Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.436
 
Ngoài Tầm Bão Xoáy
Tiêu Đình

Bỗng công ty có thêm một nữ cán bộ. Như từ trên trời rớt xuống, dưới đất chui lên. Không theo quy luật “trên chết dưới lết” như thường thấy. Cũng chẳng phải từ dự nguồn nhân sự đã được đào tạo, quy hoạch lâu nay. Mà cũng chẳng phải từ hạt giống đỏ, giống đen nào cho ra vạch….

 

Cô ta tên Mộc, Thanh Mộc. Đã đến tuổi “nhi lập” mà cô vẫn chưa lập gia đình. Còn việc nghe nói đã trải qua một lần “khói lửa” chỉ là tin đồn, không có bằng chứng, hiện vật cụ thể. Điểm nhấn ở con người cô Mộc có lẽ là đôi mắt. Đôi mắt như nói được, co giãn được, khi thành hình viên đạn, khi lại tròn vo, đen lánh như hai hạt nhãn. Bình thường, nhìn kỹ, mắt cô Mộc thoáng chút đờ đẫn, buồn buồn. Nhưng, nhiều người nói, khi có hơi đàn ông vào một chút là đôi mắt ấy láo liêng, linh hoạt hẳn ra, cũng khóc cười, đùa giỡn và xổ tục như cánh đàn ông trong các cuộc nhậu. Nếu mắt là “cửa ngõ của tâm hồn”, như một ai đó đã nói, thì không biết khép mở hư thực ấy rồi sẽ đưa ta hun hút về đâu.  

 

Cô Mộc đẹp dáng, thông minh, lại có tài giao tiếp. Theo kinh nghiệm ông bà để lại thì đó là loại người khôn: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”. Qua điện thoại cũng như ngoài đời thường, giọng cô lúc nào cũng nhỏ rứt, trong veo và dẻo queo như có nam châm hút người. Gần ai là y như người đó bị hút dính cả đời, khó mà gỡ ra nổi. Nghe nói, trước khi về công ty, lực hút ma quái ấy đã kéo ngã rụp cả ghế lẫn người một tay cán bộ từng có biệt danh đáng gờm: “sát thủ mặt sắt”.

 

Bảo vệ cơ quan là người đã đứng tuổi, đang nghiên cứu kinh dịch, mê tướng số như người ta mê số đề, bóng đá…. Không biết ông thấy bộ dạng cô Mộc thế nào mà lại hỏi một câu nghe như điện giật: “Mộc, nhưng là tòng thảo mộc hay bá vương mộc?”. Cô Mộc lắc đầu, cười cười như mới được truy lĩnh lương tăng. “Dạ, không biết, em không biết!”. Một người đế vào câu tiếng Anh: I don’t know! Từ đó mọi người bắt chước gọi cô ta bằng cái tên mới: Tòng Thảo Mộc. Theo sách vở người xưa để lại thì đây là loại cây bò leo ký gửi, phạt mạnh bằng búa rìu không hiệu quả bằng men tìm gốc rễ, dùng dao liềm sắc mà cắt nhẹ. Khi cô Mộc nhoen nhoẻn đi rồi ông bảo vệ mới nói với theo: “Được có cái tướng đi. Người đi đứng kiểu đó thì đời có trắc trở cũng sướng hơn mình là cái chắc”.

 

Công ty trước ngày cô Mộc về được cánh quá khích ví như một thây ma thối rữa chưa kịp chôn nên lúc nhúc đầy dòi bọ. Công bằng mà nói, ví như một người già yếu lâu ngày ăn nằm tại chỗ thì đúng hơn. Ăn nằm một chỗ nên chân tay cùn mòn dần, thành vô dụng, đầu óc cũng quẫn theo, dễ sinh khó tính. Con cháu chăm sóc dài ngày đâm ra mỏi mệt, dẫu có thực lòng thương yêu cũng rất dễ mang tiếng là bất hiếu. Vậy là cán bộ, công nhân, dù chả mấy gắn bó với cái công ty sống dở chết dở ấy, cũng giả đò khúm núm, làm ra vẻ ta đây hết mình vì nghề. Vẫn cứ sáng sáng đến công ty, tối tối về với gia đình, nhưng phần việc của ai người đó lặng lẽ làm, thi đua, góp ý phê bình cải tổ cũng múa may hò reo cho có, kiểu như quân theo tướng trong tuồng cổ. Tướng còn thì quân còn, tướng thua quân chạy mất.

