, tr.5, 549.

[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, NXB Giáo dục, HN, tr.201-202, 212, 215, 218, 222, 854.

[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, NXB Sử học, HN, tr.39-40.

[4] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, NXB Văn hoá – Thông tin, HN, tr.331-332.

[5] Từ Diên Húc (1877), Việt Nam tập lược, quyển 2, p.180a.

[6] Yu Insun (2009), “Lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thế kỷ XIX: thể chế triều cống, thực và hư”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 10), tr.7-15.

[7] Biên niên của Hội Truyền bá đức tin (APF) (1850), Về lễ thụ phong của Tự Đức, tr.389-390.

[8] Lê Nguyễn (2005), Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, NXB Văn hoá – Thông tin, tr.125-126, 296.

[9] Hồ Bạch Thảo dịch (2010), Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, tập III, NXB Hà Nội, tr.243-246, 250.

[10] Lê Quý Đôn (1978), Đại Việt thông sử, tập III, NXB Khoa học xã hội, HN, tr.271-272.

[11] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, NXB Khoa học xã hội, tr.204.

 

 

 

Nguyễn Lục Gia
Số lần đọc: 2099
Ngày đăng: 16.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 5 hết - Hồ Bạch Thảo
Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 2) - Nguyễn Đức Hiệp
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 4 - Hồ Bạch Thảo
Chiến lược của Nguyễn Cư Trinh trong việc củng cố và phát triển miền nam Việt Nam - Hồ Bạch Thảo
Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 1) - Nguyễn Đức Hiệp
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 2 - Hồ Bạch Thảo
TRỤ ÐỒNG MÃ VIỆN: Sự Ðàn Hồi Của Biên Giới Ðế Quốc Trung Hoa - Chính Đạo
Xứ Mô Xoài – Vùng Đất Đầu Tiên Người Việt Khai Phá Ở Nam Bộ - Nguyễn Đình Thống
Trạng Bùng Đi Sứ. - Phùng Thành Chủng
Vị Sứ Thần “Bất Nhục Quân Mệnh”Giang Văn Minh. - Phùng Thành Chủng