 

Nhưng từ ngày cô Mộc về công ty, sinh khí có vẻ khang khác, giống một bệnh nhân vừa được chuyền dịch. Héo héo tươi tươi. Đúng là cô Mộc dễ gần gũi. Từ cán bộ chủ chốt, cán bộ thường thường bậc trung, thậm chí đến cô cấp dưỡng, ông bảo vệ già đều muốn làm thân với cô Mộc. Để được nhìn ngắm vẻ đẹp gợi mở nhiều suy tưởng, để biết cô thực sự là ai. Nhất là, lắm người muốn biết ai đã có công đầu trong việc đưa được “cục vàng ròng” nầy về với công ty? Người ấy đã bịt khẩu trang, đeo kính đen, mang mặt nạ ngồi ở góc khuất nào?

- Không phải trưởng phòng tổ chức thì còn ai vào đó nữa.

- Làm sao qua mặt được sếp?

- Tiền, tiền mới là sức mạnh đáng sợ!

- Nghe nói cô Mộc có ô dù che kỹ lắm. Là bồ nhí của một ông lớn trên tỉnh chứ không phải tay vừa đâu.

- Đúng rồi, đẹp như thế mà không khuynh đảo được đàn ông thì sinh ra trên đời nầy để làm gì. Phí của trời!

 

Họ cãi nhau mỗi người một ý, cho vui vậy thôi. Đố biết người “ngoài hành tinh” nầy đã phù phép thế nào mà về được một công ty lớn nằm chình ình giữa phố, với một cái ghế không to không nhỏ nhưng mà ổn định.  Trong công ty chỉ có duy nhất một người không bao giờ tham gia vào những câu chuyện hay những cuộc tranh cãi nằm ngoài chuyên môn. Ví như chuyện của cô Mộc chẳng hạn. Đó là ông Lãnh, phó phòng chuyên môn, người được mệnh danh là “lão phó lầm lì”. Gọi là “lão” nhưng kỳ thực ông Lãnh chỉ mới bốn hai tuổi, nhỏ hơn cô Mộc gần một giáp. Có lẽ là do suốt ngày chỉ biết bù đầu vào công việc, ít nói, không biết hát karaoke, không uống được bia rượu nên ông đã già đi trước tuổi. Còn chữ “phó’”được dùng cho ông là có dụng ý. Ông là cán bộ cấp phó sớm nhất mà cũng lâu đời nhất của công ty. Hai tám tuổi, sau khi tốt nghiệp kỹ sư một năm, ông được đề bạt ngay chức phó phòng. Nhưng rồi hơn mười năm sau, trải qua mấy triều  giám đốc, ông vẫn cứ là một cấp phó. Là do lý lịch, do không biết nhậu, do ít nói hay do nguyên nhân dây mơ rễ má nào khác thì chẳng biết. Nhưng chắc không phải là vì nghiệp vụ chuyên môn. Bởi, đời thủ trưởng nào cũng quản kỹ tổ chức và tài vụ, chuyên môn bám nhờ vào ông Lãnh. Có đơn vị thèm ông, xin hoài, cũng không ai cho chuyển. Đôi người đã dựa vào đó mà khái quát hơi quá một chút: “Ông Lãnh là linh hồn của công ty”. Vậy mà nghe hỏi, chịu làm phó cho đến ngày nghỉ hưu hả, ông chỉ cười nhẹ. Rồi lại cắm cúi cặm cụi với công việc.

 

Cũng có người thích gọi ông Lãnh bằng một biệt danh khác người “ngoài tầm bão xoáy”. Là bởi, làm việc thì cầm chừng thủ thế, thậm chí thọc gậy bánh xe lẫn nhau, nhưng đến phụ cấp phần mềm, đề bạt, nâng lương, khen thưởng… thì trong cơ quan tranh nhau dữ dằn. Gốc gác của sự mất đoàn kết chính là từ đây. Thành thử, không khí chung của đơn vị thường được mô tả là “lặng lẽ Sa pa”. Nghĩa là cái lặng lẽ không lặng lẽ chút nào. Có cả phe quá tả, phe quá hữu, phe theo gió bẻ măng, phe ngậm miệng ăn tiền….Ông Lãnh không thuộc phe nào trong số đó, mà tự tách mình ra “ngoài tầm bão xoáy”, giống một đấng tu tiên ngồi nhấp chén trà trong sương sớm, trên một tảng đá núi, gật gù nhìn về phía phố thị xa xa.

 

Ông Lãnh có cách đánh giá con người theo một tiêu chí riêng. Đó là làm và làm, không nói nhiều. “Thà làm ít còn hơn nói nhiều” là câu cửa miệng của ông. Giá trị của người cán bộ, công nhân, theo ông là ở hiệu quả công việc, chất lượng sản phẩm. Không phải ở miệng lưỡi mềm dẻo. Nghiệm lại thì quan điểm này khắc tinh với cách sống của cô Mộc. Cô Mộc thích vừa nói vừa làm, làm giỏi mà nói cũng phải hay. Vừa nói vừa cười cũng tốt. Mới vui đời. Cho nên dẫn chương trình văn nghệ của công ty, cô đưa tay xung phong, chẳng cần phải bầu chọn. Mà đúng là cô dẫn hay thiệt. Khi có ai đó cố tình đưa ra cách sống, cách làm việc của ông Lãnh để chỉnh khéo, cô Mộc đáp rất nhanh: “Thế mới là Mộc. Thế mới là anh Lãnh, là đời chứ bộ!”

 

Hai con người, hai thế giới mặt trăng mặt trời, vẫn gặp nhau hằng ngày trong công ty, vẫn chào nhau và thỉnh thoảng cũng có hỏi han, trao đổi công việc. Nhưng hình như mỗi người đều muốn giữ kẽ, không ai dám vét cạn suy nghĩ của mình trao cho người khác. Cô Mộc có vẻ cũng hơi chờn chờn trước thái độ và cung cách làm việc chí chu, nghiêm túc của ông Lãnh. Cần việc gì cô thưa trước rồi mới cười sau, cười dè dặt, thay vì cười trước nói sau, và cười rất thoải mái như thường ứng xử với người khác. Ông Lãnh thì tỏ ra bản lĩnh đàn ông hơn, trước mặt cô Mộc, bàn tay ký chú vẫn tự nhiên, ánh mắt vẫn cương nghị và giọng nói không dễ bị xúc động. Hình như tạng người như ông rất kỵ rơ với cách sống của cô Mộc.

Vậy mà trong công ty nổi lên cái màn gán ghép lạ đời: Ông Lãnh có quan hệ tình cảm với cô Mộc. Ai đã sáng tác ra cái trò khỉ nầy quả là quá ác tâm ác ý. Chắc là ghét cô Mộc cứ õng à õng ẹo, nha nhảnh hết với người nầy đến người kia như là đĩa đói tìm hơi người. Hoặc giả, cùng là đàn bà, hay đố kỵ chuyện nầy chuyện kia nên sinh ra “gà nhà bôi mặt đá nhau”. Chứ ai dám vô lễ với ông Lãnh, một cán bộ nếu không thương thì cũng chẳng thể ghét, không khen thì cũng chẳng dám chê. Có người nghe chuyện này đã phán một câu rợn da gà: “Con đó mà, có chừa ai đâu…”. Còn số đông chỉ cười, tội cho ông Lãnh, thiếu chi người để trêu đùa mà lôi đến cả lão Phó. Không thấy sao, hết đi với sếp nó  kẹp đến lính. Con mụ nào giỏi ghen thì cứ dần cho nó một trận ra bã thử coi. Mắc mớ chi lại lôi kéo ông Lãnh vào đây. Cũng có người muốn đưa ra cách nhìn  mới: “Đàn ông mà, hơi đâu để ý ba cái chuyện linh tinh đó. Cứ để cho con Mộc trả thù, chị em mới đã cái bụng”.

                                                    ***

Ông Lãnh, người “ngoài tầm bão xoáy” của công ty vừa có quyết định chuyển công tác sang một đơn vị mới, cách trung tâm thành phố hơn năm cây số. Không ai xin ông về, cũng chẳng có đơn của ông xin đi. Việc cô Mộc thình lình về công ty đã gây xôn xao trong thiên hạ theo kiểu ngờ ngợ vui vui. Còn ông Lãnh đột ngột đi khỏi đơn vị đã gây sốc cho nhiều người theo kiểu hoài nghi buồn buồn. “Nhà có cái nóc mà để dột thì đâu còn là nhà nữa!”. Nói được như chú lính trẻ của ông Lãnh cũng là có ý xây dựng lắm rồi. Nhiều người chả nghĩ đến cái chung mà chỉ muốn moi ra cho kỳ được nguyên do vì sao ông Lãnh phải ra đi? Đất không lành nên chim không đậu? Sợ dư luận vu vơ về chuyện cô Mộc? Hay ông không muốn mình suốt đời chỉ làm một “lão phó” cho người ta sai vặt?....Hỏi để rồi mỗi người tự ôm cho mình một mớ bòng bong gởi vào mộng mỵ, gởi vào tháng năm. Chả ai giải mã được những bí ẩn của một công ty nhiều bí ẩn. Hai năm sau, cô Mộc cũng chuyển công tác về cùng đơn vị với ông Lãnh. Chuyện cũ lại rộ lên. Thôi chết rồi, đúng là không có lửa làm sao có khói. Lại chính tay cô Mộc viết đơn xin đi khỏi công ty giữa lúc mà cô đang có một chỗ đứng nhiều người thèm. May là sau đó cây kim lâu ngày trong bọc đã ló đầu ra được một chút: Giám đốc chính là người đã đẩy ông Lãnh ra khỏi cơ quan. Chính miệng anh cán bộ tổ chức đáng tin cậy đã xì ra tin này. Thế mà nghe tin, có người vẫn hoài nghi. “Sao lạ vậy, trăm sự vinh quang của sếp đều nhờ vào bàn tay của “lão phó”. Sao lại đẩy đi? Hơn nữa, đời lão có khi nào tranh giành quyền chức với ai đâu? Sợ ngồi không yên trên lưng con ngựa tài? Sợ người quá hiểu biết về mình? Hay là ghen? Cô Mộc lắc đầu tất tật, nhưng hỏi đến ý sau cùng thì cô lại cười và gật đầu. Mọi người chẳng cười theo, vì biết cô Mộc hay đùa nhưng không quen nói dối. Lẽ nào chuyện là thế?

 

Chỉ từ một cái gật đầu của cô Mộc mà người ta suy ra lắm điều có cơ sở. Vậy bàn tay sếp mới chính là bàn tay “có lửa” đã tạo ra “khói”. Nhưng trước mặt sếp, biết bao người thường xuyên cợt đùa với cô Mộc, mà sao sếp vẫn lờ đi mà không ghen, hoặc chỉ mỉm cười? Trừ lão phó? Đúng rồi, trừ lão phó. Vậy là sao? Vậy lão phó với cô Mộc là chuyện thật như đùa. Vậy lão phó là tay chẳng vừa. Vậy sếp là người võ công thâm hậu, biết địch biết ta, biết đâu là đối thủ chính để quyết hạ đo ván Kết luận xong vấn đề, tay “tài xế nhiều chuyện” móc thêm câu vĩ thanh: “Từ tai nạn của lão phó suy ra, chớ dại mà đụng đến bồ của sếp”. Đã nói đến đáy của vấn đề như vậy rồi mà ông bảo vệ vẫn trầm ngâm như đang bấm quẻ “Tí hư, Sửu hao…” nào đó rồi vặn hỏi lại: “Nếu sếp đã tình ý sâu đậm với cô Mộc thì tại sao lại chịu thả hổ về rừng?”. Sếp đã ớn, đã chán tới óc? Hay không muốn mang tiếng? Không chịu nổi cái tính Thị Mầu của cô Mộc?....

 

Mọi nghi vấn rồi cũng chính tay cô Mộc, nhân chứng sống trong cuộc, giải mã: “Yêu thương gì bọn đàn ông hôm nay. Họ chỉ biết xác thịt, hồn vía vứt hết ở các quán nhậu rồi. Mộc đã vô cảm từ lâu. Ngủ với nhiều người nhưng chỉ yêu thương một người thôi. Chẳng qua vì cần tiền, cần thế…”. Vậy với sếp là cần tiền hay thế? “Tiền gì, chẳng qua người ta lợi dụng mình thôi. Dễ gì moi được tiền của mấy sếp. Có một trăm, bỏ ngân hàng cho vợ con chín chục, còn một chục mới đến...gái. Với lão phó cũng vậy sao? “Không,

anh Lãnh khác!”.

 

Mùa mưa bão năm đó ở vùng trung du Phước Thuận dai dẳng và dữ dằn kỷ lục. Có nhiều người chết, mất tích, bị thương. Cũng có người nằm trong tầm bão xoáy mà được cứu sống. Chỉ vô duyên, ông Lãnh không chết vì bão lũ mà vì một tai nạn giao thông. Khi báo cáo thiệt hại về người, chính quyền địa phương đã đưa tên ông vào chung danh sách với những nạn nhân bị chết vì bão lũ./.

Tiêu Đình
Số lần đọc: 1491
Ngày đăng: 17.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những sợi tóc măng - Nam Dao
Một Vì Sao Lạc Trên Dải Ngân Hà - Trần Minh Nguyệt
Ký Ức Làm Báo - 2 - Đỗ Ngọc Thạch
và cả hỏa ngục cũng đã rằng không - Bùi Hoằng Vị
Một pho tượng biết suy nghĩ - Trần Hoài Thư
Vượt thời gian - Lưu Quang Minh
Một lối tiện lợi - Lê Văn Thiện
Chuyện Chưa Kết Được - Tiêu Đình
Lan huệ sầu ai - Quý Thể
Biệt Thự, Mèo, Răng Giả Và Những Chuyện Khác - Trần Đức Tiến
Cùng một tác giả
Ngoài Tầm Bão Xoáy (truyện ngắn)
U 60 (truyện ngắn)
Freud Lắc Đầu (truyện ngắn)
Hương Dủ Dẻ (truyện ngắn)
Sóng Xao Bến Rì (truyện ngắn)
Riêng Trong Riêng (truyện ngắn)
Giả Vờ Yêu Nhau (truyện ngắn)
Đền Bà Ru Con (truyện ngắn)
Xóm núi (truyện ngắn)